SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

CHIẾC BÁNH MADELEINE

nguyễnxuânthiệp

1  2
A la recherche du temps perdu &
Du Côté de Chez Swann

Chiếc bánh madeleine nổi tiếng từ lâu. Hồi ở trung học năm cuối cùng mình đã được đọc về nó. Du côté de chez Swann của Marcel Proust. Gần đây do một tình cờ lại được thưởng thức bánh madeleine trong bữa cà phê sáng với người đẹp. Ôi thật tuyệt vời đến nỗi bây giờ còn dư vị trên đầu lưỡi bèn lần mò lên lưới tìm đọc câu chuyện về chiếc bánh vỏ sò này.

Câu chuyện về lai lịch xuất xứ của món bánh ngọt ngào có tên madeleine được cho là bắt nguồn từ thế kỷ thứ 18. Khi ấy, một cô hầu gái có tên là Madeleine Paulmier đã phục vụ Công tước xứ Lorraine món bánh “ruột” của mình và khiến cho ông ta vô cùng hài lòng. Chẳng những thế, ông còn mang chúng về cho con gái của mình, người sau đó trở thành vợ của vua Louis thứ 15 thưởng thức. Đến đây thì không có gì ngạc nhiên khi bánh con sò madeliene nổi tiếng đến vậy (được vua và hoàng hậu ưa chuộng cơ mà). Đó là câu chuyện của thời xa xưa, quay trở về thì hiện tại, madeleine không chỉ là thứ bánh ngọt trứ danh của nền ẩm thực Pháp tinh tế, phong phú. Giờ đây, nó đã trở nên quen thuộc và xuất hiện rộng rãi trong rất nhiều tiệm trà, café của các nước trên thế giới. Người ta gọi nó là “Nàng thơ trong tiệc trà Pháp”.

Madeleine vốn thuộc dòng bánh gateaux, duy có điều trong công thức truyền thống thì tỷ lệ bơ chiếm cao hơn một chút. Chính vì lẽ đó mà thành phẩm hoàn thành ăn rất mềm, mịn và ẩm mượt (ẩm chứ không dính, ướt). Từng miếng bánh khi cắn vào sẽ thấy ngay mùi bơ thơm ngậy cùng vị ngọt thanh của mật ong quyện tan ngay nơi đầu lưỡi. Với những ai yêu thích dòng bánh gateaux cơ bản thì chắc hẳn không thể nào chối từ được sự thơm ngon đầy quyến rũ của những chú sò nhỏ xinh này.

Nguyễn thì lại cần, rất cần một mùi hương như thế trong giây phút hiện hữu. Ôi, madeleine -loại bánh bông lan mềm hình con sò của Pháp, nhẹ, xốp, có vị béo thơm. Trong tác phẩm “Đi Tìm Thời Gian Đã Mất”, Marcel Proust kể lại một buổi chiều đông rét mướt, khi bị nhuốm lạnh, tác giả nhấp một ngụm nước trà hòa với những mảnh vụn của một chiếc bánh “madeleine” để sưởi ấm người. Và hương vị của chiếc bánh thuở ấu thời đã đột ngột đánh thức những ký ức và cảm xúc thầm kín, đưa ông trở về quá khứ đi “tìm thời gian đã mất” …

Thật vậy, theo một cây bút trên Facebook, “Cuộc đời của chúng ta cơ hồ được ghép bởi những mảnh ký ức. Chính thế, những mảnh ký ức vỡ làm nên đời ta. Những kỷ niệm êm đềm và thơm ngát như ngọn gió mùa xuân thổi qua thềm nhà buổi chiều xa xưa nào. Một mối tình dang dở. Một nụ hôn chưa kịp trao. Cái nắm tay vội vàng. Một sai lầm không thể cứu vãn. Một tổn thương ta gây ra cho ai đó, hoặc ai đó gây ra cho ta. Những mảnh vỡ của ký ức, đôi khi nhọn hoắt, đôi khi nát vụn…vẫn trở về với tôi hoài vào những chiều cuối năm. 

Khoảng khắc đó, tôi có thói quen ngồi xuống một nơi yên tĩnh, và nhâm nhi “chiếc bánh Madeleine”(*) của đời mình, và cố lắp lại những mảnh vỡ đó…Chiếc bánh Madeleine của bạn là gì? Điều gì có thể đưa bạn trở lại ngày xưa? Với tôi đó là món ăn mẹ nấu như hồi bé thơ. Cuốn album cũ. Con đường cũ. Người bạn cũ. Một món đồ chơi cũ…

Đúng rồi. Màu của những trái vải chin, mùi hương của một đóa ngọc lan, một tấm ảnh cũ, những trang sách đã đọc, mùi hương tóc của một cô bạn gái… Tất cả đều có thể đưa ta trở về với những ngày xa xưa. Phải không bạn? Chắc bạn cũng đã hơn một lần nhìn lại tấm ảnh chụp bên hồ nước ngày nào và thấy lại cả một thời yêu dấu nay không còn nữa.

Ôi, Nguyễn cũng muốn tìm lại thời gian đã mất. Tất nhiên mình không có tham vọng và không đủ tài như Marcel Proust để viết thành cả một bộ trường giang tiểu thuyết gồm tới 7 cuốn dày tổng cộng trên dưới 3,000 trang. ‘Đi tìm thời gian đã mất’, với mình, chỉ là ghi lại những kỷ niệm với gia đình và bạn hữu từ lúc tóc còn xanh cho tới bây giờ khi tóc mình bạc trắng. Không có chiếc bánh madeleine, mình phải nhờ tới hương trà và hương cà phê… đưa trở về những vùng trời ngày trước đang dần dần sương phủ. Vậy sẽ bắt đầu từ đâu? Chắc phải từ Huế vậy.

Vậy xin hẹn một kỳ sau nha bạn.

NXT
(nguồn: http://phovanblog.blogspot.com/)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022