SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

NHỮNG KHÚC ĐOẠN TRƯỜNG

Hồi nhỏ thỉnh thoảng nghe người lớn kể chuyện với nhau về đời sống của ai đó để rồi cuối cùng chép miệng buồn bã bằng câu “Đoạn trường ai có qua cầu mới hay!”. Lớn lên đi học mới biết ý nghĩa hai chữ này diễn tả nỗi đau xót xa đứt ruột khi rơi vào trong hoàn cảnh bi thương bất đắc dĩ. Nhân vật Thúy Kiều trong Đoạn trường Tân Thanh đã phải thốt lên: “Đau đớn thay phận đàn bà!!”. Câu nói xác nhận về thân phận phụ nữ từ thời phong kiến đã trở thành kinh điển! Dường như làm thân con gái sinh ra là phải cúi đầu cam chịu những bất hạnh đến lúc nào đó sẽ xảy ra cho đời mình. Từ những thế kỷ xa xưa hơn hai ngàn năm trước vào thời kỳ chưa có nền văn minh như hiện tại người phụ nữ đã không thể phản kháng. Vậy mà bây giờ ở những vùng đất chiếm gần một phần tư quả địa cầu, nơi đó những người con gái sinh ra vẫn còn phải chịu thống khổ không do mình quyết định. Cái chết của một cô gái trẻ bị bắt và giết chết với một lý do chỉ để lộ mái tóc dưới tấm khăn trùm đầu là giọt nước tràn ly đã làm thế giới rúng động!! Tạo hóa sinh ra người phụ nữ thể chất đã là yếu đuối giờ đây lại thấy nhỏ bé và bất lực hơn nữa trước sự cuồng tín mê muội tàn bạo không còn tính người được viện dẫn bởi nội quy của một tôn giáo.

May mắn thay xã hội Việt Nam, đất nước hiền hòa từ ngọn cỏ, giòng sông, bờ biển thái bình, cho dù có chiến tranh triền miên cũng không làm thay đổi nhân tính nếu bất đắc dĩ phải sống chung nhau. Có đau khổ chịu đựng cũng chỉ than thở nhẹ nhàng qua lời ca:

“Có những niềm riêng một đời giấu kín,
Như rêu như rong đắm trong biển khơi.
Có những niềm riêng một đời câm nín,
Nên khi xuôi tay còn chút ngậm ngùi!!
( Nhạc Lê Tín Hương )

oOo

Sau đám cưới của Se Sẻ ba tháng, chị có lên nhà tôi ở chơi một ngày. Chiều đi làm về thấy chị ở trong nhà nói với tôi:

- Chị và anh ấy thôi nhau rồi.

Tôi ngạc nhiên hỏi?

- Sao đến nông nỗi mới có mấy tháng mà.

Chị cười buồn:

- Ừ, ở chưa nát chiếc chiếu.

Chị là con cậu Hai Đuổi má tôi gọi là anh Hai. Hôm dự đám cưới về nhà tôi thắc mắc với má:

- Ủa sao con chưa hề nghe má nhắc đến cậu Hai giống như cậu Ba, cậu Tư, cậu Năm là những người em của má. Má lớn nhất nhà nên mọi người gọi chị Hai, bây giờ tụi con lại gọi ba chị Sẻ cũng là cậu Hai, vậy ai lớn hơn, nhỏ hơn?

Má đứng lên phủi tay cái rột đi vào bếp chỉ giải thích một câu:

- Cậu Hai là con của má lớn, dĩ nhiên lớn tuổi hơn.

Câu nói của má lại khiến tôi như rơi xuống con sông rối nùi đám dây lục bình chằng chịt bên dòng họ ngoại. Chị tôi nhìn theo lưng má thì thầm giải thích:

- Em không nghe người lớn gọi má mình là Thôi à. Bây giờ lại có cậu Hai tên Đuổi, chắc hồi xưa má cậu buồn cho thân phận mình nên khi sinh con ra đặt tên như vậy.
- Vậy thì khi lấy người vợ thứ hai ông ngoại có đứa con là má mình nên gọi tên ngoài khai sinh là Thôi! Bà ngoại ghẻ bây giờ là người thứ ba?
- Hình như nghe nói má cậu Hai lấy chồng năm mười tám sinh ra cậu rồi ở vậy nuôi con không lấy ai nữa.

Tôi chép miệng:

- Tội nghiệp cho bà quá hả chị.

Và tôi bùi ngùi nhớ đến má tôi cũng như thế bởi vì bà ngoại ruột của tôi qua đời hồi má lên mười tuổi, ông ngoại lại lấy thêm bà nữa nên má và mấy cậu phải sống trong cảnh mẹ ghẻ con chồng! Thỉnh thoảng nghe má nhắc hồi nhỏ má khổ lắm đó là quãng đời sống trong cảnh đoạn trường! Vừa thương nhớ mẹ lại bị hà khắc bởi vợ kế của cha, bốn chị em ăn cơm chỉ có một cái trứng vịt kho, thèm quá múc thêm nước thịt ăn với cơm, rồi lấy nước lã đổ bù vào, bị bà má ghẻ đánh nhừ tử. Ông ngoại đi làm cho sở Tây nhà đâu có nghèo, nhưng tại bà mẹ ghẻ này có máu mê cờ bac, bao nhiêu tiền ông ngoại lãnh lương đưa cho bà đi chợ, bà chỉ dành cho việc đánh bài. Sống không nổi mười hai tuổi má xin ông ngoại đi thăm người dì là chị họ của mẹ mình và ở luôn với bà không về. Bà nói với má và trách ông ngoại: “Ba con tệ quá, con gái ở đây cả tháng không thấy ghé thăm, rủi nó bị người ta dụ dỗ đưa vô ‘nhà số’(* ) cũng không biết. May mà hồi má con còn sống có dẫn con đi thăm dì mấy lần nên con mới biết đường đi. Câu ca dao người ta đọc hoài: Mấy đời bánh đúc có xương? Mấy đời mẹ ghẻ mà thương con chồng!”.

Niềm vui chỉ lưu lại lòng người trong phút chốc nhưng nỗi buồn khiến người ta nhớ mãi. Làm thân đàn bà con gái sao nhiều truân chuyên quá, dù khởi đầu là chuyến xe đời kết hoa rực rỡ tưởng như sẽ được đến bến bờ hạnh phúc. Nào ngờ may mắn lại không đến, khi bị chồng ruồng bỏ đa phần không được trở về nhà mình vì cha mẹ ruột không chấp nhận do quan niệm thời xưa lấy chồng phải theo chồng, dù có bị bên chồng hành hạ cũng phải cam chịu, người thân chỉ biết nuốt nước mắt nhìn theo không thể can thiệp bởi vì khi gả con rồi giờ là con của người ta.!! Sao lại có luật lệ ác nghiệt đối với người phụ nữ như vậy? Đến nỗi những năm đầu thế kỷ hai mươi câu nói bất thành văn: “Phép vua còn phải thua lệ làng” vẫn ngạo nghễ ngự trị trong xã hội, đàn bà con gái nào dám vượt ngoài vòng luật lệ thì cạo đầu, bôi vôi thả trên bè trôi sông làm mồi câu cá sấu một cách tàn nhẫn, dã man.

Tôi luôn có những thắc mắc muốn biết nhiều thứ chuyện đời và chuyện của người lớn trong dòng họ nhưng lại không dám nêu câu hỏi với ai: “Vì sao như vậy?”. Trong khi bà chị tôi vô tư nhởn nhơ như trẻ con, còn tôi thì trầm tính sống bằng nội tâm, nên hay suy nghĩ vẩn vơ bởi hay hóng chuyện này chuyện nọ rồi tự mình chắp vá, suy diễn.
oOo

Năm tôi được bảy hay tám tuổi, lần đầu tiên cũng là duy nhất má dẫn hai chị em và bồng thằng em trai kế tôi ngồi xe ngựa từ chợ Phú Xuân về nhà bà nội của má, tôi gọi là bà cố. Lần đó do em trai thứ chín của ông ngoại chết, mọi người sợ đám con nít chúng tôi thấy người lớn chộn rộn, khóc lóc om xòm nên kêu má dẫn chúng tôi đi khỏi chỗ này.
Nhà bà cố nằm ở giữa đám ruộng trên nền đất cao, có một bà già ốm quắc queo đang nằm trên võng đu đưa trước hiên. Nghe má tôi chào thưa một bà khác cũng hơi lớn tuổi ở chung chăm sóc bà cố má gọi là cô Sáu. Bà này là chị ông ngoại tôi vì ông là người thứ Tám, ông Chín thì mới mất đang làm đám ma. Tôi nhìn bà Sáu với đôi mắt không có thiện cảm bởi nhiều lần nghe bên nhà ngoại kể với má tôi mỗi khi chúng tôi đi thăm ông:

- Hai đứa con gái đang ở với bà ngoại và dì Sáu, mỗi khi làm gì không vừa ý bà là bị chửi bới và đánh đòn ghê lắm. Bởi cả hai đều mồ côi cả cha lẫn mẹ. Mỗi lần đánh họ, bà hay có thói quen nắm đầu tóc vào tay, ghì xuống để quấn vào cột nhà, nếu không như vậy thì bà dìm đầu, nắm tóc đạp dưới chân. Đến bây giờ bà vẫn không có chồng, có thể là do ở vậy chăm sóc mẹ và hai đứa cháu nên sinh ra dữ tính, khó khăn. Có người nói lén sau lưng: ‘Tại dữ quá nên không ai dám cưới’.

Bà Nội của má tôi rất đông con nhưng hiện tại chỉ còn hai người sống sót là người thứ Sáu nầy cùng ông ngoại tôi.

Dì Út và Dì Ngọc đứng vào hàng vai chị của má mặc dù kém má tôi mười mấy tuổi bởi cả hai là con của cô Năm và cô Bảy. Dì Út thì ít bị đòn hơn vì mười ba tuổi dì thi đậu vào trường Áo Tím sau đổi tên Gia Long và lên Saigon ở nhà cậu ruột đi học cũng như giúp làm công việc nhà. Hồi đó ngồi hóng chuyện tôi ngây thơ nói với má:

- Sao để tóc dài làm chi để bị nắm đầu, cắt bom bê giống con nè tóc ngắn hết chỗ quấn tay.

Má tôi nạt:

- Con nít đừng nói leo, đi chỗ khác chơi.

Khi giã từ bà nội mình đi về, má con chúng tôi đang men theo bờ ruộng đi về hướng đường cái bỗng nghe tiếng gọi vang trong gió từ dưới đám ruộng bên tay phải:

- Chị Thôi, chị Thôi về chơi hả chị.

Chúng tôi đứng lại nhìn hai ba người đang đứng lom khom dưới sình, má tôi hỏi:

- Chị Út đang làm ruộng hả, tôi về dự đám ma của chú Chín.
- Út mắc cấy lúa nên không đi được, Ngọc thì phải nấu cơm cho dì Sáu và bà ngoại.

Lần đầu tiên tôi nhìn rõ mặt Chị Út của má. Người đang đứng dưới đám ruộng tay thoăn thoắt cầm nhánh mạ cắm xuống đám bùn. Khuôn mặt trắng trẻo, hàm răng đều đặn ngước lên nhìn chúng tôi cười dưới vành nón lá, tôi cứ tưởng đây là một tài tử xinh đẹp đang đóng cuộn phim nào đó. Tôi hay thấy hình của tài tử Thẩm Thúy Hằng đẹp làm sao thì dưới mắt tôi dì Út cũng đẹp như vậy. Với khuôn mặt trái xoan trắng trẻo, đôi mắt ánh tinh nghịch vui tươi, đặc biệt là đôi lúm đồng tiền hai bên má chỉ xuất hiện khi dì cười nói. Con nít như tôi còn thấy thích huống chi người khác. Má tôi móc túi lấy tờ giấy bạc gởi cho chị Út. Đứng dưới bùn chị nói vói lên:

- Chị Thôi kẹp vào bó mạ ven bờ ruộng giùm cho Út.

Vài năm sau tôi bắt đầu thi Đệ Thất trường GL, ba tôi cho hai chị em học luyện thi một tháng ở trường Kiến Thiết mỗi ngày hai buổi nên phải ở lại nhà ông ngoại ăn cơm trưa. Năm đó chị Út mà tôi gọi là dì không còn ở nhà ông ngoại tôi nữa. Trước đó một năm tôi nghe lùm xùm chuyện Dì Út có thai với một công tử con nhà giàu. Má tôi, cậu Tư, cậu Năm đều buồn chuyện này vì rất thương Dì Út, cậu Tư có nhiều bạn bè là sĩ quan Không quân thích dì lắm nhưng do Dì còn nhỏ chỉ mới học lớp đệ ngũ nên không ai ngờ được!

Hôm đó cậu Tư từ Biên Hòa đi xe Vespa về thăm ông ngoại, tức tối nói:

- Tôi thấy chị Út ngồi xe hơi mui trần với một tên cầm lái ngồi bên cạnh chạy trên xa lộ, do bị ngược đường nên rượt theo đâu có kịp.

Cậu Năm kể sơ về chuyện xảy ra tại sao dì Út của tôi bị dụ dỗ vào tròng, sau khi hỏi những bạn thân trong xóm. Nguyên do mỗi chiều chiều dì hay ra phông tên nước đặt đầu hẻm sắp hàng gánh nước. Tên sở khanh lái xe chạy ngang qua nhìn thấy nhan sắc của dì. Biết dì Út mồ côi đang ở với người cậu ruột và bà “mợ ghẻ” phải làm lụng như con ở. Ba tháng hè lại về quê làm ruộng, dò hỏi lân la hiểu rõ bà mợ thích đánh bài, anh ta rủ rê người trong xóm lập sòng bài bỏ tiền ra để cùng đánh và cho bà này thắng liên tục. Chỉ vài tháng anh ta được cùng dì Út đi dạo phố sau giờ học với sự cho phép của bà mợ. Cả nhà không ai hay biết vì cơm nước nhà cửa đã có người bỏ tiền mướn giúp việc làm thay cho Dì, còn bà thì thoải mái đánh bài “giờ”, đến khi ông ngoại đi làm sắp về thì bà nghỉ chơi để hôm sau tiếp tục.

Chỉ hơn sáu tháng con “nai vàng ngơ ngác” sập bẫy thợ săn với kết quả cái bào thai gần hai tháng. Nói cũng tội cho bà mẹ anh ta, khi nghe chuyện đã đến nhà ông ngoại tôi xin lỗi và điều đình cưới dì. Có lẽ bà biết quá nhiều thành tích ăn chơi của con trai mình, gốc gác bà là người Bắc di cư rất giàu bởi có một tiệm bán vàng nổi tiếng ở gần chợ Saigon. Nhưng khi con ong đã tỏ đường đi lối về thì đập cánh bay xa! Dì Út khóc rất nhiều trong thất vọng, đau khổ của nỗi đoạn trường (do tôi lén đọc trộm quyển nhật ký của dì bỏ quên lại trên gác nhà ông ngoại).

Tôi nhớ có đoạn Dì viết ‘Con ơi, mẹ đau đớn khi phải trao con lại cho người khác nuôi, bởi thân mẹ bây giờ học hành chưa đến đâu, không bằng cấp, không việc làm, không nhà ở làm sao nuôi con! Nghe con khóc mẹ như tan nát trái tim bởi quá tin tưởng cha của con...!.!’ trang nhật ký viết đến đây là chấm dứt. Lý do chính là bà mẹ anh chàng Sở khanh này đến xin ông ngoại tôi cho bà mang đứa cháu trai mới mười ngày tuổi về nuôi. Chuyện của dì Út xảy ra giống hệt như trong tiểu thuyết hoặc những vở kịch diễn trên sân khấu Kim Cương, Thẩm Thúy Hằng. Nhân vật chính diện là những cô gái nhà quê hiền lành khờ khạo mới bắt đầu đặt chân đến chốn thành thị phồn hoa.

Một hôm đi bộ về nhà ngang một tiệm thuốc Tây tôi trông thấy dì Út đứng trong quầy vói tay lấy hộp thuốc trên kệ, hóa ra dì đang đứng bán hàng cho tiệm thuốc. Dì Út còn quá trẻ mới mười tám, một cô gái mồ côi không cha mẹ không nơi nương tựa phải ra đời tự mình sinh sống, không biết con đường sắp tới sẽ ra sao? Bài học đầu đời có giúp cho dì vững vàng hơn trên con đường tương lai bất định chăng? Câu ‘Hồng nhan đa truân’ có phải là lời nguyền của xã hội dành cho những cô gái trót xinh đẹp hơn người!

Thời gian trôi như nước chảy qua cầu, cuối năm bảy hai của mùa hè đỏ lửa, ông ngoại tôi qua đời vì tuổi già. Bất ngờ trong số con cháu về dự đám tang tôi gặp lại Dì Út bây giờ đã thành một thiếu phụ xinh đẹp, sang trọng dẫn hai đứa con một trai, một gái khoảng năm sáu tuổi về chịu tang. Câu Năm thì thào chỉ cho tôi một bà cụ lớn tuổi nói đó là má chồng của Dì Út. Lúc ông ngoại còn sống có đến nhà Dì Út thăm bà sui gia vì dì nói dối mẹ chồng rằng ông ngoại tôi là cha ruột. Cũng là thuận theo tự nhiên vì từ ngàn xưa có câu: ‘Dì với cậu cũng như má ruột, Chú bác dường như thể cha mình’. Bà sui mời thêm hai vị thầy tu đến làm đám táng, cầu siêu đúng nghi thức Phật giáo cho ông ngoại tôi, chứng tỏ bà biết về nhiều về Phật pháp và là một Phật tử thuần thành. Giờ đây Dì Út xem như đã vượt qua những bất hạnh đoạn trường trong số phận của mình, bất giác lòng tôi cảm thấy vui hơn bao giờ hết.

oOo

Gặp lại chị Sẻ sau hơn mười mấy năm rời đất nước, tôi trở về chịu tang ba tôi. Suýt chút tôi quên hẳn chị khi về nhà thấy cái rạp che mưa nắng dựng lên tươm tất ở sân trước dành riêng cho khách khứa, bà con đến chia buồn. Tất cả đều do một công ty mai táng tư nhân đảm nhận. Họ mang đến mọi thứ cần dùng đầy đủ bàn ghế, ấm chén, đèn đóm trang trí cho buổi lễ. Nghe tôi khen ngợi, nhỏ em thứ Bảy nói:

- Công ty của chồng bà Sẻ con cậu Hai Đuổi phụ trách đó.

Vậy là chị cũng lấy chồng được sau đổ vỡ hôn nhân đầu tiên. Vẫn còn cảm thấy ân hận với chị Sẻ vì hồi đám cưới của chị, tôi là người cầm chiếc máy ảnh chạy tới chạy lui làm “phó nhòm” không nên thân. Trong khi bà chị lớn kế tôi thì đảm nhận việc make up cho chị. Thị trấn Nhà Bè đâu cách xa Saigon bao nhiêu, nửa chợ nửa quê nhưng vì tất cả mọi người trong làng xã đều là nông dân quanh năm chân lấm tay bùn nên cách ăn ở, nếp nghĩ vẫn theo xưa cũ nhiều hơn. Mấy bà già ngồi nhai trầu cằn nhằn trong lúc chị tôi trang điểm cho cô dâu dưới nhà sau.

- Quét vừa vừa thôi, coi cái mặt như hát bội kìa.

Nhưng chị Sẻ thì vui lắm vì là lần đầu tiên được dùng son phấn, tôi nói:

- Cô dâu phải trang điểm thì chụp hình mới đẹp.

Tôi là tay mơ dù cũng có cầm máy chụp hình vài lần với chị bạn thân. Khi tôi nói đi đám cưới người chị họ, chị bạn sốt sắng cho mượn máy ngay và lắp phim giùm. Đầu năm bảy mươi của thế kỷ hai mươi máy chụp hình còn là vật xa xỉ và hiếm hoi ít nhà có được.

Cô dâu chú rể không lạ gì nhau. Người ở xóm tây, người bên đông, thỉnh thoảng chị cũng chạy sang nhà cùng cô em gái anh này làm bánh trái. Quen nhau rồi mai mối cưới hỏi. Bỗng nhiên hôm kia má nói hai chị em lựa chiếc áo dài nào đẹp nhất đi với má xuống nhà cậu Hai dự đám cưới con gái cậu. Lạ lùng là có ông ngoại tôi tham dự nữa. Chị Sẻ là đứa cháu nội đầu tiên lớn nhất của ông ngoại. Hai chị em tôi là cháu ngoại, gia đình cậu rất mừng bởi từ nhỏ đến lớn trước khi cưới vợ cậu chỉ sống với bà mẹ, bây giờ có đủ cha mẹ họ hàng không vui mừng sao được. Cậu nói hôm đám hỏi con gái:

- Tui bắt buộc nhà trai rước dâu phải có đôi lọng.

Thắc mắc nhưng tôi không dám hỏi nguyên do. Đám cưới diễn ra một cách trịnh trọng giống như những đám cưới vùng quê xưa. Những ông cố bà cố già sụm, ông bà nội ngoại đi trước, cha mẹ hai bên đi tiếp theo là cô dâu chú rể và quan viên hai họ. Chưa kể đám con nít rần rần chạy theo nhìn mặt cô dâu chú rể vỗ tay la hét:

- Cô dâu chú rể làm bể bình bông đổ thừa con nít.

Tôi cầm máy ảnh lăng xăng chạy trước, bấm máy giống hệt mấy người phóng viên săn ảnh. Tôi hãnh diện cầm cái máy chụp hình bấm lia lịa, tôi mong mình sẽ có những “pô”ảnh đẹp giống nhà nhiếp ảnh gạo cội Cao Đàm, Cao Lĩnh mặc dù chưa hề học qua một lớp nhiếp ảnh nào. Lòng tự tin khiến tôi hăm hở bởi “điếc không sợ súng”.

Đám rước dâu qua đến nhà trai thì vừa vặn hết cuộn phim, chị bạn có hướng dẫn tôi lắp phim nhưng lại quên chỉ cách thay phim mới vào. Tôi cẩn thận nhờ một anh chàng cũng làm phó nhòm giống tôi lấy cuộn phim ra khỏi máy giùm. Ai ngờ tôi lầm “trao duyên cho tướng cướp”. Anh ta loay hoay bấm nút bật nắp máy. Hỡi ôi! nguyên một cuộn phim sổ toẹt ra xem như hình ảnh tôi chụp từ đầu cả gần hết buổi sáng cháy hết phim, mất trắng.

Để đền bù anh ta lắp giùm tôi cuộn phim mới, tôi cáu giận không thèm nói tiếng cảm ơn. Về nhà tôi đem ra tiệm chụp ảnh chuyên nghiệp nhờ người thợ lấy cuốn phim ra và rửa giùm. Hai hôm sau tôi đến lấy hình ông chủ hiệu ảnh nói:

- Cô ơi, cuốn phim trống trơn đâu có tấm hình nào đâu.

Ngạc nhiên quá tôi hỏi ông:

- Sao kỳ vậy, tôi nhờ một anh cũng chụp ảnh lắp phim giùm tôi mà.
- Chắc là anh ta không lên phim, thường thì phải bấm bỏ một hai “pô”đầu mới chắc ăn.

Rốt cuộc cái đám cưới không lưu giữ được tấm hình nào, vì nghe nói sau đó bên đàng trai, người bạn của chú rể cũng chụp hình giùm hôm đám cưới, cũng cầm máy ảnh giống tôi nhưng lại không rửa ra được một tấm ảnh “làm thuốc”.

Nghe vậy tôi hơi bâng khuâng, chẳng lẽ là điềm báo trước điều không may cho hai người cô dâu chú rể trong đám cưới. Ngày xưa do người ta không đặt nặng chuyện lưu lại hình ảnh đẹp đẽ làm kỷ niệm. Thợ chụp hình chuyên nghiệp rất ít được các gia đình bình dân hoặc trung lưu thuê mướn khi có lễ lạc trọng đại, ngoại trừ những gia đình có tiếng tăm, quyền thế.

Mấy năm sau, học xong đi làm tôi gặp một anh bạn chung sở. Anh này khoe là người “chơi”ảnh chuyên nghiệp trong nhóm ảnh Saigon. Hàng tuần nhóm của anh hay cầm máy đi “săn”hình và cũng tự mình làm phòng tối rửa hình. Nghe tôi ngỏ ý muốn học chụp ảnh, Anh bèn cho tôi mượn máy vì có hai cái, chỉ dẫn tôi cách xử dụng. Ngày nghỉ tôi cầm máy của anh dẫn mấy đứa em đi chơi chụp cho chúng “tá lả” hình ảnh như một cách “trả hận”ngày trước chụp không ra hình. Nhờ vậy mấy đứa em tôi đứa nào cũng được tôi ghi lại hình ảnh từ lúc nhỏ đến lớn.

Hình như tôi không có duyên với những chuyện dính với việc hình ảnh dù có hay không chuyên nghiệp. Đám cưới của tôi, anh bạn trong nhóm chụp ảnh xung phong vác máy “tác nghiệp”. (Hai chữ này sau năm 75 người ta dùng để chỉ những phóng viên chuyên nghiệp chụp ảnh cho những bài viết phóng sự.)

Hết sức tin tưởng anh bạn với dàn máy “gồ ghề”mang theo tôi sẽ có những tấm hình đẹp để đời trong ngày trọng đại của mình. Cầm xấp hình anh này đưa trên tay tâm trạng tôi giống như anh chàng bị người yêu “cài số de”đi lấy chồng than thở. ‘Nàng đội hoa theo chồng, nước mắt tôi rớt bên bờ sông’. Anh này chụp ảnh đám cưới của tôi giống như đang làm tường thuật một sự kiện, đa phần chụp sau lưng nếu hình gần, đa số là xa xa của một đám rước dâu không rõ mặt từng người. Có người nhướng mắt, chỉ tay vì đang nói chuyện với nhau. Nhỏ bạn nói với tôi:

- Má tao xem hình chửi như tát nước, có được mấy tấm hình kỷ niệm lần đầu tiên được đi phù dâu, tấm nào cũng trợn mắt, há mồm như bà điên.

Tôi nói giọng như gần khóc:

- Mày còn đỡ hơn, nhìn tấm hình chụp gần khuôn mặt hai đứa tao trong xe hoa. Chàng của tao thì lim dim đôi mắt, giống như đang phê thuốc lào. Tao thì bó hoa ôm trong tay che kín nửa mặt chỉ chừa con mắt đang liếc dọc ống kính. Tao tính phóng lớn tấm hình ngồi trong xe hoa để “lộng kiếng” treo tường như người ta, giờ không lẽ “liệng cống”.

Mỗi một tấm hình duy nhất tôi dám đem khoe mọi người là tấm hình chụp hai vợ chồng cô dâu chú rể đứng cạnh cha mẹ đôi bên với nét mặt căng thẳng cứng đơ bởi không ai nhoẻn một nụ cười.

Tôi âm thầm gắn hết những tấm hình vào cuốn album rồi đem cất không dám mang khoe ai, nhắc đến chỉ biết cất giọng não nề tự thán ‘Hỡi ơi! Có ai biết được cái nổi đoạn trường’ khi nghĩ đến món quà anh bạn mừng đám cưới tôi.

oOo

Giòng đời trôi mang theo những phát minh vượt bậc không thể tưởng tượng, những cái máy chụp ảnh ngày xưa một thời được nhiều người ao ước giờ xếp xó làm đồ cổ. Máy ảnh kỷ thuật số không cần dùng phim, chụp được nhiều tấm một lúc để rồi chọn lựa cái nào đẹp nhất. Vậy mà những cái máy ảnh này cũng phải chào thua khi “điện thoại thông minh”ra đời. Ai cũng trở thành một phó nhòm chuyên nghiệp cầm trên tay sản phẩm của trái táo khuyết xử dụng bất cứ ở đâu và bất cứ lúc nào.

Thế nhưng trong ngày mừng thượng thọ chín mươi của má tôi có tất cả con cháu tề tựu. Tôi bắt buộc mọi người phải theo ý tôi thuê một người thợ ảnh chuyên nghiệp, ghi lại bằng những thước phim hoành tráng. Bắt đầu buổi lễ cúng dường trai tăng ở chùa đông đảo những vị sư được mời tham dự vào buổi sáng. Đến tối tổ chức trong hội trường khách sạn nhà em gái tôi với mấy chục bàn tiệc. Má ngồi trên chiếc ghế đặt giữa sân khấu để từng gia đình của các con lên chúc mừng cùng với khách khứa ngồi đầy bên dưới. Bên cạnh việc quay video, đưa lên “phây”cho người quen biết, phải thu vào USB rửa thành những tấm hình đẹp nhất. Mấy đứa em không hiểu lý do phản đối tôi:

- Bà này “rách việc”quá, ai cũng có “xeo phôn”chụp bao nhiêu lại không được, bày đặt rửa hình ra giấy cho mất công.

Tôi nói:

- Chị có kinh nghiệm “xương máu”trong lần đám cưới một đời rồi. Thợ chuyên nghiệp người ta có tay nghề, biết chọn lấy góc cạnh, biết sắp xếp bố cục cho một tấm hình, lúc nào nên bấm máy để tấm ảnh lưu lại đạt giá trị nghệ thuật. Tại sao chị đòi rửa thành các tấm ảnh để chị gắn album bởi vì má có nhiều bạn bè, người quen. Khi má gặp họ đến ngồi chơi bà sẽ có cái mang ra khoe rằng buổi lễ thượng thọ của bà được các con tổ chức như vầy và mọi người có thể chuyền tay lật xem thoải mái. Nếu dùng video muốn xem phải có máy móc kèm theo, còn dùng điện thoại thì người lớn tuổi không thích cầm cái phone, bởi chưa chắc đã biết bấm cái nút nào mở ra được để xem hình.

Má tôi ngồi trước nhà, tay cầm album lật từng tấm hình với ánh mắt hạnh phúc vui vẻ, miệng nở nụ cười toại nguyện

khi nhìn kỷ niệm những ngày gần cuối của đời má, các con đã thực hiện cho bà chu đáo. Má lập lại nhiều lần với tụi tôi ‘Má vui lắm vì đã đạt được những ước mong, không cầu gì nữa’.

Cỏ Biển
Mùa Thu tháng mười 2022.


(*) Nhà số = Thời Pháp người ta quen gọi nơi tập trung những cô gái hành nghề mãi dâm, mỗi người có một con số để tiếp khách làng chơi.

 

 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022