SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

 ÔNG GIÀ “HÍP PY”

Lần đầu tiên qua Mỹ tham dự Đại Hội OCS tôi nằng nặc đòi ông xã dẫn tôi đi thăm San Francisco, từ tiểu bang Washington phải đi xuống Oregon rồi mới đến được nơi này. Dù có xa xôi anh cũng chiều ý tôi vì những kỷ niệm thời hai đứa mới yêu nhau tôi nói nhớ mãi lúc anh cầm đàn say sưa thủ thỉ hát cho tôi nghe :

If you’re going to San Francisco. Be sure to wear some flowers in your hairs. Summer time will be a love-in there...”

Ở đây, chồng tôi có gia đình người bạn cùng xóm thời niên thiếu làm thổ công dẫn đi thăm các thắng cảnh kỷ niệm nổi tiếng nơi này, đi nửa ngày trời dù có mệt đến trạm cuối cùng dễ gì lại bỏ qua. Đó là khu China Town nổi tiếng của nước Mỹ chỉ đứng sau phố Tàu New York nếu tôi nhớ không lầm.

Bên cạnh cây cầu Golden Gate một trong những biểu tượng của Hợp chủng quốc Hoa Kỳ, phố Tàu San Francisco có thể nói là một góc quê hương của những người gốc Hoa. Đi phố Tàu có đủ tất cả những tinh túy gợi nhớ về hình ảnh, thói quen thể hiện bản sắc dân tộc Trung Hoa trong lòng nước Mỹ. Gần hai mươi lăm năm khi rời bỏ lại sau lưng một đất nước Việt Nam tan hoang giá trị văn hóa ngày cũ, tôi bổng bắt gặp ở đây một chút dù chỉ là chút xíu nhỏ nhoi, những tiệm thuốc “Tàu”, nhưng người Việt hay quen gọi là “thuốc Bắc” tập trung nhiều ở đường Khổng Tử trong Chợ Lớn. Sát vách đến tận trần nhà là những hộc tủ thuốc xếp thành hàng dãy kệ, bên hông là chiếc thuyền dùng tán thuốc kèm theo con dao to bản nặng nề. Mùi thuốc sắc hăng hăng nhưng thơm thơm ấm nồng vị quế chi cay cay. Trên đường vài hình ảnh bà già, ông già Tàu khòm lưng đi chợ, mặc chiếc áo ngắn màu tối may kiểu vạt khách, vạt hò thắt nút bằng vải, áo phụ nữ gài nút bên phải, đàn ông cổ cao gài ở giữa, đặc trưng y phục của họ ; khiến tôi nhớ lại những ngày mình là một cô gái đôi mươi làm việc, tiếp xúc với những người có văn hóa khép kín bởi phong tục tập quán riêng của một dân tộc sống bên ngoài quê hương, cố thổ.

Ghé vào một nhà hàng được biến cải với thời đại bây giờ nhưng vẫn không kém phần đặc biệt khác lạ của bất cứ quán nước người Tàu ở góc phố xưa. Vào quán giọng hầu bàn gọi vọng vào bếp món khách yêu cầu bằng tiếng Quảng Đông nghe như hát. Trên bàn bày ống đũa, hủ sành đựng ớt cùng xì dầu và giấm đỏ chứa trong chiếc bình nhỏ có vòi rót làm bằng đất nung tráng men. Chỉ hơi khác là trên bàn không bày sẵn dĩa giò cháo quẩy, bánh tiêu. Chủ lực của các tiệm Tàu bây giờ là món “tỉm sấm” ăn buổi sáng, không còn cảnh “bạc xỉu” bánh bao, xíu mại như hồi xưa, nếu muốn ăn phải gọi thêm.

Chúng tôi vừa ăn sáng cũng là bữa trưa ở đây với món mì vằn thắn hay gọi là hoành thánh quen thuộc của thức ăn Tàu. Ngồi nhâm nhi, thư thái với bình trà “cúc phá” ngan ngát hương. Nhìn xung quanh hơi ít người, bàn bên cạnh sát với quầy tính tiền có ba ông già Tàu đang ngồi trò chuyện, thỉnh thoảng chen vài tiếng “tỉu, tỉu nà má” (chửi thề) nghe quen thuộc từ thời còn thái bình thịnh trị ở Saigon.

Ông già Tàu ngồi bên trái tầm mắt tôi, nâng ly trà rồi để xuống. Bàn tay mặt có ba ngón tay trỏ, giữa và áp út mất một lóng. Quán tính hồi xưa khiến tôi buột miệng kêu :

- Híp py lụ tàu. (ông già tàu híp py)

Ông già với mái tóc bạc trắng chấm vai giống như xưa quay mặt nhìn, tôi dường như thấy cả một thời quá vãng hiện ra trong mắt.

oOo

Buổi sáng mở cửa hàng xong, trong khi A Lầy con gái ông bà chủ ngồi một mình bên bàn của nó hí hoáy lật mấy tờ phiếu phát lương cho công nhân tôi vừa tính xong hôm qua. Hôm nay mười lăm tây, cứ nửa tháng được lãnh lương một lần, nó lại mở khóa cái tủ sắt nhỏ lấy bó giấy bạc phân chia từng xấp một. Tôi kéo ghế đứng lên lững thững đi ra phía sau. Căn nhà có mặt tiền giống như các gian lân cận điển hình, trong cùng dãy phố lầu một tầng nằm dọc chạy dài theo bờ sông. Cái xưởng nhỏ chiếm gần hết không gian phía sau dãy phố đứng bên ngoài không thấy hết. Có tiếng cãi cọ giữa ông già Tàu với cái đầu hói lưa thưa những sợi tóc trắng dài quá mang tai cùng mấy đứa công nhân trẻ. Bọn chúng đang xúm lại cười chế nhạo ông này, mọi người nói toàn tiếng Tàu nên tôi không hiểu câu chuyện chỉ thấy nét mặt ông này phừng phừng nổi giận. Trông thấy tôi cả đám tản mát đi làm công việc của mình, ông già phân bua nói với tôi bằng tiếng Việt giọng Tàu lơ lớ :

- Tụi nó “cỏn” “ngộ” tối qua “Híppy lụ tàu đi cúp bỉ cấy tén hé”. Cái tụi chuyên “cỏn xám cỏn xây”.

Đi làm gần nữa năm nghe mọi người nói với nhau bằng ngôn ngữ của họ, tôi vẫn mù tịt không hiểu những câu nói nhiều chữ, giỏi lắm chỉ đếm được mười con số. Có lẽ ban nãy chúng đặt điều láo toét khiến ông nổi giận. Là người hiền lành nên đám thợ hay mang ông ra làm trò, chọc cười với nhau chứ không có ác ý hay ghét bỏ, vì ông rất siêng năng ai sai gì làm nấy. Biệt danh “Híp py lụ tàu”do đám trẻ đặt ra bởi ông có mái tóc lưa thưa dài quá mang tai gần chấm vai giống dân chơi trong các ban nhạc “hip py à go go” trên bảng quảng cáo đặt trước các phòng trà.

Tôi cười cười an ủi :

- “Xây lũ” chuyên môn chọc phá, “nị” đừng giận. Chiều nay lãnh lương rồi.

Nghe vậy ông ta cười híp mắt, cái miệng móm xọm không còn hàm răng trên trông giống ông lão sáu mươi mặc dù chỉ mới hơn bốn chục. Người ông nhỏ con, gầy nhom, quắt queo, khuôn mặt nhác trông có vẻ hơi lai tây với đôi mắt sâu. Không giống đa phần đàn ông Tàu đều phì nộn với con mắt hí. Bàn tay phải mất ba lóng giữa, thường thì người ta cho rằng để trốn lính chỉ có cách hủy hoại ngón tay bóp cò súng. Nhưng nghe nói trước kia ông làm cho xưởng cán dát kim loại, gần đường hẻm cá hấp cũ. Bị máy cuốn nuốt mất mấy ngón của bàn tay phải chứ ít ai có can đảm làm thế.

Lâm cảnh tật nguyền, đáng lẽ phải thất nghiệp nhưng người chủ trước lại giới thiệu công việc khác tại xưởng này bởi ở đây công việc không cần kỹ thuật tinh tế sắc sảo của đôi tay. Dường như truyền thống của họ ở xứ người là đùm bọc lẫn nhau, ưu tiên nhận người giúp việc là đồng hương. Những ông chủ lớn trong các bang hội còn giúp vốn cho người nghèo hơn để làm ăn. Mỗi bang phái làm việc hoặc kinh doanh theo sở trường chuyên môn. Nào Quảng Đông, Phúc Kiến, Hải Nam, Triều Châu, Hẹ...vv...

Hồi nhỏ ba tôi hay dẫn gia đình đi Chợ lớn ăn cơm thố, gà hấp Hải Nàm. Thỉnh thoảng đi ăn mì, hoành thánh Quảng đông.

Bây giờ con nhỏ A Lầy sau giờ cơm trưa hay rủ tôi ra trước hẻm gần khu chợ mua trái cốc, ổi ngâm chua, trái cây ướp lạnh của ông già người Tiều. Xế trưa một chút khi nghe tiếng rao quen thuộc, cả đám thợ nghỉ tay xúm quanh gánh chè của một bà xẩm già. Ban đầu tôi không biết bà bán thứ gì chỉ nghe tiếng rao trong trẻo kéo dài ngân nga thánh thót như đang hát :

- “Hầy cánh chúc chiên chị.......ò..ò.....ị.ị...ị......”

Nghe giống hát Quảng, hát Tiều nếu hiểu được là tôi... chết liền.

A Lầy giải thích :

- “Pà pá “nói hồi xưa bà là đào hát đó. Bây giờ già rồi “lụ phò” đi bán dạo quanh khu phố này.

Vậy là tôi hiểu đúng nhưng chỉ một phần nghề cũ của bà.

Một đầu gánh là cái nồi cao làm bằng đồng màu vàng giống cái thùng, nó chứa nước mát trong có các thứ lá cây và nhiều bông cúc trắng (cúc phá) nổi lều bều. Đầu kia cũng là cái thùng y hệt nhưng chia nhiều ngăn trong đó có mấy loại chè : chí mà phủ (mè đen), lục tàu xá (đậu xanh), phánh xì thoòng (khoai lang nước đường), cấy tản hùng xà (trứng gà nước trà). A Lầy giới thiệu nhiều đến nỗi tôi lùng bùng lỗ tai không nhớ hết mọi thứ. Con nhỏ còn “dạy” tôi:

- Nếu chị “hẩu xực” thức ăn có nhiều dầu, chị phải uống nước mát nấu cúc phá cho tiêu hết mỡ.

Câu “Buôn có bạn, bán có phường” áp dụng cho tất cả ngành nghề, giống như ông tổ của họ là chú Hỏa bắt đầu làm giàu từ gánh ve chai, các cửa hàng nằm một dãy ở đây đều bán các loại đồ sắt na ná giống nhau, người Việt Nam hay gọi là cửa hàng bán đồ “lạc xon”. Nhỏ nhất là những con tán hoặc đinh vít, cái kềm, cây búa, lớn hơn là cuộn dây kẽm, tấm tole lợp nhà không thiếu các thứ cần dùng hỗ trợ cho đời sống.

Nói theo thuyết nhà Phật, tất cả đều do nhân duyên mà ra. Tôi vừa mới học xong chưa biết phải chọn ngành nghề gì học tiếp hay là ra đi làm. Má tôi sau buổi đi thăm người dì xem như mẹ vì ngoại tôi mất sớm bà về nói :
- Dí (dì) Tư có người bạn nhờ tìm giúp một thư ký người Việt, phải là người thân tín quen biết về làm cho công ty của họ. Dí giới thiệu con là cháu họ của bà.

Dí là Tàu lai, lấy chồng người Hoa rặc ròi nên bà cũng được xem là người chính gốc vì toàn giao thiệp và sống trong khu vực của họ ở Chợ lớn.

Những năm đầu về chấp chánh, Tổng thống Ngô Đình Diệm ra sắc lệnh cấm người Trung hoa kinh doanh mười tám ngành nghề nếu không chịu nhập tịch và đổi tên họ sang tiếng Việt Nam. Vì vậy để thích nghi mới có những cái tên ngộ nghĩnh dịch từ tiếng Hoa âm sang tiếng Việt như Mạch Tố Nam, Văn Xừng Hỷ, Từ phí Tường, Trần Nãi Quang.... nếu biết được tên gốc nguyên thủy của nó là tôi cũng... “chết liền”. Mặc dù thỉnh thoảng A Lầy cũng giải thích về cái tên : Don là Dũng ; Dục là Ngọc ; Ngõ là Nga. Cắm dạch là hôm nay : Thính dạch là ngày mai. Câu hỏi dễ nhất là : Nị hui pín tù (bạn đi đâu vậy) Ngộ tì phán sẽ (Tôi đi về nhà). Mụ mụ cảnh diêu (không sao đâu). Ngộ dậu tắc xực ní tí (Tôi có được ăn cái này không)... vv...vv. Nhìn chung tôi thấy học cũng không khó mấy, nếu biết nghĩa của những từ ngữ cứ ráp lại với nhau theo thứ tự chứ không đảo ngược như tiếng Anh hoặc khó hơn nữa là tiếng Pháp.

Làm việc ở đây tôi xem như định mệnh an bài, thực tình thâm tâm tôi muốn đi làm cho ngân hàng để có danh giá mặt mũi với bạn bè hơn. Thoạt đầu đến nhận việc tôi muốn bỏ về nhưng sợ người dì họ mất uy tín dù chỉ là lời hứa qua những ván “mạt chược” bởi người Tàu rất trọng chữ tín. Nhưng khi rời cái bàn và mớ giấy tờ sổ sách và được chỉ dẫn đi ra phía sau mới biết, nơi đây có hơn một chục công nhân đang làm việc bên đống sắt đủ loại chất cao. Nó không giống như các tiệm bán đồ lạc xon trong dãy phố mà hẳn hoi là một công ty xuất nhập khẩu các loại sắt, thép ; kiêm luôn cung cấp các thanh sắt đúc “cốp pha”cắt uốn sẵn sàng dùng cho xây dựng. Tất cả người làm công nơi này đều như chủ nhân là người Tàu. Hai ông bà họ Vương người ta hay gọi là Vòng sếnh sáng, độ tuổi trung niên có đứa con gái lớn mười bảy tuổi coi sóc cửa hàng và đám công nhân. Đứa con trai kém con gái lớn năm tuổi ông bà cho vào ở hẳn trong trường nội trú, cuối tuần mới được rước về nhà.

Nhìn bên ngoài cứ tưởng là một cửa hàng nhỏ nhưng khi tôi bắt đầu công việc mới thấy quy mô của công ty. Thảo nào họ cần một thư ký người Việt tin cẩn theo kiểu gia đình bởi sẽ không tiết lộ công việc làm ăn với người ngoài kể cả chính quyền sở tại. Ít có ai biết cái văn phòng chỉ có hai cô con gái ngồi nhưng sau lưng có một ông chủ lớn. Ông này giỏi giao thiệp, hứa hẹn ký kết mua và bán số lượng nhiều mà ít ai nhìn ra. Hầu hết các nhà máy cán thép danh tiếng như Vicasa, Sadakim. Mykimco cung cấp sắt thép cho miền Nam đều có tên ông là khách hàng lớn mua và bán. Cục Mãi Dịch với những cáo thị gọi thầu tôi thường xuyên đến xem và mang về Điều lệ sách để ông tham gia đấu thầu.

Người xưa đã nói “Hổ phụ sinh hổ tử”. Cô con gái chưa đầy mười tám tuổi của ông cũng lanh lẹ không kém cha. Mấy lần cô lái chiếc xe jeep cũ chở tôi đi khắp khu công nghiệp Biên Hòa, mang tiền đi trả cho những người công nhân bốc vác sắt vụn giao cho nhà máy cán thép. Học hết Trung học Đệ nhất cấp của học viện Bác Ái là một trong những trường nổi tiếng của người Hoa tại Saigon cô nghỉ học để giúp cha buôn bán. Câu “Phi thương bất phú” hình như phát xuất từ thế giới của họ từ xưa.

Mỗi ngày làm việc tám tiếng ở đây tôi bổng nhận ra thế giới đời sống của họ khác lạ với người Việt Nam. Năm đầu Trung học, giáo sư hướng dẫn của tôi dạy Việt Văn, một lần cô giảng về những cái khác biệt của hai xã hội Đông và Tây trong tác phẫm Gió đông gió tây của nhà văn Mỹ đã đoạt giải Pulitzer tên Pearl S Buck. Năm 1938 bà nhận giải Nobel. Mê say tìm đọc các tác phẩm của nhà văn này tôi bỗng thấy đồng cảm với bà về những nhận xét của bà về văn minh Đông Phương. Sự thông hiểu lẫn nhau giữa hai nền văn minh tràn ngập bất đồng mà bà may mắn có vị trí thuận lợi để quan sát.

Điểm đầu tiên tôi thấy ở họ là sự chung thủy và chữ tín nhiệm. Người giúp việc một khi đã lấy được lòng tin ở chủ sẽ được xem trọng suốt đời. Bà vú chăm sóc những đứa con khi về già sống luôn trong gia đình với họ, được săn sóc và nuôi dưỡng như một người thân cho đến chết. Một lần ngẫu nhiên tôi gặp một mệnh phụ trẻ, cô này nhờ tôi xin cho bà vú người Tàu nhập tên tạm trú vào tờ khai gia đình của cô. Cái tên có con dấu địa phương xác nhận trong tờ khai, cô mới có thể xin Tòa đại sứ cho bà vú đi theo gia đình sang Pháp. Cô nói mấy đứa con cô không chịu đi nếu không có vú nuôi đi cùng, chìa tờ khai gia đình cô khẩn hoản nhờ tôi giúp giùm. Nhìn tên người chủ tôi giật mình, hóa ra cô này là một thành viên trong tòa dinh thự lừng lẫy nổi tiếng của ông Vua ve chai ở Saigon. Là hậu duệ nhiều đời bởi tên chồng cô là “Andre’ H. B. H”. Đi chung cô này là một bà người Tàu trung niên mặc bộ quần áo bằng lụa bóng láng màu đen, vạt hò gài nút thắt bên hông trông gọn gàng, sạch sẽ đứng phía sau. Dĩ nhiên tôi sẵn sàng giúp họ vì cái tên bảo đảm lời của cô là sự thật.

Giờ nghỉ trưa tôi hay lang thang qua các đường phố trong khu vực người Tàu sống ở đây. Bốn dãy nhà lớn trong hai cái hẻm rộng có bức tường và cửa sắt chận hai đầu. Mỗi hẻm gần ba chục gian nhà nằm đối diện nhau qua khoảng sân rất rộng điển hình của những con phố chú Hỏa xây để cho thuê.

Có lần A Lầy dẫn tôi vào đây tìm người thợ làm trong xưởng. Gian nhà bề ngang hơn bốn mét thật dài và sâu bên trong. Vào cửa vừa lên tiếng gọi lập tức có người đáp và một cái đầu thò ra từ bên trên cái gác gỗ rộng bằng cái giường đôi. Nhỏ này giải thích, đây là một hộ. Phía dưới gác là một hộ khác. Bên trong có hai hoặc ba phòng của ba hay bốn hộ. Mỗi phòng là một gia đình gồm cha mẹ, con cái, già trẻ lớn bé sống chung. Mỗi nhà như vậy thường chứa trên hai chục người. Khi những người trẻ túa ra đi làm mỗi sáng thường thường họ ăn uống luôn ngoài đường, buổi tối chỉ về ngủ. Ở nhà đa phần là những ông bà cao tuổi chậm chạp ra vào hay ngồi phơi nắng trước nhà.

Tôi có cảm tưởng người Hoa chú trọng về ăn uống nhiều hơn. Giới giàu có gia đình anh em cũng ở chung, mỗi người một tầng lầu. Người anh cả cai quản cả họ, làm ăn chung mỗi tháng phát lương riêng cho từng gia đình. Con cái học hành, kể cả đi bác sĩ hoặc mua thuốc đều được người quản lý chi trả. Như vậy họ bảo toàn được số vốn lớn để kinh doanh.

Buôn bán là sở trường, từ sáng sớm tinh mơ đến nửa đêm. Quán café ngã ba, ngã tư là điểm hẹn ăn sáng. Từ ngôi chợ nhỏ nhóm dọc lề đường bán đủ thứ rau cải, đồ dùng “hằm bà lằng “.... chợ dẹp sau buổi trưa để rồi mặt trời xế bóng là những hàng ăn, tiệm nước trở thành khu vực ăn đêm, đủ thứ món được bày ra xào nấu trên những lò lửa phừng phừng. Hình như những đồng tiền kiếm được trong ngày họ đều đổ dồn vào ăn uống, vào những thứ ngon, bổ phục vụ cho bản thân.

Nói về chung thủy ai cũng cho rằng điều này sai lầm ở họ. Đọc truyện thấy ngày xưa đàn ông người Hoa nào cũng ba, bốn người vợ và một tá hầu thiếp nhưng có một quy định bất thành văn, họ phân chia thứ bậc trong nhà theo tôn ti trật tự rõ ràng. Vợ cả vẫn là trên hết và có quyền năng tuyệt đối trong nhà, mặc cho ông chồng tìm thú vui nơi đâu, vị trí vợ cả vẫn được ông chồng tôn trọng không hề thay đổi.

Đứa con gái A Lầy càng ngày thân thiết với tôi hơn vì nó rất ít bạn thân. Dù là người gốc Hoa nhưng sống trong xã hội Việt Nam, nhiều hay ít cũng bị ảnh hưởng, con nhỏ nói tiếng Việt rất sõi tuy vẫn còn lơ lớ giọng. Nhỏ thổ lộ với tôi đang yêu một thanh niên người Việt. Lý do vì sao hai người gặp và yêu thì tôi không hỏi. Tôi nói :

- Chị có đọc một quyển truyện kể phong tục tập quán của người Tàu không chấp nhận cho con gái lấy chồng không phải người cùng chủng tộc. Có đúng không ?
- Vì vậy em giấu cả nhà em về mối tình này. Nhưng em thương ảnh lắm, nhà ảnh nghèo, em không thể giúp bằng cách cho vô xưởng nhà em làm.

Vài lần nhỏ này xin phép mẹ đi chợ Saigon cùng tôi. Dĩ nhiên con nhỏ biến mất khi ra khỏi chợ. Tôi phải mất mấy tiếng đồng hồ đi vòng vòng và đứng chờ chỗ hẹn mới thấy nó từ xích lô bước xuống với vẻ mặt vui vẻ, mãn nguyện. Tôi dứ dứ ngón tay nói :

- Nhớ cẩn thận coi chừng ba má em biết là chị “tiêu tùng” luôn với hai người. Mà ban nãy đi đâu làm gì???
- Ngộ đi ăn trong chợ, cái chợ bên quận Tư gần nhà. Ngộ cũng mua vải may quần áo, mua đồ dùng cho ảnh nữa.

Con gái khi yêu thì không tiếc thứ gì với người yêu kể cả thứ quý nhất, chỉ mong con nhỏ sáng suốt đừng mù quáng, quá đà. Theo lời kể thì nhiều lần thấy người yêu sống túng thiếu nó đưa tiền nhưng anh này ngần ngại chỉ lấy một ít thôi. Tôi hỏi dò :

- Anh này có đi làm không em ?
- Ảnh trốn quân dịch chị ơi, đâu có dám đi xa.
- Ờ, chị cũng thấy đám công nhân xưởng mình toàn mấy đứa mười sáu, mười bảy. Có vài đứa lớn hơn thì có giấy hoãn dịch vì lý do gia cảnh.
- Thêm ông Híp py lụ tàu được hoãn dịch vì lý do sức khỏe.

Một điều tôi nhìn thấy ở cộng đồng của họ là chỉ chuyên về buôn bán, không va chạm về chính trị và đặc biệt nhất là sợ hãi chính quyền. Khi có vấn đề họ thường hay tìm một trung gian quen biết để điều đình chi tiền “Nhẩm xà” (uống trà) là một hình thức hối lộ. Cách thức này giải quyết được mọi vấn đề nhanh chóng, bởi vậy đừng hỏi tại sao mọi chuyện làm ăn từ nhỏ đến lớn của họ đều thông suốt và thành công.

oOo

 Biến cố tháng tư bảy lăm ập đến, dĩ nhiên với chính quyền mới là cơn sóng dữ truy quét tận cùng qua các chiến dịch đánh tư sản, đổi tiền. Tất cả cửa tiệm đều hạ bảng hiệu sống co cụm, cố gắng thích nghi chờ thời. Ông bà chủ tôi chuyển hóa rất nhanh, cái xưởng trở thành tổ hợp sản xuất với vài công nhân là người trong gia đình gồm vợ chồng con cái.

Tôi không còn làm thư ký cho họ nữa, qua một người cán bộ quen biết xin việc, tôi trở thành nhân viên kế toán hợp tác xã tiểu thủ công nghiệp của Quận được biên chế lãnh lương nhà nước. Điểm son quan trọng với những người Hoa ở đây là không ai a dua theo làm chỉ điểm, báo cáo về bè bạn, họ hàng. Họ gọi thành phần này là “quẫy thầu”, tiếng lóng ám chỉ kẻ phản phúc trong cộng đồng.

Híp py lụ tàu trở thành vô gia cư vì sau đợt kê khai lập hộ khẩu ông chỉ có một mình không gia đình, trước kia mỗi tháng trả tiền thuê cái gác chỉ để tối tối về ngủ. Ban ngày ông già đi lòng vòng làm thuê nhưng bây giờ các hãng xưởng không còn ai là người dám thuê nhân công, ông lê la ngoài chợ mong gặp các ông chủ lớn ngày xưa để xin chút tiền nhưng hình như không gặp thời bởi những ông này lặn mất tăm. Không có tiền thuê cái gác, mỗi tối ông ra trước hiên cửa tiệm nằm ngủ, có khi A Lầy thương tình bới cho ông tô cơm còn sót lại trong nồi.

Mọi người sống trong phập phồng lo lắng ngày này sang ngày khác, chịu đựng các đợt đổi tiền, các đợt cải tạo tư bản, tư sản công thương nghiệp. Nhưng ít ai ngờ một đợt sóng ngầm cuồn cuộn cuốn những con người có đầu óc thương mại, nghề nghiệp buôn bán làm ăn đã thâm nhập di truyền trong máu thịt, phải bỏ ra đi khi thấy nơi này không thể phát huy sở trường.

Một buổi tối tháng chín mưa thu lất phất, Híp py lụ tàu nằm co ro dưới mái hiên như lệ thường. Tiếng xe đậu bất thình lình trước nhà làm ông ngồi nhỏm dậy, còn đang chưa hiểu chuyện gì, người lái xe không rõ mặt thầm thì nói gọn lỏn : “Bốn người” với một bóng đen khác ào xuống đến gõ cánh cửa mới vừa mở rộng. Ông già Híp py đứng ở cửa nhìn vào căn tiệm không thắp đèn tối âm u, chưa kịp định thần ông bị nắm tay lôi tuột lên xe, tiếp theo là ông bà chủ xưởng và thằng con trai cũng bị đẩy lên, mỗi người khoác cái túi nhỏ trên vai, sau tiếng hô nhỏ : “Đủ rồi” là chiếc xe rồ ga chạy biến. Trên xe trong bóng tối không thấy mặt người nhưng Híp py lụ tàu nghe tiếng rên hốt hoảng của bà chủ :

- Con Lầy, còn con Lầy....!!

Lập tức có tiếng nạt :

- Im giọng, muốn chết hả ?

Híp py lụ tàu nhớ lại, đầu hôm A Lầy mang cho ông tô cơm xong khép cửa đi đâu đó chưa trở lại. Chắc con nhỏ lại trốn đi đến chỗ hẹn hò với thằng bồ người Duyệt nàm (Việt Nam). Sau tháng tư 75 tên này mang băng đỏ trên cánh tay công tác ở ủy ban Phường.

Hôm ấy cơ may đẩy ông thế chỗ A Lầy, đưa ông đi vượt biên bán công khai với số vàng rất lớn gia đình ông Vòng đã đóng cho người tổ chức, số mạng của ông xem như cột chặt với họ khi đến trại tị nạn Hồng Kông. Bà Vòng đổ bệnh vì con gái còn kẹt lại, ông chồng tối ngày phải chăm sóc vì bà hay bị những cơn đau tim bất chợt. Như cá gặp nước ở nơi này, Híp py lụ tàu nhanh nhẹn dẫn thằng tài lũ Phong con trai ông Vòng đi làm. Ở đây mỗi ngày có xe đậu sẵn đưa đón những ai trong trại muốn ra ngoài làm việc. Hai ông cháu ăn trưa ở tầng dưới khu chung cư, buổi chiều cũng vậy. Hàng ngày được trả công, cả hai mua thức ăn trong hộp mang về cho vợ chồng ông Vòng. Khoảng nửa năm ông khai là thành viên của gia đình nên được đi cùng khi xét hồ sơ xin định cư bên Mỹ.

oOo

 Những năm trung học tôi say mê đọc những quyển truyện của Pearl S Buck, cảm thấy có chút gì đó gần gũi dù chỉ vô tình, hiểu thêm về đời sống của con người và đất nước láng giềng bên cạnh. Trong quyển Gió đông gió Tây, bà phu nhân chép miệng đồng ý cho con gái được tháo băng đôi chân bị bó gần hai chục năm, để làm vừa lòng người chồng theo Tây học. Khi nó hỏi lại :

- Tháo băng chân ra hở mẹ.

Bà thở dài :

- Ừ, thời thế đã đổi thay rồi.

Những cuốn truyện khác tôi đọc, quyển Người Mẹ được viết từ năm 1934 trong đó tác giả đã gửi gấm những ý tưởng trông thấy, báo trước chủ thuyết Cộng sản sẽ thay đổi xã hội hiện tại qua lời nói với mẹ của người con trai Út về người anh cả.

Những hạng trung nông còn phải thuê ruộng đất của người khác mà sinh sống, sẽ trơ mắt ếch sau cái ngày mà người ta tập trung ruộng đất phân phối cho mọi người triệt tiêu quyền tư hữu.” (*)

Và cái ngày ấy đã xảy ra từ năm 1949 kể từ khi Cộng sản Trung Hoa nắm toàn bộ đại lục, thế giới không được nhìn thấy gì sau lưng bức màn sắt. Một nửa đất nước miền Bắc Việt Nam sau 1954 cũng rơi vào chủ thuyết ấy, phần còn lại của miền Nam, biết trước cố vùng vẫy trong vòng hai mươi năm, mong duy trì một thể chế tự do nhưng đa phần người dân còn mơ hồ về chế độ Cộng sản bởi họ khéo lừa mị mọi người. Cuối cùng sau tháng Tư năm bảy lăm tất cả mới chạm trán và hiểu thật sự những lời cảnh báo ấy, trong số đó có tôi. Tiếc thay đã quá muộn màng.

Cỏ Biển
Tháng 7/ 2021


(*) Tác phẫm Người Mẹ của Pearl S Buck. Trang 346.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021