SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

A Thousand Splendid Suns  Ngàn ánh dương rực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 36

Laila

Buổi sáng mùa xuân năm 1994 đó, khi ánh mai dần tẩy trắng bóng tối trên nền trời, Laila càng chắc là Rasheed đã biết. Là bất cứ lúc nào kể từ giờ, y cũng có thể lôi cô ra khỏi giường hỏi cô thật sự nghĩ y là con lừa không biết gì hết cả sao. Nhưng tiếng loa gọi đọc kinh đã qua, rồi mặt trời buổi sáng lên cao, rồi gà gáy, mà không có gì lạ xảy ra.
Laila nghe tiếng Rasheed trong phòng tắm, tiếng y đập cái cạo râu vô cạnh bồn nước. Rồi tiếng y dưới nhà tới lui pha trà. Tiếng chìa khóa leng keng. Bây giờ thì y đang dẫn xe đạp đi ngang qua sân. Qua vết rách màn cửa nơi phòng khách, Laila chăm chú theo dõi Rasheed đạp xe đi khuất, một người đàn ông to lớn trên chiếc xe đạp nhỏ xíu, mặt trời buổi sáng chói hắt lên từ ghi-đông chiếc xe đạp.

“Laila?”

Mariam đứng nơi ngưỡng cửa. Lướt nhìn, Laila biết Mariam cũng thức trắng đêm qua. Laila tự hỏi không biết cả đêm, Mariam có trải qua từng chập những cơn mừng rỡ hứng khởi và những cơn sợ hãi đến khô miệng như mình hay không.

“Nửa tiếng nữa mình đi,” Laila nói.

oOo

Nơi ghế sau xe taxi, họ im lặng không nói gì. Aziza ngồi trong lòng Mariam, nắm chặt con búp bê, mở to đôi mắt bối rối nhìn thành phố vun vút lướt qua.

Coi!” con bé kêu lên, tay chỉ một nhóm con gái chơi nhảy dây. “Mayam! Coi.”

Nhìn đâu đâu Laila cũng thấy Rasheed. Cô thấy y bước ra từ mấy tiệm hớt tóc cửa sổ đen thui, từ những sạp tí hon bán gà gô, từ những tiệm xập xệ không cửa chất bánh xe cũ lên tới trần.

Cô ngồi thụp xuống. Bên cạnh, Mariam lẩm bẩm đọc kinh. Laila muốn thấy mặt Mariam, nhưng Mariam mặc áo trùm kín đầu - cả hai đều thế - và Laila chỉ thấy được ánh mắt long lanh của Mariam xuyên qua màng lưới che mặt.

Ðây là lần đầu Laila ra khỏi nhà sau nhiều tuần lễ, nếu không kể chuyến đi ngắn đến tiệm cầm đồ ngày hôm trước – nơi cô đã đẩy chiếc nhẫn cưới của mình qua quầy kính, nơi cô đã rời khỏi mà cảm thấy rộn rã trong lòng vì biết mọi việc đã dứt khoát, một đi không trở lại.

Khắp chung quanh, Laila nhìn thấy hậu quả của những trận đánh mới xẩy ra mà lúc ở nhà cô chỉ nghe âm thanh. Những căn nhà không nóc chỉ còn là những đống gạch đá đổ nát lởm chởm, những tòa nhà cao bị đà đổ xuống chọc thủng, những chiếc xe hơi bị lật ngửa cháy thành than đôi khi chất chồng lên nhau, những bức tường đầy lỗ đủ kích cỡ, miểng kính tung tóe khắp nơi. Laila trông thấy một đoàn đám ma tiến về phía giáo đường Hồi, một bà già mặc đồ đen đi sau cùng bức tóc tai. Xe đi ngang qua một nghĩa trang rải rác những nấm mồ đắp bằng đá và những lá cờ tử đạo rách tả tơi phất phơ trong gió.

Laila với tay qua chiếc va-li nắm lấy cánh tay mềm mại của con gái mình.

Tại trạm xe buýt ở cổng thành Lahore về phía Tây thành phố Kabul, một hàng xe buýt đậu dọc theo lề đường. Những người đàn ông đầu quấn khăn đang bận rộn nâng những kiện hàng và những thùng đồ lên mui xe, và cột những chiếc va-li bằng giây thừng. Trong trạm, người ta đứng xếp hàng dài trước quầy bán vé. Ðàn bà mặc áo trùm kín người đứng thành từng nhóm chuyện trò, đồ đạc của họ chất đống dưới chân. Họ bế ru em bé, mắng mấy đứa con chạy chơi xa.

Lính dân vệ Thánh chiến đi tuần tra trong trạm xe buýt và ở lề đường, đây đó quát tháo ra lệnh cộc lốc. Họ mang giầy bốt, đội nón bê-rê cũ dơ. Người nào cũng mang súng AK.

Laila cảm thấy như bị theo dõi. Cô không dám nhìn thẳng mặt ai nhưng có cảm tưởng hình như ở đây ai cũng biết và ai cũng không chấp nhận chuyện cô và Mariam đang làm.

“Chị thấy có ai được không?” Laila hỏi.

Mariam chuyển bé Aziza qua tay kia. “Ðang tìm.”

Laila đã biết trước đây là phần nguy hiểm thứ nhất, tìm được một người đàn ông sẵn sàng đi với họ như người trong gia đình. Những tự do và những cơ hội mà phụ nữ đã được hưởng vào những năm từ 1978 đến 1992 bây giờ không còn nữa – Laila vẫn còn nhớ lời Ba nói về những năm dưới thời Cộng sản, Lúc này là thời điểm tốt cho đàn bà ở A Phú Hãn đó, Laila. Kể từ khi Thánh chiến quân Hồi giáo chiếm quyền vào tháng Tư năm 1992, tên nước đã được đổi thành Nhà Nước Hồi Giáo A Phú Hãn. Tòa Thượng Thẩm dưới thời Tổng thống Rabbani giờ toàn những giáo sĩ Hồi giáo cuồng tín, họ đã bỏ hết những nghị định thời Cộng sản cho quyền phụ nữ, thay vào đó họ đưa ra những luật lệ mới dựa trên Shari’a, luật nghiêm khắc của Hồi giáo bắt phụ nữ phải che kín, cấm phụ nữ đi lại nếu không có thân nhân nam đi cùng, trừng phạt tội ngoại tình bằng cách ném đá. Dù trong thực tế, việc thi hành những luật lệ này chỉ xảy ra lẻ tẻ. Tuy nhiên, họ sẽ còn thi hành gắt gao hơn nữa với mình, Laila đã nói với Mariam, nếu họ không bận chém giết lẫn nhau. Và giết mình.

Phần nguy hiểm thứ hai của chuyến đi này, họ sẽ gặp phải khi đến Pakistan. Với gánh nặng gần hai triệu người tị nạn A Phú Hãn, kể từ tháng Giêng năm đó, Pakistan đã đóng cửa biên giới không nhận dân A Phú Hãn nữa. Laila nghe nói chỉ những người có chiếu khán nhập cảnh mới được nhận. Tuy nhiên biên giới cũng có chỗ hở. Trước giờ vẫn thế - Laila biết hàng ngàn người A Phú Hãn vẫn còn vượt biên qua Pakistan, hoặc giả bằng cách hối lộ, hoặc giả bằng lý do nhân đạo – và ngoài ra lúc nào cũng có thể thuê bọn đưa người đi lậu. Mình sẽ tìm cách khi mình đến đó, Laila đã nói với Mariam như thế.

“Ông đó được không?” Mariam nói, ra hiệu bằng cằm.
“Coi bộ không đáng tin.”                                                     
“Còn ông kia?”
“Già quá, mà ông lại đi với hai ông nữa.”

Cuối cùng Laila tìm được anh ta ngồi ở ngoài trên băng ghế công viên, bên một người đàn bà che kín mặt và anh ta đang tung trên đùi một thằng bé đội mũ cỡ tuổi Aziza. Anh ta cao gầy, râu quai nón, mặc áo sơ mi hở cổ và áo choàng khiêm tốn màu xám mất vài nút.

“Chờ đây nhé,” Laila bảo Mariam. Cô bước đi, nghe Mariam lại lẩm bẩm đọc kinh.

Lúc Laila đến gần người đàn ông trẻ, anh ta ngẩng lên, đưa tay che ánh nắng.

“Xin lỗi, có phải ông đi Peshawar không ạ?”
“Phải,” anh ta nói, mắt nheo lại.
“Không biết ông có thể giúp chúng tôi một việc được không ạ?”

Anh ta đưa đứa bé cho người vợ, và đi cùng Laila.

“Việc gì hả cô?”

Laila được khuyến khích bởi đôi mắt dịu dàng và gương mặt hiền lành của anh ta.

Laila kể câu chuyện mà cô và Mariam đã thỏa thuận trước. Laila là góa phụ. Laila, mẹ cô và con gái cô, họ không còn ai thân thích ờ Kabul. Họ muốn về Peshawar để ở chung với người bác.

“À cô muốn đi chung với gia đình chúng tôi,” người đàn ông trẻ nói.
“Tôi biết là phiền cho ông. Nhưng ông có vẻ đàng hoàng, và tôi – “
“Cô đừng lo. Tôi hiểu mà. Không sao đâu. Ðể tôi đi mua vé dùm cho cô.”
“Cám ơn ông. Thật là một nghĩa cử tốt. Chúa sẽ ghi nhớ.”

Laila lôi cái phong bì trong túi, dưới áo trùm kín của cô ra và đưa cho người đàn ông. Trong đó có một ngàn mốt đồng, gần phân nửa số tiền cô đã cất giấu suốt năm qua cộng thêm với tiền bán chiếc nhẫn. Anh ta đút phong bì vô túi quần.
“Chờ đây.”
Laila nhìn theo anh ta bước vô trạm xe buýt. Nửa tiếng sau, anh ta trở lại.

“Tốt hơn hết, cô để tôi giữ vé xe dùm cô,” anh ta bảo. “Một tiếng nữa xe chạy, lúc 11 giờ. Mình sẽ cùng nhau lên xe. Tôi tên là Wakil. Nếu họ có hỏi – mà họ không hỏi đâu – tôi sẽ nói cô là em họ của tôi.” Laila cho anh ta biết tên của ba người và anh ta bảo sẽ nhớ.

“Ðừng đi xa,” anh ta nói.

Họ ngồi trên băng ghế kế bên Wakil và gia đình anh ta. Hôm đó là một buổi sáng nắng ấm áp, bầu trời chỉ kẻ sọc bằng vài đám mây lửng lờ trôi trên đồi xa. Mariam bắt đầu cho Aziza ăn mấy cái bánh lạt mà nàng đã nhớ bỏ theo lúc vội vã xếp hành lý. Nàng đưa cho Laila một cái.

“Em chỉ muốn ói,” Laila cười. “Em nôn quá.’’
“Chị cũng vậy.”
“Cám ơn chị, Mariam.”
“Tại sao?”
“Tại vì chị đã đi với mẹ con em,” Laila nói. “Nếu phải đi một mình, có lẽ em đã không dám.”
“Em sẽ không phải đi một mình.”
“Mình tới đó rồi mọi chuyện sẽ ổn cả, phải không chị?”

Mariam vói tay qua ghế nắm lấy bàn tay Laila. “Kinh Koran nói Allah là phương Ðông và là phương Tây, vì thế nơi nào mình đến đều là do ý của Ngài”.

“Bít!” Aziza reo lên, tay chỉ về phía chiếc xe buýt. “Mayam, bít!”

“Dì thấy rồi, Aziza cưng,” Mariam bảo. “Ðúng rối, xe buýt. Chút xíu nữa mình sẽ đi xe buýt. Rồi con sẽ thấy bao nhiêu thứ nữa.”

Laila mỉm cười. Cô nhìn người thợ mộc trong tiệm bên kia đường đang cưa gỗ khiến mạt cưa bay tứ tung. Cô nhìn những chiếc xe hơi bồ hóng bám đen kính chạy ngang qua. Cô nhìn những chiếc xe buýt nổ máy đậu bên lề đường, hai bên hông xe vẽ đầy hình chim công, sư tử, mặt trời mọc, những thanh gươm sáng loáng.

Trong cái ấm áp của mặt trời buổi sáng, Laila cảm thấy chóng mặt vì sự táo bạo của mình. Một cảm giác hứng khởi lại lóe lên nên khi một con chó hoang mắt vàng khập khểnh đi qua, Laila nghiêng người tới vỗ vỗ lưng nó.

Vài phút trước 11 giờ, một người đàn ông cầm loa gọi tất cả hành khách đi Peshawar hãy bắt đầu lên xe. Cửa xe buýt xịt mở sau một tiếng xì mạnh. Một hàng dài hành khách đổ xô lại và chen chúc nhau lên xe.

Lúc Wakil bế thằng con trai của anh lên, anh ta ra dấu cho Laila.

“Chúng tôi đi đây.” Laila nói.

Wakil đi trước. Lúc đến gần xe buýt, Laila trông thấy những gương mặt xuất hiện sau kính xe, mũi và lòng bàn tay của họ áp vô kính. Chung quanh, là những tiếng la từ giã.

Nơi cửa lên xe buýt, một tên lính dân vệ trẻ soát vé.

Bít!” Aziza kêu lên.

Wakil đưa vé cho tên lính, hắn xé đôi và đưa lại. Wakil để vợ lên trước. Laila trông thấy Wakil và tên lính nhìn nhau. Bước lên nắc thang đầu của xe buýt, Wakil cúi xuống nói gì đó vô tai tên lính. Tên lính gật đầu. Tim Laila ngừng đập.

“Hai người kia với đứa bé bước sang một bên,” tên lính nói.

Laila giả bộ không nghe. Cô tiến tới để bước lên xe, nhưng tên lính nắm lấy vai Laila và mạnh tay kéo cô ra khỏi hàng người. “Bà này nữa,” anh ta kêu Mariam. “Nhanh lên! mấy người làm trở ngại người khác.”

“Chuyện gì vậy ông?” Laila thốt lên, môi tê cứng. “Chúng tôi có vé mà. Bộ ông anh họ của tôi không đưa cho ông sao?”

Tên lính dân vệ đưa ngón tay làm dấu sịt và nói nhỏ với một tên lính gác khác. Tên lính gác thứ nhì, người béo tròn có vết sẹo dài xuống má phải, gật đầu.

“Ði theo tôi,” tên này bảo Laila.
“Chúng tôi phải lên xe buýt này,” Laila la lên, cô biết giọng mình đang run. “Chúng tôi có vé mà. Tại sao các ông làm như vậy?”
“Cô sẽ không lên chiếc xe buýt này. Chấp nhận đi là hơn. Cô sẽ ngoan ngoãn theo tôi. Trừ khi cô muốn con bé con của cô nhìn thấy cô bị lôi đi.”

Họ bị dẫn đến một chiếc xe tải, trên đường Laila quay đầu lại và nhìn thấy thằng con trai của Wakil ở phía cuối xe buýt. Thằng bé cũng nhìn thấy Laila, nó vui vẻ vẫy tay.

Tại bót cảnh sát ở ngã tư Torabaz Khan, hai người bị bắt ngồi riêng ở hai đầu một hành lang dài và đông nghẹt. Giữa hai người có một cái bàn làm việc, một người đàn ông ngồi đó hút hết điếu thuốc này sang điếu thuốc khác, lâu lâu gõ lọc cọc lên máy đánh chữ. Ba giờ đồng hồ trôi qua như thế. Azazi lững chững đi từ Laila qua Mariam, rồi ngược lại. Con bé chơi với cái kẹp giấy người đàn ông ngồi ở bàn đã cho nó. Nó đã ăn hết bánh. Cuối cùng, nó ngủ thiếp đi trong lòng Mariam.

Khoảng 3 giờ trưa, Laila được đưa đến phòng điều tra. Mariam phải chờ ngoài hành lang với Aziza. Trong phòng, người đàn ông ngồi bên kia bàn làm việc trạc tuổi 30, mặc quần áo dân sự - bộ vét đen, cà vạt, giầy đen. Y có bộ râu cắt tỉa gọn gàng, tóc ngắn và đôi chân mày dính nhau. Y chằm chằm nhìn Laila, vừa nhịp đầu cục tẩy cho cây viết chì tưng trên bàn.

“Chúng tôi biết,” y bắt đầu, y hắng giọng và lịch sự đưa tay che miệng, “ngày hôm nay cô đã nói dối một lần. Người thanh niên trong nhà ga không phải là anh họ của cô. Anh ta đã nói cho chúng tôi biết. Câu hỏi đặt ra là cô sẽ nói dối thêm gì nữa ngày hôm nay. Riêng tôi, tôi khuyên cô không nên.”

“Chúng tôi đi đến nhà người bác để ở,” Laila nói. “Ðó là sự thật.”

Tên cảnh sát gật đầu. “Bà ngoài hành lang là má cô hả?”

“Dạ.”
“Bà ta nói giọng Herat. Cô thì không.”
“Má tôi lớn lên ở Herat, còn tôi sinh ra ở Kabul.”
“Tất nhiên. Và cô góa chồng? Cô nói mà. Xin chia buồn. Còn người bác đó, ở đâu?”
“Ở Peshawar.”
“Vâng, cô có nói.” Y liếm đầu cây viết chì và cho nó đứng thẳng trên tờ giấy trắng. “Nhưng chỗ nào ở Peshawar? Khu nào, tên đường, quận mấy, xin cho biết.”

Laila cố gắng đẩy lùi sự hoãng loạn đang dâng lên trong lòng. Laila nói tên con đường duy nhất cô biết ở thành phố Peshawar – có lần Laila nghe một người nhắc đến trong bữa tiệc má cô tổ chức lần đầu Thánh chiến quân kéo đến thủ đô Kabul – “Ðường Jamrud.”

“À. Cùng đường với khách sạn Pearl Continental. Chắc bác cô có nói chứ gì.”

Laila chụp lấy cơ hội và nói người bác có nói. “Vâng, đúng con đường đó.”

“Mà khách sạn thì lại ở đường Khyber.”

Laila nghe được tiếng Aziza khóc ngoài hành lang. “Con tôi nó sợ. Cho tôi ra với cháu được không anh?”

“Tôi muốn cô gọi tôi bằng ‘Ông’. Chút nữa cô sẽ được ra với nó. Có số điện thoại của người bác này không?”
“Dạ có, lúc trước có. Tôi …” Mặc dù có lớp khăn che mặt giữa hai người, Laila vẫn bị khớp bởi cái nhìn như xoáy của y. “Tôi buồn rầu quá nên đã quên mất rồi.”

Y thở khì bằng mũi rồi hỏi Laila tên của người bác, của vợ người bác. Họ có mấy con? Con của họ tên gì? Người bác làm việc ở đâu? Bao nhiêu tuổi? Những câu hỏi của y làm Laila bối rối.

Y đặt cây bút chì xuống, đan những ngón tay vào nhau, rồi nghiêng người về phía trước theo cái lối cha mẹ thường làm khi muốn nhắn nhủ điều gì với đứa con mới biết đi. “Chắc cô biết đàn bà bỏ nhà trốn đi là một tội lớn. Chúng tôi thấy chuyện này xảy ra nhiều lắm. Ðàn bà đi một mình, nói chồng họ đã chết. Ðôi khi họ nói thật, phần lớn họ nói dối. Cô có thể bị bỏ tù vì tội trốn nhà đi, tôi chắc cô hiểu điều này chứ?”

“Xin ông cho chúng tôi đi…” Laila đọc thấy tên y trên nhãn tên ve áo. “Thưa ông Rahman. Xin ông mở lòng từ bi, cho đúng với tên của ông. Thả hai người đàn bà thì có nghĩa lý gì đối với ông. Có hại gì nếu thả chúng tôi? Chúng tôi đâu phải là kẻ tội phạm.”
“Không được.”
“Tôi van xin ông, xin ông làm ơn.”
“Ðây là vấn đề qanoon, vấn đề luật pháp,” Rahman nói, giọng nghiêm, tự quan trọng hóa. “Trách nhiệm của tôi là duy trì trật tự.”

Dù đang rối trí, Laila cũng suýt bật cười. Cô sững sờ khi thấy y xử dụng danh từ đó mặc cho những sự việc các phe phái Thánh chiến quân đã gây ra - giết người, cướp bóc, hãm hiếp, tra tấn, xử tử, dội bom, bắn hàng chục ngàn quả đại pháo vào nhau, bất kể những người dân vô tội bị giết giữa làn bom đạn. Trật tự. Nhưng cô kịp giữ.

Thay vì đó, Laila chỉ chầm chậm nói, “Nếu ông trả chúng tôi về, không thể lường được ông ta sẽ xử chúng tôi như thế nào.”

Laila có thể thấy y cố gắng giữ cho mắt y không nhúc nhích. “Ai làm gì trong nhà họ là chuyện của họ.”

Vậy còn luật pháp đâu, thưa ông Rahman?” Nước mắt giận dữ chỉ trực trào ra. “Ông có mặt ở đó để duy trì trật tự hay không?”
“Chúng tôi chủ trương không can thiệp vào những vấn đề riêng tư gia đình.”
“Dĩ nhiên các ông không can thiệp. Khi có lợi cho đàn ông. Còn chuyện này, có phải cũng là ‘vấn đề riêng tư gia đình’, như ông vừa nói. Ðúng không?”

Y đẩy bàn đứng lên, kéo thẳng áo khoác. “Cuộc điều tra đã xong. Phải nói cô biện hộ quá yếu. Yếu quá. Bây giờ cô ra ngoài chờ, để tôi nói chuyện với bà … gì đó của cô một chút.

Laila bắt đầu phản đối, rồi la hét, khiến y phải kêu hai người đàn ông đến lôi Laila ra khỏi văn phòng của y.

Cuộc nói chuyện với Mariam chỉ kéo dài mấy phút. Lúc bước ra, Mariam run rẩy.

“Ông ta hỏi nhiều quá,” Mariam nói. “Xin lỗi em, Laila. Chị không được khôn như em. Ông ta hỏi nhiều quá, chị không biết trả lời ra sao. Chị xin lỗi em.”
“Không phải lỗi tại chị đâu Mariam,” Laila yếu ớt đáp lại. “Lỗi tại em. Lỗi hoàn toàn tại em. Tất cả tại em.”

Ðã hơn 6 giờ lúc xe cảnh sát dừng lại trước cửa nhà. Laila và Mariam phải chờ trong xe, có tên lính ngồi ở ghế trước canh chừng. Tên tài xế xuống xe, đến gõ cửa và nói chuyện với Rasheed. Chính tên này ra hiệu cho Laila và Mariam tiến tới.

“Chúc mừng về tới nhà,” tên ngồi ghế trước nói, vừa châm điếu thuốc.

“Mày,” Rasheed nói với Mariam. “Mày chờ đây.”

Mariam im lặng ngồi xuống ghế xa-lông.

“Hai đứa này, lên lầu.”

Rasheed nắm khuỷu tay của Laila và đẩy cô lên thang lầu. Y vẫn còn mang đôi giầy đi làm, chưa thay dép, chưa cởi đồng hồ, chưa cả áo khoác. Laila hình dung cảnh Rasheed một tiếng đồng hồ, hay có thể vài phút trước đó, chạy từ phòng này sang phòng khác, đóng rầm cửa, tức giận và không tin mắt mình, hổn hển chửi thề.

Ðứng từ trên cầu thang, Laila quay lại nhìn Rasheed.

“Chị ấy không muốn đâu,” Laila nói. “Tôi ép chị ấy đó. Chị ấy không muốn đi.”

Laila không nhìn thấy cú đấm bay tới. Ðang nói thì bỗng té ngửa, bốn vó lên trời, mắt trợn trừng, mặt đỏ gay, cố hớp hơi. Như thể bị một chiếc xe chạy hết tốc lực đâm xầm vô ngay cái phần mềm mại giữa chóp xương ức và rún. Laila nhận biết mình đã buông rơi Aziza và con bé đang khóc thét. Laila ráng lấy hơi nhưng chỉ phát ra âm thanh khàn, tắc nghẹn. Nước dãi trào ra nơi khóe miệng.

Sau đó Laila bị nắm tóc kéo đi. Laila nhìn thấy Aziza bị nhấc bổng lên, thấy đôi dép con bé rớt xuống, hai bàn chân tí hon chòi đạp. Tóc bị giựt đứt khỏi da đầu, đau quá làm Laila chảy nước mắt. Laila thấy chân Rasheed đạp mở tung cánh cửa phòng của Mariam, cô thấy Aziza bị ném lên giường. Rasheed buông tóc Laila ra và cô cảm thấy đầu giầy của Rasheed chạm vô mông bên trái của mình. Laila rú lên đau đớn vừa lúc Rasheed đóng sầm cửa lại. Tiếng chìa khóa khua lách cách trong ổ khóa.

Aziza vẫn còn hét. Trên sàn nhà, Laila nằm co người, hổn hển thở. Cô chống tay bò lại chỗ Azazi nằm trên giường, kéo con vào lòng.

Dưới nhà, trận đánh đập bắt đầu. Ðối với Laila, những âm thanh này là một thủ tục quen thuộc, có phương pháp hẳn hòi. Không chửi, không la hét, không van xin, không tiếng kêu đau đớn, chỉ mỗi một việc làm có hệ thống, đó là đánh và bị đánh, tiếng thùm thụp liên tục của một vật gì cứng đấm vô thịt, tiếng của một vật gì hay một người té đập uỵch vô tường, tiếng vải bị xé rách. Lâu lâu, Laila nghe tiếng chân chạy, một cuộc rượt đuổi không lời, tiếng bàn ghế ngã, tiếng kiếng bể rổn rảng, rồi sau đó tiếng đấm thùm thụp lại tiếp diễn.

Laila bế Aziza vào lòng. Một làn hơi ấm lan xuống vạt áo trước của cô khi con bé tè ra quần.

Dưới nhà, tiếng chạy và tiếng rượt đuổi cuối cùng chấm dứt. Bây giờ thì nghe như có tiếng cây gậy gỗ liên tiếp đập vô một nữa con bò.

Laila ngồi lắc ru bé Aziza cho tới khi tiếng động dừng lại, và khi Laila nghe tiếng cánh cửa lưới mở rồi đóng sầm lại, cô đặt Aziza xuống đất rồi lén nhìn qua cửa sổ. Laila thấy Rasheed nắm sau gáy Mariam lôi qua sân. Mariam đi chân không, người gập đôi. Có máu trên tay Rasheed, trên mặt, trên tóc Mariam, máu chảy dài xuống cổ và lưng nàng. Áo của Mariam bị xé rách toạt phía trước.

“Em xin lỗi chị, Mariam,” Laila kêu khóc sau làn cửa kính. Cô nhìn thấy Rasheed xô Mariam vô nhà kho. Y bước vô đó và trở ra với cái búa và mấy miếng ván dài. Y đóng hai cánh cửa nhà kho lại, lấy cái chìa khóa trong túi ra và đút vô ổ, khóa lại. Y thử mở hai cánh cửa, rồi y đi vòng ra sau nhà kho đem ra một cái thang.

Mấy phút sau, gương mặt Rasheed hiện lên sau lớp kính cửa sổ của Laila, khóe miệng y ngậm đầy đinh. Tóc tai y rối bời. Trên trán y có vết máu. Thoạt nhìn thấy Rasheed, bé Aziza rú lên rồi dúi mặt vô nách Laila.

Ngoài kia, Rasheed bắt đầu đóng những miếng ván bắc ngang cửa sổ.

Bóng tối hoàn toàn, bất xuyên, bất giảm, dầy đặc, không cấu trúc. Rasheed đã lấp các khe hở giữa những tấm ván bằng thứ gì đó, tấn một vật thật to, không di chuyển được dưới chân cánh cửa để ánh sáng không lọt vô được. Lỗ khóa bị nhét kín.

Laila không tài nào dùng mắt để biết được thời giờ trôi qua, vì thế cô phải xử dụng cái tai tốt của mình. Tiếng gọi đọc kinh và tiếng gà gáy báo hiệu buổi sáng. Tiếng dĩa lẻng kẻng trong nhà bếp dưới nhà, tiếng ra-dô có nghĩa là buổi tối.

Ngày đầu tiên, hai mẹ con sờ mó và mò mẫm tìm nhau trong bóng tối. Laila không nhìn thấy được Aziza lúc con bé khóc hay bò đi.

“Sữa,” Aziza rên rỉ. “Sữa.”
“Lát nữa.” Laila muốn hôn lên trán con nhưng lại chạm vô đỉnh đầu con bé. “Lát nữa sẽ có sữa. Con ráng chờ chút nữa. Con ngoan, con kiên nhẫn, rồi mẹ sẽ tìm sữa cho con uống.”

Laila hát vài bài dỗ Aziza.

Tiếng gọi đọc kinh buổi sáng vang lên lần thứ hai mà Rasheed chưa cho hai mẹ con ăn chút gì, và tệ hơn, chẳng chút nước. Ngày hôm đó, họ bị bao trùm bởi cái nóng nặng nề, ngột ngạt. Căn phòng trở thành nồi áp suất. Laila đưa lưỡi khô queo liếm môi, nghĩ đến giòng nước mát lạnh dưới giếng nước ngoài kia. Aziza vẫn khóc và Laila lo sợ khi đưa tay lau nước mắt trên má con thấy khô queo. Laila cởi hết quần áo Aziza ra và tìm thứ gì để quạt cho con, cuối cùng đành phải thổi cho tới khi cảm thấy chóng mặt. Chẳng bao lâu, Aziza thôi không bò quanh nữa. Con bé lúc tỉnh, lúc mê.

Ngày hôm đó, Laila nhiều lần đập tay vô tường, dùng hết sức để kêu cứu, hy vọng một người hàng xóm sẽ nghe. Nhưng chẳng có ai đến, và những tiếng la của cô chỉ làm cho Aziza sợ, làm cho con bé lại khóc, tiếng khóc yếu ớt. Laila ngã qụy. Nghĩ đến Mariam bị đánh đập đến đổ máu, nhốt trong nhà kho khi trời nóng như thế này, Laila cảm thấy thật có lỗi.

Rồi Laila ngủ thiếp đi lúc nào không biết, toàn thân nóng như thiêu đốt. Cô mơ thấy cô và Aziza đang đi thì bất ngờ gặp Tariq. Tariq đang ở bên kia, cách hai mẹ con con đường đông đúc. Tariq đang ngồi chồm hổm, thử trái sung. Cha con kìa, Laila bảo. Cái ông đó đó, con thấy không? Cha thật của con đó. Laila gọi tên anh, nhưng tiếng ồn ào ngoài đường dìm mất tiếng cô khiến Tariq không nghe thấy.

Laila tỉnh dậy bởi tiếng rít của đạn pháo kích. Ðâu đó, bầu trời mà cô không nhìn thấy rung chuyển vì tiếng nổ và những tràng súng đại liên bắn liên hồi. Laila nhắm mắt lại. Cô bừng tỉnh khi nghe tiếng chân nặng nề của Rasheed bước ngoài hành lang. Laila cố lết ra cửa và đập tay vô đó.

“Xin cho một ly thôi, Rasheed. Không phải cho tôi mà cho con. Ông đâu muốn tay vấy máu con.”

Rasheed vẫn tiếp tục bước. Laila bắt đầu van xin, van xin tha thứ, hứa đủ điều, rồi cô nguyền rủa y. Cửa phòng Rasheed đóng lại. Ra-dô mở lên.

Tiếng kêu gọi đọc kinh vang lên lần thứ ba. Lại cái nóng khủng khiếp. Aziza càng bơ phờ. Nó không còn khóc, không còn nhúc nhích gì nữa.

Laila kê tai vô miệng Aziza, mỗi lần thế lại sợ không còn nghe hơi thở mong manh của con. Chỉ một cử động đơn giản nhấc người lên cũng làm cho đầu cô quay cuồng. Cô ngủ thiếp đi, mộng mị gì cô cũng không nhớ. Lúc tỉnh dậy, lại thăm chừng Aziza, rờ lên đôi môi khô nức nẻ của nó, nghe nhịp đập yếu ớt trên cổ nó, rồi lại nằm xuống. Hai mẹ con sẽ chết ở đây, Laila chắc chắn điều đó, duy có điều cô sợ nhất, đó là cô sẽ sống lâu hơn con, vì Aziza nhỏ bé và yếu ớt  quá. Con bé còn chịu đựng được bao lâu nữa? Con bé sẽ chết vì cái nóng, còn Laila sẽ nằm bên cạnh cơ thể nhỏ bé cứng đơ của con để chờ đợi cái chết. Laila lại thiếp đi. Tỉnh dậy. Thiếp đi. Giữa mơ và tỉnh, làn ranh mờ dần.
Không phải tiếng gà gáy hay tiếng gọi đọc kinh đánh thức Laila mà là âm thanh của một vật nặng nề bị kéo đi. Cô nghe tiếng khua. Ðột nhiên căn phòng tràn ngập ánh sáng. Ðôi mắt Laila gào lên phản đối. Laila ngẩng đầu lên, nhăn mặt và đưa tay che mắt. Qua khe hở bàn tay, Laila nhìn thấy một bóng mờ to lớn đứng giữa khung ánh sáng. Cái bóng di chuyển. Giờ thì một hình dáng lờ mờ cúi xuống người cô và một giọng nói vang lên bên tai cô.

“Mày tái phạm lần nữa thì sẽ biết tay tao. Tao thề sẽ tìm ra mày. Lúc đó sẽ không có một tòa án nào ờ cái xứ khốn nạn này bắt tao phải chịu trách nhiệm về những gì tao sẽ làm. Với con Mariam trước, tới con bé kia, rồi tới mày cuối cùng. Tao sẽ bắt mày chứng kiến. Mày hiểu tao nói chứ? Tao sẽ bắt mày phải chứng kiến.”

Nói xong, y rời khỏi phòng. Nhưng chỉ sau khi đã cho Laila một cú đá vô be sườn khiến cô đi tiểu ra máu cả mấy ngày sau đó.

(còn tiếp)  

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022