SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ, biểu tượng kẻ sĩ Việt Nam

Ngô Thụy Chương

Ngày 2 tháng Giêng Nhâm Dần tới đây, nhà văn Doãn Quốc Sỹ kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của ông. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ sinh ngày 17 tháng 2 năm 1923, nhằm ngày mùng hai Tết Quý Hợi tại Hà Hông, ngoại thành Hà Nội.

Nhà văn Doãn Quốc Sỹ là khuôn mặt văn chương hàng đầu của văn học Miền Nam Việt Nam.  Không những là nhà văn mà ông còn là nhà giáo; như ông nói: dạy học là nghề, viết văn là nghiệp. Trong cương vị nhà giáo, ông đã là giáo sư các trường trung học công lập Nguyễn Khuyến (Nam Định 1951-1952), Chu Văn An (Hà Nội 1952-1953), Trần Lục (Sài Gòn 1954-1960), Hồ Ngọc Cẩn (Sài Gòn 1961-1962). Và ông là giáo sư các trường Đại học Văn Khoa Sài Gòn, Đại học Vạn Hạnh Sài Gòn và Trường Quốc Gia Sư Phạm Sài Gòn.

Trong cương vị nhà văn, năm 1956, ông đồng sáng lập nhà xuất bản Sáng Tạo và tạp chí văn nghệ với Mai Thảo, Nguyễn Sỹ Tế, Thanh Tâm Tuyền, Trần Thanh Hiệp, Duy Thanh và Ngọc Dũng. Ông đã xuất bản nhiều tác phẩm giá trị như truyện dài Dòng Sông Định Mệnh, truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc, Gánh Xiếc, U Hoài; tùy bút Vào Thiền, khảo luận Người Việt Đáng Yêu...

Nổi bật là bộ trường thiên Khu Rừng Lau bao gồm bốn truyện Ba Sinh Hương Lửa, Người Đàn Bà Bên Kia Vĩ TuyếnTình Yêu Thánh Hóa. Trường thiên tiểu thuyết Khu Rừng Lau nói về cuộc đời của một số thanh niên thiếu nữ, như cuộc đời của ông, đang trong lớp tuổi của bậc cuối trung học và đại học, đã từ bỏ thành đô tham gia kháng chiến chống Pháp. Trong chiến đấu, những người trẻ yêu nước này đã thấy rõ bộ mặt thật của Việt Minh, những người mang giả bộ mặt dân tộc nhưng thực sự chỉ là những người tàn ác, gian tham và hiện nguyên hình người cộng sản đang gây bao tai hại cho dân tộc. Những thanh niên nam nữ trên đã từ bỏ kháng chiến, trở về thành để gây dựng cuốc sống mới trong tự do.

Sau ngày 30/4/1975, ngày miền Nam Việt Nam rơi vào tay Cộng Sản Bắc Việt, nhà văn Doãn Quốc Sỹ bị công an đang đêm đến nhà bắt đi và giam tại trại Gia Trung, cách thành phố Pleiku 25 cây số. Năm 1980, ông được thả tự do nhờ sự can thiệp của nhiều tổ chức quốc tế. Khi được thả về, dù biết rằng sẽ gặp nhiều khó khăn nguy hiểm cho tính mạng, ông vẫn không chùn bước, tiếp tục cầm bút và viết thêm nhiều tác phẩm nữa, trong đó có truyện dài Đi, ký với bút hiệu Hồ Khanh, được gửi qua Paris và nhà xuất bản Lá Bối xuất bản năm 1982. Cuốn sách đã tạo ra dư luận xôn xao một thời lúc đó. Nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã mang chính cuộc đời của mình, cuộc đời của con, của cháu để tạo thành một tác phẩm vẽ lại một thời kỳ cực kỳ đen tối của đất nước. Ông nhớ lại thuở ông chào cha mẹ ở quê nhà, năm 1954, lên đường vào Nam. Cuộc chia ly tưởng chỉ là tạm biệt nhưng chính là cuộc vĩnh biệt với người cha thân yêu của ông kể từ ngày đó. Rồi chính ông lại phải chứng kiến sự chia tay với các con, các cháu, sau năm 1975, vì hai chữ tự do. Lòng ông nặng trĩu u sầu, “nhiều lúc ngồi Thiền, cố điều khiển khí thở mà cơ hồ vẫn không xong”. Dù thế nào chăng nữa, ông vẫn tin có một ngày mai, con cháu có một tương lai tốt đẹp và cha con-ông cháu ông sẽ được trùng phùng.

Trong thời gian này, một người em họ, là nhạc sĩ cách mạng, ngoài Bắc vào thăm. Sau vài lần tiếp chuyện, người em họ biết rõ ngòi bút đang thôi thúc ông và không ai có thể bẻ cong ngòi bút của ông, đã rít lên giữa hai hàm răng, nói như răn đe: “Trời ạ! Đã chửi vào mặt người ta, không xin lỗi thì chớ lại còn nhổ thêm môt bãi nước bọt! Lần này mà vào tù nữa thì mọt gông.” Lời đay nghiến đã thành sự thật. Tháng 5-1984, Doãn Quốc Sỹ lại bị công an bất ngờ ập vào nhà, lục xét khắp nơi. Ông bình tĩnh chờ đợi. Trước khi bắt ông đem đi, công an chụp hình ông với nhiều tang chứng chung quanh. Nhìn hình trên báo, thấy ông ngẩng cao đầu, ngạo nghễ. Lần này, nhà văn Doãn Quốc Sỹ bị kết án mười năm tù và ông mãn hạn tù lần thứ hai vào tháng 11 năm 1991.

Năm 1995, ông được con trai cả bảo lãnh di dân sang Houston, Hoa Kỳ. Ông hiện sống tại Quận Cam, California.

Nhận định về các chế độ ông đã trải qua, nhà văn Doãn Quốc Sỹ đã viết trong truyện ngắn Gìn Vàng Giữ Ngọc như sau:

“Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn. Ở thế giới Cộng Sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành.”

Năm 2003, nhà văn Doãn Quốc Sỹ có dịp ghé thăm chúng tôi tại Hòa Lan, ông đã có dịp đi trên các con rạch quanh thành phố Amsterdam để cảm được sự an bình và tự do của xứ hoa Tu-líp. Ông đã vào thăm Bảo tàng viện Quốc gia (Rijksmuseum) để nhìn ngắm tận mắt các tác phẩm nghệ thuật nổi tiếng mà ông hằng ái mộ.

Buổi tối, bác cháu chúng tôi ngồi uống trà. Tôi nhớ có lần đọc được vài dòng của ông viết về Thiền như sau: “Tôi chẳng nhớ là mình đã để ý đến Thiền tự bao giờ chỉ biết chắc chắn rằng những ý tưởng nhuốm màu Thiền đã nhật tích nguyệt lũy thấm dần vào tôi như những giọt nước rơi liên tục làm lõm phiến đá.”

Với 13 năm bị tù đầy trong gông cùm Cộng sản, bao nhiêu đòn thù đánh lên tâm hồn, bao ngày bị biệt giam vẫn không làm suy giảm niềm tin vào một ngày mai tươi sáng. Thiền định hẳn đã giúp ông rất nhiều để vượt qua những ngày gian khổ đó. Vì thế tôi gợi ý: ”Bác có thể nói cho chúng cháu nghe về Thiền được không?” Vẫn vóc dáng khoan thai và nụ cười hiền từ, bác nói: ”Ðược chứ”. Rồi bác thao thao nói chuyện về Thiền cho chúng tôi nghe. Bình thường tôi thấy bác luôn nhẹ nhàng, chậm rãi. Nhưng tối nay, mặc dù đã 80 tuổi, khi bác nói về Thiền, mắt bác sáng như sao, giọng nói vang vang, đầy sinh khí. Ngồi nghe bác nói, tôi như thấy lại hình ảnh ngày xưa, khi bác đứng trên bục giảng đường đại học thao thao thuyết giảng. Chúng tôi vui mừng thấy bác vẫn khỏe mạnh và tinh tấn, dũng mãnh tinh thần và vẫn an nhiên sau bao thăng trầm.

Năm nay, để kỷ niệm sinh nhật thứ 100 của nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào ngày 2 tháng Giêng năm Nhâm Dần (2/2/2022), tất cả con cháu và thân hữu đã đóng góp bài viết để xuất bản một tuyển tập thơ văn nhạc tựa đề Sáng Nay Mùa Xuân như một món quà kính tặng nhà văn Doãn Quốc Sỹ vào ngày sinh nhật bách niên này. Từ vùng đất Hòa Lan, hai cháu Chương Trúc kính gửi đến bác Doãn Quốc Sỹ, người bác đáng kính, những lời chúc tốt đẹp nhất trong dịp sinh nhật bách niên đặc biệt này. Bác mãi mãi là cây đại thụ tỏa bóng mát yêu thương cho cuộc đời.

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022