SỐ 93 - XUÂN NHÂM DẦN - THÁNG 1 NĂM 2022

Nhớ Một Vòng Tay

Hà Bạch Trúc

Cô gái đứng trên thềm ga vắng, gió thốc lạnh từng cơn. Sân ga dài mút mắt, ba vòm mái cong cao tít nên gió từ hai phía Nam, Bắc mặc sức lùa vào. Giờ này không phải là giờ cao điểm buổi sáng sớm hay buổi xế chiều nên trên thềm ga chỉ lác đác ít người. Cô gái đợi chuyến xe lửa tốc hành đến từ Paris. Từ khi có xe lửa tốc hành TGV Thalys, thời gian để vượt lộ trình sáu trăm cây số từ Paris đến Amsterdam được rút xuống chỉ còn khoảng bốn giờ đồng hồ.

Ga xe lửa này khá quen thuộc với cô gái vì cô vẫn thường ghé qua đây. Nhưng hôm nay cô đứng đây với một tâm trạng hoàn toàn khác lạ. Gió lạnh nhưng cô gái đứng yên không di động, không biết có phải vì bồn chôn nôn nóng trong lòng hay vì niềm vui và nỗi lo đã làm tê các tứ chi. Chỉ có đôi mắt là linh hoạt đảo nhìn hai phía, không biết tàu sẽ vào ga từ hướng nào, Nam hay Bắc. Ðôi mắt cũng thố lộ nội tâm của cô gái đang suy nghĩ miên man không biết người mình đón có còn như xưa, có thay đổi nhiều, có nhận ra mình hay chăng? Gần 30 năm rồi còn gì... Cô gái chỉ muốn tập trung vào hiện tại lúc này, nhưng không ngăn được ý tưởng của mình lan man tìm về quá khứ. Quãng đời trước, căn nhà xưa, ngôi trường cũ, làng xóm thân quen, những kỷ niệm vui buồn, những người thân, những gương mặt bạn…

Chợt có tiếng bánh sắt rít lên từ hướng Bắc, rồi con tàu hiện ra càng lúc càng gần, sầm sập tiến vào ga. Cô gái sững người, hồi hộp đứng yên đưa mắt nhìn theo từng toa tàu chầm chậm lướt qua, rồi từ từ dừng lại. Hành khách bắt đầu bước ra khỏi tàu. Cô gái gắn mắt vào nơi cửa từng toa tàu, và cố gắng nhìn thật nhanh, nếu không thấy người mình đón thì mắt cô di chuyển ngay qua toa tiếp. Hành khách rời tàu như kiến rời tổ, vừa bước xuống là tỏa ra mọi phía. Vậy mà cô gái cũng nhìn thấy người mình đi đón.

Cô vẹt đám đông, rảo chân… rồi cô bắt đầu chạy nhanh tới khi nhìn thấy người khách đang giang tay chờ mình. Chỉ non đôi chục thước mà cô thấy mình chạy mãi mới tới. Người khách bước thật chậm, gần như đứng yên, hai tay đưa cao giang rộng, miệng tươi cười chờ cô gái chạy tới. Rồi vòng tay khép lại ôm cô gái vào lòng. Vòng tay ấm áp, vững chải, che chở, vòng tay lần đầu tiên ôm cô nhưng cô gái nghe sao thân quen, an toàn quá đỗi. Và lòng cô chùng xuống khi nghe tiếng người khách ôn tồn, nhẹ nhàng, trìu mến reo lên: “Trúc đây rồi!” Cô gái cảm động nằm im trong vòng tay người khách, mắt chớp liên hồi. Cô cố gắng để không khóc, và cô không khóc thật, nhưng cũng chẳng nói được gì ngoài tiếng kêu “Bác!”

Khách trông không già lắm, dù cô gái nhớ tuổi ông đã trên 80. Nhìn ông vững chắc, linh hoạt và vòng tay của ông còn chặt. Giọng ông vẫn còn mạnh và rõ và vẫn còn mang nhiều âm hưởng ngày xưa, giọng nói của 30, 40 năm về trước những lần cô đến nhà ông, “Trúc đấy à”, giọng nói hiền từ, thân ái đó.

Ngồi trên xe lửa quá lâu nên khách tỏ vẻ thích thú được bước đi thoải mái bên cạnh cô gái. Vừa chầm chậm bước trên thềm ga, ông vừa đảo mắt nhìn quanh quan sát khắp nơi một cách hứng khởi. Cô gái giải thích đây là Nhà ga Trung tâm của thành phố Amsterdam, mỗi ngày đón 200.000 hành khách. Ga này xây dựng vào cuối thế kỷ thứ 19 theo lối kiến trúc gothic cổ điển, đặc biệt có Phòng Chờ Hoàng Gia ngày xưa dành cho cỗ xe ngựa và hoàng tộc Hòa Lan. Vừa rồi tàu của ông khách cập thềm số 2 là thềm ga của hoàng tộc ngày trước. Bây giờ không còn phòng chờ và thềm ga riêng biệt đó nữa nhưng vẫn còn nhà hàng “1ste Klas” (Thượng Hạng) nơi thềm số 2.

Khi xúc động và mừng rỡ đã qua, cô gái đưa ông khách đi thăm thú thành phố Amsterdam. Phố xá đông người và nhộn nhịp, không khác chi thường lệ đối với cô gái, nhưng có lẽ lạ đối với ông nên ông buột miệng thốt lên: “Ngựa xe như nước, áo quần như nêm”. Amsterdam, một trong số hai mươi lăm thành phố đáng thăm nhất thế giới, nổi tiếng vì những đặc thù văn hóa như cung điện hoàng gia, nhiều bảo tàng viện, những căn nhà xưa bốn năm thế kỷ san sát nhau bên bờ rạch và thật nhiều những con rạch chằng chịt khắp nơi xen kẽ với đường phố chật hẹp lúc nào cũng đầy sinh khí. Và cũng nổi tiếng vì nét đặc thù “văn hóa đồi trụy” tức “Khu Ðèn Ðỏ” (Red Light district) công khai giữa lòng thành phố. Cô gái để ông chọn giữa hai loại văn hóa. Ông trả lời ngay, không do dự: “Ði thăm bảo tàng viện chứ.” Hai người lên xe điện; ngồi trên xe điện cao, ông bảo càng thấy phố xá tưng bừng, náo nhiệt. Vào bên trong Bảo tàng viện Quốc gia (Rijksmuseum), đứng trước hai lối rẽ Nghệ thuật Cổ Ðiển (Classic) hay Nghệ thuật Ðương Ðại (Contemporary Art), ông cũng không chút ngần ngại chọn ngay Cổ Ðiển, “phải xem Rembrandt chứ.”

Nhìn ông thong thả dạo chân qua các gian phòng triển lãm, thích thú nhìn ngắm những bức tranh, cô gái nhớ lại hình ảnh của ông hơn 30 năm về trước trên bục giảng trường đại học. Sự thật, cô biết ông từ hồi cô còn nhỏ xíu học tiểu học cùng với con ông, từ rất lâu trước khi biết ông là nhà giáo và nhà văn. Nhưng chỉ mơ hồ nghe nói thôi chứ cô chưa bao giờ lưu tâm hay có nhận thức cụ thể về điều đó. Cô chỉ thực sự nhận thức được ông là nhà giáo khi cô đã lớn, khi cô nghe ông thuyết giảng môn Các Vấn Ðề Ngôn Ngữ tại Ðại Học Văn Khoa Sài Gòn. Trên bục giảng, ông khác hẳn ở nhà. Giọng ông hùng hồn, rổn rảng, mắt thật sáng, tay đưa lên đưa xuống gọn gàng, cương quyết, chứ không mỉm cười hiền lành nói “Trúc đấy à” rồi cặm cụi làm việc tiếp, hay giới thiệu “Cháu Trúc, cô bạn lành nhất của cháu Khánh nhà tôi” mỗi khi cô đến chơi nhà vào lúc ông đang tiếp khách. Cô gái còn nhớ cảm giác “sợ sợ, khớp khớp” khi lần đầu nhìn thấy ông đứng trên bục giảng cao của trường đại học, có lẽ vì sợ ông nhìn thấu tim đen - cúp cua, lười học - của mình. Cũng như cô chỉ nhận thức được ông là một nhà văn khi ông bị bắt đi tù “cải tạo” hai lần, tổng cộng mười ba năm trời, chỉ vì tội là nhà văn dám viết những điều sự thật.

Bây giờ gần 30 năm sau, gặp lại ông khi hai người lưu lạc xứ người, nhưng cô gái không có cảm giác lạ về ông và về mình. Vẫn là bậc lão thành, người thầy đáng kính; vẫn là con cháu, là học trò ngày nào của ông. Vẫn đôi mắt sáng cương trực, nét mặt hiền từ, lời nói sáng suốt, vẫn giọng nói dõng dạc, cử chỉ đường hoàng, từ tốn. Nhìn ông khó ai biết ông đã trải qua bao thử thách và nghiệt ngã của cuộc đời. Cô gái thấy hình như ông không già đi, không yếu đi, mà ngược lại cô thấy giá trị của con người ông càng tăng thêm. Nhìn ông, cô gái bỗng cảm thấy giá trị của chính mình cũng được tăng lên, không vì vật chất bên ngoài mà vì giá trị bên trong, vì sự phấn đấu đơn độc của cô nơi xứ người suốt nhiều thập kỷ, cũng giống như ông đã kiên cường đứng vững trong lao tù. Cũng như ông, cô gái bỗng thấy mình hơn cả mình.

Cô gái bỗng nhớ lại lời ông dặn dò các con: “Trước khi đi ngủ chải đầu; để trong giấc mộng gặp nhau đàng hoàng.” Cô gái rất thích câu này, bởi vì cô có tật chải đầu trước khi đi ngủ. Nhiếu lần bị người cắt cớ hỏi tại sao, cô chưa bao giờ trả lời được suôn, cho tới khi nghe được câu nói của ông. Cô nghĩ “người nói câu đó hẳn phải có lòng tự trọng rất cao, đến trong giấc ngủ vẫn không muốn đánh mất. Vậy mà bấy lâu nay mình vô tình làm điều hay phải mà không biết.”

Rồi ông khách nói Hòa Lan nổi tiếng về những công trình đê điều ngăn lấp biển và về đất bồi. Thế là cô gái đưa ông đi thăm Afsluitdijk, con đê nhân tạo dài 32 cây số chẻ đôi biển Bắc để biến vùng biển phía Nam cũ thành hồ (Ijssel) và thành những vùng đất bồi diện tích lên đến mấy ngàn cây số. Những vùng đất bồi này đã trở thành những thành phố lớn. Trên mặt đê, rộng 90 thước, là đường xa lộ hai chiều nối liền hai tỉnh phía Bắc Hòa Lan. Trên đê, gió thổi lộng. Trên chiếc cầu cao bắc ngang qua xa lộ, gió càng thổi lộng hơn. Cô gái cùng ông bước lên cầu để qua bên kia con đê xa lộ. Ðứng trên cầu, nhìn những chiếc xe hơi tới tấp vù vù bên dưới, không khỏi chóng mặt. Cô gái và bạn mình kè hai bên ông, sợ ông chóng mặt, sợ ông té. Nhưng ông chẳng sợ gi, còn thích thú cười to: “Tôi phải giữ kẻo hai người bay mất.” Cô gái ngạc nhiên thấy óc khôi hài và tinh thần lạc quan của ông vẫn còn nguyên vẹn sau mười ba năm trong tù.

Ông khách làm cho cô gái nhớ đến câu Trăng bao nhiêu tuổi trăng già; Núi bao nhiêu tuổi gọi là núi non. Ông bao nhiêu tuổi ông già, cô chợt nghĩ, vì cô thấy tâm hồn và tấm lòng của ông vẫn còn nguyên vẹn, trong sáng, chân tình, nhiệt thành dù tuổi ông đã hơn 80. Và ông cũng khiến cô nhớ đến nhân vật Thiệu trong Dòng Sông Ðịnh Mệnh. Cũng như Thiệu mê trăng mười sáu, cô gái có tật mê trăng. Kê giường nằm nhìn ra cửa sổ để ngắm trăng rằm mỗi tháng, mùa hè nấu chè ra vườn ngồi ăn để ngắm trăng, đi du lịch chọn ngày rằm để ngắm trăng trên biển hay trong rừng. Mỗi lần nhìn trăng, cô gái đều nhớ tới trăng mười sáu của Thiệu và nghĩ đến Dòng Sông Ðịnh Mệnh. Phải chăng nhân vật Thiệu chính là ông, là con sông dài thăm thẳm chảy qua bao khúc quành trước khi ra tới biển, là dòng sông một lòng một dạ với trăng mười sáu, là con thuyền trong đêm trăng luôn trở về bến cũ.

Cuối ngày, cô gái đón ông khách về nhà dùng cơm. Cô đã nấu sẵn nồi phở, món ăn cô cho là “truyền thống” của nhà ông. Tổ trác nên món phở hôm đó không được ngon lắm, cô gái xuýt xoa xin lỗi. Và khi nghe ông bảo “Cũng ngon” thì cô biết chắc chắn là món phở của mình hôm nay không ngon, bởi vì ông chỉ có “Ngon” và “Cũng ngon” chứ ông không bao giờ chê.

Cô gái thật hạnh phúc được ông khách ghé thăm trong chuyến du lịch Âu Châu đầu tiên của ông. Cô tưởng mình “đón tiếp” ông nơi quê hương mới của mình nhưng thực ra chính ông đã đón cô bằng vòng tay của ông. Vòng tay của người cha, người thầy, vòng tay của tình thương, của bao dung che chở, của kỷ niệm, của quá khứ và hiện tại. Cô đã bất ngờ và cảm động bởi vòng tay đó.

“Trúc đây rồi”. Câu nói đó và vòng tay đó chứa cả một trời kỷ niệm, một tình cảm đầm ấm, tự nhiên, một tình thương yêu chân thật mà chỉ bậc cha mẹ mới dành cho con cháu. Một vòng tay mà như sông dài ôm vào lòng bao khúc quành kỷ niệm, một vòng tay mà như tình thương xóa bỏ cô đơn hờn tủi của kẻ xa xứ, một vòng tay như biển cả bao dung, như quê hương tìm lại. Có phải ông là quê hương, là cha mẹ, là cây đa, là ngọn cỏ, là nắng ấm, là dòng sông, là bến đò, là làng xưa xóm cũ, là tuổi thơ sáo diều, là thời mộng mơ thanh khiết. Có phải ông là quá khứ, là trường học trường đời, là văn chương sách vở, là lương tri, là nhân bản con người. Có phải ông là hiện tại, là dân tộc đọa đầy, là ngục tù vượt thoát. Hay ông là tương lai, dù trăm tuổi vẫn một lòng một dạ, luôn đứng thẳng, không cúi đầu.

Cô gái nhớ đến những lời ông viết: “ Ở thế giới Thực Dân Tư Bản, người ta tung vật chất ra để giam lỏng linh hồn. Ở thế giới Cộng sản, người ta phong tỏa vật chất để mua rẻ linh hồn. Cả hai cùng thất bại! Linh hồn nhân loại chỉ có thể mua được bằng Tình Thương Yêu rộng rãi và chân thành. (Gìn Vàng Giữ Ngọc, Doãn Quốc Sỹ). Ông đã sống như lời ông đã viết, lấy Thương Yêu làm lẽ sống đời đời.

Có lúc cô gái nhìn ông khách thật lâu mà ông không biết, trong viện bảo tàng khi ông mãi mê xem tranh và trên đê ngăn biển khi ông ngắm nhìn trời nước bao quanh. Ông lão trên 80 tuổi đó, dáng còn thẳng tắp, cử chỉ ung dung từ tốn, nét mặt hiền hòa, tự tại, thoát trần, khiến cô nhớ lại lời cha cô giải thích về cái tên đặt cho cô. Một loài cây mảnh mai nhưng có sức sống mãnh liệt, một loài cây mềm mại, linh hoạt nhưng có sức phục hồi mạnh mẽ, không dễ khuất phục, luôn luôn đứng thẳng. Từ trước đến nay, cô gái vẫn ghi nhớ lời cha và luôn sống cho xứng đáng với tên cha đặt, nhưng nay cô biết mình có thêm một tấm gương để sống. Vâng, cô sẽ sống như ông khách đã sống, trong mọi hoàn cảnh vẫn giữ phẩm giá thanh cao và lương tri của người quân tử, và đến trăm tuổi vẫn còn đứng thẳng trên đời.

Bác ơi, cháu nhờ hoài vòng tay của bác.

(Mừng sinh nhật bách niên của bác Doãn Quốc Sỹ 2-2-2022)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022