GẶP CU TŨN, NHỚ ĐẾN ANH CHỦ NHIỆM CỦA NHÀ THƠ HỌ HOÀNG
Sáng nay, tôi dẫn gã bạn đến thăm mộ của nhạc sĩ thiên tài Johann Sebastian Bach ở trong nhà thờ (Thomaskirche) thuộc trung tâm thành phố Leipzig. Gã này, là bạn tôi từ thời cùng cày thuê, cuốc mướn, khi nước Đức còn chia cắt Đông - Tây. Cu Tũn, hay Cu Bệu biệt danh của gã. Biệt danh này, đeo bám cả cuộc đời, bởi sáng sớm nào đi vệ sinh hắn cũng mang theo bịch sữa tươi một lít, ngồi uống ở trong đó. Đủng đà đủng đỉnh, ai vội phải đi làm đập cửa Tollet, hắn cũng kệ. Nhiều lần bị ăn đấm sưng cả mặt, nhưng hắn vẫn chứng nào tật ấy. Chỉ kém chúng tôi vài, ba tuổi nhưng lúc nào hắn cũng ngây ngây, ngô ngô, chậm chạp, dáng dấp của ông lão sắp hồi hưu.
Bức tường Berlin sụp đổ, Cu Tũn nhận tiền đền bù về nước đợt đầu tiên. Hôm tiễn ra sân bay, cầm tay tôi, mắt hắn rân rấn như có nước, và bảo:
- Về nước chắc chắn buổi sáng, em không còn có sữa tươi để uống. Nhưng ở lại em sợ, không biết làm gì để sống. Chả lẽ, cứ dựa mãi vào các anh!
Nghe Cu Tũn nói, và nhìn cái dáng lạch bạch của hắn khuất sau cánh cửa phòng chờ, làm tôi cứ đứng tần ngần mãi…
Vậy mà, không hiểu bằng cách nào, gần chục năm sau, nghe nói, Cu Tũn đã là giám đốc nhà máy, hay công ty gì đó. Rồi ngay sau đó, lại có tin hắn phọt một phát lên cục trưởng của một bộ lớn. Với Cu Tũn, lúc đầu tôi không tin cho lắm. Nhưng mấy hôm sau, có người bảo, Cu Tũn đang diễn thuyết trên truyền hình. Tôi vội bật máy, thấy có gã miệng nói liên thanh, tay chém gió cứ phầm phập. Tôi hoa mày chóng mặt, vẫn còn mơ hồ. Chỉ khi tiếng vỗ tay rầm rầm, gã bước xuống, với khuôn mặt bóng loáng như phớt qua một lớp mỡ trên chảo nóng vậy, nhưng dáng đi chàng hảng (chữ bát) không hề thay đổi, bất chợt tôi buột miệng: Đúng…đúng Cu Tũn…Cu Tũn của ta đã lột xác thật rồi!
Lên đến cục trưởng, có lẽ sáng sáng Cu Tũn không sợ thiếu sữa tươi, sữa chua để mang vào nhà vệ sinh vừa giải quyết nỗi buồn, vừa uống nữa. Thế cũng mừng cho hắn, miệng tôi cứ lẩm bẩm mãi như vậy.
Năm nay, Cu Tũn lục tuần. Ấy là tính âm lịch theo các cụ, chứ dương lịch hắn còn năm nữa mới tròn tuổi hưu. Do vậy, thấy hắn sang Đức đột ngột, tôi hỏi:
- Sợ vào lò bát quái hay sao, mà chuồn sang đây sớm vậy?
Không đi thẳng vào vấn đề, nhưng hắn dùng hình ảnh ví von so sánh làm tôi hơi bị sững, bởi ngạc nhiên:
- Căng quá, đàn sẽ đứt dây. Non một chút sẽ bền bác ạ!
Trên đường đưa Cu Tũn vào Thomaskirche đi bộ qua dòng sông nhỏ ở trung tâm thành phố. Nhìn dòng nước trong xanh, hai bên là quán xá, văn phòng nối tận ra khu nhà vườn và trường Sportgymnasium (Trường trung học thể thao) rồi đổ ra sông lớn Weiße Elster, Cu Tũn chép miệng, hỏi đổng:
- Mấy chục năm khu nhà vườn này vẫn còn y nguyên nhỉ? Ở Việt Nam khu đất vàng này … xẻ thịt từ lâu rồi.
Thấy hắn ấp úng, rồi bỏ qua cái (tình thái) từ: được, hay bị xẻ thịt, tôi cười cười bảo:
- Gớm, đã về ôm đít vợ, và sang đến đây rồi vẫn còn lươn lẹo, đánh tráo từ ngữ bản chất sự việc. Nhập nhằng, úp mở thế, chả trách người dân căm ghét, coi thường bọn chức quyền bảo kê các bố và bọn gặm đất trọc phú cũng đúng thôi…
Cổ đã gân lên, nghĩ thế nào Cu Tũn lại xuống giọng:
- Bác nói thế cũng phải. Song nằm trong cái guồng máy đó, không quay đúng nhịp, nó vật chết tươi ngay. Bác không trong hoàn cảnh, địa vị đó nên to mồm nói phét là phải.
Bất chợt, cơn mưa rào cuối hạ ập xuống, tôi và Cu Tũn đứng nép vào mái hiên. Nhìn bong bóng tan theo dòng nước, cuồn cuộn đổ xuống dòng sông dưới chân cầu, Cu Tũn quay lại tôi, với cái giọng trầm cảm thán:
- Sông ngòi, ao hồ, thiên nhiên nơi đây còn nguyên vẹn, nên mưa lớn như vậy, mặt đường vẫn sạch khô. Trận mưa này ở Hà Nội, Saigon chắc chắn nước sẽ ngập tới bụng người ngay. Đúng là, trái với tự nhiên, đi ngược lại qui luật cuộc sống, đều bước vào con đường tử bác ạ.
Bất ngờ trước câu nói của hắn, nên tôi mở bàn tay hắn, và bảo:
- Mấy chục năm làm lãnh đạo ông cứ im thin thít như thịt nấu đông. Bây giờ về ôm đít vợ, thông suốt thì làm chó gì. Bàn tay nào cũng vậy, nhúng chàm khó rửa lắm.
Cu Tũn lặng im. Và câu nói: trái với tự nhiên, đi ngược lại qui luật cuộc sống, đều bước vào con đường tử của hắn, chợt làm tôi nhớ đến Anh Chủ Nhiệm, một bài thơ cổ động của nhà thơ họ Hoàng, nguyên Viện trưởng Viện văn học VN. Bắt thiên nhiên phải cúi đầu, nhà thơ họ Hoàng đã vẽ ra bức tranh xã hội, và con người mới xã hội chủ nghĩa: “Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh/ Vẽ cả ngày mai thành bức tranh“. Và rồi Anh chủ nhiệm, cùng bức tranh tươi sáng đó ngoẻo củ tỏi, kịp để nhà thơ họ Hoàng viết lời ai điếu đưa nhau xuống tuyền đài.
Cứ tưởng Anh chủ nhiệm, và chiếc bánh vẽ đó đã mồ yên mả đẹp, nhưng thật không ngờ, Anh đã đội mồ sống dậy. Cùng với bọn trọc phú mì tôm từ Nga, Ukraina, Anh chủ nhiệm hè nhau cạp đất, phá rừng, tàn sát biển. Nghệ thuật biến của công thành của riêng, biến đất trồng thành villa, biệt thự đạt tới mức thượng thừa. Sự bần cùng hóa của người dân vô tội luôn tỷ lệ nghịch với cái giàu có, tàn nhẫn, bỉ ổi của Anh chủ nhiệm, bọn trọc phú. Không còn: áo nâu bạc màu bay với gió, và lò gạch xây cao, đường thẳng tắp, Anh chủ nhiệm mới đóng cọc Hồ Tây xây nhà hát, phá nát Hà Nội, còn giết chết cả Văn hóa xứ Đoài. Và nghe đâu, Anh chủ nhiệm còn vẽ đường bọn trọc phú (mì tôm Ukraina) biến Hạ Long dưới nước thành Hạ Long trên cạn, thu tiền trên những thước đất vừa “dời non lấp bể“…Thật vậy, cưỡng lại tự nhiên, phá nát thiên nhiên là con đường tự diệt ngắn nhất.
Mưa chợt tạnh, nắng luồn qua từng kẽ lá, và gió hắt lên từ mé sông. Thấy tôi mặt đần đần, nghệt nghệt, Cu Tũn huých khuỷu tay vào mạng sườn tôi hỏi:
- Bác nghĩ gì mà mặt đần thối ra vậy?
- Thấy ông nói: trái với tự nhiên, đi ngược lại qui luật cuộc sống, đều bước vào con đường tử hay quá, làm tôi tự nhiên nghĩ đến: Anh chủ nhiệm của Hoàng Trung Thông và…
Cu Tũn cười cười:
- Có nhiều Anh chủ nhiệm mới, và đám trọc phú sinh sôi nảy nở chẳng qua dân trí Việt ta còn quá thấp. Cái tư tưởng của cụ Phan Châu Trinh từ những năm đầu thế kỷ trước đến nay vẫn còn nguyên giá trị bác ạ. Cha mẹ không quỳ, không lạy, một đồng, một cắc cũng tiếc, vậy mà vung tay cúng đường, dập đầu quỳ lạy tuốt tuồn tuột đám sư giả, sư đểu. Bác bảo làm sao mà khá được…
Nghe Cu Tũn, một Anh chủ nhiệm mới nói về chính mình, và đám (ô) trọc phú, quả thực chính xác không gì bằng. Nắm chặt tay hắn tôi bảo:
- Tay nhúng chàm thật khó rửa, nhưng nói ra được có lẽ nó cũng nhẹ đi được phần nào chăng?
Hắn cười khùng khục, rồi thoi vào bụng tôi một phát đau điếng: Bác chỉ được cái nói móc, nói đểu không ai bằng.
Leipzig ngày 17- 8- 2022
Đỗ Trường
Tôi chép bài Anh chủ nhiệm ra đây, bác nào ngày còn đi học may mắn không phải học nó, đọc để so sánh Anh chủ nhiệm ngày xưa và Anh chủ nhiệm (trọc phú) ngày nay khác nhau như thế nào:
ANH CHỦ NHIỆM.
Nắng chiều thấp thoáng ngọn cây tre
Sóng lúa mênh mông cuộn đổ về
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Anh giơ tay vẽ giữa đồng xanh
Vẽ cả ngày mai thành bức tranh
Kìa dòng mương chảy cầu đương bắc
Lò gạch xây cao, đường thẳng tắp
Nơi đây kho thóc nhà chăn nuôi
Tiền đã lo xong đất cắm rồi
Chân vẫn bước đều miệng vẫn nói
Phơi phới lòng anh như gió thổi
Anh làm chủ nhiệm đã ba năm
Ba năm vật lộn cùng khó khăn
Có mùa mạ cháy đồng khô cạn
Mười bậc nước leo lên ruộng hạn
Có mùa lúa chín lụt tràn qua
Lại phải nghiêng đồng hắt nước ra
Người nhiều, ruộng ít trâu bò ít
Chạy ngược chạy xuôi lo rối rít
Ngoài ba mươi tuổi máu đương sôi
Không chịu khoanh tay đứng ngó trời
Xoay mùa, chuyển vụ, tăng năng suất
Thiếu đất lên rừng tay vỡ đất
Còn nhiều nếp cũ thói riêng tây
Trăm miệng, trăm người, trăm cái gay
Hõm mắt thâu đêm lo việc xã
Gió rét đường trơn, chân bấm đá
Hết làng, hết ruộng thôi đi về
Miệng nói, tay làm, tai lắng nghe
Cùng bao đồng chí, anh đi trước
Đứng mũi chịu sào đầu gió ngược
Có đêm nằm nghĩ cảnh gieo neo
Vợ yếu, con đông, chưa hết nghèo
Nhưng rồi thấy rõ đường đi tới
Nước nổi lo chi bèo chẳng nổi
Lại lao vào việc lòng say sưa
Hết sớm thôi chiều nắng lại mưa
"Ơi anh củ nhiệm! Anh chủ nhiệm"
Bao tiếng thân thương, lời cảm mến
Tay anh nắm chặt tay xã viên
Xốc cả phong trào vững tiến lên
Anh cùng tôi bước trên đê nhỏ
Áo nâu bạc màu bay với gió
Mắt tôi ôm hết cả đồng xanh
Cả dáng hình anh thành bức tranh