SỐ 95 - THÁNG 7 NĂM 2022

CHUYỆN CUỐI TUẦN

Có lẽ, ở Đức khổ nhất phải đi đám cưới, khi hai gia đình thông gia là kẻ bắc, người nam. Khổ hơn nữa, hai ông bố của cô dâu, chú rể trước đây, người là lính Nam (VNCH), người lính Bắc (bộ đội). Sự buộc phải thông gia, bởi con trẻ này (còn gọi cưỡng sui) đôi khi khóc, cười ra nước mắt. Hôm rồi, tôi được mời dự lễ trưởng thành (Jugendweihe) cháu của hai ông bạn già như vậy ở gần Frankfurt am Main…

Hai ông bạn này, tuy là thông gia, như rất khắc khẩu nhau. Vinh (Cuội) nguyên là bộ đội đánh đấm mãi ở chiến trường Tây Nguyên. Sau tháng 4-1975 giải ngũ, vật vờ, với cái đói triền miên, buộc gã phải bán mảnh đất ông bố vừa chia cho, chạy chọt, hối lộ mãi mới được sang Đức, trở thành bạn cày thuê cuốc mướn cùng tôi. Còn Hai Cảnh lính miền Nam vào trại cải tạo dăm năm, chẳng biết có gột rửa được thân xác, hồn vía gì hay không? Mãn tù, gã chuồn thẳng ra biển, được tàu Cap Anamur của Đức vớt, rồi định cư ở Rheinland-Pfalz. Tôi quen với Hai Cảnh ở trại tị nạn Ingelheim, khi bức tường Berlin sụp đổ. Trời xui đất khiến thế nào đó, (khoảng đầu những năm 2000) con của Vinh Cuội và Hai Cảnh quen, rồi yêu nhau, khi cùng học ở Universität Mannheim. Nghe nói, buổi đầu gặp gỡ hai gia đình, rượu vào lời ra của hai ông bố, sau đó bát đĩa bay vèo vèo. Tưởng chừng, hai ông bố không bao giờ gặp nhau nữa, nhưng đám con trẻ đã ăn cơm trước kẻng, gạo nấu nhão thành cơm. Do vậy, buộc hai gã phải ngồi lại, giải quyết một mầm sống sắp ra đời, bằng một đám cưới cũng ra trò, dù trong lòng rất ấm ức. Tuy vậy, hai gã này, khoái văn chương và máu đọc sách. Nhưng cái sự yêu ghét, say mê của hai gã vô cùng cực đoan. Trong giỗ chạp, hội hè buộc hai gã ngồi cùng mâm, thế quái nào hai bà vợ cũng phải kè kè bên cạnh để giảm nhiệt, và canh chừng bát đĩa…
Lễ trưởng thành cháu nội kết thúc, Hai Cảnh (gã lính miền Nam) kéo tất về tụ ở nhà hàng của gia đình. Tôi đang đảo mắt tìm bàn ngồi cho hợp cạ, khật khừ cho khí thế, bất ngờ bị chộp cổ áo kéo giật ra phía sau:

- Thằng cu Đỗ Trường…lên đây, lên đây!

Nghe đúng giọng Tú (Gái), tôi thụp xuống, làm gã tuột tay, ngã ngửa ra phía sau. Một tay vướng cầm cái Micro to vật vã, lồm cồm một lúc Tú Gái mới đứng dậy được:

- Thằng quỷ lâu lắm rồi mới gặp, lên đây… anh mày đang chuẩn bị cho chương trình thơ và nhạc đêm nay. Được thì cho mấy lời bình nhé!

Đỡ cái Micro để cho gã xốc lại quần áo, tôi bảo:

- Anh em mình lâu chưa nhấc lên cùng nhau thôi, nhưng vẫn thấy bác đọc, trình diễn ra rả tổng hợp các loại thơ trên FB và Youtube mà.

Tú Gái cười tươi, chỉ lên sân khấu khoe dàn âm thanh mới nhất vừa mua, mang đến góp vui với gia chủ.

Tú Gái đong đưa, ỏn ẻn, lúc nào nhìn cũng cứ như gái hồi xuân, lại thì vậy. Ấy thế, không hiểu sao gã trở thành bộ đội lái xe tăng thời chiến tranh, rồi sang Đức làm thuê cuốc mướn ở thành phố tôi. Cũng trải qua dăm mối tình cả trai lẫn gái, đến nay ở cái tuổi (gần) thất tuần gã vẫn còn giai tơ. Mọi người cứ đùa như vậy. Không rõ, Tú Gái khoái thơ và đọc thơ từ khi nào? Nhưng mấy năm gần đây, gã ăn cũng thơ, ngủ cũng thơ. Bùa mê thuốc lú gì, mà cái món này làm cho gã cứ như bị ma ám, với mức độ tăng dần đều. Ban đầu tháng một lần, rồi đẩy lên hằng tuần, cho đến nay, ngày nào gã cũng đọc thơ, ngâm thơ, trình diễn thơ, ghi hình, gửi khắp nơi cho bạn bè FB, hoặc ngoài đời. Mấy ông, mấy bà sồn sồn hưu trí, nội trợ bếp núc được gã trình diễn thơ của mình khoái lắm. Các mỹ từ vây quanh, làm gã hơi bị bất ngờ, choáng. Vậy là, thành nghệ sĩ rồi còn gì nữa. Gã vội tút lại khuôn mặt, quần áo chim cò nhún nhảy, nhưng khổ cái, dáng đi hơi bị chàng hảng không giấu được, nhìn phát biết ngay nghệ sĩ tỉnh lẻ, cấp phường xã. Từ ngày về hưu Tú Gái càng rách việc. Cưới xin, ăn hỏi, hội hè, ma chay nào gã cũng nhảy phóc lên đọc thơ. Giọng lúc nào cũng run rẩy, méo như sắp khóc của gã đọc nơi đám ma thì ngon lành, chứ nơi cưới xin vui nhộn quả thực tai hại. Bởi, gã không phân biệt, cảm nhận được thơ hay, dở dẫn đến lẫn lộn cảm xúc thật, giả. Gã cứ ngỡ giả run rẩy đánh lừa cảm xúc. Do vậy, hôm cưới con ông bạn cùng đội lao động cũ, gã đang đọc thơ trên sân khấu, bị bọn trẻ bế xuống, và dọa, sẽ đưa thẳng vào trại cai thơ. Thấy gã giãy giụa, kể cũng ái ngại, chủ nhà vội can, và bảo:

- Chúng mày bỏ bác ấy ra. Không đọc thơ nhạt miệng, bác ấy chịu thế chó nào được. Cái món này còn khó cai hơn cả thuốc phiện ấy chứ… lại.

Đang chuyện trò với Tú Gái, chị Lan (vợ Hai Cảnh) chạy đến kéo tay tôi:

- Hai lão đang diễn võ dương oai, em sang ngay, không bát đĩa bay khắp nhà bây giờ!

Tôi vội đến, thấy Hai Cảnh, Vinh Cuội đang ngồi xổm trên ghế. Mặt hai gã đỏ phừng phừng, yết hầu cứ như hai con chuột chạy lên chạy xuống. Đ. Má. Hai Cảnh văng tục rồi đập tay cái rầm xuống bàn:

- Bảo Ninh viết xong Nỗi buồn chiến tranh thì tịt ngòi. Mấy chục năm nay có rặn được ra tác phẩm nào nữa đâu…

Vinh Cuội tức khí, nhảy chồm chồm, chì chiết:

- Sau Dấu Binh Lửa…Dựa Lưng Nỗi Chết… vậy thì, thử hỏi từ 1975 đến nay, Phan Nhật Nam của ông có viết được tác phẩm nào cho ra tấm ra miếng không? Nhất là gần đây Phan Nhật Nam ấn nhận xét của Phạm Tín An Ninh vào mồm của Đỗ Trường, lầm lẫn một cách rất ngây ngô, khi viết bài: Về vũng lầy Văn học miền Nam sau 1975. Ông này lẫn, lẫn thật rồi…

Biết hai gã này, đang bới móc, xỉa xói rất cực đoan về những nhà văn yêu mến của nhau, nên tôi ấn cả hai ngồi xuống ghế:

- Nhà văn cũng là con người, có lúc hay lúc dở, không phải lúc nào cũng viết được. Bảo Ninh tuổi đã thất thập, còn Phan Nhật Nam đã bước vào cái tuổi bát tuần nhầm lẫn, quên nhớ, nhớ quên là chuyện rất bình thường. Các bác không biết rằng, mỗi một con người trong đời chỉ có dăm, bảy năm thông minh, ngon lành, còn lại thì cứ đì đẹt. Chẳng thế, mà ông Mỹ chỉ cho phép làm tổng thống đến 8 năm là kịch đường tầu đó sao! Như vậy, Bảo Ninh, Phan Nhật Nam của các bác vụt sáng lên rồi chợt tắt cũng là điều đương nhiên.
Thôi hai bác cạn phát để hạ nhiệt. Cực đoan dễ xa nhau lắm…

Hai Cảnh, Vinh Cuội nghiến răng, chõ thẳng vào tôi với ánh mắt ngầu đục, đồng thanh:

- Ông ba phải bỏ mẹ đi được!

Rình cho hai gã liu riu gật gù, tôi chuồn thẳng.

Leipzig ngày 15-7-2022
Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022