Ngàn ánh dương rực rỡ
Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch
Chương 38
Laila
Laila mừng là ba cô không còn sống để chứng kiến việc làm của quân Taliban. Hẳn ông sẽ đau lòng lắm.
Những người đàn ông cầm cuốc tràn vô Viện Bảo Tàng Kabul đổ nát và họ đập nát các bức tượng thời Tiền Hồi giáo - những bức tượng mà Thánh chiến quân chưa kịp cướp đi. Trường đại học bị đóng cửa, sinh viên bị đuổi về nhà. Tranh treo trên tường bị giựt xuống và cắt nát. Màn ảnh các máy truyền hình bị đá bể. Ngoại trừ kinh Koran, sách bị đốt từng đống, những tiệm bán sách đó bị đóng cửa. Thơ của Khalili, Pajwak, Ansari, Haji Dehqan, Ashraqi, Beytaab, Hafez, Jami, Nizami, Rumi, Khayyám, Beydel (các nhà thơ lãng mạn thời xưa - dịch giả) và của nhiều người nữa bị đốt ra tro.
Laila nghe nói có nhiều người bị bắt ngoài đường, bị kết tội bỏ buổi đọc kinh, và bị lôi vô giáo đường Hồi. Laila nghe kể nhà hàng Marco Polo, ở gần đường Con Gà, đã trở thành trụ sở thẩm vấn. Ðôi khi nghe tiếng thét từ sau các cửa sổ sơn đen của nhà hàng này. Ðám tuần cảnh râu ria đi xe tải hiệu Toyota xục xạo khắp các nẻo đường kiếm những người cạo râu nhẵn nhụi để đánh.
Họ cũng đóng cửa các rạp chiếu bóng. Rạp Park. Ariana. Aryub. Phòng chiếu phim bị lục soát và các cuốn phim bị đốt hết. Laila nhớ đã bao nhiêu lần cô và Tariq ngồi trong các rạp đó, xem phim Ấn độ, toàn những bi kịch éo le của đôi tình nhân bị nghịch cảnh chia cách, kẻ trôi dạt đến nơi xa xôi, kẻ bị buộc phải thành hôn, những cảnh khóc than, những cảnh hát trên cánh đồng hoa cúc vạn thọ, khao khát cuộc trùng phùng. Laila nhớ lại Tariq đã cười chọc cô vì cô đã khóc khi xem những phim đó.
“Không biết họ làm gì với rạp chiếu bóng của cha tôi,” một hôm Mariam nói với Laila. “Nếu rạp còn. Hay nếu ông còn làm chủ rạp.”
Kharabat, xóm cổ nhạc bình dân của Kabul, bị cho im tiếng. Các nhạc sĩ bị đánh đập và bỏ tù, đàn trống bị đạp gẫy. Quân Taliban kéo đến mộ của Ahmah Zahir, người ca sĩ Tariq thích nhất, và xả đạn vô đó.
“Ông ta chết gần hai mươi năm rồi,” Laila nói với Mariam. “Chết một lần không đủ sao?”
Taliban chẳng gây phiền hà gì cho Rasheed. Y chỉ phải để râu, việc y làm ngay, và đi lễ ở giáo đường Hồi, việc y cũng làm. Rasheed nhìn quân Taliban bằng cặp mắt tha thứ, ít nhiều cảm tình và kinh ngạc, như nhìn một người anh em họ có tính thất thường vẫn hay làm những hành động vui nhộn và giật gân không đoán trước được.
Mỗi buổi tối thứ tư, Rasheed nghe đài Tiếng Nói Hồi Giáo công bố danh sách những người sẽ bị trừng phạt. Rồi tới ngày thứ sáu, y đi đến sân vận động Ghazi, mua một chai Pepsi, và coi màn trừng phạt. Lên giường, y bắt Laila phải lắng nghe y khoái chí diễn tả cảnh chặt tay, quất roi, treo cổ, chặt đầu.
“Hôm nay tôi thấy một người đàn ông cắt cổ thủ phạm giết anh mình,” một đêm y nói, vừa phà từng vòng khói thuốc.
“Bọn người man rợ.” Laila nói.
“Theo cô hả?” y nói. “So với ai? Bọn Liên Xô giết cả triệu người. Cô có biết quân Thánh chiến giết bao nhiêu người, riêng ở Kabul thôi, trong bốn năm vừa qua không? Năm chục ngàn. Năm chục ngàn! Chặt tay một vài tên trộm cắp thì nghĩa lý gì so với đó? Mắt đổi mắt, răng đổi răng. Phải trừng phạt đích đáng. Kinh Koran nói mà. Vả chăng, cô cho tôi biết, nếu có ai đó giết Aziza thì cô muốn có cơ hội để trả thù cho con cô không chứ?”
Laila bắn cho y một cái nhìn ghê tởm.
“Tôi đang chứng minh cho cô thấy,” y nói.
“Ông cũng giống như họ.”
“Mắt con bé Aziza màu lạ lắm, cô biết không? Chẳng giống màu mắt của cô, cũng chẳng giống màu của tôi.”
Rasheed lăn qua để đối mặt với Laila, cái móng tay cong queo trên ngón trỏ của y gãi nhẹ đùi của Laila.
“Ðể tôi nói rõ hơn,” y nói. Nếu một bữa tự nhiên tôi thích – tôi không nói điều đó sẽ xảy ra, nhưng có thể lắm chứ - tôi có quyền cho con Aziza cho người ta. Cô sẽ nghĩ sao? Hoặc là tôi có thể một ngày đẹp trời đến gặp quân Taliban, chỉ việc bước vô và nói là tôi có sự nghi ngờ đối với cô. Ðơn giản vậy thôi. Cô nghĩ họ sẽ tin ai? Cô nghĩ họ sẽ làm gì với cô?”
Laila nhích đùi ra xa Rasheed.
“Tôi sẽ chẳng làm đâu,” y bảo. “Không làm đâu. Chắc không đâu. Cô biết tôi mà.”
“Ông thật đáng tởm”, Laila nói.
“Xài chữ nặng há,” Rasheed nói. “Trước giờ tôi ghét cái tánh đó của cô. Ngay hồi cô còn nhỏ, hồi cô còn chạy chơi với cái thằng què, cô đã tưởng cô khôn lắm, với mấy cuốn sách và mấy bài thơ của cô. Cái khôn của cô giúp ích gì cho cô bây giờ hả? Nhờ đâu mà cô không ở ngoài đường? Nhờ cái khôn của cô hay nhờ tôi? Tôi đáng tởm hả? Phân nửa đàn bà ở cái thành phố này sẵn sàng giết nhau để có được một người chồng như tôi. Họ sẵn sàng giết nhau.”
Rasheed lăn trở lại và phà khói thuốc lên trần.
“Cô thích chữ nặng ký hả Laila? Tôi cho cô một chữ nè: lập trường. Ðó là điều tôi đang làm đây nè. Làm sao để cô không mất lập trường.”
Cả đêm hôm đó, điều làm cho Laila thót ruột là tất cả mọi lời Rasheed thốt ra đều đúng hết.
Tuy nhiên, sáng hôm sau, và cả mấy buổi sáng sau đó, bụng Laila vẫn còn khó chịu, sự khó chịu tăng thêm và trở thành một cảm giác quen thuộc đáng kinh.
Không lâu sau đó, một buổi trưa trời lạnh và u ám, Laila nằm ngửa trên nền nhà trong phòng ngủ. Trong phòng của mình, Mariam đang ngủ trưa với Aziza. Trong tay Laila đang cầm một cây căm bằng kim loại cô đã dùng kìm bẻ từ một bánh xe đạp người ta bỏ. Laila tìm thấy cái bánh xe này trong con hẻm nơi ngày xưa Laila đã hôn Tariq. Laila nằm đó thật lâu, cố hít thở qua hàm răng cắn chặt, hai chân dạng ra.
Ngay từ khi nghĩ mình mang thai, Laila đã cảm thấy thương Aziza. Hoàn toàn không có sự nghi ngờ hay do dự như lần này. Giờ đây Laila nghĩ, thật khủng khiếp cho một người mẹ nếu phải lo sợ mình sẽ không thương con mình. Thật là một điều phản tự nhiên. Thế mà nằm đó trên nền nhà, hai bàn tay đẫm mồ hôi sẵn sàng đưa cây căm vô, Laila đã phải tự hỏi mình thực có thể thương yêu đứa con của Rasheed như đã yêu thương con của Tariq hay không.
Cuối cùng, Laila đã không làm được.
Không phải vì sợ xuất huyết chết mà Laila buông cây căm, hay vì nghĩ đây là một hành động đáng nguyền rủa. Laila buông cây căm bởi vì cô không thể chấp nhận cái điều mà Thánh chiến quân đã chấp nhận từ lâu: đó là trong chiến tranh đôi khi người vô tội phải chịu hy sinh. Cuộc chiến của cô là với Rasheed. Ðứa bé vô tội. Và giết nhau đã nhiều rồi. Laila đã nhìn thấy quá đủ cảnh người dân vô tội chết vì kẹt giữa hai lằn đạn.
Chương 39
Mariam
Tháng chín 1997
“Nhà thương này không chữa cho bệnh nhân nữ nữa,” tên gác cổng sủa lên. Y đứng trên đầu cầu thang, lạnh lùng nhìn xuống đám đông tụ tập trước bệnh viện Malalai.
Một tiếng xì xào lớn phát lên từ đám đông.
“Nhưng đây là bệnh viện nữ mà!” một bà đứng sau Mariam la lớn. Nhiều tiếng hưởng ứng.
Mariam chuyển bé Aziza sang qua tay kia. Dùng cánh tay còn lại, Mariam đỡ Laila đang rên rỉ và đang choàng cổ Rasheed.
“Hết rồi,” tên lính nói.
“Vợ tôi sắp đẻ!” một người đàn ông mập la lớn. “Ông anh muốn bả đẻ ngoài đường ngay tại đây sao?”
Hồi tháng giêng năm nay, Mariam có nghe thông cáo là đàn ông và đàn bà sẽ đi nhà thương khác nhau, là tất cả nhân viên nữ sẽ bị đuổi khỏi các bệnh viện ở Kabul và sẽ phải đi làm việc ở một cơ sở tập trung.
Không ai tin, và quân Taliban cũng không thực hiện chính sách đó. Cho tới bây giờ.
“Còn bệnh viện Ali Abad?” một người khác hỏi to.
Tên gác cổng lắc đầu.
“Wazir Akbar Khan?”
“Nam thôi,” tên này nói.
“Vậy chúng tôi phải làm sao?”
“Tới nhà thương Rabia Balkhi,” tên gác cổng bảo.
Một phụ nữ trẻ lấn lên và nói cô ta đã tới đó rồi. Ở đó không có nước sạch, cô nói, không có dưỡng khí, không có thuốc, không có điện. “Ở đó không có gì hết.”
“Mấy người phải tới chỗ đó,” tên gác cổng nói.
Thêm nhiều tiếng rên, tiếng khóc, và tiếng chửi. Có người chọi đá.
Tên lính đưa khẩu súng AK lên và bắn mấy lượt lên trời. Một tên khác đứng sau vung roi lên.
Ðám đông vội vàng giải tán.
Phòng đợi tại bệnh viện Rabia Balkhi đầy ắp phụ nữ áo trùm kín ngồi với con của họ. Mùi mồ hôi của những thân thể không tắm rửa, mùi chân thúi, nước tiểu, khói thuốc lá và thuốc sát trùng xông lên nồng nặc. Bên dưới chiếc quạt trần không quay đám con nít chạy đuổi nhau, nhảy qua những cái chân duỗi ra của cha chúng đang lim dim ngủ.
Mariam đỡ Laila ngồi dựa vô tường, bức tường tróc từng mảng vôi loang lổ như những đất nước lạ trên tấm bản đồ. Laila lắc người tới lui, hai bàn tay đè lên bụng.
“Chị sẽ tìm cách để họ khám cho em, Laila. Chị hứa.”
“Làm nhanh lên,” Rasheed bảo.
Trước phòng ghi danh, một đám phụ nữ đang xô đẩy nhau. Có người trên tay còn bế em bé. Một số tách ra và muốn nhào vô hai cánh cửa dẫn đến phòng điều trị. Một tên lính gác cửa mang súng đứng chặn đường, đuổi họ lại.
Mariam nhào tới. Nàng tấn chặt hai chân và gồng mình chịu những cùi chỏ, hông và vai của đám người lạ. Ai đó thúc cùi chỏ vô be xườn của nàng, và nàng thúc lại. Một bàn tay cố chụp mặt nàng. Nàng hất mạnh ra. Ðể cố gắng tiến tới, Mariam cào vào bất cứ cái cổ, cánh tay và khuỷu tay, tóc nào, và khi một người đàn bà đứng gần rít lên thì Mariam cũng rít lại.
Giờ đây Mariam mới thấy những sự hy sinh mà một người mẹ phải gánh chịu. Lễ nghĩa chỉ là một. Nàng buồn bã nghĩ đến má nàng, đến những hy sinh má nàng cũng đã phải hứng chịu. Má đã có thể cho nàng đi, hay quẳng nàng xuống một cái mương rãnh đâu đó rồi bỏ đi. Nhưng má đã không làm điều đó. Thay vào đó, má nàng đã cam chịu sự xấu hổ mang thai đứa con hoang, đã chọn sống cả cuộc đời với nhiệm vụ vô ơn là nuôi dưỡng Mariam và yêu thương nàng theo cách riêng của bà. Ðể rồi cuối cùng, Mariam đã chọn ông Jalil, bỏ má. Trong khi quyết liệt để tiến về phía trước, Mariam ước phải chi nàng đã là một đứa con tốt hơn đối với má nàng. Mariam ước phải chi ngày đó nàng hiểu về tình mẫu tử như bây giờ.
Mariam chợt thấy mình đối diện với một cô y tá mặc áo màu xám dơ bẩn trùm kín người từ đầu tới chân. Cô y tá đang nói chuyện với một phụ nữ trẻ khăn che mặt thấm ướt máu.
“Con gái tôi bể nước ối rồi mà không sanh được,” Mariam la to.
“Tôi đang nói chuyện với cô y tá!” người phụ nữ trẻ đầy máu me kêu lên. “Chờ đến lượt bà đi!”
Cả đám người ngả nghiêng hết bên này sang bên kia, như đám cỏ cao quanh căn chòi khi gió quét qua bìa rừng. Một người đàn bà đứng sau Mariam hét to lên rằng con gái bà té cây bị gẫy tay. Một bà khác khóc nói đi cầu ra máu.
“Có sốt không?” cô y tá hỏi. Phải một lúc lâu Mariam mới nhận ra cô y tá nói với nàng.
“Không,” Mariam nói.
“Ra máu không?”
“Không.”
“Cô ấy đâu?”
Qua những cái đầu che kín, Mariam chỉ về phía Laila đang ngồi với Rasheed.
“Lát nữa tôi sẽ gọi cô ấy,” cô y tá nói.
“Bao lâu nữa?” Mariam nói to. Có ai chụp vai nàng, kéo nàng ra.
“Không biết,” cô y tá nói. Cô nói ở đây chỉ có hai bác sĩ và cả hai đang trong ca mổ.
“Con tôi đau dữ lắm,” Mariam nói.
“Tôi cũng vậy!” người đàn bà đầu chảy máu kêu lên.
“Chờ tới phiên mình!”
Marian bị kéo ra sau. Nàng không còn nhìn thấy cô y tá vì bị vai, đầu của đám người che mất. Nàng ngửi thấy mùi sữa em bé ợ.
“Dẫn cổ đi tới đi lui,” cô y tá la to. “Và chờ.”
Cuối cùng lúc người y tá gọi họ vô, bên ngoài trời đã tối. Phòng sanh có tám cái giường, trên giường các bà vặn người rên siết và được chăm sóc bởi các cô y tá áo trùm kín cả người. Hai trong số phụ nữ đang lâm sàn. Chẳng có màn che giữa các giường. Laila được chỉ đến chiếc giường ở cuối phòng, dưới cánh cửa sổ kính đã bị sơn đen. Gần đó có cái bồn rửa khô nứt, và bắt ngang qua cái bồn là sợi dây treo những chiếc găng tay giải phẫu vàng khè. Ở giữa phòng, Mariam thấy có cái bàn bằng nhôm. Mặt bàn trải tấm mền màu bồ hóng; ngăn dưới bàn để trống.
Một trong mấy người phụ nữ thấy Mariam nhìn.
“Họ để những người còn sống ở trên bàn,” chị ta mệt mỏi nói.
Bác sĩ, áo dài trùm kín người màu xanh dương đậm, là một người đàn bà nhỏ thó, hớt hải, cử động như chim. Những lời bà nói nghe như thiếu kiên nhẫn, khẩn cấp.
“Con đầu.” Bà nói như vậy đó, không phải câu hỏi mà lời khẳng định.
“Thứ nhì.” Mariam bảo.
Laila rú lên một tiếng và lăn người nằm nghiêng, bàn tay đan chặt tay Mariam.
“Sanh lần đầu có vấn đề gì không?”
“Không.”
“Chị là mẹ?”
“Dạ,” Mariam nói.
Người bác sĩ kéo phần dưới áo trùm của bà lên và lấy ra một dụng cụ bằng kim khí có hình nón. Bà kéo áo trùm của Laila lên và đặt đầu to của dụng cụ lên bụng Laila, đầu nhỏ áp vô tai bà. Bà nghe gần cả môt phút, đổi chỗ nhiều lần, lại nghe, rồi đổi chỗ nữa.
“Tôi phải thăm thai cô ngay.”
Bà mang một trong những chiếc găng tay treo bằng kẹp phơi quần áo trên bồn rửa vô. Một tay bà nhấn bụng Laila, còn tay kia đưa vô trong. Laila rên rỉ. Lúc xong việc, người bác sĩ đưa chiếc găng tay cho cô y tá, cô này rửa sơ và lại kẹp lên sợi dây.
“Con gái chị phải mổ. Chị hiểu không? Chúng tôi phải mổ bụng cô ấy để lấy em bé ra, bởi vì nó nằm ngược.”
“Tôi không hiểu,” Mariam nói.
Người bác sĩ nói đứa bé nằm trong tư thế không tự ra được.
“Và mất nhiều thời gian quá rồi. Phải đến phòng mổ ngay bây giờ.”
Laila nhăn nhó gật đầu, rồi ngoẻo đầu sang bên.
“Có một điều tôi phải nói cho chị biết,” bác sĩ nói. Bà tiến đến gần bên Mariam, nghiêng đầu và nói bằng giọng thấp và bí mật. Có chút bối rối trong giọng nói của bà bây giờ.
“Bà ấy nói gì vậy?” Laila rên. “Em bé có bị gì không?”
“Chịu sao nổi?” Mariam nói.
Bà bác sĩ chắc thấy câu hỏi có vẻ kết tội nên giọng bà bỗng đổi ra thế thủ.
“Chị tưởng tôi muốn vậy hả?” bà nói. “Chị nói tôi phải làm sao chứ? Họ không cho tôi những thứ tôi cần. Tôi cũng không có máy quang tuyến, không có máy hút, không có dưỡng khí, ngay cả thuốc trụ sinh đơn giản cũng không. Khi tổ chức phi chính phủ NGO tặng tiền, quân Taliban đã từ chối. Hoặc họ đã rót tiền vô những chỗ phục vụ cho đàn ông.”
“Nhưng thưa bác sĩ, có thuốc gì mà bà có thể dùng được không?” Mariam hỏi.
“Chuyện gì vậy?” Laila rên rỉ.
“Chị có thể tự mua thuốc được, nhưng mà – “
“Viết đi,” Mariam nói. “Bà viết tên thuốc đi, tôi sẽ mua.”
Trùm trong chiếc áo phủ kín người, người bác sĩ lắc đầu cộc lốc.
“Không kịp,” bà nói. “Ðiều thứ nhất, không có tiệm thuốc nào gần đây có bán thứ đó. Cho nên chị phải vất vả lắm để đi từ nơi này đến nơi kia, có khi đi khắp cả thành phố, mà rất ít hy vọng tìm được thuốc. Bây giờ đã gần 8 giờ rưỡi rồi, chắc chắn chị sẽ bị bắt vì vi phạm lệnh giới nghiêm. Ngay cả nếu chị tìm được thuốc, rất có thể chị không có đủ tiền để mua. Hoặc giả chị sẽ phải đấu giá với một người cũng tuyệt vọng như chị. Không kịp đâu. Ðứa bé cần phải ra ngay bây giờ.”
“Nói cho tôi biết chuyện gì vậy!” Laila chống tay ngồi dậy nói. Người bác sĩ hít hơi sâu, rồi nói nhà thương không có thuốc mê.
“Nhưng nếu chúng ta trì hoãn, cô sẽ mất đứa bé.”
“Vậy mổ tôi ra,” Laila nói. Cô ngã người xuống giường và co đầu gối lên. “Mổ tôi ra và đưa con cho tôi.”
Trong căn phòng mổ cũ kỹ, tối tăm, Laila nằm trên chiếc giường đẩy trong khi bà bác sĩ chà rửa tay trong chậu nước. Laila rùng mình, hít hơi qua kẽ răng mỗi khi người y tá lau bụng cô với chiếc khăn ngâm trong thứ nước màu vàng nâu. Một người y tá khác đứng ở cửa, lâu lâu lại đẩy cửa hé ra để lén nhìn thật nhanh ra ngoài.
Bác sĩ giờ đã cởi chiếc áo dài trùm kín người bà, và Mariam nhìn thấy tóc bà đã bạc, mí mắt và khóe miệng của bà nặng vì mệt mỏi.
“Họ muốn chúng tôi phải mặc áo trùm kín người khi làm việc,” bà bác sĩ giải thích, hất đầu về phía cô y tá đứng nơi cửa.
“Cô ấy phải canh chừng. Cổ thấy họ đi tới; tôi trùm lên liền.”
Bà nói bằng một giọng thực tế, gần như lạnh lùng, và Mariam hiểu đây là một người phụ nữ đã hết còn phẫn nộ. Mariam nghĩ, người đàn bà này hiểu rằng mình thật may mắn, may mắn lắm mới được làm việc, rằng lúc nào cũng có một cái gì đó, không cái này thì cái khác, bọn chúng có thể cướp đi.
Có hai thanh nhỏ bằng kim loại đứng thẳng hai bên vai của Laila. Dùng kẹp quần áo, người y tá lúc nãy chùi bụng Laila kẹp một tấm vải vô đó hai thanh đó, tạo ra một tấm màn giữa Laila và bà bác sĩ.
Mariam đứng vô vị trí phía trên đầu của Laila và cúi xuống cho gò má hai người chạm nhau. Nàng cảm nhận được hàm răng của Laila đang đánh bò cạp. Bàn tay hai người đan vào nhau.
Qua tấm màn, Mariam nhìn thấy bóng bà bác sĩ tiến đến bên trái của Laila, người y tá bên phải. Ðôi môi của Laila mím chặt. Bọt nước dãi trào ra giữa hai hàm răng cắn chặt, hơi thở nhanh, hổn hển.
Người bác sĩ nói, “Can đảm lên, em gái.” Và cúi xuống người Laila.
Ðôi mắt Laila chợt mở trừng. Rồi miệng cô mở to. Cô giữ như thế, giữ, giữ, run rẩy, gân cổ căng cứng, mặt nhễ nhại mồ hôi, tay bóp nát những ngón tay của Mariam.
Mariam sẽ mãi mãi cảm phục Laila vì đã chịu đựng không biết bao lâu trước khi buông ra tiếng thét.
(còn tiếp)