SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

Nhìn Ngắm Giọt Trăng
đọc Giọt Trăng của Quách Tấn

Thi Vũ

Người thi sĩ đứng mãi trên núi cao, bên sông nước gọi đò. Người thi sĩ làm gạch nối cho sinh diệt chuyền hơi hiện hữu. Người thi sĩ đứng đó, dưới hố bom, bên làng cháy, giữa cuộc tình duyên, hay chết chóc, để thiên đàng và địa ngục khỏi nghiêng lệch, để thiên đàng và địa ngục chỉ là ý niệm, và sự sống là hơi thở tồn sinh — tồn sinh Thơ.

Nhưng để hoàn thành việc đó, người thi sĩ không có những khả năng linh thiêng của thần thánh, những bùa chú của thầy phép, những quyền lực tối thượng của vua, tướng, cán bộ...

Mang cùng thân phận nhỏ bé, hẩm hiu như quảng đại sinh dân. Khác chăng, người thi sĩ chứa đầy cảm thức vô biên của dòng sống, nên thường trực hát lên lời hồn hậu, đơn sơ, vốn là nỗi niềm e lệ nấp trong lòng ẩn thức mỗi cá nhân.

Và để hát ca, người thi sĩ khước từ tất cả, hầu ở giữa lòng tất cả, hát ca cho con người qua cơn lâm lụy. Khước từ mọi kiểu cách nhất thời, đặng chấp nhận cái linh hoạt muôn đời. Khước từ ảo ảnh, khổ đau, tàn bạo... đặng chấp nhận cái huệ trí, an vui và giải thoát.

Cứ thế, người thi sĩ đứng ở vị trí sau, ở vị trí thấp, ở vị trí đơn bạc, dùng ngôn ngữ thường nhiên, uyên sơ của những kẻ nghèo khốn, của loài hoa mong manh, của xứ chim phù động để hát ca. Cứ thế, lãng quên mọi lề thói giả dối, mọi triết thuyết ồn ào kiêu hãnh, mọi cuộc đấu lý và đua đòi quyền vị.

Mỗi thi nhân là một vũ trụ, một cung điện, chùa tháp, giáo đường. Lý do khiến họ thường vắng mặt nơi đô hội phố phường, nơi nhiêt tình tập họp. Vắng mặt nhưng không quay lưng !

Cảm thức về vô biên của dòng sống, về Tính Không của vũ trụ, phát sinh ra nhận thức tương sinh, và nẩy trỗ đóa hoa thương xót nơi tâm hồn thi sĩ. Niềm thương xót có khả lực phá đổ biên cương, tường vách, thành kiến loài người. Đây cũng là lý do khiến người thi sĩ không theo phe đảng, không kêu gọi liên minh, không cầu cạnh số đông. Với thi sĩ, thảy đều bằng hữu. Tự thân thi sĩ đã nằm giữa lòng số đông, ca lên những lời ca sắp bị mai một.

Sự vắng mặt của người thi sĩ nơi tấp nập « con buôn » hàm ý xả bỏ, khước từ. Rời bỏ hí trường náo nhiệt của thị trấn, vào sống im lặng với sự lặng im của dòng sống uyên nguyên trên bước đi vun vút của không-thời.

Cuộc sống Việt Nam từ bốn thế kỷ qua thật ê chề đau khốn. Nhất là những năm tháng đang trôi thế kỷ nầy. Con người bị xô đẩy tàn bạo trên bọt bèo sóng dữ. Thân phận kẻ làm thơ càng quẩn bách hơn bao giờ. Dù vậy, Tiếng Thơ Việt Nam vẫn ngời ngời như mặt nhật thắp sáng muôn nghìn bình minh bất khuất trên lối mòn ven vực thẳm. Đóa thơ Nguyễn Du, với bao đóa thơ nữa đã âm thầm nhưng thâm hậu, bảo tồn di sản cùng ngữ ngôn linh thiêng một nòi giống.

Ngày nay trong cơn hốt hoảng, có số người thường đánh giá thi nhân như đánh giá một lưỡi cày hay con ngựa. Tất cả gói vào công thức « hữu ích » và « vụ lợi » kịp thời. Sản xuất được bao nhiêu ? Phục vụ ai ? Thi hành tới đâu rồi ?

Còn đâu thuở thời mà lời thơ là cơn ru của Mẹ, trao duyên giữa đôi lứa, thức tỉnh của thần trí, giác ngộ của đồng tâm ? Người xưa làm thơ trong sáng, hồn nhiên, rộng lượng, dễ dàng ! Bây giờ, thơ phải chạy tháo thân qua muôn cửa ải mặc cảm mới thành chương, khiến thơ trở thành công thức, định nghĩa, khẩu lệnh, biểu ngữ, động viên. Thế mới biết sự sa đọa, yếu hèn và bất lực của giới người hành động. Bất lực đến phải thị uy, hiếp đáp thi nhân, bắt thi nhân làm thay phận vụ họ.

Ít ai nghĩ rằng, thơ tự nó là một khước từ nhất tâm và chống kháng bạo hành. Bất cứ ai còn biết ngẩng đầu nhìn mây, nhìn nụ cười ; còn nghe tiếng khóc, còn qúy một hạt sương trong ; còn bay đuổi tiếng chim ; cao hơn, nghe thấy những thứ đó lúc chúng bị hủy hoại, bị đánh mất, chúng không hiện tiền trước mắt và bên tai, kẻ đó là một lãnh tướng trấn uy cho đời. Riêng việc nghe thấy tiếng hồn nhiên thầm lặng kia, đã khiến họ trở thành người gìn giữ và bảo vệ kho châu báu vô giá cho nhân sinh. Bảo vệ bằng cách nào ? Hẳn sẽ có người hỏi vậy ? — Thưa « bằng cách nào ? » là lối ưu tư của người cai thầu, người cán bộ. Điều chính cốt là nhận thức từ căn rễ.

Nhưng phước thay trong cơn lâm lụy, xô bồ, đất nước vẫn còn đâu đây những nhà thơ. Những nhà thơ không chịu khuất phục, không chịu đánh mất hào khí uyên nguyên của người và trời, của đời và nòi giống. Họ không la ó, nhưng cuộc sống và sáng tạo họ đã chứng thực niềm hy vọng vẫn xanh rờn trên lửa đỏ, chứng thực văn hóa chưa sụp đổ, tiếng ca Việt chưa bị bóp giết. Họ như đoàn hạc chấm xa trong không gian phẳng lặng mây, càng bay, lông tơ biếc càng tung xanh thăm thẳm lên vòm trời, và đôi cánh lộng —tuy nhỏ bé—làm rơi rụng nghìn dặm cách chia. Những nhà thơ ẩn nhẫn nhưng bất khuất, ngày ngày đem thần trí, linh ngữ, và hơi thơ thổi phà vào dòng sống hiển sinh. Tiếng họ ngân vọng, xa xôi song dịu dàng, nhỏ nhẹ nhưng thâm trầm. Như tiếng trúc chạm trước gió đưa. Như tiếng tách cánh ở mỗi lần hương. Như lời hẹn ước một người tình đã trị được mối nghi ngờ trong cơn cách chia thăm thẳm nơi thời gian dằng dặc khổ hình.

Lời thơ họ vén mở những nụ cười đã ốm chết, nhếch động lại vành môi héo mòn vô vọng của bao kẻ tù đày, thất tình hay bất hạnh trên trái đất. Nhạc thơ họ tấu ngân bao tình khúc thầm kín của những lứa đôi đang vắt lên trên chân trời lễ giáo, lập trường, ước lệ... một móng vồng nồng cháy yêu đương.

Làm sao thống kê hết niềm thơ đang lên xanh trong lòng hình thấp thoáng sau muôn nghìn cửa sổ, trên muôn nghìn cánh đồng, trên dặm trường vạn nẻo ?

Thơ vui cho đời. Thơ ca thống khổ. Nhưng trước hết, thơ là một tiếng vỗ an. Đồng lõa hay chống đối, thơ mở những tiếng cười xoà sum họp râm ran lửa đốt giữa cánh rừng sao băng lạnh.

Chỉ riêng phận thi nhân hẩm hiu, cô quạnh, thường trực bị ngược đãi và phụ rẫy. Dù vậy, thi nhân vẫn chung thủy với tính thơ, với sáng tạo thường nhiên và mãi mới. Trải dưới chân người những đóa hoa lời thương vọng. Những bài thơ thức dậy mọi tình lý ngủ lì, những con chim nhỏ hót mặt trời, những lá nõn, những thơm xa, những mai chiều thi hóa, những đêm ngừng thời gian. Còn cuộc trùng phùng nào nguyên vẹn và bình an hơn ? Và đương nhiên còn sự thiệt thòi nào to tát hơn khi đời bỗng thiếu vắng những nhà thơ ?

Quách Tấn thuộc giới thi hào ca hát cuộc hiển sinh trường cửu và mầu nhiệm của người và muôn loài. Giới thi sĩ tuy bất lực châm mìn phá đổ một cây cầu. Nhưng thừa bản lĩnh châm biếc lên cành đông, châm nắng trên mênh mông băng tuyết, châm đỏ mặt trời qua muôn nghìn tinh hệ, hay châm nổ vô minh lì lợm thành những móng cầu vắt qua vũ trụ.

Giới thi sĩ đã trị được con thuồng luồng hung bạo nơi tâm thức, đã biết giàu sang, quyền chức mình là nguyên nhân khốn cùng hay nô lệ cho kẻ khác. Từ đó, họ khước từ để ca hát, ca hát... Quên hết mọi phân biện, lập trường, đầu mối cho ảo ảnh đam mê nhất thời. Trời, người, vật... chầu về đoàn tụ quanh ngữ ngôn sáng tạo, quyến luyến trao duyên. Chim cũng là người. Mây cũng là gió. Người cũng là thơ. Bệnh cũng là bạn.

Sự phẫn nộ và tính nóng vội đằm vào trầm tĩnh, sáng trong, khoan hồng, uy liệt.

Tập thơ « Giọt Trăng » là một chứng thực.

Những câu thơ nhẹ, lâng lâng, mang mang, sâu biếc và dễ thương. Ai làm cũng được, bởi chúng như nhiên, tựa muôn sự quanh bên cuộc đời. Nhưng ít ai viết ra, hoặc bẵng quên nhìn tới để viết ra. Đọc Giọt Trăng xong, ta cảm như tự bấy nay đánh quên kho châu báu vô giá của đời nơi phố chợ bon chen, nơi ngày ngày ta kiên nhẫn đua đòi, bám siết những bóng ảnh gây đau và khát. Giọt Trăng là những bài thơ bắt ta thường trực nhìn vào cuộc đời, nhìn lại cõi như nhiên, nhìn lại những chi ta đã quên, đã lơ đễnh cho qua, những gì đã cấu thành cuộc sống và tâm thức ta. Dường như thi nhân là kẻ hiện diện để nhắc nhở loài người về cuộc sống họ lửng quên nơi ảo ảnh thường nhật, nhắc nhở cuộc đời ở bên kia những cuộc đời ?

Ai không có những phút giây tư lự, đứng bâng khuâng nhìn trời, nhìn lá, nhìn khoảng trống không ? Nhưng mấy ai đẩy cái nhìn mình ngợp vào to rộng, đưa nỗi bâng khuâng choàng ôm vô biên trời đất, để lật đảo thân phận hẩm hiu hiện tại ?

Chim chiều kêu trước dậu
Gối sách nhìn hư không
Phơi phới làn mây trắng
Bay qua ngọn ráng hồng

Khác hẳn cái nhìn vụ lợi, tư lự, buông lung, phó mặc. Ở đây, nhìn và sống thảnh thơi trong nhìn thấy, dù đó là mây hay thành phố, vườn quê hay xưởng thợ, kẻ nhìn đã thấy. Từ căn bản đó, họ nắn dựng một hệ tinh. Từ căn bản đó, họ tái tạo cuộc đời, khơi lại dòng sông xanh thơm trúc.

Nhìn và thấy và sống thảnh thơi trong đó, mặc bao tàn bạo của thách đố và uy hiếp. Người thơ của Giọt Trăng vừa chấm dứt sự làm thơ, về sống trong thơ, hình hài dài ra cử điệu thơ. Thơ đây không còn là ca khúc êm đềm âm điệu. Thơ đã đạt tới Trí. Thơ đẩy đưa nhạc và mộng tưởng, xô vào dòng sống an nhiên, từ đó hoát nhiên bay lên từng vùng trí tuệ âu yếm trữ tình.

Thơ năm chữ dễ làm tuy khó hay. Đó là nói về kỹ thuật, chưa đề cập thần trí của thơ. Khó là khi tả tình mình, tình người, cảnh, cảm xúc, uất nghẹn, khổ đau, hạnh phúc... chúng ta có tới vạn triệu hình ảnh, từ ngữ, lập đi trao lại tới muôn lần dọc chục thế kỷ qua. Khéo tay là xong. Nhưng làm sao cho tập thơ năm chữ ngày nay biến ra loài hoa quý và lạ ? Đây không còn là chuyện kỹ thuật, tráo lừa, lập dị ! Mà đòi hỏi con người bốc cháy vào thơ, con người chịu phá toang tường vách, cố tín, ngăn ngừa giữa người và mình, giữa mình và như nhiên, khiến mỗi bước cất chân là một lần hô hấp hơi thơ, mỗi di động cầm nhịp nhạc cho lời, và lời búng nhảy vào lặng câm huệ trí.

Gạt phăng mọi câu thúc, trông đợi, thành kiến, mọi lối đánh giá bản vị, ngồi nhìn bướm, lá, cỏ, hoa, cát, kiến... như trẻ nít mới thu nhận được ý nghĩa của Giọt Trăng. Đọc thật chậm, ngâm thật trầm, từng bài, từng lời... mới cảm mối bàng hoàng đâu đó dấy lên. Bàng hoàng nhưng khai thị. Bình dị mà sấm nổ. Âm thầm chuyển phá. Hiền hoà mà vũ bão. Xuất thần !

Tập thơ Mộng Ngân Sơn trước đây của Quách Tân đã là đỉnh lớn nơi triều thơ hiện đại. Trong Mộng Ngân Sơn, người thơ lên tới đỉnh. Nay qua Giọt Trăng, thi nhân bước xa vào cõi như nhiên hùng vĩ. Người thơ hiển mình thành núi. Thơ hồn nhiên tới chân hậu. Thực một cách huyễn. Huyễn tới độ thân gần. Người thơ và thơ nhập một, thuần nhất trong như nhiên. Những âm điệu, nhạc hình, thôi xao... xưa đã mất, vì thôi xao trong Giọt Trăng chỉ là y áo của nhà thơ. Ngôn ngữ Việt Nam chân phác cuồn cuộn trùng trùng lên nguồn cội Cửu Long.

Chất thơ độc lập và hùng tráng thời dựng nước, non mười thế kỷ trước của Không Lộ, vừa tái hiện tri âm nơi Giọt Trăng qua bài Chiến sĩ — một chiến sĩ không trang phục, thân áo vải với hành lý là màu quê bát ngát pha lê :

Non cao dừng vó ngựa
Lòng thẹn đá ghi công
Quăng gươm vào hố thẳm
Khí lạnh ngút tầng không

Cử điệu quăng gươm thật bao la, bát ngát, hào khí. Cử điệu mang khả năng chuyển hóa ra sinh phong sáng tạo trên đồng bằng nát tan khắc khoải. Tiếng hú từ đỉnh núi Quê hương Không Lộ — Trường khiếu nhất thanh hàn thái hư — đã dội dòn lên nội cỏ thênh thang của lời đáp. Tiếng sấm mở toang trời tâm tưởng.

« Quăng gươm vào hố thẳm », vì thớt gươm mất thần linh của Trí, thớt gươm chưa trui rèn, mùi chín yêu thương. Quăng gươm. Quăng một lời thách đố trước những trò chơi nguy hiểm của đời. Người thơ nắm trọn long mạch sinh mệnh mình, vì người thơ là gạch nối cho « nghìn trước tiếp nghìn sau ». Trên bước đi vun vút, vô tình của thời gian, nhà thơ không chịu đánh lừa mình bằng cái nhìn nhất thời xã hội, hay bằng tin hứa vô minh nơi không tưởng mai sau. Người thơ quý và nâng niu từng dáng nét hồn nhiên thoáng hiện, vốn ngầm chứa tuổi muôn đời. Người thơ ghi vào cuốn sổ hẹn không trang những « đôi mắt nhìn nhau một tối » để mai sau mãi mãi thành cuộc trùng phùng chung thủy. Còn đôi mắt nào ôm đủ và trọn tình yêu và trí tuệ như thế ?

Hoa quỳnh sống nửa đêm
Hoa phù dung một buổi
Nghìn trước tiếp nghìn sau
Mắt nhìn nhau một tối

Một tối còn lưu đôi bóng dưới cành trăng. Đêm tối khi mọi người vùi ngủ. Đêm thâm u lúc người ẩn nấp hang sâu, nhà cửa, thi nhân thả chân xuống con đường, bước đi bằng những vòng nhảy như nhiên. Thi nhân vỗ an niềm đơn chiếc, những hệ lụy phũ phàng, những dỗi hờn biến ra ly biệt... Bước đi, vỗ an và cảm thấu nỗi giá buốc trăm năm một mệnh đời. Cảm thấu cả giá buốc của « đêm xuống lạnh tàu cau » nơi xanh um vòi vọi loài cây, hay nỗi cách ngăn ray rức loài người, vì

Nhịp cầu xưa chửa nối
Đôi bờ thương nhớ nhau

Làm gì trước cảnh huống đó ? Làm gì ?

Thi sĩ có một cách : « Vén cỏ chiêu hồn lại ». Thi sĩ trải xuống con đường Việt Nam và thế giới những bông mai vàng phức thơm tình tự : « Hương thoáng dặm hoàng mai ». Nếu loài người chưa chịu cất chân lên, thi sĩ sẽ nhẫn thân, trầm tĩnh « tựa cửa chờ trăng mọc ». Chờ vốn là đợi, tuy dài và lâu hơn. Nhưng chờ không là đợi theo cách điệu thủ phận. Chờ là giú. Giú trái Trăng cho chín mùi thơm giọt. Giọt Trăng trong sáng, long lanh rơi đầy đất nước, tắm gội cơn tội lỗi giữa cõi đời vô đạo. Nơi mà bạo hành và thảm sát nghiễm nhiên thành cử điệu công chức, với những tán thưởng huân chương và tiền tệ.

Ngày xưa vua chúa gây hấn để tranh đất, hay thỏa mãn cơn đam mê, khiến sinh dân trầm thống nơi cõi đớn đau, chết thảm. Thi hào Đổ Phủ xót lệ viết bài « Binh xa hành », thốt lời ta oán, cho rằng sinh con trai vô phúc... vì chỉ tổ vùi thân trong đám cỏ

Tín tri sinh nam ác

Sinh nam mai một tùy bích thảo

Ngày nay, khoa học tiến bộ trăm lần, những tín điều Trung cổ dần thoái trào trước các lập trường tư tưởng mới. Riêng quảng đại sinh dân vẫn còn bị nhận chìm trong chết chóc, khổ đau. Từng đoàn lớp thi sĩ thanh xuân đành câm nín ngàn đời, chẳng còn dịp cất lời ca hát !

Ngoài non chín chục bài thơ đủ loại trong Giọt Trăng, Quách Tấn dành riêng phần « Nét thương tâm » gồm 12 bài ngũ ngôn hoài niệm Quách Giám — người con trai của thi sĩ chết giữa cuộc chiến hung bạo năm hăm bảy tuổi. Mười hai tiếng khóc. Một nét thương tâm. Mười hai tiếng nấc. Một tình quê xé ruột. Hoài niệm Quách Giám. Thương tâm khóc con... chuyện xẩy hoài hoài từng giây phút trên khắp mọi ô vuông đất nước nầy. Song trong Giọt Trăng, tiếng thổn thức thót trọn lòng và tình của năm mươi triệu mẹ cha hiện tiền :

Mừng tre già măng mọc
Ai ngờ tre khóc măng ?

Chỉ riêng ai kia

Được quyền sống nhung lụa
Nghĩ gì thân gió sương

Nhưng thôi, « Rằng vì dân vì nước / Nói ra thêm não nề ! ».
Ôi con, ôi con… ôi những thanh niên rồi thiếu niên chưa « hệ lụy trên đời » thế mà

Mới hăm bảy tuổi trời
Đã ra người thiên cổ !

Xưa Đỗ Phủ cho là vô phúc những gia đình có con trai. Vì làm trai chỉ tổ vùi thân trong đám cỏ cho bọn vua, tướng huyênh hoang. Nay, sự đau khổ địa nguc việt nam khiến Quách Tấn không chỉ xem đấy là điều vô phúc, bất hạnh. Quách Tấn thi hóa phẫn nộ, căm hận và phản ứng mình bằng một nhất tâm chuyển đổi :

Quăng gươm vào hố thẳm

Có dáng dấp, dung phong như sự

Giũ áo vào hư không

Vào trong Không (Śūnyatā) của ý thức tương duyên tương sinh, không của y liệu diệt trừ tận căn rễ mọi mầm mống thảm sát. Quăng gươm vào hố thẳm, bởi thần trí thi nhân minh mẫn, năng lực hùng tráng, hết cầu viện hay vận dụng tới hình khí bất nhân. Quăng gươm vào hố thẳm, bởi

Giết người phục vụ ai ?!

Quách Tấn không tả sự trạng tàn khốc như Đỗ Phủ qua « Binh xa hành ». Quách Tấn chuyển hóa sinh tử hiện tiền. Niềm than tiếc về sự vô phúc sinh con trai của một kẻ đứng ngoài thềm nhìn vào thảm trạng bên trong cơn tang tóc, đã hóa bay thành trát lệnh nơi thơ Quách Tấn :

Rủi gặp thời vô đạo
Đừng nên sinh con trai
Lớn lên tay cầm súng
Giết người phục vụ ai ?!

Đứa con thân yêu, hăm bảy, hay mười sáu tuổi, nằm sâu dưới góc mộ lãng quên bất nhẫn của đời. Khổ là khổ riêng « mẹ già ngồi khóc con » suốt năm canh cô quạnh, qua sáu khắc lạnh lùng, dưới vòm tối sáng của trăng buồn.

Giọt Trăng là những cái nhìn bén nhạy vào đời người, vào tình cảm, như nhiên, nơi tâm thức khôn dò. Chất sáng tạo phả vào từng hơi thơ. Niềm khai thị nhóm trên từng tiếng khẽ gọi kêu. Tính Không (Śūnyatā) bàng bạc khắp khắp : trên môi, trong lợi, qua lời, giữa ý, trên hình, nơi chữ, qua từng hơi sinh tử nấu nung.

Giọt Trăng là CÁI NHÌN đã vói tới CÁI THẤY. Cái nhìn của kẻ đã biết tháo kính ra mà nhìn. Nhờ tháo kính, nên thấy hiện từ nguyên sơ một cành trăng rơi rụng hằng hà sa số giọt trăng lên mái đời chung thủy, giữa một đêm tiền giác hào hùng.

Điều xin thú lộ, là khó nói nhiều về Giọt Trăng. Mỗi bài thơ là một giọt trăng rơi chơi vơi nơi thinh không vòi vọi. Nói là chơi vơi, kỳ thực nhanh suốt tựa sao băng. Ta khó nói gì, tả gì về từng giọt, hay cơn bay đó. Ta chỉ quán nhất với mỗi bài, với mỗi giọt trăng, bằng sự rơi theo. Rơi đây không là sa xuống. Rơi là bay. Bay là sinh chuyển và hóa hiện tới vô cùng những tâm thức vô biên thần diệu.

Ai yêu thơ xin hãy đọc. Ai bất mãn, nhưng còn bừng thanh xuân cách mệnh, phải nhìn lại tập thơ như phương liệu hãm kìm tính nóng vội và tật phung phí.

Yêu thích hay chê bai đối với Thơ, chỉ là biến hiện tình cảm nhất thời của cảm thức nông nổi, hay cá nhân chưa sống trọn vòng đời. Quan thiết, là ta có chịu lao vút mình đi, như những giọt trăng biến hiện nơi cõi tam thiên đại thiên thế giới bằng tốc độ hành tinh ? Lúc đó, ta mới bình đẳng với Giọt Trăng, tri kỷ với Giọt Trăng, hay địch thủ với Giọt Trăng.

Và thơ ngũ ngôn trong Giọt Trăng không nên đọc một lần suốt tập. Đọc vội, thi nhân sẽ thiệt thòi, người đọc có thể bị trệ khí, hôn trầm. Mỗi bài là một lúc nhập thiền.
Thỉnh thoảng, chốc chốc, lơ đểnh — nhưng hồn nhiên — đọc một bài là đủ. Cứ thế, trọn tập một năm...

Mấy lời viết ngắn trên đây ghi vội nỗi bàng hoàng với tập thơ xuất thần mà tôi đọc trong những ngày quẫn bách, thể xác và tâm trí bị lao động và sự bội phản tra tấn. Hẳn nhiên chưa góp nên lời thấu đáo, nghiêm chỉnh về diệu vị Giọt Trăng. Phương chi đời vẫn còn dài... Tạm gọi là niềm biết ơn với Thi hào của nòi giống, sau xin chia sẻ cùng những tri âm rồi đây sẽ ghé mắt tới Giọt Trăng.

Thi Vũ
Gennevilliers, mùa đông 1973

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, tản mạn, Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021