HÀNH TRÌNH HAI TUẦN RA MIỀN TRUNG
Ngô Nguyên Dũng
Cảnh núi rừng Hiệp Đức, Quảng Nam.
Miền Trung, trong trí nhớ tôi qua đôi lần được ra đó nghỉ hè thời tấm bé, là vùng đất khô rang khô rít, với nắng gió thênh thang, biển sóng và đồi cát ngút ngàn. Là những địa danh lạ tai: Phan Thiết, Cà Ná, Phan Rí, Phan Rang, … Nơi có những món ăn thường kèm theo bánh tráng mè nướng, nhiều món cuốn bánh tráng với thứ nước chấm lạ vị, sền sệt, mằn mặn, beo béo, ngòn ngọt. Nơi có những ruộng nước mặn chia ô chữ nhật, muối đóng váng, tinh thể rực nắng lấp lánh. Đó đây, những tháp muối hột ngất nghễu. Từng toán thợ, đa số là phụ nữ, áo quần kín mít, khăn phủ đầu, che quanh miệng, lặng lẽ cào hoặc gánh muối dưới cái nắng chói chang. Biển nơi đó, gió bạt ngàn, lún sâu hụt hẫng. Và bãi biển Đại Lãnh một lần ghé ngang, với bờ cát trắng phau kề bên chéo rừng phi lao rì rào tiếng gió, hoang sơ rờn rợn, tưởng như có những tia mắt rình rập quanh đấy.
Trong lần trở lại gần năm thập niên sau, khung trời nơi đấy vẫn lênh đênh mây trắng. Nhưng đất, biển và người đã khác… Rất khác.
Nhớ lại một lần từ Đà Nẵng về Nha Trang trong đêm, tôi ngồi băng trước, cạnh anh tài xế. Hành trình khoảng năm trăm cây số. Khi đêm lắng sâu, những người thân của tôi ngồi băng sau đã thiếp ngủ, chỉ còn tôi chong mắt thức, trò chuyện vu vơ với anh tài xế. Tới đoạn đường vắng, xấu, đầy đá vụn, mưa bắt đầu rơi lất phất. Lâu lâu lóe lên ánh đèn xe ngược chiều. Chợt xe chao động, âm thanh những vòng bánh ma sát mặt đường bất ngờ nặng nề như hen suyễn.
Anh tài chép miệng:
"Bể bánh rồi!"
Rồi anh tắp xe ven đường, lẳng lặng bước xuống. Tôi mở cửa ra theo. Anh tài loay hoay tìm dụng cụ thay bánh sơ-cua. Mưa nặng hạt. Đêm tối chập chùng. Hơi đất se se nồng. Cánh rừng thưa ven đường mênh mông bóng tối. Thỉnh thoảng một cơn gió thốc ngang, rớt lại những hoang mang. Tôi, một tay cầm dù, một tay cầm đèn pin soi cho anh tài làm việc. Bất chợt, như trời xòe tay che, mưa tạnh. Vợ chồng anh chị và các cháu tôi, bấy giờ, mới dò dẫm xuống xe…. Từng người một, ngái ngủ, phân vân… Gần một tiếng sau, anh tài mới thay xong bánh xe, cuộc hành trình tiếp tục.
Khung trời loe lóe luồng sáng bình minh. Thiên nhiên hai bên đường tỏ dần những đường nét khôi vĩ. Sườn núi thấp mờ sương, lô nhô đá tảng. Những ngôi nhà rải rác dưới chân núi, còn khép cửa mộng mị. Mặt trời ở phương đông lặng lẽ nhô lên, hé rụt rè từng vạt nắng đầu ngày. Tôi thấm mệt, thiếp đi giây lát, chợt bừng mắt ở một đoạn đường dằn sốc. Không còn thấy những sườn núi chạm trổ đá xanh, những ngôi nhà say ngủ mờ sương. Thay vào đó là nhà cửa và hàng quán, bảng hiệu kề nhau san sát. Những ngã tư đèn xanh đèn đỏ đổi màu lập lòe… Xe vào thành phố lúc nào không hay.
Có bao giờ tôi thích những chuyến du hành trong đêm?
* * *
Qui Nhơn níu chân chúng tôi hai ngày. Tôi không biết thành phố này trước một chín bảy lăm ra sao, nhưng bây giờ, tháng năm hai ngàn hai mươi hai, Qui Nhơn là một thành phố gọn gàng, đường sá trật tự, nhà cửa khang trang. Khách sạn chúng tôi ghé lại có thang máy lắp kính nhìn ra một hồ nước rộng. Đêm về, những cội hoa hình sen lắp đèn màu sặc sỡ, tỏa sáng trên mặt nước phẳng lì như một tảng đồng đen vĩ đại.
Trong một quán cà-phê ở Qui Nhơn.
Nơi đó, sau một đêm nghỉ ngơi, tối hôm sau bạn tôi hẹn một người quen tới một quán hát với nhau nằm trên đường Bùi thị Xuân.
Lúc chúng tôi tới, đã muộn. chỉ còn khoảng hơn mười khách. Bạn tôi và người quen chào nhau rộn rã. Chúng tôi gọi bia. Mỗi vị khách lên bục hát đều được xướng ngôn viên quán nhạc ân cần giới thiệu tên và ca khúc trình bày. Nhạc sĩ đệm đàn tài hoa. Khi được hỏi, không hiểu sao, tôi chọn "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" của Trịnh Công Sơn.
"Bỏ mặc căn nhà, bỏ mặc tôi.
Bỏ mặc nơi đây, bỏ mặc người
…
Bỏ xa xôi yêu và gần gũi.
Bỏ mặc tôi buồn giữa cuộc vui
…
Bỏ tôi hoang vu và nhỏ bé.
Bỏ mặc tôi ngồi giữa đời tôi."
Tôi ngẩn ngơ luyến láy theo giai điệu, đứt quãng đôi chỗ vì cảm xúc bật thức. Tôi nghe giọng mình vỗ về những muộn phiền vu vơ. Những thành phố và đất nước này đã "bỏ mặc tôi về, bỏ người đi…" Và, sau đó: "Bỏ mặc tôi ngồi khóc mình tôi." (*)
Hát ở phòng trà Du Mục, Qui Nhơn.
Sáng hôm sau, chúng tôi bỏ Qui Nhơn, đi Đà Nẵng.
Lần thứ hai tôi đến Đà Nẵng, thành phố sạch sẽ và độc đáo nhất ở Việt Nam, vì không có người ăn xin và người bán vé số. Lần đầu tôi tới đó vời tâm trạng háo hức. Lần này, với đôi chút đắn đo, như thể sắp sửa gặp lại một khuôn mặt tuy quen, nhưng chưa rõ tâm tính. Đà Nẵng với cầu Rồng và biển nắng Mỹ Khê. Thành phố có những con đường nhỏ, hàng quán rực đèn về đêm. Với nắng trưa gắt gỏng và mưa đêm bất ngờ. Như một tối nọ, nhằm mười bốn âm lịch, chúng tôi đi Hội An xem lễ hội Hoa Đăng. Tới nơi, trời sụp tối. Cậu em tài xế còn đang loay hoay tìm chỗ đậu thì mưa đổ. Đậu xe xong, mưa tầm tã. Chúng tôi tạt vào một quán ăn dẫn vào phố cổ, vừa trú mưa vừa ăn tối, chờ mưa tạnh.
Chờ mưa tạnh trong một quán ăn ở Hội An trong đêm lễ hội Hoa Đăng.
Tối đó, thời tiết miền Trung đã gieo rắc phép lạ. Vừa xong bữa tối, thì mưa cũng dứt hạt. Năm người chúng tôi háo hức tìm hướng sông Hoài. Từ đâu không rõ, những hình người đổ ra tràn ngập ngõ ngách phố Hội. Rộn ràng tiếng cười nói, tiếng gọi mừng, tiếng trống hội thúc giục. Mỗi tháng, đêm mười bốn âm lịch, phố cổ Hội An đều tổ chức Hội Hoa Đăng, cấm sử dụng đèn điện. Những quán ăn, tiệm bán quần áo, lồng đèn vải hoa bản sắc Hội An, sạp bán vật lưu niệm giăng đèn lồng đủ màu sáng rực. Tiếng người mời chào xôn xao. Ven bến sông Hoài, chỗ mướn thuyền thả hoa đăng, đông đúc khách chờ. Anh chị tôi chen chân mướn một chiếc, mua đèn giấy, trao cho chúng tôi. Thuyền hai người chèo, ở đầu lái le lói một ngọn đèn lồng. Ngược xuôi trên dòng sông nhỏ, thuyền thả đèn giấy bồng bềnh thảnh thơi. Tấp nập, nhưng không vội vã. Rộn rã, nhưng không huyên náo. Sự việc diễn ra lớp lang, trật tự như tuồng hát đã được tập sẵn. Lấp lánh trên mặt nước gợn sóng mái chèo, lớp lớp ánh đèn giấy dập đềnh. Mỗi đốm sáng là một cánh sao đêm rằm lạc xuống địa cầu, ban phát phúc lành. Của tôi là lời chúc bình an cho tất cả mọi người và nguyện ước viên mãn cho riêng tôi.
Thả đèn hoa trên sông Hoài trong đêm lễ hội Hoa Đăng ở Hội An.
Sau đó, chúng tôi ghé lại góc phố chơi Bài Chòi. Bạn hỏi tôi có muốn thử thời vận không? Tôi đáp, có biết chơi đâu mà thử. Dù vậy, bạn vẫn mua cho bạn và tôi, mỗi người một thẻ. Thẻ bằng giấy cứng, in hình vẽ từa tựa lá bài tam cúc, bên trên ghi ba chữ, của tôi là "duyên, định, dọn".
Cuộc chơi bắt đầu. Một người rút chữ cho người phụ nữ trong bộ quần áo bà ba xướng theo bài bản ngũ cung, dặm nhịp nhàng tiếng sên phách. Ai có chữ trên tấm thẻ được xướng lên, phải giơ tay để được trao cờ hiệu… Tôi đã cầm trong tay hai lá cờ trắng. "Định" và "duyên" đã được xướng. Và, sau khi xự xang đỗi ngắn, chữ "dọn" của tôi được xướng lên. Tôi bật dậy, la làng la xóm, la cho cả thế giới cùng nghe: "Tới! Tới! Tới! ..." Cờ đỏ liền được trao tay, tôi cầm phất lia lịa như người máy. Cùng "tới" với tôi, thêm năm người khác nữa. Chúng tôi lên nhận quà thưởng, một chiếc lồng đèn vải đỏ, khung đen, còn hăng mùi sơn mới.
Suốt tối đó và liên tiếp những ngày hôm sau, tôi vui như trẻ nhỏ, cứ luôn miệng nhắc cùng bạn:
"Đi Việt Nam lần này, anh hên quá em ơi!"
Chơi Bài Chòi trong đêm lễ hội Hoa Đăng ở Hội An.
Sáng hôm sau, chúng tôi lên đường viếng cảnh bán đảo Sơn Trà. Quán cà-phê ghé lại dọc đường nằm ven một khúc quanh nhìn xuống bãi chài Mỹ Khê. Quán vắng, chỉ có chúng tôi là khách. Trông quán là một nam thanh niên, vóc dáng học thức, áo sơ-mi trắng, quần dài xanh đậm, đang ngồi thờ ơ bấm máy điện thoại bỏ túi. Trước quán, một con chó ốm nằm rũ rượi, như thể mệt mỏi vì chờ khách. Hay vì đói? Tới gần, mới thấy nó bị hư mất một mắt. Con mắt còn lại ngước nhìn tôi, kẻ lạ, buồn rười rượi như sắp bị lôi đi xẻ thịt.
Ôi, những con chó hiền lành, nhẫn nhục và buồn bã trên đất nước này! Chúng rất thân thiện, không bao giờ sủa khách vãng lai. Đôi khi chúng còn chạy ra vẫy đuôi mừng khách, như thể người quen lâu ngày gặp lại.
Cà-phê trong quán nhỏ trưa đó đậm đà, thơm ngon. Vừa uống, vừa trông xuống cảnh biển làng chài neo thuyền ngơi nghỉ sau chuyến ra khơi khuya qua. Quang cảnh bình thản, an lành như chưa hề trải qua những tai ương. Bất giác, trong tôi bật lên lớp lớp chuyện cũ. Đâu đấy, trước đây nửa thế kỷ, đã có từng toán người lén lút trốn đi trong đêm. Một số đó, bây giờ, trở về thăm lại quê nhà. Còn những ai khác biệt tăm nơi đâu?
Trong một quán cà-phê ven đường, nhìn xuống bãi chài Mỹ Khê, Đà Nẵng.
(Trích bút ký "Về Giữa Mùa Mưa")
(*) "Em Đi Bỏ Lại Con Đường" - Sáng tác: Trịnh Công Sơn.