SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

NHÌN SÔNG NHỚ BÀ

Đã có một nhà thơ lớn của tỉnh nói với tôi, đại ý rằng muốn viết về sông hãy lên núi, muốn hiểu mẹ mình hãy đi xa. Lúc đầu tôi chưa cảm nhận được hết ý nghĩa của câu nói này. Cho đến khi tôi rời mẹ, xa quê lên thành phố học. Những buổi chiều tản bộ cùng chị bạn lang thang khám phá phố, những đêm đơn khi gió trở mùa, quăng đông lên mái nhà rồi bao trùm giá rét lên không gian, tôi mới thấm thía nỗi nhớ nhà, thương quê và mơ về dòng sông Lèn quen thuộc

Nhà tôi không ở gần sông. Nhưng nhà dì em thứ ba của mẹ tôi thì nhìn ra phía trước là thấy san sát bè luồng ngâm nước. Ngày bé, tôi thích chơi trên những bè luồng này nên rảnh lúc nào là chạy sang nhà dì lúc ấy. Hàng trăm cây luồng đã được buộc khít vào nhau bởi rất nhiều sợi dây tạo thành những mảng luồng lớn và vững chãi. Trong lúc dì ngồi giặt thì tôi và hai đứa em họ chơi bập bênh. Chúng tôi đứng thẳng dạng hai chân đè lên hai cây luồng của hai bè khác nhau và bắt đầu nhịp chân, lúc thì đẩy cây này khi thì nhún cây kia xuống dưới.  Tôi không hiểu sao khi nhìn thấy cây luồng nổi thì mình lại vui và khi chìm thì lại có một chút không thích. Sau này khi lớn lên, nghĩ lại tôi suy rằng có lẽ đó là chút vô thức bản năng sinh tồn trong mỗi người. Bản năng muốn vươn lên cao và khẳng định  mình, muốn hơn người khác. Và đã là người thì ai cũng có bản năng này. Chỉ là khi chúng ta trưởng thành, tuỳ vào tính cách và môi trường sống cũng như tính cách của mỗi cá nhân, mà bản năng này yếu đi hay mạnh lên thôi. Có những người số phận kém may mắn, phải lao động rất vất vả nhưng lại có cuộc sống nghèo hèn. Đa phần họ cam chịu số phận, lay lắt qua ngày, đi qua thế gian này như những gợn sóng ngầm dưới đáy sông.              

Nhưng có một số ít không cam chịu và quyết vươn lên, bằng bàn tay khối óc cùng với nghị lực của mình, họ đã  thoát nghèo. Chính họ đã chứng minh cho chúng ta thấy rằng, cái gọi là số phận cuộc đời chỉ là tương đối . Và nếu thật sự tin vào sức mạnh của bản thân mình, chúng ta có thể thay đổi được nó.

Ngày bà tôi còn sống, bà đã kể cho tôi nghe rất nhiều câu chuyện về cầu và sông Lèn. Sông Lèn như một bức tranh lớn vẽ cuộc đời bà. Thời niên thiếu của bà là những ngày theo mẹ cào hến sinh nhai. Cào hến là một nghề rất vất vả vì nắng hay mưa, hạ hay đông thì cũng phải ngụp dưới nước từ khi trời sáng đến lúc hoàng hôn. Mùa đông thì cái lạnh xuyên thấu da thịt, hay bị cảm thương hàn. Mùa hạ thì hơi nóng của nắng phả lên rát mặt, thu nhập lại bấp bênh và không cao. Những tháng nhiều mưa, nước sông lớn, không cào hến được thì mẹ con bà và những người sống ven sông ngày ấy lại chuyển sang đánh cá đánh tôm. Bà gặp ông trong một lần đi đánh cá cùng dân làng. Ông là người làng bên sang thăm cậu ruột là bạn thân cùng xóm của bố bà. Rồi bờ sông là nơi hẹn hò và yêu đương của họ. Hai tuần sau họ làm đám cưới. Bà bảo thời chiến người ta yêu nhanh, cưới sớm nhưng chung thuỷ trọn vẹn hơn thời bình rất nhiều. Có lẽ sống trong mối nguy hiểm rình rập, sự sống mong manh nên lòng người luôn mở rộng trao nhận những thương yêu. Và luôn bao dung, đồng cảm, sẻ chia, thấu hiểu chăng?

Khi bà mang thai bố tôi được ba tháng thì ông tình nguyện nhập ngũ. Vì ông là con trai độc nhất nên không phải đi lính. Nên ông giấu bà viết huyết thư xin nhập ngũ. Trước khi chia tay ông nói với bà: “Nước mất thì nhà tan! Vì hoà bình của con cháu mình nên anh phải chiến đấu em à”. Bà khóc như mưa nhưng không ngăn cản ông. Ông đi thật nhanh, không dám ngoảnh lại phía sau nhìn bà. Rồi ông hy sinh ngay trên cầu Lèn cùng với đoàn xe thồ đạp, làm nhiệm vụ tiếp lương tải đạn cho chiến trường bởi một trong hàng trăm quả bom Mỹ trút xuống cầu ngày ấy.  Máu trộn phù sa, sông hòa nước mắt, nỗi đau chất chồng nỗi đau khi người sống không thể tìm ghép được nguyên vẹn thân thể người chết mà địa táng như lẽ thường phải thế. Chỉ có thể gửi nước mắt của mình nhờ sông thủy táng người thân. Dòng sông bỗng đục ngầu phù sa  đỏ, xoáy lốc cuồn cuộn tạo thành từng cột dâng cao mấy mét rồi vỡ tan tung bọt trắng xóa như sớt sẻ niềm đau cùng người. Rồi sông miệt mài chảy trôi dòng đục, lặng thầm chắt lọc máu xương thành dinh dưỡng để phù sa  dưỡng những cánh đồng xanh mướt gần bờ.

Năm nào giỗ ông bà cũng bảo tôi đưa ra cầu. Bà bảo ông vẫn ở đây cùng đồng đội, sinh tử có nhau như tâm nguyện của bao người lính ra trận ngày ấy. Và ngày giỗ ông cũng là giỗ chung cả tiểu đội nên bà ra sông để mời tất cả về ăn giỗ. Khi về  nhà, bà thường ngồi trầm ngâm, lặng lẽ thở dài, đôi khi mắt rớm lệ. Tôi hỏi bà có phải vì nhớ ông mà khóc không thì bà lắc đầu. Và trả lời ''chiến tranh đã qua lâu rồi, nỗi đau cũng như bát keo nóng, nguội dần và đặc quánh lại, dán chặt tim người. Tuổi bà không còn đủ sức để khóc vì những điều ấy nữa. Bà khóc vì nghĩ đến những người trẻ đã nhảy cầu tự vẫn. Có lẽ linh hồn ông cháu và đồng đội rất đau lòng và thất vọng khi phải đón nhận những linh hồn ấy!'' Bà bảo với tôi thời bà dù bom đạn, bệnh tật, giặc cướp, đói nghèo.. Luôn rình rập dồn người vào đường chết. Nhưng chưa một ai nghĩ đến việc tự kết liễu đời mình. Mọi người lạc quan tin vào những điều tốt đẹp sẽ đến. Vì vậy nên bà không hiểu họ đã nghĩ gì mà quyết định như vậy. Giá như trước khi làm điều ấy, họ nghĩ đến công sinh thành dưỡng dục của bố mẹ mình thì tốt biết bao nhiêu. Tôi tra googgle và đọc lại những bài viết về các vụ tự vẫn gần đây và giật mình bởi nguyên nhân những cái chết ấy chẳng có gì gọi là to lớn đến mức có thể tự vẫn cả. Chỉ là những vụn vặt như giận bố mẹ đã quát mắng vì bị điểm kém, cảm thấy mẹ thiên vị em hơn mình, cãi nhau với chồng, bị bạn thân nói xấu, tình yêu tan vỡ... đều dẫn đến những vụ quyên sinh khi tóc vẫn mướt xanh, khi tuổi đang còn rất trẻ.  Lẽ nào cuộc sống chỉ được trân quý nhất khi con người ta rơi vào cảnh túng thiếu nhất? Cũng không hẳn. Bởi có rất nhiều người đã buông tay khi rơi vào cảnh khốn cùng.

Bà tôi và mẹ tôi không dạy tôi những tấm gương sáng chói và những bài học đạo lý như mọi người. Mà chỉ dạy con cách chăm sóc thật tốt  bản thân mình. Bà bảo tôi chỉ  khi biết chăm sóc thật tốt bản thân, danh dự và tâm hồn mình thì mới có thể hạnh phúc. Mẹ thì nhẹ nhàng tâm sự, bảo: “Con ơi! Con cố gắng ra đường đừng để ai bảo mình là con nhà không được dạy dỗ. Về nhà thì chăm tập thể dục giữ gìn sức khoẻ. Khi những người yêu thương con không phải lo lắng muộn phiền vì con là lúc con thật sự yêu thương mọi người. Con  đừng bao giờ để lương tâm dằn vặt, cũng như biết dứt bỏ những gì giữ lại chỉ làm mình thêm đau khổ. Làm được như vậy thì an vui sẽ ở bên con.”

Tôi khắc sâu những bài học ấy vào tim và áp dụng khi vào đời. Vì vậy nên tôi chưa bao giờ tuyệt vọng, bi quan cho dù có nhiều khi rơi vào cảnh bế tắc, tưởng như là đường cùng. Những khi cảm thấy cơ thể rã rời, tinh thần kiệt quệ tôi lại nghĩ đến bà, đến mẹ và vượt qua.

Bà tôi đã về với ông trong một chiều đông giá buốt. Từ đó, mỗi khi nhớ bà tôi lại ra sông Lèn và hồi tưởng về những kỷ niệm của hai bà cháu. Cầu Lèn mới đã được xây dựng, đối diện với cầu cũ như một sự thích nghi với hiện tại, nhưng vẫn trân quý những giá trị lịch sử văn hoá mà cha ông để lại của người Việt Nam mình nói chung và người dân Hà Trung Thanh Hoá nói riêng. Bà ơi! Sông Lèn giờ vẫn dịu êm dòng nước, nắng rực rỡ thêm những vạt hoa cải ven bờ. Trên sông , thuyền bè đi lại nhiều hơn trước và đời sống ngư dân cũng khá hơn rất nhiều. Cháu đã nghe trên cầu tiếng cười giòn tan của những học sinh  hoà vào dòng người tấp nập đi về trong nắng. Cháu cũng nghe được giai điệu bài hát “ Chảy đi sông ơi” của một người cựu binh đứng trên cầu ngắm sông. Và cháu cũng  rất nhớ bà, bà ạ!

Vũ Tuyết Nhung
Hà Trung- Thanh Hoá

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022