SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

NGƯỜI KHÁCH LẠ

Đêm ấy hai đứa chúng tôi ngồi mãi bên đống lửa cháy lách tách với bình rượu vang, dĩa khô nai và dăm trái bắp nướng mà chẳng ai nói với ai câu nào. Trăng đã lên tới ngọn cây toả ánh sáng bàng bạc khắp khu rừng. Trong nhà thì hai người phụ nữ - vợ của tôi và Chung cùng bốn đứa trẻ đã ngủ. Thỉnh thoảng Chung lại lấy cái que dài cời cho lửa cháy bùng lên cũng như lâu lâu lại châm thêm củi. Quanh chỗ chúng tôi ngồi là rừng, rừng mênh mông, đen thăm thẳm, âm u và bí mật. Đợi mãi không thấy tôi nói gì Chung lập lại câu hỏi khi nãy:

- Tuấn nè, ông nghĩ gì về chuyện thằng Tí kể hồi nãy? Sao tự nhiên tôi ớn quá. Hay sáng mai mình ra báo cho bảo vệ đi…

Tôi rót rượu ra hai ly nhỏ cho Chung và cho mình rồi bảo:

- Thôi. Làm hớp Thập Toàn Đại Bổ này đi cho khỏe rồi đi ngủ. Chuyện mấy đứa con nít… Có gì đâu. Để từ từ coi có thêm gì không rồi hãy báo. Chưa chi đã đi báo người ta nói mình là báo động giả kỳ chết…

Chung cầm ly rượu lên xoay xoay dường như chưa đồng ý lắm với quyết định của tôi nhưng rồi cuối cùng cũng đưa lên miệng ngửa cổ uống sạch. Xong Chung đứng lên, kéo cổ áo vẻ co ro bảo:

- Thôi vô ngủ Tuấn ơi. Lạnh rồi. Ông vô sau nhớ gài cửa cẩn thận đó nghe.

Vẻ nhớn nhác của Chung tự nhiên cũng làm tôi chột dạ. Làm ra vẻ tự nhiên và hết sức bình thản tôi bảo:

- Ngủ ngon. Để tôi trấn ngay cửa cho. Lót dưới gối con dao phay là yên bụng. Hồi xưa ông gan lắm mà. Sao giờ có vợ có con rồi càng ngày càng nhát vậy cha nội?

Chung không cười cũng chẳng nói gì lẳng lặng vô nhà rồi chui vào phòng đóng cửa lại. Tôi gom dĩa thức ăn và đem hết chỗ bắp nướng còn lại vào nhà. Người ta vẫn khuyên những người cắm trại trong rừng là trước khi đi ngủ nên mang hết thức ăn vào nhà hoặc cho vào thùng đậy kín lại kẻo ban đêm thú rừng ra lục lọi bươi móc bừa bãi. Xong đâu đó tôi thay đồ rồi trải cái nệm mỏng ra sát cửa ra vào nằm trấn ở đó với con dao phay như đã hứa với Chung.

Tôi và Chung đưa bầu đoàn thê tử lên đây cắm trại theo dự định là sẽ ở 7 ngày 6 đêm. Chúng tôi mướn một cái cabin rộng giữa rừng. Vợ chồng Chung - Uyên ở trong phòng ngủ dưới tầng trệt, tôi và Hạnh ở trên gác, bốn đứa nhỏ thì nằm lổm ngổm ngoài phòng khách. Cabin này được cất theo kiểu nhà sàn, có cầu thang đi lên, bên trong có bếp núc, điện nước đầy đủ rất tiện nghi. Chúng tôi là bạn lâu năm nên quen tính nết nhau, rất hợp gu trong chuyện đi chơi nên rất thoải mái, coi nhau như người nhà. Tôi và Chung mê rừng , mê cắm trại, mê hiking từ hồi còn độc thân nên giờ đây có gia đình rồi thì truyền cái đam mê đó lại cho bọn trẻ. Lũ nhóc thì có biết gì đâu. Thấy ba mẹ làm gì thì làm theo, đi đâu thì đi theo. Nằm mãi chưa ngủ được tôi đoán có lẽ đêm đã khuya lắm rồi. Sàn nhà lót bằng gỗ nên mỗi khi tôi cựa mình là kêu kẽo kẹt. Bên ngoài cabin tiếng côn trùng kêu re re vang dội. Xa hơn nữa, tận trong núi trong non thỉnh thoảng vọng ra tiếng nai tác, còn gần hơn là tiếng róc rách rì rầm của khúc sông trước nhà. Mắt tôi nhắm lại nhưng tâm trí vẫn còn chờn vờn những sự việc vừa xảy ra, cách nay mới mấy tiếng đồng hồ. Những sự việc ấy kể ra khá kỳ lạ.

Mọi sự bắt đầu vào khoảng 7 giờ, à không, chính xác là 7 giờ rưỡi chiều vì khi ấy cả nhà đã ăn tối xong cả rồi. Hạnh và Uyên người đứng rửa chén người thu dọn nhà bếp trong lúc bọn trẻ chơi đi trốn đi tìm la hét ầm ĩ. Thằng Tí con của Chung nhân lúc mọi người không chú ý đã mở cửa chạy ra sân và chui xuống trốn dưới gầm nhà .

Như đã nói ở phần trên là nhà này được cất theo kiểu nhà sàn nên từ mặt đất lên sàn nhà có một khoảng không. Cái khoảng không này rất tối vì trong ấy cỏ dại, cây dại mọc um tùm trông rất đáng sợ. Nếu là người lớn chắc chẳng ai muốn vào vì sợ rắn cắn hoặc giả là không có rắn đi nữa thì người ta cũng sợ cái bóng tối đầy đe doạ kia chẳng biết đang có những mưu toan gì. Chỉ vì thằng Tí mới năm tuổi nên nó chẳng biết sợ là gì, nó chỉ muốn không ai tìm thấy nên mới chui vào cái chỗ tối thui ấy mà thôi. Quả nhiên ba đứa trẻ còn lại tìm hoài không thấy Tí, khi ấy mới sợ sệt chạy vào báo với Uyên. Uyên báo với Hạnh rồi cả nhà hớt hơ hớt hải túa nhau đi tìm. Chính tôi đã rọi đèn pin vào cái gầm tối kia và lôi được Tí ra ngoài. Khi ấy cả người thằng bé đã lạnh cóng, mặt tím tái không còn giọt máu. Có cái gì đó làm nó sợ đến không nói được một lời cho đến khi tôi đụng vào người nó thì dường như nó mới sực tỉnh nhào ra ôm cứng lấy cổ tôi mà òa khóc nức nở. Mọi người đưa nó vào nhà, dỗ dành, trấn an một lúc thì nó mới nín khóc mà hai con mắt hãy còn thất thần vì hoảng loạn. Uyên cũng ôm chặt thằng bé, sờ nắn chân tay nó rồi hốt hoảng hỏi:
- Trời ơi, Tí. Sao con chui vô bụi làm gì cho cây cỏ cào trầy trụa hết vầy nè?

Thằng Tí nói trong cơn thổn thức:

- Con… con sợ nó ăn thịt con
- Ai? Ai ăn thịt con? Uyên vừa hỏi vừa lay mạnh thằng bé.

Lại một cơn thổn thức nữa trào lên. Góp nhặt tất cả những câu nói lắp bắp của thằng bé tôi hiểu rằng khi chạy xuống cầu thang và chui vào trốn dưới gầm nhà thì nó chợt nhìn thấy một cái cẳng chân của ai đó đang đứng bên ngoài tựa vào vách nhà. Dĩ nhiên là nó không thể thấy toàn bộ người đó vì nó đang ở dưới gầm nên chỉ thấy được từ bàn chân lên tới khoảng giữa đùi. Theo nó tả lại thì đó là một bàn chân “to bự đen thui, có những cái móng rất dài và quặp xuống trông như móng gấu, còn cái khúc cẳng chân kia thì to như chân voi , da dày như da trâu lại có lông đâm ra tua tủa.” Hình ảnh kinh dị đó làm nó khiếp vía. Nó chưa kịp phản ứng gì thì cái khúc cẳng chân ấy bắt đầu di chuyển xung quanh nhà, đạp rất êm trên cỏ. Lúc ấy thì Tí đã á khẩu, vãi đái ra quần. Nó lùi sâu vào trong gầm nhà mặc cho cành cây dại cào xước mặt mũi. Cái khúc cẳng chân ấy sau khi đã đi hết một vòng quanh nhà thì biến mất đâu đó trong bóng đêm dày đặc. Tí vẫn không dám chui ra vì sợ “con quái vật ấy ăn thịt mình”. Cho tới một lúc sau thì mọi người tìm được nó. Nếu chậm hơn chút nữa chắc nó đã chết ngất vì lạnh và sợ hãi.

Uyên ôm con vào lòng nước mắt cũng trào ra. Sự kinh hãi của thằng bé giờ truyền sang tất cả mọi người. Chung nhìn con rồi nhìn tôi:

- Ông nghĩ cái thứ ấy là người hay thú?

Tôi quay qua hỏi thằng bé:

- Tí. Con nghĩ cái chân ấy là chân người hay chân con vật?

Thằng bé úp mặt vào lòng mẹ nó lắc đầu nguầy nguậy:

- Con không biết. Con không biết. Con sợ lắm. Con không muốn ở đây nữa. Con muốn về…

Chung nói:

- Theo tôi đó không phải là chân người bởi vì theo nó tả thì đó là một cái chân trần không giày dép. Ở trong rừng mà không có mang giày dép thì chỉ có thể là chân thú. Nhưng cũng lạ là hình như thằng Tí chỉ thấy có một chân. Phải không con ? Tí! Nghe ba hỏi nè. Con thấy mấy chân nói ba nghe. Hai chân hay là bốn chân?

Thằng bé lại gào lên:

- Con không biết. Con sợ lắm. Con không muốn ở đây nữa. Ba mẹ cho con về đi.

Chung không biết nói gì hơn là biểu Uyên cho nó vô phòng nằm ngủ đồng thời cũng biểu ba đứa còn lại đi ngủ. Bọn trẻ chui vào chăn không dám hó hé một lời. Sau đó Chung và tôi mỗi đứa một cây đèn pin ra rọi khắp xung quanh nhà. Vì trời không có mưa, đất rất khô nên chỉ thấy những chỗ cỏ bị rạp xuống chứ không có dấu chân nào để lại. Suốt đêm Chung và tôi không sao ngủ được. Chung cho rằng có thể đó là một loại thú gì đó ban đêm ra kiếm ăn còn tôi thì cho rằng hoàn toàn chưa thể kết luận được vì những gì thằng Tí nhìn thấy và kể lại còn quá đỗi mơ hồ.

Sáng hôm sau cả khu rừng dường như bừng tỉnh sau một giấc ngủ dài nhiều mộng mị. Nắng chan hòa khắp nơi. Nắng tràn qua thung lũng, tràn xuống từ đỉnh núi làm bốc hơi tất cả nỗi sợ hãi trong lòng người lớn cũng như trẻ con. Bọn nhỏ chạy ùa ra cửa để nghe tiếng chim ríu rít trong khi bốn người lớn cùng căng lồng ngực để đón nhận mùi thiên nhiên tinh khiết. Không ai nhắc đến câu chuyện hôm qua. Chúng tôi lại dẫn tụi nhỏ ra suối chơi. Hạnh và Uyên thì bắt tay vào nấu một nồi bò kho thơm lừng với đủ các thứ đã chuẩn bị sẵn. Thằng Tí câu được một con cá dưới suối nên nó khoái chí cười khanh khách không còn chèo chẹo đòi về nữa. Con nít rất mau quên. Người lớn cũng không muốn nhớ làm gì những chuyện khó chịu. Một ngày trôi qua êm ả đúng như lòng người mong đợi. Chúng tôi đi hiking, đi tắm sông, tắm suối, đói thì ăn, mệt thì nằm dài dưới bóng cây mà ngủ. Thử hỏi trên đời còn ao ước gì hơn thế nữa chăng. Cho đến chiều khi trời bắt đầu chạng vạng thì chúng tôi quay đầu trở lại cabin. Trong lúc tôi đang dội nước tắm ào ào dưới cái vòi sen thì nghe tiếng Chung hỏi vợ:

- Em thấy bình rượu vang của anh đâu không ?

Tiếng Uyên đáp:

- Hôm qua em thấy anh với anh Tuấn đem ra cái bàn ngoài sân ngồi uống. Anh ra coi xem.

Có lẽ Chung ra tìm không thấy nên khi tôi vừa bước ra khỏi nhà tắm là cậu ấy đến hỏi ngay:

- Ông có dẹp bình rượu vang của mình đâu không Tuấn? Hôm qua tôi nhớ tôi ngồi uống với ông suốt đêm ngoài sân.

Tôi vỗ vào trán:

- Ối chết. Đêm hôm qua tôi dẹp đồ ăn vô nhà nhưng lại quên bình rượu. Chắc nó còn ngoài đó.
- Tôi mới ra coi rồi. Không có.
- Sao kỳ vậy? Thú rừng có thể lục lọi đồ ăn hoặc tha đồ ăn đi nhưng thú rừng không bao giờ đi rinh một bình rượu đã đậy kín. Để hỏi lại xem có ai dẹp của mình không.

Thế là cả nhà lại một phen đi kiếm cái bình rượu nhưng rõ ràng là cái bình đã không cánh mà bay. Xin nói thêm ở đây là cái bình này bằng gốm, dung tích độ một lít, có nắp đậy rất kỹ. Chắc chắn không thú rừng nào đánh hơi được chứ đừng nói đến chuyện tha đi.

Chung cau mày suy nghĩ. Cả hai chúng tôi cùng nghĩ đến cái con “quái vật” mà thằng Tí đã nhìn thấy. Có lẽ con đó đã tha đi. Chung lại được dịp thúc hối tôi:

- Đi báo bảo vệ đi Tuấn. Ông còn đợi gì nữa. Chẳng lẽ ông đợi cho nó vô ăn thịt mình rồi mới báo à?

Thấy tôi còn ngần ngừ Chung xoay lưng bước đi nói một cách quả quyết:

- Ông không báo thì tôi báo

Tôi níu tay Chung lại:

- Khoan đã. Để đó tôi…

Chung mở to mắt nhìn tôi chờ đợi.

Đêm đó tôi cố ý để lại trên chiếc bàn ngoài sân một lon cá mòi hộp. Chung trố mắt nhìn tôi nhưng vài giây sau thì gật đầu hiểu ý. Tờ mờ sớm hôm sau chính Chung đã hấp tấp lay tôi dậy:

- Tuấn. Hộp cá biến mất rồi.

Hai chúng tôi tái mặt nhìn nhau. Như vậy 99 chấm 9 phần trăm kẻ đã lấy bình rượu cũng như hộp cá là người chứ không phải thú bởi thú không thể đánh hơi được mùi thức ăn trong đồ hộp. Như vậy chẳng lẽ có một kẻ lạ mặt thường xuyên lởn vởn xung quanh khu vực của chúng tôi thậm chí đã tiếp cận chúng tôi mà chúng tôi không hề biết và cứ đợi đêm xuống là ra trộm đạo. Tự nhiên tôi cảm thấy lạnh sống lưng và ánh mắt của Chung cũng đầy vẻ lo âu.

Vài giờ sau khi văn phòng của Ban bảo vệ khu đất trại vừa mở cửa là Chung và tôi đã có mặt. Chúng tôi tường trình lại những hiện tượng đã xảy ra trong mấy hôm vừa rồi và tỏ ý lo lắng cho sự an toàn của gia đình chúng tôi trong thời gian cắm trại. Người bảo vệ sau khi đã lắng nghe kỹ lưỡng và lập biên bản những gì chúng tôi trình báo bèn trầm ngâm nói:

- Hiện tượng này đã xảy ra cho một vài gia đình trong thời gian gần đây. Họ lên báo cáo với chúng tôi là bị mất một số thức ăn khi để quên ngoài sân trong đêm và tỏ ý ngờ vực rằng kẻ cắp là người chứ không phải thú. Thật ra thì những gì họ báo cáo cũng còn hết sức mơ hồ và không đủ chứng cứ. Chúng tôi bảo rằng trong các điều khoản của trại đã ghi rõ. Chúng tôi không chịu trách nhiệm về những mất mát trong thời gian quí vị ở đây. Ngoài ra chúng tôi đã lưu ý quí vị rất rõ rằng là không được để thức ăn ngoài sân qua đêm. Chính quí vị đã mời gọi thú hoang tới bằng sự lơ đễnh của chính mình thì làm sao trách chúng tôi được. Thậm chí chúng tôi cũng không thể bảo vệ quí vị khi quí vị bị thú dữ tấn công. Khổ cái là chẳng ai thèm đọc những nội qui này khi vào cắm trại. Mà nói chung thì vùng này chẳng xảy ra những gì trầm trọng. Cùng lắm là mất vài ổ bánh mì, hoặc đĩa khoai Tây chiên. Cũng chẳng có ai chết chóc. Công viên Quốc gia vùng này rất hiền, không có các động vật ăn thịt to lớn như cọp, beo, sư tử đâu…Họa hoằn lắm thì các bạn có thể gặp gấu hoặc mèo rừng. Bọn này hay ra kiếm ăn vào ban đêm nhưng gặp người là bỏ chạy ngay. Còn cái con “quái vật” mà cháu bé đã nhìn thấy thì… thì….

Người nhân viên nói đến đó đột ngột ngưng ngang.

- Thì sao ạ? Chung sốt ruột hỏi.

Người bảo vệ đứng lên kéo ngăn tủ hồ sơ sau lưng lấy ra vài tấm ảnh rồi nói tiếp. Dường như giọng nói của anh ta bắt đầu run run hay chính sự hồi hộp trong lòng tôi lúc đó khiến tôi có cảm giác như vậy. Nuốt nước bọt để cố giữ bình tĩnh anh ta nói tiếp:

- Cách nay độ hai tháng có người lên báo với tôi là họ bị mất một số thức ăn, tương tự như gia đình các anh vậy. Tuy nhiên người này quả quyết rằng kẻ cắp là người mà có lẽ là người rừng vì hắn cao, to, đầy lông lá trông rất dễ sợ. Thế rồi anh ta đã bỏ thời gian để theo dõi hắn, tìm cách bẫy hắn hoặc ít nhất là chụp hình hắn để chứng minh. Tuy nhiên hắn tinh ranh và vô cùng quỉ quyệt, ẩn hiện biến hoá khôn lường nên người kia trầy trật mãi cũng chẳng cách gì tóm được hắn. Cuối cùng thì anh ta chỉ đem đến cho tôi vài tấm ảnh lờ mờ như thế này đây.

Người bảo vệ chìa các tấm ảnh ra cho chúng tôi xem. Quả như lời anh ta nói những tấm ảnh ấy rất mờ nhạt vì chụp từ rất xa, chỉ thấy được trong vòm lá bùm xùm một cái gì tạm gọi là nhân dạng vì nó cao cao, có hai tay hai chân, một cái đầu chôm bôm, thế thôi. Một điểm nữa có thể nhận xét về hắn là trên người hắn hình như không có quần áo, người chỉ quấn lá cây, hai mắt bị che bởi một mớ tóc rũ rượi.

Người bảo vệ nói:

- Các anh kết luận được gì khi nhìn các tấm ảnh này? Có ai dám nói đây là người không? Hay đây là khỉ dã nhân, hay đười ươi? Không ai dám quả quyết cả. Rừng núi thì bạt ngàn thế này. Mò kim đáy bể cũng không kiếm ra hắn. Thôi thì… kệ hắn chứ biết làm sao. Miễn là hắn không làm hại ai.

Anh ta kết thúc câu chuyện của mình bằng một cái nhún vai và một nụ cười khổ sở.

Chung hỏi:

- Các ban ngành, nhà chức trách địa phương có điều tra thêm được gì về gã này không?

Người bảo vệ đáp:

- Mới đầu thì Ban Kiểm Lâm và bên phía Bảo vệ môi trường cũng có nhúng tay vào nhưng chẳng đi tới đâu. Rồi thì hồ sơ bỏ xó đó. Rốt cuộc chìm xuồng. Chẳng ai còn để ý tới nữa….Thôi thì tôi khuyên các anh. Tốt nhất là các anh đừng để thức ăn ngoài sân qua đêm thì chẳng có lý do gì gã kia mò tới làm phiền các anh nữa.

Tôi và Chung cám ơn người bảo vệ rồi cuốc bộ về cabin, cảm thấy cái việc đi báo cáo của mình vừa rồi dường như không có tác dụng gì cả. Chúng tôi có linh cảm rằng cái gã “người rừng” vẫn còn hiện diện một cách vô hình trong lùm cây bụi cỏ, biết đâu là ngay sau lưng chúng tôi và biết đâu gã đang toan tính một điều gì đó hoặc gã chẳng hề làm gì nhưng đã làm cho những ngày còn lại trong kỳ cắm trại của chúng tôi nhuộm một màu u ám rồi.

Những ngày sau đó chúng tôi vui chơi một cách e dè. Bọn trẻ thì chẳng biết gì, vẫn hồn nhiên rượt đuổi, cút bắt, chơi bán hàng, chơi công chúa hoàng tử, chèo thuyền, câu cá tưng bừng. Chỉ có bốn người lớn là cảm thấy phập phồng. Không ai nói ra nhưng mọi người ngầm hiểu là chỉ mong không có biến cố gì xảy ra cho tới ngày về. Hai đêm liền tôi và Chung không ra uống rượu ngắm trăng khuya hay đàn hát nghêu ngao nữa. Tất cả thức ăn đều được dọn vào nhà không để ngoài sân qua đêm. Gã “người rừng” không thấy bén mảng tới cũng như chẳng có dấu hiệu gì chứng tỏ sự hiện diện của gã. Người bảo vệ nói đúng. “Nếu các anh cất hết thức ăn vào nhà thì không có lý do gì để gã ta đến làm phiền các anh nữa”.

Thế rồi cái đêm cuối cùng của kỳ cắm trại cũng đến. Bọn trẻ ngoan ngoãn xếp quần áo vào ba lô, chui vào chăn ngủ sớm theo kỷ luật nhà binh của hai bà mẹ. Tất cả hành lý chuẩn bị cho chuyến về của ngày hôm sau đã được gói ghém gọn gàng. Chung pha một ly cacao nóng ngồi uống nhâm nhi thay cho rượu vang. Vừa uống Chung vừa chặc lưỡi:

- Mẹ nó. Đem theo bình rượu vang số dách thiên hạ thì bị cái thằng người rừng quỉ sứ nào đó chôm mất. Nghĩ tức trào máu…

Tôi đập vào vai Chung cười:

- Thôi… Trào máu làm gì. Uổng máu. Ngủ đi ông ơi. Về mua chai khác rồi trở lại đây uống…

Chung lầu bầu gì đó rồi cũng thôi, bỏ lại ly cacao đi vào phòng ngủ. Tôi thắp cây đèn bão, kéo ghế ra hàng hiên ngồi một mình. Quầng sáng của cây đèn mời gọi những con thiêu thân bu đến khá đông. Cái bàn gỗ ngoài sân đã được dọn trống trơn không còn miếng thức ăn nào đang ngửa mặt lên trời hứng suơng đêm. Tự nhiên tôi cảm thấy buồn hay đúng ra là bồi hồi như lưu luyến, như đang bị xao động bởi một niềm hoài cảm đang dâng lên từ đáy sâu tâm hồn, như cái mặt hồ đang yên lặng bất chợt bị bàn tay ai đó ném xuống một hòn sỏi. Tôi tự hỏi mình đang cảm xúc vì lẽ gì. Có phải vì mình chợt thấy yêu cái nơi mà mình sắp từ giã và chưa biết bao giờ mới quay lại hay bởi cái mảnh trăng lu trên ngọn cây kia gợi lên những kỷ niệm u ẩn xa vời ? Bỗng dưng tôi rùng mình. Một cơn lạnh từ đâu kéo tới làm tay chân tôi rã rời, thân thể tôi bất động , chỉ duy nhất trí não còn linh hoạt khi nhận ra hồi ức của mình sắp sửa đi xa, sắp sửa chạm vào miệng của một vết thương vẫn còn âm ỉ. Không, tôi không muốn nhớ, không muốn nhớ, hãy để tôi yên, đừng cho tôi nhớ , đừng cho tôi nhớ gì cả…

Tiếng lay của Chung làm tôi giật mình:

- Ông làm gì mà ra ngoài này ngồi rồi ngủ gục luôn vậy ?

Tôi giật mình choàng tỉnh:

- Ủa, nãy giờ tôi ngủ gục đây sao?
- Chứ còn gì nữa. Thôi ông vô nhà ngủ đi. Giờ này còn ngắm trăng ngắm sao gì nữa…

Tôi nhìn Chung. Chung cũng nhìn lại tôi. Là bạn lâu năm Chung biết là tôi đang nghĩ gì. Chung hỏi, giọng trầm xuống:

- Có phải… ông đang nghĩ đến anh Ba ?

Tôi không trả lời cũng chẳng buồn nhúc nhích, cứ ngồi trơ ra đó. Chung đập vào vai tôi rồi lặng lẽ quay vào trong không nói gì nữa.

Tôi cố nuốt một cái tuồng như mình đang nuốt nước bọt nhưng trong miệng tôi lúc ấy một ngụm nước bọt cũng không có. Phải đấy Chung ạ. Người tôi đang nghĩ đến không ai khác hơn là anh Ba.

Ngày đó, lâu lắm, Chung, anh Ba và tôi là ba người bạn rất thân, ba tay chuyên đi rừng , leo núi. Thật ra nhóm hiking - leo núi của chúng tôi đông người lắm, có cả nam lẫn nữ nhưng phần lớn những người trong nhóm là dân hiking tài tử. Hôm nào vui thì đi, buồn thì nằm nhà ngủ cho khỏe hoặc vờ mặc quần áo đi rừng rồi ẹo qua ẹo lại chút chút cho có vị xong than mệt, tấp vô quán ăn kem uống cà phê. Chỉ có ba tay gan lỳ là Chung, anh Ba và tôi là nhất định phất ngọn cờ Không Lùi Bước. Gan lỳ nhất phải nói là anh Ba. Red Rock Mountain, Bridges To No Where hay Mount McKinley đối với anh là đồ bỏ. Anh cao, to, người vạm vỡ rắn chắc bởi những bắp thịt được rèn luyện qua cả ngàn dặm đường trèo đèo vượt suối. Ngủ trong rừng, ngủ trên đá, lội băng qua con sông được mệnh danh là “ Killing River” anh đã làm được hết rồi , duy chỉ có mệnh trời là anh vượt qua không nổi nên trong chuyến leo núi cuối cùng của ba anh em lần đó chỉ có tôi và Chung trở về.

Những nhân viên điều tra đã hỏi: “Chuyện gì đã xảy ra với ông ấy?”

Tôi còn nhớ là nghe giọng Chung và mình đã lạc hẳn đi trong gió:

- Thưa chúng tôi cũng không rõ chuyện gì đã xảy ra với anh ấy. Lúc ấy khoảng 3 giờ chiều, trời gió lớn lắm. Cả ba người chúng tôi leo bằng đường núi đến được độ cao 13 ngàn bộ tương đương với 4300 mét so với mặt biển. Anh Ba hứng chí huýt sáo vang trời trong khi hai đứa chúng tôi mệt rã rời tưởng không nhấc chân lên nổi nữa. Anh ấy nói với chúng tôi là chúng tôi cứ về lều nghỉ trước đi , anh ấy muốn khám phá con đường sau vách đá kia một chút rồi sẽ về sau. Chúng tôi bảo bỏ anh lại đây một mình tụi em không yên tâm, hay là ngồi đây đợi rồi cùng về luôn một thể. Anh ấy trề môi xua tay biểu đi đi. Chúng tôi vì đã quá mệt và đói nên đành đứng dậy xuôi theo con dốc quay về chỗ dựng lều nhưng đang đi làm như có linh cảm tôi ngoái đầu nhìn lại thì thấy bàn tay của anh ấy đưa lên vẫy vẫy trong đám cây lá thấp thoáng. Tôi bảo với người bạn đây rằng hình như ảnh muốn nói gì điều gì đó. Chúng tôi lấy tay làm loa gọi lớn anh có cần gì không. Tôi nghĩ là anh ấy không nghe được tiếng chúng tôi và chúng tôi cũng không nghe được tiếng anh ấy, chỉ thấy một bàn tay đưa lên vẫy vẫy rồi cũng mất hút trong tàn lá. Tới bây giờ tôi cũng không rõ đó là cử chỉ cầu cứu hay là kêu bọn tôi cứ đi đi. Chúng tôi ngần ngừ một chút rồi thôi cũng đi tiếp, về tới lều là lăn ra ngủ tới khi tỉnh dậy vẫn không thấy anh ấy trở về.

Lúc ấy thì trời đã tối. Ai có đi rừng mới hiểu đêm trong rừng dễ sợ đến như thế nào. Chúng tôi rọi đèn pin kêu tên anh ấy khản cả tiếng mà không nghe một âm thanh nào đáp lại. Trời vừa sáng chúng tôi leo ngược lên con dốc trở lại cái chỗ hồi chiều hôm qua miệng vẫn tiếp tục kêu tên anh ấy nhưng vẫn không có chút hồi đáp. Chúng tôi liền gọi số cứu hộ. Quí ngài ơi xin hãy mau lên, mau lên kẻo không kịp…

Tám năm đã trôi qua sau cái ngày oan nghiệt ấy. Anh Ba được thông báo là mất tích sau những cuộc tìm kiếm khá qui mô của trực thăng và chó. Anh ấy đã té xuống vực và nằm luôn dưới đó rồi. Chắc là vậy. Chúng tôi chỉ có thể nghĩ như thế thôi chứ không còn biết nói sao nữa.

Sau ngày ấy Chung và tôi bị những ám ảnh không nguôi. Chúng tôi thật hối hận khi đã không cố sức chạy lại khi thấy bàn tay của anh ấy đưa lên vẫy vẫy. Có thể đó là những cái vẫy tay tuyệt vọng. Lúc ấy chúng tôi không hiểu ý anh ấy, và vì không hiểu cộng với mệt cộng với đói chúng tôi đã sơ sẩy làm thiệt mạng một người…

Phải mất một thời gian dài nỗi day dứt ấy mới dần dần nguôi ngoai. Câu chuyện thương tâm về người bạn của chúng tôi dần dần chìm vào quá khứ. Chúng tôi vẫn đi rừng, leo núi nhưng tránh những chỗ cheo leo hiểm trở, nhất là nơi có những vực sâu giết người…

Hình như tôi đã thiếp đi ngoài hàng hiên rất lâu với những hồi ức lộn xộn cho đến khi Hạnh là người thứ hai ra kêu tôi mới vào trong ngủ. Sáng hôm sau tôi là người thức dậy sau cùng. Tất cả mọi người đã ăn sáng xong, giày vớ gọn gàng chuẩn bị lên đường. Bọn trẻ ca hát líu lo. Người xuất hiện trước mặt tôi là Chung với khuôn mặt trắng bệch gần như thất thần. Cậu ta chìa cái bình rượu vang ra trước mặt tôi:

- Ông coi nè. Hồi sáng sớm tôi ra sân thì thấy cái bình rượu nằm chình ình trên cái bàn gỗ trước nhà. Cái thằng người rừng uống hết rượu trong đó rồi đem cái bình không trả lại cho mình đó. Nó tới hồi nào bố ai biết. Coi đã chưa…

Tôi sửng sốt cầm lấy bình rượu lắc lắc và ngạc nhiên nghe có cái gì lạo xạo trong ấy. Tôi mở nắp bình trút xuống. Ba hòn sỏi từ trong rơi ra trước cặp mắt kinh ngạc của Chung và tôi. Ba hòn sỏi! Tại sao lại là ba mà không là bốn hay năm hay mười?

Cổ họng tôi nghẹn và đắng. Bàn tay Chung run run mân mê ba hòn sỏi. Chung nói bằng cái giọng thều thào của một người như đang trong cơn đồng thiếp:

- Tuấn. Sao có ba hòn sỏi trong này? Ông có nghĩ cái gã người rừng ấy là… anh Ba không?

Tôi nhìn Chung không chớp mắt bởi đó cũng chính là ý nghĩ của tôi. Có lẽ anh ấy đã rơi xuống vực, mất hết ý thức và hồi sinh nhờ một phép mầu nào đó nhưng không còn trở lại con người cũ được nữa. Anh ấy vĩnh viễn sống lại trong rừng như một động vật hoang dã, liều lĩnh đến những nơi cắm trại để kiếm ăn như tất cả những động vật khác và đã vô tình trông thấy chúng tôi. Có lẽ trong đầu óc mê muội của cái “con người đã bị hóa thành thú” ấy còn sót lại một mẩu ký ức cỏn con nào đó khiến nó sực tỉnh và làm nó chợt nhận thức được chính mình. Có phải tất cả câu chuyện này là như thế không hay chính chúng tôi đang lạc vào cái biển sương mù mờ mịt của những suy diễn đậm chất hoang đường, không căn cứ và ba hòn sỏi kia biết đâu chỉ là một sự trùng hợp hoàn toàn ngẫu nhiên?

Hình như Chung có nhắc lại câu hỏi một lần nữa:

- Ông có nghĩ cái gã người rừng ấy là anh Ba không?

Tôi đáp:

- Làm sao khẳng định được gã ấy là anh Ba! Anh ấy còn sống hay đã chết không ai biết. Chính chúng ta còn chưa hề một lần trông thấy cái gã mà chúng ta tạm cho là anh ấy, và hai chữ “người rừng” cũng chỉ là suy đoán suông của anh chàng nào đó qua lời kể của người bảo vệ. Chưa ai từng trông thấy gã! Dĩ nhiên là chúng ta vẫn có thể tường trình lại với cảnh sát về những gì chúng ta đã gặp trong khu rừng này nhưng ông thử nghĩ bao giờ họ mới đụng đến những trang hồ sơ của chúng ta, bao giờ mới cho người lặn hụp để mò kim đáy biển ở nơi này một lần nữa?

Tiếng thằng Tí từ ngoài chạy vào ngắt câu chuyện của chúng tôi:

- Ba. Sao lâu đi quá vậy ba? Tụi con xong hết rồi. Mình còn chờ gì nữa vậy?

Chung và tôi nói vài câu với nó rồi đứng lên. Câu chuyện dang dở đành xếp lại. Tất cả đồ đạc còn lại trong nhà được mang ra xe một cách chóng vánh. Tôi đi một vòng kiểm tra xem có quên gì không rồi khoá cửa cabin lại. Chung nhảy lên ngồi sau tay lái vừa đề máy xe vừa nói:

- Xong hết chưa? Đi!

Tôi bảo:

- Khoan đã. Ông tới giúp tôi chút.

Chung ngạc nhiên bước xuống, để chiếc xe vẫn còn nổ máy:

- Ông cần gì?

Tôi ra hiệu bảo Chung ra sau cốp xe, mở lên lấy tất cả những thức ăn còn chưa dùng đem đến để trên cái bàn mặt gỗ. Thật ra cũng không còn gì nhiều. Nửa bao sandwich, mấy hộp cá mòi, dăm gói mì gói, bánh ngọt, một ít trái cây, sữa bột…Chung bảo:

- Tôi hiểu ý ông nhưng để ra như vầy sợ con gì ăn mất, không còn phần cho người kia nữa…

Tôi nói:

- Tôi biết nhưng chúng ta làm gì hơn được bây giờ. Nếu anh ấy có đến sẽ hiểu là chúng ta để những thức ăn này lại cho ảnh…

Chung khẽ gật đầu. Chúng tôi nhìn lại bao quát núi rừng một lần nữa trước khi rồ xe đi. Đành thế thôi. Trên đời này biết bao nhiêu việc lực bất tòng tâm. Nhìn ra phía sau tôi thấy bọn trẻ đã quay kính xuống hết và đang thò tay ra vẫy. Chào nhé. Chào tất cả. Tạm biệt căn nhà gỗ, núi đá , dòng sông. Hẹn gặp lại. Tôi cũng quay kính xuống rồi thò tay ra vẫy như muốn gởi cái vẫy ấy đến một người thân yêu đang lẩn khuất đâu đó trong lùm cây bụi cỏ , đang dõi ánh mắt xa xăm nhìn ra núi rừng trùng điệp. Có thể anh ấy nhìn thấy tôi, hoặc không nhìn thấy tôi nhưng dù như thế nào đi nữa thì tôi cũng đều chấp nhận cả vì không thể làm gì khác hơn bây giờ…

Nghi Phương
9/22

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022