SỐ 96 - THÁNG 10 NĂM 2022

Trăng thu

Tối qua trời rỉ rả mưa sau hai tuần nắng hạn, một cơn mưa hiếm hoi quý giá hơn châu ngọc ở Nam California. Hôm nay Trung thu, trăng ắt phải tròn và sáng, chỉ e rằng cơn bão ghé qua sẽ che khuất mờ trăng đêm nay. Những chiếc lồng đèn của hoan hỉ ấu thơ đã xa, và cũng có những lồng đèn cháy rụi bất ngờ cho bóng tối tràn về giữa cuộc vui năm nao. Những tiếng cười tắt nghẹn nửa chừng rồi giòn tan vang vọng khi ngọn nến được khơi sáng lại.

Nhớ câu chuyện “Con châu chấu và con dế rung chuông” của Yasunari Kawabata về bọn trẻ tự tay làm lấy và cắt tên của mình vào lồng đèn của chúng. Bọn chúng đi lùng châu chấu hằng đêm, nhấp nhô bồng bềnh trong tay những chiếc đèn đầy màu sắc. Thằng bé Fujio bắt được một chú và hỏi cô bạn nhỏ Kiyoko có muốn châu chấu không? Cô bé đáp “ừ, em rất thích” và xòe tay đón nhận. Ánh mắt Kiyoko rực sáng khi cô bé khám phá đó không phải là châu chấu mà một chú dế rung chuông. Cô bé reo lên, cả bọn trẻ xúm lại thèm thuồng nhìn. Fujio cũng tiến lại, nâng chiếc lồng đèn của mình lên và trong ánh sáng cậu liếc nhìn khuôn mặt người bạn gái. Ở khoảnh khắc thơ ấu hồng hoang ấy, Fujio và Kiyoko cùng bọn trẻ chẳng ai để ý, tên Fujio mà cậu cắt từ chiếc lồng đèn chiếu một màu lục nhạt vào ngực áo của Kiyoko, và lạ thay tên Kiyoko từ chiếc lồng đèn của cô cũng soi vào thắt lưng của Fujio. Có một phối hợp ngẫu nhiên khi tên tôi chiếu sáng lên ngực em và tên em soi vào thắt lưng tôi? Định mệnh hay ngẫu nhĩ? Cuộc đời toàn là châu chấu, chỉ riêng em là chú dế rung chuông? Yasunari Kawabata kết thúc câu chuyện như thế này,

“Ngay cả khi bạn có trí thông minh mẫn nhuệ để tự mình nhìn thấy được trong bụi cây, cách xa bọn trẻ khác, thật ra đâu có bao nhiêu dế rung chuông trên cuộc đời này. Có thể bạn sẽ tìm thấy một cô gái giống như một con châu chấu mà bạn nghĩ là một chú dế rung chuông.

Và cuối cùng, đối với trái tim u ám tổn thương của bạn, ngay cả con dế rung chuông thực sự cũng sẽ giống như một con châu chấu thôi. Sẽ có khoảnh khắc, khi mà cõi đời hình như chỉ toàn là châu chấu đối với bạn, tôi nghĩ thật tội nghiệp khi nhìn bạn không tài nào nhớ nổi về trò chơi ánh sáng đêm nay khi tên bạn từ chiếc lồng đèn đẹp đẽ đã chiếu màu lục xanh lên ngực áo một cô gái”.
(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)

[Even if you have the wit to look by yourself in a bush away from the other children, there are not many bell crickets in the world. Probably you will find a girl like a grasshopper whom you think is a bell cricket.
And finally, to your clouded, wounded heart, even a true bell cricket will seem like a grasshopper. Should that day come, when it seems to you that the world is only full of grasshoppers, I will think it a pity that you have no way to remember tonight’s play of light, when your name was written in green by your beautiful lantern on a girl’s breast.
Nguyên tác: Batta to suzumushi, Yasunari Kawabata, 1924
The Grasshopper and the Bell Cricket, Lane Dunlop and J. Martin Holman chuyển ngữ]

Như thế, bóng tối và ánh sáng, châu chấu và dế rung chuông, tôi và em, chúng mình và nhân gian, trí nhớ và lãng quên, hai bề mặt của hỉ nộ trong cuộc chơi một đêm trăng. Cuộc chơi ta dự phần mà ta nào nhận biết.

Thomas Lloyd Qualls, một nhà văn Mỹ đương thời xuất thân là một luật sư, thành một nghệ sĩ lang thang, có nói một câu khá thú vị đã được nhiều người trích:

The bright side of the moon could not exist without the half wrapped in shadow.
A half-life is not substantial, not sustainable. You cannot cut out half your heart and live.

― Thomas Lloyd Qualls, Painted Oxen

Xin tạm dịch như thế này:

Vẻ sáng long lanh của trăng kia chẳng thể hiện được nếu không có nửa bề tối che dấu phía sau.
Một nửa cuộc chơi thật chẳng đáng kể và bền bỉ được. Làm sao cắt bỏ một nửa trái tim của mình mà tiếp tục sống.”

Mỗi mỗi chúng ta hiện hữu đều có hai bề mặt, một cái xán lạn ta muốn vun xới và phô trương bên ngoài, và nửa kia chỉ mình ta biết, nó ôm đồm mọi thứ kể cả những điều xấu xa ta hằng che dấu. Đó là bản thể của con người, khó đổi dời. Chỉ một một khi nhận chân ra điều đó và ta quyết định đổi thay. Ánh trăng hanh hao qua cửa sổ có quét đi bóng tối và tạo cho đời những điều tốt đẹp, ấm lòng chăng? Cho dù, mặt sáng của mặt trăng không thể tồn tại nếu không có một nửa trong bóng tối.

Có lẽ vì thế, nên làm hòa với chính mình chăng? Vì luôn luôn có một ông Thiện và một ông Ác đi đôi trên cuộc đời, và biết đâu ngay ở chính bản thân ta? Một đêm mùa thu, Basho vào trọ ở một thương điếm, tình cờ cùng lúc với một cô gái giang hồ. Họ chia cùng một quán trọ qua đêm thu, dù chẳng biết nhau. Sáng hôm sau ông viết một bài haiku khi biết thân thế của cô gái và sự ngẫu nhiên chung cùng một mái nhà đêm trước.

Trong bài thơ của Basho có nhắc đến hagi, là loài hoa mọc thành bụi, màu tím đỏ, nở đầu mùa thu khi hạ đã bắt đầu xa.

Hitotsuya ni juujo mo netari hagi to tsuki
- Basho

Under the same roof
Courtesans, too, are asleep--
Bush clover and the moon.
(Translation by Ueda)

chia mái cùng
kỹ nữ chung
hồ tử hoa đẫm nguyệt lung linh nằm
(Vũ Hoàng Thư phỏng dịch)

Hagi, loại hoa nở đầu tiên trong 7 loài hoa tượng trưng mùa thu trong haiku (aki no nanakusa). Hoa hagi tượng trưng bản chất mong manh thoáng qua của vẻ đẹp trong cuộc sống, người Trung quốc gọi là hồ chi tử có lẽ vì những bông hoa ngắn ngủi nhỏ bé phù hợp với sự phôi pha, chóng tàn.

Yuujo, các dịch giả Anh ngữ thường dịch ra là prostitutes, cortesans, concubines tức là những người đàn bà làm nghề mua vui cho đàn ông. Hoa hagi mỏng manh và bỏ mặc thành bụi bên lề đường, thân thế nào khác những kỹ nữ, mảnh trăng sáng thanh cao trên kia cũng giống như cuộc đời phong trần nhưng trong sạch của chính Basho. Ngẫu nhiên một đêm trăng sáng, nguyệt và hoa gặp gỡ dưới cùng một khách điếm như một nhân duyên diệu kỳ. Hai cuộc đời khác nhau sẽ rẽ sang hai ngả khác nhau sáng hôm sau, nhưng hề chi ở phút trùng phùng này, những tâm hồn mẫn cảm chia xẻ cùng mái nhà, cùng cuộc đời với biết bao mặn nồng, đau khổ, một mình mình biết, một mình mình hay...

Vũ Hoàng Thư
Sept. 10, 2022

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2022