SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 33

Mariam

Một buổi sáng sớm mùa xuân năm sau, năm 1993, Mariam đứng bên cửa sổ phòng khách, nhìn theo Rasheed dẫn con nhỏ ra khỏi nhà. Con nhỏ bước xiêu vẹo, người gấp lại, một tay ôm vòng che chở cái bụng trống căng hiện rõ dưới lớp áo dài trùm kín người. Rasheed với vẻ lo lắng và chu đáo quá mức, nắm khuỷu tay con nhỏ, dẫn nó  đi qua sân như một người cảnh sát giao thông. Y ra dấu Đợi đây, rồi chạy tới cổng, sau đó ra hiệu cho con nhỏ tiến tới, trong khi một chân y giữ cho cửa cổng mở. Lúc con nhỏ đến bên, y cầm tay nó, giúp nó bước qua cổng. Mariam gần như nghe được lời y nói, “ Bước cẩn thận nhé, em cưng của anh, hoa hồng của anh.”

Đầu buổi tối hôm sau, hai người trở về.

Mariam nhìn thấy Rasheed bước vô sân trước tiên. Y thả cửa cổng ra quá sớm, chút xíu là cánh cửa đập vào mặt con nhỏ. Y rảo bước qua sân. Mariam nhận được mặt y tối sầm, như ánh hoàng hôn sẫm xuống. Vô nhà, y cởi áo quăng lên chiếc ghế dài. Đi qua đụng vào người Mariam, y nói bằng giọng lỗ mãng. “Đói rồi. Dọn cơm đi.”

Cửa vô nhà bật mở. Từ trong hành lang, Mariam trông thấy con nhỏ, tay trái nó ôm đứa bé được bọc kín. Một chân của nó ở ngoài, một chân ở trong, để giữ cho cánh cửa không đóng lại. Nó cúi tới trước, miệng càu nhàu, cố với cái túi giầy đựng đồ mà nó đã đặt xuống để mở cửa. Gương mặt nó nhăn nhó vì quá cố gắng. Nó ngước lên và trông thấy Mariam.

Mariam quay lưng đi vô nhà bếp hâm thức ăn cho Rasheed.

“Giống như có ai ngoáy cái tuốc-nơ-vít vô lỗ tai tôi,” Rasheed nói, vừa dụi mắt. Y đứng nơi ngưỡng cửa phòng Mariam, mắt sưng húp, chỉ mặc chiếc áo rộng cột lỏng lẻo. Mái tóc bạc của y lỏm chỏm, chĩa tứ tung. “Cái vụ khóc này. Không chịu nổi.”

Dưới nhà, con nhỏ đang đi tới đi lui, hát ru đứa bé.

“Cả hai tháng nay, không được một đêm ngủ ngon,” Rasheed nói. “Còn cái phòng thúi như cống. Quần áo đầy cứt đái bỏ tùm lum, mới dẫm phải đêm hôm trước.”

Mariam thích thú cười thầm trong bụng.

“Ẵm nó ra ngoài!” Rasheed quay lại hét. “Em không ẵm nó ra ngoài được sao?”

Tiếng hát ngưng bặt. “Con bé sẽ bị sưng phổi!”

“Mùa hè mà!”
“Gì?”

Rasheed nghiến răng, nói lớn. “Tôi nói. Trời ấm!”

“Tôi không bế nó ra ngoài!”

Tiếng hát tiếp tục.

“Nhiều lúc, nói thật, nhiều lúc tôi muốn bỏ cái thứ đó vô cái hộp rồi thả trôi sông Kabul. Như đứa bé Moses.”

Chưa bao giờ Mariam nghe Rasheed gọi con gái y bằng cái tên con nhỏ đặt cho nó, Aziza, Aí. Lúc nào cũng là đứa bé, hoặc giả khi y bực tức lắm, cái thứ đó.

Có những đêm Mariam nghe được hai người cãi nhau. Mariam nhón gót đến bên cửa phòng và nghe Rasheed phàn nàn về đứa bé – luôn luôn là đứa bé - việc nó khóc dai dẳng, mùi hôi, những món đồ chơi làm y vấp hoài, nó làm cho Laila không còn chú ý đến y nữa vì phải lo cho nó bú, cho nó ợ, thay tã cho nó, bế nó đi tới lui, ôm ấp nó. Còn con nhỏ thì rày rà y vì hút thuốc trong phòng, vì không cho em bé ngủ chung phòng.

Và những tranh luận khác nữa, nói nho nhỏ.

“Bác sĩ nói sáu tuần.”
“Chưa được, Rasheed. Đừng. Buông ra. Buông ra đi. Đừng làm vậy.”
“Hai tháng rồi.”
“Sịt. Đó. Làm em bé thức dậy rồi kìa.” Rồi bằng giọng gắt hơn, “Khosh shodi? Vừa lòng chưa?”

Mariam rón rén trở về phòng.

“Cô không giúp được gì sao?” Rasheed nói. “Cô phải biết làm sao chứ.”
“Tôi có biết gì về em bé đâu?” Mariam nói.
“Rasheed! Đem dùm chai sữa được không? Để trên tủ đó. Nó không chịu bú mẹ. Thử cho bú chai lại xem sao.”

Tiếng khóc thét của đứa bé cất lên và hạ xuống như dao phay chặt vô thịt.

Rasheed nhắm mắt lại. “Nó là lãnh chúa. Hekmatyar. Tôi nói cho biết, Laila đã đẻ ra một tên Gulbuddin Hekmatyar.”

oOo

Mariam thấy dần dà con nhỏ mất cả ngày cho việc cho bú, ru dỗ, bế đi tới đi lui. Ngay cả khi em bé ngủ, còn phải chà giặt tã dơ rồi ngâm trong cái xô có thuốc khử trùng mà con nhỏ nhất định đòi Rasheed phải mua. Còn phải dũa móng tay bằng giấy nhám, giặt phơi áo yếm và đồ ngủ. Mấy thứ quần áo đó, cũng như những thứ khác của em bé, đã trở thành điểm cãi vả.

“Ðồ đó có vấn đề gì?” Rasheed nói.
“Là quần áo con trai. Của vũ công trai.”
“Em tưởng nó phân biệt được hả? Tôi phải mất bao nhiêu tiền mua những quần áo đó. Còn một chuyện nữa, nè đừng có nói bằng cái giọng đó nhe. Coi như đây là lời cảnh cáo đó.”

Mỗi tuần, không sót lần nào, con nhỏ hơ một cái nồi trên lửa, thẩy một nắm hột ván hương lên đó rồi quạt khói về phía con mình để đuổi tà.

Mariam thấy mệt mỏi khi phải theo dõi sự nhiệt tình của con nhỏ, nhưng không khỏi thầm ngưỡng mộ ít nhiều. Mariam ngạc nhiên lẫn kính phục khi thấy mắt con nhỏ sáng lên đầy chiêm ngưỡng thậm chí những lúc buổi sáng mặt nó uể oải và da nó xám xịt vì cả đêm phải bế đứa bé đi tới lui. Con nhỏ cười rũ rượi mỗi khi đứa bé địt. Những thay đổi nhỏ nhất của đứa bé cũng mê hoặc được con nhỏ, và cái gì đứa bé làm nó cũng cho là ngọan mục

“Nhìn kìa! Em bé muốn lấy cái lục lạc. Coi nó khôn chưa.”
“Để tôi kêu nhà báo,” Rasheed nói.

Đêm nào cũng có những màn biểu diễn. Mỗi khi con nhỏ cố đòi Rasheed theo dõi thì y hất hàm và liếc xéo nhìn xuống từ trên đầu mũi nổi gân xanh của y một cách thiếu kiên nhẫn.

“Coi kìa. Em bé cười khi tôi búng tay. Thấy không? Ông thấy không?”

Rasheed làu bàu, rồi tiếp tục cúi xuống dĩa cơm. Mariam còn nhớ lúc trước, chỉ cần có mặt con nhỏ là Rasheed hớn hở. Điều gì con nhỏ nói cũng làm y hài lòng, cũng làm y tò mò, cũng làm y đang ăn phải nhìn lên và gật gù đồng ý.

Có điều lạ, đáng lý Mariam phải thấy vui và được phục thù khi con nhỏ bị thất sủng. Nhưng không. Không có. Chính Mariam cũng ngạc nhiên khi thấy mình thương hại cho con nhỏ.

Cũng trong một bữa cơm tối, con nhỏ xổ ra một tràng những lo lắng. Đứng đầu danh sách là sưng phổi, mà con nhỏ nghi ngờ mỗi lần nghe ho nhẹ. Rồi tới kiết lỵ mỗi khi đi phân lỏng. Mỗi vết đỏ  trên da là đậu mùa hay ban sởi.

“Em đừng có thương nó quá,” một đêm Rasheed bảo.
“ Ý ông muốn nói gì?”
“Bữa kia tôi nghe ra-dô. Đài VOA. Nghe một thống kê thú vị lắm. Họ nói ở A Phú Hãn, cứ bốn đứa con nít thì một đứa chết trước năm tuổi. Họ nói vậy đó. Bây giờ họ - Cái gì? Cái gì? Em đi đâu vậy? Trở lại đây. Trở lại đây ngay tức thì!”

Y thẩy cho Mariam cái nhìn ngơ ngác. “Cô ta sao vậy?”

Đêm đó, Mariam đang nằm trên giường thì trận cãi vả tái diễn. Đêm mùa hè nóng và khô, đúng theo tháng 6, tháng 7 ở Kabul. Mariam đã mở cửa sổ phòng ngủ, nhưng rồi đóng lại khi không có chút gió nào lọt vô để làm giảm cái nóng, mà chỉ có muỗi. Mariam cảm được hơi nóng bốc lên từ mặt đất bên ngoài, xuyên qua mấy tấm ván vàng nâu sứt bể của nhà cầu ngoài vườn, thông lên vách tường, vô tới phòng nàng.

Thường thì cãi nhau vài phút là xong, nhưng lần này, nửa giờ đồng hồ đã trôi qua mà vẫn chưa xong, còn tăng lên nữa. Mariam nghe cả tiếng hét của Rasheed. Giọng của con nhỏ nhỏ hơn, ngập ngừng và the thé. Chẳng bao lâu, đứa bé khóc ré lên.

Rồi Mariam nghe tiếng cánh của phòng họ mở rầm. Sáng hôm sau sẽ nhìn thấy vết tròn của tay nắm cánh cửa in lên tường bên ngoài phòng. Mariam đang ngồi trên giường thì cánh cửa phòng của nàng mở tung và Rasheed bước vô.

Y mặc bộ đồ lót màu trắng, nách áo vàng khè mồ hôi. Chân y mang dép. Trên tay y cầm sợi giây nịt, giây nịt màu nâu lúc trước y mua để đi chơi với con nhỏ, phần cuối đục lỗ quấn vòng nắm tay của y.

“Tại mày. Tao biết,” y gầm gừ tiến tới Mariam. Mariam tuột xuống gường và bắt đầu lùi lại. Theo bản năng, nàng đưa hai cánh tay chéo trước ngực, chổ Rasheed thường đánh đầu tiên.

“Ông nói gì vậy?” nàng lắp bắp.                 
“Nó chối từ tao. Mày dạy cho nó.”

Qua nhiều năm, Mariam đã trở nên chai lì trước sự khinh miệt và trách móc của Rasheed, sự chế giễu và trừng phạt của y. Nhưng nỗi sợ hãi này thì nàng không làm chủ được.

Đã bao nhiêu năm rồi mà Mariam vẫn run sợ mỗi khi Rasheed như thế này, đe dọa, sợi giây nịt quấn quanh nắm tay của y, tiếng da rít, đôi mắt đỏ ngầu rực sáng của y. Đó là nỗi sợ hãi của con dê bị thả vô chuồng hổ, khi con hổ thoạt nhìn lên và khởi sự gầm gừ.

Lúc đó con nhỏ bước vô phòng, mắt nó mở trừng, mặt nhăn nhó.

“Tao không ngờ mày đầu độc nó,” Rasheed hét vào mặt Mariam. Y vung giây nịt lên, thử vô đùi của y. Tiếng khóa giây nịt vang to.
“Dừng lại!” con nhỏ kêu lên. “Rasheed, ông không thể làm như thế.”
“Về phòng.”

Mariam lại thụt lùi.

“Không! Đừng làm thế!”
“Ngay tức thì!”

Một lần nữa Rasheed giơ sợi giây nịt lên và lần này y tiến tới Mariam.

Thì lúc đó, một điều bất ngờ xảy ra: con nhỏ lao vào Rasheed. Nó níu cánh tay của y bằng cả hai bàn tay của nó và cố sức trì xuống, nhưng không được mà nó chỉ đeo đong đưa ở đó. Tuy nhiên nó đã thành công trong việc làm chậm bước Rasheed tiến về phía Mariam.

“Buông ra!” Rasheed hét.
“Ông thắng. Ông thắng. Đừng làm thế. Tôi van ông, đừng đánh! Đừng đánh.”

Cứ thế hai người giằng co, con nhỏ đeo cánh tay Rasheed và van xin y, còn Rasheed thì cố hất con nhỏ ra, mắt ghim nhìn Mariam, trong khi Mariam khiếp sợ chết điếng.

Rốt cuộc Mariam biết đêm nay sẽ không bị đánh. Rasheed chỉ làm cho biết. Cánh tay giơ cao, ngực hổn hển, trán lấm tấm mồ hôi, y đứng yên như thế một lúc nữa. Rồi từ từ, y hạ cánh tay xuống. Hai chân con nhỏ đã chạm đất mà nó vẫn chưa buông, như thể nó không tin tưởng y. Rasheed phải giật mạnh tay mới thoát được.

“Tao biết mày muốn gì,” y nói, vắt sợi giây nịt lên vai. “Tao biết hai đứa bây muốn gì. Tao sẽ không để tụi bây coi tao như thằng ngốc ngay ở trong nhà tao đâu.”

Y ném cho Mariam một cái nhìn chót đầy sát khí, và xô sau lưng con nhỏ một cái trước khi bước ra khỏi phòng. Lúc nghe tiếng cửa phòng họ đóng lại, Mariam mới leo lên giường, nàng vùi đầu dưới gối, chờ cho qua cơn run.

oOo

Đêm đó Mariam thức giấc ba lần. Lần đầu, do tiếng đạn pháo kích đùng đùng ở hướng Tây, từ phía khu Karteh-Char. Lần thứ hai, do tiếng khóc của đứa bé ở dưới nhà, tiếng sịt dỗ của con nhỏ, tiếng muỗng khua chai sữa. Lần cuối, do nàng khát nước phải ra khỏi giường.

Dưới nhà, phòng khách tối thui, ngoại trừ một vệt trăng sáng tràn qua cửa sổ. Mariam nghe được tiếng một con ruồi bay vo ve đâu đó, thấy được dáng của cái máy sưởi bằng gang đứng trong góc, đường ống chỉa lên, rồi bẻ thẳng góc ngay dưới trần nhà.

Trên lối đi vô nhà bếp, Mariam suýt té vì vấp phải cái gì đó, một hình dạng dưới chân nàng. Lúc mắt đã quen, Mariam nhận ra con nhỏ và đứa bé đang nằm dưới đất, trên một cái chăn.

Con nhỏ đang ngủ, nó nằm nghiêng và ngáy. Đứa bé thì thức. Mariam thắp cái đèn dầu trên bàn và ngồi xổm xuống. Trong ánh đèn, lần đầu tiên nàng nhìn kỹ đứa bé, chùm tóc đen của nó, đôi mắt mầu hạt dẻ với hàng lông mi rậm, đôi má hồng và đôi môi màu lựu chín.

Mariam có cảm tưởng đứa bé cũng đang quan sát nàng. Nó nằm ngữa, đầu nghiệng sang một bên, chăm chú nhìn Mariam một cách thích thú trộn lẫn bối rối và nghi ngờ. Mariam tự hỏi không biết mặt mình có làm cho đứa bé sợ không, nhưng rồi đứa bé vui thích reo lên khiến Mariam biết bé đã chịu mình.

“Suỵt,” Mariam thì thầm. “Coi chừng làm mẹ bé thức dậy đó, mặc dù cô ấy đã nửa điếc.”

Đứa bé nắm bàn tay của nó lại, giơ lên, bỏ xuống, cuối cùng đưa vô miệng. Vừa ngoạm bàn tay, nó vừa toe miệng cười với Mariam, trên môi nó nước dãi lấp lánh những bong bóng nhỏ.

“Coi kìa. Tội nghiệp bé chưa, ăn mặc như con trai. Nóng như thế này mà bó kỹ như vậy, thì làm sao bé ngủ được.”

Mariam kéo tấm chăn đắp đứa bé ra, hết hồn thấy ở dưới còn cái thứ hai nữa, nàng chặc lưỡi và kéo ra luôn. Nhẹ nhõm, đứa bé cười khúc khích, quơ hai cánh tay như chim vỗ cánh.

“Ðỡ, há?”

Mariam vừa dợm lùi thì đứa bé chụp được ngón tay út của nàng. Mấy ngón tay tý hon ấm, mềm và ướt nước dãi cuốn chặt quanh ngón tay nàng.

“Gơ, gơ,” đứa bé nói.
“Thôi được rồi, thả ra đi cô.”

Đứa bé vẫn nắm chặt, hai chân nó lại chòi đạp.
Mariam kéo ngón tay ra. Đứa bé nhỏe miệng cười và phát ra một chuỗi âm thanh róc rách. Mấy lóng tay lại đưa vô miệng.

“Có gì mà sung sướng vậy? Hả? Bé cười gì vậy? Bé đâu có khôn như mẹ bé nói đâu. Bé có một người cha vũ phu và một người mẹ ngu ngốc. Nếu bé biết thì có lẽ bé không cười nhiều như thế này đâu. Không cười như vầy đâu. Ngủ đi nào. Ngủ đi.”

Mariam đứng lên và bước đi mấy bước thì đứa bé bắt đầu kêu oe oe, Mariam biết nó sắp khóc to. Nàng bước trở lại.

“Sao hả?  Bé muốn gì?”

Đứa bé cười toe cái miệng không răng.
Mariam thở dài. Nàng ngồi xuống, đưa ngón tay cho con bé nắm chặt, và nhìn nó ríu rít co hai chân mập ú chòi đạp trên không. Mariam ngồi đó, nhìn đứa bé cho tới khi nó ngưng cử động và bắt đầu ngáy khe khẽ.

Bên ngoài, tiếng chim sẻ hót vui, và lâu lâu khi chúng cất cánh bay đi, Mariam nhìn thấy ánh trăng ngời sáng xuyên qua những đám mây. Và mặc dù cổ nàng khát khô và chân nàng tê như có kim chích, phải thật lâu Mariam mới nhẹ nhàng gỡ ngón tay của nàng ra khỏi nắm chặt của đứa bé và đứng lên.                  

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021