SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

A Thousand Splendid SunsNgàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 34

Laila     

Trong tất cả các thú vui, Laila thích nhất là nằm bên cạnh bé Aziza, gương mặt bé bỏng sát đến nỗi Laila có thể theo dõi đồng tử mắt của bé co giãn. Laila rất thích vuốt ve làn da mềm mại của bé, mấy đốt ngón tay lún đồng tiền và những nếp đầy ú  ở khuỷu tay của bé. Có đôi khi Laila đặt bé lên ngực mình và thì thầm vô mái tóc mềm của bé những điều về Tariq, người cha sẽ mãi mãi là người xa lạ với bé, là người bé sẽ không bao giờ biết mặt. Laila kể cho bé nghe về tài giải câu đố của Tariq, về sự nghịch ngợm phá phách và tính dễ cười của anh.         

“Anh có hàng mi đẹp nhất, dày như mi của con. Cái cằm khỏe, mũi thanh và vầng trán tròn. Ô, cha con đẹp trai lắm. Cha con tuyệt hảo. Tuyệt hảo, như con vậy.”

Tuy nhiên Laila thận trọng không bao giờ nhắc đến Tariq bằng tên.

Đôi khi Laila bắt gặp Rasheed nhìn bé Aziza một cách thật lạ. Đêm nọ, trong khi y ngồi dưới đất trong phòng ngủ cạo cục chai ở bàn chân, y hết sức vô tư nói, “À hồi đó giữa hai người như thế nào nhỉ?”

Lúc đó Laila ném cho y một cái nhìn làm như không hiểu.

“Chuyện tình Laili và Thằng điên. Em với thằng què. Hai người có gì với nhau?”
“Anh ấy là bạn của tôi,“ Laila nói, cố giữ cho giọng không thay đổi, và làm như đang bận rộn pha sữa. “Ông biết mà.”
“Tôi không biết tôi biết gì.” Rasheed đặt mớ da chai y cạo ra lên bệ cửa sổ rồi ngã người xuống giường. Lò xo giường phản đối bằng tiếng kót két lớn. Y dạng chân ra, chụp tay vô háng. “Và là … bạn, hai đứa có bao giờ làm điều gì bậy bạ không?”
“Bậy bạ?”

Rasheed cười nhẹ nhưng Laila cảm được cái nhìn đăm đăm và lạnh lùng của y.

“Ừ, có bao giờ tên đó hôn em không? Hay là đặt tay chỗ nào không được phép không?”

Laila cau mặt ra vẻ bất bình, mà trong bụng đánh trống. “Tôi coi anh ấy như một người anh.”

“Vậy là bạn hay là anh?”
“Cả hai. Anh ấy –“
“Là gì?”
“Cả hai.”
“Mà anh trai, em gái thì thường hay tò mò lắm đó. Có. Có khi anh trai cho em gái coi cái “đó” của mình, và em gái sẽ- ”
“Ông làm tôi tởm,” Laila bảo.
“Vậy là không có gì.”
“Tôi không muốn nói tới chuyện đó nữa.”

Rasheed nghiêng đầu, mím môi, gật gù. “Người ta đồn đó, em biết không. Tôi còn nhớ. Họ nói đủ thứ về em với nó. Còn em thì nói không có gì.”

Laila phải bắt mình nhìn trừng trừng Rasheed với vẻ bất bình. Y nhìn lại Laila một lúc lâu kinh khủng mà không hề chớp mắt, khiến những đốt ngón tay của Laila quanh chai sữa tái đi, và Laila phải vận hết sức bình sinh mới không chao đảo.

Laila rùng mình khi nghĩ đến Rasheed sẽ làm gì nếu y khám phá ra cô đã ăn cắp của y. Mỗi tuần, kể từ khi sanh Aziza, Laila đã cạy ví của Rasheed khi y ngủ hay khi y đi nhà cầu ngoài, và lấy một tờ giấy bạc. Có nhiều tuần, nếu trong ví không có nhiều tiền, cô chỉ lấy một tờ năm đồng, hoặc không lấy gì cả, vì sợ y biết. Khi ví nhiều tiền, cô lấy một tờ mười đồng hay một tờ hai chục, có một lần dám lấy luôn hai tờ hai chục. Cô dấu tiền trong cái túi cô may phía trong lớp vải lót của áo choàng ca-rô mùa đông của mình. Laila tự hỏi không biết Rasheed sẽ làm gì nếu y biết được cô đang tính toán đi trốn vào mùa xuân năm tới. Trễ nhất là mùa hè năm tới. Laila hy vọng mình sẽ dấu được một ngàn đồng hay hơn nữa, phân nửa sẽ dùng trả tiền xe đò từ Kabul đi Peshawar. Gần tới lúc đó, cô sẽ cầm chiếc nhẫn cưới của cô cũng như những món nữ trang khác mà Rasheed đã tặng cho cô năm trước, lúc cô còn là bà hoàng trong cung điện của y.

“Dù sao,” cuối cùng y nói, ngón tay nhịp trên bụng, “cũng không trách tôi được. Tôi là chồng. Ðây là những chuyện người chồng phải thắc mắc. Nhưng mà may cho nó đã chết như thế. Chứ nếu nó còn ở đây bây giờ, nếu tôi tóm được nó …” Y nghiến răng hít hà và lắc đầu.

“Không được quyền nói xấu người chết, ông quên rồi à?”
“Có những người chết vẫn chưa hết tội,” Rasheed nói.

Hai hôm sau, buổi sáng Laila thức dậy thấy một chồng quần áo em bé xếp gọn gàng để trước phòng cô. Có một cái áo đầm phùng với những con cá nhỏ mầu hồng khâu chung quanh thân áo, một cái áo đầm màu xanh lơ bằng len với vớ và găng tay cùng màu, bộ đồ ngủ màu vàng có chấm tròn màu cà-rốt, và cái quần bằng vải màu lục ống dúm.

Tối hôm đó trong bữa ăn, Rasheed chép miệng và nói, mà không hề để ý đến Aziza hay bộ đồ ngủ Laila đã mặc cho bé, “Có tin đồn Dostum sẽ đổi phe và theo Hekmatyar. Massoud sẽ mệt với hai phe này, chưa kể đám Hazaras.” Y bốc một nhúm cà pháo Mariam đã muối mùa hè đó. “Hy vọng đó chỉ là tin đồn thôi. Bởi vì nếu chuyện đó xảy ra thì cuộc chiến này,” y  vẫy vẫy bàn tay đầy mỡ, “sẽ giống như đi picnic ngày thứ sáu ở vườn Paghman.”

Ðêm đó, y cỡi lên người Laila và xuất tinh vội vàng không một lời, mặc nguyên quần áo, chỉ kéo xuống tới mắt cá chứ không cởi ra. Lúc cơn đã qua, y lăn xuống và chỉ vài phút sau đã ngủ khò.

Laila ra khỏi phòng và thấy Mariam đang ngồi xổm trong bếp làm hai con cá. Bên cạnh là nồi gạo đang ngâm. Trong bếp có mùi thì là và mùi khói, mùi hành phi và mùi cá.

Laila đến ngồi nơi góc và kéo váy ôm quanh đầu gối.

“Cám ơn chị”, Laila nói.

Mariam chẳng để ý đến Laila. Làm xong con cá thứ nhất, nàng cầm con thứ hai lên. Dùng con dao răng cưa, nàng cắt vây, rồi lật cá đưa bụng về phía mình, và thành thạo cắt một đường từ đuôi tới mang cá. Laila nhìn Mariam đưa ngón tay cái vô miệng cá, ngay chỗ hàm dưới, thọc xuống rồi bằng một động tác gọn, kéo mang và ruột cá ra.

“Mấy bộ đồ đẹp lắm.”
“Tôi không có ai để cho mặc.” Mariam lẩm bẩm. Nàng đặt con cá lên tờ giấy báo lem luốc nhớt và chặt đầu cá.
“Một là cho con cô, hai là cho mối gặm.”
“Chị học làm cá ở đâu vậy?”
“Hồi còn bé, nhà tôi ở bên suối. Tôi thường bắt cá ăn.”
“Em chưa bao giờ câu cá.”
“Chẳng có gì thú vị. Chỉ ngồi chờ.”

Laila nhìn Mariam cắt mỗi con cá làm ba khứa. “Chị tự may đồ đó hả?”

Mariam gật đầu.

“Hồi nào?”

Mariam rửa mấy khứa cá trong tô nước. “Hồi có thai lần đầu. Hay có thể lần thứ hai. Mười tám, mười chín năm về trước. Lâu rồi. Như tôi nói, tôi không có ai để cho mặc.”

“Chị may giỏi lắm. Có thể nào chị dạy cho em.”

Mariam đặt mấy khứa cá đã rửa vô cái tô sạch. Nước nhỏ giọt từ mấy ngón tay, nàng ngẩng đầu lên nhìn Laila, như thể lần đầu tiên nàng nhìn thấy Laila.

“Ðêm nọ, lúc ông ta… Chưa có ai binh tôi bao giờ,” nàng nói.

Laila nhìn kỹ đôi má chảy xệ của Mariam, hai mí mắt trĩu nặng mệt mỏi, những nếp nhăn hằn sâu quanh miệng - như thể cũng lần đầu Laila nhìn kỹ người đó. Và lần đầu tiên Laila thấy đó không phải là gương mặt của một kẻ thù nghịch, mà đó là gương mặt của những khổ đau thầm lặng, những chịu đựng không chống đối, một số phận phải cam chịu. Laila tự hỏi thầm, nếu mình ở lại, đây có phải là gương mặt của mình hai mươi năm sau hay không?

“Em không thể để ông ta làm thế,” Laila nói. “Em không sống trong một gia đình người ta làm những chuyện như vậy.’’
“Bây giờ, đây là gia đình của cô. Cô phải tập quen đi.”
“Không quen chuyện đó được. Không bao giờ.”
“Ông ta rồi cũng sẽ tấn công cô, cô biết không,” Mariam bảo, vừa lau khô tay với miếng giẻ. “Chẳng bao lâu nữa đâu. Với lại cô đẻ cho ông ta một đứa con gái. Cho nên, cô thấy không, tội của cô còn khó tha thứ hơn tội của tôi.”
Laila đứng lên. “Em biết bên ngoài trời lạnh, nhưng chị nghĩ sao nếu hai đứa đầy-tội mình ra ngoài sân uống tách trà?”

Mariam có vẻ ngạc nhiên. “Tôi không đi được. Tôi còn phải cắt rửa đậu ve.”

“Sáng mai em phụ chị.”
“Và tôi phải dọn dẹp ở đây.”
“Mình cùng làm. Nếu em không lầm, mình còn chút bánh ngọt. Uống với trà thì tuyệt.”

Mariam đặt miếng giẻ lên mặt bếp. Laila cảm nhận được sự lo lắng của Mariam trong cách Mariam kéo mạnh tay áo, sửa lại khăn trùm đầu, đẩy lọn tóc vô.

“Người Tàu nói thà nhịn ăn ba ngày còn hơn nhịn trà một ngày.”

Mariam nở nụ cười nhẹ. ”Câu nói hay.”

“Ðúng.”
“Nhưng tôi không ở lâu được.”
“Một tách thôi.”

Họ ngồi trên ghế xếp bên ngoài nhà và dùng tay bóc bánh ăn chung từ một cái chén. Họ uống tách trà thứ hai, và khi Laila hỏi nàng có muốn tách trà thứ ba không thì Mariam trả lời có. Trong tiếng súng nổ trên đồi, họ theo dõi những đám mây bay lướt qua ánh trăng và bầy đom đóm cuối mùa vẽ thành từng vòng ánh sáng vàng trong bóng tối. Và khi Aziza thức dậy khóc khiến Rasheed thét gọi Laila lên dỗ nó, Laila và Mariam bỗng nhìn nhau. Một cái nhìn chẳng chút e dè, một cái nhìn thông cảm. Và qua sự trao đổi thoáng chớp, không lời này với Mariam, Laila biết họ không còn là hai kẻ thù nữa.                           

Chương 35

Mariam

Kể từ đêm đó, Mariam và Laila cùng nhau làm công việc nhà. Họ ngồi trong bếp cán bột, xắt hành lá, bằm tỏi, cho Aziza ăn dưa leo trong khi con bé ngồi gần bên chơi đập muỗng và mấy củ cà rốt. Ngoài sân, Aziza nằm trong cái nôi nhỏ đan bằng mây, nó mặc nhiều lớp áo, khăn quấn quanh cổ một cách ngoan ngoãn. Mariam và Laila trông chừng con bé trong khi giặt đồ, những đốt ngón tay của Mariam chạm vô đốt ngón tay của Laila trong lúc hai người vò áo quần và tã.

Dần dà Mariam thấy quen với sự đồng hành mới mẻ nhưng dễ chịu này. Nàng háo hức chờ đến giờ nàng cùng Laila ngồi với nhau ngoài sân uống ba tách trà, một việc đã trở thành nghi thức hàng đêm của họ. Mỗi sáng, Mariam bắt gặp mình trông ngóng tiếng dép lẹp xẹp của Laila xuống nhà ăn sáng, cũng như tiếng cười như chuông vỡ của bé Aziza, tám cái răng bé xíu và làn da thơm mùi sữa của bé. Hôm nào Laila và Aziza ngủ quên, Mariam lo lắng chờ đợi. Nàng đi rửa dĩa dù chẳng cần. Nàng sắp xếp lại ghế trong phòng khách. Nàng quét bụi bệ cửa sổ đã sạch. Nàng không ngồi yên được cho đến khi Laila bước vô nhà bếp, bế Aziza trên hông.

Buổi sáng, thoạt trông thấy Mariam, mắt Aziza sẽ sáng rực lên và con bé bắt đầu mếu máo và vặn vẹo trên tay mẹ nó. Nó đưa tay đòi Mariam bế, hai bàn tay nhỏ xíu xòe ra, nắm lại một cách khẩn khoản, mặt nó đầy vẻ trìu mến lẫn lo lắng.

“Làm trò quá đi thôi cô bé,” Laila sẽ bảo, thả con bé bò về phía Mariam. “Làm gì dữ vậy! Từ từ thôi. Dì Mariam không đi mất đâu. Dì kia kìa. Thấy không? Lại dì đi.”

Ðược Mariam bế lên là Azazi cho ngay ngón tay cái vô miệng rồi dúi mặt vô cổ Mariam.

Mariam lắc ru con bé, môi nở nụ cười nửa kinh ngạc nửa biết ơn. Chưa bao giờ có ai cần nàng như vậy. Chưa bao giờ có ai tỏ tình thương với nàng một cách thành thật, không dè dặt như vậy.

Aziza làm cho Mariam muốn khóc.

“Sao bé lại trao trái tim bé nhỏ của mình cho một bà già xấu xí như ta?” Mariam sẽ thì thầm vô mái tóc của Aziza. “Sao vậy hả? Ta chả là gì hết, bé không biết sao? Một mụ nhà quê. Ta có gì cho bé đâu?”

Nhưng Aziza chỉ ầm ừ với vẻ thỏa mãn, rồi vùi mặt sâu hơn. Khi con bé làm thế, Mariam thực sự xúc động. Nước mắt nàng ứa ra. Tim nàng bay bổng. Và nàng ngạc nhiên thấy rằng, sau từng ấy năm sống vật vờ lỏng lẻo, qua sinh vật bé bỏng này, lần đầu nàng đã tìm được sự kết nối thực sự trong cuộc đời đầy những thất bại và hệ lụy giả dối của mình.

Ðầu năm sau, tháng giêng năm 1994, chỉ huy trưởng Dostum đổi phe thật. Ông nhập với quân của đảng trưởng Gulbuddin Hekmatyar và đóng chốt gần cổ thành Bala Hissar với tường thành lờ mờ chạy dài từ rạng núi Koh-e-Schirdawaza. Họ họp sức nhau bắn phá quân của Massoud và Rabbani đóng ở Bộ Quốc Phòng và Dinh Tổng Thống. Từ hai bên sông Kabul, họ nã đạn vào nhau. Ðường phố ngập đầy xác chết, miểng kính và kim loại vỡ vụn cong queo. Cướp bóc, giết người và càng ngày càng nhiều vụ hãm hiếp xảy ra nhằm mục đích đe dọa thường dân và ban thưởng cho bọn lính. Mariam nghe nói có những người đàn bà đã tự sát vì sợ bị cưỡng hiếp, cũng như có những người đàn ông, vì danh dự, sẵn sàng giết vợ hoặc con gái nếu họ bị lính hãm hiếp.

Aziza thét lên mỗi khi nghe tiếng thụt mọt-chê. Ðể đánh lạc hướng con bé, Mariam xếp những hạt gạo trên sàn nhà thành hình cái nhà hay con gà trống hoặc ngôi sao, rồi cho Aziza xóa đi. Mariam vẽ hình con voi cho Aziza theo cách ông Jalil đã dạy nàng ngày xưa, một đường một, không nhấc cây viết lên.

Rasheed nói hàng ngày có cả hàng chục thường dân bị giết. Nhà thương và các cửa tiệm cạn dần y dược phẩm. Y nói xe chở thực phẩm cứu trợ bị cấm vào thành phố, bị đột kích, bị bắn. Mariam tự hỏi không biết ở Herat có đánh nhau như thế này không và nếu có, không biết Thầy Faizullah sẽ xử trí ra sao, không biết thầy có còn sống, và cả bà Bibi cùng mấy người con trai, con dâu và cháu của bà không biết còn sống hay không, và dĩ nhiên ông Jalil. Ông có đi trốn không, Mariam tự hỏi, như nàng vậy? Hay ông đã đem tất cả vợ và các con của ông ra khỏi nước? Mariam hy vọng ông Jalil đã đến được một nơi nào đó an toàn, đã thoát được những chém giết ở đây.

Suốt một tuần, những trận đánh buộc Rasheed phải ở nhà. Y khóa cửa ngõ vào sân, đặt bẫy, khóa cửa trước và chặn bên trong bằng chiếc ghế dài. Y đi tới lui trong nhà, hút thuốc, chăm chú nhìn qua cửa sổ, chùi cây súng của y và cứ lên đạn hoài. Hai lần y bắn ra đường, nói y nhìn thấy có người muốn leo tường vô.

“Chúng bắt mấy thằng nhỏ phải theo chúng,” Rasheed bảo. “Bọn thánh chiến quân Hồi giáo đó. Giữa ban ngày, chỉa súng bắt. Bọn chúng lôi bắt mấy đứa trẻ ngay trên đường phố. Và khi lính của phe đối thủ bắt được mấy thằng nhỏ này, phe đó tra tấn tụi nó. Nghe nói chúng tra điện, chúng dùng kềm kẹp dái bọn nhỏ. Chúng bắt bọn nhỏ phải dẫn đến nhà, rồi chúng xông vô, giết cha, cưỡng hiếp chị em và mẹ của bọn nhỏ.”

Y quơ khẩu súng lên. “Thử xông vô nhà ông coi. Ông đập nát dái chúng bay! Ông bắn nát đầu chúng bay! Hai cô có biết hai cô may mắn biết chừng nào mới có được một người chồng không hề sợ ngay cả quỷ Satan không?”

Y nhìn xuống đất, thấy Aziza dưới chân mình. “Tránh xa chân tao!” Y kêu lên, giơ khẩu súng làm động tác như bắn. “Ðừng có theo tao nữa! Cũng đừng vặn vẹo cổ tay như vậy. Tao không bế lên đâu. Ði đi. Ði chỗ khác chơi, không sẽ bị đạp đó.”

Aziza nao núng. Nó bò trở lại Mariam mặt buồn thiu, bối rối. Nằm trong lòng Mariam, nó tiu nghỉu bú ngón tay cái, mắt nó nhìn Rasheed một cách trầm tư, ủ rũ. Lâu lâu nó ngước nhìn lên như thể muốn được Mariam trấn an. Nhưng chuyện gì chứ mấy người cha thì Mariam không bảo đảm được cho nó.

Mariam thấy nhẹ nhõm khi các trận đánh một lần nữa giảm đi, chủ yếu vì mọi người không còn bị nhốt trong nhà với Rasheed, với tánh khí khó chịu của y làm ảnh hưởng đến cả nhà, cũng như làm cho nàng hoảng sợ vì y cứ quơ khẩu súng gần con bé Aziza.

Một ngày mùa đông năm đó, Laila xin bím tóc cho Mariam. Mariam ngồi yên theo dõi trong gương những ngón tay thon của Laila thắt chặt tóc nàng, mặt Laila căng thẳng vì chăm chú. Trên sàn nhà, Aziza nằm co ngủ, trong tay kẹp con búp bê Mariam đã khâu tay cho nó. Mariam đã nhồi con búp bê này bằng hạt đậu, may cho nó chiếc áo đầm bằng vải nhuộm màu trà, và xâu cho nó sợi dây chuyền bằng những ống chỉ tí hon đã hết.

Bỗng Aziza đánh dấm một tiếng trong giấc ngủ. Laila bắt đầu cười to, và Mariam cười theo. Hai người cứ thế cười, họ nhìn nhau trong gương, cười đến chảy nước mắt, và lúc đó không khí sao tự nhiên, sao dễ dàng quá, khiến Mariam bỗng nhiên bắt đầu kể cho Laila nghe về ông Jalil, về má nàng và về những âm hồn. Laila đứng đó, hai tay đặt hờ trên vai Mariam, mắt dán chặt vào khuôn mặt Mariam trong gương. Lời nói tuôn ra như máu phun từ động mạch. Mariam kể về bà Bibi, Thầy Faizullah, về chuyến đi nhục nhã đến nhà ông Jalil, về má nàng tự tử. Mariam kể về những bà vợ của ông Jalil, và về buổi lễ tuyên thề vội vã với Rasheed, cuộc hành trình đến Kabul, những lần nàng mang thai, những chu kỳ bất tận hy vọng để rồi thất vọng, Rasheed chán ghét nàng.         

Lúc Mariam kể xong, Laila ngồi dưới chân ghế của Mariam, lơ đãng gỡ một mảnh ren vướng trên tóc Aziza. Sự im lặng tiếp theo.

“Em cũng có điều muốn kể với chị,” Laila nói.

Ðêm đó Mariam thức trắng. Nàng ngồi trên giường, nhìn tuyết lặng lẽ rơi.

Ngày tháng đến rồi đi; ở Kabul, các tổng thống nhậm chức rồi bị sát hại; một đế chế đã bị đánh bại; những cuộc chiến cũ chấm dứt và những cuộc chiến mới đã nổ ra. Nhưng Mariam có biết gì, có quan tâm đâu. Những năm tháng đó đã trôi qua ở một góc xa xôi trong tâm trí nàng. Một mảnh đất khô khan, cằn cỗi, vượt ra ngoài mọi ước muốn và than thở, ngoài mọi mơ mộng và vỡ mộng. Nơi đó, tương lai chẳng có nghĩa gì. Còn quá khứ chỉ dạy một điều: rằng tình yêu là một sai lầm tai hại, và đồng lõa của nó, hy vọng, là một ảo tưởng nguy hiểm. Cứ khi hai bông hoa sinh đôi độc địa này bắt đầu nảy mầm trên mảnh đất khô cằn đó, tức thì Mariam nhổ bật chúng lên. Nàng nhổ và quăng chúng đi trước khi chúng bám rễ.

Nhưng chẳng hiểu sao mấy tháng vừa qua, Laila và Aziza – sau mới biết cũng là con hoang như nàng – đã trở thành những phần thân thể nối dài của nàng, và giờ đây, nếu không có họ, cuộc sống mà Mariam đã chịu đựng bấy lâu nay bỗng nhiên dường như không chấp nhận được nữa.

“Mẹ con em sẽ ra đi vào mùa xuân tới. Em với Aziza. Ði với em đi, Mariam.”

Cuộc đời của nàng cho tới nay đã nhiều đau khổ. Nhưng biết đâu, Mariam nghĩ, những năm tháng tới sẽ khá hơn. Một cuộc đời mới, một cuộc đời với nhiều phước lành mà má nàng từng nói một đứa con hoang như nàng sẽ không bao giờ được hưởng. Có hai bông hoa mới đã bất ngờ nảy nở trong đời nàng, và nhìn tuyết rơi ngoài trời, Mariam hình dung Thầy Faizullah tay lần chuỗi hạt, cuối xuống thì thầm bên tai nàng bằng giọng nhỏ nhẹ, run rẩy của ông, “Nhưng chính Thượng đế đã gieo trồng chúng, Mariam thân mến. Và cũng là ý của Ngài khi giao cho con chăm sóc. Ðó là ý muốn của Ngài, con ạ.”            

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021