SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

NỖI BUỒN LỘNG LẪY CỦA THI NHÂN

(Bài cảm nhận khi đọc tập thơ Hồn ta con chữ của Phan Xuân Thiện, NXB Hội Nhà Văn 2022)

Tôi và tác giả Phan Xuân Thiện tình cờ góp mặt trong tuyển thơ đồ sộ Quê Hương Tôi do thi sĩ Lương Tuý Vân chủ biên và một số thi hữu là ban biên tập, trong đó nhà thơ Nguyễn Liên Châu theo như tôi biết, phụ trách khâu tổng hợp bài và dàn trang. Anh Châu cũng là người chăm sóc tỉ mẩn tập thơ Vườn Cổ Tích của tôi năm 2015 và lần này, Hồn Ta Con Chữ của Phan Xuân Thiện. Tôi cũng tình cờ đọc được một số bài thơ hay của anh và chuyển ngữ làm thi ảnh. Một chút cơ duyên như thế, biết chút ít tác giả như thế để thấy rằng tôi được vinh dự như thế nào khi cầm trên tay bản thảo tập thơ này.
Phan Xuân Thiện đa số sử dụng thể thơ mang đậm phong cách và nhịp đập Việt, nhịp thơ khoan nhặt của lục bát. Thể thơ này, tâm tình này với những mảnh đời, những số phận được thể hiện qua đề tài và tư tưởng đặc trưng nhưng mộc mạc, giản dị mà sâu thẳm. Dòng thơ lục bát hiền hoà của anh pha một chút buồn nhân thế, một chút triết lý và mảng thơ tình dịu dàng như dòng sữa mát lành, như trầm tích uyên nguyên. Qua bao thời kỳ đổi mới cách tân, thì lục bát vẫn luôn có sức sống hiện tồn, hồi sinh và giữ được căn cốt cội nguồn dân tộc. Từ nội dung, hình thức đến cảm thức thẩm mỹ lẫn tư duy nghệ thuật trong thơ anh đều mang tính trữ tình, nhất quán và tự sự  làm nên vẻ đẹp bàng bạc nhẹ nhàng. Có lẽ lục bát dễ chuyển tải và chất chứa ngàn tâm trạng, mang đậm nét tâm hồn Việt với tình quê hồn làng và hương đồng gió nội, thi nhân dễ dàng tìm thấy những gì nồng ấm nhất, thân quen nhất trong hữu thức và vô thức của tâm hồn mình, gần gũi với mạch trữ tình dân tộc. Thơ lục bát của Phan Xuân Thiện có tông nhịp chậm, tĩnh, âm tính, mềm mại, uyển chuyển và có phần mở rộng về dung lượng để biểu đạt nội dung. Nhiều bài lục bát của anh không chỉ nhằm diễn tả một tâm trạng, một cảm xúc mà là có khi đan xen cả một dòng trạng thái, dòng cảm xúc. Hoà với những hỉ nộ ái ố của nhân gian, thơ anh thủ thỉ tâm tình qua cách sử dụng các phương tiện nghệ thuật như so sánh, ẩn dụ, lối nói luyến láy ... nên vừa uyển chuyển, vừa mềm mại mà không kém phần tinh tế

-Vô tình em lệch nghiêng vành nón/ Lộ một vầng trăng rạng rỡ cười/ Mặt trời mắc cỡ vào mây trốn / Ta như “Từ Hải” đứng chết thôi. (ẩn dụ, hoán dụ và đầy gợi cảm)
-Ước làm hạt nắng rong chơi/ Hồn nhiên trên mắt và môi của người/ Xin là những hạt mưa thôi/ Về rơi trên tóc của người năm xưa (nhân hoá, sóng đôi, tinh tế, sâu sắc và có chút nghịch ngợm)
-Kiếp xưa còn mấy câu kinh/ Cõi này gặp lại giật mình đánh rơi/ Này em đâu phải giỡn chơi/ Mà vô lượng kiếp duyên thời đợi nhau (đặc biệt về dung lượng, khả năng trữ tình cao)
-Xin người cho mượn đôi môi/ Đem về thắp lửa lại thời trẻ trai/ Mắt sương khói, ngực quế lài/ Khơi dòng lãng mạn đã phai mấy mùa (sâu sắc trong tình đời, tình người, mở ra những chiều kích vời vợi)

Nói về một tập thơ thì thật khó để bao quát hết, nhất là thơ Phan Xuân Thiện có rất nhiều ý nhiều tứ và các nghệ thuật sử dụng câu từ. Cầm tập thơ của anh để đọc nhẩn nha từng bài khi nhấp ngụm trà, rồi đặt xuống, ta nhắm mắt mơ mộng và suy nghĩ về tình nhân, cõi đời. Nếu muốn viết gì đó về “Hồn Ta Con Chữ”, tôi tin rằng mỗi bạn đọc sẽ tìm ra một vài điểm thú vị và một vài khía cạnh ấn tượng khác nhau. Ở đây, tôi xin mạo muội nói một chút về NỖI BUỒN CỦA THI NHÂN trong tập thơ này.

Tôi vẫn được xem là một người nhanh nhạy, vui tính, lạc quan. Thơ tôi viết khá tươi sáng yêu đời, thế mà, nếu đọc kỹ, vẫn thấy một nỗi buồn len nhẹ đâu đó. Nhà thơ có phải là những người buồn bã hơn và đăm chiêu hơn hay không? Điều đó khó kết luận nhưng với những gì các nhà thơ gửi gắm, các thông điệp dường như luôn đầy tâm trạng. Nỗi buồn làm họ đau đớn, cô đơn. Để vượt qua nỗi buồn này, không có cách nào hơn là đặt bút xuống và chia sẻ những suy nghĩ nỗi niềm. Nỗi buồn ẩn dụ mây trời gió trăng, nỗi buồn trong ánh mắt, tà áo, chiếc lá rơi và kể cả những nỗi buồn thời sự chính trị hay thiên tai bão lũ. Khi nhà thơ viết về nỗi buồn, họ sống lại khoảnh khắc ấy, đớn đau, u sầu, nỗi buồn thăng hoa thành con chữ, thành đôi cánh bay lên, một nỗi buồn huy hoàng lộng lẫy. Không những thế, thi nhân còn muốn có người cùng buồn, cùng tâm sự sẻ chia. Nỗi buồn Phan Xuân Thiện xuyên suốt tập thơ là nỗi buồn nhân thế, là cái hữu hạn của đất trời, là quy luật sống chết của cuộc sống. Từ nỗi buồn ấy, anh chiêm nghiệm và rút ra những triết lý sống cho riêng mình và lan toả triết lý giản đơn về sự buông bỏ, về thẩm thấu cái đẹp và những giây phút quý báu của cuộc sống. Nhà thơ mã hoá cảm xúc của mình qua nhiều phương pháp mô phỏng, ẩn dụ, hình ảnh để người đọc giải mã cái cốt lõi. Mỗi cảm xúc khác nhau đều có những kiểu ẩn dụ khác nhau. Nỗi buồn qua thơ anh không dễ gì cắt nghĩa bởi anh sáng tạo qua giọng điệu riêng và phong cách riêng, ẩn đi cốt lõi của nhân vật để bạn khám phá và tìm thấy mình trong đó.

-Trần gian thì cứ vơi đầy/ Trăm năm rồi cũng theo ngày cạn thêm/ Có ai chung một nỗi niềm/ Cùng ta uống giọt sương đêm óng vàng
-Chạng vạng pha trà ta đợi em/ Lòng mùa xưa cũ đượm nồng thêm/ Đã hiểu nhau rồi nên im lặng/ Dẫu hồn ta lắm những nỗi niềm
-Hôm nay sóng Phượng nổi chìm/ Rưng rưng tôi thấm nỗi niềm tôi xưa.
-Xin đừng sầu khổ mắt ơi/ Biển trần gian đủ mặn rồi còn chi/ Hãy rơi những giọt từ bi/ Cho tâm thanh thản đường đi ngõ về!
-Tạm bợ em tạm bợ tôi/ Trần gian tạm bợ luân hồi nghiệp duyên/ Xả buông để bớt ưu phiền/ Đuổi tâm về lại với miền trẻ thơ

Có phải thi sĩ dễ bị cảm giác buồn bã xâm lấn hơn hay do họ mang trái tim mẫn cảm, sự quan sát và nhìn nhận nhạy bén? Ngay bản thân mình, đôi khi tôi thích được ngồi một mình, được đắm chìm trong khoảng không riêng và mở lòng cho nỗi cô đơn cũng như một chút buồn bã len vào, điều này vừa làm cho trái tim tôi đau nhói vừa làm cho tôi đằm thắm hơn, suy nghĩ về nỗi đau xung quanh với sự cảm thông và thấu hiểu hơn. Các nhà thơ thường sử dụng hình ảnh để chuyển tải nỗi buồn của mình. Hai bài thơ "Những bước chân buồn" của Philip Larkin và "Ngày tưởng niệm chiến sĩ ra đi trong chiến tranh" của Yehuda Amichai là những ví dụ về việc sử dụng hình ảnh phản ánh nỗi đau và sự tiếc thương từ người đọc. Phan Xuân Thiện không đem đến cho người khác nỗi buồn mà anh làm cho độc giả liên tưởng đến bản thân và cảm động cũng như ý thức được sự ngắn ngủi, hữu hạn của sự tồn tại, để biết yêu hơn quý trọng hơn những gì mình đang có. Nếu như Philip Larkin dùng hình ảnh "mây trôi, trăng trong veo" (The rapid clouds, the moon’s cleanliness) tạo tâm trạng u uất thì Phan Xuân Thiện mượn hình ảnh rừng, biển, mưa, sương, khói, mây, và rộng hơn nữa là thơ, hoàng hôn và thời gian để chuyển tải nỗi buồn thi nhân của mình:

-Mang em lên rừng rồi xuống biển/ Chán đời ta lấy để nhớ chơi/ Những lúc trời buồn mưa ướt hết/ Đem phơi nỗi nhớ, nhớ tơi bời
-Buồn vui khổ sướng đủ mùi/ Mù sương thoáng chốc phận người khói mây/ Luân hồi vay trả, trả vay/ Tử sinh, sinh tử loay hoay mỏi mòn
-Buồn quá mang thơ về xứ lạ/ Rủ người sau trước tụ ngâm ca/ Rồi mai chẳng biết về đâu nữa/ Soi gương đập nát bóng ta già!
-Cuối năm rồi lại cuối năm/ Thời gian nước chảy buốt căm căm hồn/ Giạt ta về phía hoàng hôn/ Này em cảm thấy chút buồn nào không!?

Nỗi buồn qua thơ Phan Xuân Thiện tạo cảm xúc mạnh mẽ và kéo dài khiến tim ta rung động và lòng ta xao xuyến. Buồn đến thế là cùng! Ngôn ngữ khéo léo, phép ẩn dụ, phép lặp lại, khung cảnh và môi trường xung quanh được chọn kỹ, khéo léo ảnh hưởng đến giọng thơ và tâm trạng, nhưng trên hết, điều thật sự làm cho những nỗi buồn được chuyển tải khải hoàn qua thơ là tạo ra mối liên hệt giữa người đọc và nhân vật trong bài, nỗi buồn có sự đồng cảm!

Nếu như Edgar Allan Poe nói về cuộc khủng hoảng hiện sinh của một người đàn ông, người cảm thấy bất lực trong cuộc sống của mình và bắt đầu đặt câu hỏi về ý nghĩa của nó qua cách sử dụng phép ẩn dụ, hình ảnh, ngôn ngữ và cấu trúc khéo léo để hỗ trợ cho ý tưởng cuộc sống thật ra là một giấc mơ trong một giấc mơ, thì Phan Xuân Thiện cũng vậy, anh lựa chọn từ ngữ xuất sắc, ví von, để kéo người đọc hoà vào tâm trạng và không gian thơ, ngẫm nghĩ về kiếp người, về sự nhọc nhằn trong cuộc sống, sự vô vọng của hoàn cảnh:

-Cuộc đời sao mau quá!/ Mới đó gần bảy mươi/ Nhìn núi còn xanh mướt/ Râu tóc bạc kiếp người
-Nhiều đêm ngồi lặng một mình/ Ngẫm liên miên kiếp phù sinh dật dờ
-Vẫn là cái giậu mồng tơi/ Mẹ phơi áo mốc tóc người như mây/ Nhọc nhằn đời có nào hay/ Thời gian rụng xuống trắng đầy chung quanh.

Ký ức tươi mới qua thơ anh cũng tạo một nỗi buồn lấp lánh, nhớ về những ngày xưa dấu ái, về những người bạn ở xa hoặc đã ra đi, những hình ảnh được nuôi dưỡng từ quá khứ nhấn mạnh tình cảm của thi nhân, giọt nước mắt bốn mùa thầm lặng rơi, mặt trời ngừng chiếu hay cánh hoa tàn, nỗi nhớ vừa tươi mới, vừa đậm sâu, vừa xa lạ lại vừa hoang dại và buồn. Nhà thơ đưa nỗi buồn, niềm nhớ đến khán giả một cách nhẹ nhàng tự nhiên, phản ánh cảm xúc trong cuộc sống người đọc để họ có thể nhìn thấy thế giới từ cái nhìn của một cá nhân, đưa người đọc ra khỏi thế giới của riêng họ để hoà vào một không gian và bầu không khí riêng của thi sĩ và chung cho mọi người:

-Mười năm xé núi băng đèo/ Áo cơm sấp mặt, buồn heo hút buồn/ Chiều nhìn khói tỏa mây tuôn/ Sau lưng thương vợ nhớ con quá chừng
-Bên này và phía kia sông/ Cách nhau chỉ có một dòng mà xa/ Từ ngày con sáo bay qua/ Bỏ rơi đơn lẻ tiếng gà nhớ thương.
-Hạ của em mà cũng của tôi/ Rưng rưng môi phượng ngợp trên đồi/ Bao năm ta đã đi biền biệt/ Nhớ mắt mờ sương quá nhỏ ơi!
-Đêm đem ký ức ra phơi/ Và trăng nguyên diệu trên đồi hoàng hoa/ Mặc cho mùa nối những mùa/ Em ma mị cứ theo đùa giễu tôi!
-Tháng ngày thản nhiên tiếp nối/ Hồn nhiên những cuộc đầy vơi/ Trăm năm có qua lặng lẽ/ Còn nguyên nỗi nhớ một người

Sự thống nhất trong toàn tập thơ vẫn là hình ảnh, hình ảnh được sử dụng để giải thích tình yêu của nhân vật, của những tiếc nuối, mơ ước. Tình yêu không thành là tình yêu day dứt và để lại trăm thương ngàn nhớ, và vì thế, tình yêu là nỗi buồn, một nỗi buồn huy hoàng, lấp lánh và lộng lẫy, bởi vì nó làm nhà thơ nhớ mãi, và kỷ niệm thì đẹp vô cùng,dù rằng kỷ niệm buồn về tình dang dở. Cái xót xa, cái đau đớn cũng là cái hồn, cái hoa mộng níu kéo thi nhân với cuộc đời, để sống những ngày còn lại trong tưởng nhớ và mơ màng. Người yêu say đắm giờ như khói mây, tình yêu có chăng chỉ còn một phía bởi người kia có lẽ đã không mảy may nghĩ gì đến thi nhân nữa. Nhưng đúng là, thi nhân cũng muốn cho chúng ta biết buồn làm chi khi hoàn cảnh không thể thay đổi. Tình yêu luôn là một quá trình kết hợp giữa những khoảnh khắc hạnh phúc nhất và buồn nhất, yêu mê đắm, yêu cuồng điên, thế mà có ngày người rời bỏ người và cả không gian chỉ còn là kỷ niệm, không buồn sao được:

-Xót xa hôn lại bàn tay/ Chút hương mùa cũ đã bay mất rồi/ Chùa xưa dưới cội tôi ngồi/ Mà mơ lại thuở một thời yêu em.
-Tôi thời để ý tới người/ Còn em lo đuổi khoảng trời mình yêu/ Tình sao nhiều cái trớ trêu/ Đố ai giải mã được điều trái tim
-Riêng ta đơn lẻ yêu người/ Tự thương tự nhớ một nơi quay về.
-Bây giờ thèm nụ hôn thơm/ Thương ngày xưa ấy chảnh hờn lại hay/ Chút tình thơ mộng xa bay/ Vẫn còn yêu quá nụ ngày chảnh xưa...

Nếu như tác giả Phan Xuân Thiện chỉ liệt kê nỗi buồn qua hình ảnh, tập thơ sẽ không hay và chắc chắc anh không làm thế. Bởi vì hai phần ba thơ anh lại thiên về chiều hướng hoá giải nỗi buồn. Thi nhân đặt ra vấn đề và gần như ngay lập tức tìm ra lời giải để mở ra cho bạn đọc một chân trời xa, nơi có niềm tin, tình yêu đôi lứa thuỷ chung và hi vọng. Tất cả điều này được hun đúc từ những kinh nghiệm, sự từng trải, của gian khó và của những nỗi đau của một tâm hồn giàu cảm xúc. Chân trời tươi đẹp ấy là việc bằng lòng với những hỉ nộ ái ố nơi cõi tạm, là biết mình biết ta, là sự thư thả và sống chậm, là mối quan tâm đến những giây phút quý giá trên cõi đời này, là không có gì quá to tát, là an nhiên, là thanh thản. Để rồi khi chúng ta ra đi, người thân sẽ khóc nhưng chúng ta sẽ mỉm cười. Giọng thơ và tâm tình thong dong gần như là ý tưởng chủ đạo trong toàn tập thơ, khơi gợi lên nỗi buồn để rồi hoá giải, như một cách chữa trị vết thương lòng cho những tâm hồn nhạy cảm đớn đau sóng gió.

-Tạm bợ em tạm bợ tôi/ Trần gian tạm bợ luân hồi nghiệp duyên/ Xả buông để bớt ưu phiền/ Đuổi tâm về lại với miền trẻ thơ
-Nhiều khi tôi tự quán tôi/ Rồi xong tẩu hỏa buông lời quàng xiên/ Nói năng nhiều cái chúng phiền/ Ngàn thu còn đó đảo điên cuộc trần.
-Sắc xanh dâng hết cho đời/ Thảnh thơi cùng gió mỉm cười nhẹ buông/ Thong dong về với cội nguồn/ Xác thân xin bón mầm xuân quay về
-Chờ lòng một tiếng buông thôi/ Bao năm cố gắng chưa rời được ra/ Thôi tùy duyên khởi đời ta/ Theo đường “Bát Chánh” để mà tịnh an

Với rừng thơ trên mạng xã hội, trên các hệ thống báo đài tạp chí trong và ngoài nước, bất cứ tập thơ nào cũng có thể rơi vào quên lãng và những bài thơ lặng lẽ chìm đi. Thơ luẩn quẩn trong vòng tay những người bạn thân quen, có thể họ chỉ lật qua và cẩn thận đặt lên giá sách, cũng có thể họ sẽ đọc vài bài trong từng dịp khác nhau, số phận những bài thơ cũng không giống nhau tí nào. Tôi không biết tập thơ này sẽ đi về đâu và đến tay ai,nhưng tôi biết, sẽ là một món quà rất quý và đáng trân trọng. Đọc thơ anh để cân bằng hơn, để yêu đời hơn và để thấy rằng, cuộc sống này từng giây phút mới đáng yêu làm sao, đáng sống làm sao, rằng buông bỏ cũng là một cách để làm mới mình và cái đẹp sẽ mãi mãi là giấc mơ và cũng là hiện thực trong mỗi trái tim nhạy cảm. Hồn thơ được Phan Xuân Thiện gửi gắm vào tác phẩm của mình thành lời. Có thể tâm hồn không dễ gì đo được bằng độ sâu của từ ngữ hay biểu cảm được nhà thơ sử dụng nhưng bằng ngòi bút của mình những con chữ của anh nhảy nhót tung tẩy hết trang này đến trang khác để thấy tâm hồn con người được đo cao vời vợi biết bao. Vốn sống và cái nhìn tinh tế về cuộc sống đã truyền cho anh nguồn cảm hứng và khơi dậy xúc cảm mãnh liệt khiến vẻ đẹp và nỗi buồn trong thơ anh đầy sức sống, và đúng là hồn thơ con chữ!

Đọc thơ anh để tôi liên tưởng đến nỗi buồn của mình như thế này: Nỗi buồn bay lên trên đôi cánh thời gian, vết thương xanh non đương thì con gái, mùa thu bao lần quay trở lại, cứa vào tim một nốt tình. Sáng thứ Bảy đứng trên chiếc ghế chông chênh, hái đậu ngự lắng nghe chim quyên hót, nắng rất trong, mây bay như rót, giọt mật óng ánh tơ trời. Trái mướp nhăn nheo lặng lẽ nép bên đời, đợi đến mùa sau ươm cành trĩu quả, em rất gần mà xa xôi quá, gắn nền trời nụ hôn sâu. Chiến tranh, vi-rus làm nát quả địa cầu, nơi bình yên quặn lòng, đau như cắt, cả đời anh buồn vui góp nhặt, chợt tan như khói như mây. Anh treo nỗi buồn vắt vẻo trên ngọn cây, gió mát thổi qua lòng như lửa đốt, em ngoan trên môi anh thưa thốt, sáng thứ Bảy cùng nguyện cầu.

Võ Thị Như Mai

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022