SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

HƯƠNG THIỀN ĐẠO VỊ TRONG ẢNH VÀ THƠ MAI QUANG

(Bài cảm nhận của Vinh Hồ)

Tác giả Mai Quang tài hoa cả 2 lãnh vực (văn chương, nghệ thuật), anh vừa là nhà thơ/ nhà bình thơ, vừa là nhà nhiếp ảnh nghệ thuật.

Tác phẩm Mai Quang (MQ) đã đăng trên nhiều trang Web như: Thư Quán Bản Thảo của nhà văn Trần Hoài Thư, Văn Học Nghệ Thuật của nhà thơ Nguyễn Xuân Thiệp, Haibogiay của nhà thơ Ca Dao.

Năm 2012, anh xuất bản thi tập Mời Trà (in chung với thư pháp Song Nguyên)

Anh có tên trong 108 NHÀ THƠ NHÀ VĂN VIỆT GIỮA THẾ KỶ 20 (quyển Thượng) của nhà biên khảo, nhà thơ Ngô Nguyên Nghiễm, 2020.

I. VỀ THƠ:

Mai Quang làm nhiều thể thơ: Lục bát, Đường luật, Haiku...

Đọc thơ MQ, nhiều người nghĩ rằng tác giả là một Thiền sư, hay Đạo sĩ, bởi trong thơ đậm đà Đạo vị, bát ngát hương Thiền.

Thơ là người, ngoài đời anh trầm lặng ít nói, trong thơ anh ngắn gọn ít lời. Từ ngữ anh dùng luôn chắt lọc, như cà phê phin đậm đặc rơi từng giọt trên đáy cốc.

Dù ở thể thơ nào, ngôn ngữ thơ MQ cũng thường mới mẻ, tươi rói, sáng lấp lánh, gợi hình gợi cảm, nghiêng về tâm linh, hài hoà, tĩnh lặng, giản dị, khơi mở một thế giới Thiền tính uyên thâm, ngào ngạt sắc hương, như thể bùa chú càng đọc càng say mê quyến rũ:

“Khởi từ sinh tử rong chơi
Hoang mang mấy độ
luân hồi
nhớ trăng
Thủy tinh vỡ hạt sóng hằng
Tinh khôi giọt tuyết
hiện thân
lõa lồ”
Tuyệt bút câu:
"Tinh khôi giọt tuyết
hiện thân
lõa lồ”

Hay:

“Mời người
chiêu ngụm trà thơm
Xem chơi cái hậu
chín hườm
trong nhau”

Tuyệt vời 4 chữ: 
"chín hườm
trong nhau”

Tiếng thời gian khẽ gọi

Vàng hanh ơi
Vàng rơi

(Vàng hanh)

Quá hay 2 câu: 

Vàng hanh ơi
Vàng rơi"

Từ ngữ thơ MQ đôi khi rất mạnh, táo bạo, trừu tượng:

Đêm
hề!
xé toạc đêm ra
Đêm đen đã toạc thì, là, sao, chi?
Cô em Bất-Khả-Tư-Nghì
Tênh hênh cứ việc nguyên si Hiện-Tiền!
Thỏng tay rơi vỡ lời kinh
Vào khe nhật nguyệt nhân sinh khẽ khàng.

(Xé Toạc Đêm Ra)

Sự tĩnh lặng tột cùng giữa trời đất còn gì tĩnh lặng hơn như trong bài Giang Tuyết của Liễu Tông Nguyên thời Trung Đường:

Giang tuyết
Thiên sơn điểu phi tuyệt,
Vạn kính nhân tung diệt.
Cô chu thoa lạp ông,
Độc điếu hàn giang tuyết.

(Liễu Tông Nguyên)

Giang tuyết
Nghìn non chim mất dạng
Vạn nẻo không bóng người.
Thuyền đơn sông tuyết lạnh
Ông câu nón áo tơi.

(Vinh Hồ tạm dịch)

Ở đây, bài thơ "Quạnh Bóng" của Mai Quang vỏn vẹn 20 chữ, tình và cảnh hoà làm một trong cái tĩnh lặng tột cùng là cả một sự cô đơn lạc loài của thi nhân từng trải nhiều khổ lụy thời thế:

Ta theo chân hạc nội,
Vẫy mây ngàn về non
Săm soi lòng cỏ lá
Quạnh bóng nước tà dương.

(Quạnh Bóng)

Sự tĩnh lặng và cô đơn tột cùng trong bài ngũ ngôn tứ tuyệt của Mai Quang trên, tôi cho là xuất thần ko thua kém sự tĩnh lặng và cô đơn trong bài "Giang Tuyết" lừng danh xưa nay.

Thiền sư Basho người Nhật thế kỷ 17 có bài thơ "Con Quạ":

Kare eda ni
Karasu no tomaritaru ya
Aki no kure

(Phiên âm La – tinh)

Trên cành cây trụi lá
Một con quạ đậu lại nơi đó
Buổi chiều Thu dần qua

Trần Thụ Ân dịch
(4/2018)

Hình ảnh một con quạ cô đơn đậu trên cành khô như đang Thiền định giữa chiều thu vàng võ mở ra 1 thế giới u buồn cô tịch, trầm mặc trước hư vô cuộc đời.

Nhà thơ Mai Quang viết bài thơ "Kêu Sương" còn ngắn hơn thể Haiku, sử dụng chỉ 2 câu lục bát 14 chữ được ngắt ra 7 dòng đầy sáng tạo:

Vạc về
khẳm
ánh trăng tan
Đánh tơi mấy tiếng
đẫm
vàng
sương khuya

(Kêu Sương)

Tiếng vạc "kêu sương" nghe buồn bã; giữa đêm trăng bao la tịch mịch, tiếng vạc càng thêm cô đơn lạc loài chạm vào tim ta biết bao bồi hồi thương cảm cho thân vạc, cũng là kiếp người bơ vơ giữa vòng luân hồi sinh tử. Tuyệt vời bài thơ!

Tập thơ "Mời Trà"của tác giả Mai Quang xuất bản năm 2012.

Ngay cái tên "mời trà" cũng đầy hương thiền đạo vị. Hỏi có nhà sư hay đạo sĩ nào ko biết pha trà, mời trà, thưởng trà?

Mời trà ở đây là "Trà Đạo, Trà Thi". Người mời trà và khách thưởng trà là thi nhân lãng tử không vướng bụi trần.

Trà đạo cốt ở tu tâm dưỡng tính. Nếm cái hương vị đăng đắng của trà để hiểu đời vốn là ta bà bể khổ, kiếp nhân sinh là lạc loài thương đau. "Tĩnh Lặng" để cảm nhận sự thiên biến vạn hóa kỳ ảo, nhìn thấy mọi chân tướng của bản lai diện mục. Buông bỏ tất cả với một tâm từ bi bi tráng, vượt lên trên mọi đối đãi chua cay ngọt bùi, sướng khổ, được mất... của kiếp người trầm luân. Cô đơn nhưng nghe được hương thiền đạo vị, hiểu được triết lý biến đổi “thành, trụ, hoại, diệt”, cảm được quy luật luân hồi sinh tử sâu xa mầu nhiệm của vũ trụ vạn vật, để rồi hành giả hân hoan quay về với nẻo đạo toàn chân toàn thiện, sống một đời "an nhiên tự tại, an bần lạc đạo".

Trà Kinh có câu: 

“Trà chi vi dụng, vị chí hàn, vi ẩm tối nghi tinh hành kiệm đức chi nhân”

Có nghĩa là: trà tính hàn, cần kiệm, thích hợp cho người tu hành đức độ.

Người tu hành đức độ gồm Thiền sư, Đạo sĩ, Nho sinh, v.v... cần kiệm, tĩnh lặng... Tính hàn của trà khiến tâm họ thanh tịnh, an yên, tránh xa mọi tranh giành thế tục hư danh ảo lợi.

Bộ bình tách nhỏ bé, có khác chi các thể thơ rất ngắn: ngũ ngôn tứ tuyệt (4 câu 20 chữ), haiku (3 câu 17 âm tiết), nhưng chuyên chở đầy đủ những ý tình Đạo vị Thiền tính sâu thăm thẳm cao vời, bao trùm cả vạn vật vũ trụ.

Sự "cần kiệm" kiệm lời, ít từ nhiều ý, thích hợp với các thể thơ rất ngắn.

Nhà thơ MQ đã tỏ ra tài hoa điêu luyện và thành công với các các thể thơ rất ngắn ấy trong thi tập Mời Trà.

Thi tập Mời Trà ra đời đã được đón nhận nồng nhiệt trong và ngoài nước. Như các thi sĩ: Du Tử Lê, Nguyễn Xuân Thiệp, Mang Viên Long... đều có viết bài giới thiệu trang trọng.

-Ngoài thơ Thiền, anh còn làm nhiều bài thơ vịnh, như Vịnh: Thúc Sinh, Tú Bà, Sở Khanh, Mã Giám Sinh, Hồ Tôn Hiến, Từ Hải, Thúy Kiều...
-Chuyển ngữ nhiều bài thơ chữ Hán qua quốc ngữ.
-Bình thơ của các thi hữu như: Vinh Hồ, Phạm Thành Tài,...

II. Về nhiếp ảnh nghệ thuật:

-Mai Quang hiện là hội viên Nhiếp ảnh PhotoHub/ Viện Việt Học/ California/ Hoa Kỳ.

Tôi rất thích xem ảnh nghệ thuật của MQ. Anh thổi hồn vào ảnh, làm cho ảnh sinh động có sức soi sáng/ cảm xúc mãnh liệt.

Hồn ở đây là sự mong manh của hoa của lá, ám chỉ cho thân phận con người giữa bao la trời đất.

Ảnh hoa lá của MQ ko khác thơ MQ cũng chuyên chở tư tưởng Thiền học, cho cuộc đời như giấc mộng dài, như ánh chớp, như giọt sương, vô thường ảo ảnh.

Trong ảnh MQ cũng như trong thơ MQ man mác những nỗi u hoài của phận người, đậm đà Đạo vị, bát ngát Hương Thiền.

Bức ảnh "Hoa Anh Túc" chỉ còn 1 cánh hoa nói lên bao điều.

Tôi xin chúc mừng tác giả Mai Quang đã thành công ở hai lãnh vực văn chương và nghệ thuật. Lãnh vực nào anh cũng tỏ ra tài hoa tinh tế và nặng về chất.

VINH HỒ
Orlando, Nov. 11, 2021

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022