SỐ 91 - THÁNG 7 NĂM 2021

Thôi, tha cho họ đi!

Nguyễn thị Hải Hà

Khoan hồng không phải là một hành động khó thực hiện.  Nó là những giọt mưa hiền hòa từ thiên đường rơi xuống mặt đất.  Nó là ân sủng của người cho lẫn người nhận.  -  Shakespeare, The Merchant of Venice.

Chuyện xảy ra ở đồi Cóc, một vùng núi non thuộc miền Trung.  Năm 1972.

Phần I

Khi Thiện bước vào địa phận đồi Cóc, không khí đang sôi động.  Tiếng pháo nổ ầm ì vọng lại.  Có anh lính nào đó văng tục vào máy truyền tin. 

- Năm chục mét sang bên trái.  ĐM!  Pháo gì như cục kít, cả chục trái mà không trúng tọa độ.  Bộ mấy cha  nội thờ tụi nó nên không dám bắn trúng hả?
- ... (tiếng máy nghe lách tách rột rẹt).
- Ai mà không biết, sai một ly đi một dặm.  Lạng quạng mấy cha pháo trúng gà nhà đó nhen.  Tụi tui gần với tụi nó lắm.  Đứng đây nhìn thấy miệng hang.  Mấy cha canh kỹ một chút đi.  Toàn là trúng ruộng với cắt đầu mấy cây dừa nhà dân.  Cái hang còn nguyên xi.

Thiện nói với một người lính đứng gần đó. 

- Anh đi tìm thượng sĩ Già giúp tôi.  Trung úy Thiện.  Mới bổ nhiệm.

Chập sau, một người tuổi trạc tứ tuần đến gần, vẻ dày dạn mệt mỏi hiện rõ trên nét mặt.  Trên túi áo ông ta có bảng tên thêu bằng chỉ đen.  “Giau.”  Dấu huyền và chữ u đã bị tróc chỉ còn lờ mờ.  Bắt gặp ánh nhìn của Thiện, ông thượng sĩ giải thích. 

- Tôi tên Giàu.  Nhưng vì tôi lớn tuổi nhất, tuổi đời và tuổi lính, tụi nó gọi tôi là Già.

Ngay lập tức, Thiện biết đây là người chỉ huy không chính thức của trung đội này.   Lính, thật ra tuân lệnh những người lớn tuổi có kinh nghiệm chiến trường, vì tin cậy, hơn là sĩ quan trẻ như Thiện.

- Thiện.  Nguyễn Bản Thiện.  Mới bổ nhiệm.  Tình hình hiện tại như thế nào, Thượng sĩ?
- Pháo cả buổi sáng mà không trúng tọa độ.  Dự định sẽ tiếp tục pháo cho đến chiều, nếu không có kết quả thì chúng ta sẽ đi vòng để quay lại căn cứ.  Trung úy thuộc khóa nào?  Đang học trung học thì bị bắt nhập ngũ? 
- Không ai bắt tôi cả.  Tôi tình nguyện đi sĩ quan.  Gia đình tôi cả ba đời đều theo binh nghiệp nên tôi tình nguyện là hợp lẽ.  Tôi ra trường đã cả năm, đánh mấy trận lớn rồi.  Tôi không còn là lính sữa nữa đâu. 

Nói như đùa, nhưng vẻ mặt Thiện rất nghiêm trang.  Không có nét cười, dù chỉ là nhếch mép.

- Thượng sĩ bảo đi vòng.  Tại sao lại đi vòng?  Tránh họ?  Sao các anh không tấn công thẳng vào hang?  Bọn họ đông lắm không?  Vũ khí loại gì? 
- Không đông lắm.  Ông thầy! Chừng hai mươi hay hai lăm.  Một số bị thương!  Không biết họ có chôn dấu thức ăn và vũ khí trong động hay không.  Vũ khí và thức ăn nhiều cỡ nào để có thể cố thủ.
- Hình như chúng ta đông hơn, chừng 30 hay 40?  Sao không đánh thẳng vào hang?
- Dạ ông thầy!  Anh em mệt mỏi lắm rồi cho nên...
- Mệt mỏi hay lười biếng?  Trông kìa, trung đội của anh.  Họ nằm ngồi lổm nhổm.  Súng ống chểnh mãng thế kia thì đánh đấm quái gì.  Thượng sĩ tập hợp họ lại cho tôi nói chuyện với họ. 

Giàu đá chân một người lính nằm trên bãi cỏ, nón sắt úp mặt, từ nãy giờ giả vờ ngủ, ra dấu cho anh ta đứng dậy.  Thiện quát lớn.

- Các anh quen tiếp đón chỉ huy mới bằng cách nằm ườn ra như thế này à?

Anh lính giơ tay chào, nhưng không có vẻ thuần phục.

- Chỉ huy mới cứ thay đổi xoành xoạch nên chúng tôi chẳng quen với cái gì và quen với ai cả.  Chỉ trong vòng một tháng mà đã mất ba chỉ huy.  Chúng tôi đánh nhau cả tháng rồi Trung úy.  Cả tháng nay chẳng ai được ngủ thẳng giấc.
- Tôi biết, và thông cảm.  Nhưng bây giờ tôi là chỉ huy của trung đội này.  Các anh phải tuân lệnh.  Cấp trên bảo đánh là phải đánh.

Có tiếng xì xào sau lưng Thiện.  Trung úy chưa hết khát sữa mà đã khát máu!

- Trung úy đã đánh được bao nhiêu trận rồi?
- Không nhiều lắm nhưng đủ có kinh nghiệm chiến trường để chỉ huy các anh.
- Trung úy có lẽ chưa bao giờ đánh cận chiến­, chưa hề giết ai, có thể là chưa từng bị bắn nên không sợ.
- Sợ gì?  Sợ chết? Ai cũng sợ chết cả nhưng tôi sợ nhục hơn.  Các anh quên nhiệm vụ của các anh là chiến đấu để bảo vệ quốc gia, bảo vệ người dân.  Tôi không đứng đây để lên lớp các anh.  Trong chiến tranh, hễ anh không giết kẻ thù thì họ sẽ giết các anh. 
- Nhưng những người ở dưới hang kia không hẳn là kẻ thù.  Đa số họ là người địa phương, không bên này bắt đi lính thì bên kia bắt đi.  Họ cũng chỉ muốn được bình yên làm ruộng để nuôi vợ nuôi con thôi Trung úy.  Họ đã bị thương và đang thất thế.  Thôi.  Tha cho họ đi mà.  Chúng ta có thể đi đường khác để về đơn vị.
- Nói như các anh thì chẳng mấy chốc sẽ thua trận mà thôi.  Chẳng có người nào có tinh thần chiến đấu cả.  Các anh chuẩn bị.  Chúng ta sẽ chia thành ba toán đánh vào hang.  Tôi sẽ dẫn toán thứ nhất. 

Trước khi ra lệnh tiếp, Thiện bước ra gần mõm đá nhìn về phía hang động lần nữa.  Bất chợt, một người lính nào đó lao thẳng vào Thiện.  Thiện té ngửa.  Đầu đập vào tảng đá.

oOo

Phần II

Ngồi bật dậy.  Thiện nhận ra mình đang nằm ở khoảng cách giữa đồi Cóc và hang địch, phía sau một tảng đá.  Súng máy từ trong hang bắn rát rạt.  Giữa lằn đạn réo vi vu, chàng nhận ra quân phục Mai Vàng.  Thôi rồi.  Đánh nhau với quân đội nhà à?  Luồn lách chung quanh những tảng đá, quay trở lại đồi Cóc, chàng nghe giọng nói. 

- Thượng úy thật là gan dạ.  Xung phong đầu tiên vào hang đánh Mai Vàng.

Người nói không phải là Thượng sĩ Giàu.  Chung quanh toàn là quân phục của Sao Đỏ.  Quân đối nghịch.  Thiện sợ hãi, choáng váng, toát mồ hôi.  Mai Vàng thất trận nên quân đội Sao Đỏ đã chiếm đóng đồi Cóc rồi sao?

- Anh nói bên nào ở trong hang?
- Còn bên nào nữa.  Mai Vàng chứ bên nào?
- Mai Vàng ở trong hang?  Còn Sao Đỏ ở trên đồi?  Thật vậy à?
- Chứ sao.  Thượng úy hỏi gì lạ vậy?
- Tôi là Thượng úy?  Không phải Trung úy?  Tôi là ai?  Còn anh, anh là ai?

Người đàn ông trước mặt chàng cười ngất. 

- Chắc Thắng sợ quá nên quên cả rồi.  Hay là bịnh sốt rét làm Thắng mê sảng?
- Anh gọi tôi là Thắng.  Tên tôi là Thắng?  Cái gì Thắng?
- Thượng úy Trịnh Quyết Thắng.  Nổi danh là háo thắng, chơi banh hay đánh cờ gì cũng phải thắng mới chịu.   

Có lẽ quân đội Sao Đỏ lầm chàng với người của họ chăng?  Thiện nhìn lại mình, chàng ngỡ ngàng, bối rối hơn vì chàng cũng đang mặc quân phục của Sao Đỏ.

- Tôi đang ở đâu?  Hôm nay là ngày gì?
- Đồi Cóc.  Tháng Ba năm 1975.
- Không.  Không thể được.  Tôi đang ở đồi Cóc năm 1972.  Còn ai đang ở trong hang?
- Nói rồi mà.  Quân đội Mai Vàng.  Chừng hai mươi lăm hay ba mươi.  Một số trong bọn họ bị thương.  Thượng úy có sao không?  Thượng sĩ có thái độ kỳ lạ quá  Để tôi đưa Thượng Úy đến gặp thủ trưởng.  Tướng Sĩ. 

Ông Sĩ nhìn chàng, bảo:

- Thượng úy chuẩn bị nhé.  Chúng ta sẽ chia làm ba toán.  Súng đại liên yểm trợ.  Bắn thật gắt nghe chưa.  Phải tắt giọng cái thằng đang canh cửa hang.  Toán thứ nhất đến trước hang cách chừng 50 mét chờ lệnh tôi.  Tấn công bằng lựu đạn  rồi xông vào.  Khi đã vào hang sẽ trở thành toán yểm trợ.  Toán thứ hai và toán thứ ba sẽ theo sau.

Thiện vội ngăn.

- Thưa thủ trưởng.  Bọn họ có nhiều người bị thương rồi.  Thôi.  Tha cho họ đi! 
- Tha cho họ.  Anh có điên không?  Đây là lúc nên tấn công và tận diệt bọn nó, và như thế sẽ kết thúc chiến tranh sớm hơn.
- Sớm hơn được bao nhiêu ngày?  Một ngày.  Hai ngày.  Một tuần.  Chúng ta đã đánh nhau hai mươi năm nay rồi.  Tha cho họ làm phước.  Mà tha cho họ cũng là giúp cho mình.
- Đang chiến tranh mà anh bảo tha kẻ thù.  Gặp tôi là chỉ huy dễ dãi, chứ nếu không thì tôi cho xử bắn anh, tội phản quốc.  Họ là gì của anh, anh em, họ hàng, hay bạn bè, mà anh muốn tôi tha cho họ?  Tại sao tha cho họ mà cũng là giúp mình?  Anh mà giải thích không ra thì tôi sẽ xử tội anh.
- Thưa thủ trưởng.  Đừng dồn họ vào chỗ chết.  Vì khi đó họ sẽ liều chết đánh lại.  Và cho dù chúng ta có thể thắng, giết hết họ, thì chúng ta cũng sẽ bị thiệt hại rất nhiều.  Họ đang ở trong hang, có chỗ núp kín đáo.  Họ cũng có thể gài mìn và biết đâu chừng tất cả chúng ta đều bị chôn cùng với họ trong hang. 
- Thượng úy Trịnh Quyết Thắng.  Cái tên của anh đã phản lại con người hèn nhát mang ý chí chịu thua của anh.  Giữa trận mạc mà anh van xin tha cho kẻ thù. 
- Nhưng họ không phải là kẻ thù.  Họ cũng là anh em, đồng bào của chúng ta.  

Thình lình, một người lính Sao Đỏ chạy vào, reo to.  Chúng ta thắng rồi.  Hết chiến tranh rồi.  Thiện nói tiếp.

- Tha cho họ đi.  Bởi vì không ai muốn làm người lính chết vào giờ thứ hai mươi lăm.

Ông Sĩ tức giận, rút súng ra chỉ vào mặt Thiện định bắn, nhưng chẳng hiểu sao lại đổi ý, dùng báng súng đập mạnh vào đầu chàng.  Thiện ngã xuống.

oOo

Phần III

Hai người đàn ông, một mặc quân phục Sao Đỏ, người kia mặc quân phục Mai Vàng, cùng đỡ Thiện ngồi dậy.  Chung quanh là sương mù dày đặc, không có tiếng pháo, tiếng súng, ngay cả tiếng chuyện trò cũng không.  Ông Mai Vàng nói trước.

- Chỗ cậu đang đứng là đồi Cóc Anh.  Phía hang động dưới kia cũng là đồi Cóc.  Cóc Em.

Ông Sao Đỏ nói tiếp theo:

- Phải xuống núi đi vòng theo đường mòn thì sẽ thấy cái hang động có hình dáng của con cóc, nhỏ hơn.  Cửa hang là miệng của con Cóc Em.
- Có người nói đây là cặp vợ chồng Cóc.  Quân đội chúng tôi nói là cặp cóc này là anh em.  Ông Mai Vàng nói.
- Ở thời điểm năm 1972, một nhóm tàn quân của Sao Đỏ trốn vào hang.  Ông Sao Đỏ nói.
- Ở thời điểm năm 1975, nhóm Mai Vàng.  Ông Mai Vàng nói.
- Chúng tôi là hai kẻ đã tử trận trên đồi Cóc Anh và hang Cóc Em.  Đánh nhiều ngày, pháo rồi bom, xác của chúng tôi, cả hai bên bị trộn lẫn vào nhau không còn phân biệt được.  Hai chúng tôi được chôn chung trong một mộ, chẳng biết bên nào chôn.
- Phía sau hang cóc Em có con đường mòn kín đáo, người ở trong hang có thể lần theo con đường mòn này đến con suối, và con sông và ra biển.
- Khi cậu trở lại đồi con cóc 1972...

Thiện không còn nghe lời nói của hai người đàn ông nữa vì chàng đang nghe tiếng nhốn nháo chung quanh.

oOo

- Tỉnh rồi.  Tỉnh rồi.  Không sao.

Thiện ngồi dậy.  Thượng sĩ Giàu ấn chàng ngồi xuống, vẫn núp sau tảng đá, chỉ về hướng cửa hang.

- Tụi nó có một người bắn sẻ rất chính xác.  Trung đội đã bị mất ba người chỉ huy trước khi Trung úy đến.  Cậu binh nhì kia đã cứu Trung úy bằng cách lao vào người Trung úy kịp lúc.  Viên đạn trúng cái nón sắt, khi Trung úy ngã xuống, viên đạn bị trượt qua tảng đá, cày một đường dài và sâu, vẫn còn đó.
- Làm sao họ biết tôi là người chỉ huy?
- Cái nón sắt của Trung Úy có dấu kim loại bằng đồng, màu sáng hơn.  Họ có thể nhìn thấy qua ống kính của cây súng.  Họ cũng đoán được bằng những cử chỉ của người sĩ quan chỉ huy.  Cách người ấy khoa tay ra lệnh.  Và có khi ánh nắng phản chiếu cái dấu đồng trên cái nón.
- Làm sao cậu ấy biết lúc ấy họ nhắm bắn tôi?
- Vì ánh sáng chiếu lên vệt đồng lóa sáng nên cậu ấy phản ứng nhanh bằng cách lao vào đẩy Trung úy ngã xuống.  Trước kia, ba người bị bắn sẻ chết cũng có dấu ánh sáng chỉ lên đầu.
- Tôi bất tỉnh bao lâu?
- Chừng chưa đến mười phút.  Bây giờ thì sao đây Trung úy?  Chúng ta có tiếp tục tấn công không?
- Không.  Không cần tấn công họ đâu.  Nếu chúng ta bắn rát phía trước hang và để yên phía cuối hang, họ sẽ rút lui ra khỏi hang bằng con đường mòn ở phía sau.  Không tấn công họ cũng là cách chúng ta bảo toàn lực lượng.
- Vì sao Trung úy biết phía sau hang có con đường mòn?
- Tôi có nghiên cứu chiến địa trước khi được bổ nhiệm.  Cái hang ấy là cũng là miệng của con Cóc.  Nếu chúng ta xuống đồi, nhìn từ hướng bên hông của cái hang sẽ thấy đó cũng là cái đồi hình con cóc nhưng nhỏ hơn.  Đồi chúng ta đang chiếm đóng là đồi Cóc Anh.  Hang kia là Cóc Em.
- Thôi Trung úy đừng buồn.  Sẽ có dịp khác để Trung úy lập công và lên lon.

Thiện làm thinh không trả lời.  Thiện không phải là người khát máu, hay hiếu chiến.  Như bao nhiêu người quân nhân khác, chàng mơ ước hòa bình, mong chiến tranh càng sớm kết thúc càng tốt.  Nhưng theo quân đội, người ta không thể tha mạng cho kẻ thù.  Có ông đại tướng Mỹ đã từng tuyên bố.  “Yêu nước không có nghĩa là chết cho tổ quốc, mà là giúp cho kẻ thù chết vì tổ quốc của họ.”  Thiện cũng không quên câu chuyện đại tướng Charles Lee của Mỹ vì đã không đuổi theo tàn quân của Anh để giết họ mà sau đó bị cách chức vì tội không tuân lệnh cấp trên, và bị đổ cho lỗi đã làm cho cuộc chiến kéo dài hơn.  Bây giờ nghĩ lại, có lẽ một người lính nào dưới trướng của ông đã thành công trong việc thuyết phục tướng Lee là quân đội của ông đã mỏi mệt, và tàn quân của địch cũng kiệt sức rồi.  Hãy có lòng bao dung mà tha thứ cho kẻ thù.

Thiện không thể giải thích được những điều chàng cảm nhận, như một giấc mơ, trong mười phút chàng ngất tỉnh, về câu chuyện hai người quân nhân ở hai chiến tuyến khác nhau đã chỉ cho chàng biết về con đường mòn ở phía sau hang.  Chàng nghe trong máy cassette của một người lính văng vẳng một bài vọng cổ.  “Con ơi bởi đàn bà lớn chức nên quân lệnh họ nghiêm, chớ có lý đâu hùm dữ mà nỡ đang tâm giết thịt con mình...” 
Thiện hỏi Thượng Sĩ Giàu. 

- Bài hát đó trong tuồng nào?  Sự tích gì?
- Tôi không rành.  Hình như là sự tích Tiết Đinh San hay Thần Nữ Dâng Ngũ Linh Kỳ.

Bài vọng cổ nói về một anh lính vì yêu đã tha mạng cho một người nữ tướng bên phía kẻ thù.  Sự tha thứ này khiến mẹ anh, nữ đại tướng của quân đội anh ra lệnh giết anh.  Dù là con của nữ tướng chỉ huy nhưng phạm quân pháp thì vẫn bị kết tội. Người đang than khóc trong bài vọng cổ là bố của anh quân nhân.  Thì ra, quân đội mà Thiện đang chiến đấu cho, và đồng bào của anh, chẳng ai xa lạ gì chuyện tha mạng cho kẻ thù, khi kẻ thù đang thất thế sa cơ.  Họ nghĩ kẻ thù cũng là đồng bào.  Cũng là con người.  Họ hát rằng “kẻ thù ta đâu có phải là người.  Giết người đi thì ta ở với ai?”  Thiện nhìn chung quanh, bên cạnh tảng đá chàng ngã xuống bất tỉnh, có một ụ đất, giống như một nấm mộ.  Chàng nghĩ đến hai quân nhân trong cơn bất tỉnh.  Trên ụ đất có hai viên đá.  Một khắc hình hoa mai.  Viên đá kia hình ngôi sao.

Năm 1975, Thiện đã dùng con đường mòn sau hang con Cóc để triệt thoái.  Rồi bốn mươi sáu năm sau nữa Thiện ngồi kể lại câu chuyện hoang đường.

Truyện phóng tác.  Từ The Quality of Mercy, phim truyện truyền hình của Rod Serling.

Nguyễn thị Hải Hà
Ngày 7 tháng Ba năm 2021.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021