SỐ 90 - THÁNG 4 NĂM 2021

A Thousand Splendid Suns 
Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 32

Laila

Laila nhớ lại lần, cách đây đã nhiều năm, mọi người họp mặt ở nhà nó, một bữa má nó khoẻ. Lúc đó mấy bà đang ngồi ngoài vườn, quanh một dĩa dâu ta bà Wajma hái trên cây trong sân nhà bà. Mấy trái dâu ta no tròn màu trắng, màu hồng, và vài trái màu tím thẫm giống như những mạch nhỏ trên mũi của bà.

“Chắc mấy bà có nghe nói thằng con của ổng chết như thế nào rồi chứ?” bà Wajma hỏi, tay nhiệt tình thảy một nắm dâu vô miệng sún của bà.

“Nó chết đuối, đúng không? Bà Nila, mà của nhỏ Giti, bảo. “Ở hồ Ghargha chứ gì?”
“Nhưng các bà có biết, các bà có biết là ông Rasheed…”

Bà Wajma giơ ngón tay lên, và vừa gục gật đầu vừa nhai, cố ý bắt mọi người phải chờ bà nuốt.

“Các bà có biết hồi đó ông Rasheed nhậu dữ lắm, và bữa đó ổng nhậu say tới khóc không? Thiệt mà. Tôi nghe nói xỉn tới khóc luôn. Mà lúc đó mới giữa buổi sáng. Tới trưa thì ổng đã nằm thẳng cẳng trên ghế dài. Có bắn cà-nông kế bên tai, ổng cũng không chớp cọng lông mi nữa.”

Laila còn nhớ bà Wajma che miệng ợ như thế nào, và đưa lưỡi rà mấy cái răng còn lại như thế nào.

“Mấy bà tưởng tượng tiếp được chứ gì. Thằng bé đi xuống nước mà không ai biết. Một lúc sau người ta mới phát hiện nó nổi lên, mặt úp xuống nước. Mọi người chạy lại cứu nó, một nữa cố gắng cứu tỉnh nó, nửa kia lo cứu tỉnh cha nó. Có người còn kê miệng làm hô hấp nữa. Nhưng vô ích. Mọi người đều thấy rõ. Thằng bé chết rồi.”

Laila còn nhớ bà Wajma giơ ngón tay và giọng bà run lên đầy thương hại. “Ðó là lý do tại sao kinh Koran cấm uống rượu. Bởi vì người không uống rượu bao giờ cũng phải trả giá cho tội lỗi của kẻ say rượu. Rõ ràng như vậy.”

Chính câu chuyện này đã quay cuồng trong đầu óc Laila khi nó báo cho Rasheed biết nó đã mang thai. Rasheed đã tức thì nhảy lên xe đạp, chạy ra giáo đường Hồi để cầu con trai.

Tối hôm đó, suốt cả bữa ăn, Laila thấy Mariam cứ lùa cục thịt quanh dĩa cơm của mình. Laila có mặt ở đó lúc Rasheed bất ngờ báo tin cho Mariam biết bằng một giọng cao rất cải lương – Laila chưa bao giờ chứng kiến sự vui mừng nào tàn nhẫn đến thế. Mariam chớp mắt liên hồi khi nghe tin. Mặt nàng đỏ lên dần. Nàng ngồi đó, im lặng, hờn dỗi, buồn bã và cô đơn.

Sau đó, Rasheed đi lên lầu để nghe radio, và Laila phụ Mariam dọn dẹp mâm cơm.

“Chẳng tượng tượng được cô là cái gì bây giờ,” Mariam nói, tay nhặt những hạt cơm và bánh mì,  “nếu trước cô là chiếc xe Benz.”

Laila thử đùa. “Chiếc xe lửa? Hay chiếc máy bay lớn.”

Mariam ngồi thẳng lên. “Tôi hy vọng cô không viện cớ này để khỏi làm công việc nhà.”

Laila mở miệng, rồi lại thôi. Nó tự nhủ, trong chuyện dàn dựng này chỉ có Mariam là người vô tội. Mariam và đứa bé.

Ðêm đó, trên giường, Laila bật khóc.

Chuyện gì vậy? Rasheed muốn biết, nâng cằm nó hỏi. Nó bịnh hả? Hay em bé, em bé có sao không? Hay Mariam xử tệ với nó?

“Ðúng rồi, phải thế không?”
“Không.”
“Anh thề, anh sẽ xuống dạy cho nó một bài học. Nó tưởng nó là ai chứ, cái thứ con hoang đó mà dám đối xử với em”
“Ðừng.”

Rasheed đã ngồi dậy, Laila phải nắm cánh tay y, kéo xuống. “Ðừng! Không! Chị ấy tốt với tôi mà. Ðể mặc tôi một chút. Tôi không sao mà.”

Rasheed ngồi xuống bên cạnh Laila, vuốt ve cổ nó, thì thầm. Bàn tay y lần xuống lưng Laila, rồi lại lên. Y cúi xuống, nhe hàm răng lổm chổm.

“Xem anh có thể làm cho em cảm thấy khá hơn không nào,” y thì thầm.

Ðầu tiên, cây - những cây chưa bị đốn làm củi - bắt đầu trút lá, lá vàng, lá đỏ.

Rồi đến những cơn gió lạnh khô thổi lốc qua thành phố. Gió cuốn bay những chiếc lá còn bám viú, để lại những thân cây trông ma quái trên nền nâu tối của các ngọn đồi. Tuyết đầu mùa rơi nhẹ, vừa xuống đã tan ngay. Rồi đường xá đóng băng, và tuyết tụ lại thành đống trên mái nhà, thành băng che kín nửa khung cửa sổ. Theo cùng với tuyết là những cánh diều, một thời làm chủ bầu trời mùa đông của Kabul, giờ đây chỉ dám nhút nhát lẻn vô vùng chế ngự bởi đạn pháo và máy bay chiến đấu.

Rasheed không ngừng mang về tin tức chiến tranh, và Laila ngỡ ngàn về những sự trung thành mà Rasheed cố gắng giải thích cho nó hiểu. Sayyaf đang đánh nhau với dân Hazaras, y nói. Dân Hazaras đang đánh nhau với phe Massoud.

“Còn Massoud thì dĩ nhiên đánh với Hekmatyar, người được Pakistan ủng hộ. Massoud và Hekmatyar, hai kẻ thù không đội trời chung. Sayyaf đang theo về phe Massoud, còn Hekmatyar thì hiện thời đang ủng hộ dân Hazaras.”

Còn về phần Dostum, vị chỉ huy trưởng người Uzbek chứng tánh đó, Rasheed nói không ai biết ông sẽ theo phe nào. Vào những năm 1980, Dostum đã sát cánh cùng thánh chiến quân Hồi giáo để đánh Liên Xô, nhưng sau khi quân Liên Xô rút đi, ông ta đã trở mặt và tham gia chế độ cộng sản bù nhìn của Najibullah. Ông ta kiếm được một cái huy chương nữa chứ, do chính Najibullah trao tặng, trước khi trở mặt một lần nữa để quay về với quân thánh chiến Hồi giáo. Hiện thời, Dostum hổ trợ Massoud, Rasheed nói.

Tại Kabul, đặc biệt ở phía tây thành phố, cháy dữ dội, từng cột khói đen bốc lên như nấm trên các tòa nhà tuyết phủ trắng. Các tòa đại sứ đóng cửa. Trường học sụp đổ. Nơi phòng chờ của các bệnh viện, bệnh nhân chết vì ra máu quá nhiều, Rasheed nói. Nơi phòng mổ, chân tay bị cưa mà không có thuốc tê.

“Nhưng em đừng lo,” y nói. “Ở với tôi là em an toàn, hoa hồng của tôi ơi. Kẻ nào muốn hại em, tôi sẽ móc gan nó, bắt nó ăn.”

Mùa đông năm đó, nhìn đâu Laila cũng chỉ thấy những bức tường chặn đường đi. Đầy luyến tiếc, Laila nhớ đến những bầu trời thênh thang của tuổi thơ, đến những lần cùng cha đi coi những trận đấu buzkashi giữa hai phe cởi ngựa tranh xác con dê, và cùng mẹ đi mua sắm, đến những ngày tự do chạy chơi trên đường phố, cùng với nhỏ Giti và nhỏ Hasina bàn tán về bọn con trai. Những ngày ngồi với Tariq trên thảm cỏ đâu đó bên bờ suối, trao đổi câu đố và kẹo, ngắm mặt trời lặn.

Tuy nhiên, nhớ tới Tariq cũng có cái nguy hiểm bởi vì khó tránh khỏi hình ảnh của Tariq nằm trên giường, ở đâu xa lắc, cơ thể cháy phỏng cắm đầy ống. Như chất mật đắng đốt cháy cổ họng của nó thời gian gần đây, một nỗi buồn sâu thẳm và tê liệt sẽ dâng lên trong lòng nó. Hai chân nó sẽ tan thành nước. Nó sẽ phải vịn vô cái gì đó.

Laila trải qua mùa đông 1992 năm đó trong những công việc quét nhà, lau chùi vách tường màu cam phòng ngủ của nó và Rasheed, giặt quần áo ngoài sân trong cái thau lớn bằng đồng. Có đôi khi, Laila thấy mình như lơ lửng bên trên chính cơ thể của mình, nó thấy mình ngồi xổm bên miệng thau, tay xắn lên tới cùi chỏ, hai bàn tay đỏ ửng vắt nước xà bông từ chiếc áo lót của Rasheed. Những lúc đó, Laila cảm thấy mất tin tưởng, mất hướng, chẳng khác chi kẻ đắm tàu còn sống sót, không nhìn thấy bến bờ, chỉ mịt mù nước.

Khi trời lạnh quá không đi ra ngoài được, Laila đi loanh quanh trong nhà. Nó đi kéo lê móng tay trên tường, tới lui trong hành lang, xuống cầu thang, rồi lại lên, mặt chẳng rửa, tóc không chải. Nó cứ đi cho tới khi chạm mặt với Mariam, bị Mariam nguýt cho cái nhìn kém vui trước khi tiếp tục cắt cuống trái ớt chuông và lóc mỡ miếng thịt. Một sự yên lặng nhức nhối tràn ngập căn phòng và Laila gần như nhìn thấy được sự thù nghịch không lời tỏa ra từ Mariam, như những luồng nhiệt xông lên từ lớp nhựa tráng đường. Thế là Laila lại rút lui vô phòng, lên giường ngồi nhìn tuyết rơi.

Một hôm, Rasheed dẫn Laila ra tiệm giầy của y.

Lúc hai người đi ra ngoài, Rasheed đi cạnh Laila,  một tay nắm chặt cùi chỏ của nó. Đối với Laila, việc đi ra ngoài đã trở thành một bài tập để tránh bị thương. Mắt nó vẫn chưa quen bị giới hạn bởi cái áo che mặt và trùm kín người, chân nó vẫn còn bị vấp vô gấu áo. Laila bước đi mà cứ sợ bị vấp ngã, sợ trặt cổ chân vì bước trúng ổ gà. Tuy nhiên,  Laila thấy cái áo trùm người cũng tiện cho việc che dấu tên tuổi. Cách này, nếu bất ngờ gặp một người quen cũ thì nó sẽ không bị nhận diện. Nó sẽ không phải chứng kiến sự ngạc nhiên trong cái nhìn của họ, hay sự thương hại hoặc sự vui mừng của họ thấy cuộc đời nó xuống dốc đến thế, và những mộng ước cao xa của nó đã tan tành.

Tiệm của Rasheed lớn hơn và sáng sủa hơn Laila tưởng tượng. Rasheed cho Laila đến ngồi sau cái bàn chỗ y làm việc, trên đó ngổn ngang đế giầy cũ và những sợi da thừa. Y cho Laila coi mấy cái búa, biểu diễn bánh xe giấy nhám làm việc như thế nào, giọng nói y rổn rảng đầy tự hào.

Y sờ bụng Laila, không phải sờ qua làn áo mà sờ dưới áo, mấy đầu ngón tay lạnh và cứng như vỏ cây chạm vô làn da căng của Laila. Laila nhớ đôi bàn tay mềm mại nhưng khỏe của Tariq với những đường gân to quanh co trên lưng bàn tay mà nó thấy đầy nam tính và quyến rũ.

“Lớn nhanh quá,” Rasheed nói. “Nó sẽ là một thằng nhỏ to con. Con trai anh sẽ là một anh hùng! Giống như cha nó.”

Laila kéo áo xuống. Nó cảm thấy sợ mỗi khi Rasheed nói chuyện như thế.

“Lúc này em với Mariam như thế nào rồi?”

Laila bảo tốt.

“Tốt. Tốt.”

Laila không nói cho Rasheed biết hai người đã cãi nhau một trận đầu tiên thực sự.

Chuyện xảy ra mấy bữa trước. Bữa đó Laila đi vô nhà bếp thì thấy Mariam đang giật mở và đóng sầm mấy ngăn kéo tủ. Mariam nói kiếm cái muỗng cây dài thường dùng để xới cơm.

“Lấy để đâu?” Mariam hỏi, xoay lại đối mặt mới Laila.
“Em?” Laila nói. “Em đâu có lấy. Em có vô đây thường đâu.”
“Tôi biết.”
“Chị trách tội em hả? Chính chị muốn vậy mà, nhớ không. Chị nói chị nấu cơm. Còn nếu chị muốn đổi - ”
“Vậy cô nói nó mọc chân đi mất à. Đi, đi, đi, đi. Chứ gì?”
“Em chỉ nói…” Laila nói, cố gắng giữ bình tĩnh. Thông thường, Laila có thể tự chủ mình để đón nhận sự chế nhạo và kết tội của Mariam. Nhưng bữa đó mắt cá chân của nó xưng phù, đau nhức và nó bị ợ chua thê thảm suốt ngày. “Em chỉ nói có thể chị để sai chỗ.”

“Để sai chỗ hả?” Mariam kéo ngăn tủ ra. Dao đũa trong đó chạm nhau kêu lẻng xẻng. “Cô ở đây bao lâu rồi, mấy tháng? Tôi đã ở trong căn nhà này mười chín năm rồi, thưa cô. “Tôi cất cái muỗng đó trong ngăn kéo này từ hồi cô còn mang tã.”

“Nhưng vẫn có thể,” Laila nói, cơn giận sắp bùng nổ, hàm răng nghiến chặt, “chị cất ở đâu rồi quên mất.”

“Và cũng có thể cô giấu nó đâu đó, để chọc tôi điên lên.”
“Chị là một người đàn bà khó chịu, quạu quọ,” Laila nói.

Mariam nao núng, rồi lấy lại bình tĩnh, nàng mím môi. “Còn mày là một con đĩ. Một con đĩ và một đứa ăn cắp. Một con đĩ ăn cắp!”

Rồi cả hai cùng la hét. Giơ nồi niêu lên dù không ném. Hai người chửi nhau thậm tệ bằng những tên gọi mà giờ nghĩ lại, Laila còn đỏ mặt. Từ bữa đó tới nay, hai người không nói chuyện với nhau nữa. Laila vẫn còn bàng hoàng sao nó dễ dàng nóng giận như thế, tuy nhiên, thực tâm mà nói, nó cũng có phần thích thú được chửi, được hét vô mặt Mariam, đưọc có một mục tiêu để tập trung vô đó tất cả sự đau khổ và tức giận đang sôi sục trong lòng nó.

Laila tự hỏi, bằng cảm giác của người trong cuộc, phải chăng Mariam cũng có ý nghĩ tương tự.

Sau đó, Laila lên lầu và ném mình lên giường Rasheed. Dưới nhà, Mariam vẫn còn la hét.

“Đầu óc mày dơ dáy! Đầu óc mày dơ dáy!” Laila nắm gục trên giường, ôm gối rên rỉ, đột ngột thấy nhớ cha mẹ một cách mãnh liệt chưa từng thấy từ sau những ngày khủng khiếp tiếp sau cuộc tấn công. Laila nằm đó, tay nắm chắt tấm ra giường, cho đến khi, đột nhiên nín thở. Laila ngồi dậy, hai tay chụp lên bụng mình.

Đứa bé vừa đạp lần đầu tiên.            

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021