SỐ 95 - THÁNG 7 NĂM 2022

Cà phê 2 rưỡi sáng, khùng!

Ngọc Cân - trấy Tiểu Đợi

Thể chất không xếp loại “ĐSK” (hồi trước Trung tâm nhập ngũ khám xong mà đóng dấu này là Đời Sẽ Khổ, nghĩa tếu của Đủ Sức Khỏe), nhưng bù lại tôi được ba cái tốt: không biết nhức đầu, đau lưng, đái đêm là gì. Thiên hạ ganh tỵ hết biết... Còn ngủ thì một giấc tới sáng, đã không?

Người trong nhà mới biết cái ngủ suốt đó đầy mộng mị, vì mớ, la, thậm chí khóc và xoay trở quằn quại; nhìn mền gối buổi sáng như một bãi chiến trường, ai sống sót là may.

Tới nay thì tôi đã xài hết cả ba cái tốt trời cho, kịp với chúng bạn trang lứa. Qua đêm kiểu như cũ, chỉ đổi thành phim tập. Bằng cớ là những ly cà phê 2, 3 giờ sáng. Không biết cho nó dứt khoát để chính thức khai trương một ngày mới hay tạm an thần rồi trùm mền tiếp.

Ôi! hơi đâu mà phân vân. Suy nghĩ một cái gì đó cho ra hồn đi.

Tôi đâu bịnh gì để lành. Thì ai chẳng có những vết thương trong cuộc đời gian khổ. Văn hoa một chút thì đó là “sẹo trong tâm hồn”, nhưng bên ngoài làm gì thấy, bình thường mọi mặt. Tôi chưa bao giờ đem sẹo mình ra xức thuốc, trực diện với chúng để tìm phương hóa giải (khoa phân tích tâm lý ở đây hay nói vậy) vì tôi nhát. Thấy trong kiếm hiệp không, luyện công mà không có sư phụ chỉ điểm, bị “tẩu hỏa nhập ma”, rối loạn kinh mạch, phát điên là chuyện thường. Điên là một bệnh mà người chung quanh tôi chịu một tỉ lệ cao.

oOo

Do quan hệ công việc với gia đình, vợ chồng tôi có vô nhà thương thăm khi cậu bé mới sinh. Thấm thoắt nay đã 15 tuổi. Cậu bé trả lời khi tôi hỏi “mẹ khỏe không? your mom doing fine?”:

- She’s OK. Chắc vậy.
- Nghĩa là cháu không biết chắc?

Cười cười:

- I guess. Chắc vậy.

Cậu vốn ít nói. Khi nói thì ai cũng thấy sự miễn cưỡng.

- Vậy là cháu không để ý, phải không?
- Oh, she’s OK! mẹ vẫn đưa đón, mua thức ăn... bình thường, nếu mẹ không quên thuốc, I guess.
- Có chuyện trò với cháu không?
- Chuyện trò? talk? not really; không…

Cậu nhìn tôi, ngập ngừng:

- Nhưng ôm. Có những lần ôm rất lâu.

Cậu nhìn tôi chờ đợi. Tôi không dám làm thầy đời với cái thiêng liêng. Tôi sẽ không cầm được nước mắt vì vui, và cậu bé sẽ hiểu lầm để bối rối, buồn thêm.

- Còn ba?
- Chắc ok.
- Ông bận nhiều công việc, có thì giờ với cháu không?
- Chắc có, cuối tuần.
- Ở đây chỉ có cuối tuần là rảnh.

Cười cười.

- He yells at me all the times. Ba chỉ la thôi.
- Ba bị áp lực cuộc sống. He’s under stresses, a lot.

Cậu nhìn một lúc, tin cậy:

- He doesn’t care anymore, I guess. Ông ba không quan tâm nữa.

Cậu nhìn lơ đãng. Cậu vượt qua được. Cậu đã thố lộ. Cậu muốn biết phản ứng, kể ra như thế thì mình an toàn mức nào. Cậu không chịu ngồi với bác sĩ cũng vì lo sợ này.

- Cháu có biết hoàn cảnh như cháu nhiều lắm.
- Really? thật không?
- Trong gia đình bác cũng có bốn năm người.
- Like my mom? như mẹ cháu?
- Ừ... còn không được như mẹ cháu!
- Is it true? Thật vậy không?
- Thật đấy. Chỉ là không ai nói ra. Họ không may bị bệnh. Gánh của họ nặng mà họ không đủ tỉnh táo, không làm gì được. Họ đâu muốn liên lụy, làm khổ thân nhân.
- I guess… vậy mình phản ứng sao cho đúng?

Tôi ngần ngại, biết chết liền.

- Bác không biết. Bác đoán những lúc mẹ ôm cháu là mẹ muốn cháu an toàn. Ừ, chỉ có thể là thế. I guess…

Mắt cậu ướt.

- Cháu nghĩ lần sau cháu ôm mẹ lại, lâu hơn.

Tôi muốn ôm cậu, nhưng như thế không hợp cảnh, không xứng đáng.
Hình như đây là bước đầu của sự an tâm cho cả hai.

oOo

Tuy nói là biết nhưng thực sự cũng cần có sự nhận định khách quan. Không phải là bác sĩ tâm lý mà là bộ phận nhân lực của một công ty có ý tuyển tôi làm việc khoảng năm 89, 90 ở Toronto, khi mới qua. Sau khảo sát chuyên môn, trắc nghiệm phản ứng, tư cách; bộ phận chuyên môn hài lòng là tôi rất hợp cho trọng trách sẽ giao, nhưng người phía nhân dụng, có mặt im lặng trong suốt các buổi vấn đáp, phán rằng tôi là một người bị ‘tổn thương nặng’ (traumatized big time) và nhắn với công ty trung gian giới thiệu là “rất tiếc”. Tôi mặc nhiên chấp nhận phán đoán này dù không qua một sự khám nghiệm nào cả. Sự chấp nhận đi kèm với một sự thủ phận, thụ động trong cuộc sống xứ người (không thông cảm thì gọi là lười). Nếu đến cuối đời mà không dính tâm thần thì cái giá cho sự co rút ấy cũng phải chăng thôi.

Đêm nay đọc được hai chỗ trên Internet về hai giáo sư Anh văn mà tôi có hồi trung học:
Thứ nhất là lời tưởng niệm của một học trò, đàn chị, chị và gia đình có mối quan hệ mật thiết với thầy cho đến ngày thầy qua đời gần đây. Tình cảm chị đưa bài tưởng niệm lên một mức thân-thương-kính làm tôi mắc cỡ là không nhớ tới thầy mấy chục năm. Một năm Anh văn thầy dạy đóng vai trò không nhỏ trong cuộc sống của tôi, trong rồi ngoài nước.

7 năm trung học học Anh văn với không dưới 10 thầy cô. Người nào cũng tận tâm nhưng trò thì không để tâm, vì khó, vì lười, ham chơi; thường là 2 giờ sau nên thấy được là cúp cua xuống biển tắm sướng hơn. Thấy mấy thầy cô đọc Anh văn mệt quá thì mình đầu hàng trước cho phẻ, điểm trung bình là ok rồi.

Trước hết thầy có “huyền thoại” là đã từng sống ở ngoại quốc -Hongkong. Thứ nữa người ta đồn khi ra đi tiếng Anh của thầy đếm được trên đầu ngón tay, khi về thầy nói tiếng Anh như Ăng-lê.

Thầy đọc nhẹ nhàng, dễ dàng, không chút cố gắng, lên xuống êm ái. Càng đặc biệt là nghe được tất cả -yes, tất cả- các âm, dù đó là viết tắt, viết nối hay những cuối chữ s, es, ed. Mèng ơi, sao mà dễ vậy thầy. Biết dễ vầy thì con chịu học từ khuya rồi.

Nhờ thầy mà dù không trường lớp gì thêm, cũng đủ xài để câu cơm (vẫn không phát âm đúng mấy âm cuối thêm vô đó). Chữ gì không biết thì chêm hừ, hà, ah, oh; không hiểu, không biết nói gì thì...well, well..cầm chừng; họ hết nhẫn nại thì họ lập lại hay chuyển đề tài thôi. Biết thì phang, bồ nói bồ cười, bồ nói bồ ho, chêm thêm hí, há như nói tiếng Việt. Xong tuốt. Đa tạ Thầy!

Còn chuyện thầy say sưa giảng thêm về “Boston Tea Party”, hào hứng với câu khẩu hiệu “no taxation without representation” (không có dân biểu thì không đánh thuế) khi bài nói về thành phố Boston, có phải thầy hoài vọng nỗi niềm nào đó của thanh niên thời thầy. Đã sống ở Hongkong, mà học trò chỉ biết tưởng tượng, mơ; sao thầy lại quay về, sống trong ngôi nhà xưa cách thành phố Nha trang 5, 6 cây số, sáng sáng ăn xôi bắp, chạy Lambretta vô Nha trang dạy học. Bây giờ trò nhớ lại nửa hiểu nửa không.

Thứ hai là website của một giáo sư Anh văn khác. Website có những bài, tài liệu lưu trữ cho gia tộc của thầy. Tuy chưa đọc hết nhưng tôi đã thấy được hai điều -cho riêng minh- mà có thể người khác không cho là quan trọng. Thứ nhất là tôi vốn tưởng ông thầy này khuynh tả vì nghe đâu sau 75, ông ấy giữ nguyên vị trí của mình trong trường, còn lên dạy ở đại học. Ông ấy giỏi Anh văn, sống ở thành phố biển vượt biên khá dễ, sao không đi? Thì ra ông ta cũng trải qua thời kỳ bấp bênh gian khổ mà ông dùng chữ ‘vô định’ và mối dây ràng buộc ông với gia đình và quê hương quả rất nặng. Thứ hai là di sản gia đình của ông (ở quê cách Nha Trang 15 cây số) gần như còn nguyên, nhà từ đường cho tới đất vườn cũng như nhà ông ta sinh trưởng. Như một người thế hệ sau trong gia đình ông ta nhận xét “đây là cái hồn… của gia tộc”.

Cái ấy là cái gia đình tôi mất, mất hẳn sau di cư 54, di tản 75, vượt biển… Trốc gốc. Không còn căn bản để tựa vào, hóa giải những vấn nạn tâm lý, tình cảm, kinh tế ập đến cho mọi gia đình. Đọc xong tôi hết nghi ngại, không ganh tị mà  vui trong lòng: Trong đổ nát còn có những trường hợp toàn vẹn. Phúc phận hay quyết tâm thì không biết nhưng phải mừng cho thầy và gia đình, thật quý hóa biết bao nhiêu! Ngộ ra đó thầy. Cám ơn Thầy!

Hình như tôi đang rón rén đặt chân được lên nấc thang đầu. Không phải hồi hương, một nửa tôi hiểu một nửa tôi không. Nhớ cậu bé, thầm mong.

Ly cà phê nguội ngắt. Hâm hay pha ly khác. 4 rưỡi sáng.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022