SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

Tựu trường xa xứ

Cao Vị Khanh

Khám phá được sự có mặt của một nhân vật tiểu thuyết trong đời thật vẫn là một điều thích thú thầm kín của người đọc dù rằng điều đó chẳng ăn nhập gì hết đến giá trị văn chương của tác giả hay tác phẩm. Một chút vui phụ trội vậy mà.

Trong một truyện ngắn tôi đọc đã lâu, kể chuyện những ngày đầu tới Mỹ của một gia đình Việt Nam sau cuộc chạy chết năm 75. Người cha, người mẹ và đứa con trai độc nhất lên sáu tuổi. Chuyện người lớn chắc ai cũng giống nhau, không nhiều thì ít. Còn chuyện đám con nít ?

Hình dung trở lại những năm bảy mươi-tám mươi, đứa bé ba-bốn-năm-sáu ... tuổi, rúc trong mình cha mẹ nó dưới những khoang ghe tối đen như mực và nghẹt ứ hơi người ... Và mịt mù sóng gió. Và chực chờ hải tặc. Và những đảo hoang trôi lênh đênh giữa góc biển với chân trời. Rồi trại tạm cư trên bãi bờ hiu quạnh. Chiếc chòi lá giữa đêm mưa rừng nhiệt đới. Những hạt cơm khô trộn lẫn với cát sỏi... Rồi đất mới tạm dung. Rồi định cư vĩnh viễn. Rồi sau đó cũng chính nó chạy lúc thúc bên chân cha mẹ cho kịp cuộc đuổi bắt một đời sống mới, lạ từ miếng ăn thức uống, lạ từ tiếng hỏi câu chào ... Nó nghĩ gì trong đầu khi thấy cha mẹ, người lớn tất bật làm lụng, tính toán, rầu rĩ, lo buồn ... đến nỗi như muốn bỏ quên nó luôn ... dù mục đích của cuộc chạy chết một phần cũng vì tương lai của chính nó.
Nó thấy gì trong những giọt nước mắt trên mặt mẹ khi trên tay còn cầm lá thư nhòe chữ được gởi đi từ một xứ đã xa. Nó nghĩ gì khi ngó cặp mắt đăm chiêu của cha khi nhắc tới người thân còn kẹt lại đâu đó ... Tội nghiệp đứa nhỏ đã mất tuổi thơ khi chưa kịp lớn ...

Hình dung trở lại những ngày tháng đầu ở xứ người, trong căn chung cư hẹp té, tồi tàn, và chung quanh thì đầy những khuôn mặt lạ, lạ từng cọng tóc đến vóc dáng, nhất là thứ tiếng nói đa âm với những âm sắc lạ tai xoắn xuýt nhau như một xâu chuỗi ... Nó ra vào chơi đùa một mình, mớ đồ chơi xin ở nhà thờ, chiếc máy ti-vi mua ở tiệm đồ cũ ... giữa bốn bức tường cũ xì, ẩm mốc và chiếc cửa khóa kín sau khi cha mẹ nó từ sáng sớm đã vội vã xách hộp đồ ăn mỗi người mỗi hướng nhảy lên những chuyến xe buýt đầu ngày chạy băng ngang thành phố ... Hình dung trở lại, nó một mình tới bữa trưa lục tủ lạnh tìm miếng xăng- quít mà mẹ đã làm từ tối qua. Hình dung trở lại, bữa ăn trưa một mình, đứa con nít năm sáu tuổi. Hình dung trở lại những buổi sáng buổi chiều buồn tênh sau khi đã chán chê mớ đồ chơi cũ kỹ nhàm chán, bắt ghế dựa đầu vào khung cửa kiếng, từ một căn chung cư cao ngất, nhìn ngó ngu ngơ xuống cái miệng vực thẳng đứng giữa hai bức vách lầu cao ngất và xám ngắt, dưới đó xe cộ người ta qua lại huyên náo để hy vọng bắt gặp một dáng vẻ thân quen ...

Hình dung trở lại bữa tựu trường đầu tiên không có sương-thu-và-gió-lạnh. Nó cũng mang cặp sau lưng nhưng không có bức-tượng-trắng-trong-vườn-Lục- xâm-bảo làm bạn như khi cha mẹ nó tựu trường ... Bởi vì nó bắt đầu đi học ở một nơi không phải là quê hương của nó nữa ... Nghĩa là nó đã bị bứng khỏi cái gốc ruột rà của nó, cái gốc phải có của một đứa-bé-việt-nam với chuồn chuồn châu chấu, với tiếng dế ngoài bờ cỏ, với cánh diều giữa đồng trống, với ngõ trúc quanh co, với cầu tre lắt lẻo ... Nghĩa là nó bắt đầu đi học làm người, người Mỹ, người Canada, người Pháp, người Úc .. mặc dầu cha mẹ nó vẫn muốn trước hết và sau cùng nó mãi là người Việt Nam ... Có khó cho nó lắm không ?

Hình dung trở lại mọi nỗi khó khăn lúng túng của đứa nhỏ giữa sân trường, trong lớp học, khi chung quanh từ ông thầy đến bạn học không ai giống nó, nó cũng không giống ai, cái màu tóc cái màu da và nhất là cái tiếng nói ...

Nghĩa là còn nhỏ xíu nó đã phải chiến đấu giống y như cha mẹ nó đã chiến đấu, tả xung hữu đột, để tìm một chỗ đứng có chút ánh sáng giữa một thế giới đầy những nhà chọc trời đã che kín hết mặt trời.

Vậy đó, thằng bé đó đã chiến đấu, rất cô đơn ... dù đi học một mình, dù tan trường một mình, dù khi về nhà phải lục dưới tấm thảm chùi chân tìm chiếc khóa rồi nhón gót lách ca lách cách trật vuột mở cho được chiếc khóa cửa hoen rỉ...

Vậy đó, thằng bé đó đã chiến đấu, thầm lặng như nhiều đứa-bé-việt-nam cùng trang lứa với nó, trong những năm tháng lao đao đó đã chiến đấu cũng cô đơn và thầm lặng như vậy ... ở đâu đó, trên những xứ sở lưu vong ...

Tên lính nhỏ đó - cùng với rất nhiều tên lính nhỏ khác - đã chiến đấu thay cho cha, cho chú bác nó trên một mặt trận khác để chứng tỏ với thế giới rằng đó không phải là tàn dư của một đội quân bại trận.

Tên lính nhỏ đó - cùng với rất nhiều tên lính nhỏ khác - đã chiến đấu thay cho mẹ, cô dì nó trong một cuộc kháng chiến khác để cưỡng chống lại sức hút cuồng lưu của một xã hội tân tiến, và giữ cho được nguyên tính của giọt-máu-việt-nam.

Hình dung trở lại tấm bằng khen đầu tiên nó mang từ trường về. Mắt cha nó vụt sáng. Mắt mẹ nó bỗng rướm giọt trong veo ...

Hình dung trở lại đêm đầu tiên nó xa nhà để đến trọ trong một campus đại học. Cha nó vui và lo lắng. Mẹ nó mừng và lo lắng.

Hình dung trở lại những chồng bài vở cao ngất, xếp qua bên để chạy tới quán ăn đầu đường chùi rửa từng chồng dĩa chén cao ngất, để khuya về chong đèn ôn luyện có khi tới hửng sáng rồi lại ôm sách vở chạy vội tới giảng đường. Hình dung trở lại những chiếc bánh pizza cha nó chạy giao qua phố xá vắng tanh lúc nửa đêm về sáng, sau tám giờ làm chính thức trong nhà máy để cho nó thêm chút tiền túi, phòng khi... Hình dung trở lại những đống vải mẹ nó ôm về từ hãng may, rồi chui vào một góc khuất, may luôn tới khuya lơ khuya lắc để sắm thêm cho nó chiếc áo lạnh khi gió đông đang vội vã thổi về.

Hình dung trở lại ... Hình dung trở lại ...

Hình dung trở lại ngày tốt nghiệp. Áo thụng mão mũ. Cha nó quằn vai vì sức trì của những kiện hàng quá khổ. Mẹ nó hấp háy tia mắt lợn cợn bụi mù từ những xưởng may kín mít. Cả hai sao bỗng quên hết nhọc nhằn !

Còn nhiều chuyện để nói lắm, những chuyện để đời.

Những đứa-bé-việt-nam lớn lên ở một chỗ không phải Việt Nam.

Nhưng thôi. Đủ rồi.

Vấn đề là tên lính nhỏ can trường đó, những tên lính nhỏ can trường đó, đã chiến thắng, từng trận nhỏ, rồi trận lớn .. Cấp bằng đại học. Vị trí khả dĩ trong một xã hội dị chủng. Những đóng góp ít nhiều cho đất nước đã đem lòng cưu mang sau khi tương lai nó đã bị hủy diệt ngay trên chính xứ sở của nó từ sau cuộc bại trận của cha ông. Sự thành công đó còn là dịp cho cha mẹ chú bác nó, người đã chết, kẻ lưu lạc, người tù tội ... được có lần minh chứng cho lý tưởng mà họ đã xả thân để bảo vệ, dù có phải thất bại : con người chỉ được phát triển toàn vẹn trong một xã hội tự do và nhân bản.

Tháng tám nhiều năm sau, nhân vật đứa-nhỏ trong truyện đã nhảy ra khỏi cái khung truyện cũ chật hẹp để bắt đầu viết cho chính nó một cái truyện mới, khung truyện lần này chắc chắn sẽ rộng lớn hơn, thênh thang những chân trời ... Truyện của nó có thêm nhân vật mới, tình tiết mới, như loại feuilleton đăng báo mà mỗi ngày được đánh dấu bằng mấy chữ ngày-mai-đăng-tiếp như một hứa hẹn những khai mở bất ngờ đầy thú vị.
(nó đang làm như cha mẹ nó, bạn bầy trang lứa nó, gầy dựng và tiếp tục gìn giữ chút di sản ông bà, ở phần đất mới, rất xa mảnh đất quê hương )

Này chú-bé-nhân-vật mà tôi đã cảm mến khi đọc truyện, chú can trường lắm !

- viết thêm-

Tháng 9 năm nay, tôi lại có dịp ghé qua một buổi lễ tựu trường. Trường tiểu học, học trò mới cũ trai gái ồn ào và lộn xộn như một bầy ong vỡ tổ. Đám quen mặt tụ năm tụ ba ríu rít hỏi han kể lể. Mấy đứa bé vừa từ một nhà trẻ gởi sang, níu riết tay cha mẹ ông bà đi những bước chân líu ríu như bầy sẻ nhỏ.

Bất ngờ, rất bất ngờ, tôi gặp lại cậu-bé-nhân-vật cũ của tôi. Bao nhiêu năm qua rồi, từ đó. Đã bao nhiêu con nước xa dòng. Cũng chẳng hơi sức đâu mà đếm nữa. Chỉ biết trước mặt tôi là một người đàn ông trẻ, chững chạc, quần áo thẳng thớm, lịch sự. Cạnh bên là một phụ nữ tây phương, cũng chừng tuổi, da trắng tóc nâu và mắt có màu xanh biếc. Giữa hai người là một đứa bé trai, có làn da trắng của mẹ và màu tóc đen của cha, vừa đi vừa nhún nhảy theo bước chân người lớn. À, cậu-bé-con, nhân vật trong cái truyện ngắn theo cha mẹ bỏ nước, vượt biển chết tìm đất sống của gần ba mươi năm trước, vừa đi học chữ mới vừa ngọng nghêu tập nói tiếng nước mình. Đến hôm nay, ngày đầu một năm học mới, dắt tay đưa đến trường, đứa con đầu lòng, kết tinh của một sự phối ngẫu kỳ diệu giữa hai dòng máu lạ chảy từ hai lục địa mênh mông xui đâu mà gặp gỡ. Lắm khi cũng chỉ từ những trái ngang của lịch sử. Vậy mà rồi, đôi lúc lại là những kết cuộc có hậu, đẹp và vui như bất cứ một câu chuyện cổ tích nào được kể bằng hai tiếng ... ngày xưa !

Buổi sáng hôm nay, trên khắp cùng mặt đất, sẽ có bao nhiêu đứa trẻ việt-nam- vàng-trắng-đen-đỏ lần đầu theo cha mẹ tới trường để học đọc học viết thứ chữ không phải ... chữ-việt-nam. Điều đó có đáng buồn hơn nếu còn kẹt lại bên đó để bị nhồi nhét vào đầu thứ chữ nghĩa câu cú đã bị biến thái một cách quái gở đến đỗi người đi xa mươi năm sẽ phải ngỡ ngàng như Từ Thức khi lỡ bước về trần.

Đó là chưa kể đến những dụng tâm đầy hậu ý đã loại bỏ hết những bài Việt sử vốn dĩ đã là và phải là những bài học vỡ lòng của bao nhiêu thế hệ người Việt, làm thành chất keo sơn kết chặt họ với đất đai xứ sở quê hương tổ quốc. Vậy mà ...

Nhất là gần đây lại nghe tin có kẻ (bọn !) lại còn muốn thay đổi cả cách viết, cách đánh vần ... của chữ quốc ngữ, thứ phương tiện duy nhất để phổ biến, gìn giữ, lưu truyền cái vốn liếng văn hóa đã ngàn năm của dân tộc. Thứ chữ viết đó đã là chiếc cầu bắt qua tấm lòng của bao nhiêu thế hệ, là cái gạch-nối người đời sau với muôn đời trước, cũng như chính là vốn liếng còn lại sau bao nhiêu chắt lọc nghiệt ngã của cả một dòng lịch sử đã quá đỗi trầm luân. Thứ vốn liếng đầy ắp bao nhiêu lời ân cần dạy dỗ, dặn dò ... của người đi trước đã khuất mặt để lại cho người tới sau còn biết đâu là gốc tích của chính mình mà hãnh diện mà chiến đấu để bảo vệ tới kỳ cùng nền độc lập và quyền tự chủ của một mảnh giang san đã giành được bằng bao nhiêu máu xương của từng bao nhiêu thế hệ. Từ ngàn ngàn câu ca dao tục ngữ vốn chỉ là truyền khẩu đến những bản hùng văn với hằng hằng câu chữ như đã được trích máu từ đầu ngón tay ra mà viết, từ những vần thơ minh triết ẩn tàng dưới nóc am mây trắng đến uẩn khúc đoạn trường bi thiết qua hơn ba ngàn câu lục bát mà hơn ba trăm năm rồi không phai lợt chút sắt son ... Còn nữa, còn Nguyễn Trải với Bình Ngô đại cáo lấy chí nhân thay cường bạo, còn Bà huyện Thanh Quan với thơ Đường mà hồn thơ không vướng bận chút luật thơ, còn Hồ Xuân Hương tinh quái với mớ chữ nghĩa léo lắt, còn khúc ngâm Cung Oán đài các, còn khúc ngâm Chinh phụ ngọt ngào như nước suối trong veo, còn bao nhiêu công trình nghiên cứu lịch sử địa dư, dịch thuật khoa học tư tưởng từ túi khôn của nhân loại mà hằng hà sa số tài năng của dân tộc đã nặn tim vắt óc để lại cho đời sau.

Cả cái gia tài vô giá đó rồi còn được tồn tại tới ngày nay để con cháu có dịp học lấy sự tinh khôn, thấm nhuần được tấm lòng nhân hậu của cha ông, nối tiếp được tính quật cường của tiền nhân là do đã được ghi chép lại trong những văn bản kể từ khi có chữ viết.

(Có cần kể ra không những khổ công của cả một lớp tiền nhân những năm cuối thế kỷ 19 đầu thế kỷ 20 đã tìm tòi chăm chút uốn nắn để biến thứ chữ mới tượng hình mà mục đích chỉ nhằm rao giảng đạo chúa trở thành một phương tiện học hỏi và sáng tạo cho cả khối dân tộc kịp chân bước vào thời đại mới. Những Trương Vĩnh Ký, Huỳnh Tịnh Của, Nguyễn Trọng Thuật, Nguyễn Bá Học, Nguyễn văn Vĩnh ... rồi Phạm Quỳnh với tạp chí Nam Phong, rồi Tản Đà ngoài bắc Hồ Biểu Chánh trong nam... rồi ... v.v... và v.v... Kế đó tiếp nối những khai phá của những Nhất Linh, Khái Hưng, Thạch Lam, Vũ Trọng Phụng ... với phong trào Thơ mới như sự ngửng mặt của một hồn tính việt nam thức tỉnh sau cả ngàn năm lệ thuộc vào ý hệ phương bắc ... Chữ nghĩa một ngày một dồi dào, mỗi lúc mỗi hoa gấm. Xảy đến cuộc chia cắt đất nước năm 54, nhưng ở miền nam là cả một trời sáng tạo nhằm phá vỡ mọi thành trì cổ điển để tạo nên những cổ điển mới ... Những đột phá của Mai Thảo với nhóm Sáng Tạo, Nguyên Sa với Hiện Đại, Vũ Khắc Khoan với Vấn đề, Nguyễn Khắc Hoạch với Thế kỷ Hai Mươi, Viên Linh với Khởi Hành ... những Võ Phiến, Đinh Hùng, Bình Nguyên Lộc, Doãn Quốc Sỹ, Nguyễn Đình Toàn, Tô Thùy Yên, Nhã Ca, Túy Hồng, Nguyễn thị Thụy Vũ v.v ... và v.v... Làm sao kể hết ! Làm sao kể đủ ! Còn những người lính vừa đánh trận vừa viết truyện. Những anh học trò vừa học bài vừa làm thơ. Từ thành phố đến núi rừng, đâu đâu cũng rộn ràng những dòng chữ, những khám phá và những kết tinh. Thơ văn bay nhiều không thua lửa đạn. Còn nhiều nhiều lắm ! Làm sao kể hết ! Mà thật ra có kể hết được đâu nét tài hoa ngùn ngụt đó.

Bây giờ tự dưng rồi đòi hủy bỏ thứ chữ viết ruột rà đó để thay bằng một loại qui ước mới chẳng hợp lý hợp tình mà cũng chẳng một mảy may cần thiết. Làm vậy chẳng khác gì thẳng tay chặt đứt chiếc cầu bắt qua triệu triệu tấm lòng dân Việt từ muôn đời trước đến ngần ấy đời sau.

Lịch sử Việt đã trải qua hơn hai ngàn năm Bắc thuộc, trăm năm Pháp thuộc mà người Việt ở trong nước hay biệt xứ khắp cùng mặt đất, mà người Việt từ mấy ngàn năm trước đến người Việt của mấy ngàn năm sau còn hiểu được nhau, còn kết nối được nhau, còn có cơ liên lạc được nhau phải chăng chính là do thứ chữ Việt đã được sáng tạo, điểm xuyết và giảng dạy từ gần bốn trăm năm nay. Vậy hà cớ gì mà đòi đổi đòi thay. Vậy hà cớ gì mà muốn bứng cả gốc rể của một rừng đại thụ vốn toàn là gỗ quí.

Nếu không vì thứ tự cao tự đại ngu xuẩn thì hẳn cũng vì một thứ mưu đồ đen tối nào đó.

Dòng sinh mệnh của ngôn ngữ cũng y như của con người, cũng sinh diệt thăng trầm theo lẽ tự nhiên nhưng lẽ đâu không cố luyện cho tinh tuyền lại đem học- đòi-pha-trộn-chắp-vá-vay-mượn-quá-ư-ngu-xuẩn với thứ chữ của nước ngoài, nhất là thứ nước ngoài vốn dĩ đã là giặc trong từ hơn mấy ngàn năm lập nước và giữ nước của cha ông.
v.v... và v. v...

Còn điều gì để nói thêm, buổi hôm tựu trường trên một xứ sở tạm trú, cách xa nơi sanh đẻ hơn nửa vòng trái đất, nơi bên nây ngày lên thì bên kia đêm xuống, nơi có những đứa-trẻ-việt-nam từ sanh ra đã có cha mẹ ông bà cứ tha thiết móm cho nó ê a từng dấu giọng sắc-huyền-hỏi-ngã-nặng dù không phải không biết mai kia mốt nọ, thứ tiếng mẹ-đẻ-cha-đẻ đó cũng chỉ còn là những hoài vọng về một gốc gác đã mù. Nhất là trong một thế giới đang trên đà tiến bộ bằng những đôi-hia-bảy-dặm.

Dẫu vậy, họ vẫn ru, vẫn ầu ơ ... từng khuya hôm, vẫn móm đút từng trưa sớm ... từng tiếng từng chữ ... dẫu biết rằng ... dẫu biết rằng ... !

Vui thêm hay buồn thêm, buổi sáng tựu trường này, lần thứ bao nhiêu trong đời tôi, biệt xứ !

Cao Vi Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021