SỐ 90 - THÁNG 4 NĂM 2021

Mơ chuyến ra khơi

Ngô Thụy Chương

HQ800 đậu ngạo nghễ nơi Bến Bạch Đằng, trên nền trời xanh lá hiệu kỳ tung bay trước gió. Trước mũi tàu, ba ụ đại bác 40 ly đôi tăng thêm vẻ oai nghi cho chiến hạm. Trong bộ tiểu lễ trắng, tôi từ tốn, thận trọng bước lên chiến hạm. Người hạ sĩ quan gác hạm kiều thấy tôi bước lên, nghiêm chỉnh đưa tay chào, tôi đưa tay chào lại, xưng tên và nói là sĩ quan tân đáo đơn vị. Anh hạ sĩ quan trẻ đưa tôi đến phòng Hạm phó. Đại úy Hạm phó niềm nở đón tiếp, ông hỏi về đời tư, cuộc sống quân ngũ của tôi, ông trình bày sơ qua về tình hình sinh hoạt HQ800, sau đó đưa tôi đến gặp Hạm trưởng. 

Căn phòng Hạm trưởng rộng và trang nghiêm. Bộ sa-lông bằng da, màu cà-phê sữa chiếm gần nửa gian phòng, tấm thảm đỏ màu rượu chát trải dài khắp nơi. Phía sau là bàn giấy làm việc của Hạm trưởng: Hải quân Thiếu tá Vũ Nhân.
Tôi đứng nghiêm, giơ tay chào, xưng tên họ, xin trình diện Hạm trưởng. Ngồi từ chiếc ghế bằng da sau bàn làm việc, Hạm trưởng Vũ Nhân ngẩng đầu lên, nhìn thoáng tôi từ đầu đến chân. Ông phất tay chào lại và ra hiệu cho tôi đứng thoải mái.  

Hạm trưởng Vũ Nhân ôn tồn hỏi tôi đi học về từ bao giờ? gia đình ra sao? Sau đó ông khuyên nhủ: “Đây là nhiệm sở đầu tiên, hãy cố gắng làm việc, học hỏi kinh nghiệm của các đàn anh để tiến bước trên đường hải nghiệp và hoàn thành trách vụ được trao phó”. Giọng nói của Hạm trưởng chậm rãi, trầm ấm nhưng toát ra vẻ cứng rắn và oai nghiêm. Tôi hiểu rằng, trong những tháng ngày tới, tôi sẽ làm việc với một vị chỉ huy kỷ luật và cương nghị. 

Yểm trợ hạm Mỹ Tho HQ800 được Hải Quân Mỹ bàn giao cho Hải Quân Việt Nam Cộng Hòa vào ngày 12 tháng 10 năm 1970. Lễ bàn giao được tổ chức tại căn cứ hải quân Mỹ tại đảo Guam. Khi tôi nhận nhiệm sở HQ800 vào tháng 2/1971, quân số chiến hạm rất ít. Sĩ quan hải hành ngoài Hạm trưởng, Hạm phó có thêm Trung úy đệ tam Nguyễn Võ Hiệp, sĩ quan đệ tứ là Nguyễn Tuấn Bình (khóa 4 OCS), tôi là sĩ quan đệ ngũ, sau đó có thêm Nguyễn Khắc Chinh (cùng OCS 5). Sĩ quan kỹ thuật chỉ duy nhất Đại úy Ninh.  Những tháng đầu tiên về Việt Nam, HQ800 trong giai đoạn bổ xung quân số, dù vậy HQ800 vẫn hoạt động như một căn cứ lưu động để hổ trợ các lực lượng hành quân vùng 3 chiến thuật. Cửa Hàm Luông, Cổ Chiên là những địa điểm chiến hạm thường hiện diện.

Những lần đi ca đêm, Hạm trưởng Vũ Nhân thường hay có mặt ở đài chỉ huy. Ông đi tới đi lui, hỏi thăm người này, nói chuyện người kia, và lần nào ông cũng ghé đến sĩ quan “nhí” chúng tôi để “khảo bài”. Ông bắt chúng tôi chấm tọa độ, coi hải đồ, đo vị trí, kiếm sao trời. Những lúc đó ông nghiêm nghị như một vị thầy đang khảo bài học trò. Ông đòi hỏi phải là học trò giỏi, phải trả lời rõ ràng chính xác. Nếu làm sai, ông giảng dạy nhưng cương nghị và lớn tiếng. Những lúc ấy cả bầu trời như sụp đổ và đè nặng lên thân mình.

Sau bảy, tám tháng sinh sống, hoạt động tại HQ800, tôi được Hạm trưởng chỉ định đi học khóa Chiến Tranh Chính Trị được tổ chức tại Cục Chính Huấn, Bộ Tổng Tham Mưu. Sau ba tháng tu nghiệp, trở về chiến hạm, Hạm trưởng Vũ Nhân giao trách nhiệm cho tôi vừa là sĩ quan hải hành kiêm sĩ quan An ninh và Chính trị đơn vị.

Chuyến hải hành xa đầu tiên

Sau những tháng ngày hoạt động dọc duyên hải, HQ800 được lệnh trở về Sài Gòn lấy nhiên liệu và quân dụng để chuyển ra Đà Nẵng. Khi nhận được lệnh đi công tác tại Vùng I, cả chiến hạm vui mừng. Uớc mơ của những người lính biển là được vẫy vùng sóng biển. Để thấy được những cánh hải âu, những loài chim biển bay theo con tàu như đùa rỡn, như chào mừng hay mơ về những cụm hoa biển nhấp nhô trên sóng gợi nhớ những mối tình lãng mạn của tuổi trẻ bay bướm.

Trung úy Hiệp mỉm cười, thân mật vỗ vai tôi và nói ngắn gọn:

“Chương, tối nay có bão. Mày chuẩn bị tinh thần nha.”

Tôi gật đầu cười đáp lại.

Với lòng tự tin cùng kiến thức hải hành đã có, tôi tin tưởng sẽ làm tròn trách nhiệm của một sĩ quan.

Những hồi còi ngắn báo nhiệm sở hải hành, HQ800 từ từ rời bến. Giã từ Sài Gòn. Giã từ những ngày sum họp ngắn ngủi với gia đình. Giã từ những bóng hồng đang phóng Honda dọc theo bến cảng.

Tôi lên ca thì trời sẩm tối, Vũng Tàu đang từ từ xa dần trong ánh đèn nhạt nhoà phía sau lưng. Đứng trên đài chỉ huy, tôi có thể nhìn khắp chung quanh. Mặt trời to và đỏ đang từ từ lặn dưới chân trời. Cảnh hoàng hôn trên biển đẹp tuyệt, thơ mộng và trữ tình. Những lớp sóng miên man gõ nhẹ mạn thuyền. Ngàn tinh tú đang chớp tắt trên bầu trời xanh thẩm.

Trung úy Hiệp, khóa 17 Nha Trang, là trưởng ca, tôi phụ tá. Nhìn chung quanh nhận thấy những khuôn mặt quen thuộc. Viên thượng sĩ già Giám lộ, chàng hạ sĩ trẻ Trọng Pháo và vài ba thủy thủ đứng chung quanh. Có 5, 7 người cùng đi ca chung, nói chuyện cũng vui.

Gió càng ngày càng mạnh, con tàu lắc lư, nghiêng ngả. Nhiều lúc mũi tàu như đâm thẳng xuống biển sâu và sau đó trồi mình lên như con cá mập bung khỏi mặt nước. Những lớp sóng mạnh đập vào mạn tàu vang lên trong đêm khuya như những nhát  búa đánh vào một miếng sắt.   

Đầu bắt đầu cảm thấy choáng váng như người say rượu. Ánh đèn của những con tàu đi ngang qua như nhảy múa trước mắt, lúc ẩn lúc hiện, nhạt nhòa, trôi nổi như những bóng ma. Tôi đứng dựa  người sát vào thành tàu, hai tay bám chặt lan can. Có cái gì đó đang lao xao, rạo rực trong bụng, thỉnh thoảng bùng lên những cơn đau quặn. Như xé ruột. Như những nhát dao đâm ngang hông. Tôi đứng đó, nhìn về phía trước và thầm đoán, chắc hẳn lúc này đây, bao nhiêu con mắt đang đổ dồn về mình. Họ nghĩ gì? Họ chờ đợi gì? Không biết ông sĩ quan mới ra trường này có qua nổi con trăng này không? Lời hát vui của đám bạn hải quân bỗng như văng vẳng bên tai:

“Ôi biển cả giờ này ta mới biết
Mộng hải hồ tan nát cuộc đời trai!”

Một ý chí phấn đấu và lòng tự ái chợt bừng lên. Không thể được! Không thể thua cuộc chơi này! Phải chiến thắng sóng gió bão bùng! Tôi đứng thẳng người lên, mắt mở to và thở hít như lời dặn dò của trung úy Hiệp trước khi lên ca: “Chương, khi mệt, mày nhớ hít thật sâu và mạnh. Thở đều sẽ qua cơn say sóng.”

Bốn tiếng đi ca dài như một thế kỷ. Mừng rỡ làm sao khi thấy bóng dáng người bạn lên thay phiên. Bám thành tàu, tôi chậm chạp xuống từng nấc thang rời đài chỉ huy đi về phòng ngủ. Phóng mình xuống giường, ngủ một giấc dài mê man, không mộng mị.

Không biết có phải do những cơn sóng không còn hung dữ, bạo loạn như tối hôm qua, hay nay đã quen với sóng, với gió, những lần đi ca sau vững vàng, thoải mái. Tôi cảm thấy yêu đời hơn. Lại càng thấy đời lính biển đẹp, thơ mộng và đáng sống. Còn thích thú nào hơn khi hưởng những giờ phút thần tiên trong những chuyến hải hành. Những giây phút chờ đợi đón chào mặt trời ló dạng, những đêm khuya đứng ngắm nghìn sao lấp lánh trên bầu trời đen thẫm. Sóng, gió, biển mặn quyện vào môi như vị rượu đắng ngày nào. Từ trên đài chỉ huy nhìn trời biển mênh mông, hải đảo thấp thoáng xa xa, đất liền đang say ngủ, giờ này chỉ có mình ta cùng biển rộng đất trời. Một niềm vui lẫn tự hào khi nghĩ về những người lính biển đang vượt sóng, ngăn gió, âm thầm bảo vệ biên cương. 

Biệt hải với Hòn Đá Bạc

HQ800 đang hoạt động tại Vùng II chiến thuật, khu đảo Phú Quý thì nhận được lệnh trở về Sài Gòn. Sau ba, bốn tháng lên đênh trên biển, tàu được trở về thủ đô thì còn gì sung sướng hơn. Bao nhiêu chương trình, bao nhiêu dự tính được phát họa. Anh lính trẻ thân cận nói nhỏ:

“Kỳ này về bến, ông thầy ghé nhà em chơi nha.”

HQ800 từ từ tiến vào bến Bạch Đằng, cập vào cầu tàu trước tượng Trần Hưng Đạo gần Bộ Tư Lệnh Hải Quân. Mọi ngưòi vui vẻ chuẩn bị chờ Hạm phó phân chia trách nhiệm trước khi rời tàu. Niềm vui chưa được bao lâu bỗng nghe Hạm trưởng ra lệnh:

“Cắm trại 100%. Không một ai được rời chiến hạm.”

Vài ngày sau tàu được lệnh lấy đầy nước, bơm đầy dầu, chuẩn bị lương thực cho một tháng. Sau đó tàu di chuyển và cập bến trong vòng rào Hải Quân Công Xưởng. Không lâu, xuất hiện một toán Biệt hải gồm 12 người bao gồm 4 sĩ quan, dẫn đầu là một vị đại úy.

Toán Biệt hải khệ nệ đem ba lô, chiến cụ lên boong tàu, đủ mọi loại súng, súng ngắn súng dài và bốn cái xuồng máy màu đen ngòm thổi phồng bằng hơi. Những người lính Biệt hải to lớn, vạm vỡ. Họ cười đùa với nhau cứ tưởng như con nít nhưng họ lại là những chiến sĩ can trường. Họ luôn thi hành những điệp vụ đặc biệt. Họ là những người chiến đấu âm thầm nhưng rất hào hùng. Họ hoạt động độc lập và trách nhiệm đi sâu vào vùng địch để lấy tin tức, để dò thám, để bắt sống địch quân hay phá hủy cơ sở hậu cần...  

Hạm trưởng Vũ Nhân tập họp toàn thể sĩ quan và thủy thủ đoàn và thông báo HQ800 có trách nhiệm chở toán Biệt hải  thi hành một biệt vụ tại Hòn Đá Bạc.

Hòn Đá Bạc là một dãy cù lao nhỏ nằm ở cực Nam đất nước. Vùng sôi đậu Cà Mau. Theo tin tức tình bào, đây là nơi giam giữ lính VNCH và là một hậu cần của Cộng Sản.

HQ800 bỏ neo ngoài khơi xa thẳm vùng cực Nam đất nước. Hàng ngày Hạm trưởng, Hạm phó họp với vị sĩ quan chỉ huy toán Biệt hải, liên lạc trực tiếp với Bộ Tư Lệnh Hạm Đội, phác họa kế hoạch đổ quân và chờ chỉ thị hành động.

Một đêm không trăng, lệnh hành quân được ban ra. Chiến hạm không một ánh đèn. Im lặng vô tuyến tối đa. HQ800 nhẹ nhàng, âm thầm lướt sóng tiến gần đến Hòn Đá Bạc. Nửa đêm, trời tối như mực, khi cách xa Hòn Đá Bạc chừng 20 hải lý, tàu ngưng lại, thả neo giữa biển khơi. Chiếc tàu con đổ bộ LCVP được từ từ hạ xuống biển. Toán Biệt hải 6 người trong đó có 2 sĩ quan chuẩn bị rời tàu lớn. Trong bóng tối mịt mờ, 6 người Biệt hải xuất hiện mặc quần áo như những bộ đội Cộng sản: đồ bà ba đen, cổ quấn khăn rằn, chân đi dép râu, đeo súng AK. Họ kéo thêm 2 chiếc xuồng đã thổi hơi xuống LCVP.

Xuồng đổ bộ LCVP tiếp tục chở toán 6 người Biệt hải tiến gần Hòn Đá Bạc. Tiếng máy tàu kêu rất nhỏ, nhưng trong đêm thanh vắng vẫn nghe đâu đây tiếng máy rù rì. Khi cách Hòn Đá Bạc 5 hải lý, LCVP tắt máy. 6 người Biệt hải chia thành 2 toán, mỗi toán 3 người xuống xuồng thổi hơi, nhanh chóng chèo vào bờ. Nhiệm vụ là phải hoàn thành và trở ra LCVP đúng hẹn để được đưa về tàu lớn trước khi trời hừng sáng.

Hai, ba giờ sau. Trời còn tối, từ tàu lớn đã nghe tiếng máy rè rè vọng lại và càng ngày càng lớn. Bóng dáng chiếc LCVP dần dần hiện rõ. Toán Biệt hải không những đã trở về bình an mà còn mang về chiến lợi phẩm: một người trung niên bị bịt mắt đưa lên tàu.

Câu chuyện được kể như sau:“ Hai toán Biệt hải chèo xuồng cập vào con lạch. Một toán nằm ụ dọc theo đường để yểm trợ toán thứ hai tiến sâu vào nội địa, hướng đến một căn chòi. Theo tin tức tình báo, căn chòi là nơi trưởng toán du kích ẩn náu. Ba người Biệt hải đang hiên ngang vác súng AK trên đường đê thì bất ngờ một người đàn ông, mình trần trùng trục, chỉ mặc quần xà lỏn, tay cầm cái vó bắt cá từ trong đám lau sậy bước ra. Người đàn ông thấy ba người lạ đi tới, buột miệng hỏi: “Các đồng chí từ K nào đến?”. Biết là gặp du kích, ba Biệt hải giả bộ nói những câu lý nhí và tiến thẳng đến người du kích. Một Biệt hải quật nhanh người du kích xuống đất. Bị bất ngờ, chưa kịp phản ứng thì Biệt hải thứ hai trấn người này xuống đất và bịt miệng người này lại. Sau vài giây chống cự, người du kích bị toán Biệt hải trói tay, bịt miệng, bịt mắt và dẫn trở lại hai chiếc xuồng, chèo ra tàu nhỏ để trở về chiến hạm.”    

Vài ngày sau, một điệp vụ thứ hai là đi bắt cán bộ kinh tài thu thuế dân đi đánh cá đêm. Hai toán Biệt hải, mỗi toán 3 người làm công tác này. Từ hai xuồng nhỏ giả như dân đánh cá. Với ống nhòm coi đêm, toán Biệt hải nhận diện được ghe du kích đang thu thuế các ghe dân. Hai xuồng Biệt hải chèo từ hai hướng khác nhau men đến xuồng thu thuế. Hai nữ du kích kinh tài vừa mở miệng định đòi thuế thì hai Biệt hải đã phóng lên xuồng của họ, áp đảo bằng súng AK. Bịt mắt, trói tay đưa về tàu lớn.

Hạm trưởng báo về Bộ Tư Lệnh Hạm Đội diễn tiến và kết quả hành quân. Chiến hạm được lệnh quay về Phú Quốc để giao các tù binh cho cơ quan an ninh. Sau đó HQ800 trực chỉ Vũng Tàu chờ công tác mới.

Viễn Dương Tân Gia Ba

Mùa thu 1972, HQ800 được đi đại kỳ tại Tân Gia Ba. 50% sĩ quan và thủy thủ đoàn được lựa chọn để theo tàu qua Tân Gia Ba. Trong số 16 sĩ quan đang phục vụ, 8 sĩ quan được ở lại tàu, bao gồm 5 sĩ quan hải hành và 3 sĩ quan cơ khí.

Hạm trưởng Vũ Nhân, nhận nhiệm vụ mới tại Bộ Tư Lệnh, được thay thế bằng HQ Trung tá Võ Văn Huệ, Hạm phó thuyên chuyển về Giang đoàn. Ba sĩ quan hải hành được ở lại để lái tàu qua Tân Gia Ba là Đại úy Hiệp (vừa được thăng cấp), tôi và Nguyễn Khắc Chinh.

Trong thời buổi chiến tranh, được dẫn tàu đi đại kỳ để tu bổ quả là một ân sủng, một dịp đi nghỉ xả hơi ở ngoại quốc. Xưởng sửa chữa và đóng tàu Sembawang tại Tân Gia Ba là một cơ xưởng lớn nhất Đông Nam Á. Việc tu bổ do cơ xưởng này chịu trách nhiệm. Sĩ quan trên tàu có trách nhiệm kiểm soát việc làm của đám thợ Tân Gia Ba. Các thủy thủ hàng ngày lo gõ sét, sơn phết v.v..nên mọi người có nhiều thời giờ nhàn rỗi, vui chơi.

Trong một dịp thăm viếng xã giao Tòa Lãnh Sự tại Tân Gia Ba, chúng tôi được biết có ba vị giáo sư dạy Anh văn tại quê nhà cũng đang tu nghiệp tại Viện Ngôn Ngữ Tân Gia Ba cùng với một số giáo sư của các quốc gia Đông Nam Á. Cũng có một số kiều bào sinh sống tại đây, đa số là các phụ nữ có chồng ngoại quốc và các người chồng đang làm việc tại gian khoan ngoài khơi Tân Gia Ba.

Ba vị giáo sư, tuổi trung niên, cho biết sẽ còn tu nghiệp một tháng, sau đó sẽ trở về Việt Nam. Viện Ngôn Ngữ sẽ tổ chức ngày kết thúc khóa tu nghiệp bằng một sinh hoạt văn hóa có sự đóng góp của tất cả các nước có học viên theo học. Các vị giáo sư kêu gọi sự giúp sức của HQ800. Hạm trưởng Võ Văn Huệ chỉ định tôi trách nhiệm liên hệ với ba vị giáo sư cũng như các kiều bào để làm chương trình văn nghệ dân tộc.

Ngày hội văn hóa đã đến. Hội trường Viện Ngôn Ngữ đông nghẹt người tham dự, mọi người gặp nhau tay bắt mặt mừng, áo quần đủ mầu, đủ vẻ. Các quốc gia tham dự mặt quốc phục của nước họ làm tăng vẻ đẹp và tươi mát cho ngày hội. Các phụ nữ Việt Nam với những chiếc áo dài thướt tha, gây nhiều chú ý cho khách tham dự.

Đại diện các quốc gia như Thái Lan, Phi Luật Tân, Mã Lai, Nam Dương, Tân Gia Ba...tuần tự trình diễn qua các điệu múa, hát thật vui nhộn.

Phái đoàn Việt Nam mở đầu với bài “Sài Gòn đẹp lắm” do ba vị giáo sư trình bày với sự phụ họa của chàng thủy thủ trẻ với chiếc đàn ghi-ta. Bình thường các vị này rất nghiêm nghị, nhưng hôm nay, đứng trên sân khấu, trình diễn trước khán giả của các quốc gia láng giềng, ba vị đã hát bằng tất cả tấm lòng với đất nước quê hương.

Rồi toán văn nghệ HQ800 với 3 thủy thủ, mặc những chiếc áo bà ba dân tộc, trình diễn “Dân ca ba miền”. Sôi nổi nhất là màn trình diễn áo dài của các phụ nữ Việt Nam. Tiếng vỗ tay vang dội khắp hội trường khi những bóng hồng từ từ xuất hiện trên sân khấu. Nhưng có lẽ những tiếng vỗ tay mạnh nhất, những tiếng hò reo lớn nhất phát ra từ các anh chồng ngoại quốc đang ủng hộ hết mình những bà vợ Việt Nam duyên dáng của mình. Bài “Việt Nam Việt Nam” được toàn thể nhóm văn nghệ Việt Nam cùng đồng ca kết thúc phần trình diễn của mình.

Buổi lễ hội chấm dứt trong sự vui vẻ, thân mật. Thủy thủ đoàn HQ800 cũng vui mừng vì đã hoàn thành tốt đẹp một công tác dân sự vụ nơi xứ người.

Giờ đây, gần 50 năm rời xa chiến hạm, bóng dáng con tàu thỉnh thoảng vẫn hiện lên trong trí tưởng. Hình ảnh con tàu như nhắc nhở, như mời gọi, như rọi sáng kỷ niệm năm xưa. Ngày nay, xa quê hương, may mắn được sống ở một thành phố gần một căn cứ Hải Quân Hòa Lan, tôi đã có nhiều dịp đứng tần ngần trước quân cảng này. Nhìn các chiến hạm từ từ ra khơi, tôi lại mơ. Tôi mơ có một lần, một lần nữa thôi, được đứng trên HQ800 cùng chiến hữu anh em làm một chuyến ra khơi...

Ngô Thụy Chương

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021