SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

Râu sờ Râu vuốt

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

Từ đường cái mới lái vô, thấy khu nhà liên kế, mấy ngõ qua lại thước thợ, những chỗ đậu xe riêng trước từng nhà, Niên tưởng mình lạc. Chưa biết tính sao thì may khi quá đường ngang cuối thấy bảng xây gạch tên “Manorcare” nhô lên bên kia dốc. Thì ra nhà dưỡng lão nằm khuất sau khu gia cư kia. Trên dốc nhìn xuống có vườn hoa cảnh, đây đó mấy băng ghế; nhìn phía trong là cửa chính, lái xuôi dốc vòng sâu qua phải là bãi đậu xe, rộng, bao ra phía sau khu nhà.

Đi bộ ngược ra, Niên không vô thẳng cửa, ngồi xuống băng đá đặt lưng chừng dưới dốc, khoảng giữa cổng và cửa, châm thuốc.

Đến vùng này 3 ngày, bận rộn, dành buổi chiều cuối thăm người anh cô cậu; anh đang nằm trong kia. Mấy ngày nay dự đám bà cô, đã chết sau 17 năm ở trong một nhà dưỡng lão gần đâu đây; giờ thì ghé anh Triệu. Qua hồi 75, không vợ con, đã về Phan Rí sống hơn chục năm, lấy vợ có con; gần đây bịnh tùm lum, bên đó bó tay; gia đình bên này về đưa anh qua chữa trị, xin lại trợ cấp hưu bổng các thứ. Thấy khỏe lên anh lại muốn về Việt Nam. Theo gia đình “bên trong tim gan phèo phổi thận thiếc gì cũng nát hết rồi, đi không nổi, chờ chết”. Chuyển qua Manorcare này là thu xếp của gia đình khi xuất viện.

Niên nghĩ nếu mình là người nằm trong đó - xấp xỉ trang lứa cả mà- nay anh mai tôi thôi; thì mình vui mừng hay ngao ngán khi người thân vô thăm, hai bên làm như chuyện nhỏ, mọi sự bình thường; dù biết xe đòn đang đậu ngoài cửa, chờ.

Anh Triệu hơn Niên hai tuổi, lớn lên ở Saigon, có quá nhiều thứ ăn chơi tội gì học, rớt Tú tài I, đến tuổi vô trường Sinh ngữ Quân đội để ra trung sĩ thông dịch viên. Niên ở tỉnh, có chơi cũng chỉ biết đạp xe lòng vòng nên thi đậu sau đó, lòng vòng vùng II, khi vô Saigon cũng nhờ Anh văn trung học mà kiếm được cơm, học được nghề. Năm anh Triệu bị cụp đốt xương sống khi nhảy trực thăng ngoài Vùng I giải ngũ về, anh em có dịp gần gũi nhau. Anh kêu Niên “chú” nhưng xử sự như ngang hàng. Ngang hàng mà không có gì giống nhau. Từ áo quần, sở thích cho đến vóc dáng. Niên tán gái từ đầu xuống, cụ thể là làm thơ, tặng sách, tặng nhạc; vẫn không nắm được tay. Anh đi ngược lên, cứ lấn xấn chỗ nào cũng ngồi chỗ nào cũng đứng gần, bị xua hoài cũng cứ xáp lại rủ rỉ rù rì; nhấp nháy đã chịu lên Honda chở xuống Lê Lợi uống nước ăn kem, mười em như một; làm như anh đánh hơi được đám nữ. Niên với bạn bè thấy vậy cho là anh chơi đòn thấp, vừa kêu dơ vừa phục. Anh hì hì “dẹp cái ba cái văn hoa, cao thượng, mặt mũi đi; mình nhỏ con, chữ nghĩa đâu nhiêu mà dông dài”.

Thấy Niên đứng trước cửa phòng, anh Triệu chống hai cùi chõ cùng lúc, ngồi ngay dậy trên giường nệm vốn đã được dựng cao một đầu:

- Chú! Chú qua hồi nào? Đi đâu đây!
- Anh! Anh Triệu! Bốn chục năm rồi anh!

Anh cười hì hì:

- Tin tui gần chết qua tới bên chú hả!

Niên bước tới gần. Anh Triệu vừa xoay người thòng hai chân xuống sàn, vừa dang tay ra bắt. Niên ở tư thế tính ôm, vội chụp lấy bàn tay no căng, mềm, lạnh; không dám bóp, tay Niên xương bóp sợ bể, tay kia vỗ vỗ vai anh Triệu.

- Chú ngồi ghế đó đi. Ừ, hơn bốn chục năm rồi hè... không ngờ há.

Không cao lớn nhưng anh Triệu vốn có khuôn mặt to, da trắng mỏng. Trước mắt Niên là một lão tiên: tóc dài bạc như cước, râu quai nón dày, dài quá ngực, trắng, mướt như tơ; râu tóc ấy liền lạc, bao quanh một khuôn mặt trắng ửng phương phi. Đảo vị trí hai người thì bức tranh hợp lý hơn, thậm chí cổ tích: tiên ông đến cứu một tài xế ốm lều khều, mặt hốc vì đã  3 ngày, mỗi ngày 2 bận, mỗi bận cả tiếng căng thẳng trên Beltway I-495, râu ria tề cộc bằng máy số 4, mạnh đều như tóc cúp ca-rê đã dài gấp đôi, phờ phạc.

Niên hỏi:

- Ở đây thoải mái không? Họ chăm sóc đàng hoàng không?
- Bịnh viện, nhà dưỡng lão bên này thì không tệ. Nhưng cũng có những đứa bê bối, làm việc như hạch… tui mới cự con nhỏ y tá…
- Nó đưa lộn thuốc?
- Không phải. Nó lấy máu tui hai lần, bình thường mỗi ngày chỉ một lần. Sức tui mà lấy một ống bự rồi chiều lấy ống nữa thì sao chịu nổi. Tui la “sao mày lấy 2 lần!”, “bác sĩ kêu”, “mày kêu bác sĩ tới đây”.
- Biết đâu bác sĩ yêu cầu vì cần xét nghiệm thêm cái gì đó.
- Chú khỏi biện hộ cho nó. Một ống bự đủ chia ra mà xét nghiệm đủ thứ. Nó đâu kêu được bác sĩ. “bác sĩ đâu?” “có phải mày messed up, làm hư làm mất rồi mày đè tao ra lấy ống khác không?” “Phải không? Kêu manager lại đây!”. “Nó sorry sorry muốn khóc”. Phải vậy chơ chú, tụi nó được thể là khinh thường mình.
- Tưởng mình nguội rồi chớ, ha ha. Anh tui còn gân đa.

Niên nhìn thánh giá to dựng sát tường, cao hơn mấy hộp bánh, mấy dĩa trái cây. Trên thánh giá không có tượng Chúa đóng đinh.

- Mấy đứa đem vô đó...tui biết chú không tin...tui tin...từ hồi mới qua. Đời có nhiều chuyện mình không giải thích được. Tối 29 tui hoàn toàn đâu có ý nghĩ đi đâu, vậy mà có thằng Mỹ đứng dưới ca-nô kêu “muốn đi không, di tản?”. Mấy người trong nhà không hiểu gì, tui hỏi không ai chịu, tui bước xuống ca-nô. Vậy là qua đây. Tui tin.
- Tôi có nghe.
- Chắc chú cũng nghe… tui khó chịu với đám tín hữu ở đây, tới mức gây lộn luôn đó chú. Chịu hết nổi chú ơi, họ áp lực hàng ngày…
- Đó là cách họ giúp nhau xác tín lòng tin của chính mình.
- Chú nữa, chú cứ tìm lời giải thích dù chú chẳng phải đương sự gì hết. Tui tin Chúa nhưng không thích đóng vai rao giảng.
- Thì nói thẳng.
- Nói thẳng thì không giống ai, nổi nóng mới gây lộn đó. Bực họ riết đâm cô lập, thờ ơ. Không tin như chú lại khỏe.

Anh Triệu nói chuyện, lâu lâu vuốt râu, bàn tay không ôm được hết râu ngang mức cằm, hàm rộng và râu nhiều quá; xuống dưới túm được trọn thì lại xóc mấy ngón như lược chải suôn. Những rắc rối đời người đã có nơi gởi gấm thì có thể ngồi làm thế suốt ngày.

- Tôi không tin… thì có phải là bất hạnh không? Có những lúc bất lực, mệt mỏi tôi thấy vậy. Có lòng tin như anh đỡ tự gánh.
- Ý chú nói tụi tui “bán cái”!
- Tâm linh mà kêu “bán cái” thì nghe đời thường quá. Anh Triệu, tôi thực tâm thấy được cái hạnh phúc đó ở người khác, còn tôi sinh ra đã “cứng lòng”, tôi chấp nhận cái giá phải trả. Muốn khỏi trả, tôi lờ chuyện tâm linh, việc đời thường đã đủ khiêng.
- Chú không thành công vì chú thiệt quá. Tui thì hay gây khi bất bình.
- Hồi đó anh sao cũng được mà.
- Không hiểu sao mà qua đây tui vậy.
- Qua đây tôi lại nhủn ra, chắc vì mặc cảm “tị nạn”. Hồi đó dù gì cũng thể, phó thường dân có cái danh dự phó thường dân; có đâu nhục bị đồng bào coi như tội đồ, phản quốc, trốn được thì xin xỏ ngoại quốc gia ơn cho tới ở.
- Tui với chú có cái tự hào của “hàng nội hoá”, sản phẩm của Saigon cũng có thớ, không welfare, không học hành gì thêm, cày mà sống.
- Chú tôi qua Pháp mấy chục năm không vô quốc tịch, chắc cũng vì sân si như vậy.
- Ha ha ha! Mình ngu hay ngon hả chú!
- Ha ha … anh mới nói tôi thiệt quá.

Niên nghe nói “khi an ủi: đàn ông chỉ dẫn cách vượt qua trầm uất, đau khổ; đàn bà thì đặt mình vô vị trí người kia để thông cảm”. Xem ra không cần theo cách nào cả. Cũng chẳng cần né.

- Nghe nói anh có vợ con ở Phan Rí…
- Cũng cần đôi bạn chớ, chú biết tui mà...tưởng là qua đường nhưng thấy người ta tội nghiệp. Nghèo cạp đất mà còn nuôi mẹ già, đâu cựa quậy gì được. Chớ cỡ tui không cặp được ai ở Saigon sao... chú biết tui mà.
- Anh nóng lòng về Việt Nam vì vậy?
- Nằm đây là nằm chờ chết, vô ích, tui không chịu nổi, giá nào tui cũng về.
- Thì ở bên đó kẹt lắm bên này mới về đưa anh qua.
- Đợt rồi vì dọn nhà, tui đau khi nhớ khi quên, mất liên lạc, tiền ngưng không về tới. Không chạy chữa thuốc men thì nặng. Bả đâu biết gì lại còn ra ngoài chạy gạo.
- Anh về thì cũng cái vòng ấy thôi.
- Chết đâu cũng chết. Bây giờ tui có hơn chục ngàn, muốn về thu xếp cho thằng nhỏ học nghề, hớt tóc uốn tóc chẳng hạn. Tội lắm chú ơi.

Anh nghiêng đầu nói nhỏ:

- Con của bả.
- Trong nhà tưởng là con anh.
- Con ai cũng vậy thôi. Một đứa nhỏ.

Không mua bánh trái làm quà, Niên bật cười:

- Quên quà, bậy bạ quá!
- Ôi quà cáp gì! Đâu thích ăn uống gì.
- Nhớ năm xưa lúc còn cao trào đùa giỡn, thăm bạn đồng nghiệp mổ bướu thập tử nhất sinh trong bịnh viện, mua mấy quyển Playboy làm quà.
- Chú mà vậy sao. Tui nhớ đâu có truyền nghiệp cho chú hè.
- Cha đó sống thêm hơn mười năm.
- Tuổi này chú có cho cũng vô ích. Thân, tâm, ý gì cũng biệt kinh kỳ cả rồi.
- Văn nghệ mà.

Niên muốn đấu láo thêm, nhưng phải nói:

- Chuyến này thăm anh được là vui rồi. Giờ tôi đi. Thu xếp sáng mai vê sớm.
- Để tui đưa chú ra.

Anh trườn mông ra mép giường, hai chân quơ tìm giày. Niên nhìn cái khung sắt cao có bánh xe dựng sát chân giường.

- Thôi anh khỏi ra.
- Bậy nà, chú tới thăm tui được thì tui ra tiễn chú được.

Niên đứng lên tính kéo cái khung tập đi lại gần anh.

- Không, không cần. Tui đi được. Bước chậm không sao.

Ra khỏi cửa chính, hai anh em tới ghế đá dưới dốc bảng “Manorcare”. Anh Triệu ôm Niên “thôi, rán lên chú”. Buông Niên ra anh ngồi xuống. Niên vội quay mặt, đi về phía đậu xe. Xe Niên từ từ quay lại. Tiên ông đang vuốt râu, chậm và dài. Niên đưa tay sờ râu mình, những sợi râu cúp ca-rê, cộc, ngông nghênh. Anh ngồi đó an nhiên. Xe qua chỗ ghế đá, Niên xoay mặt nhìn anh, lần cuối. Chiếc xe rác xanh trồi lên trên đầu dốc.

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021