và rồi
TẤT CẢ SẼ NGUÔI NGOAI
CAO VỊ KHANH
Đã có bao giờ bỗng dưng rồi tự hỏi... để làm gì, đời ta ?
Suốt vài chục năm hít thở, ăn ngủ, đi lại, yêu đương, làm tình, kéo bè kết bạn, gieo thù gây oán, thư thả kiếm ăn hay quần quật cày cục... đã có lần nào giựt mình, khựng lại rồi băn khoăn... để làm gì, giọt nước mắt, tiếng cười, nỗi buồn này, niềm vui nọ, mối lo kia, những vai ngang khoác áo hào hoa hay những vai trần vác đá... Để làm gì, những đối nghịch phũ phàng ?
Ờ, đã có bao giờ ?
Hay rồi chỉ sống như một thứ hình nhân múa may theo những sợi giây kéo vô hình... sáng, trưa, chiều, tối, xuân, hạ, thu, đông, hổm rày, bữa nay, mai mốt, năm này, năm tới... năm sau nữa... sau sau nữa... rồi... bổng... chợt... khựng lại ngang xương ! Y như cái đồng hồ cũ đứt giây thiều phát đứng sựng hai cây kim bất kể giờ giấc, dù giờ giấc vẫn nhúc nhích đều đều ! Thiệt là... !
... Hồi còn nhỏ lắm, có lần được má cho tiền đi coi hát bóng xuất trưa ở một tỉnh lẻ. Buổi trưa ở một cõi mà ai nấy có tật ngủ trưa cho qua cái nắng cứ làm hấp háy hai con mắt. Rạp thì nhỏ xíu, có hai ba cái quạt trần vừa quay vừa gục gặc như ngủ gà ngủ gật. Mình mẩy ướt đẫm mồ hôi mà mắt thì cứ dán chặt lên cái màn vải đang chiếu phim Ngư Ông và Biển cả (**). Phim màu tết-nít-cô-lo, màn ảnh đại vĩ tuyến, kể chuyện ông thợ câu già sụ dằn co với con cá lưỡi kiếm to sù. Biển cả ngăn ngắt màu xanh nổi hung bung bọt sóng trắng ngần... Con cá thì quyết tình vùng vẫy. Ông câu thì quyết tình giữ chặt con cá đã lỡ cắn câu để phủ nhận cái tin đồn đã hết thời... câu cá. Hai bên quần thảo với nhau suốt ba ngày hai đêm. Sau hết, cá chịu thua, thúc thủ. Cá lớn tới nổi không chứa được trong ghe, ông phải buộc vào mạn thuyền rồi dong buồm về bến. Vậy rồi, suốt trong chuyến trở lại bờ, một bầy cá mập đuổi theo giành giựt. Sức tàn lực kiệt, sau khi đã hết lòng bảo vệ cho “nạn nhân” của mình, tới phiên ông thúc thủ, đến nỗi khi cặp bến rồi, kết quả còn trơ lại một bộ xương... cá. Cái hình ảnh bộ xương cá thịt thà trống phọc, sót lại sau một trận chiến tận tình làm thằng con nít coi phim giựt mình. Vậy đó sao, kết quả của một cố gắng tột cùng là một bộ xương trống hoang trống hoác. Hổng biết ông tác giả truyện kể còn ẩn ý gì không chớ nội cái hình ảnh đối nghịch đó đã đủ giáng vào cái đầu nhỏ xíu vài ba câu hỏi... mà chẳng có câu trả lời.
Vậy rồi, ngày tháng qua... mỗi ngày mỗi lớn nhồi nhét thêm ba cái mớ triết lý tây tàu kim cổ đủ kiểu đủ hạng. Mà làm như hương vị hổ lốn quá nên khó tiêu thành ra cứ chứng nào tật nấy, lại theo thói hoang đàng nên chẳng có đáo-bỉ-ngạn được bờ bến nào hết. Rốt lại tới lui rồi cứ lơ mơ như một kẻ ăn nhờ ở đậu trong cái gian nhà trọ trống phọc mà người tới người đi thì nườm nượp nên chẳng hơi đâu mà thắc mắc... Dù chỉ một lần !
Thêm nữa, dẫu đã sống suốt một tuổi trẻ giữa thời buổi giặc giã, nhưng vì chí làm trai hẳn nhỏ hơn cọng chỉ luồn kim, lại được đặc ân lánh mình đằng sau khung cửa Khổng sân Trình thành ra ít nhiều cũng được hưởng mớ thực phẩm trần gian vốn được bày ra thừa mứa trước mắt. Phàm phu tới nổi chẳng có thì giờ đâu mà thắc mắc nọ kia với những vấn nạn siêu hình kể cả chuyện ông thợ câu với bầy cá mập. Kể ra cũng đáng... tội-làm-người mà hồn cây cỏ!
Nhưng mà, thôi thì, chuyện phần số cũng lấp liếm mà bỏ qua !
À lại nại ba cái số phận ra mà kể lể. Có thật chăng, định mệnh? Hay nghĩ cho cùng, hai chữ định mệnh, số mạng... chẳng qua là để nói cho văn vẻ về một chuyện mà ai nấy mù tịt, hay để tự trấn an trước những vấn nạn về kiếp nhân sinh. Mấy ngàn năm rồi đã có câu trả lời nào thỏa đáng. Hay chỉ có những vẽ vời để ru ngủ những tọc mạch. Đời người trăm lẻ một phần trăm, có phải chỉ là cái vòng tròn kín mít. Đi không rồi lại trở về không !
Có phải, số phận con người cũng tròm trèm như mẫu chuyện mà Ernest Hemingway đã viết và đã được quay thành phim. Mà Spencer Tracy trong vai ông thợ câu, râu tóc bạc trắng như cước sau suốt một đời chèo chống kịch liệt, còn trận chót đã chiến đấu cực lực và... đã chiến bại cực cùng.
Mà nếu đã vậy thì sao lại bương chải, cày cục trầy trật trườn lên tuột xuống, bường lên trợt xuống, ai nấy cũng hết một đời cứ làm cái chuyện quả là... vô vọng. Sao không như đám lục bình thả lều bều theo con nước lớn nước ròng, trước sau gì cũng phận lục bình, ngày hai buổi lêu bêu theo nước ròng nước lớn !!!
Nhớ, lúc còn... làm-thầy, có lần đang thao thao rao giảng thế-sự-thăng-trầm- quân-mạc-vấn-yên-ba-thâm-xứ-hữu-ngư-châu-vắt-tay-nằm-nghĩ-chuyện-đâu- đâu-đem-mộng-sự-đọ-với-chân-thân-thì-cũng-hệt, bỗng bất chợt giựt mình khan... vì một thoáng ý chớp qua, rồi... giựt mình quày lại... lên giọng tiếp đúng kiểu giáo khoa với đám em út đang ngồi xếp de dưới lớp, coi như chẳng có gì xảy ra trong cái đầu vốn thường hay loạn lạc... quên phức luôn cái chuyện Chu Thần đã nói rõ ràng chân thân với mộng sự là một
Hẳn nhiên cũng phải có nguyên do. Thứ thắc mắc mà người ta hay phủi tay, lắc đầu mà phán... ối hơi đâu. Nhưng dẫu bỏ qua mà lại như in dấu trong đầu lời của ông Cao đã phán chắc mẻm như một với một là hai. Chân thân với mộng sự là một. Một. Hay nói cho ra vẻ triết lý cao siêu chút, chân thân chính là mộng sự và mộng sự là chân thân. Y như kiểu đồng tiền sấp ngửa. Thường hể thấy ngửa thì mừng mà sấp thì bí xị. Dù rằng mừng hay bí xị cũng chỉ cùng một bản mặt.
Nghĩ cũng ngộ. Cái chuyện vô lý vô nghĩa đó, đâu có mới lạ gì đâu. Đời trước, mấy chục, mấy trăm, mấy ngàn đời trước đã nói đến hoài. Đã nhắc nhở, đã khuyên răn, đã tỉ mỉ tẳn mẳn chỉ dạy đủ kiểu đủ cách mà rồi... chứng nào tật nấy, thiên ha cứ đâm đầu vô mà chụp giựt. Kể cả cái thứ gọi là hạnh phúc không hình thù chẳng màu sắc, chẳng biết tròn méo ra sao... mà cũng không thiếu người lặn lội đi tìm.
Mà nghĩ đi rồi nghĩ lại. Nếu không làm vậy thì làm gì. Làm gì ? Nếu không làm cái chuyện vô lý vô nghĩa đó thì làm gì, cuộc sống này ? Sinh ra. Chập chững tập đi. Đi vững rồi đi vòng vòng. Đi vòng vòng để rồi, rốt lại, tới ngay bon cái chỗ bắt đầu. Chẳng lẽ cả và thiên hạ đều là ngây ngô ? Mà nếu không ngây ngô thì là gì ? Tây Tàu gì cũng y như nhau. Bên thì ưỡn ngực gằn giọng Que je meure au combat, ou meure de tristesse Je rendrai mon sang pur comme je l'ai reçu kiểu như Don Rodrige trong Le Cid khi bị giằng co giữa bên tình bên hiếu. Bên thì gồng mình kiểu chí-làm-trai-dặm-ngàn-da-ngựa, gieo-Thái-Sơn-nhẹ-tựa-hồng-mao. Mà rồi, rốt lại, rốt lại rồi sao ? Mượn ông Nguyễn Du cho-khỏi-ai-cải... rốt lại chẳng-qua-một-nấm- cỏ-khâu-xanh-rì ! Đó, cái chỗ kỳ cùng đó. Vua quan tướng tá phú hộ giai nhân mỹ nữ... nói gì tới đám lục lục thường thường... rốt lại chỉ xuôi theo đường-một- chiều mà xuôi tay... từ tạ.
Hổng chừng bắt chước ông Thanh Nam mà... chắc lưỡi thêm : Canh bạc sòng đời dù thua được. Nẻo về đất lạnh giống nhau thôi.
Nghe thì cay đắng tới lạnh lòng. Mà có làm gì khác được đâu. Kể cả cái ông Đường Minh Hoàng oai quyền trùm thiên hạ mà cũng có tìm được thuốc trường sanh đâu nà. Mọi vọng động cũng đều vô ích, vô nghĩa, vô lý, vô hiệu, vô dụng, vô định, vô cớ, vô can... Thì thôi ...
Muốn chấm hết mà rồi sao nhớ lại ...- lại nhớ ! - mấy câu thơ của ông Tô Thùy Yên.
Hi hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
Thiệt vậy sao ? Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai ! Trong bản chánh của bài thơ, không có dấu chấm than. Sao lại muốn mạn phép thêm vào một dấu chấm than. Cho mình. Nhưng rồi nghĩ lại hổng chừng ông Tô nghĩ cặn kẽ hơn mình. Chấm than là còn chỗ thở than. Chấm hết là hết. Là xong. Là dứt. Là tuyệt cùng.
Ghê hơn nữa, ông phán như vậy sau khi đã liệt kê một mớ những người mà đời vốn tôn xưng là anh hùng hào kiệt với lại mỹ nhân. Từ trai lực-bạt-sơn-hà-khí-cái- thế đến gái vân-tưởng-y-thường-hoa-tưởng-dung, Từ mấy tay lang bạt kỳ hồ gạ bán gió mát trăng thanh đến cái đám trùm chăn bịt tai nhắm mắt trước thiên hạ sự... tất cả, tất cả rồi y như nhau... đổ xô về cái chỗ... không có chỗ, Nghĩa là... KHÔNG rồi hoàn KHÔNG.
Vậy thì sao lại đâm đầu nhắm mắt nhắm mũi y như mấy con bò mộng trong mấy cái đấu trường Tây Ban Nha. Chạy nhảy, húc sừng, đá cẳng... bụi cát tung đầy trời mà rốt lại, kết quả đã được định trước. Phải ngã quỵ trước ngàn ngàn cặp mắt háo hức hí hửng của cái đám khán giả vô tâm, vô tình, vô tội... vạ.
Vậy đó, sau vài chục năm ròng rã đi lại trong đời, đến lúc mòn-gót-chân-sương- nắng-tháng-năm (*), lòng tưởng đã lặng mà đọc thơ Tô Thùy Yên lại nghe chừng sóng gió. Sao ông làm thơ ra bão bùng bằng cái giọng thản nhiên như nói chuyện đâu đâu. Chữ nghĩa của ông làm như được ướp sẵn mớ hào khí của sừng sững núi cao mà hun hút sông sâu, chất chứa mớ bí hiểm của thiên-địa- bất-nhân-dĩ-vạn-vật-như-sô-cẩu, mà lại lấp lánh hoa lệ của các bậc vương-tôn- miền-trí-tuệ (*). Lời lời cuồn cuộn như mây ngày gió nổi mà rờn rợn như mũi dao nghiến xoáy vào đá tảng. Từng chữ một như từng cái tát tay phũ phàng vào mặt mũi tay chân, để gọi dậy cơn mê ngủ, thức tỉnh cõi vô minh. Thơ im ỉm mà âm vang sang sảng dội thốn vào tận cùng tâm thức, gần cuối một đời... lãng nhách. Mà thật ra, đã chắc ai sống một đời ý nghĩa. Mà có ý nghĩa là sao ? Kiểu như ông thợ câu của Ernest Hemingway chăng ? Cho dù kết quả là một bộ xương cá rỗng không, người thợ câu có quyền tự hào là đã chiến đấu, phấn đấu, tranh đấu... hết lòng hết sức trước cái số phận hẩm hiu. Có phải tại vậy mà ông Tô vỗ tay cho thứ Vinh-dự-lầm-than-của-kiếp-người !
Vấn đề là thật có một thứ vinh-dự-lầm-than ? Hai khái niệm vốn dĩ nghịch lý giờ lại ngang nhiên sóng đôi như một cặp bài trùng rất ư là tương đắc. Bí hiểm thay ! Hay đó chính là cốt lõi của cuộc sống chúng ta, những người khách vô tình cùa dặm trường sinh tử.
Thôi thì tin theo lời thi sĩ, loài tiên tri thấu thị. Lầm than hay vinh quang cũng chỉ là hai mặt của một thực thể (?) ngụy tạo. Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
Câu thơ không ở thể xác định mà cũng không phủ định. Lại càng không ở thì hiện tại. Câu thơ quyết đoán một sự việc chưa có.. “Và rồi ...” Chính sự nhập nhằng đó làm nổi ba đào giữa lòng ta, khi nhìn ngoái lại... đời ta. Không phải chuyện hôm nay. Không phải ngày mai. Mà là một ngày nào đó. Mơ hồ mà quyết chắc. Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai. Hai chữ “nguôi ngoai” làm lời báo dữ trở nên êm ái như ngón tay vỗ về mà lại thấm đẫm vào máu huyết trăm phần hiệu quả như liều độc dược chích vào cánh tay kẻ tử tù. Nhẹ nhàng. Lặng lẽ. Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.
Tất cả... nghĩa là... tất cả, không chừa sót một thứ gì, từ hữu thể đến vô thể, nhà lầu chứng khoán công danh vinh quang tủi nhục thành công thất bại hạnh phúc khổ đau... hết thảy mọi thứ, mọi điều, mọi kiểu, mọi cách, mọi bậc, mọi hạng... rồi sẽ mờ, sẽ lợt lạt, sẽ nhòa nhoẹt, sẽ rã rời, sẽ sụp đổ, sẽ tan biến, sẽ xóa dấu, sẽ biệt tăm, sẽ tuyệt tích... Gió nổi hung rồi gió lặng thinh. Nắng sẽ tắt. Ngày sẽ đêm rồi đêm chợt sáng. Sáng rồi tối. Thiên niên cự thất thành quan đạo. Thiên niên quan đạo thành cự thất. Dốc núi sườn non còn sụp nói gì ba cái xương sườn xương sống dòn rụm mà không sụm. Đền đài cung điện xây bằng thịt thà xương máu với tầng tầng đá tảng rồi sẽ rong rêu sá gì ba cái mặt hồng nhan mỏng dánh. Tài trí vòi vọi rồi đến lúc leo lét như ngọn nhang tàn thắp khuya. Vui buồn hờn giận là vết bụi hờ bám trên vạt áo qua đường. Sự nghiệp trường tồn không qua cái nháy mắt của thiên thu. Cố bám víu (hay buông bỏ) rồi cũng như nhau, chỉ là chụp bắt hư không. Mà dẫu là hư không thì chụp bắt vẫn là... chụp bắt. Chẳng hơn bó tay xuôi xị. Cho nên lẽ nào lại bỏ lỡ. Vấn đề là nhận cho ra cái lý lẽ rốt ráo đó. Có vui thì vui. Hễ buồn thi buồn. Gặp núi thì trèo. Gặp sông thì lội. Mà đường lộ phẳng phiu thì khỏi lội khỏi trèo. Có trong tay là có mà mất trên tay thì bỏ. Muốn tiếc thì tiếc. Mà không tiếc thì thôi. Bày đặt chi ba cái điều viễn vông đời sau với đời trước mà mệt óc bận tâm. Sao không hào phóng với chính mình, kẻ đang lặn lội giữa mịt mùng cuộc lữ. Mặc kệ có là chân thân hay mộng sự. Kể cả cái ông câu, cá cắn câu không lẽ không chụp. Chụp rồi bị cá mập giành ăn không lẽ không giựt lại. Giựt lại được bộ xương không cũng là... giựt lại. Rồi có mệt phờ người cũng được chút vinh-dự của lầm-than. Còn hơn là vắt-tay-nằm-nghĩ-chuyện-đâu-đâu, đem ba cái triết lý mờ-mờ-ảo-ảo-có- có-không-không mà dụ đời này đi lo cho đời sau... sau... sau ! Sao kỳ vậy !
Hãy sống tới tận cùng hơi thở chót. Xả láng. Rồi thôi. Kẻo uồng.
Thêm nữa, Nguyễn Bính.
... Mà vẫn cười qua chén rượu đầy
Vẫn dám tiêu hoang cho đến hết ...
Được không ?
Sao lại không !
Bởi vì, gì thì gì, rồi thì... tất cả sẽ nguôi ngoai.
D.H. Lawrence. Life is ours to spent, not to be saved.
Cao Vị Khanh
(*) Tựa thơ, chữ của Tô Thùy Yên
(**) The Old man and The sea- Ernest Heminway, truyện 1951, phim 1958.
TÔ THUỲ YÊN
VÀ RỒI TẤT CẢ SẼ NGUÔI NGOAI
S'en aller! S'en aller! Parole de vivant !
(Saint John Perse)
Ra đi như nước ao lền đặc
May gặp ngày mưa lớn thoát tràn,
Râu tóc rạng ngời, gậy trúc bóng,
Nẻo thơm trần thế, gió hân hoan.
Ra đi như một bình minh lạ
Trên kỷ nguyên chưa kịp hiện hình.
Thi sĩ Bắc, Nam đều chết rạp.
Ba trăm năm lịch sử làm thinh.
Ra đi như một âm thanh sáng
Xuyên suốt tâm linh, dội cảm sầu.
Hỡi gã du hành, hãy cất tiếng
Bài ca thiên cổ chẳng thành câu.
Tự do, ta thết mừng điên đảo
Cuộc tiệc trăm năm nhục thánh thần
Dưới bóng bao trùm hạt cát tỏa
Đền rêu, miếu cỏ lạnh ma hoang.
Con đường vô định chưa ai tới
Hay tới nơi, thôi chẳng trở về.
Hỡi gã du hành, hãy nói lại
Những điều ngươi thoáng thấy như mê.
Ta mò đoán nghĩa dòng hư tự
Mòn nét trong thiên địa ngập ngừng.
Ta thấy mặt tinh cầu xếp nếp
Như lằn nhăn tuổi tác hư không.
Những người thuở trước giương cung cứng,
Cưỡi ngựa điên, hoa kích ngàn cân,
Một trận tan tành ba triệu địch,
Nửa chiều chết đứng hận giai nhân.
Những người thuở trước đi tìm mộng,
Lạc suối mê, hoa giạt ngược dòng,
Theo tiếng kinh quan san biệt dạng,
Buộc sầu, xõa tóc, thả thuyền rong.
Những người thuở trước say vô hạn,
Mơ thuốc trường sinh lạc xác phàm,
Níu cánh chim bằng qua biển gió.
Cây minh linh tốt mấy ngàn năm.
Những người thuở trước tham chung đỉnh,
Áo mũ xênh xang chốn ngọ môn,
Sơ thất, thương thay thân xuống lính,
Đày ra quan ngoại, chết không chôn.
Những người thuở trước như là mộng,
Diễm tuyệt dung nhan thảo mộc sầu.
Hương phấn bay lừng xa khỏi kiếp,
Tiếng cười xé rách núi sông đau.
Những người thuở trước bây giờ lạc
Trong dã sử nào như bóng mây,
Trong trí nhớ nào như giọng hát.
Hỡi ôi, trời đất lạnh tình thay !
Hỡi ôi, gió nổi lên cùng khắp,
Giục gã du hành rảo bước thôi !
Ta uống giếng hoang, ăn trái lạ,
Tâm hồn mãi mãi mới tinh khôi.
Nhiều khi ta ngước lên ngơ ngẩn,
Nghe tiếng chim quen bay trớt qua,
Bóng thoáng như bàn tay dịu mát
Lau nhanh hơi mỏi mặt mày ta.
Hoàng hôn xô bóng ta trên cát,
Ta lớn lao và ta cô đơn,
Ngưỡng mộ cây xương rồng gắng gượng,
Thân trần đứng lẻ giữa đồng trơn.
Bình minh như một làn da phỏng.
Ta dạo men bờ sóng tuyệt mù,
Cảm phục bồi hồi biển nhẫn nại
Bắt đầu mãi mãi lượn thiên thu.
Biểu dương - hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người
Hi hữu một lần trên trái đất
Và rồi tất cả sẽ nguôi ngoai.