SỐ 90 - THÁNG 4 NĂM 2021

Tình và Trí trong thơ Nguyên Sa

Thi Vũ

1Nguyên Sa là bút hiệu. Tên thật Trần Bích Lan. Sinh năm 1932 tại Hà nội. Tốt nghiệp Cử nhân Triết tại Đại học Paris. Nguyên giáo sư Triết trường Chu Văn An, Saigon. Hiệu trưởng trường Trung học tư thục Văn Học, Saigon. Tốt nghiệp Khóa 24 Sĩ quan trừ bị Thủ Đức, phục vụ ngành Quân Nhu. Chủ nhiệm tạp chí Hiện Đại (1960). Chủ bút tuần báo Gió Mới (1962). Cộng tác với các báo Sáng Tạo, Văn Học, Đất Nước, Nghiên cứu Văn học, Tiếng Nói, Quần Chúng... Đã xuất bản Thơ (1959), Thơ Tập Hai (1988), các tập truyện Gõ đầu trẻ (1959), Mây bay đi (1967), và các sách biên khảo Quan điểm Văn học và Triết học (1960), Một bông hồng cho Văn nghệ (1967), Descartes nhìn từ phương Đông (1969), Một mình một ngựa (1971). Hiện sống ở Irvine, bang California, Hoa kỳ, chủ trương tờ báo Đời.

Thủ bút của Nguyên Sa :
2
Dĩ vãng nào cũng đẹp — như ngọn nắng chiều qua khi ta thoi thóp trong đêm. Bây giờ ngoái về Saigon, thấy biết bao vàng son. Nhưng thời xưa, và thuở ấy, ta lại đắm chìm trong uẩn ức, buồn thương, ngộp thở. Hóa ra đời là sống cái chưa hề sống.

Thời chủ trương tạp chí Hiện Đại, Nguyên Sa đã viết ngay trang đầu ở số đầu ra mắt tháng 4 năm 1960 qua bài Mở cửa : "Văn nghệ trong những ngày tháng vừa qua nằm trong một tình trạng buồn. Cuộc sinh hoạt ấy như chợt chìm xuống một vũng sâu có bóng tối dầy và nặng. (...) Nỗi buồn ấy hiển hiện trước mắt. Tờ báo của cuộc đời văn nghệ 57, 58, 59 đi mất. Những người văn nghệ còn ở đấy nhưng buồn cũng đã ở đấy. Ở trên mắt trên môi, trên đường nét khuôn mặt, trong cử động chân tay. Ở giữa bọt trắng cốc bia, trong những cuộc vui ban đêm, trong những công việc mưu sinh tạp nhạp. Người ngồi trước cốc bia, người chạy trong cuộc vui ban đêm, người lao mình vào cuộc mưu sinh đều buồn. Bọt bia, đàn đêm, việc mưu sinh thắt lại thành một vòng vây trùng điệp, tụ lại thành một không khí chết chóc, dựng lên thành một trường thành im lặng sừng sững, nặng những buồn chán, chua xót ".

Chưa kể chiến tranh khốc liệt sẽ tới vài năm sau đó. Buồn thảm hơn. Đè nghiến hơn. Người thành hạt lúa dưới tảng đá xay.

Chẳng riêng Nguyên Sa đâu. Dương Nghiễm Mậu khi viết bạt cho tập thơ của Nhã Ca vào năm 1964 đã có cùng nhận định : "... Nhã, cũng như tôi, các bạn hữu tôi... chúng tôi đều buồn. (...) Sau những năm trôi nổi hằn học, chúng tôi mỗi lúc một buồn bã hơn, một độc ác tàn nhẫn hơn : những độc ác, tàn nhẫn từ trong tâm hồn mình, với chính mình. Chúng tôi đã chẳng giấu giếm gì điều đó. Bao nhiêu thần thoại đã bị hủy thiêu. Trước thực tế, chúng tôi kiêu hãnh làm loài sâu bọ, một kiêu hãnh rất Người. (...) Hoàn cảnh này còn viết văn, làm thơ gì nữa... Chẳng qua mình làm cho khuây vậy thôi ".

Trong khí hậu ấy, thơ Nguyên Sa ra đời. Và anh chọn nói tình yêu. Chẳng ai nhớ gì khác ngoài tình yêu, khi nghĩ về Nguyên Sa. Nguyên Sa là nguyên sa của áo nàng vàng anh về yêu hoa cúc, của Paris có gì lạ không em, của nắng Saigon anh đi mà chợt mát. Thế đã là hạnh phúc nhất trần gian cho người thi sĩ. Có gì vĩnh cửu hơn nơi trái đất này và những cõi trời kia ngoài tình yêu ? Và khi thơ tình yêu được người đời nhớ hát ? Nguyên Sa đã thành công điều mình ước vọng :

Tôi phải xin thưa : bị lừa gạt đã nhiều
Nên nguyện suốt đời thật dạ thương yêu
Nên nguyện suốt đời vĩnh viễn làm thơ
Cho những người con gái lấy chồng
Mang theo làm vốn liếng...

(trích Tâm sự, Thơ Nguyên Sa, tr. 75)

Vì Nguyên Sa định nghĩa thơ là "nghề thày kiện già biện hộ cho tình yêu ". (bđd.).

Thơ Nguyên Sa, một chứng tỏ Tình Yêu là vĩnh cửu. Tình Yêu, cuộc chiến thắng đầu tiên và cuối cùng trên và trước mọi hoạt động của loài người. Bốn mươi năm tranh chấp với hàng nghìn bài thơ chính luận sẽ còn lại gì bên cạnh những bài thơ tình?

Cùng với nhóm Sáng Tạo chủ xúy và sáng tác thơ tự do phá thể, chủ xúy đánh phá văn thơ tiền chiến, nhưng những bài thơ thành công của Nguyên Sa lại là những bài thơ ít phá thể và mang hơi hướm tiền chiến hơn cả. Thành công trong nghĩa được tạc khắc vào trí nhớ của số đông. Nguyên Sa là gạch nối giữa thơ tiền chiến với tâm tư người đọc còn cảm rung thơ tiền chiến. Số người này còn khá đông.

Thật vô ích những nỗ lực đánh đổ một trào lưu. Ngoại trừ nỗ lực ấy nhắm xác định sự hiện hữu mình. Xu hướng của mỗi trào lưu là động cơ tồn tại cho chính trào lưu ấy. Ngôn ngữ và cảm quan mà văn thơ tiền chiến thu đạt là một vốn liếng khai phóng cho văn học, chứ không là chướng ách cho những người tới sau. Song sự đời đã từ bao như thế. Có những xu thế văn học chồm tới như hải triều. Nhưng cũng có những xu thế văn học tồn tại bằng sự phá phách. Có chăng một giá trị tự tại của văn học ? Hay giá trị chỉ là giá trị, khi đứng vững trong không gian nhân sinh, và qua thời gian đào thải ?

Tình yêu là chân đứng của thi ca Nguyên Sa. Nhưng có người Việt nào chẳng làm thơ tình ? Sao họ chưa thành công ? Thơ non là một lẽ. Còn nguyên do thời tính, người khác gọi là sự may mắn, góp phần thành công cho một nhà thơ. Phải đến đúng lúc. Nói đúng lời mọi người chờ. Cộng vào đó một tâm hồn. Thơ mới rực rỡ.

Thơ Nguyên Sa là bầu khí hậu gom thành từ một Hà nội lãng đãng và một Paris trùng vọng. Nơi khí hậu ấy, thơ tình lướt đi. Một thứ thơ tình lả lướt, chữ của Nguyên Sa (1). Chứ không là thơ tình cháy loạn, đắm đuối, cuồng say thời tiền chiến.

Thời đó, những năm 50, thiếu niên và thanh niên nào không thoi thóp ngước về Paris như ngước về một cửu trùng đài, ngoại trừ họ đã bắn lòng mình về những chiến khu xa ? Thời đó, những năm 55, bỗng nhiên trên miệt dừa Đồng Nai xuất hiện nhiều hình bóng lạ của những cô gái Thăng Long chưa từng thấy. Những tà áo dài, tóc kẹp đuôi gà, giọng nói vừa trầm, vừa ngọt, vừa hấp hiu tình lẳng, đã thay đổi hẳn bối cảnh những cô gái tóc phi-dê miền Nam. Hẳn ta còn nhớ xao động này theo phong trào người miền Bắc di cư. Mà rõ nét nhất qua dung vóc Thúy Nga mặc áo dài ôm đàn accordéon hát trên các sân khấu Saigon ?

Nơi bối cảnh chiến tranh vừa dứt, hiệp định Genève chia hai đất nước, lòng người tạm bớt hốt hoảng để nghĩ tới cuộc sống bình thường, nghĩ tới tình yêu, thơ Nguyên Sa xuất hiện. Anh viết thơ tình trong khung cảnh Paris, và thơ tình với bóng hình những người con gái Hà nội. Hẳn phải đập vào mắt, vào cảm quan thời sự của người đương thời. Tôi sẽ sang thăm em, bài thơ viết sớm nhất ( ?) từ Paris năm 1953, đăng trên Sáng Tạo số 4 tháng giêng 57. Thơ viết từ Paris. Xa và oai biết mấy. Hình ảnh cũng mới và ảo mòng xiết bao :

Tôi sẽ sang thăm em
Để những mớ tóc màu củi chưa đun
Màu gỗ chưa ai ghép làm thuyền
Lùa vào nhau nhóm lửa

(trích Tôi sẽ sang thăm em, thơ Nguyên Sa, tr. 71)

Rồi "Paris có gì lạ không em ? " (tr. 16, Thơ Nguyên Sa) với Mai anh về giữa bến sông Seine... Chả biết tay ai làm lá sen ? Khí hậu Paris với khói thuốc xám, điệu nhạc mèm, người con gái mắt xanh màu da trời, trên hè phố Saint Michel, tháp Eiffel, bánh gaufre(2), cặp môi nghiêng trong cánh tay ghì, trên mỗi chuyến métro qua vồi vội. Paris\

của một buổi sáng mai khi những người phu đổ rác bắt  đầu đi
những thùng rác bắt đầu cọ vào nhau
với những tiếng kêu của một loài sắc lạnh
(3)
(trích Paris, Thơ Nguyên Sa, tr. 43)

Một Paris lưu luyến giờ tiễn biệt :

Người về trên một giòng sông xanh
Trên một con tàu hay một ga mông mênh

Sao người đi sâu vào không gian trong
Bức tường vô hình nên bức tường dầy mênh mông
Và sao lòng tôi không là vô tận
Cho gặp gỡ những đường tàu đi song song

Người về chiều nắng hay đêm sương
Người về đò dọc hay đò ngang
Câu thơ sẽ là lời hò hẹn
Nhưng nói làm gì tôi xin khoan

Nhưng người về đâu, người về đâu
Để nước sông Seine bỡ ngỡ chảy qua cầu

Người về lòng tôi buồn hay lòng tôi vui
Áo không có màu nên áo cũng chưa phai
Tôi muốn hỏi thăm người rất nhẹ :
Tôi đưa người hay tôi đưa tôi ?

(trích Tiễn biệt, Thơ Nguyên Sa, tr. 20)

Mai tôi ra đi chắc trời mưa
Tôi chắc trời mưa mau
Mưa thì mưa, chắc tôi không bước vội
Nhưng chậm thế nào thì cũng phải xa nhau...

(trích Paris, bđd.)

Không khí viễn phương, hình ảnh mới, chập chùng nở màu hoa lạ, khác với màu máu sau chín năm chinh chiến, đồng lúc mở toang cửa trên bức tường dày vây quanh tâm hồn những người trẻ. Họ hớp mấy búng thở tình yêu ban đầu qua thơ Nguyên Sa.

Lại còn những cô gái Hà nội tràn vào đường phố Saigon, lửng cao trên miệt vườn Đồng Nai làm dấy nỗi hoang mang bỡ ngỡ cho người địa phương. Nguyên Sa liền khoác lên những hình tượng ấy chiếc Ảo lụa Hà Đông (4), bày ra chuyện Cần thiết (5) cho mối tình học trò trong các đô thị đã bắt đầu đông tiếng cười trường.

Chính ước vọng viễn phương và những hình tượng lạ do lịch sử đẩy đưa tới thủ đô mới Saigon, đã làm nên thơ Nguyên Sa. Nói cách khác, thơ Nguyên Sa được chấp nhận. Đặc biệt giới học sinh, sinh viên.

Điều thấy rõ qua sự kiện Thơ Nguyên Sa in lần đầu ở Saigon năm 1959 được tiếp đón vô cùng nồng hậu, sau còn nhiều lần tái bản. Nhưng Thơ Nguyên Sa, Tập hai, ấn hành tại Quận Cam, bang California Hoa Kỳ, tháng 8 năm 1988 không có tiếng vang vọng tương xứng với giá trị tập thơ. Tập sau này gồm hai phần. Phần một có tựa đề Hoa Sen và Hoa Đào gom 28 bài sáng tác từ 1982 tới 1988. Phần hai mang tựa đề Nhìn Em, Nhìn Thành phố, Nhìn Quê Hương gom 27 bài sáng tác khoảng thời gian 1966 đến 1975. Ngôn ngữ, hình tượng, nhạc tính, ý thức trong tập này đã chín, già dặn hơn tập một nhiều. Lối dùng chữ vội vã làm yếu hơi thơ như mỗi chuyến métro qua vồi vội (tr. 46, Thơ Nguyên Sa), hay chả thơ tí nào như em làm ơn chóng chóng (tr. 48, Thơ Nguyên Sa), hoặc rất tây như những vuốt ve mềm, v.v... đã được đào thải.

Mặc cảm sinh từ quả táo tội lỗi của Tây phương bàng bạc trong thơ tập một, bắt đầu nhường chỗ cho một nguồn thức tỉnh phương Đông nơi tập hai.

Đôi mắt trũng sâu buồn ảo ảnh

Hai mươi năm, buồn ở đấy, trên vai
Thân thể nặng đóng đinh tội lỗi

(trích Lúc chết, Thơ N.S., tr. 14)

đã hóa ra :
Anh tìm âu yếm trong đôi mắt
Thấy cả vô cùng dưới đáy sông

(trích Em gầy như liễu trong thơ cổ, Thơ tập hai, tr. 15)

Từ

Tôi chỉ là nhân ngãi của cuộc đời
Sống bên nhau không bao giờ hôn thú
... Một người sống giữa cuộc đời
Mà chỉ là một gã giang hồ cắm trại

(trích Di chúc, Thơ N.S., tr. 56)

nay là

Theo em địa ngục mấy tầng
Chỉ cho anh chỗ rất gần nhân gian

(trích Khách quan, Thơ tập hai, tr. 11)

Nỗi buồn đại khái, ít nhiều bâng quơ, thuở nhà thơ nào cũng nhại như nhau để đau đớn trong cảnh chưa hoàn toàn mất mát, và còn cơ cứu vãn :

Thế kỷ chúng tôi chót buồn trong mắt
Dăm bảy nụ cười không đủ xóa ưu tư
Tay quờ quạng cầm tay vài tiếng hát
Lúc xòe ra chẳng có một âm thừa

Năm ngón tay có bốn mùa trái đất
Chúng tôi cầm rơi mất một mùa xuân
Có cất tiếng đòi to. Tiếng đòi rơi rụng
Những âm thanh làm sẹo ở trong hồn

(trích Bây giờ, Thơ N.S., tr. 35)

thì nay thực thụ thành trái đắng nuốt theo từng lần nước miếng :

Ta chặt tay cho định mệnh què
Những đường oan nghiệt đứt lìa ra
Mặt trời ngậm lấy tia hồng huyết
Xuống ráng chiều trên cánh quạ ô

Mỗi bình minh ta treo cổ chơi
Đầu giây thòng lọng giữa mặt trời
Toàn thân ta khét mùi dương điện
Há miệng ta cười hát điệu vui

Trời trên đất khách buồn vô hạn
Trăng rất quen mà vẫn chẳng quen

(trích Mạt lộ, Thơ tập hai, tr. 43)

Bỗng nhìn thấy ở trong lưu lạc
Có ngọn lưu đày chỗ cuối đêm

Mịt mù nhân thế trôi biền biệt
Giữa vị sầu nghe có vị đau

(trích A Tỳ, Thơ tập Hai, tr. 36)

Ngoài mối sầu thiên cổ rất đại khái của giới thi nhân, nay chớm ra nỗi đau rất thực. Ở đó mọi tranh đua, lý tướng đều vô nghĩa :

Ta ngồi so kiếm một mình
Kẻ thua người thắng cuối cùng vẫn thua.

(trích So kiếm, Thơ tập hai, tr. 46)

Nguyên Sa chợt nhận
Thì ra dương thế vẫn còn cõi âm

(trích Chụp hình tết coi âm bản và làm thơ, Thơ tập hai, tr. 8)

nhưng điều đó không làm anh kinh động như thời còn trai trẻ bị ám ảnh toàn tội lỗi. Vì tận đáy khổ đau nẩy sinh niềm trầm tĩnh

Thiên đường có chỗ màu đen
Anh nằm nghe thấy vẫn còn tiếng mưa
Tiếng trời gõ nhịp tiếng trưa
Tiếng cho sâu thẳm tiếng khuya tuyệt vời

(trích Bất ngờ, Thơ tập hai, tr. 14)

Ngày xưa nhìn người con gái giang hồ với mối thương hại thừa, và kiêu sa bảnh của kẻ đứng trên, đứng từ xa sau bức màn tưởng tượng và luân lý (Đợi khách, Thơ N.S., tr. 26), thì nay Nguyên Sa đã "thâm nhập thực tế " để đồng cảm một cách bình đẳng hơn qua bài Hỏi thăm Saigon (Thơ tập hai, tr. 107).

Tình yêu không còn là thơ chất chồng hình tượng quái lạ như :

Hôm nay Nga buồn như một con chó ốm
Như con mèo ngái ngủ trên tay anh
Đôi mắt cá ươn như sắp sửa se mình
Để anh giận sao chả là nước biển

(trích Nga, Thơ N.S., tr. 48)

mà thơ là đôi mắt cảm nhận, đập chẽ hư ảnh ra vóc hình người đàn bà trân quý :

Em vào tắm dưới hoa sen
Những khe nước chẩy những miền hải lưu
Những thuyền lạc dưới trời sao
Hỏi em hay hỏi hoa đào của anh
Chỗ đào có lá sen xanh
Bờ xa cỏ thấp nghiêng mình dáng sông
Tuyệt vời giữa một giòng trong
Đầu sông tóc ướt, lưng vòng biển khơi.

(trọn bài Hoa sen và hoa đào, Thơ tập hai, tr. 7)

Kẻ nào trách thơ tình Việt Nam không dám đi xa quá chiếc cổ thon, sẽ phải giật mình với bài này. Với cả ca dao táo bạo đã nuôi dưỡng nghìn năm những khuôn vàng và khe nước. Ở đó, góc độ Eros xác thân đã được phóng chồng vào quỹ đạo hành tinh. Nơi những vòi trời và những đường gân ngân hà không ngừng làm điếng tê khu nhão lửa nơi đáy địa tầng.

Thơ tình Nguyên Sa bây giờ đã đãi hết chất học trò của thuở dỗi hờn mông lung vô cớ. Thuở những mối tình nhè nhẹ, thoảng và hiền, có quấn quít nhưng thiếu khắng khít của những cặp người đã được định mệnh chọn đi trên đoạn đường lửa thử thách. Thiếu cái ngọt sinh từ hai chất chua và mặn :

Nước biển đã vào đầy trong trí nhớ
Ôi, sao mà ta yêu những mặt biển cong
Có một chút muối ở động tâm thất
Em đang ăn khế, em có lấy không ?

(trích Lông vũ, Thơ tập hai, tr. 9)

Có gì mủi lòng và cảm động hơn cảnh tình yêu nơi biên tế tha phương :

Chờ em ở góc cây xăng
Em không thấy tới ta nằm trong xe
Nhạc buồn ta vặn thật to
Sao buồn không vỡ sao ta vẫn còn ?

(trọn bài Chờ em, Thơ tập hai, tr. 48)

Và cảnh này, mấy lứa đầu xanh làm sao có được :

Bốn mươi, con vạc ăn sương
Có giường nệm trắng có em cởi truồng
Em nằm nghe hát cải lương
Anh nằm nhớ bác Tú Xương ngậm ngùi.

(trọn bài Nhớ Tú Xương, Thơ tập hai, tr. 47)

Cũng phải thôi. Vào tuổi Nguyên Sa đâu còn được sống cảnh thơ mộng ở truồng chạy tắm dưới mưa. Nước hết chảy nguồn trời mát rượi. Vì nước đã vẩn bụi trần gian :

Năm thằng đứng tắm giữa trời
Ông buồn thì khá ông cười thì quê
Bây giờ hết cả trời mưa
Ta nhìn ta tắm thấy trơ trụi đời.

(trọn bài Tắm mưa, Thơ tập hai, tr. 49)

Nhưng Nguyên Sa không riêng có thơ tình. Dù ai cũng chỉ biết Nguyên Sa qua thơ tình. Bởi bên cạnh thơ tình yêu còn có nhiều bài thơ tâm sự mang màu thời thế, nồng cháy tình bằng hữu và nước non. Quan trọng ngang với thơ tình yêu.

Ngó như con người ấy bỏ ngoài tai thế sự, vì chỉ biết yêu đương lả lướt. Không đâu. Chàng dỗi đấy. Tự đáy lòng, chàng tha thiết còn hơn những kẻ làm chính trị.

Anh vẫn đi
vẫn cất lên những lời thô tục
nguyền rủa
Những lời thô tục và nguyền rủa
đập vào mặt cuộc đời
cuộc đời chỏ đẻ
thế kỷ chó đẻ
chiến tranh chó đẻ

(trích Nhìn em nhìn Thành phố nhìn Quê hương, Thơ tập hai, tr. 53)

Ta là người ta vẫn tự do
Người con gái ta yêu vẫn là Hoàng hậu
Dao cứa cổ vẫn mở đường cho máu chảy

(trích Tự do, Sáng Tạo số 2, 11.56)

Còn khá nhiều bài khác diễn tả cùng tâm sự. Như Đám tang Nguyễn Duy Diễn (tr. 73, tập hai), Cắt tóc ăn tết (tr. 76, tập hai), Giã từ khóa đàn anh (tr. 113, tập hai), Hỏi thăm Saigon (tr. 107, tập hai), Nhìn thấy mình trong quân trường nhắn bạn (tr. 89, tập hai), Ném đá (tr. 118, tập hai), v.v...

Nào, thử đọc thêm :

Bây giờ mày ở trong tù
Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không con
Chúng nó nói chuyện văn chương
Tao nghe nóng mặt cởi quần nhìn sông
Sàigòn giờ vẫn mịt mùng
Thương mày tao thấy trong lòng xót xa
Sàigòn chưa hết mùa mưa
Ở nhà tao vẫn nhớ nhà mỗi đêm

(trích Thư cho bạn ở tù, Thơ tập hai, tr. 63)

Người trong tù, người ngoài tù có gì khác nhau ? Thảy là những tấm lòng đã bị lưới trọn trong chiếc bẫy thế cuộc tang thương. Đó là Saigon của trước năm 75. Một xã hội trên đà tan vỡ. Từ chiến tranh tới tôn giáo. Từ chính trị tới văn học. Thời của

Những tảng đá trắng buồn như ý thức
(trích Định mệnh chân dài, Thơ tập Hai, tr. 105)

Nguyền rủa mãi cũng hoài. Chỉ còn động tác “cởi quần nhìn sông”. Tưởng như ngông. Mà thực là nỗi sinh thức quặn đau. Dấu hỏi của tư duy. Dòng sông lớn kia có thanh lọc được tia nước màu phế thải ? Hay sông đã là sông mất trí nhớ thủy tinh ? Ôi những kẻ đang mất Nước, lại không Nhà. Ba chữ nhà trong tám câu thơ diễn ra hai hệ lụy và một nỗi chờ mong vô vọng. "Đêm nằm muỗi cắn nhớ nhà không con ". Nhà ở đây là một dung tích biệt ngoại, đã mất khỏi tầm tay. "Ở nhà tao vẫn nhớ nhà mỗi đêm ". Chữ nhà thứ nhất chỉ là dung tích tạm bợ. Nằm trong tầm với, nhưng có cũng như không. Chữ nhà thứ hai mới là dung tích thật, chiếc thuyền cho người trên cuồng lũ. Nhưng lại chưa có. Còn xa nơi mộng mị đợi chờ. Nó là dung tích của sự khắc khoải.

Mái nhà xưa đã cháy. Biết đem tình yêu về lót ổ nơi nao ? Dẫu có em thì được gì nơi long đong xa lộ ? Nên tình yêu cứ lả lướt qua mấy bận chào nhau :

Gặp em không thể chào bằng môi
Chỉ còn da thịt chẳng còn hơi
Chỉ còn tiếng kêu, chỉ còn tiếng thét
Chẳng có tiếng nói, không còn tiếng cười

Gặp em ta sẽ chào như loài kiến
Chào như loài dế, chào như loài giun
Chạm tóc vào nhau ta gục đầu xuống
Như đồng bào ta nằm trong đất đen

Gặp em chưa được chào bằng vai
Như những xác người nằm xếp dài
Ta chỉ chào bằng hai hàng nước mắt
Từ hai mươi năm nằm im trên môi.

(trích Chào nhau, Thơ tập hai, tr. 95)

Nhưng trên hành trình xa vời và luân lạc ấy, ngoài vài bạn văn hay bạn súng, Nguyên Sa bỗng gặp thêm những bạn mới. Bạn trong nghĩa bằng hữu — những cánh chim ngang tác giăng ngợp cõi hư không :

Người vào tịnh thất sống ba năm
Cất tiếng không lời để nói năng
Buổi sáng thinh không chiều tới chậm
Tiền kiếp chen vô cạnh chỗ nằm

Ta muốn cùng người một tối nay
Đầu sông uống rượu cuối sông say
Người trên sườn núi, ta từ biển
Từ giấc mơ nào đã tới đây ?

Thơ như hữu thể mà vô thể
Có cũng xong, mà không cũng xong.

(trích Nói chuyện với Phạm Công Thiện, Thơ tập hai, tr. 21)

Gần như tuyệt thi. Có định nghĩa triết học nào về vô ngôn hay hơn câu "Cất tiếng không lời để nói năng " ? Có định nghĩa nào về bất nhị đông phương hơn câu "Đầu sông uống rượu cuối sông say " ? Có định nghĩa nào cao tuyệt về thơ của chính mình hơn câu "Thơ như hữu thể mà vô thể " ? Chỉ tiếc câu "Có cũng xong, mà không cũng xong " làm hỏng đi. Hữu thể là vô thể. Thì có là không, chứ có chẳng đối với không. Nhưng hề chi, Nguyên Sa là người đến từ biển. Nơi còn sóng dội, còn tròng trành giữa hai bờ thơ và đạo. Nơi Nguyên Sa còn cậy nhờ mối sầu để làm thơ. Chàng đã không tự thú đó sao :

Ta ngồi nhìn cánh tay xâm
Hỏi thăm đời trước, truy tầm kiếp sau
Mang về mấy chục đầu lâu
Luân hồi chắc dứt, nỗi sầu còn nguyên.

(trọn bài Tay xâm, Thơ tập hai, tr.17)

Sầu còn nguyên, nhưng đã sống thực. Vạm vỡ hết mình. Sống không riêng cho mây, trăng, gió, cầu vồng, hoa cúc... Mà sống với những lầm lẫn dĩ vãng đã thăng hoa bằng lời xin lỗi như một lần vượt thoát (un dépassement) :

Bây giờ khẩu garant ta mang trên vai
Bây giờ khẩu trung liên bar ta mang trên vai
Ta mới biết rằng những thỏi sắt đỏ nặng
muốn kêu to lên ta là một thằng dốt nát
Ta là một thằng dốt nát
Vì mỗi ngày trong mười mấy năm dĩ vãng
Ta không viết trên giấy trắng mực đen cho
những người yêu thơ ta
Anh em ta và quê hương ta đã đứng như thế từ
bao nhiêu năm
Bây giờ di chuyển đêm, di chuyển ngày, di chuyển nắng,
di chuyển mưa
Ăn không được ngủ không được cười không được
khóc không được
Hỡi những anh em đã ngồi trước mặt ta trên ghế
nhà trường
Hỡi những anh em đã đọc thơ ta yêu quý
Ta nào đã làm được gì
Để anh em cười được khóc được tin được ngủ được
Để anh em tìm thấy tọa độ trong rừng già
Để anh em tìm thấy điểm đứng trong ruộng đồng bát ngát
Để đạn đừng xuyên qua phổi
Để đạn đừng xuyên qua tim
Hãy tha thứ cho ta
Hãy tha thứ cho ta
Những anh em đã chết
Những anh em chết ở bờ ở bụi
Những anh em chết ở đồng vắng chết trong rừng sâu
Những anh em chết khi di hành
Những anh em chết khi phục kích
Những anh em mặt đẹp như hoa
Một ngàn lần hơn ta
Cũng chết
Những anh có vợ mới cưới chăn gối còn thơm
Cũng chết
Những anh em có viết thư tình nét chữ còn run
Cũng chết
Những anh em con cái còn nhỏ hơn con cái ta
Cũng chết
Những anh em mẹ già còn già yếu hơn mẹ ta
Cũng chết
Những anh em đáng sống một ngàn lần hơn ta
Đã chết
Đang chết
Và còn chết
Hãy tha thứ cho ta.

(trọn bài Xin lỗi về những lầm lẫn dĩ vãng, Thơ tập hai, tr. 85)

Đời mỗi người đều có hai giai đoạn. Thuở thơ ấu học trò, và lúc thành thân luân lạc hay tự tại. Thơ Nguyên Sa cũng thế. Lâu nay ta chỉ biết một Nguyên Sa thơ tình yêu. Ít ai nhắc tới một Nguyên Sa thơ thao thức. Dù cả hai đều là một Nguyên Sa của

Vòng môi nhỏ nuôi trăng trong nhịp thở
(trích Cảm tạ, Thơ N.S., tr. 37)

Trăng là đêm. Mặt khác của ngày. Mặt khác của cuộc sống. Mà mặt khác của cuộc sống khổ lụy là gì, nếu không là Thơ ?

Paris, 10.8.89
(trích “Bốn Mươi Năm Thơ Việt Nam 1945 – 1985”, Thi Vũ, Paris 1993)


1. dùng trong bài Nhìn thấy mình trong quân trường nhắn bạn (Thơ Nguyên Sa tập Hai, tr. 89).

2. trong tập thơ in lầm là graffen. Viết đúng là gaufre là loại bánh kẹp rắc đường cát bán nhiều ở xóm La-tinh Paris những năm 50 (người viết chú).

3. Bây giờ thùng rác ở Paris làm bằng nhựa dẻo, không còn loại thùng kẽm của những năm 50 (người viết chú).

4. Thơ Nguyên Sa, tr. 7.

5.Thơ Nguyên Sa, tr. 9.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021