SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

LAI CHÂU ĐÓ ĐỂ CẢ ĐỜI ANH MẮC NỢ

Nắng lên, và tiêm chủng đã đến giai đoạn đại trà, dịch cúm Tàu ở Đức dường như đang được khống chế dần tới mức thấp nhất. Tôi và bạn bè, ông nào chậm nhất cũng được chích một nhát rồi. Phấn khởi lắm, vợ chồng (ông bạn) Bình Thu từ Dresden vọt lên tôi ngay. Mấy tháng mới được khật khừ cùng nhau, các bố chiến đấu rất quyết liệt. Rượu vào lời ra, tự nhiên Bình Thu (Nguyễn Văn Bình) ôm mặt khóc cứ hu hu, rồi sụt sịt đọc thơ, nghe thống thiết lắm. Đọc chán, hắn quay sang hỏi: Đỗ Trường có biết thơ của ai không? Biết sao không: Gửi Lai Châu của Trần Mạnh Hảo. Không những thế, tôi còn được chính chủ đọc cho nghe nữa kìa. Hắn gật gù bảo, nhớ Lai Châu. Nhớ cái thời còn mặc quần thủng đít theo cha Nguyễn Văn Xã, Bí thư tỉnh ủy Lai Châu đi dọc núi rừng Tây Bắc, rồi trở về rầm rịch với Chi Luông, bản Xá.

Gã Bình Thu này sống nội tâm, dễ bị xúc động theo học Đại học y khoa, nơi mẹ đang làm việc là đúng rồi. Vậy mà, chẳng hiểu thế chó nào, lại đùng đùng chuyển sang học an ninh, cùng lớp, cùng trường với nhà văn, nhà biên kịch Thùy Linh. Cho nên, mà dạo này ngồi với tôi, cứ có chút cay cay vào, hắn mang Thùy Linh ra dọa: Thùy Linh như thế này…Thùy Linh như thế kia… Ông phải viết như vầy… như vầy…

Ra trường, hắn làm việc ở một quận ngay trung tâm Hà Nội. Rồi cưới vợ cũng là bạn học cùng Trường an ninh. Duyên nợ với Lai Châu, buồn hay vui năm nào hắn cũng ngược lên đó mấy lần. Rồi hắn chợt nhận ra, ngành an ninh, cảnh sát bó chặt không gian, bào mòn tâm hồn sống của mình. Vậy là, vợ chồng hắn giã từ, khoác balo cùng chúng tôi sang Đức cày thuê cuốc mướn. Và ba mươi tư năm lăn lộn trời Âu ấy, hắn vẫn không thể quên: Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch. Vâng, có lẽ Lai Châu, mùa hoa ban nở không chỉ hóa vào người con gái Thái, mà còn hóa vào linh hồn gã trai Hà Nội mất rồi…

Cái hoài vọng, nhớ thương ấy, Bình Thu gợi cho tôi nhớ về tác giả cũng như bài thơ Gửi Lai Châu của mấy năm trước. Ngày tôi lái xe chở vợ chồng nhà thơ Trần Mạnh Hảo - Giáng Tiên dọc Frankfurt - Leipzig- Praha - Berlin. Hôm ở Praha, nhà văn Trần Ngọc Tuấn và anh em văn nghệ ngả bàn đèn ngay Hồ Sen Quán ngắc ngư, rồi thơ ca hò vè khí thế lắm. Hai ông họ Trần (Trần Ngọc Tuấn, Trần Mạnh Hảo) có trí nhớ thật tuyệt vời. Thơ bắn giòn giã liên tục không sai, không chệch phát nào. Thực ra, nhà thơ Trần Mạnh Hảo họ Phạm (Phạm Mạnh Hảo) chứ không phải họ Trần. Như tôi biết, cụ Trần Văn Hiền (tức ba) của nhà thơ Trần Mạnh Hảo có cha đỡ đầu họ Trần. Không biết, có phải cha nuôi không có con trai hay vì lý do nào đó? Cụ Hiền mới đổi từ họ Phạm sang họ Trần. Viết ra điều này, tôi chỉ nhằm mục đích cho thế hệ sau, khi nghiên cứu, hay viết văn học sử nước nhà được rõ ràng, chính xác hơn mà thôi. Bởi, Trần Mạnh Hảo là một trong những nhà thơ tên tuổi, quan trọng của Văn học VN đương đại.

Thành thật mà nói, tôi đã nghe nhiều người đọc thơ, song chưa ai có cái giọng ấm, sắc khỏe như Trần Mạnh Hảo. Chương trình thơ ca hôm ấy kết bằng bài Gửi Lai Châu do chính anh đọc. Một bài thơ trữ tình về đất và người Tây Bắc, vậy mà cũng làm tôi rợn hết cả người. Sự truyền cảm, có tính ma mị ấy ám ảnh tôi cho đến tận bây giờ, khi ngồi viết những dòng chữ này.

Có thể nói, Trần Mạnh Hảo viết Gửi Lai Châu không chỉ bằng cảm xúc, mà còn bằng trí tuệ của mình. Nếu ở (bài) Sông Lam, Trần Mạnh Hảo đã hình tượng hóa dòng sông như một cơ thể sống, làm bật lên cái khô cằn, gian khó của đất và người, thì đến với Gửi Lai Châu ta thấy, cái đẹp, sự mượt mà ấy được hình tượng cụ thể hơn, trong chất trữ tình: “Hoa ban nở thành người con gái Thái/ Đám mây bay trong thau nước gội đầu”. Vâng, ta có thể thấy một phép so sánh rất cân xứng giữa đất và người, giữa hoa ban và cô gái Thái. Vậy thì, hoa ban đã hóa vào em, hay em đang nở thành hoa ban đó. Tuy nhiên, “Hoa ban nở thành người con gái Thái” hay, và tuyệt đẹp như vậy, chỉ khi được ghép cùng câu thơ giầu trí tưởng tượng, với những hình ảnh liên tưởng rất gần gũi, mộc mạc, song vô cùng nhẹ nhàng, quyến rũ:“Đám mây bay trong thau nước gội đầu”. Những câu thơ này, dường như chứng minh thêm cho ta thấy, tài năng đặc biệt sử dụng biện pháp tu từ trong thơ văn của Trần Mạnh Hảo.

Có lẽ, (cái khó) để viết một bài thơ về đất và người, trước nhất người thi sĩ phải chạm vào được hồn cốt, đặc trưng riêng của vùng miền đó. Và trước sự rung động ấy, đưa đến những cảm xúc chân thực nhất để nhà thơ trải lên những trang viết của mình. Và Gửi Lai Châu là một bài thơ như vậy. Trần Mạnh Hảo đã gõ được vào trái tim, đi vào linh hồn của Tây Bắc. Trái tim, hình hài chìm ẩn, e ấp, thẹn thùng đó, dường như chưa một ai nhìn thấy, và phân định được: Là Lai Châu hay là người con gái Thái: ”Trái tim đập không một ai nhìn thấy/ Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu”.

Với đề tài này, ta thấy, Trần Mạnh Hảo thường viết ở thể tự do, những câu thơ ngắn dài trải theo cảm xúc ban đầu của mình. Vẫn lối so sánh ẩn dụ, hình ảnh con đường đến với Ma Ly Pho huyền bí, mong manh như sợi chỉ xuyên qua váy cô gái Mèo vậy. Và xuyên qua cái mong manh, nhỏ nhoi ấy, ở đó ta còn thấy được cái kỳ vĩ, oai hùng của Lai Châu. Vâng, những trang thơ Trần Mạnh Hảo đóng đinh vào lòng người đọc như vậy, bởi nó ăm ắp hình tượng cùng trí tưởng tượng độc đáo, và phong phú: ”Nơi sông Đà vặn mình rung núi/ "Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo"/ Thị xã nhỏ như chiếc cúc áo cài trên ngực đất nước/ Núi hai đầu mây đến đá lông nheo”.
Nếu không có sự trải nghiệm, sự hóa thân vào đó, thì chắc chắn Trần Mạnh Hảo không thể viết được những câu thơ có tính đặc trưng núi rừng Tây Bắc đến vậy. Sự quan sát tỉ mỉ ấy của thi sĩ, Lai Châu hiện lên sinh động, chân thực, song vô cùng kỳ bí, mờ ảo như một bức tranh chiều cổ vậy. Bức tranh động trong tĩnh này, chợt làm tôi nhớ đến nghệ thuật lấy động tả cái tĩnh (trời thu) của cụ Nguyễn Khuyến:“Cá đâu đớp động dưới chân bèo”. Vậy tiếng gõ ngựa kia, phải chăng đó là sự tĩnh lặng, cô liêu trong lòng nhà thơ, tĩnh lặng của núi rừng: ”Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch“. Và với khổ thơ dưới đây, có thể nói, phép liên tưởng của Trần Mạnh Hảo đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật. Khổ thơ này, nếu tách ra, nó hoàn toàn có thể trở thành một bài thơ bát ngôn (độc lập), với những hình ảnh, cùng lời thơ tuyệt đẹp, tuy dân dã, song cũng rất sang trọng: “Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt/ Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều/ Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch/ Em gội đầu để suối suốt đời reo.”.

Sự hồi sinh:“Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ” nhưng nỗi đau kia dường như vẫn còn chìm ở đâu đó. Dù Trần Mạnh Hảo gặp được lời ca, khi đi tìm quá khứ, thì vết chém của lịch sử kia, vẫn hằn sâu trong lòng người Lai Châu. Và có lẽ, họ tìm lại được chính mình từ những câu thơ ấy chăng. Vâng, và tôi cũng không thể hiểu, cái lạc quan, vô tư ấy, đã vượt qua thân phận, hay tình thương, sự nhân bản của người thi sĩ mở ra một lối thoát cho con người nơi đây:” Nơi dấu tích còn ghi thời thống khổ/ Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà/ Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ/ Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca.”.

Có thể nói, Gửi Lai Châu vẫn là sự nối tiếp mạch thơ của những: Đất Nước Hình Tia Chớp, Mặt Trời Trong Lòng Đất, hay Tổ Quốc Tình Yêu… của Trần Mạnh Hảo. Hình ảnh, trí tưởng tượng phong phú cùng sự liên tưởng độc đáo là chất liệu chính làm nên thơ ca của ông. Từ ngữ giản dị, dễ hiểu, nhưng do tài năng sử dụng, làm mới, hoán đổi ngữ nghĩa, do vậy thơ Trần Mạnh Hảo sắc, nhọn đi sâu vào lòng người. Thành thật mà nói, nếu ngồi một mình, nghe ông đọc bài Tổ Quốc Tình Yêu, lần nào tôi cũng khóc, bởi xúc động. Và tôi xin dừng bài viết ở đây, để hồn vía Trần Mạnh Hảo còn ở lại với Lai Châu. Bằng không ông mang tuốt tuồn tuột về với biển Nam Định, thì món nợ này trả thế chó nào được: “Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển/ Để lòng em tìm lại buổi ban đầu/ Em đứng đó mây ven trời vô kể/ Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu...”

Leipzig ngày 21-5-2021
Đỗ Trường

Gửi Lai Châu

Trái tim đập không một ai nhìn thấy
Ở ven trời Tây Bắc có Lai Châu
Hoa ban nở thành người con gái Thái
Đám mây bay trong thau nước gội đầu.
Nơi sông Đà vặn mình rung núi
"Lối Ma Ly Pho là sợi chỉ xuyên qua xống váy mèo"
Thị xã nhỏ như chiếc cúc áo cài trên ngực đất nước
Núi hai đầu mây đến đá lông nheo
Nơi con thác giữ nụ cười em lại
Tiếng Thái thương như cầm được giữa tay mình
Tóc em đó như mùa màng gặt hái
Mỗi cái nhìn ẩn chứa một bình minh.
Nơi ngủ dậy núi đã đầy trong mắt
Trong chiêm bao còn vọng tiếng nai chiều
Tiếng ngựa thồ gõ vào mây rậm rịch
Em gội đầu để suối suốt đời reo.
Nơi em về bản Chi Luông, bản Xá
Hoa rừng thơm như có kẻ theo cùng
Bản mới dựng mắt em là chiếc lá
Rơi bập bùng chân cứ muốn đi chung.
Nơi vách đá còn ghi bia Lê Lợi
Lịch sử ngược sông Đà, nước réo tiếng gươm xưa
Em đứng đó mỉm cười khi anh hỏi
Như hoa ban chỉ nở lúc sang mùa.
Nơi dấu tích còn ghi thời thống khổ
Cô gái xòe xưa lao mình xuống sông Đà
Chỗ em khóc sân vua Đèo giờ biếc cỏ
Anh đi tìm nước mắt gặp lời ca.
Anh đã gặp những con người như lửa
Giấu khói lửa đi như thời bếp Hoàng Cầm
Điện Biên của mọi người dành riêng em điệu múa
Những đời thường nhập lại hoá nhân dân.
Lai Châu của lúa thơm sắn ngọt
Của tình em cho thị xã trăng rằm
Của ngọn gió kéo mặt trời qua dốc
Tiếng khèn Mèo làm suối cứ băn khoăn.
Anh xin mang tiếng sông Đà về với biển
Để lòng em tìm lại buổi ban đầu
Em đứng đó mây ven trời vô kể
Để suốt đời anh mắc nợ Lai Châu...
1981


1 
2 

3 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021