TUYỂN TẬP 1- VỚI SÁU MƯƠI HAI NĂM THƠ PHƯƠNG TẤN
Tôi thật vui, và cảm động, ngày 15/5/2022 này nhận được bản thảo Tuyển tập 1 của nhà thơ Phương Tấn gửi tặng. Một tuyển tập quan trọng bậc nhất trong sự nghiệp (sáu mươi hai năm) sáng tạo của Phương Tấn. Dù Tuyển tập được rút, chọn ở những thi tập đã xuất bản từ đầu thập niên sáu mươi cho đến nay, nhưng khi đọc kỹ ta thấy, dường như có sự sắp xếp chương mục, chủ đề rõ ràng. Do vậy, nội dung bố cục khá chặt chẽ, mạch lạc với những: Tình yêu đôi lứa, tình yêu gia đình, và bạn bè, quê hương, đất nước, cùng thơ thế sự xã hội xuyên suốt Tuyển tập 1 này.
Tôi yêu mến và tìm đọc Phương Tấn rải rác ở đâu đó đã khá lâu. Tuy nhiên, nhận Tuyển tập này, tôi mới được thực sự đọc ông một cách có hệ thống. Sự tiếp cận có hệ thống ấy, cho tôi nắm bắt được hồn vía tư tưởng, thủ pháp nghệ thuật cũng như diễn biến tâm lý Phương Tấn qua những biến động của đất nước, con người.
Nhà thơ Phương Tấn tên đầy đủ là Nguyễn Tấn Phương, sinh năm 1946 tại Đà Nẵng. Năm 1960, tức 14 tuổi, ông đã bắt đầu làm thơ và viết văn. Thơ văn ông đã được đăng tải, phổ biến hầu hết trên các báo chí ở miền Nam trước 1975. Ngoài ra, ông còn làm báo, cũng như nghiên cứu và đưa võ thuật Việt Nam đến với các đấu trường quốc tế. Hiện nhà thơ Phương Tấn đang sống và viết tại Cali-Hoa Kỳ.
*Ấy tim anh hé, riêng em khẽ vào.
Vâng, và tôi xin mượn câu thơ “Ấy tim anh hé, riêng em khẽ vào“ này của Phương Tấn, để làm tiêu đề cho phần viết về tình yêu cùng nỗi buồn thi nhân. Có thể nói, tình yêu và cái thuở ban đầu ấy, không chỉ chiếm vị trí số một ở Tuyển tập này, mà còn quan trọng nhất trong đời thơ Phương Tấn. Và cũng chính nó làm nên tên tuổi, hồn thơ ông.
Tôi không rõ, tình yêu đầu của Phương Tấn diễn ra như thế nào, nhưng đọc câu thơ viết cho cô gái tên Phương, năm ông16 tuổi, cảm thấy rạo rực lắm: “Guốc ai khuất mà hồn ai còn gõ“. Với tôi, có lẽ đây là một trong những câu thơ tình với phép tương phản hay nhất ở Tuyển tập 1 của Phương Tấn. Và tiếng gõ của mối tình đầu ấy, chẳng biết có làm lạc hồn lạc vía cậu học trò Nguyễn Tấn Phương hay không? Nhưng xem chừng thi sĩ Phương Tấn lung linh và tự tin lắm: “Im nghe bàn ghế thầm thì/ Nghe trong sách vở li ti là tình/ Phấn cười bảng cũng lung linh/ Mực vui chữ cũng chia tình cho em“ (Lung linh tình đầu). Từ cái lung linh, sự tự tin đó, cho thi sĩ Phương Tấn đủ can đảm hé mở trái tim mình. Song dường như, cô bé lọ lem ấy có một chút ngập ngừng chăng… Và như một tiếng gọi, dụ mời, Phương Tấn muốn em bước vào nơi cửa mở trái tim, với không gian đầy lãng mạn:“Này này cô bé lọ lem/ Ấy tim anh hé riêng em khẽ vào/ Mình căn lều ở trong sao/ Vui nghe tình thở rạt rào hơi trăng“ (Lọ lem). Có lẽ, trái tim thi nhân vẫn chưa đủ rộng, hay cô nữ sinh chưa đủ can đảm bước đến tận cùng. Do vậy, thơ tình Phương Tấn vẫn buộc phải kẹp vào trang sách. Và Thư Xanh là một bài thơ hồn nhiên, trong trẻo, với hình ảnh ẩn dụ, lời thơ rất đẹp được viết trong cái không gian, tâm trạng ấy của cậu học trò Phương Tấn: “Một vườn chim hót trong thơ/ Líu lo líu lít thơm tờ thư xanh/ Một tà nắng khép bên cành/ Khép trong vạt chữ xanh xanh là tình.“. Ở cái tuổi học trò như vậy, có lẽ không ai yêu đến điên cuồng, mãnh liệt, và dám viết câu thơ táo bạo như Phương Tấn. Có thể nói, đây cũng là nét đặc trưng thơ tình ở giai đoạn này của ông. Đọc nó chỉ một lần, cứ làm tôi nghĩ đến ngày còn cắp sách đến trường, và ám ảnh mãi không thôi: “Anh quỳ lót lụa dưới chân/ Lụa thơm đầy gió cho thân là là/ Là là cánh én bay ra/ Én tha đầy mộng ngậm tà áo xuân.” (Nàng tiên).
Thuở còn đến trường, dường như Phương Tấn chủ yếu đã gửi hồn mình vào thơ lục bát. Một thể thơ dễ làm, và thật khó hay, song ông đã chinh phục được người đọc không chỉ nơi học đường. Vâng, ngoài sự tìm tòi, học hỏi, âu đó cũng là tài năng thiên bẩm của người cầm bút vậy. Và Nai vàng, Tan trường, Bông hồng, Trên đường, Lẽo đẽo, cùng Vẫn đợi… là những bài lục bát 4 câu chắt lọc, với từ ngữ mộc mạc, song giầu hình ảnh cùng các biện pháp tu từ nhân hóa, ẩn dụ ở trong Tuyển tập 1 chứng minh cho tài năng ấy của Phương Tấn: “E chừng trong guốc đầy hương/ Sao nghe chim chóc bên đường xuýt xoa.“ (Nai vàng).
Rồi người con gái tên Phương đã khe khẽ bước được vào trái tim hé mở của cậu học trò Nguyễn Tấn Phương. Và từ cái rạo rực và cảm hứng ấy, thi sĩ Phương Tấn viết nên: Ở Huế nhớ Phương, Ngồi giữa ruộng ngắm trăng nhấm trà nhớ Phương, Cười nghiêng ngửa bóng, hay Phương ơi, những ngày ngày trốn học… Đó là những bài bát ngôn, hoặc ông trộn (lộn) các thể loại thơ vào nhau, theo cảm xúc ngắn dài của mình. Có thế nói, đây là những bài thơ mãnh liệt, thiết tha, chân thực và cảm động nhất của Phương Tấn: “Phương nghe đó trời thu lên lành lạnh/ Lòng cũng vàng theo lá ở trong cây/ Vui cũng bay theo gió ở trong ngày/ Một chút lệ thêm chút buồn vừa chín.“ (Ở Huế nhớ Phương).
Có lẽ, trái tim trở nên chật chội chăng? Nên sự rạn vỡ, chia ly buộc Phương Tấn phải ôm sầu muộn, để viết: Quẫy tình, Tình cay, Bến khuya hay Tình sầu… Và trở về với lục bát, nỗi buồn thương ấy, dù có ngàn năm không tát cạn trong lòng thi nhân. Vẫn biện pháp tu từ, với những hình ảnh ẩn dụ, Phương Tấn như rắc muối vào trong lòng người đọc vậy: “Sầu tình, dẫu lấy gàu sòng/ Tát thiên thu vẫn không mong cạn sầu/ Bóng câu khoe trúc bạc đầu/ Khoe mai tàn cánh khoe màu thời gian“ (Tình sầu).
Chia ly, với nỗi đau là thế, song sự hoài vọng vẫn còn ăm ắp trong lòng thi nhân. Sự ngóng trông, và chờ đợi dài đằng đẵng ấy, tưởng chừng:“… như pho tượng bên triền núi“. Nhưng không! Tình yêu dường như có lý lẽ riêng. Thật vậy, sức sống tình yêu, (hay một sức mạnh vô hình nào đó) không thể cân đong đo đếm. Cho nên, Phương Tấn vẫn thấy: “Ô hay, mình cứ tuổi hai mươi“. Và “Chờ đến thiên thu một bóng người“ là một bài thơ thất ngôn, viết trong tâm trạng như vậy của Phương Tấn. Khi viết bài thơ này, ông đã bước vào cái tuổi thất thập. Nếu được phép tuyển chọn, với tôi đây là một bài thơ hay, và toàn bích nhất trong Tuyển tập 1 của Phương Tấn. Vâng, chỉ một trích đoạn ăm ắp hình tượng, mang mang hồn cổ thi sau đây, sẽ cho ta thấy rõ điều đó: “Sóng xô thuyền mắc bờ nước lạ/ Mình, kẻ lạc loài giữa gió đông./ Và như pho tượng bên triền núi/ Chờ đến thiên thu một bóng người“.
*Ván khua lách cách hồn khe khẽ về.
Cũng như thi sĩ Nguyễn Nho Sa Mạc, thơ Phương Tấn đã chín trước tuổi. Ở tuổi 14 ông viết những câu thơ già dặn, cô đơn, bi thảm trong thành phố chết hay, và rợn đến kinh người: “Đêm lên phố vào sa mạc/ Tìm đâu rộn rã kinh kỳ/ Lầu dinh mà như cồn cát/ Thênh thang một nẻo sầu bi.” (Đà Nẵng, trời ni đất nớ). Và với những hình ảnh mang tính ẩn dụ sâu sắc, tôi cứ ngỡ Phương Tấn đã ở cái tuổi 41 vậy: “Đà Nẵng mình buồn em hỉ/ Hôm nào em ghé vô chơi/ Mùa ni có bông chung thủy/ Nở nơi khóe mắt thay lời.” (Đà Nẵng, trời ni đất nớ). Với Tuyển tập 1 này, tình bạn trong thơ Phương Tấn rất đậm sâu. Tuy nhiên, những bài thơ hay về bạn bè, anh em lại nằm trong phần thơ Cát Bụi, với những cuộc chia ly vĩnh cửu. Đó cũng là nỗi buồn trong lòng thi nhân và trong thơ vậy. Sự ra đi bất ngờ của nhà thơ tài hoa Nguyễn Nho Sa Mạc ở cái tuổi đôi mươi làm cho Phương Tấn xúc động mạnh. Hình ảnh bạn luôn hiện về trong nỗi nhớ thương, tiếc nuối của Phương Tấn. Ván khua lách cách hồn khe khẽ về, một bài thơ lục bát được ra đời trong cái chập chờn ấy của ông. Từ ngữ, hình ảnh lạnh sắc làm cho tôi chờn chờn, rợn rợn, khi đọc. Đọc nó, chợt làm tôi nhớ đến: Gửi người dưới mộ của Đinh Hùng. Có thể nói, cùng với Lật trang kinh, tụng chữ tình, Bên đời hưu quạnh, và Buồn như trăng nhớ ai… Ván khua lách cách hồn khe khẽ về là bài thơ hay, điển hình nhất trong Tuyển tập 1 của Phương Tấn: “Khuya xa xác đổ về trời/ Phố cao sầu cũng nghe dời vóc hoa/ Tay lùa con nước xót xa/ Chân lùa bóng vỡ phôi pha thiên tài/ Từ anh bỏ lại tuổi mai/ Cát vàng thả gió chia hai bạn bè/ Bừng bừng xô dạt lòng khe/ Ván khua lách cách hồn khe khẽ về.”.
Khi đi sâu vào đọc, ta thấy Phương Tấn rất dụng công với thơ lục bát. Không chỉ tìm tòi làm mới từ ngữ, hình ảnh, ông còn sử dụng thủ pháp ngắt nhịp, xuống dòng trong câu thơ, nhằm diễn tả cảm xúc, diễn biến nội tâm sâu sắc và chân thực nhất. Và Ngày gặp nhau ngày vĩnh biệt, là bài thơ tiêu biểu nhất cho hình thức nghệ thuật này trong Tuyển tập 1 của Phương Tấn:
“Thôi rồi
bỏ tuổi
hai mươi
Dưng nghe
huyệt lạnh
nổi cười
lạnh căm…”
Cơn mưa chiều úa rã, bài thơ ngũ ngôn, được Phương Tấn viết năm 1972 ngay tại bến xe Biên Hòa. Tuy không nằm trong số những bài hay nhất của Tuyển tập 1, nhưng đọc nó, tôi thấy được nỗi buồn đau, cùng sự quạnh hiu đến tột cùng của thi nhân. Và mượn cảnh vật thiên nhiên một cách mộc mạc, dung dị để miêu tả diễn biến nội tâm đã đạt đến đỉnh cao nghệ thuật của Phương Tấn. Buồn là vậy, song cái ngôn ngữ giàu nhạc tính làm nên nét đặc trưng thơ Phương Tấn: “…Từng giọt từng giọt buồn/ Nhỏ xuống lòng nhân gian/ Lăn trong đời hiu quạnh/ Nhỏ xuống lòng nhân gian/ Cơn mưa chiều úa rã.”
Nếu lục bát Phương Tấn đậm chất trữ tình, thì thơ ngũ ngôn của ông mang tính triết lý cuộc sống. Chợt thấy đời đã cạn, Phương Tấn viết năm 21 tuổi, là bài thơ ngũ ngôn điển hình cho đặc điểm này của ông. Có thể nói, đạo đức, hay chân lý đã được nhà thơ rút tỉa ra từ những cạm bẫy của cuộc đời vậy: “…Đừng soi vào mắt ta/ Chiếc lồng không bóng chim/ Treo một đời để nhử/ Chết ngọt những đường kim./ Đừng soi vào mắt ta/ Cánh hồng đen lã chã/ Nhạt nhòa giữa lòng ta/ Cơn mưa chiều rệu rã./ Nào, dốc ngược tim mình/ Ngã chúi vào dĩ vãng/ Ta dốc ngược tim mình/ Chợt thấy đời đã cạn.”
*Mẹ và quê hương đất nước.
Sinh ra và lớn lên trong chiến tranh, do vậy ngay từ buổi đầu hồn thơ Phương Tấn bi đát, và vô vọng. Mười bảy tuổi, Phương Tấn đã viết: Reo vui giữa huyệt đời, lời thơ chán chường, lạnh tanh như thể tự kết thúc cuộc đời tuổi trẻ vậy: “…Tóc đà trắng buồn bã/ Sao chẳng thấy Phật đâu/ Nhào lộn trên thánh giá/ Vẫn chẳng thấy Chúa đâu/ Thôi đêm còn hai tay/ Bức tóc vo lấy đầu/ Và ngày còn hai chân/ Giẫm lên cùng nỗi khổ./ Thôi tôi còn một tôi/ Reo vui giữa huyệt đời…”. Và đi giữa phố thị mà nhà thơ vẫn cảm thấy cô đơn, không tìm thấy một con người đích thực. Chiến tranh đưa đến sự lưu manh, giả dối đã làm cho ông và thế hệ ông mất hết niềm tin vào xã hội, con người. Ngày xuống ngày không lên, là một bài thơ ngũ ngôn, mang tâm trạng như vậy của Phương Tấn. Bài thơ được viết tại Saigon năm 1966, có lẽ chiến tranh bước vào giai đoạn mới, khi Quân đội Mỹ và đồng minh tham chiến ở chiến trường miền Nam:“…Nào bước khỏi đám đông/ Khỏi những khuôn mặt kịch/ Xin bước khỏi đám đông/ Lòng mở lòng nguội ngắt./ Hãy xem tôi đà chết/ Tôi đã chết lâu rồi/…Này da vàng đầy phố/ Vẫn không thấy anh em/ Sao da vàng đầy phố/ Vẫn không thấy mặt người!”.
Từ những nhận thức như vậy, cho nên ta thấy tính chân thực sâu sắc trong thơ Phương Tấn. Ông dám cả gan đánh giá cái sự lầm lạc của người cha, và vén bức màn ẩn khuất, buồn đau ngay trong gia đình mình:“Cha tôi theo cách mạng/ Huyễn mộng giữa đất trời/ Sầu đùn theo năm tháng/ Mẹ đợi bóng ma trơi.” (Đợi bóng). Cái điều tối kỵ này dường như rất ít gặp trong thi ca Việt. Có chăng, tôi mới được đọc ở: Chuyện hai bố con tôi của nhà thơ Nguyễn Bắc Sơn mà thôi.
Tôi không rõ, bài thơ Thưa Mẹ, Phương Tấn viết (năm 19 tuổi,) trong hoàn cảnh nào? Là người lính từ mặt trận, hay sau những ngày lang thang đâu đó mệt mỏi trở về nhà, và viết về mẹ thật cảm động. Có một điều đặc biệt, đoạn kết của bài có những hình ảnh hoán dụ, và cụm từ thật mới lạ. Nó làm câu thơ hay đến độ, tưởng chừng chưa bao giờ được đọc câu thơ về mẹ hay, cảm động, sâu sắc đến vậy: “Mẹ so đũa gắp lòng reo trong mắt/ Gắp một đời rót xuống chén cơm con”. Vì vậy, hình bóng người mẹ khốn khó, sống hay thác cũng vì con ấy, Phương Tấn đã mang theo suốt cuộc đời, dù ở quê nhà hay nơi đất khách:“Mẹ cười bưng bát cơm thiu/ Ầu ơ, móm mém hắt hiu phận bèo/ Mặc lòng trời đất cheo leo/ Ầu ơ, con ẵm bóng theo tạ đời. (Tạ đời). Không có nỗi đau nào bằng nỗi đau mất mẹ. Phương Tấn cũng vậy. Lời thơ nghẹn ngào như được vắt ra từ tâm khảm với nỗi đau tận cùng trong ngày mẹ mất của ông. Có thể nói, rất nhiều áng văn đã viết về mẹ, song viết được như Phương Tấn rất ít: “Thế gian chụm giữa cơn đau/ Vỡ ra thành lệ rụng vào mộ sâu/ Khuya đi trăng dọi mối sầu/ Cõi xa vằng vặc một màu quạnh hiu.”.
Chiến tranh và sự bất lực của con người: “Tay ốm quá làm sao con che hết/ Biển xô nhanh trên cùng suốt dân mình”. Cho nên, Phương Tấn hiểu hơn ai hết nỗi đau của đất nước, thân phận con người. Sự đồng cảm ấy, để ông viết nên: Bên kia sông Bến Hải. Một bài thơ về tình yêu quê hương đất nước rất sinh động, và chân thực qua biện pháp tu từ so sánh: “Ơi giải phóng - phóng bùa vong bản/ Tiêu máu nhân dân - đỏ phố đỏ cờ/ Chân vô thức bủa quanh đầu cách mạng/ Con gõ hồn thân bỗng úa mênh mang.”. Và trước cái dã man, tàn bạo: “Đừng. Đừng giết con tôi/ Súng bắn thẳng người mẹ/ “Mẹ ơi, con mồ côi…”/ Súng bồi thêm người con” Phương Tấn chợt nhận ra, tự do là con đường duy nhất quê hương phải đến. Và cái lý tưởng ấy, chỉ có tình yêu cùng lương tri mới làm nên hiện thực. Vâng, lời thơ có giai điệu du ca dưới đây, như một lời dự báo, và giải thoát trong thơ Phương Tấn vậy:“Việt Nam phơi hồn cốt/ Lồng lộng giữa đêm đen/ Quê hương chỉ có một/ Đường đi đến tự do/ Tuổi trẻ chỉ có một/ Lý tưởng và lương tri/ Quỷ đỏ đeo mặt nạ/ Giết cả mẹ cùng con/ Cướp cả non cùng nước” (Nước và non). Bài Túy Ngọa Sa Trường Quân Mạc Tiếu, được Phương Tấn viết vào năm 1963, khi ông mới 17 tuổi. Nếu không nghiên cứu, đọc sâu về văn học miền Nam ở giai đoạn này, thì tôi không thể tin như vậy. Bởi, cái vốn Hán Nôm và hồn vía cổ phong trong thơ Phương Tấn. Ở đây, không chỉ thấy được đổ nát của chiến tranh, thân phận lưu lạc của con người, mà còn chứng minh thêm tài năng, tính dự báo trong thơ của Phương Tấn, (đã thành hiện thực). Với tôi, đây là một trong những bài thơ hay nhất trong Tuyển tập 1 thơ Phương Tấn: “Từ tâm thu lại di truyền/ Chân con giải phóng bóng thuyền vong lưu/ Hồn xô tay phất oan cừu/ Tiền thân tự đó thu mình quạnh hiu…”
*Hồn thơ thế sự xã hội
Biết Phương Tấn đã lâu, nhưng tôi chỉ đọc lõm bõm trên mạng, do vậy cứ nghĩ ông chỉ viết thơ tình. Song nhận được Tuyển tập 1 thơ Phương Tấn, tôi hơi bị bất ngờ, có đến mấy chục bài thơ thế sự xã hội. Rất mừng, có một số bài hay, mang sức sống lâu dài, và không có bài nào dở, hoặc quá dở như ta thường gặp ở dòng thơ thế sự xã hội này.
Phương Tấn đứng hẳn về lẽ phải, về đất nước, thân phận con người để viết. Do vậy, thơ thế sự của ông mang tính nhân đạo sâu sắc, và nhận được sự đồng cảm của người đọc. Ngay từ năm 1966, (tức cách nay gần sáu chục năm) đọc lại bài thơ Nam mô a di đà và Thánh thần A men, tôi vẫn thấy mới, và còn tính thời sự. Vâng, sự tranh giành, bắn giết nhau giữa đạo hay đời đều mang lại những hậu quả đến nay chúng ta vẫn phải lưu vong gánh chịu. Có thể nói, thơ thế sự Phương Tấn có sức sống như vậy, ngoài tính nhân bản, còn có giá trị dự báo: “Này đồng bào tôi đó/ Các người thật nghĩ gì/ Khi cam lòng giết nhau/ Để giành phần nô lệ/ Để giành phần lưu vong/ Này đồng bào tôi đó/ Các người thật nghĩ gì/ Một Việt Nam vô phúc/ Thăm thẳm những hận thù/ Nằm giữa áo chùng tu/ Chen nhau vào triệt lộ…”. Và Phương Tấn đã ghi lại cái tang thương, nỗi đau của đồng bào, đồng loại để từ đó phỉ nhổ vào những kẻ bán mua chiến tranh. Không đao to búa lớn, nhưng lời thơ Phương Tấn đã làm cho người đọc thấy được thực chất của cuộc chiến này: “Còng lưng thay trâu cày qua luống đất/ Qua những luống đời ròng rã chiến chinh/… Mỗi sáng ra đồng cờ vàng cờ đỏ/ Cờ của bên này cờ của bên kia/ Đây đạn Trung-Xô đấy bom Mỹ quốc/ Kia xác đồng bào nọ xác anh em” (Thương cây nhớ cội).
Tình yêu nước cho Phương Tấn lòng can đảm vạch trần bộ mặt bán và cướp nước của cường quyền, cùng giặc phương Bắc dưới mọi hình thức che đậy. Và từ đó ông khơi dậy chí khí, truyền thống chống giặc ngoại xâm của dân tộc: “Chúng nó bán quê hương/ Chúng nó bán mình rồi/ Làm người dân khi chết/ Không cọng cỏ che thân/ Giặc tràn từ phương Bắc/ Chảo lửa trụng cơ đồ/ Cháy ngàn năm chưa tắt/ Chảo lửa trụng cơ đồ/ Quê hương bầm vết cắt/ Cứa mối sầu khôn nguôi. (Chảo lửa trụng cơ đồ).
Với từ ngữ mộc mạc, giản dị, thơ Phương Tấn đến được với mọi tầng lớp người đọc. Do vậy, thơ thế sự của ông có giá trị hiện thực, và lâu dài. Thiên An Môn là một trong những bài thơ điển hình nhất cho đặc điểm này của ông. Thật vậy, Phương Tấn đã không ngần ngại chọc thẳng ngòi bút vào thượng tầng của đám quỷ đỏ, và chỉ ra cái giá trị đạo đức, lòng tin đảo lộn tùng phèo trong xã hội vô luân ấy: “Trước hàng song sắt đỏ/ Quỷ đánh rơi mặt trời/ Sau hàng song sắt đó/ Chờn vờn bóng xương phơi/ Phật cũng vừa treo cổ/ Chết cùng Chúa đêm qua!”.
Có thể nói, 154 bài chọn ra từ 6 tập thơ cho Tuyển tập 1, chưa phải là nhiều của đời thơ Phương Tấn. Song nó đã khẳng định lại một lần nữa về giá trị nội dung cũng như nghệ thuật thơ Phương Tấn. Sự đó góp này của ông làm phong phú thêm cho văn học nước nhà, và để lại những bài học, kinh nghiệm thật quí cho thế hệ người đọc, người viết như chúng tôi.
Ribnitz-Damgarten - kỳ nghỉ hè.
Đỗ Trường