SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

BA MƯƠI LÀ TẾT

Nhiều người nói ba mươi chưa phải là Tết! Riêng tôi gần đến ngày Tết là đã thấy hương vị của ngày xuân, bởi từ nhiều ngày trước mọi người đều tất bật rộn ràng để chiều ba mươi sửa soạn đón giao thừa giữa đêm, hết ngày mồng một là hết Tết vì những ngày kế tiếp không còn cảm giác mong đợi nữa.

Thời thơ ấu khi bắt đầu hiểu biết Tết là những ngày nhà cửa trang hoàng sơn phết, đẹp đẽ. Chung quanh cái gì cũng phải mới từ nhà ra đến ngoài đường, nhất là bầy con nít đứa nào cũng xúng xính quần áo mới cả giầy dép cũng mới nốt. Thú vị nhất là thức ăn ê hề được cho phép thả ga ăn uống mà không hề bị rầy rà giới hạn, nhất là các thứ bánh mứt mong lấy hên cho cả năm luôn luôn gặp chuyện ngọt ngào.

Năm học lớp Năm tức là lớp Một bây giờ cô giáo cho bài học thuộc lòng mấy câu:

“Ngày xuân con én đưa thoi. Thiều quang chín chục đã ngoài sáu mươi. Cỏ non xanh tận chân trời. Cành lê trắng điểm một vài bông hoa”

Thú thật cả lũ học trò chẳng đứa nào hiểu hai câu đầu tại sao ngày xuân lại có con én đưa thoi và hai chữ “thiều quang” là gì. Nhưng chẳng sao hết, cả lớp năm chục cái mồm đều gào to một lúc vì sắp Tết khiến quá vui.

Hào hứng nhất lại có thêm mấy câu ca dao “Cu kêu ba tiếng cu kêu. Mong cho đến Tết dựng nêu ăn chè” của mấy thằng con trai đi vòng quanh trong cư xá kêu rống lên. Chúng học trường con trai đối diện bên kia đường nên có khác. Mặc dù chưa thấy con chim cu, cây nêu bao giờ nhưng có chữ Tết là đã làm cả bầy con nít chơi chung trong đó rộn ràng rồi.

Năm sau cô giáo lại cho bài thuộc lòng khác hay hơn và nhiều hình ảnh màu sắc Tết hơn:

“Dãi mây trắng đỏ dần trên đỉnh núi. Sương hồng lam ôm ấp nếp nhà tranh. Trên con đường viền trắng mép đồi xanh. Người các ấp tưng bừng ra chợ Tết. Họ vui vẻ kéo hàng trên cỏ biếc. Những thằng cu áo đỏ chạy lon xon”

Hay một bài nữa có nhiều hình ảnh hoài niệm về ngày Tết có hơi văn chương hơn vì lũ học trò đi học được ba bốn năm đã bớt đi phần ngây ngô con nít:

“Mỗi năm hoa đào nở, lại thấy ông đồ già. Bày mực tàu giấy đỏ, bên phố đông người qua. Bao nhiêu người thuê viết, tấm tắc ngợi khen tài. Hoa tay thảo những nét, như phượng múa rồng bay”

Sau này lên Trung học tôi mới biết những bài học vở lòng ở năm tiểu học được lũ trẻ đọc làu làu đó là những câu trong tác phẩm nổi tiếng của Đại thi hào Nguyễn Du. Là bài thơ Đi chợ Tết của nhà thơ Đoàn văn Cừ và là thi phẩm Ông Đồ của nhà thơ Vũ Đình Liên. Chúng tôi may mắn được sinh ra và học tập trong nền giáo dục của miền Nam, dấu ấn đầu tiên in trong mảnh sáp mềm ở bộ não trẻ con là những áng thơ văn êm đềm, bước khởi đầu hun đúc tâm tính hiền hòa, tạo thành căn bản cung cách đối xử đẹp đẽ giữa con người với nhau từ thơ dại cho đến lúc trưởng thành.

Truyền thống Việt Nam dù bận rộn hay sống tận chân trời góc biển, giàu có hay nghèo hèn ai cũng cố gắng ngày Tết phải về họp mặt gia đình. Cô em gái Út năm nào cũng rủ tôi về thăm má và ăn Tết quê nhà, năm ngoái không về được nó nảy ra ý định gói ở nhà hai thứ bánh chưng, bánh tét là thứ bánh trong những ngày xuân, không có hai thứ bánh này chưa phải là cái Tết có đầy đủ hương vị của quê hương. Năm nay cũng vậy xem chừng vẫn chưa hết dịch bệnh nên tôi đã chuẩn bị từ trước mọi thứ để hai chị em cùng làm. Buổi tối ngồi tỉ mẩn cắt lá, cột dây chuẩn bị những chiếc bánh tự tay làm gợi nhớ trong tôi nhiều thứ ngày xưa, từ thời là cô gái mới dậy thì giúp má gói bánh mỗi năm Tết đến. Hầu như tất cả phụ nữ miền Nam độ tuổi má tôi hồi đó ít ai đi mua bên ngoài mà phải tự tay gói và làm các thứ bánh mứt cho gia đình chồng con dùng trong ba ngày Tết. Những đòn bánh sau khi gói luộc xong xuôi được vớt lên treo cho ráo nước khiến tôi nhớ lại kỷ niệm hơn sáu năm sau cuộc đổi đời của xã hội miền Nam, trong đó có tôi và người chị lớn nhất trong gia đình hơn tôi hai tuổi. Tôi chỉ là người phụ việc cột dây vì lúc nhỏ chị giúp má nhiều nhất trong việc bếp núc sửa soạn Tết cho gia đình.

oOo

 Năm ấy là năm đầu tiên hai chị em tôi dọn ra ở riêng sau khi chị xin được gian bếp của nhà tập thể cơ quan làm nơi ở. Gia đình tôi lúc đó nheo nhóc đông đúc lắm, các em lớn dần thêm ông anh rể và chồng tôi mới được tha về cho tạm trú ở thành phố theo hộ khẩu vợ vì hình như chính sách “ kinh tế mới “ đã phá sản. Các gia đình trót nghe theo ra đi giờ lần lượt trở về sống vất vưởng ngoài mái hiên vỉa hè hay che chòi ở những lùm cây một góc công viên vắng vẻ. Hồi này chị tôi canh cánh đi tìm thêm nơi ở khác chia bớt người trong gia đình ra.

Sống trong chế độ Cộng sản vài năm người ta rùng rùng kéo nhau đi vượt biển. Chồng tôi nhờ là “giặc lái tàu thủy” nên không ít người quen tìm đến tính toán chuyện ra đi mặc dù anh đang trong cái vỏ bọc là thợ mộc của một xí nghiệp Công tư hợp doanh. Tôi vẫn mang nhãn mác công nhân viên nhà nước ngày ngày đạp xe đi làm, qua các con đường lớn trông thấy nhiều nhà phố đóng cửa im ỉm vài hôm sau lại thấy có tờ giấy dán ngang ai cũng biết nhà ấy đã đi vượt biên giờ trở thành vắng chủ.

Ban đầu lác đác là những nhà mặt tiền ngoài đường, kế đến nguyên cả dãy phố nhất là ở vùng Chợ Lớn của người Tàu, sau lan dần đến các hẻm nhỏ. Không gian đô thị Saigon trở thành đìu hiu vắng vẻ người cũ vì đa phần nếu có chút tiền của họ đã trốn đi nước ngoài gần hết. Giờ chỉ còn các gia đình cán bộ từ ngoài Bắc, từ trong các mật khu miền Nam kéo ra, họ chiếm dụng những gian phòng trong các chung cư trước kia cho Mỹ thuê, chia nhau những căn nhà vắng chủ rộng rãi, đẹp đẽ, lấp vào các nhà trống không người ở.

Một hôm bà chị tôi về nhà kể lại, ông cán bộ Trưởng phòng của chị được cấp gian phòng mới trong khu tập thể ở dưới tầng trệt. Một bên là nhà ăn tập thể được ba gia đình ngăn vách trổ cửa làm thành ba gian nhà có cửa thông ra ngoài đường, không còn đi chung cửa khu tập thể phiền phức vì cửa này đóng mở theo giờ quy định, lỡ về trễ phải đập cửa và đợi nghe ông bảo vệ càu nhàu, mười lần như một. Ông trưởng phòng chị tôi cũng muốn dọn xuống gian phòng dành cho ông ấy; chị tôi xí phần trước:

- Chú ơi khi nào chú dọn nhà chú nhượng lại gian phòng trên lầu nhà tập thể cho cháu nha.

Chị thấp thỏm mong chờ vài hôm sau trở về ông bĩu môi chê:

- Tao được phân cái nhà kho liền với gian bếp chỉ có bề ngang không có chiều sâu, trần nhà ám khói đen xì, dưới sàn nước đọng cả vũng, bếp lò ngổn ngang đồ rác phế thải vất vào. Bên kia nhà ăn họ chỉ cần chung tiền xây hai bức vách tường là chia ba gia đình nền gạch bông, quét vôi sạch sẽ. Tao không thèm dọn xuống đâu.

Ông nói với giọng hơi tức tối dù không nói rõ nhưng chúng tôi hiểu ngầm, cán bộ miền Nam tập kết bao giờ cũng bị chia phần kém hơn cán bộ gốc Bắc, thậm chí số người được đứng đầu các cơ quan chỉ vài người đếm không hết một bàn tay.

Chị tôi tiu nghỉu vì thất vọng, ông không dọn có nghĩa là sẽ không có chuyện ông nhường lại gian phòng trên lầu. Tự nhiên chị nảy ý định và năn nỉ ông:

- Chú không nhận gian bếp, vậy chú xin phòng tổ chức quyết định cho cháu gian bếp đó đi. Nhà cháu đông người quá không đủ chỗ ở.

Ông này gốc người miền Nam nhìn chị tôi có vẻ chế giễu:

- Cô có vào gian bếp đó biết nó ra sao chưa mà xin? Vào cái kho bếp đó ở chung với gián chuột hả?

Chị tôi không trả lời vẫn cứ nằn nì:

- Miễn là có chỗ ở là được rồi chú ơi, cháu và nhỏ em cũng là công nhân viên thuộc xí nghiệp của Sở mà vẫn chưa xin được nhà tập thể. Nhà vắng chủ trong thành phố rất nhiều nhưng bọn cháu đâu có tiêu chuẩn xin những nhà ấy đâu.

Một mặt chị bảo tôi xin giấy chứng nhận của xí nghiệp là tôi chưa được cấp cho nhà tập thể để chị góp chung vào đơn xin của chị. Hồi mới chờ việc tôi có lần ngồi trước bậc tam cấp gian bếp ấy, nó có một cửa nhỏ trổ thẳng ra ngoài đường để xe chở gạo và thực phẩm mang thẳng vào bếp không cần phải đi vòng bên trong gian chung cư.

Nhờ vào tác động của ông vì chị tôi là một nhân viên giỏi việc nên cuối cùng Sở chủ quản chấp thuận cấp gian bếp ấy cho hai chị em tôi. Nhận được tờ giấy quyết định gia đình chúng tôi âm thầm dọn vào không đầy nửa ngày trước sự sửng sốt ngạc nhiên của mọi người bởi dãy bên kia còn đang ngăn vách chưa xong.

Dĩ nhiên sau đó chúng tôi phải rửa ráy quét dọn ngay, cái kho chứa gạo chị tôi xí phần vì nó có bốn bức vách và cửa ra vào, gian kế bên trống hoác chồng tôi đóng tấm vách ngăn cái màn che chiếc giường làm từ cánh cửa gỗ, phần còn lại cái kho bếp kế cận thì để dọn dẹp từ từ. Tuy tiếng là cùng một tòa chung cư nhưng khu vực ở của chị em tôi độc lập, đi cửa riêng không chung đụng với bên trong. Hai vợ chồng tôi với đứa con sống tạm nơi này cho đến ngày ra đi. Đã biết trước con đường mình sẽ đi nên tôi hanh chóng chuyển hộ khẩu cho các em về ở chung trên hình thức giấy tờ.

Năm hết Tết đến, tiêu chuẩn nhà nước phân phối cho công nhân viên mỗi người được mua thêm một gói mứt Tết, một ký nếp ngoài tiêu chuẩn thông thường. Hai chị em bàn với nhau sẽ gói lại món bánh tét ngày trước hay làm với hai loại, đậu xanh và chuối. Người Nam chỉ gói loại bánh này không gói bánh chưng, dù đã chuẩn bị các thứ từ sáng nhưng gói và nấu xong đã gần nửa đêm, chúng tôi cột thành chùm hai đòn bánh treo dọc trên cây đòn gác lên ghi đông hai chiếc xe đạp dựng song song với cửa sổ cho ráo nước, để sáng mai mang hết về nhà cho ba má và các em, chừa lại mỗi người hai đòn cho chúng tôi thôi.

Chưa chịu đi ngủ bà chị tôi còn ngồi may bộ quần áo cho đứa con với khúc vải đầu cây cân ký lô được “móc ngoặc” (1) với giá xuất xưởng. Tôi ngồi đàng này đơm thêm khuy chiếc quần tây trắng cắt lại từ hai ống quần của bộ tiểu lễ của anh cho đứa con nhỏ của tôi. Hôm qua tôi cũng đã may xong chiếc áo đầm kim tuyến cắt ra từ hai vạt áo dài cưới. Đến quá nửa đêm nghe sột soạt phía sau gian bếp, tôi mở đèn xem lại những đòn bánh đang treo vẫn còn nguyên, yên trí chúng tôi tắt đèn đi ngủ.

Tờ mờ sáng hôm sau bà chị tôi dậy sớm hơn định dắt xe đạp chở bánh mang về cho ba má tôi, chị la lên thảng thốt:

- Ủa bánh đâu mất tiêu hết rồi Kim ơi.

Tôi khoát mùng chạy ra hớt hải lắp bắp:

- Sao mất được, bộ chuột ăn hết hả?
- Hỏng biết nữa,

Trên cái đòn treo gác ngang còn lại vỏn vẹn hai chiếc bánh quấn thắt lại.

Tôi đi vòng xuống bếp xem chuột tha đi đâu, có còn sót lại chăng? Tìm mãi vẫn không thấy tung tích của mớ bánh, chuột gặm cũng phải chừa lại phần lá gói chứ. Vừa mở cửa dắt xe đạp ra ngoài chồng tôi kêu to:

- Bánh bị chuột ăn còn bỏ lại mớ lá chuối kìa.

Chạy ùa ra ngoài thấy đống lá chuối vứt cạnh cửa sổ, chị tôi rủa:

- Mấy đứa “ôn hoàng dịch lệ” ăn trộm khều móc hết bánh của mình chứ chuột nào đâu!
- Con chuột khổng lồ thật, leo lên cửa sổ thò tay móc hết hơn mười lăm đòn bánh, nó ăn tại chỗ còn lại mang đi... để dành ăn ba bữa Tết!!!

Gian nhà của chúng tôi nằm trên nền đất cao gần nửa mét, muốn đi vào phải lên ba bậc tam cấp. Nó có chiều dài không có bề sâu nên có đến bốn cái cửa sổ trổ dọc theo bên ngoài bức vách. Cửa sổ cao quá đầu người đều có chấn song sắt, của kính mở ra từ bên trong. Đứng ngoài đường không thấy được bên trong ngoại trừ phải nhón gót. Vì nhà không có gì quý giá nên các cửa sổ đều mở ra cho thoáng khí. Ngày mai là ba mươi Tết rồi, đành phải ra chợ mua vài đòn bánh nhỏ xíu cho gia đình dùng để có hương vị của ngày xuân. Đứng trước tình cảnh này hai chị em không biết nên cười hay nên khóc?

Ở nhà mặt tiền giáp đường cái có thuận lợi mà cũng có nhiều phiền toái. Trước tiên là vào những đêm có mưa, đầu hôm là cả mấy gia đình “ngủ đường” từ kinh tế mới kéo về sống lang thang. Trời mưa họ nằm dưới mái hiên có nền gạch vuông sạch sẽ dọc theo tường nhà, thôi thì nói chuyện và chửi nhau cả đêm, trẻ con khóc lóc inh ỏi khiến cả nhà chúng tôi không ngủ được nhưng lại không dám lên tiếng; bởi khiến tôi nhớ lại những ngày khăn gói đi thăm nuôi chồng, mình đã từng nằm dưới mái hiên quán chợ, sạp hàng trống ngủ tạm qua đêm.

Còn chưa hết nếu không có người ngủ bên ngoài thì mấy tên trộm vặt rình bắt con mèo nhà ngồi trên bệ cửa sổ. Nhà nuôi con nào để trừ chuột cũng bị chúng bắt hết có lần nửa đêm thức giấc nghe tiếng con mèo gào rồi tắt ngủm y như rằng ngày mai con mèo bị bắt mất. Chiếc dù to đi mưa tôi giương ra để phơi trên bàn giữa nhà, sáng ra thấy nằm chỏng trơ dưới đất, ra ngoài đường thấy cành cây dài trên đầu gắn cái móc sắt dựng bên vách tường là hiểu ngay nguyên do. Cho dù không dám để vật gì gần sát cửa sổ nhưng cũng không thoát khỏi, hôm nọ buổi sáng thức dậy sớm chuẩn bị đi làm tôi nghe tiếng chiếc ghế xê dịch, tiếng sột soạt là lạ, bước ra khỏi phòng nhìn thấy nhỏ em gái mười hai tuổi ngồi thu lu, tay nắm chặt góc mùng tuyn thấy tôi nó mới dám kêu:

- Chị ơi, ăn trộm nó kéo mùng nè.

Cái mùng bị kéo một góc ra phía ngoài cửa sổ rách toạc miếng lớn vì em tôi phủ mùng trên chiếc ghế salon gỗ và nằm ngủ trên đó. Nhờ chiếc ghế nặng trì lại nên em mới có đủ sức kéo co với tên trộm. Chạy ra mở cửa thì hỡi ôi bọn trộm rất “thông minh”, chúng lấy dây buộc hai cái móc dùng khóa cửa bên ngoài vì vậy cả nhà đợi mở cửa xong thì chúng đã cao bay xa chạy. Chiếc mùng chưa lấy được nhưng đã bị rách làm hai. Quần áo giặt phơi bên trong gần sau bếp cửa sổ phải luôn luôn đóng lại nếu không sẽ bị khều móc chẳng còn chiếc nào.

Mấy năm đầu hai chị em tôi có lệ trưa ba mươi Tết hay đi mua hoa giá rẻ người ta bán đổ bán tháo dẹp hàng, mang về đặt trên bậc tam cấp trước cửa lấy hên trong ba ngày đầu năm cũng bị rinh mất, sáng ra thấy trống trơn. Những năm sau mỗi tối đều phải mang tất cả các chậu hoa vào nhà. Thời gian sau vì bộ mặt mỹ quan thành phố nghe nói những người từ kinh tế mới đổ về đêm đêm đều bị công an phường đem xe “xúc” đi và đi về đâu không ai rõ nên nhà chúng tôi bớt gặp chuyện trộm đêm xảy ra.

Về những năm sau nhờ những người đi vượt biển thành công sang nước ngoài kể lại những nghèo nàn đói kém ở quê nhà nên các thùng quà từ xứ sở giàu mạnh văn minh kìn kìn gửi về giúp gia đình, bà con bạn bè nên người ta sống dễ thở hơn, bớt đi chuyện “Bần cùng sinh đạo tặc”.

Thế nhưng bây giờ thỉnh thoảng xem các clip người ta quay lại từ camera gắn trước nhà, có những chiếc xe sang đậu sát lề đường, trên xe người tài xế hoặc người nhà leo xuống ăn cắp những chậu bông hoa, cây cảnh trước nhà người mang lên xe chạy đi. Thậm chí có cả một cô gái vừa dừng xe bị mất tay lái ngã sóng soài vẫn cố dựng chiếc xe xong và bê nguyên chậu cây cảnh lên xe bỏ chạy, bảng số xe và khuôn mặt cô gái trẻ bị camera quay rõ ràng tận mặt vì là ban ngày chứ chẳng cần phải ăn cắp ban đêm.

Tất cả xảy ra nhan nhản thành “Chuyện thường ngày ở Huyện” (2). Ở đây không phải vì đói nghèo sinh ra đạo tặc, chuyện ăn cắp tham lam của công, của người khác được hình thành từ một xã hội có nền giáo dục căn bản từ bé đến lớn. Từ chuyện quốc gia đại sự được dạy dỗ phải cướp chính quyền. Vào cướp xong thì “Vơ, Vét, Về” thế nên chuyện ăn cắp, tham nhũng không còn ngẫu nhiên và biết thẹn mặt nữa mà là một chiến tích thắng lợi. Có chức vụ mà không vận dụng làm giàu to mới là chuyện lạ đi ngược trào lưu xã hội, hễ càng giàu lòng tham tỷ lệ thuận với phát triển đời sống cá nhân. Câu châm ngôn “Bần cùng sinh đạo tặc” giờ sai bét thế nên phải lật ngược câu “Tiên học lễ, hậu học văn” ngàn năm cũ rích không còn đáp ứng với nền giáo dục hiện đại. Ở Việt Nam bây giờ Tết không còn là ngày mừng xuân đầu năm đơn thuần mà Tết là dịp tâng công, hối mại quyền thế và kiếm chác. Nghe vang vang lời “Bác” dạy “Năm sau dân tộc ta sẽ có một cái Tết thắng lợi to hơn năm nay”

Cỏ Biển
Mùa Xuân 2022


(1) Móc ngoặc = thông đồng với nhau chia chác mọi thứ.
(2) Chuyện thường ngày ở Huyện = Tên một bộ phim miền Bắc sản xuất nội dung những chuyện bất thường xảy ra trở thành bình thường.

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022