SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

Thiện Và Ác

Lê Văn Hòa

Một câu chuyện về “Thiện” và “Ác” do tôi chứng kiến hành động của một người Mỹ ở siêu thị của tiểu bang Texas.

Câu chuyện được kể dưới đây nếu nói là "bình thường" thì cũng bình thường thật; nhưng xét về một góc độ nào đó thì nó nói lên cái nhân bản của một người Mỹ ở một xã hội đang xãy ra nhiều chia rẽ, kỳ thị, và ích kỷ ngày nay.

Cuối tuần vừa xảy ra bắn người hàng loạt ở trường Tiểu Học Uvade, Texas tôi và vợ đi siêu thị bình dân HEB, không cao cấp như là Whole Food Market, Costco, hay Central Market. Chúng tôi mua không nhiều, chợ không đông lắm; nhưng vẫn thói quen vì không muốn sắp hàng(cả ngày!) chờ đợi để được tính tiền, trả tiền rồi mới đem đồ đi về; chúng tôi đã lựa hàng ít người nhất với tấm bảng "một5 items or less".

Trước chúng tôi có hai người, đầu hàng là một ông già khoảng chắc hơn bảy mươi người gốc châu Phi; kế đến là một thanh niên gốc châu Âu, cao, lớn, khuôn mặt sáng sủa, đẹp người và trẻ trung, đứng chót trong hàng là chúng tôi. Hàng mua của người da mầu đã dược bấm máy tính tiền xong và đã được sắp vào trong giỏ kéo của của chủ nhân.
Ông da mầu đang mở bóp đếm tiền trả. Đồ của người thanh niên da trắng rất ít nên có chỗ trống trên cái băng chuyền(coveyor) để tính tiền do đó chúng tôi để đồ lên trên ấy chờ đến phiên mình. Tôi ngó lơ đãng xung quanh, quan sát mọi người trong chợ; vợ tôi thì đi đến những quầy hàng gần đó để xem có món đồ nào mua được thêm nữa không. Tôi không để ý cuộc đối thoại giữa anh nhân viên tính tiền với người da mầu vì không muốn tò mò vả lại không phải là chuyện của mình.

Chừng dăm ba phút sau vợ tôi trở lại "chưa xong hả anh?"; tôi trả lời "Ừ chưa xong".

Vợ tôi lại bỏ đi làm tôi nhớ lại lời ông Andrew Rooney người dẫn chương trình "60 minutes" của đài CBS rằng ổng rất ghét và không kiên nhẫn được lâu phải đợi ở hàng trả tiền để được trả tiền. Có lẽ tôi cũng thuộc tính tình như vậy vì lý luận rằng mình trả tiền, trao tiền cho người ta chớ đâu có xin xỏ hay xin cứu giúp hay đi bác sĩ đâu nên muốn được có một service nhanh và tốt hơn mà phải chờ đợi như thế này!

Chừng 5 phút sau đó vợ tôi trở lại và người da mầu vẫn chưa trả tiền xong; tôi bắt đầu để ý đến anh thâu ngân và người da mầu để tìm hiểu lý do "sao mà lâu thế?!".

Tôi thấy anh thâu ngân bắt loa phóng thanh kêu store manager lại. Bà manager tất tả chạy tới; anh thâu ngân giải thích lý do ông da mầu không hiểu hay không biết số tiền anh còn phải trả thêm là bao nhiêu.

Bà manager lấy smart phone ra bấm tính toán cái gì đó rồi đưa cho ông da đen xem; tôi đoán là bà ta đưa cho ông ta xem số tiền mà ông còn thiếu phải trả thêm. Ông da mầu rút trong túi quần ra cái bóp rồi dõng dạc đếm tiền trả; khi không còn đồng nào trong bóp thì bà manager nói "Ứm ừm chưa đủ".

Ông da mầu cất bóp vào túi quần rồi mở cái túi trước ngực ra xem thì thấy có tiền trong đó rồi đưa hết cho bà manager. Bà đếm cầm tiền trên tay rồi ngước mắt nhìn ông khách da mầu với cặp mắt ái ngại nhưng không nói lời nào. Thoáng trong đầu tôi hiện ra chữ "trouble!" và hơi lo vì phải đợi cho đến bao giờ

Không thể đi qua quầy tính tiền khác được vì đồ đã đem hết lên cái băng chuyền rồi!

Trong lúc bực bực như thế thì người thanh niên da trắng trước tôi rút bóp ra lấy những tờ giấy 20 dollars đưa cho bà manager và bảo anh trả phần thiếu của ông da mầu. Bà manger ngước mắt nhìn chàng thanh niên rồi nhanh nhẹn vội vã thối tiền như sợ anh ta "đổi ý". Bà lo làm phận sự của mình, của công việc của một "business is business".

Đối với bà; đối với công ty HEB đây không phải là lúc làm từ thiện. Nếu nhiều khách hàng đến chợ HEB đều giống ông da mầu này thì hãng HEB sẽ như thế nào?! Chắc chắn sẽ không “tồn tại” được lâu!

Ông da mầu hướng về chàng thanh niên nói lời "cảm ơn" rồi kéo xe đi.

Chàng thanh niên cất tiền thối vào bóp rồi rút ra tấm credit card đề trả tiền phần của mình mua.

Trước khi anh ta lấy đồ để rời quầy tính tiền tôi gọi anh ta và nói lời ngưỡng mộ anh ta và lấy cái nón tôi đang đội xuống để cho anh biết thái độ "hat off" đối với anh.

Anh da trắng nhoẻn một nụ cười đáp trả với một tý "mắc cỡ? hay sung sướng" vì mình vừa làm một việc có ý nghĩa hay việc “Thiện”.

Khi vợ tôi trở lại thì anh da trắng cũng vừa rời đi; tôi nói với vợ "hãy nhìn và nhớ lấy khuôn mặt của chàng thanh niên" để tý nữa tôi sẽ kể lại câu chuyện cho nghe. Nghe xong vợ tôi gật gù và bảo mình phải "cool" không nóng tính, mất kiên nhẫn để hòa hợp trong xã hội lúc nào cũng vội vã, căng thẳng ở Mỹ này.

Trên đường về tôi cảm phục chàng thanh niên gốc châu Âu vì tính kiên nhẫn và vị tha. Rồi thắc mắc tự hỏi mình không biết hành động của anh thanh niên ấy là từ đâu mà ra? "bản năng" , "giáo dục" hay "bị xã hội hóa"?

Ngày xưa ở Võ Tánh, năm lớp 12 học Triết về Đạo Đức Học, thầy Đỗ Quang Đỉnh giảng đạo đức là gì? đặt trên nền tảng nào? phát sinh từ đâu?

Khổng Tử dạy "nhân chi sơ tính bản thiện" rồi con ngừời sống trong những hoàn cành khác nhau "cái ác" nó xâm chiếm "cái thiện" làm tính tình con người thay đổi lần ra. Ngược lại Mạnh Tử lại bảo con người mới sanh ra là một động vật mang "tính ác" trong người, rồi "ở bầu thì tròn; ở ống thì dài"; con người bị xã hội hóa, hoàn cảnh xung quanh chi phối, uốn nắn mà từ "Ác" trở thành “Thiện” hay “Ác” vẫn hòan "Ác". Như vậy anh thanh niên tôi gặp đã là mẫu người của Khổng Tử sanh ra là đã có trong người cái tâm huyết giúp đỡ người "gặp nạn" hay được nhà trường dạy cho "bầu ơi thương lấy bí cùng! tuy rằng khác giống nhưng chung một giàn!".

Dạo gần đây ở Mỹ có những thanh niên vừa tròn 18 được quyền mua súng để "tự vệ". Sau khi mua được những khẩu tự động AR-15, xách vào trường học bắn giết những bạn bè hoặc trẻ em vô tội. Có lẽ đây là mẫu hình của Mạnh Tử vì mới 18 tuổi chưa đủ “thọ” thì có lẽ chưa được "giáo dục", "xã hội hóa", hay đã thấy cái "thiện" để "bắt chước" chăng?

Xem thống kê trên internet trong lúc những tiểu bang đầu tiên của nước Mỹ ở vùng Đông Bắc thì có ít những vụ mass shooting hơn hẳn so với 2 tiểu bang "cao bồi" Texas và Colorado [1]. Tôi nói đây là 2 tiểu bang "cao bồi" vì hồi còn ở Nha Trang khi đi xem xi-nê thì những câu chuyện cướp bóc, bắn súng, đấu súng được đem lên màn bạc phần lớn từ 2 tiểu bang này.

Tôi cứ nghĩ chuyện mass shooting chỉ xảy ra ở Mỹ; nhưng thưa không! Thống kê nói Châu Âu cũng có mass shooting và số người bị giết trên mỗi một triệu người dân thì Mỹ đứng ở hàng chính giữa [2]. Châu Á thì hầu như không có vì luật pháp không cho phép người dân được quyền sở hữu súng. Có lần tôi đọc được tin trên internet ở Tàu có người cầm dao vào trường đâm trẻ em tiểu học.

Như thế nếu luật pháp cho phép sở hữu súng, có lẽ xứ Tàu cũng có những trường hợp mass shooting như ở Mỹ này.

Tôi kể câu chuyện ở trên xảy ra ở chợ "bình dân" cốt để nhấn mạnh rằng người đi chợ HEB không phải là những người giàu tiền lắm bạc, lúc nào cũng dễ dàng ra tay nghĩa hiệp cứu giúp người thiếu thốn.

Câu chuyện của việc “Thiện” kể trên lại xãy ra ở tiểu bang có thống kê số lần xảy ra “mass shooting” đứng đầu nước Mỹ!

Có giải đáp nào cho câu hỏi “làm sao thì không còn những màn mass shooting xảy ra trên quả địa cầu này?”.


References:
[1]: Mass shootings in the United States - Wikipedia
[2] Mass Shootings by Country 2022 (worldpopulationreview.com)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022