Tìm nhau trong muôn thuở
Đặng Mai Lan – California 7/2022
Photo by Minh Hà
Tinh sương, tất cả những ngôi nhà trên con đường đều im lìm trong màn không khí mờ đục, thứ không gian dang dở của đêm và ngày. Chỉ riêng ngôi nhà đó, nơi có ánh đèn như một điểm sáng ấm áp giữa lòng đường tối mờ, lạnh lẽo, được tỏa ra trong một diện tích khiêm nhường từ một ngọn đèn nào đó ẩn trong những bức tường. Nhìn vào, có thể nhận ra ngay đó là một phòng ăn, một gian bếp. Những chiếc nồi xưa sáng ngời màu đồng, được treo thứ tự từng kích cỡ trên giá gỗ dưới ánh đèn đã nói lên vị trí của căn phòng. Trong ngôi nhà, bếp cũng là một nơi, là đời riêng của người phụ nữ.
Mỗi sáng, tôi vẫn thấy chiếc bóng của bà. Người đàn bà thức sớm còn khoác trên người tấm áo choàng đêm, ngồi với những ngọn lửa nhỏ cháy lung linh trên giá nến. Nến như hơi thở ấm, như bó hoa mùa đông trang trí mặt bàn im. Mặc tuyết đang phủ trắng vỉa hè bên ngoài. Mặc những bước chân người qua lại, sương đang ràn rụa trên khung kiếng cửa. Chiếc bóng lặng thinh, ngồi tìm nhân gian bên những trang sách mở. Không hiểu sao tôi vẫn tin những cuốn sách trên bàn, trong tay bà là những ấn phẩm văn học.
Bà đọc gì? Truyện của những văn hào tên tuổi từ thế kỷ trước hay những tài danh mới xuất hiện sau này. Tôi không nghĩ là bà đang đọc lại Marcel Proust và những chiếc bánh Madeleine vào một chiều đông ảm đạm trong “à la recherche du temp perdu” (1), chuyện tình lãng mạn của Lara và bác sĩ Zhivago ở một đất nước chính trị rối ren của Pasternak, hay Frédéric Beigbeder, một nhà văn tài hoa vang dội trong nhiều lãnh vực của Paris hiện đại.
Những câu chuyện đời vào thời Đệ Nhị Thế Chiến có nằm trong những trang sách đó, và bà được bao nhiêu tuổi vào những năm tháng quân đội Đức chiếm đóng đất nước của bà?
Lạ lùng, không dưng những câu hỏi lại bật lên trong đầu tôi lúc này.
Chuyện chiến tranh, thi ca chẳng nói lên một điều gì trong dáng ngồi đọc sách của người đàn bà ấy. Nhưng nhớ tới hình ảnh bà, tôi chợt nhìn ra tôi hiện tại cùng chiếc bóng của quá khứ. Tôi bây giờ và bà ngày đó biết đâu cũng có một điểm tương đồng.
…
“Người và xe tấp nập đường trưa. Nắng hân hoan rải hoa xuống phố, nắng trổ màu gụ bóng trên mái tóc xuân thì. Nắng nâu nơi đôi mắt ngày hè long lanh. Niềm vui thênh thang cùng mây cao. Áo lao xao chân bước giữa bao người. Đôi mắt hai mươi hun hút cuối đường, rạt rào nôn nao con tim mười bảy.
Người vui cùng phố, bởi phố muôn đời hân hoan. Phố thờ ơ, phố nào biết những nỗi buồn ly biệt. Nào biết ai đi, ai về vội vã chốn đợi mong.
Nhanh thôi em, chiều sẽ đi vào đêm. Anh sẽ bước vào bóng đêm khi em và những bóng nắng còn vùi sâu giấc ngủ. Đường anh đi, sớm mai, sương che mù mịt. Nơi anh đến, nắng không vàng. Nắng bốc lửa hà hơi, đuổi gió bay xa. Thiên nhiên nín thở, cây lá oằn mình trong không gian sực nức một thứ mùi. Mùi, không phải hương, bởi đó là những gian nan cùng khổ. Mùi mồ hôi đẫm ướt áo anh. Mùi máu đen, máu đỏ. Mùi chết. Những thứ mùi tanh tưởi của địa ngục.
Có gì vui nơi chốn sa trường. Này em, giữ giùm anh bóng nắng ngày về. Những dải tơ vàng trên hàng cây hò hẹn.
Nắng ngày tháng vẫn đổ xuống đời. Tôi đã gom bao nhiêu bóng nắng cho anh, nhưng đêm anh đi, đêm tối mù, vô tận. Đêm nuốt chửng anh không tìm thấy lối về. Tất cả chập chờn như một giấc mơ. Giấc mơ tôi chơi vơi, thất thểu. Riêng anh, anh không còn một giấc mơ nào nữa, dù là những cơn mơ ngùn ngụt bão lửa rập rình đe dọa. Anh đi vào bóng tối, bóng tối xóa sạch ký ức anh. Tất cả chỉ được giữ lại nơi những con người còn thấy ánh nắng, còn nghe nhịp tim và hơi thở của mặt trời.”
Những suy tưởng miên man về một nơi chốn, một đoạn đời cũ. Như vạt nắng mộng mị, bừng lên trong ký ức tôi vào một sớm mùa đông.
Khi đã thôi bôn ba đời cơm áo, tôi nghĩ mình sẽ cùng những người bạn đồng trang lứa tìm đến nghệ thuật như học vẽ, học đàn. Ghi tên vào những khóa tu dưỡng tâm linh như yoga hay một môn thể dục dưỡng sinh bảo vệ sức khỏe. Vậy mà, tôi chưa làm được một điều nào trong những dự tính. Tôi đi tìm những thứ đã mất và nhận ra mình là một kẻ bội bạc.
Chẳng khác nào những bông hoa muôn đời lả lơi theo gió. Cho đến khi đã héo hon chờ rụng, hoa mới nhớ về những giọt sương long lanh, những vạt nắng hồng ấm áp của vườn xưa. Nên dạo này truyện tôi viết thường là những câu chuyện có bóng dáng của những người lính cũ. Viết và đọc đi đôi với nhau. Sách tôi đọc cũng thường là những cuốn sách nói về chiến tranh. Không hẳn vị chủ bút tạp chí tôi đang cộng tác là một người lính mà tôi quý mến. Những trang sách của anh đã cho tôi những cảm hứng viết về cuộc chiến đã qua. Tôi tin chiến tranh luôn là một quá khứ mà không ai có thể quên, và cũng là chất xúc tác vô hình kéo con người lại gần nhau. Những người đã cùng kinh qua, ít nhiều đã được sống cùng.
Chiến tranh bùng nổ khốc liệt vào những năm tháng tôi còn quá trẻ. Dù đã biết nhớ nhung, tương tư một màu áo trận. Đã có những giọt nước mắt nhỏ xuống thương người tử sĩ. Nhưng thực sự tôi nào quan tâm đến tình hình chiến sự ngày ấy. Một cuộc tình non dại thời bi tráng tưởng đã ngủ yên trong bóng đêm, khi người lính đi không trở lại. Nhưng tất cả chỉ chìm sâu trong tận cùng ký ức và bùng lên khi những ngọn lửa huyên náo của đời sống đang dần nguội lạnh.
Đến một tuổi thôi không còn mơ mộng tôi mới ngồi soi lại bóng mình trong tấm gương quá khứ với bao nỗi u hoài thương tiếc.
Không hiểu từ bao giờ, những câu chuyện trong đời sống hằng ngày của tôi cũng lại là những chuyện chiến chinh. Dù người đi bên cạnh tôi là một nhạc sĩ.
Đời thường cho rằng tình yêu sau hôn nhân sẽ trở nên tẻ nhạt, không còn gì để nói. Tôi lại muốn nghĩ một cách mơ mộng hơn rằng: tình yêu còn đó nhưng lặng lẽ thay hình đổi sắc, ẩn dưới bóng thời gian. Bởi vì đôi lứa chúng tôi quả tình hết còn những lời nồng nàn để nói với nhau, nhưng thay vào đó là những câu chuyện miên man và có lẽ không bao giờ nhàm chán. Không phải là văn chương hay âm nhạc, thứ đam mê cả hai cùng theo đuổi, mà là chuyện thời sự đất nước, là quá khứ đau buồn của dân tộc. Đương nhiên là có những người lính bảo vệ non sông. Dù thời gian sống đời quân ngũ không nhiều, vậy mà anh đã hai lần đổi tên binh chủng. Nhưng một ngày là một đời, tôi từng nghe những lời này trong một khúc quân ca.
Bây giờ khi cần biết những gì thuộc về quân đội ngày xưa để hoàn tất một bài viết. Nếu những giải đáp của ông nhạc sĩ kề cận thiếu chính xác, tôi tìm đến một người thân mến cũ mà cả nửa thế kỷ dài mất dấu.
Anh hay đến nhà chơi vì khu phố tôi ở rất gần phi trường, nơi anh về nghỉ ngơi sau mỗi phi vụ, tiện đường để anh ghé uống một ly cà phê, nghe vài bản nhạc cùng dăm ba câu chuyện khi rảnh rỗi. Đôi khi anh đến giữa một trưa muộn màng, chỉ để ăn vội một đĩa cơm nguội. Thời gian đó, ba má tôi về ngoại ô sống, giao nhà cho các con ở, đứa đi làm, đứa đi học. Tự lo liệu, nấu nướng và đương nhiên là tự do đàn đúm. Đĩa cơm và những thứ thức ăn do tôi nấu chắc cũng chẳng ngon lành gì. Nhưng anh cần ăn cho nhanh rồi về căn cứ ngủ, dẫu có dở cũng thành ngon với một người đang mệt và đói. Thân thiết với nhau như thế nhưng rồi mất liên lạc một thời gian, trước khi Sài Gòn rơi vào tay cộng sản.
Thỉnh thoảng nhớ về anh, tôi mường tượng những chiếc tàu mong manh trên biển ngày gió mưa bão táp, hay ở chốn rừng thiêng nước độc có những con người rách rưới, ốm yếu bệnh hoạn, lê lết như những bóng ma. Có thể anh đã bỏ mình trên những vùng khổ nạn như rất nhiều phận người của một đất nước bất hạnh. Vậy mà, chúng tôi, những người quý mến anh đã tìm lại anh một cách tình cờ. Một ân sủng của cuộc đời dành cho những con người còn biết thương tưởng về nhau.
Chuyện ngắn chuyện dài, bao kỷ niệm của thuở hoa niên kẻ nhớ người quên được tận tình nhắc nhớ.
Chuyện xưa, là những cuộc tình chồng chéo trong đời anh mà ít nhiều tôi cũng bị vướng vào những hệ lụy vì “không may” cùng quen biết những “hồng nhan” của anh ngày đó. Chuyện bây giờ là chuyện vườn tược, cây cảnh. Tôi trồng cây vì thương nhớ hoa lá quê xưa. Còn anh, có lần chụp hình khoe mấy chậu rau, anh nói trại tù cộng sản đã biến những người lính các anh trở thành những gã nông dân chân lấm tay bùn. Người nông dân lam lũ tù tội ngày nào đến bây giờ đời đã nhàn nhã yên vui, thế mà anh vẫn còn yêu cây thương đất.
Tuổi trẻ không còn, mỗi người một phương lưu lạc không mong gì gặp lại. Kỷ niệm xưa, tưởng đâu chỉ có từng ấy trong quá khứ để nhớ về. Không đâu…
Anh giải thích những gì tôi cần biết khi viết về lính như kỳ hiệu, biểu chương… Xem chừng anh thích thú với những trao đổi này. Điều làm tôi cảm động là khi tôi hỏi địa chỉ một nơi bán quân phục, mũ beret với huy hiệu binh chủng của quân đội để mua làm quà tặng cho chồng. Anh lại tìm mua cho chồng tôi một cái áo field jacket cũ. Đương nhiên, không cách nào tìm lại những bộ quân phục trong cuộc chiến tranh Quốc-Cộng. Nhưng mẫu mã chiếc áo anh muốn phải không quá xa với thời điểm chồng tôi còn tại ngũ. Một chiếc áo kích cỡ nhỏ không phải dễ tìm, vậy mà anh vào mạng Ebay lùng sục cho bằng được. Trước khi quyết định mua, người bán phải chụp hình cho anh thấy rõ nhãn hiệu bên trong lưng áo, vì nhìn vào anh mới biết áo còn tốt hay quá cũ. Anh nói anh đã từng tìm mua nhiều thứ của quân đội ngày xưa như một sưu tập. Từ anh, tôi học được nhiều điều liên quan đến chiến cuộc. Và tôi nhận ra ngoài tình cảm của một người anh, người bạn thuở xưa giờ còn có thêm một tình cảm khác. Thắm thiết và cao cả hơn thứ tình ngày nọ. Nếu anh tặng cho tôi một món quà thì chẳng có gì để phải suy tư. Anh nào biết chồng tôi là ai, hai người chỉ biết nhau qua hình ảnh, qua những gì tôi kể.
Tự thân, mỗi kỷ niệm đều mang theo những tình cảm riêng của nó. Tôi không biết gọi thứ tình này là gì?
Tôi muốn mua hai cái beret, màu…, huy hiệu…
…
Trước anh ở tiểu đoàn nào?
…
Ồ, chỉ huy của anh là ông đó hả? Tôi mới gặp ổng ở quán cà phê sáng nay…
…
Anh qua Cali thường lắm sao? Khi nào qua, nhớ đến gặp tôi, nhớ nhe!
Paris và Cali. Bên này trời đã vào đêm, bên kia ngày còn đang rực rỡ. Tôi ngồi nghe những đối thoại của người mua và người bán qua đường dây điện thoại. Âm thanh như mưa rào rộn rã rơi xuống vùng đất đã cằn khô cả gần nửa thế kỷ qua. Vùng đất cho những con người cùng cuộc tang thương tìm đến sum vầy vì nó còn cất giữ một thứ màu mỡ, ấp ủ những hạt trường sinh đã được nuôi dưỡng bởi dâu bể cuộc đời.
Ngày xưa nghe bài hát có bốn chữ “huynh đệ chi binh”, nghe chỉ thấy vui vui, không hề có một ý niệm nào. Giờ mới nghiệm ra đó là một thứ tình thăm thẳm như rừng, bao la như biển.
Buổi sáng một mình, nhớ về ngôi nhà trên đoạn đường đến sở làm vào những tinh sương xưa cũ. Có khác gì hình ảnh người đàn bà bản xứ ngày nào, tôi cũng một mình trong gian bếp với trang sách đọc dở dang, và chút lửa ấm áp lung linh cháy trong chiếc ly thủy tinh có ngọn nến vàng.
Người đàn bà ấy đọc những gì, nghĩ tưởng về ai? Có như những trang sách của tôi, những trang sách mang đầy ký ức, dấu vết một cuộc chiến đã tàn. Sao tôi không hồi tưởng những hạnh phúc êm đềm đời sống đã ban tặng cho mình nơi xứ sở này. Một nơi mà thời gian sống của tôi dài hơn rất nhiều trên quê hương cũ. Sao mãi nhớ về cuộc tình thơ dại đã nghìn khuya đi vào bóng đêm huyệt mộ. Rồi nghĩ đến những thân tình, những khuôn mặt thân quen và những người chưa một lần gặp gỡ. Xa cách dặm trường, lại tìm đến nhau gần gũi thiết tha.
Cuộc chiến tàn nhưng không bao giờ bị lãng quên, ngay cả những cô con gái sống êm ấm nơi phố thị như tôi ngày đó, biết thế nào là chiến trường, trận địa.
Tôi lại nhớ đến cô bạn và hai câu thơ cô để trên cánh cửa văn chương, một trang nhà trên mạng lưới toàn cầu: xin những tình thân ái / còn hoài như hôm nay. (2)
Sao lại không “còn hoài” hỡi bạn xa xăm thân mến! Khi chúng ta, những con người không tìm lại nhau bằng sự rung động ái yêu từ một dung nhan trong tranh tố nữ, có đôi môi đỏ, mái tóc mây bay. Không tìm nhau nơi một vầng trăng, hay những cánh hoa âm thầm nở trong đêm, mà tìm nhau trong tang thương từ kinh sử.
Tìm nhau trên kinh đô xây trong xương máu
Tìm nhau trong thống khổ (3)
Kinh đô đổ nát, thành quách đã tan. Trên hoang tàn đó, chúng ta vẫn tìm thấy nhau từ những vòng dây thân ái được đan kết bằng những bi, tráng, của một đời chung.
Một đời, muôn thuở.
Đặng Mai Lan
(Paris, cuối năm 2021)
1- Đi tìm thời gian đã mất.
2- Thơ Trần Thị Nguyệt Mai
3- Tìm nhau – Phạm Duy.
(Nguồn: https://tranthinguyetmai.wordpress.com)