SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

TẢN MẠN NHỮNG NGÀY HÈ BUDAPEST

Thời tiết nước Đức năm nay thật đỏng đảnh. Bất chợt có những cơn lũ quét ngang hình đất nước, cuốn đi hàng trăm sinh linh, tàn phá nhiều thị trấn, và làng mạc. Vào trung tuần tháng tám, đất trời mới chớm vắt sang thu, vậy mà những cơn mưa rào tháng sáu còn trở lại. Đang buồn buồn, ngồi nhìn những bong bóng nước phập phồng sau mái hiên nhà, chợt có tiếng chuông điện thoại phá tan sự yên lặng ấy. Cầm máy, chưa kịp chào hỏi, từ Dresden Bình Thu đã nói một thôi một hồi, cứ như thể ấn định sẵn cho nhau vậy:

-Vừa bàn với Nam Võ, thứ bảy đi Budapest, ông chuẩn bị xe pháo, giấy chứng nhận tiêm chủng cho ngon lành vào nhé!

Thật ra, châu Âu đã gỡ bỏ giãn cách xã hội, đi lại, du lịch tự do qua cửa khẩu các nước từ những ngày đầu hè năm nay. Tâm lý người châu Âu dường như không còn sợ hãi dịch bệnh như những ngày của đầu năm ngoái. Tuy nhiên, vẫn phải mang theo giấy chứng nhận đã tiêm phòng Corona (CovPass) cho chắc ăn. Qủa thực, không có gì tàn phá kinh tế, xã hội, giết người kinh sợ bằng dịch bệnh Wuhan. Châu Âu dịch bệnh có thể sẽ quay trở lại mạnh hơn vào mùa đông tới, nhưng tôi tin, không còn tình trạng giãn cách xã hội nữa. Vâng, ngày tháng kinh hoàng ấy đã qua rồi. Tuy nhiên, sự giãn cách xã hội ở Đức, không song sắt, nghẹt thở như ở Việt Nam. Các cửa hàng ăn, thực phẩm, chợ búa vẫn hoạt động, người dân vẫn đi lại thăm hỏi, ăn uống với tinh thần tự giác. Nhà nước đền bù tất cả những tổn hại do giãn cách xã hội đến từng công ty, cửa hàng, và người dân bằng tiền tươi thóc thật ngay tức thì. Và cái chính, nước Đức thừa thuốc để tiêm chích cho người dân. Tuy nhiên, hiện nay vẫn nhiều cuộc biểu tình đã nổ ra chống lại việc hạn chế đi lại, hội hè của người dân, mà nhà nước đã ban hành. Bởi, tự do quyền cơ bản của con người. Thât vậy, đến nay rất nhiều người Đức dứt khoát không tiêm Vaccine. Riêng tám gia đình thuê ở nhà tôi, chỉ có bốn hộ tiêm phòng. Còn bốn gia đình nhử tiền cũng phẩy tay, không chích. Viết về cái món tiêm phòng dịch cúm Tàu này, làm tôi nhớ lại hôm tháng sáu vừa rồi: Mận vườn nhà chín nhiều quá, gọi cho không ai lấy, rụng đầy gốc. Đang viêm họng phải đi nhặt gom cho vào thùng rác, kể cũng mệt. Bực mình, tôi cắt cành khi quả còn chưa rụng đem vứt đỡ phải nhặt. Cắt và vứt xong, lò dò đến gã bác sỹ nhà (Hausarzt) xin mấy viên thuốc kháng sinh cho nhanh khỏi. Đến nơi, giả vờ ho sù sụ. Gã bác sỹ vừa tiêm Vaccine cho một bà sồn sồn xong. Thấy tôi, gã ngoắc tay: Vào đây, vào đây... Gã bác sỹ này là con một đồng nghiệp của tôi hồi còn làm ở Nhà máy thực phẩm (lò mổ) Leipzig. Do vậy, thân thiết từ khi gã còn mặc quần thủng đít cho đến giờ. Phòng khám của gã có 3 bác sỹ, và khoảng 5, hay 6 y tá, xét nghiệm gì đó, nhưng ai cũng khoái ăn đồ châu Á, nên càng thân với tôi hơn. Chưa kịp ngồi xuống ghế, gã bảo, há mồm ra cho bác sỹ thực tập Test Corona. Tôi xua tay, tao vừa Test xong, ngon lành cành đào. Gã bảo, vừa Test, vào đây cũng phải Test lại. Tôi cãi, tao chích Vaccine 2 lần cách nay gần 2 tháng rồi. Yên tâm đi. Gã bác sỹ cười đùa: Há mồm ra nhanh, không tao chích cho phát Vaccine nữa bây giờ. Quay lại, nhìn trên khay của gã thấy toàn thuốc Pfizer Biontech. Tôi hỏi, sao chỉ có thuốc này thôi à? Gã bảo, chỗ tao chỉ chích loại này. Test và khám xong, gã phán, họng hơi đỏ, cho thuốc ho nước về ngậm nhé, vài ngày hết ho thôi. Tôi bảo, tạo muốn liều kháng sinh cho nhanh ván. Ở Việt Nam hễ tao bị, liều kháng sinh là ngon lành ngay. Gã lừ mắt, không được... không được. Thấy tôi còn lèo nhèo, gã cười cười, rồi quát: Mày là bác sỹ, hay tạo là bác sỹ đây! Về về... Ra cửa còn bực mình lẩm bẩm: Nhớ nhé! Lần sau ăn đồ châu Á, cậu dứt khoát sẽ quên cho muối vào bát của mày.
Nhắc lại câu chuyện thật mà vui vui này, để thấy nước Đức nói riêng và châu Âu nói chung, tuy sống tự do, thoải mái, nhưng quản lý thuốc rất chặt chẽ. Khâu chuẩn bị chống dịch rất bài bản, khoa học, chứ không bọp nghẹt không gian sống như ở Việt Nam. Không nói Đức, ngay cả Balan không sản xuất ra Vaccine, vậy mà họ vẫn thừa thuốc tặng, và bán lại cho Việt Nam với giá gốc…   

Chặng đường 800 km từ Leipzig đến Budapest, chúng tôi buộc phải mua thuế đường cao tốc của ba ông: Tschechische, Slowakei và Hungari. Mấy ông bạn đi nhiều bảo, nên mua Online, chứ qua đó mua bị chặt chém khi trả bằng tiền Euro, nhất là cái ông Slowakei. Thật lạ, xe mấy ông này sang Đức chạy Autobahn (cao tốc) rộng thênh thanh, ga số mút chỉ cần câu chẳng phải trả đồng chó nào. Vậy mà xe từ Đức sang là các bố đè ra nã tiền thuế đường. Kể cũng hơi bực mình… Qủa đúng như lời mấy ông bạn, khi chạy đến Slowakei, chúng tôi dừng xe để nghỉ, và bơm xăng. Tôi trả bằng tiền Euro. Chẳng biết mệnh giá đổi chác như thế nào, bấm máy một lúc, gã thu tiền lấy chúng tôi đúng 2€/liter. Tôi im lặng, trả tiền. Thu (Bình) ấm ức, xổ ra một tràng tiếng Anh: Sao đắt thế…? Hắn trả lời, sếp của tao bảo vậy. Cấm cãi.

Giời đất, vậy thì khác chó gì mấy ông, mấy bà cơm chặt, cơm chém trên Quốc lộ (1) Bắc Nam ở đất Việt quê hương tôi.

Vào đất Hungari, mưa nhẹ làm cho cái nắng dịu đi phần nào. Đường Autobahn (cao tốc) tuy không được như ở Đức, nhưng khá rộng rãi, với những trạm xăng, nơi nghỉ rợp bóng cây, và sạch sẽ hơn Slowakei rất nhiều. Hàng quán, trạm bơm xăng có bảng giá tiền của Hung và Euro thật rõ ràng. 1,40€/liter, tôi bơm đầy ự bình xăng. Mọi ấm ức dường như đã tan biến. Dưới rừng cây xanh ngắt, Nam Võ khoái chí mở bia cứ bôm bốp, rồi máu lên mở hộp đàn Guittar rủ Bình Thu đàn hát cho khí thế, liền bị mấy bà vợ nguýt lườm: Hâm à! Giữa đường, giữa chợ đàn hát gì…

Chúng tôi đến Budapest, mặt trời đã khuất dần về phía bên kia cầu Erzsebet. Dường như, chỉ còn vài tia nắng quái cuối ngày rọi xuống dòng sông Danube (Donau) rồi hắt ngược lên những thân tàu vừa cập bến một màu vàng nhạt. Bằng cháu của Bình Thu, một cựu sinh viên Đại học Budapest, hiện đang làm việc ở nơi đây, đón ở khách sạn, và đưa ngay chúng tôi thăm thành phố...

Chẳng biết dòng sông Danube cắt đôi Budapest, hay chín cây cầu đã nối đôi bờ Buda và Pest để thành phố có những giai thoại lịch sử đầy huyền ảo đến vậy. Về kiến tạo, địa lý hay ý nghĩa lịch sử đôi bờ Buda và Pest, có lẽ khác với dòng sông Elbe cắt đôi Dresden thành: Altstadt và Neustadt. Nhưng về thương mại, sinh hoạt văn hóa, dường như hai thành phố này có nét tương đồng chăng? Và dù cách nhau chỉ một dòng sông, song Buda và Pest rất khác nhau về địa vật, và lối sống văn hóa cư dân. Nếu bờ Buda là vách núi cao với những lâu đài cổ kính trầm mặc, thì bên bờ Pest là một bình nguyên bằng phẳng với dinh thự, phố phường sầm uất, cùng những nhà hàng, khách sạn trải dài theo dòng nước trôi. Tôi đã đến sông Seine/Paris, đi qua cầu Tình (Charles Bridge) trên sông Moldau Praha, hay lên thượng nguồn dòng Donau từ Rừng Đen (Schwarzwald) Đức Quốc, nhưng chưa có nơi nào mang lại cho tôi nhiều cảm xúc như khi đến với Danube, Budapest. Bởi, khi đứng trên cầu cao Chain, ta như thấy cả núi sông thành quách, và cả miền đồng bằng với những tiếng vó ngựa, tiếng gươm khua từ ngàn năm trước vậy. Đêm chưa khuya, mà tôi tưởng mình đi về miền cổ tích. Nước lặng im dưới chân cầu mà tưởng như có ngàn con sóng vỗ. Và nếu ví Budapest là một bức tranh, hay một bài thơ hoài cổ, thì tôi nghĩ, chất trữ tình đậm nét ở nơi đây. Vâng, một cảm giác thật kỳ lạ khi đến với Budapest.

Tôi và chưa biết nhiều về Budapest, mà chỉ có cảm giác như vậy, khi lần đầu đặt chân đến nơi đây. Thấy chúng tôi có vẻ rã rời, Bằng đưa chúng tôi vào một nhà hàng bên sông, và bảo:

-Súp cá là món quốc hồn quốc túy ở nơi đây đấy!

Nghe có lý, mỗi người gọi một bát ăn khai vị. Đã về đêm, vậy mà trời vẫn khô và nóng. Cái nóng Budapest chẳng khác gì ở Saigon. Chúng tôi ực chưa cạn vại bia đầu, món Súp cá đã được mang ra. Giời đất ạ! Sáu, bảy cái vại sành chứ không phải là những bát súp. Sức lực còn trai tráng như Bằng mà ngắc ngư mấy tăng cũng không hết. Còn chúng tôi sáu người, ép nhau mãi mới hết được hai vại. Nhìn sang bàn bên của mấy ông tây bà đầm, vại nào cũng sạch trơn, làm cho Bình Thu phải thốt lên:

-Dạ dày, bao tử của người Ungarn quả là vĩ đại… Mà sao nhìn thanh niên nào cũng có nét của chiến binh Mongolei ấy nhỉ?

Có lẽ đã được học qua ở Trường Văn Hóa chăng? Nên Nam Võ có vẻ hào hứng lắm, quay sang Bình Thu: Người Hungari có bộ lạc gốc gác từ châu Á, đặc biệt  từ Mongolei. Rồi Nam Võ kéo lùi thời gian về thế kỷ thứ 13, và giảng giải khá kỹ về trận chiến Mohi thật dã man của đội quân Mông Cổ với người Hungari. Sự xâm chiếm, đô hộ ấy, người Mongolei để lại cho Hungari những hậu quả rất lâu dài. Tuy nhiên, hiện nay chính phủ Hungari rất ưu ái với những học sinh, sinh viên đến từ Mông Cổ…

Tôi không biết, nguồn gốc cái món Súp cá này, nhưng nó giống y chang món Gulaschsuppe ở Đức về rezept, mùi vị, chỉ có khác chăng là cá, hay thịt mà thôi. Thành thật mà nói, món Súp cá quốc hồn quốc túy này của Hungari, độ ngon không thể sánh bằng món canh chua cá của người Việt ta. Cả ba bà: Hòa, Thu, Huệ đều thốt ra như vậy. Tuy nhiên, sau những ngày ăn hàng uống chợ ở trung tâm Budapest, phải nói ngon nhất vẫn là cái món thịt bò Argentina nướng trên thớt đá ở quán cạnh khách sạn chúng tôi, trên phố Väci utca. Chẳng vậy, ông nào cũng xơi tái 2 thớt (suất). Chỉ có ba gã, mà ngất ngưởng cả chục lít bia.

Nghe gã bạn Vũ Quang Vinh cựu sinh viên Balan bảo, năm quái nào vợ chồng hắn cũng phải sang hồ Balaton một lần. Hắn tả có vẻ mong manh sương khói lắm, chẳng khác gì Từ Thức đến với Động Tiên. Do vậy, đến Budapest, ngày hôm sau chúng tôi đến Balaton ngay. Cách Badpest khoảng chừng 120km về phía tây nam, Balaton rộng gần 600 km². Chúng tôi đến thật sớm, vậy mà các bãi tắm đã kín người. Có lẽ, là ngày cuối tuần chăng? Tôi tìm mãi mới có chỗ đậu xe, tưởng chừng cả Trung Âu dồn về đây vậy. Cảnh vật nơi đây thật đa dạng. Có một điều lạ, trong cái hiện đại, quy củ, nhưng vẫn cho ta cảm giác chưa có bàn tay của con người. Cái hoang sơ ấy, như cho ta sự mơ màng ngay cả khi đi trên con đường vòng quanh hồ. Qủa là tuyệt vời như lời gã Vũ Quang Vinh đã nói. Hồ nước nông, sạch nên các bà khoái tắm, và bơi lội. Tuy nhiên, mấy thằng tôi lại khoái ngồi dưới giàn nho, ăn cá nướng từ sông Zala, uống một vại Dreher bia mát lạnh, quả thực không còn gì bằng…

Chiều. Nắng nhạt dần. Đứng trên con đường bao quanh Tu viện Tihany, như thấy có đàn thiên nga trộn vào những cánh buồm trắng đang trôi lạc vào bờ vậy. Hình ảnh ấy, không hiểu sao làm tôi nhớ đến vở kịch Hồ Thiên Nga, với những truyện cổ tích lãng mạn, đậm chất trữ tình của Nga.

Tôi không phải là người lãng mạn, nhưng hồn mình cũng cảm thấy rung rinh.

Leipzig ngày 31-8-2021
Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021