SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

ANH TƯ ĐỜN

Trước năm 75 chị Hai có tiệm tạp hóa lớn ở Cà Mau, anh Tư chồng chị có nhiệm vụ mỗi tuần lấy hàng từ hãng lớn áp tải xe ba bánh về đến nhà là xong việc, sáu ngày còn lại anh sống nghiệp đờn sĩ cải lương.

Gia đình bên anh có máu nghệ sĩ miệt vườn, ai cũng biết ca cải lương, bảnh như anh vừa ca vừa đờn, tiếng đồn vang xa đến độ một số khán giả của anh xin thọ giáo thầy Tư Đờn.

Anh mở lớp dạy ca vọng cổ nổi tiếng trong vùng, chị hãnh diện vì anh thì ít, buồn nhiều vì học trò nữ mến mộ anh dữ lắm, rủ anh đi chơi cả đêm đến sáng mới dìa nhà.

Phụ nữ thời đó ở tận miệt vườn, một chồng ba con yên bề gia thất, làm ăn khắm khá như chị hạnh phúc hơn khối chị em có chồng lính đi xa hoặc lính địa phương quân nơm nớp lo bọn ăn cơm Quốc Gia thờ ma CS tối mò về làng ám hại.

Chị quen kiểu sống đờn hát đầu làng cuối chợ lang bạt của anh, mỏi chân mòn gót anh mới về với chị, cơm no áo ấm, mỗi tuần áp tải hàng hóa cho chị xong tiếp tục lên đường lãng du đàn đúm.

Sau năm 75 đám Tập Kết hồi hương nắm chức chủ tịch phường, bí thư Đảng lớp ba trường làng mê cải lương mời anh Tư đến nhà ca hát ăn nhậu thỏa thích cho bỏ những ngày đói khát chui rút trong bưng.

Nhờ quen thân với quan lớn địa phương anh làm trung gian cho nhóm bao thầu bến bãi vượt biên,  tiệm tạp hóa của chị Hai là nơi liên lạc của các chủ tàu, khách đến từ xa trình diện công an địa phương.  

Những buổi ca hát của anh bây giờ có thêm khách vượt biên từ khắp nơi đến dự, trong số đó có người lần đầu nghe anh Tư Đờn hát gật gù khen giọng anh mùi như mít rụng.

Sau gần một chục chuyến đưa người thành công, anh Tư gom hết gia sản và cây đàn lên thuyền ra khơi với vợ ba con may mắn tấp vào đảo Thái Lan, bỏ lại khán giả Cà Mau thân yêu sau lưng.

Đặt chân lên xứ Mỹ, anh chị đi học ESL, khổ thân họ không hạp chữ nghĩa, học vài tháng cho có lệ, trả chữ cho thầy, anh chị xin việc trong hãng may, chị lãnh thêm hàng về nhà làm đêm và chủ nhật.

Hai mươi năm tỵ nạn qua một cái vèo, các con lập gia đình ra riêng, anh chị nghỉ hưu ở nhà buồn tay buồn chân chị nấu đủ thứ món ngon xứ Việt cho anh nhậu lai rai với bạn cải lương của anh.

Anh Lộc vốn là bạn Cà Mau đi chung chuyến vượt biên năm xưa với gia đình chị Hai, anh biết anh Tư nghiện đờn ca cải lương bao nhiêu thì chị Hai cũng ghiền nấu ăn bấy nhiêu, cơm nhà chị không thua thực đơn nhà hàng.

Sợ chị ngồi không lụt nghề anh Lộc đề nghị chị Hai nấu cơm tháng cho hàng xóm của chị, đa số là dân độc thân và vài gia đình có con nhỏ cả vợ lẫn chồng đều đi làm suốt ngày.

Quán cơm tháng chị Hai ra đời, thực đơn chay, mặn có đủ, cơm phần ba món, chị lấy giá phải chăng, tiếng thơm bay xa, thỉnh thoảng có người đặt cơm khách cuối tuần, bánh xèo, chả giò, phở, hủ tiếu, xôi chè…

Em tôi là khách ruột của chị, cuối năm em đặt chị Hai bánh chưng bánh tét biếu đồng nghiệp trong sở nên chị coi em như người nhà, chị gọi em là cô Út cho thân mật vì em là con út của bố mẹ tôi.

Tội nghiệp chị, tiền nấu cơm tháng chị trích ra một ít gửi về cho bà con ở VN, bị các con phản đối, chị nhờ em tôi gửi giúp chị, thỉnh thoảng chị gọi em đến nhà chị « to go » món ngon em thích.

Chị Hai có quán cơm, anh Tư đâu chịu thua, lập nhóm cải lương tụ họp bạn bè, dạy miễn phí cho tụi trẻ, anh giao lưu rộng nhận em gái nuôi tùm lum, tự phong đại ca Ca Cổ rất chịu chơi chịu chi luôn.

Lương hưu ít ỏi, xin các con mãi cũng ngại, tài trợ từ chị Hai không đủ, anh xoay xở theo cách riêng của anh kém lịch lãm làm mếch lòng chị dữ dội.

Chị Hai thường gom lon nước ngọt Coca Cola, Pepsi, bao nylon… từ bạn bè và khách cơm tháng, gom được mấy bao chị gọi người đến bán ve chai để dành tiền cúng Chùa, giúp họ hàng ở VN.

Thế mà anh Tư nỡ lòng nào len lén chờ chị đi chợ ẩm mấy bao ve chai của chị, lặng sâu tới tối om mới mò về nhà vào giường trùm mền ngủ tới hừng đông hôm sau tiếp tục lặng sâu đến tối lại về.

Tuyệt chiêu của anh để hạ hỏa cơn thịnh nộ của chị dù bị anh cướp mất mấy bao ve chai gom góp cả tuần nay, anh biết tính chị hiền hòa, giận thì giận mà thương thì thương anh suốt đời.

Yêu là mù quán, mù lòa, mù tịt, mù mờ nghĩ rằng « người ấy » cũng yêu ta mà, phụ nữ Miền Tây hiền hậu dễ thương như rứa, chị Hai Cơm Tháng cũng không ngoại lệ.

Sau ngày bị mất trộm chị Hai hỏi anh tại sao mấy bao ve chai không cánh mà bay, anh gãi đầu :
- Má nó giúp chùa, tui giúp mấy người tỵ nạn mới qua.

Chị tức cành hông mà không trách được anh làm điều thiện dù chị biết anh nói xạo vì không bắt được tại trận, chị còn lạ gì tính trăng hoa của anh, bây giờ là chủ lò vọng cổ anh không nổ với mấy cô mới đến đây định cư mới lạ.

Năm đó chị biết tôi qua chơi với em, chị mời hai chị em tôi qua nhà chị dùng cơm cuối tuần.

Bước vào sân nhà chị, anh Tư trong bộ veste tay cầm chiếc Samsonite đi ra, anh chào em tôi :

- Chào cô Út, cô đi với ai đây, khách lạ nha.
- Chị của em qua thăm em đó anh Tư

Ông kẹ chiếu tướng tôi :

- Cô ở đâu qua đây vậy ?
- Dạ em ở bên Tây anh Tư.
- Vậy hả, cuối tháng này tui qua Châu Âu họp với Ban Quản Trị vì tôi có cổ phần công ty của bạn tui bên đó, cô vô nhà chơi, tôi đi công việc đây.

Dứt lời anh Tư cười duyên, lên chiếc Toyota mở máy, tiếng xe nổ to như mấy chiếc xà lang chở than củi ở Cà Mau.

Vô nhà chào hỏi chị Hai, em tôi kể vừa gặp anh Tư ngoài cửa trong bộ veste bảnh bao với chiếc Samsonite và chuyện anh làm ăn chi đó bên trời Tây.

Chị Hai lắc đầu, giọng buồn hiu :

- Ổng mà mần ăn cái gì, thấy cô Tư (chị gọi tôi như thế vì tôi là đứa con thứ 3 trong 4 anh em) ở bên kia nên vẽ chuyện lấy oai, trong cái cặp Samsonite chỉ có cái đèn pin thôi.

Tôi ngạc nhiên hỏi :

- Ban ngày anh Tư mang theo đèn pin làm chi chị Hai ?
- Phòng hờ xe « ăn vạ » giữa đường ổng dùng đèn pin rọi vào máy xe nối dây điện dây đồng chi đó, ổng là chuyên gia trị bệnh ngặt nghèo mấy chiếc xe cũ đó cô Tư.
Lúc này ổng thường lên bộ đồ chiến chở mấy người mới qua đi làm giấy tờ, cuối tuần dẫn họ ăn cơm tiệm nên xách cái Samsonite cho oai.

Em tôi thắc mắc :

- Anh Tư không rành tiếng Anh làm sao giúp họ làm giấy tùy thân ?
- Ổng chở họ tới sở Di Trú, chờ làm xong rồi chở về, ông làm taxi miễn phí làm phước mà.

Thấy chị không vui chị em tôi không hỏi gì thêm về anh, hôm đó chị đãi chúng tôi gỏi xoài, bánh xèo, chè xôi nước tứ sắc từ củ dền đỏ, lá cẩm, lá dứa, gấc, chị « to go » cho chúng tôi mắm thái chay, cá kho quẹt…

Anh Tư bồ bịch lăng nhăng với chị em chân ướt chân ráo mới qua rồi anh cũng về ăn cơm với chị, vì sau khi có giấy tùy thân ai nấy tìm việc làm ổn định cuộc sống chứ có thanh thản rong chơi như anh đâu.

Buồn cảnh đời hiu quạnh bên ni, anh quay về cố hương tìm sinh khí mới, anh giờ là việt kiều dù chỉ bập bẹ tiếng Anh nhưng có cái Passport USA oai nhất hành tinh về Cà Mau lấy le, dại gì đi chơi New York ú ớ yes – no… cho phiền.

Ngày tiễn anh lên đường du dương chứ không phải tòng quân, chị dúi vào tay anh cả ngàn đô phòng khi đau ốm, anh cảm động trước chân tình của chị và hứa sớm quay về nhà.

Mấy tháng trời Tư Đờn lưu diễn khắp miệt vườn, cuộc vui nào cũng đến lúc tàn, anh bịn rịn chia tay bà con chồm xóm, khán giả hâm mộ, tội nghiệp cô giáo trẻ mà anh thề non hẹn biển khóc như mưa.

Chi Hai và các con ra phi trường đón anh, Tư Đờn được chị nuôi trắng tròn chừ ốm nhom, đen thui phảng phất mùi phèn Cà Mau trông xa lạ chi đâu, mà thôi anh về hồn xác đầy đủ là chị mừng rồi.

Chưa bắt kịp múi giờ Cali, ngày ngủ đêm thức anh Tư điện thoại đường dài với cô giáo Cà Mau, cô bắn tin đã cấn thai vài tháng, cô chờ anh trở lại kết hôn với cô, anh hết hồn, hứa bừa trấn an cô giáo.

Anh trằn trọc ngày đêm trước tin vui của cô giáo lại là nỗi buồn không tên của anh, tin động trời anh chưa biết ăn nói làm sao với chị và con cháu.

Cuối cùng anh hẹn thằng con cả ra quán cà phê khai hết sự tình nhờ nó mở lời với chị Hai.

Hiếu nhăn nhó :

- Ba đi chơi đã đời, mới về má chưa kịp vui, báo tin ba sắp có con có tàn nhẫn quá không ba ?
- Khổ là cô giáo chưa chồng tự dưng có bầu sống sao nổi với dân làng.
- Vậy má sống sao với cái tin động trời đó ?
- Má con có ba mấy chục năm rồi, ba là mối tình đầu của cô giáo bỏ ngang tội lắm.
- Ba là mối tình đầu của má, của cô giáo rồi còn của ai nữa ba.
- Con biết ba có máu nghệ sĩ, lãng mạn vui chơi đó đây, bồ bịch một lúc rồi thôi, bây giờ có con với người ta, ba có nghĩ cho má, cho cô giáo và đứa bé sắp chào đời không ba ?
- Ba biết vậy nên mới nhờ con nói với má để ba gửi tiền về cho cô trước, chuyện cưới hỏi tính sau.
- Con sẽ lựa lời nói cho má biết, nhưng không phải ngay lúc này.
- Vậy cũng được, đừng cho vợ con với vợ chồng em gái biết chuyện của ba lúc này không tiện.

Hiếu gật đầu, ra về bối rối trước tình thế éo le của anh Tư, các con thương anh Tư và tội cho chị Hai chịu đựng anh mấy chục năm, nhưng làm sao chị không khổ khi biết anh có thể rời xa chị mai này.

Hiếu chưa kịp báo với chị Hai thì mấy cú điện thoại bên kia địa cầu bị rò rỉ, chị buồn quá muốn bỏ nhà vào chùa nương náu tuổi già dù các con đều khuyên chị để tụi nó giải quyết với anh Tư.

Chị gọi em tôi tâm sự một lúc và nói ý định vô chùa, em tôi an ủi :

- Vô chùa mà lòng không tịnh chỉ làm phiền những người chung quanh thôi.
- Ý cô Út là sao ?
- Chị phải bàn với anh Tư và tụi nhỏ, em tin rồi đâu sẽ vào đó.

Cuối tháng như thông lệ chị Hai gọi em tôi ghé nhà lấy tiền gửi về quê như mọi khi, hôm đó chị đưa số tiền gấp đôi và giải thích :

- Phần tiền thứ hai tui nhờ cô em chồng đưa tận tay cô giáo.

Em tôi nhìn chị trân trân :

- Anh Tư đã thú nhận với chị cái bầu của cô giáo ?

Chị gật đầu :

- Vợ thằng Hiếu bày cho tui đề nghị với anh Tư, mỗi tháng tui gửi tiền cho cô dưỡng thai thay anh và khi tui ra mặt như vậy đồng nghĩa không có chuyện cưới hỏi gì ráo trọi.
Ổng ngạc nhiên thấy tui « làm dữ » không cho ổng liên lạc với cô ta, im re chấp nhận vì ổng đâu có tiền lo cho cô ta, vợ thằng Hiếu dạy tui chiêu này đó cô Út,
- Em mừng cho chị được con dâu giúp đỡ, em tin anh Tư sẽ thay đổi trước thái độ dứt khoát của chị.

Vài tháng sau, đến hẹn lại lên, em tôi đến chị Hai lấy tiền gửi tiền về VN, chị kéo em tôi vô nhà.

Đặt ly chè xuống bàn, chị vui như tết :

- Tin vui bất ngờ tui vui mấy bữa nay ăn ngủ vật vờ không ngờ trời thương, tui niệm Phật cầu xin anh Tư trở về với tui nhưng trong lòng cũng áy náy vì đứa con của ổng.
Bắt ổng bỏ thì tội, để ổng theo cô giáo với đứa bé thì tui buồn lắm cô Út.

Em tôi sốt ruột :

- Hư thực ra sao, em không hiểu chị muốn nói gì từ nãy giờ ?
- Mừng quá nên tui nói lòng vòng, cô giáo hổng có bầu, cổ muốn ổng cưới dẫn qua Mỹ.
- Làm sao chị biết cái bầu giả ?
- Cô em chồng chuyển tiền cho cô ta âm thầm điều tra mới biết cô nói dối để bắt ổng cưới cô ta.
Tui không thèm nói với ổng, để thằng Hiếu hẹn ổng ra quán cà phê vạch mặt cô ta để ổng tự xử.
- Tự xử là sao chị ?
- Ổng hứa với tui và tụi nhỏ không về VN nữa, nếu có đi thì đi với tui.
- Chúc mừng chị đã chiêu hồi anh Tư tung cánh chim tìm về tổ ấm.

oOo

Năm 2019 em đưa tôi đến thăm anh chị, cả hai đều lớn tuổi cao máu, cao mỡ… đi đứng chậm chạp.

Chị vui hơn dạo trước vì có anh bên cạnh 24 trên 24, tuy nhiên anh không bỏ thói quen cũ, vắt cái đèn pin nhỏ trong túi áo.

Nhớ cái đèn pin ngày xưa anh để trong cặp Samsonite, ra về tôi hỏi em :

- Bây giờ anh Tư đâu còn lái xe, anh bỏ cái đèn pin vào túi áo để làm gì ?
- Tối không ngủ được ổng sợ bật đèn đánh thức chị Hai, mở đèn pin ra phòng khách nghe cải lương.
- Có thật ổng nghe cải lương hay lại gọi điện thoại cho ai kia ?
- Đi mỏi chân có chỗ nào êm ấm như chị Hai đâu, già rồi nay đau mai ốm ai nấu cháo cho húp.

Cuối cùng Anh Tư Đờn chợt hiểu chị Hai là Lady First không phải vì anh sống tại Mỹ mà chị đúng là người Phụ Nữ Số Một của anh.

Juin  2021 / Đoàn Thị 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021