SỐ 95 - THÁNG 7 NĂM 2022

Đôi dòng tưởng niệm Jean-Paul Sartre

Thi Vũ

Trong cuộc mạn đàm cuối cùng với Benny Lévy hồi tháng 3 năm nay, Sartre nói : " Tôi không bao giờ nghĩ tư tưởng mình hay một mình mình sẽ đổi thay được thế giới, nhưng tôi đã nhận ra đó đây những lực lượng xã hội tung sức đi lên và tôi cảm thấy chỗ đứng của mình là sát cánh với họ ".

Cuộc dấn thân đời Sartre bộc lộ chân thành qua câu nói lúc xế chiều.

Con người đó đã được tôn sùng quá lắm, mà cũng bị chửi rủa không vừa. Kẻ khen người chê, song hiểu ông hay đọc kỹ tác phẩm ông dường như không nhiều.

Rất đông trí thức chưa hiểu vì sao ông dựng lên qua tác phẩm những hình ảnh vô luân, nhầy nhụa, tàn nhẫn, dù văn mạch quyến rũ, bi hùng. Thực ra Sartre muốn đẩy con người vào chỗ tận cùng dơ dáy mà chính họ đang sống nhầy nhụa hàng ngày, tuy họ chẳng ý thức, mong họ nhận chân bản lai diện mục, nhận chân trách vụ với đời, nhận chân sự tự do vô hạn nơi hư vô.

Tiếc một điều là con người tài hoa rất mực, thông minh tới độ quỷ quái đó đã dừng chân trong tầng lầu suy niệm Tây-phương, nhóm khởi từ tiền thân Thiên Chúa giáo cho tới hậu thân Hégel. Chưa ai dẫn dắt Sartre cất bước sang vòm trời Đông - phương mênh mông kỳ vĩ.

Ông có cái thót mình của Pascal, cái hoảng hốt của Kierkegaard, nhưng rồi lảo đảo trước những ảo danhsự biến xẩy tới nơi định mệnh hằng ngày. Sartre không được chứng kiến nụ Cười Đức Phật, hay triền Núi sương non nơi Lão Tử bước qua. Phải chăng đó không là bi kịch đời ông. Lửa lên hừng hực, mà ông thì thiếu nước, ông đã thiếu một giòng sông, một giếng nước, thiếu cả chiếc gàu rơi giọt long lanh.

Con đường Đông-phương xa tắp trời xanh, chẳng ai mời gọi, ông không dám mạo hiểm ra đi, nên đành nép đời mình nơi đô thị, sống cảnh " Lòng lạc loài ngay từ thuở sơ sinh " của Huy Cận (Huy Cận của thời còn xanh trời và chưa đỏ dạ). Lạc loài nơi xã hội rối ren, bẩn thỉu, bất công, mất gốc, trưởng giả, Sartre giận dữ xách gươm thách đấu với xã hội rác rớm không xê dịch, xả kiếm chém vào trò đạo đức bẩn thỉu của thói đời.

" Thế đấy gọi là tử tế, là dễ thương, là thiện nhân ? Nói huyênh hoang rồi chuồn lẹ, chuồn mất không ai hay. Miệng cứ đả đớt một là " xin lỗi " hai là " cảm ơn "... Đạo đức, thiện tâm chỉ có thế thôi ư ? " Alors... c’est ça le bien ? Filer doux. Tout doux. Dire toujours " Pardon " et " Merci "... C’est ça ? Một thứ định mệnh hủ hóa mà ông muốn so tài để giành lấy về mình điều ông ao ước : sự Tự Do vô hạn.

Sartre theo chân Nietzsche, Gide, đòi hỏi sự Tự Do cho con người ngang quyền Thượng Đế. Phải phá đổ tất cả, để làm lại từ đầu. " Gạt ra ngoài tai mọi luật tắc, để đón nghe lề luật mới " — Il faut être sans lois pour écouter la loi nouvelle.

Đã mang lấy nghiệp vào thân
Đừng nên trách lẫn trời gần trời xa.

Sống là tự chọn lựa, là đảm trách, là ý thức từng giây sinh hoạt. " Mỗi người phải tự chọn lựa cho mình ; và tự chọn lựa cho mình để nhẩy vọt liên lỉ từng trượng cao ra khỏi cái mình nhỏ nhen ". Il doit se choisir lui-même ; et ne se choisit que pour bondir constamment par delà lui-même.

Có trời mà cũng tại ta
Ấy là hồ điệp hay là Trang sinh ?

Ở xa, có ai ngờ Sartre cũng gần gũi Nguyễn Du. " Tự do nhưng đã bị tuyên xử, đó là bi kịch của người đời... lệnh án tuyên ra là con người phải sống mãi mãi với tự do ". Libre mais condamné, tel est le destin tragique de l'homme... L’homme est condamné à être libre.

Tự do và sự lĩnh án, hai cái trái ngược nhau nhưng vẫn cứ đi cặp như hạnh phúc và khổ đau, độc lập và bị trị. Chỉ là trái ngược của nhân quả, hễ có hành động (tức nghiệp) là có kết quả hành động ấy như một án lệnh.

Sartre nắm vững sự liên đới của mâu thuẫn, nhưng chưa tìm ra mối nhập một của Không Hai. Ông đã thấy rất rõ " Ý thức là ý thức một cái gì... Điều căn để của ý thức là chớ ở lì trong ý thức, mà phải chú tới một đối tượng bên ngoài ". Toute conscience est conscience de quelque chose... le propre de la conscience est de ne jamais être elle-même, mais d’être toujours attention à un objet extérieur. Bởi vì " thiếu ý thức, mọi vật tồn hữu trong sự bát nháo vô nghĩa. Thiếu mọi vật, ý thức không hiện hữu, bởi vận mệnh của ý thức là tri giác về sự vật ". Sans la Conscience, les Choses sont, mais elles ne sont rien qu’un Chaos sans signification. Sans les Choses, la conscience n’existe même pas, puisque sa vie consiste à les penser.

Nhãn quan Sartre quay vòng với chuyện mình và ngườị, hục hặc, thao thức trước Tự Do. Và ông đã dựng học thuyết mình trên vật thể tự nội (en soi) và vật thể tha quy (pour soi) để chiến đấu trường kỳ trong khu đề lao lịch sử. Trí lực ông cao mà nội lực ông thiếu, ông không đủ sức đề khí bay bổng lên thinh không bắt cái " Tính Không " tàng ẩn nên ông nhốt tù ông cùng lúc với Tự do.

Sartre có những tư tưởng xuất thần trong " L’Être et le Néant " như khi ông nhắn ta : " Này nhữngkẻ thường nhân kia, hãy lướt qua, đừng tì dựa. Lý tưởng nhất là lướt qua mà không để lại một dấu vết nào ". Glissez, mortels, n'appuyez pas. L’idéal du glissement sera un glisse­ment qui ne laisse pas de trace ".

Lướt đi, lướt tới, vượt qua mọi mối hời hợt, giả trá, khốn nạn, đạo đức gỉả trong đời sống. Đừng bám thân vào đôi cánh phù du, bèo bọt. Tuôn đi như sông nước, quất tới như sấm chớp. Mình kéo thế gian theo nhịp điệu kiêu hùng tồn sinh miên viễn, đừng để rác bẩn ung thối vật thể tự nội của mình. Cứ thế mà tha quy. Tha quy tới tận cùng giới hạn. Đừng lưu lại dấu vết. Lưu lại là còn bám víu, còn chờ đợi lãnh thưởng, còn chịu làm tên nô lệ, còn vì danh hư hoá mình nơi Tự do vô hạn nhưng hãi hùng kia. Một nháy mắt nào đó, bất ngờ Sartre đã thấm đượm tinh thần " vô trước " — không bám víu — dung thông vô ngại của Thiền Sư Hương Hải, thi sĩ Việt Nam ở thế kỷ XVII :

Nhạn quá trường không
Ảnh trầm hàn thuỷ
Nhạn vô di tích chi ý
Thuỷ vô lưu ảnh chi tâm.

" Lướt đi, lướt qua, đừng tì dựa, đừng để lại một dấu vết nào ". Như con nhạn liệng giữa thinh không, bóng rơi vào mặt nước lạnh, nhạn không hề có ý lưu dấu, nước cũng chẳng muốn giữ bóng nhạn vào lòng. Sartre có hiểu cho rằng : Vật thể không tha quy vì vật thể vốn chẳng có tự nội. Vì vật thể là vật thể như nhiên không biện giải, biên kiến. Chúng không đối chọi hay song hành bởi chúng không hai — vô tự tính. Tất cả thảnh thơi tung vỡ giới hạn. Tự do là một cái lướt đi, một sự vượt tới. Tự do là tung vỡ giới hạn và không lưu dấu, dù biến hiện trùng trùng. Kẻ nào lưu dấu kẻ đó bị cột trói, đeo còng.

Thế nhưng Âu-Châu hiếu động, tranh chấp, không cho con tim thương mến của Sartre có khoảng trời xanh suy tưởng, ngày càng đẩy ông vào cảnh dấn thân lưu đày, ngày càng mang lên ông muôn thứ mặt nạ hung dữ hóa trang tâm trạng dịu dàng và tình cảm của mình. Như Hoàng-tử Oreste trên đường về thành Argos, trong vở kịch Les Mouches (Loài Ruồi nhặng) mà ông tự hào nhất, vì đã đưa ra loại kịch mới, kịch của từng tình huống (théâtre de situations) đối chọi với kịch cổ điển. Oreste tâm sự :

" Tôi đi từ thành này sang phố khác, xa lạ với mọi người và với cả chính tôi, rồi những thành phố trùng điệp khép lại sau bước chân tôi như mặt nước yên tĩnh ". Je vais de vue en vue, éranger aux autres et à moi-même ; et les villes se referment derrière moi comme une eau tranquille. Hoàng tử Oreste bị lưu đày là hình hóng của Sartre hay của chính chúng ta hôm nay ? Bị tên loạn thần Egisthe tiếm đoạt ngôi vua, giết cha rồi sống với mẹ mình, Oreste đành bỏ đi lang thang 20 năm ray rức. " Tôi đã biết mình bị lưu đày... Những hương vị và âm thanh, tiếng mưa rơi trên mái ngói, những lẵng nắng đung đưa, tôi để mọi thứ đó lướt qua thân thể mình và tràn rơi bốn phiá ; tôi biết mọi thứ đó bị những kẻ khác chiếm rồi, và chẳng bao giờ còn được cất giữ chúng vào kho tàng kỷ niệm ". Je savais que j’étais exilé... Les odeurs et les sons, le bruit de la pluie sur les toits, les tremblements de la lumière, je les laissais glisser le long de mon corps et tomber autour de moi, je savais qu’ils appartiennent aux autres et que je ne pourrais jamais en faire mes souvenirs... " Tôi gọi mời bao kỷ niệm, tôi xin một miếng đất, một chỗ đứng giữa lòng dân thành Argos. Tôi muốn kéo cả thị trấn bao quanh như cuốn thân vào chăn ấm. Không, tôi sẽ không chịu đi đâu cả ". Je veux mes souvenirs, mon sol, ma place au milieu des hommes d’Argos. Je veux tirer la ville autour de moi et m’y enrouler comme dans une couverture. Je ne m ’en irai pas.

Nói thế nhưng rồi cứ phải ra đi. Kẻ nào tự bảo tôi không làm chính trị, tôi không thiết chuyện đấu tranh, tôi chỉ biết làm ăn, yên thân lo cho vợ con gia đình, là kẻ dối gạt. Vì đó là những giấc mơ khó đạt, là ảo tưởng phù du, như Oreste từng nói mình không chịu đi đâu cả, nhưng rồi phiêu bạt 20 năm, lê lết tấm thân trơ trọi lưu xứ. Lịch sử, thời cuộc để cho ai yên đâu. Các anh cứ tha hồ phát ngôn cho bằng thích, nhưng rồi các anh sẽ lần lượt làm hết mọi điều mà xã hội, nhà nước, lịch sử, chính trị sai bảo. Các anh là kẻ tử tù chờ giờ hành quyết. Các anh như cậu thiếu niên chờ tuổi quân dịch. Khôn hồn thì nên tự liệu, mở nhanh cửa, phóng bay giải thoát. " Trong thế giới này, mỗi người đều có một con đường, họ phải băng qua thì mới nên người ". Dans ce monde, il y a désormais un chemin qui est sien, par lequel il faudra passer pour devenir un homme... " Jupiter ạ, bởi tôi là người, và mọi nguòi phải tự vạch cho mình một con đường ". Car je suis un homme, Jupiter, et chaque homme doit inventer son chemin.

Cách vạch đường của Sartre là sự thử thách so tài với tự do, là hành động sống chứ không vì mục tiêu vụ lợi. Oreste hay Sartre về thành Argos giết kẻ tiếm vị, không để trả thù cha hay ngắm nghé ngai vàng. Oreste đang diễn ra bằng hành động lực sống tồn sinh của mình. Oreste cười ha hả với định mệnh, trói nó lại, rồi khoác áo ra đi. Chỉ có thế, rồi như thế mãi.

Sartre cũng tự vạch cho mình một con đường, và ông trung thành đi suốt 75 năm. Mỗi chúng ta ai cũng phải tự vạch lấy đường đi.

Dù đi đường riêng, Sartre vẫn trùng hợp chúng ta nhiều lắm. Từ những năm 46, Sartre đã chống cuộc chiến tranh phục vụ thực dân tại Đông Dương — mà hậu quả đưa tới cuộc chia cắt đất nước năm 54 (trong khi Maurice Thorez Tổng bí thư đảng Pháp Cộng, Phó thủ tướng Pháp, theo lệnh Mạc Tư Khoa ủng hộ De Gaulle chiếm lại thuộc địa Đông Dương) ; lúc đó Sartre bút chiến với đảng Cộng sản Pháp về sự cuồng tín của họ. Tới sự biến Budapest 56, Sartre ra mặt chống chủ nghĩa Staline. Qua năm 66, Sartre tham gia " Tòa án Russel " chống chiến tranh Mỹ ở Việt Nam, vì Sartre tưởng như thế là đứng vào hàng ngũ nhân dân Việt Nam bị trị ; và cũng vì những người-quốc-gia-có-chính-quyền thời đó không đủ khả năng giải thích hay vận động quốc tế về chính nghĩa Việt Nam !

Bằng chứng là cuối năm 78, Sartre hạ bút ký tên ủng hộ Chiến dịch " Một Chiếc Tàu Cho Việt Nam " do cơ sở Quê Mẹ khởi xướng ở Paris, khiến chính quyền Hà-nội ngẩn ngơ, bỉ mặt. Thế nghĩa là Sartre luôn đứng bên hàng ngũ kẻ cùng đinh, kẻ bị áp bức, thay vì theo đuôi chính quyền độc ác. Có người ví rằng : Mỹ đổ hàng trăm tỉ Mỹ-kim nhưng không thắng được Hà-nội, nay chữ ký của Sartre ủng hộ Người Vượt Biển làm cộng sản ở Hà Nội bại trận trên công luận quốc tế.

Sang đầu năm 80, nghe tin cơ sở Quê Mẹ vận động thành lập Đại Học Tự Do Việt Nam tại Paris, Sartre tán thưởng, bằng mấy dòng thủ bút ngắn ngủi nhưng chân tình. Đặt bút viết mấy dòng chữ ấy lúc mắt Sartre sắp mù, xem như hoa đốm thời tịch dương :

" Tôi hân hạnh và sung sướng biết bao để cùng với những vị khác bảo trợ cho cuộc toan liệu huấn giáo và bảo vệ nền văn hóa phong phú và lâu đời của Việt Nam. Cầu mong cho dự án thành lập Đại Học Tự do thành tựu. Các Bạn hãy tin vào sự hỗ trợ của tôi. "

Ai bảo Sartre không kính trọng văn hóa nước ta ? Ai bảo Sartre không một lòng hậu thuẫn nhân dân ta ? Ai nỡ đem thứ danh từ đốn mạt ghép lên con tim yêu qúi loài người như Sartre ? Trong khi có kẻ trong chúng ta, bán tháo đất nước cho ngoại bang, cúi lạy những trang thờ ảo vọng, sa lụy chuyện nhỏ nhen, ích kỷ, hay huyênh hoang chức tước tràn lênh danh thiếp. Sartre đã khinh thị trả lại tấm huy chương Bắc Đẩu Bội Tinh nhà nước Pháp muốn gắn lên ngực ông. Sartre cũng quay lưng không nhận Giải Nobel Văn học. Đời là gì mà dám đánh giá ta bằng huân chương ?

Sartre xứng có chỗ ngồi trong tâm tưởng chúng ta.

Sáu mươi nghìn người ở Paris lặng lẽ đưa Sartre về nghĩa trang hôm hạ huyệt, là chứng tích tài hoa và sự thương mến. Tôi bàng hoàng nhìn những cụ già, những chị nữ, những thanh niên chen chúc âm thầm hàng giờ tới gần mộ, để vất qua trùng trùng người một đóa hoa hồng u mặc hay nụ cẩm chướng bơ vơ...

Và hôm đó trong ba vòng hoa chính thức đặt trên mộ Sartre, có một vòng hoa đại diện cho Chiếc Tàu Đảo Ánh Sáng — Ile de Limière, đại diện cho những Người Vượt Biển Việt Nam như một tưởng mộ chân thành.

Nhớ tới Sartre, giữa cảnh trống vắng nơi xã hội suy tàn tâm linh, đáng nên viết một bài dài, một cuốn sách nói về các tác phẩm cùng nỗi hoài vọng của Sartre. Nhưng hôm nay xin tạm thảo vài giòng tưởng mộ, tựa trầm hương đốt, lấy tiếc thương và trí nhớ làm khói bay.

Tiếc là tôi đã không cùng Sartre làm cuộc đối thoại về sự thể Việt Nam 30 năm qua. Sartre ngỏ ý muốn bỏ ra vài ngày tọa đàm, tìm xem cớ nào một lý thuyết phục vụ vô sản lại trở về bần cùng hóa nhân dân trong một xứ sở Đông Phương. Thế nhưng bệnh tình Sartre xuống nhanh, hoạt động và sinh kế tôi làm cho nhau xa mãi.

Nay Sartre đã ra đi...

Nhưng hề chi ! Những gì Sartre ôm ấp, cưu mang, chúng tôi nối tiếp, trùng hưng theo lối chúng tôi. Phải không Jean-Paul Sartre ?

Thi Vũ
Gennevilliers, 1.6.1980

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, tản mạn, Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022