SỐ 92 - THÁNG 10 NĂM 2021

VẤN CHẬP

Đã chớm sang thu, vậy mà cái nóng ngoài trời vẫn làm cho màn đêm Budapest buông muộn hơn. Phố lên đèn, dòng sông Danube ánh lên như một chiếc cầu vồng vắt ngang thành phố. Từ quán rượu vang nhỏ dưới chân cầu Xích, chúng tôi thả bộ theo những con thuyền đang ngược về phía tây, nơi cuội nguồn con nước. Không gian tĩnh hơn, khi chúng tôi rời xa trung tâm thành phố. Lác đác ven sông, thợ câu đêm đã buông cần. Có lẽ, đã thấm mệt, Nam Võ ngồi bệt xuống thềm đá, đường xuống bến sông, nơi có hai người thợ câu. Quay lại và ngước nhìn lên, trăng đã treo ngang Lâu đài Buda. Vỗ vai Bình Thu, tôi nói chưa hết câu: Quay về, mệt quá rồi… chợt thoảng nghe như có tiếng Việt hắt lên từ bến sông. Tôi hơi sững người lại. Có lẽ, hai gã thợ câu là người Việt, Bình Thu bảo vậy, rồi quay ngoắt xuống bến. Lúc sau, Nam Võ đứng dậy kéo tay tôi, lẩm bẩm: Bình Thu làm quái gì dưới đó mà lâu thế nhỉ. Ta xuống kiếm mấy con cá về làm mồi nhậu tiếp, chứ khi nãy uống vẫn chưa đủ đô. Mấy nay, lạ chỗ khó ngủ lắm…

Khi tôi và Nam Võ xuống tới nơi, đã thấy Bình Thu đang mân mê hai con cá trong rọ khá to. Tôi không biết tên, nhưng nhìn như cá trôi nơi quê nhà vậy. Tôi và Nam Võ chưa kịp chào, người đàn ông lớn tuổi đã đứng dậy, và hỏi:

- Các ông từ Đức sang phải không?
- Sao bác biết? Nam Võ hỏi lại.
- Nhìn thì biết thôi. Bởi, người Việt sống lâu ở đâu, đều bị ảnh hưởng tính cách, tác phong của nước đó.

Dưới ánh điện vàng đục, tôi thấy khuôn mặt gã đàn ông này rất quen, nhất là giọng nói. Thấy tôi ngẩn tò te nhìn, gã đến gần đặt tay lên vai:

- Trường! Đỗ Trường, Lò mổ Leipzig cũ phải không?

Tôi gật đầu, tuy nhiên vẫn phải nói:

- Xin lỗi, em vẫn chưa thể nhận ra bác!

Gã cười cười:

- Vấn Chập! Nguyễn Văn Vấn cựu lehrling, học nghề cơ khí nông nghiệp Magdeburg. Đã ba chục năm rồi, Đỗ Trường không nhận ra tôi cũng phải thôi. Tôi nhận ra, bởi thường đọc, và theo dõi ông trên Facebook.

Ký ức vụt về, tôi chợt thốt ra:

- Ôi! Bác Vấn. Bảy sập mà nhìn bác cứ như giai tơ thế kia, bố thằng em nhận cũng chẳng ra. Mà này, nghe nói, sau cái vụ ấy, bác chuồn sang Balan, hay Tiệp, rồi về nước. Sao bây giờ còn luẩn quất ở đây?

Vấn Chập chỉ tay lên đầu trọc lốc (của mình), chẳng khác gì cái đầu của Nam Võ đứng cạnh:

-  Ông cứ hay khen đểu…Thì về nước đã mấy chục năm, sống trong tâm trạng Unruhe (bồn chồn bất an). Cũng may, các cháu chịu khó học hành, nay đã trưởng thành cả. Hơn chục năm trước, vợ chồng thằng con cả sang nghiên cứu sinh ở Đại học kỹ thuật Budapest. Học xong, chúng nó không chịu về nước. Hè 2019, nó mời vợ chồng tôi sang chơi, nhưng dịch cúm Tàu nằm bẹp ở đây. Buồn buồn, chiều tối cùng ông bạn trẻ hàng xóm ra câu giải sầu vậy thôi…

Tôi cắt ngang lời gã:

- Số bác đầu đời cũng nhọ, cuối đời nghe chừng êm ái nhỉ!

Nghe tôi hỏi vậy, hai mắt Vấn Chập nháy nháy, giọng chùng xuống:

- Êm ái chó gì ông. Ám ảnh, và day dứt lắm…

Mải hàn huyên, trăng đã lên ngang đỉnh đầu, chúng tôi đành phải tạm biệt Vấn Chập. Gã cứ phàn nàn thời gian quá ít, bởi chiều mai chúng tôi đã phải trở về Đức. Và như chợt nhớ ra, Vấn Chập đưa bút giấy, bảo tôi ghi cái địa chỉ nhà nghỉ, sớm mai gã đến Café sáng cùng. Dứt lời, gã ấn vào tay Bình Thu cái giỏ cá, miệng liếng thoắng, làm cho chúng tôi không thể từ chối: Muộn thì muộn, mang về nhà nghỉ, hấp hay rán ngay… nhậu tiếp nhé! Âu cũng là một kỷ niệm nho nhỏ.

oOo

Thật ra, không phải sang Đức, tôi mới quen Vấn Chập. Mà ngay những năm cuối thập niên bảy mươi, ngày đang học năm cuối (cấp 3) trung học ở Nam Định, tôi và gã đã quen thân. Dù gã lớn hơn tôi đến gần một con giáp. Khi đó, gã vừa từ trại thương binh, an dưỡng gì đó về phục viên. Không hiểu cái biệt danh Vấn Chập vận vào gã từ khi nào. Nhưng phải nói, Vấn Chập thổi sáo và có giọng hát rất hay. Chẳng vậy, gã vừa phục viên được gọi ra phụ trách văn hóa làng xã ngay. Nghe nói, ngày còn ở trại thương binh và an dưỡng, nếu không bị trầm cảm, chập cheng, thì gã đã được chuyển về Trường nghệ thuật quân đội chứ chẳng đùa đâu.

Công việc hằng ngày của Vấn Chập kẻ vẽ các khẩu hiệu, đại loại như, sinh đẻ có kế hoạch, hay chống mê tín dị đoan, hoặc cái nọ muôn năm, cái kia trường tồn... Và tôi gần gũi, thân với Vấn Chập trong một lần với cái gọi làm văn hóa như vậy. Lần ấy, có lẽ gã phải tởn đến chết:

Số là, từ cái thuở lập ấp, cạnh con đường làng của gã đã có một ngôi mộ tự phát rất linh thiêng. Các cụ trong làng kể, có một cô gái trẻ chết trôi, không biết từ đâu dạt vào bến sông. Dân làng vớt lên, và trình báo với tất cả các châu, huyện. Nhìn cách ăn vận của cô đúng là con nhà quyền quí, cao sang. Vậy mà, không một ai đến nhận. Dân làng buộc phải bó chiếu chôn cô ngay vệ đường cạnh bến sông. Bởi, lúc đó làng xóm còn rất thưa thớt, dân cư vắng vẻ. Kể từ đó, hằng đêm thường nghe thấy tiếng khóc rất ai oán vọng lên từ bến sông. Cảm động lắm, song dân làng không thể lập bài vị, mà chỉ bốc bát hương, bởi không biết tên tuổi, quê quán của cô. Những ngày đầu, mộ còn bằng phẳng, dân làng, và người qua kẻ lại hương khói, và bỏ từng hòn đất, cục đá lên mộ cô để làm dấu. Dần dần thành đống cao, và từ đó mộ có tên là Cô Đống. Có điều kỳ lạ, những ai hương khói cầu xin cô, việc gì cũng xuôi chèo mát mái cả. Trước đây, cuối năm, hay Tết thanh minh các cụ và chức sắc của làng thường ra hương khói, xin cô san bớt đất đá đi nơi khác. Bởi, mộ lớn sẽ phạm vào đất cấy trồng, và đường đi lại của dân chúng.

Đến ngày cải cách ruộng đất, Mộ Cô Đống ngứa mắt mấy ông đội lắm. Bọn Thực dân Pháp, và địa chủ cường hào mưu mô đến vậy, mà còn bị chúng ông lôi tuốt ra trường bắn nữa là cái mộ cỏn còn con ấy. Chỉ là một chiếc đinh gỉ nhé! Nói là làm, mấy ông đội dẫn theo đám dân quân, và bần cố nông san phẳng Mộ Cô Đống ngay trong đêm. Chiến công chưa kịp nhận lời khen và phần thưởng, ông đội bị mắc nghẹn, chết ngay vào bữa cơm trưa hôm sau. Một cái chết thật khó hiểu và lý giải. Còn đám dân quân, bần cố nông không bị trúng gió thì bị chó dại cắn chết… Cứ lần lượt như vậy, kẻ nhẹ nhất cũng bị sứt đầu mẻ trán, phải bỏ xứ ra đi. Và cũng từ đó, chính quyền treo bảng cấm. Tuy nhiên, Mộ Cô Đống vẫn được dân làng, người qua lại lén lút hương khói, đất đá xếp cao dần. Một cái gai đâm thẳng vào mắt chính quyền, song chẳng ông bí thư, chủ tịch nào đủ dũng khí, liều mình như mấy ông đội thời cải cách ruộng đất.

Sau 1975, lớp lãnh đạo mới từ chiến trường về, dư âm chiến thắng còn đang hừng hực, khí thế lắm: Thằng Mỹ, thằng ngụy còn bị chúng ông tiêu diệt bằng sạch, sá chi cái đống đất vớ vỉn này. Vấn Chập phụ trách văn hóa, phải đi tiên phong dẹp bỏ ngay Mộ Cô Đống, chứ còn ai vào đây nữa! Hương khói, thờ cúng như này, khác gì bôi tro trát trấu vào bộ mặt của chúng ta. Đồng chí bí thư chém tay vào gió cứ phầm phập, nói vậy. Để lên dây cót cho Vấn Chập và đám choai choai, chiều tối hôm đó, đồng chí bí thư tổ chức ăn nhậu ngay ở ủy ban xã. Và đúng là rượu vào có khác, tinh thần ba sẵn sàng trở lại ngay: Thần thánh, ma quỷ phương nào đi chăng nữa, sáng mai chúng ông cũng sẽ đào tận gốc, trốc tận rễ.

Rượu tàn canh, Vấn Chập ngất ngưởng đi về. Đến đúng Mộ Cô Đống, Vấn Chập vấp phải hòn đá ngã sấp mặt xuống đường. Nhặt hòn đá, gã lồm cồm bò dậy ném thẳng vào bát hương, nhưng không trúng. Gã lại nhặt đá và ném tiếp, vẫn không trúng. Bực mình gã vạch quần đái vọt cầu vồng lên mộ, miệng lẩm bẩm chửi…

Sáng muộn hôm sau, không thấy Vấn Chập đến, đồng chí bí thư sai người đến tìm. Vân (vợ Vấn Chập) bảo, còn say rượu chưa tỉnh. Đây là lệnh của đồng chí bí thư. Vân buộc phải vào lay gọi. Vấn Chập chợt tỉnh, nhưng loạng choạng mãi mới đứng dậy được. Thấy cục gì tưng tức, quần bị đội lên, và như kéo ghì người về phía trước, gã vội tụt quần xuống. Vân quay lại, nhìn thấy định hét lên: Sao chim cò sưng to như cái đòn càn thế này, song đã kịp lấy tay bịt chặt miệng. Không tin vào mắt mình nữa, Vấn Chập loạng choạng đổ ngửa ra giường. Căn bệnh khó nói này, làm cho Vân (vợ gã), một giáo viên tiểu học hiền lành, và xinh đẹp bối rối, chỉ biết chạy ra chạy vào. Thấy súng ống của Vấn Chập như vậy, đám choai choai sợ hẳn, chuồn ngay. Lúc này, đồng chí bí thư có nhử thêm kẹo chắc chắn chúng cũng lắc đầu.

Gần trưa, ông Tư (bố của Vấn Chập) chạy về, vứt toẹt chiếc bừa giữa sân, mặt hầm hầm đi vào nhà. Nhìn thấy Vấn Chập đang nằm ngửa trên giường, ông rút chiếc roi mây trên kèo nhà xuống: Thằng mất dạy này, tao tưởng mày ra ngoài học cái hay, cái đẹp để lớn khôn ra. Không ngờ, mày theo cái lũ cô hồn về định đào mồ cuốc mả người ta, một công việc thất đức như vậy. Tao phải đánh cho mày tỉnh ngộ ra.

Nghe tiếng quát của ông Tư, Vân chạy vào kéo chiếc quần đang đậy trên bộ phận truyền giống của Vấn Chập xuống: Con xin bố, nhà con đã bị…Ông Tư khựng người lại, thả roi mây xuống. Nghĩ thế nào, ông lại quát: Thằng kia, mày có nằm sấp xuống hay không? Biết tính bố, như một đứa trẻ Vấn Chập vần sấp người xuống, nhưng cái của nợ ấy bị đè xuống giường làm đau thót cả người, gã lộn lại. Thấy chồng đau đớn với mấy lần lặp lại như vậy, Vân chạy xuống bếp lấy cái bát tô sắt úp vào đó. Lúc ấy, Vấn Chập mới có thể nằm úp, gập chân và đầu xuống giường. Roi trên tay đang định quất xuống, song như chợt tỉnh, ông Tư vứt nó xuống đất, với bó hương, chạy ra hướng Mộ Cô Đống.

Thời gian này, mẹ và vợ Vấn Chập ngày nào cũng ra Mộ Cô Đống cầu xin, và tìm thầy, tìm bà khắp nơi. Vấn Chập ở riệt trong nhà. Có lẽ, gã buồn lắm. Có lần đang đêm, tôi đang ngồi tưng tửng tập Guittar, gã lội (tắt) sông sang. Trước gã máu đàn sáo, hát hò là vậy, giờ nhìn người cứ rũ ra như dọc khoai thối. Tôi đùa, bác xem hồi tâm lại, rồi xin cô xin cậu, hay chữa chạy đâu đó cho khỏi, chứ súng ống thế này còn làm ăn chó gì được nữa. Gã im lặng, lúc sau phủi đít định đứng dậy, lẩm bẩm: Đã buồn, sang nghe mày nói càng buồn thêm. Tôi ấn người gã xuống: Đùa bác chút thôi, đàn sáo vài bài cho phấn chấn, mấy hôm nữa sẽ khỏi thôi…

oOo

Học xong, tôi về Hà Nội, nhưng hình ảnh Vấn Chập cứ ám ảnh trong tôi. Mãi đến năm 1984, một lần tôi đến Bệnh viện Bạch Mai đón gã bạn bác sĩ Viên Văn Đoan, bất ngờ gặp chị Vân (vợ Vấn Chập) chăm sóc cháu lớn chữa bệnh dị ứng ở đó. Hỏi thăm Vấn Chập, chị kể: Mấy tháng sau súng ống của Vấn Chập tự nhiên xẹp xuống, trở lại hoạt động bình thường. Cho nên, ngay sau đó thằng cu đầu ra đời. Tuy nhiên, bị mọi người đùa, và chọc ngoáy nhiều, gã đâm buồn chán, xin đi học lái máy cày ở bên Ninh Bình.

Nhưng cái số gã kể cũng còn có chút may mắn. Đang học, chợt có một suất duy nhất đi học nghề ở Đức từ trên rót xuống cho nhà trường. Đang đói hoa cả mắt, đi Đức khác gì trúng xổ số. Suất này thuộc con đồng chí bí thư đảng ủy là cái chắc rồi. Mọi người thầm thì như vậy. Song con đồng chí hiệu trưởng vừa thi trượt đại học, cũng đang lêu lổng. Miếng ngon như vậy, làm sao đồng chí hiệu trưởng để riêng (mình) đồng chí bí thư gặm. Do vậy, võ đài đã mở ra, hai võ sĩ thi đấu thật quyết liệt. Sự việc tóe loe ra, cuối cùng cả hai đều bị đo ván. Bởi, con của hai đồng chí bí thư, và hiệu trưởng không phải là học sinh của trường. Để giữ hòa khí, không con đồng chí nào được xuất ngoại. Người đủ tiêu chuẩn nhất là học sinh đảng viên, cựu quân nhân Nguyễn Văn Vấn (tức Vấn Chập). Đúng là: Chó ngáp phải ruồi. Qủa xổ số không mua vé cũng trúng thưởng làm cho Vấn Chập phấn khởi lắm. Và từ nay, ai dám bảo Vấn Chập súng hỏng, số nhọ nào?

Năm 1984 học xong nghề, rất may mắn cả khóa Vấn Chập được ở lại Đức làm việc với hợp đồng 5 năm nữa. Hè năm 1988, tôi gặp lại Vấn Chập ở Leipzig, khi hắn đang ngồi ba hoa, bốc phét với mấy em đội may mới sang. Gặp tôi, gã bất ngờ và vui lắm. Hỏi, có hay về nước không. Gã bảo, những năm đầu hay về, về phát nào vợ chửa phát ấy, nên mấy năm nay sợ không về nữa.

Bức tường Berlin sụp đổ, người Việt chạy loạn xà ngầu, đội của Vấn Chập chỉ còn chục người vẫn ở Wohnheim (ký túc xá). Vừa làm việc ở nhà máy, vừa buôn lậu trong lúc tranh tối tranh sáng, nên gã nào cũng rủng rỉnh tiền trong túi. Cứ cuối tuần là tập trung nhậu nhoẹt, hò hát tưng bừng. Tết dương lịch năm đó vắng vẻ, và buồn tẻ, Vấn Chập rủ Hải Còi thợ đánh tiết canh vào làng bắt lợn. Bữa nhậu đón chào năm mới đầy đủ các món như ở quê nhà. Chưa đến giao thừa, mà người nào cũng có vẻ ngắc ngư rồi. Vấn Chập loạng choạng đi tìm ấm đun nước pha trà. Tay run, bật lửa mồi bếp Gas mấy lần không được. Thấy vậy, Hải Còi lè nhè: Vấn Chập bật như con C ấy, chỉ có chim gái là giỏi. Vấn Chập sửng cồ: Mày ngon ra bật tao coi. Hải Còi đứng không vững, phải vịn tay vào tường đi ra, nhưng bật mãi cũng không được. Vấn Chập cười đểu: Phét lác quen thân, tránh ra để tao làm. Hải Còi không chịu, gạt tay làm Vấn Chập ngã đập lưng vào bàn ăn. Vấn Chập vịn thành ghế đứng dậy lẩm bẩm: Thằng ranh con này, láo nhỉ! Hải Còi quay lại: Hôm nay xé vé đồng hạng, đéo có anh em gì hết!. Lải nhải một lúc… hai gã lao vào nhau, nhưng không trúng. Gã tự đập mặt vào bếp, gã thì đập vào thành ghế máu mũi chảy cả xuống sàn. Mọi người xúm lại, kéo hai gã về phòng.

Gần sáng, Vấn Chập chợt tỉnh, nghĩ lại, thấy ân hận. Rượu làm cho họng khô rất khó chịu, Vấn Chập lảo đảo xuống bếp tìm nước, đã thấy Hải Còi ngồi ngất ngưởng giữa cửa uống một mình. Vấn Chập vừa cất tiếng: Tối qua say quá… Hải Còi đã bảo: Còn nửa chai Wilthener nữa cưa nốt nhé. Vấn Chập xua tay: Nhức đầu lắm rồi, không thể uống nữa. Hải Còi đứng dậy cầm chai rượu ném thẳng vào góc bếp: Đ. mẹ ông khinh tôi hả. Rồi đẩy mạnh Vấn Chập làm cho cả hai đều ngã văng ra. Sống và làm việc với nhau gần chục năm, Vấn Chập hiểu tính Hải Còi, nên định đến đỡ hắn dậy. Nhưng Hải Còi ngỡ Vấn Chập đánh lại, quờ được con dao ở đằng sau đâm, chém lung tung. Vấn Chập khựng người, lùi lại, và chộp được tay của Hải Còi, bẻ ngược mũi dao về phía sau. Không ngờ Hải Còi ngã, dao đâm vào bụng. Nghe tiếng động, mọi người ùa cả ra. Hải Còi được cấp cứu ngay, nhưng không qua khỏi. Vấn Chập bị bắt ngay. Tù được mấy tháng, gã đóng tiền thế thân, được tại ngoại để hầu tòa. Năm sau, tòa kết án 5 năm tù giam, nhưng 2 tháng sau mới phải thi hành án. Luật sư bảo, trong thời gian hai tháng tại ngoại này, Vấn Chập có thể sang Balan, hoặc Tiệp để trở về Việt Nam yên lặng sống, nếu không muốn ở tù ở Đức. Nước Đức vừa thống nhất còn rất nhiều việc phải làm, không có thời gian moi móc chuyện của gã…                                     

oOo

Vừa chợp mắt một chút, đã thấy Vấn Chập nhắn vào Messenger, đang đợi tôi ở dưới đường. Vệ sinh cá nhân nhanh gọn, tôi lẻn ra cửa. Sáu giờ sáng, vẫn còn một lớp mỏng sương mù phủ lên thành Budapest. Trời mát lạnh, như có ai đó vừa rây nước lên bầu trời vậy. Tiếng guốc gõ trên đường phố vọng lại, chợt làm tôi nhớ đến những đêm khuya vắng trên con phố nhỏ Hà Nội của gần bốn chục năm trước. Vấn Chập bảo, buổi sáng hàng Cafe bánh ngọt ở Budapest thường mở muộn, chứ không như ở Đức. Nhưng có một chỗ gã quen, giờ này có thể đến.

Ở cái tuổi bảy mươi, nhưng nhìn Vấn Chập còn tráng kiện lắm. Hỏi, tửu lượng dạo này thế nào? Gã bảo, vẫn còn ngon lành, tuy nhiên từ sau cái vụ đó uống cũng giật cầm chừng rồi. Nhìn bác, đã thấy toát lên cái an nhàn rồi. Nghe tôi nói như vậy, mắt gã lim dim: Không hẳn vậy đâu… Rồi ký ức của gã như trở về:

Sau khi nhận án tù, Vấn Chập quyết định chuồn về nước. Gã gom góp tiền bạc và hành trang trở lại Zittau vùng biên giới Đức, Tiệp và Balan. Nơi trước gã đã từng sống, và còn nhiều bạn bè ở đó. Khi dòng người Việt vượt rừng từ Balan, Tiệp đổ vào Đức, thì mình gã đi ngược lại dòng người đó.

Về Việt Nam, để chắc ăn gã đưa bố mẹ, vợ con lên tuốt thành phố Lạng Sơn sinh sống. Lúc đó, nhà đất còn rẻ lắm, gã đủ tiền mua liền mấy căn nhà mở hàng cho vợ bán buôn. Trải qua mấy chục năm vất vả, hiện vợ chồng gã đã là chủ công ty, đại lý lớn ở vùng biên. Sang Hungari, gã bàn giao cả cho thằng con thứ ở nhà trông coi. Tuy nhiên, món nợ với Hải Còi luôn ám ảnh gã. Có lần, gã đã đi hàng ngàn cây số tìm về quê Hải Còi. Thăm hỏi, biết cha mẹ Hải Còi mất đã lâu. Hải Còi chỉ còn một người em gái đang sinh sống ở Úc châu, và mấy năm trước đã tìm đưa hài cốt Hải Còi về an táng ở quê nhà. Do vậy, Vấn Chập cũng an tâm phần nào.

Tôi an ủi gã, sự việc đã qua ba mươi năm rồi, mà lỗi cũng không phải hoàn toàn do bác. Mà này, em thấy bác lúc nào cũng ngon lành, thế chó nào lại có biệt danh Vấn Chập ấy nhỉ? Do chiến tranh mà ra cả thôi, gã thở dài. Rồi vỗ vỗ vào vai tôi, gã bảo:

- Một đêm quần nhau, địch ta, ta địch, đạn pháo bắn như vãi đậu. Tưởng chừng đã tiêu diệt được mục tiêu. Nhưng không. Khi chúng tôi tiến vào, một làng gần như bị xóa sổ. Xác, thịt trẻ em, phụ nữ người già…không còn nguyên vẹn bay, và treo khắp nơi. Những viên đạn của ông Nga, ông Mỹ, ông Tàu, ông Đại Hàn còn găm ở trên tường. Tận mắt chứng kiến, nếu không phát điên chỉ là người có thần kinh thép, vô cảm, đứt dây thần kinh... Tiếc thay, tôi chỉ là người bình thường. Do vậy, tôi cứ u u, mê mê, tỉnh say lẫn lộn. Nhiều lúc tôi cứ tưởng bàn tay bóp cò súng của mình đêm qua, đang treo lơ lửng ở ngọn tre kia. Có những đêm nằm dưới hầm tôi nghe rất rõ tiếng trẻ con khóc… Rồi đến lúc tôi như kẻ điên chạy lông nhông giữa chiến trường. Sau đó người ta buộc phải đưa tôi ra Bắc an dưỡng, điều trị. Và cái tên Vấn Chập có từ đó.

Nhìn sâu vào mắt gã, tôi thấy ngân ngấn nước. Một câu, có lẽ với gã cũng là thừa, nhưng tôi vẫn phải nhắc lại, trong hoàn cảnh này:

- Chiến tranh, quả thực điều gì cũng có thể xảy ra. Nỗi đau, sự ám ảnh dẫn đến cái điên khùng đó đâu phải của riêng bác, mà của cả dân tộc này… Sang đến Budapest, bác có ý định sang Đức thăm lại những cố nhân không?

Gã bảo:

- Có lẽ không, dù vụ việc đã quá ba mươi năm, nhưng tôi cứ thấy tởn tởn, rợn rợn thế nào ấy ông ạ.

Mặt trời đã lên, và nắng đã chiếu xiên qua khung cửa nơi chúng tôi ngồi. Khách du lịch đã kéo vào quán khá đông. Tôi đứng dậy, bắt tay gã nói lời từ biệt. Vấn Chập ôm tôi thật chặt và dặn, khi nào về nhớ lên Lạng Sơn ở với gã ít ngày. Vâng, nhất định vậy. Tôi bước ra khỏi quán, cái nóng bất ngờ, như quất vào mặt vậy.

Leipzig ngày 21- 10- 2021
Đỗ Trường 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2021