SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

Con đường bướm Cali

tặng Tuấn Phượng

Rồi mùa tuyết đơn côi đã tới. Trắng băng niềm khiếm diện. Mênh mông mù.

Như hoa bay
trong gió lay
Nhẹ nàng rơi
mịn màng rơi

Như mây trắng trong ngày nắng
Gợi lòng tôi yêu thương.

Con người chỉ yêu thương niềm khiếm diện. Yêu thương sự vắng mặt. Nhớ là hai, không là một. Hai nơi, hai cảnh, hai người... Tuy nhiên, nhớ cũng là lời kêu gọi lên đường đi về một. Một người thương, nhớ một người tình, nên lên đường tìm gặp. Một người thương, nhớ một quê hương, quyết vươn thân về tới. Lên Đường, vươn tới, tự nó đã là chân lý cho mỗi đời người.

Dưới khoanh vườn, trang bằng ánh trăng mỏng, tiếng cười dội của Trúc Long phất vào không gian như những nét bút chữ thảo, rồi bao tiếng chân và tiếng kêu ơi ới của Uyên Minh, của Nhật, của Ái Anh gọi Pen giữa nghìn trùng bông tuyết. Chị Pen và bốn đứa trẻ đang bốc từng nắm trắng dựng Người Tuyết. Tuyết là niềm vắng mặt chăng, xui người hà vào hơi thở ? Nắn lên một dáng hình ? Hay đó là động tác tiền sử của trò chơi thần tượng ? Dựng lên sự bất tử, đứng lì cùng thời gian, thay mình dọa dẫm đơn côi và hư vô ?

Mỹ đứng lặng trong vườn nhìn sự xao động trên tuyết. Tâm hồn hoang mang bở ngở. Mỹ mới từ một xứ nóng vượt biển tới đây, cả đời chưa thấy tuyết. Nắng và gió nhanh nhẹn trước kia biến thành tảng khóa, giữ chân như trời trồng giữa cơn tuyết bay lơi lả nhẹ nhàng, Mỹ mất hẳn ý nghĩ chạy đùa cùng bầy trẻ. Cho tới lúc củ cà-rốt thay mũi cắm vào mặt Người Tuyết, rồi chị Pen quàng lên chiếc khăn đỏ, Mỹ mới cười khàn như nhớ ra điều gì. Dưới ánh trăng mờ, nụ cười của Mỹ và người Tuyết vừa dựng, bỗng hoà nhập vào nhau thành nỗi đơn côi di động.

Chợt nhớ tới Tuấn và Phượng ngày chở xe đưa tôi lên San Francisco.

Trời Cali rất lạ, xanh loảng. Tì tì thứ ánh sáng hoang mang giữa cơn nóng hầm tháng chín. Tôi chẳng khác người nhà quê chưa quen đi xe. Lần nào cũng choáng váng, buồn ngủ, thiếu mọi nghi tiết chuyện trò với người cầm lái. Tỉnh chăng, vẫn như con sò ngậm một hạt trai trong lòng. Câu gì định thốt ra, ý gì định nói tới... đều vô duyên, tẻ nhạt, nhàm chán ! Không chừng từ thuở sơ sinh mình đã bị ngôi sao rụt rè chiếu mệnh ? Gặp những người nói năng hoạt bát, phục quá. Họ giỏi thật. Từ chuyện nắng mưa, họ chuyển sang những vùng thời tiết và thiên văn địa cầu. Từ chuyện lạm phát, thất nghiệp, họ la cà tới chuyện thế chiến, cách mạng, đảo chánh. Từ cuộc chạm súng ở hộp đêm, họ nói ra vanh vách tờ khai sinh, phiếu lý lịch của từng cô đào, cậu ca sĩ... Nhiều người còn am hiểu từng hạt bụi, con đường, từng đời tư, từng căn phòng, mùi hôi đống rác và ngõ ngách cả thành phố Saigon. Ta gợi ra một chữ, một tên, một ý là họ tuôn trào bất tận tựa vòi nước. Gặp những người như thế tính rụt rè của mình bỗng dưng được che đậy. Nơi xã hội huyên thuyên này, ăn nói vụng về là một thiệt thòi.

Trên chiếc xe rộng lớn, êm ả, khí mát máy điều hòa phát ra như tay sờ mộng mị, càng làm tôi điên đảo. Chẳng mấy chốc không còn chuyện nói với Tuấn và Phượng. Nếu khươi hết chuyện ấu thời ở làng, ở trường học, ở ngôi nhà của nhau, rồi bà con xóm giềng... chị Chắc hay ghen, ông Ấm đào hoa, cụ Ngáo say rượu, mụ Liếc béo ngồi đầy chiếc xe kéo... ôi thôi đi hết một vòng năm mươi tiểu bang nước Mỹ kể chưa xong... Thế nhưng tôi cứ lì lì chìm theo cơn ngủ gật gù. Đầu người là rạp xi-nê chiếu phim thường trực. Bên ngoài chẳng ai biết giờ nào chiếu xuất nào, sau vẻ mặt trịnh trọng, trang nghiêm bi hài kịch ấy.

Tôi đã nói gì với Tuấn Phượng trên con đường yên ả mấy trăm dặm ? Bây giờ đã xa. Ở Paris, gặp người Việt mỗi giờ, mỗi ngày, nơi mỗi góc đường, nhưng xa lạ như những chiếc tàu gặp hải đảo trên đại dương. Sự « thích nghi hoàn hảo » đã là máu huyết của người mình, khiến họ xa lạ cùng nhau, nhất là khi họ đã dựa vào một cảnh sống khác, một niềm tin khác, một tín ngưỡng, chủ nghĩa khác ! Người Việt giận nhau là giận suốt đời, ghét nhau thề chẳng đội chung trời — dù cùng sống mãi dưới góc trời chung. Người Tây phương dù theo ai, bỏ ai, gặp nhau họ cũng dễ cùng nhau đối thoại, chuyện trò. Vào mọi quán cà-phê ở Paris, quan sát một ngày tất rõ sự giao tế huynh đệ giữa người Pháp với nhau. Nh. Tay Ngàn, một thi sĩ chết tại Paris trong sự nghèo nàn cô quạnh, bên cạnh hàng trăm hội đoàn yêu-nước-thương-dân, theo-Cộng hay chống-Cộng. Một hôm, bà chủ lên đấm cửa đòi tiền nhà mới phát giác Ngàn đã chết từ bao giờ giữa căn phòng trống vắng. Dù thế, mụ Cần Thơ làm quán cơm Việt, trước kia trả tiền rẻ mạt cho Nh. Tay Ngàn, vẫn chu chéo về sự tương thân.

Cái chết của Nh. Tay Ngàn cưu mang tất cả thảm trạng người thanh niên Việt bơ vơ trên sông núi, bị đày ải giữa loài lang sói chính trị, hay giữa bọn cô đầu văn học. Cha đi kháng chiến, bị bắn vỡ sọ ngoài đồng. Nh. Tay Ngàn còn niên thiếu, đã vốc tay lượm từng mảnh não của cha để lên thi hài. Từ đó tới thời sinh viên lang bạc, Nh. Tay Ngàn ôm mãi trên tay một chiếc sọ vô hình đối thoại liên lỉ cùng đầu óc Ngàn. Mấy truyện ngắn cuối cùng gửi cho tôi. Nh. Tay Ngàn đã báo hiệu sự ra đi vinh viễn, như mầm chết mọc giữa lòng đời. Trong bức thư cuối, Nh. Tay Ngàn than :

« Hy vọng hơn chúng ta vẫn trao đổi tư niệm luôn luôn cho nhau vì đất Paris không trọng văn hóa nhiều...
« Anh Thi vũ thân mến, trong mọi tương quan văn nghệ, điều sung sướng trên đất Paris là có nhiều bạn văn đã khắc khổ sống và chịu đựng lâu năm, tôi cũng hân hoan nhớ đã nhiều năm rồi, bạn văn chúng mình bị lạc nhưng vẫn quen nhau từ chiều sâu tinh thần, khác với mọi hoạt động không nhằm vào cương lãnh đau khổ của người thường tâm. Gặp lại và nhớ nhiều không khí Paris cũ bữa nọ tại nhà anh, tôi vẫn là kẻ đầu tiên mong tất cả mọi hân hoan đầy sinh khí tạo tác của chúng ta bây giờ và mãi trong tương lai kia ; dồi dào, sung mãn, rực rỡ mà chẳng lấm vết như mọi thói đời thường định.
« Mong mọi hoạt động vui buồn vẫn không làm chúng ta bị xuống và bỏ rơi đời nghệ sĩ đã cưu mang từ bao lâu, mọi hoạt động ấy vẫn thấm tinh túy thuần khiết trong mọi địa hạt dù chưa được tốt lành nhưng bên trong ấp ủ muôn hy vọng chói ngời và tự do. Chúc anh và mỗi bạn đồng hành đầy kết quả trong giai phẩm hoặc trong tạp chí đã đang thực hiện mà công lao cực khổ không phải là ít được.
« Gởi theo đây, một bài thơ, một chuyện ngắn để chúng ta có dịp cảm thông sự bơ vơ trong tâm hồn khi Paris là kinh đô ánh sáng. Hy vọng và hy vọng hơn, muôn tờ báo và tạp chí Quê Mẹ đi thực dài, đầy cỏ hoa xuân, đầy mùi hương tao nhã quê nhà cũng như lòng tin nơi bản thân luôn luôn vững mạnh... ».

Nơi Cali phồn tạp xe hơi, tiền bạc, cạnh tranh, nhưng người Việt vẫn còn hồn nhiên giữ lại những gì rất Việt mà số lớn chúng ta đánh mất ở Pháp. Dù người Việt bên ấy ra ngoài đã 6 năm. Tôi ở quá ít ngày để hiểu rõ ? Tôi lầm chăng ? Tôi lạc quan chăng ? Nhưng viết gì hơn ngoài mâý điều trông thấy ? Làm sao viết khác đi sự kiện một người Trung úy Hải quân dẫn tôi ra bãi Redondo Beach gọi chai rượu Chablis với một kí càng cua ngồi đập nhậu, nhắc nhở có khác chi Vũng Tàu. Khi về tới nhà, anh lầm lì xách cây đàn ra sau hiên ngồi hát nghêu ngao... Nha traang... thùy dương... cát trắng... Một lúc bặt tiếng đàn, tôi lần ra thấy anh bưng mặt khóc tầm tã. Nhớ một vùng biển không là biển ở đây ? Nhớ một ngôi nhà không phải là nhà ở đây ? Nhớ nắm đất không là đất ở đây ? Còn một người mẹ ? một người cha ? một người anh đi học tập sáu năm chưa về ? Còn một người tình ? một chỗ ngồi dưới tàng phượng cạnh nhánh sông hay góc núi ? Và Tuấn Phượng đã nhường phòng riêng của họ cho tôi, vợ chồng con cái kéo nhau ra nằm nơi salon chật hẹp, dù tôi « hăm » đủ điều bỏ đi nơi khác. Mọi uy quyền đều mất trong tình yêu.

Một tối đi làm giờ phụ trội về khuya, Phượng kín đáo vào phòng lấy mọi áo quần bẩn đem giặt. Mấy hôm sau về nhà, tôi rưng rưng nhìn đống áo quần là ủi tuơm tất, phẳng phiu như các tiệm giặt ủi ở Saigon trước kia tưởng như khắp thế giới không đâu bằng. Phượng còn khâu vá lành lặn mấy đường rách lai quần, mấy chiếc nút sút rơi từ nhiều năm Paris. Tôi bỗng nhớ mẹ thường xé mẫu giấy dương pha vào nước hồ trắng áo. Cái thời không tự mình giặt giũ, không tự mình nấu ăn, đi chợ qua rồi. Chẳng tiếc, chỉ là chút nhớ.

Nước Pháp là nơi mọi sự đều trở thành « chính trị ». Nước Pháp mãi mãi chia đôi hai phe. Mỗi phe lại chia đôi thành nhị trùng, bội trùng, phức trùng của trùng trùng hai phe. Người Việt ở đấy. Người Việt vốn có hai phe. Nên người Việt cũng « thích nghi » mà xé lẻ nhau, dần dà ra hai, ra bốn, ra tám, ra mười sáu... cận kề hư không, thành lân hư, ra hơi gió, bại liệt, tiêu mòn. Việt Nam mất đi trên bản đồ thế giới không vì thiếu người Việt, mà vì có quá đông người Việt bỏ đi mất hút theo hơi gió, rặng mù chốn bụi đường... Thảo nào Vũ Hoàng Chương không than :

« Ta van cát bụi trên đường
Dù nhơ dù sạch đừng vương gót này ! »

Ở Cali, hầu như nhà nào cũng có một giàn bầu, giàn su hào, mấy bụi chuối, vài khóm hồng dòn, cam, và mênh mông ớt chỉ thiên, diếp cá, kinh giới, rau thơm, cánh chỉ, rau răm... Liệu những hình ảnh và hương vị này có là thảm dệt bền chắc đủ làm chiếc cầu đưa về tới bên kia bờ Thái bình ? Hay chỉ là khóm hương thoáng tan nhanh lẹ trên đầu lưỡi ?

Một hôm bác Trùm đang làm cơm bỗng nghe tiếng người xôn xao ngoài ngõ. Chốc sau một gia đình 8 người xôn xao bước vào. Người chủ đã ngoài năm mươi, cất tiếng lanh lảnh : « Chào bác, chào cả nhà ! Đến xin bác bữa cơm đây ! » Từ đó, gia đình bác Ninh hoà đồng tự nhiên với 9 người trong gia đình bác Trùm, khác nào con chim về tổ. Họ mới vượt mấy trăm dặm đường từ San Jose về Los. Bác Trùm chẳng nói chẳng rằng, cười vui, đun thêm nồi canh, bóc tôm xào vội, Phượng vo gạo nấu thêm cơm. Câu chuyện nổ ran như mới bỏ dở ngày nào. Những người ấy không còn nước, nhưng tình nghĩa đồng hương đã dàn thành giải đất thực thụ, chứa bao dân không hết. Thật thế, gia đình Bác Ninh ở lại chơi đến mâý hôm, ăn uống tự nhiên, tối trải mền ngủ đầy nhà. Bác Ninh có hai cô gái rất xinh. Tóc hai cô dài chấm gót, nói tiếng Mỹ như Mỹ, lái xe Hoa kỳ như Mỹ. Thấy tôi trố mắt nhìn hai suối tóc đuôi gà, bác liền giải thích : « Ấy, bao giờ chúng lấy chồng, muốn làm gì thì làm, cắt tóc, phi-dê tùy thích. Còn ở với tôi thì cứ y như là bên nhà ấy thôi ! ». Những người đó không mất quê hương. Mỹ không biết ăn nước mắm, nhưng vì sinh nhai, họ làm chả giò, pha chế nước dùng bằng nước mắm bán cho Mỹ. Thoạt đầu bị chê, nhưng bây giờ thiếu nước mắm, Mỹ không chịu ăn. Những người đó dùng Oeo-phe (1) mua xe hơi đi khắp tiểu bang này sang tiểu bang kia, chọn cho ra vùng nắng ấm như quê hương, chọn cho ra một bờ biển gần nhất với vùng bờ bên kia biển Thái Bình. Họ đã dựng lên từng thị trấn quanh vùng phụ cận Los, ở Bolsa, ở Westminster, ở Santa Ana... Bây giờ họ không làm chả giò nữa. Họ mở một công ty điện tử. Hỏi bây giờ Bác giàu thế còn muốn về Việt Nam không ? — Về chứ, sống gần hết đời người rồi, sá gì tiền bạc với xe hơi ? Làm sao đổi được cảnh sống thảnh thơi nơi quê nhà trước thời cộng sản ? Sáu năm trên đất mới, họ chẳng theo nghi tiết lệ thường, xin trước, hẹn sau. Đến không cần báo. Đi không bịn rịn. Như cơn gió lên đường. Họ ở trong nhau như tình sông nghĩa biển. Mà họ có xa nhau bao giờ ?

Rồi tôi cũng lên đường cùng Tuấn Phượng. Núi mùa thu rụng lá, đèo chập chùng lên vùng San Francisco. Đêm ngủ lại nhà một vị lão tướng. Ông xuýt xoát tuổi « cổ lai hy », nhưng mối tình non nước còn thanh xuân bồng bột. Phòng khách thiết trang thờ. Hình vẽ một con ngựa cắt từ tạp chí Xuân Quê Mẹ đóng khung treo trên vách giữa các câu đối và nét chữ thảo của thi sĩ Cao Tiêu. Đôi mắt người « lính già » ấy còn loé những chuôi gươm. Và con ngựa trên vách kia thường đêm vẫn đưa ông ra trận. Trận chiến bây giờ không còn trên bình địa, mà vút tới thượng tầng tư tưởng. Cuộc vật lộn của ý chí. Những chưởng phép tán tâm. Sức đấm bằng óc làm toé vỡ ra nghìn mảnh trái tim kẻ thù. Vị lão tướng châm nước trà, hút thuốc nối đuôi, nói bao điều chất chứa, đến quên cả giờ ăn. Đêm không lạnh, chúng tôi xách ghế ra hàng hiên. Dưới ánh sao nhập nhờ, từng tàu lá chuối chao trong gió phất tay chào hỏi. Như bỗng quên điều gì, ông đứng lên vào nhà, lát sau mang ra chén cơm vun và đôi đũa. Con cá kho khô mọng mật nằm yên trên cơm. « Anh ăn đi, cá kho như ngoài Huế đó ! ». Tôi biến thành đứa trẻ, ngày xưa xách chén ra sân vừa ăn vừa tiếp tục cuộc chơi. Tôi muốn làm như thuở ấy, chôn cả vào đáy chén, chờ ăn hết cơm không, mới hưởng trọn vẹn ngon lành miếng thịt, con tôm rim, hay miếng cá bống thệ. Nhưng ông thúc hối : « Anh ăn thử đi, cá trích kho ngon tuyệt, nhà tui đi thăm các cháu, kho sẵn trách cá để lại ». Tôi cắn vào thớ thịt đã săn. Mùi nước mắm quyện tiêu hành lẳng cùng vị ngọt tảng đường đen tan vào lưỡi, ngấm ran cơ thể. Con cá trích quê hương nào khác chi ly rượu hoàng cúc, hay ức sấu viên của Nguyễn Tuân, làm cơ thể ngà ngà, say đắm, mà mặn nồng và đậm vị. Nhớ con Vượn gầy, nhớ mảnh trăng quê xa. Ta có ăn đâu. Ta tan ta về một cõi trời. Ta trộn ta cùng hương vị nào đã biệt tích. Rồi những hạt cơm trắng nhuyễn giữa hàm răng như dòng sữa ban đầu.

Tôi nằm thao thức cho tới khi ngỡ ngàng nghe tiếng gà gáy. Thọ xương ở đây chăng ? Rồi tiếng xe rồ máy ngoài sân gọi tôi ra đi. Cầm tay người lão tướng, trước căn nhà trên đất Mỹ có tảng đá khắc ghi đủ số và tên đường Nguyễn Du xưa ông ở Saigon. Tôi tự thấy « tráng sĩ » ngày càng đông. Cuộc chiến không chỉ sức người, còn cả khối nguyên trinh trung liệt của hàng vạn triệu anh hồn theo ta phò trợ khắp trời cao.

Từ đó, chúng tôi đi vào con đường bướm. Quốc lộ tiến vể thị trấn cheo leo trên vịnh biển, chập chờn những đàn bướm. Cơn ngủ dật dờ biến mất. Miệng tôi thốt ra, bướm ôi là bướm ! Bướm đâu tự hai cánh đồng lề đường chao lên nghìn trận như tuyết, như hoa bay. Tuấn lái xe, nhưng tôi cứ nẩy mình đạp chân muốn thắng. Chiếc xe lao vút vào trùng trùng bướm. Lòng tôi ứa ra nỗi xót xa sợ hãi thành kẻ giết bướm, xe vẫn mặc nhiên trườn lướt, bướm cứ bay như cơn mưa hoa vần vũ. Một vài con tạt vào gương xe. Tôi chợt nhớ mùa hè nào ở ngoại ô Paris, một đêm trong khóm hoa Lụa bay ra từng đàn bướm, tua vào phòng sách. Tôi ngồi thu hình ngỡ ngàng, nín thở. Bây giờ không còn là căn phòng nhỏ. Con đường trải tới vô tận. Bướm khác chi người, mong manh bay giữa hư không. Thỉnh thoảng gặp những thiên thạch xẹt qua đốt cháy. Đôi làn khói quặn lên, tan nhanh như tín hiệu cuối giữa làn phấn rã, như thời gian mệt mỏi xin dừng chân.

Đàn bướm nhắc ta thời gian đang vun vút tới, mà sao mộng tưởng cứ bị hút ngược về quá khứ quay vòng. Sự dằn co xé xác. Ngày nào sức lao tới của ta nhanh hơn ánh sáng và thời gian, may ra bắt kịp chốn khởi đầu xô đẩy, để ngừng dứt trầm luân.

Bây giờ chiếc xe dù nhanh mấy nghìn dặm, vẫn còn làm đuôi sau tốc độ thời gian ! Chúng tôi dừng lại ngoài lối vào thị trấn. Lý Tỷ đón chờ với giọng Nam ngọt ngào : « Hôm nay cho chủ nghỉ để dẫn các bạn đi thăm San Francisco ! ». Lâu lắm, ở nước ngoài tôi không còn được nghe một câu nói hồn nhiên chân tình như thế. Ngày nay giờ giấc con người cực ngăn nắp, chương trình thúc bách. Không ghi danh hẹn trước, ta sẽ mãi hoài là người ngoại cuộc đứng chờ. Ngày nay chúng ta ít mừng rỡ, và bớt qúy những cuộc thăm viếng bằng hữu như thời xưa. Đâu còn cảnh nửa khuya lượm ngói đập cửa, nửa khuya bắt gà nấu cháo, hay vét cơm nguội trong nồi đãi nhau, nửa khuya hâm rượu, nửa khuya gác chân nhau tỉ tê tâm sự, mặc đời và xã hội thập thò ngoài chấn song ?

Tuấn Phượng bỏ sở một tuần đón đưa tôi, bây giờ Lý Tỷ bỏ sở một ngày. Cũng như bác Trùm bỏ một đời lo cho chồng, rồi con. Sáng sáng giữa Cali phồn thịnh hư ảo, bác thức dậy chẳng cần đồng hồ náo, đi nhẹ đến từng phòng đằng hắng gọi khẽ : « Hải ! 5 giờ rồi con, dậy đi làm... ». « Loan ! 5 giờ rồi con, dậy đi làm... ». « Sang ! 5 giờ rồi con, dậy đi làm... ». « Tuấn ! Phượng ! 5 giờ rồi... Xong, Bác ra bếp đun nước pha cà-phê, trà, sữa cho các con cháu ăn sáng. Sáng nào cũng thế. Suốt cả đời người, như nụ hoa, đi bên cạnh thời gian.

Dường như họ đứng hẳn ngoài thời gian. Họ đang hình thành một chốn Quê Chung. Nơi ngày xưa Lưu, Nguyễn có lần ghé qua ?

Thi Vũ
Paris, 25.12.1981

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, tản mạn, Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)


1- Welfare, trợ cấp xã hội dành cho người ti nạn tại Mỹ.

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022