và rồi ...
SẼ CÓ MỘT THỜI NHƯ VẬY
CAO VỊ KHANH
Cho đến khi giựt mình nhìn lại, cả bọn không ai còn trẻ. Cho dù tuổi tác chưa đến đổi quằn vai nhưng sức trì của một quá khứ oan khuất vẫn trìu trĩu sau lưng như một lực quán tính khó cưỡng. Cuộc chiến mà chúng ta đã sống trọn một tuổi thanh niên đã kéo dài quá sự cần thiết để tỏ ra cho hết cái vô nghĩa của nó. Rồi cái kết cuộc lãng nhách chỉ làm bẽ bàng thêm cho một sự dấn thân đã bị bội phản từ đầu. Thân xác chúng ta có tàn phế sau những trận pháo tung tóe, nhưng chính hồn chúng ta thì đã tử thương từ khi tiếng súng im hơi. Chính trong những trại tù (cải tạo!?) núp giấu giữa rừng thiêng nước độc, đã bày ra một cuộc thảm sát mới, thầm lặng nhưng không kém phần cuồng nộ, để tiêu diệt hồn tính con người. Bằng mọi cách, từ rào kẽm gai đến phên nứa tướt nhọn, từ đày đọa khổ sai đến bỏ đói kiệt lực, cùm gông đến biệt giam, trói thúc ké đến bò lết... từ con người đến con vật người.
Năm bảy năm, mười mươi năm.
Thoát ra, mọi người còn cái xác xơ vơ xửng vửng, hồn thì vật vờ như lỡ nếm cháo lú qua sông Nại Hà dù đã bịt miệng bịt mũi. Thoát ra, mạnh ai nấy chạy.
Chạy chết. Qua sông. Qua rừng. Qua biển... Chừng đứng lại, giữa một chỗ lạ lẫm đến ngỡ ngàng, cả bọn dù chưa già thì cũng đã cỗi, cỗi như chính cái dòng lịch sử bầm dập đã chảy ròng rã và đục khoét đêm ngày lên đời sống chúng ta.
Bằng cách nào thì sự sống sót qua cuộc sinh tử đó cũng có cái giá của nó.
Hơn 30 năm tranh sống với cái chết giữa đường tơ kẽ tóc, thêm năm mười năm cùng kiệt trong các trại tù ngụy danh hay vật vờ giữa một xã hội đảo điên, còn lại gì nếu không là một sự chán chường tột độ và nghi ngờ hết mức về những giá trị được gọi là nhân bản. Súng đạn thì giết người ngọt lịm mà lửa phần thư thì đốt người âm ỉ. Giàn hỏa thiêu sách vở là một cuộc tru di chậm nhưng chắc. Và mục đích của nó tồi tệ hơn bất cứ một hành vi man rợ nào. Lửa đốt từng trang sách là lửa đốt từng nếp văn hóa đã có thời rực rỡ, giữa lòng ta. Nhiều năm sau, khi đã lang thang mòn mỏi trên xứ người, vậy mà lớp tro than cũ vẫn cứ còn âm ỉ. Nhật Tiến đã có lần viết «Trận đánh cuối cùng của một kẻ sĩ» kể lại cuộc chiến vô vọng của một kẻ thất thế muốn giành giữ lại mớ gia tài sách báo của một thời.
Dĩ nhiên sách vở cũng chỉ là những trang giấy, không đốt thì cũng có lúc mối mục ruỗng mòn. Chữ viết cũng chỉ là những dấu ký âm có lúc cũng sẽ phai lợt theo ngày tháng. Cái đáng nói chính là ý hướng phụng vụ trong hành động sáng tạo của bao người đã hiến mình cho một lý tưởng nghệ thuật hay khoa học được ghi chép lại trên những trang giấy, qua những hàng chữ, những đêm những ngày, những tháng những năm, những cặm cụi, những nghiền ngẫm hết một đời, những suy tư qua nhiều kiếp, chắt lọc, tích lũy, lưu truyền. Điều đáng nói nữa là cái dòng sống chính thống, chân chất và hồn hậu của một dân tộc đã được nuôi dưỡng ở phần đất bên nầy, phía Nam vĩ tuyến 17, cái mạch nối liền lạc của tinh thần nhân văn của một dân tộc dù đã lắm bôn ba, thể hiện trong tầng tầng sách vở của miền Nam bỗng chốc bị đem ra phóng hỏa. Lửa cháy từ giàn hỏa cháy lan cả phận người. Để từ đó, cả nước là một cuộc hỏa thiêu toàn diện.
Nhiều năm sau nữa, lũ chúng ta-dù đã yên thân hay vẫn đang cày cục trên xứ người, bỗng có lúc rồi ngồi... ngơ ngẩn. Những câu thơ đã một thời ưa thích vụt nhớ vụt quên. Những trang sách đã một thời gối đầu không còn tìm đâu thấy nữa.Trên đất khách mênh mông, chúng ta như một giống người không có quá khứ, không có cả chiếc bóng để tự vỗ về mình. Chúng ta trần truồng dù quần áo đã thôi chắp vá, chúng ta trơ trọi dù phố xá cứ đông nghẹt người qua, chúng ta ngu ngơ dù quanh ta tràn ngập sách báo phim ảnh với đủ mọi thứ ngôn từ. Mà điều quan trọng nhất còn là nỗi não nề về một sự đảo lộn giá trị đến cùng cực, đã và đang được áp đặt trên cái quê hương khốn khổ mình đã bỏ đi. Cái đen thành trắng. Cái tốt thành xấu. Kể cả thứ chữ viết và tiếng nói mẹ đẻ đã được (bị) trong-sáng-hóa đến mức tối hù.
Trong cơn chao đảo của niềm tin, mỗi người trong chúng ta không ai không thấy một sự hụt hẫng nào đó trong lòng, ngay giữa một cuộc sống mới chẳng những không thiếu một thứ gì mà còn gần như có đến thừa mứa...
Có lẽ một trong những thú vui mà ai nấy không quên được, từ cái thuở trấn đóng tiền đồn trên một đỉnh núi ngập mây, hay dạy học ở một tỉnh lẻ, những thứ ba thứ năm hay thứ bảy, đón chuyến xe liên lạc lên từ hậu cứ hay chuyến xe liên tỉnh từ Sài-gòn về, lòng như có chút gì nôn nao khi chờ người ta bóc dỡ những gói báo, những thùng sách.còn thơm y nguyên mùi giấy mực. Nhưng dù mua sớm hay mua trễ, sau đó, chính trong góc khuất của một quán vắng, hay trong góc kín của một giao thông hào, có khi bên cạnh một tách cà-phê đặc sệt hay chỉ là một hơi thuốc lá mỏng như sương, một mình, chỉ một mình, chúng ta đã sống những giây phút lâng lâng của một gặp gỡ thân tình bậc nhất. Khi bàn tay xòe ra vuốt sơ qua mặt bìa láng lẩy hay thô nhám, có khi là hình chụp một bức tranh hay chỉ là bảng liệt kê tên tác giả, khi ngón tay cọ lên góc giấy còn thẳng băng chưa có một dấu gấp, ngón tay ta sao cứ gượng nhẹ y như đang vuốt má một người tình, sợ giấy mực đau y như ngại làm đau đôi gò má mỏng tanh li ti những đường gân máu. Có cái gì đó trinh nguyên làm ta trân trọng. Có cái gì đó thăm thẳm làm ta ngại ngần. Cái gì như cái đau đáu của trang giấy chờ mãi phút-linh- không-về, cái gì như cái thắc thỏm của ngòi bút ngần ngừ để lỡ một thoáng ý qua nhanh, cái gì như cái bóng gảy gập của người viết đang làm chuyện đẻ-đau chập chùng trên tay ta, giữa những trang chữ.
Sau những năm 60 với Hiện Đại của Nguyên Sa đem về hơi sương của sông Seine, Sáng Tạo của Mai Thảo, Văn Nghệ của Lý Hoàng Phong, rồi Văn Hóa Ngày Nay của Nhất Linh với thuở trồng lan bên suối Đam Mê, Tân Phong, Đông Phương là những năm 70 với Văn, Bách Khoa, Khởi Hành. Nghệ Thuật, Vấn Đề, Thế Kỷ Hai Mươi, Thời Tập. chưa kể những tuần báo, nguyệt san hay bán nguyệt san có tính cách đại chúng như Văn Nghệ Tiền Phong, Phụ Nữ Diễn Đàn, Phụ Nữ Ngày Mai, Kịch Ảnh, Điện Ảnh, Thời Nay, Phổ Thông. chưa kể những Tuổi Hoa, Tuổi Ngọc. mua hết không chừa. Cạnh đó, trên những giá kệ trong những quán nhỏ dọc đường hay trong những tiệm sách bề thề bên hè đại lộ, là ôi thôi sách báo ê hề như trăm hoa đua nở. Những thơ, những văn, những truyện dài truyện ngắn, những nghiên cứu khảo luận, những bút chiến phê bình... Mơ mộng ở đó, vui buồn ở đó, mà nghĩ ngợi học hỏi cũng ở đó. Đọc ở đó để thấy sự lãng mạn tuyệt vời của một phần dân tộc đang bị đày đọa giữa cuộc chiến tương tàn, để thấy niềm hy vọng lấp ló trong những chùm hoa nở trên sợi kẽm gai, để thấy trong cùng khổ con người vẫn vươn lên như đám mạ non vươn lên từ một đêm tối. Đọc ở đó để thấy những cánh huyết hoa nở ra từ những bãi máu.
Thử nghĩ đến những người thắp ngọn điện câu leo lét mà viết. Thử nghĩ đến những người che poncho đốt ngọn đèn cầy mà viết. Những cô học trò chưa hết tuổi hồn nhiên. Những anh sinh viên mộng vói tới trời. Những bậc học giả ngày đêm nghiền ngẫm. Những văn thi sĩ chưa bao giờ đong gạo bằng văn thơ rút ruột của mình... Đủ hết. Mọi kiểu mọi cách. Người viết tha hồ viết, lặng lẽ hay huênh hoang. Người đọc tha hồ đọc, chấp nhận hay khích bác. Có điều phải nhận rằng dù thích hay không thích, không ai có thể phủ nhận cái đẹp đã thành tựu trong văn chương ở miền Nam buổi đó. Câu văn có trau chuốt hay không cũng đã sáng sủa, trôi chảy, biểu lộ sự trưởng thành của một thể loại chỉ mới vừa sinh ra từ đầu thế kỷ. Ngay cả cái kho ngữ vựng Hán-Việt cũng đã rạch ròi, trong sáng và phổ quát không kém gì mớ vốn liếng nôm na. Thơ buổi đó bay lượn trên đầu súng, tung hê thỏa thích. Văn buổi đó luồn lỏi giữa những đường bay của bom đạn sát nhân mà vẫn đằm thắm tình người, đủ sức khai triển đến nơi đến chốn những khái niệm trừu tượng và siêu hình, bằng một văn phong trong sáng, hợp lý và hoàn chỉnh.
Chẳng bằng với cái loại chữ nghĩa hổ lốn đổ xô vào miền Nam sau khi bị giải phóng, rồi được “du nhập” sang đây bằng mọi cách mọi kiểu. Từ những chuyến qua lại rập rình của những khúc-ruột-ngàn-dặm ... rồi nghị quyết 36 ... rồi giao lưu văn hóa ... Lắm khi cũng để cợt đùa mà rồi vô thức bị tiêm nhiễm lúc nào không hay...
Đành rằng ngôn ngữ cũng có đời sống hẳn hoi (chẳng vậy mà có những loại chữ đã thành tử ngữ), nghĩa là cũng trải qua một quá trình sinh tử, có sinh có hủy, có sự tiến hóa hay thoái trào như mọi chủng loại khác. Nhưng tiến hóa phải có nghĩa là tiến từ thấp lên cao, từ tối tới sáng, từ dở tới hay chớ sao lại có sự tiến hóa ngược đời? Cái tiếng gọi “nhà bảo sanh” thì ngay cho đến đứa nhỏ học lớp năm cũng hiểu được, thì nhân danh một sự trong-sáng-hóa (?!) nào mà đổi thành “nhà đẻ” cho đành. Đó chỉ là một thí dụ cỏn con chớ nếu kể ra hết hổng chừng không đủ chỗ mà còn gây tác hại cho mấy cái mạch máu đang hì hục lưu thông! Cũng như cái lối viết với câu cú trục trặc, trắc tréo, trặc treo... nhan nhản trong sách báo cũng như trong giấy tờ, hồ sơ, công văn, nghị quyết, thông cáo... của nhà cầm quyền cộng sản ở miền Nam Việt Nam sau năm 75, ở cái thời người ta gọi là thời-giải-phóng.(*) Tưởng chạy thoát là thoát luôn nạn chữ sau nạn nước, ngờ đâu rồi y như ba cái loài bệnh dịch, lây tràn không biên giới, đến lúc không ai trong chúng ta không khổ tâm, khó chịu, mắc cỡ... khi ở quê người còn phải tiếp tục chịu đựng cái lối “ngây ngô hóa” mớ tiếng Việt đáng thương của chúng ta. Cái hay sao không bắt chước, bắt chước chi cái dở cho đành!
Giữa bối cảnh bát nháo của chợ người chợ đời, dẫu trong sự lặng lẽ đến cô đơn, có một lúc nào đó, những người đã bỏ nước ra đi, bỏ lại gì thì bỏ mà vẫn giữ rịt theo mình mớ chữ nghĩa đã chắt chiu ngay từ lúc hồn trẻ còn đu đưa theo hai tiếng ầu ơ, cảm thấy bứt rứt, chữ nghĩa bám theo hồn người bắt đầu rục rịch kêu đòi... Bất kể lưu lạc đâu đâu nơi xứ người, may mắn trong một văn phòng có máy lạnh hay cắm đầu cắm cổ dùi đục trong một xưởng máy nóng hực, giữa một trời xuân bát ngát mùi nhựa thông hay xì xụp giữa bãi tuyết lạnh tanh, nói tiếng Tây tiếng Mỹ lưu loát hay vừa nói vừa múa tay dậm chưn, trong đầu của họ vẫn lấp ló mớ chữ nghĩa thân yêu, mớ bằng trắc ngọt lịm của lục bát dỗ em hay những câu văn nhẹ nhàng mà chắc nịch ý nghĩa... Họ nhớ không thôi. Và như vậy, như có một thúc hối vô hình, họ bắt đầu làm thơ viết văn trở lại bằng chữ mẹ đẻ từ ngay trong vô thức, khi chưa có điều kiện để ngồi lại một góc bàn viết. Họ viết... viết... dù lắm khi cũng chẳng biết để làm gì.
Khởi đầu là một đôi câu thơ làm bên giàn máy bê bết dầu mở, rồi quên lửng trong tiếng động ì ầm, cũng có khi là một vài đoạn viết rời, bỏ kẹt trong hốc tủ được lục ra, phủi bụi... Thì ra suốt mươi năm im lặng vẫn là một nỗi thống thiết không nguôi với mớ chữ nghĩa đã có lần là lẽ sống. Trên góc khuất một tờ báo địa phương rặt mùi quảng cáo, một đặc san nhân dịp hợp mặt đồng hương ... cho tới lúc hè nhau in ấn một tập báo văn chương, hay gom góp chút dư thừa èo uột để xuất bản một quyển sách ... những người Việt lưu vong, ở đâu đó trên khắp cùng mặt đất vẫn luôn ôm ấp, luôn hoài niệm về một nền văn chương đã bị bức tử. Và lặng lẽ nối lại dòng sinh hoạt đã phải bỏ dở, từ khi.
Từ đó, dòng thơ văn cũ của miền Nam như bừng sống lại. Từ đó, bằng mọi phương tiện, từ những tờ báo in trên giấy cho đến khi bay vọt lên mây, từ những tập giấy mỏng tanh đến những bộ hợp tuyển dày như tự điển, mọi thể thơ từ cổ điển đến tân thời, mọi thể loại từ truyện ngắn truyện dài đến biên khào... có giá bán cốt để trừ tiền ấn phí hay chỉ in-để-tặng-không... mọi kiểu mọi cách tiếp tục xuất hiện như những lời nhắc nhở, thúc hối, khuyến khích, ... anh viết, chị viết, tôi viết. Bỗng chốc rồi một cơn hứng khởi mới. Bỗng chốc rồi con tim mệt mỏi bắt lại cái nhịp thúc hối của lục bát, cái nhịp sắc mắc của bảy chữ... Bỗng chốc rồi thơ ở đâu ùa về, văn ở đâu đổ tới, người ta sống lại nỗi say mê của một thời tuổi trẻ, thở lại cái hơi ngất ngưởng của chữ nghĩa trên đầu ngọn bút những năm 60, 70. Mùi giấy mực từ một quá khứ thổi về làm căng lại lồng ngực. Rồi là những đêm những ngày miệt mài viết, xóa, viết, xóa. Trong giờ ăn giữa hai suất khuân vác đục đẻo, viết ngoài bãi đậu xe, trong góc bếp một căn chung cư hẹp té ... bất kể ở đâu đâu, trên tay lái một chiếc xe giao hàng ngừng ở ngả tư đèn đỏ, lúc nửa khuya vì một ánh trăng lẻ loi chợt rớt trên đầu giường... Họ viết, viết ngay cả khi không biết viết để làm gì...
Chẳng vậy mà bỗng chốc giữa cuộc sống xô bồ, nồng nực mùi hương lạ, chúng ta tìm lại được mấy chút hương xưa.
Dẫu mang nhiều tâm ý vẫn là một cuộc chơi. Đã chơi thì có kể gì thành bại. Cái đáng nói là sau hết, đâu đây, vẫn còn đó. những con mắt xanh thấp thỏm. Từ biệt xứ, không hẹn mà đây đó đã vọng lại những tiếng gọi thầm lặng, rủ rê nhau tiếp tục cái công việc đã bị bỏ dở từ cơn trường hận tháng tư-bảy lăm. Suốt những năm lao đao làm quen với mùa màng cây cỏ lối xóm láng giềng lạ hoắc, người Việt tha hương ở mọi nơi vẫn không ngừng gióng tiếng gọi đàn của bầy chim thất lạc. Từ đó những vần thơ thê thiết, những câu văn bay bướm hay dõng dạc đã không ngừng xác nhận sự có mặt của một dòng văn chương bị hủy diệt tức tưởi ở ngay trên chính quê hương mình. Từ đó, trên khắp cùng mặt đất, những người Việt quấn quít với hồn vía quê mẹ đã và vẫn không ngừng lên tiếng để nuôi dưỡng nếp sinh hoạt nhân văn đã có hồi rực rỡ. Cơm gạo có thể thay thế bằng bánh mì, bơ, sửa... Nhưng văn chương làm sao thay thế dẫu với những kiệt tác được viết bằng tiếng nước người. Vốn liếng ngoại ngữ có thể giúp người ta hiểu ý người sáng tạo bằng chữ nước người. Nhưng để cảm, để rung động, để hòa cùng nhịp tim, để nhập chung dòng cảm xúc dường như còn đòi hỏi cùng chung cả một chiếc nôi văn hóa đồng dang tự đã ngàn đời. Ây chỉ là văn xuôi. Còn thơ ? Hẳn còn khó hơn bội phần. Chẳng vậy mà người ta hay nói ... “dịch” là “phản” !
Những người mài miệt làm cái công việc viết lách ở một nơi không phải quê mình, kể ra họ đã góp phần không nhỏ cho chuyện an cư của đám người lưu lạc. Không có họ, đất khách sẽ mênh mông và kiếp lưu vong sẽ lạc loài biết mấy. Lớp đã thành danh từ trước cơn hồng thủy, bỏ nước ra đi đã không quên mang theo mớ hành trang chữ nghĩa, đến lúc trải lòng ra, nối tiếp lại cái thiên chức đã bị cướp giựt một cách ngang xương... Rồi như ngọn sóng triều lên, lan sang cả những người chưa từng cầm bút nhưng ẩn ức vì một quá khứ vàng son cũng hè nhau lên tiếng... Rồi là đám trẻ tập tểnh nối bước cha anh. Dẫu còn phải chen chúc với chữ nghĩa nơi họ phải hội nhập vì cuộc sống, vẫn cố lội ngược dòng để không bỏ mai một mớ chữ nghĩa mà cha mẹ đã móm môi khi vừa mới lọt lòng. Văn thơ chữ Việt, suốt cuộc đổi đời tàn khốc, vẫn tiếp tục bay lượn ở một chỗ không phải là chỗ của mình.
Vậy mà rồi cũng mấy chục năm qua đi. Mấy chục năm. Tròm trèm nửa thế kỷ. Nói nghe gọn bâng như một tiếng chắc lưỡi. Mà thật ra, thời gian dù có thun dãn tới đâu cũng vẫn có tác dụng hủy hoại vô chừng. Được cái là suốt cuộc tha hương, ai nấy xa quê mà tường chừng còn gần lắm. Gần vì hằng buổi vẫn nghe quanh quanh thứ tiếng nói với sáu dấu giọng lên xuống trầm bổng tự nhiên, vẫn thấy quanh quanh những câu văn dài ngắn bất kể mà dấu phẩy dấu chấm, cấu trúc văn phạm còn đúng y thứ ngữ pháp đã thành nếp từ cái thuở ... ông Bảo Đại còn làm trùm. Nghĩa là từ cái thời ông HCM còn xin xuống tàu Pháp làm bồi.
Bởi đó, đời lưu lạc đỡ buồn biết mấy !
Nhưng mà, vấn đề không ngừng ở đó. Vấn đề là sẽ tới một lúc, thứ chữ Việt hoa lệ đó sẽ trở thành tử ngữ. Vì tuổi tác của lớp người viết lách và số độc giả đã đồng hành cùng họ. Số người rời khỏi nước từ năm 1975 ngay trong lứa tuổi hoa niên-những người đã thấm nhuần thứ văn chương nền nếp đó- tính tới nay hẳn cũng đã tròm trèm tới tuổi cổ-lai-hy. Lớp độc giả trung kiên đó rồi sẽ như lá mùa thu rụng. Lớp trẻ đôi mươi lớn lên bên nầy đại dương dù có muốn kéo níu hẳn cũng sẽ nao lòng trước sự thưa thớt mỗi ngày một tỏ lộ. Viết mà không ai đọc thì làm sao mà viết. Viết mà dẫu có người muốn đọc ở bên kia biển lớn nhưng vì đã bị cách ly bằng mấy bức-tường-lửa thành ra đã trật trịa cách thức suy nghĩ cũng như cú pháp hành văn, nhất là đã sai lệch cảm quan nghệ thuật thì làm sao tìm được sự cảm thông, dẫu ở đó vẫn còn những tấm lòng thao thức. Nhưng thao thức rồi sao hay chỉ để làm khổ chính mình- nhất là phần lớn cũng đã mấp mé bên lề sinh tử, trong khi đại đa số già trẻ lớn bé đã hồ như chấp nhận dù có là khiên cưỡng, những trái cựa tới độ phi lý. Nhất là lớp trẻ sinh sau đẻ muộn, lớn lên cùng với sự nạo vét óc nảo đến tận cùng mọi thứ được gọi là lương tri. Buồn thay. Trong khi ở bên nầy đại dương, người xa quê cố gắng gìn giữ nết văn hóa diễm lệ đó thì bên kia đại dương, nơi quê cũ đám cầm quyền vẫn ra sức hủy diệt mọi thành tựu văn học của lớp người đi trước mà đã có lần họ gọi là văn hóa phản động... Mà nhất là đã cố tình làm thay đổi hẳn lối suy nghĩ nhân bản truyền thống bằng một thứ chủ nghĩa quái đản dựa trên duy vật sử quan, đấu tranh giai cấp với lối giáo dục nhồi sọ một chiều, đưa đến kết quả là tiêu hủy cả hồn tính dân tộc đã được nuôi dưỡng từ thuở 18 đời vua Hùng dẫu có là huyền sử. Từ đó, lật ngược hẳn mọi cách thức đánh giá tốt xấu. Và cũng từ đó làm sai biệt hẳn mọi nấc thang giá trị. Còn làm sao tìm được những tấm lòng đồng điệu !
Hơn 40 năm qua, tất nhiên ở đó có quá nhiều thay đổi. Nhà lầu có cao hơn, cầu cống đường lộ có phẳng phiu hơn... Mà chữ nghĩa thì “lồi lõm lở loét” còn hơn đường xá thời buổi bị mấy ông du kích đắp mô gài mìn lúc còn giặc giã. Thử đọc một đoạn ngắn trong bài viết của ông Ngô Nhân Dụng mới vừa đăng trên Diễn Đàn Thế Kỷ hôm 23 tháng 9 năm 2022, ngay bon lúc nhà-nước đang lên “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt! . (sic)
“Theo ký giả Sen Nguyen, trên the South China Morning Post ở Hồng Kông ngàyio tháng Chín, 2022, một ông phó thủ tướng tên là Phạm Quang Hiêu (Hiếu, Hiệu, hoặc Hiểu, ...), nói đã có một “kế hoạch 8 năm” nhằm viện trợ tiếng Việt cho đồng bào ruột thịt!
Trong khi chờ đợi “kế hoạch 8 năm” được thi triển, bà con di cư tị nạn muốn nếm thử một chút ít “tiếng Việt Cộng” có thể tìm đọc ngay trên báo Nhân Dân, là Báo Nhân Dân ngày 19 tháng 9 năm 2022, có một bản tin về “tai nạn giao thông nghiêm trọng” hôm trước. Một chiếc “ô-tô tải” do một anh tên Triều lái đã tông vào một “xe mô-tô” do một anh khác lái chở theo một Việt kiều từ Mỹ về chơi.
Thay vì viết anh Triều “lái” chiếc xe, “Tiếng nói của Đảng, Nhà nước ...” đã viết rằng chiếc xe do anh “điều khiển lưu thông.” Người lái chiếc mô-tô cũng được mô tả là “điều khiển" chiếc xe gắn máy. Sau đó, chiếc ô-tô tải bị lật nhưng lại đụng vào một chiếc xe đạp do một “học sinh lớp 10 điều khiển." Không nói “Lái xe,” xe hơi, xe bình bịch hay xe đạp, phải nói “điều khiển."
Thêm một chữ nữa: “va chạm." Báo Nhân Dân viết tiếp, “Sau khi va chạm vào mô-tô,” chiếc xe tải “tiếp tục va chạm" vào chiếc xe đạp, chúng tôi in chữ nghiêng. Thông thường người Việt dùng hai chữ “va chạm" để tả hai vật hay hai người đụng chạm hoặc va nhau, một cách nhẹ nhàng. Nhưng trong báo Nhân Dân các “va chạm" đó làm chết hai người!
Trên cùng trang nhất tờ báo này, thấy “vụ việc một du khách nước ngoài va chạm với đoàn xe lửa Lào Cai-Hà Nội,” may mắn thoát chết! Nhưng “Đoàn tàu ... va chạm với du khách” đã “phải dừng lại giải quyết sự cố, tuyến đường ... ùn tắc.” Tốt nhất, bà con ở nước ngoài, dù gặp cảnh “sự cố ùn tắc" cũng nên tránh không “va chạm" với chữ nghĩa của các ông cộng sản.
Hai chữ “sự cố” cũng như chữ “sự kiện” được dùng tự do, thả dàn trên báo đài trong nước. Một tờ báo viết về cô ca sĩ: “Bà mẹ một con ... trẻ trung, xinh đẹp như thiếu nữ đôi mươi tại sự kiện.” Tại “sự kiện?” Những “sự kiện" đó là cái gì!
Một bài khác viết về Nữ hoàng Elizabeth II, nói bà thích một nhãn hiệu đồng hồ nổi tiếng, bà “thường xuyên được bắt gặp đeo thương hiệu đồng hồ ... đến các sự kiện xa hoa,'... bà thậm chí còn cho mượn đồ của mình khi đi sự kiện.” Bà nữ hoàng “đi sự kiện.” Tức là bà đến dự một lễ lạc. Bà lại “được bắt gặp” đeo đồng hồ! Đây là những cách nói tiếng Việt mới lạ chưa từng thấy. Người ta dùng chữ“sự kiện" để dịch nguyên văn chữ “event” trong tiếng Anh, vì lười, không muốn tìm những tiếng Việt chính xác hơn!
Chữ “Event” hay “sự kiện" nói về nhiều thứ khác nhau. Có thể viết “sự kiện" thay vì lễ hội, tập họp, một buổi trình diễn, trưng bày nghệ thuật, một tổ chức, hội thảo, một trận đấu thể thao, một trường hợp, hoàn cảnh, nghi lễ, sự việc, vân vân. Những chữ sự cố, hay biến cố, nói về một chuyện đã xảy ra, chữ “cố” với ý nghĩa là đã xong rồi, cũng được thay thế bằng chữ “sự kiện." Nếu ông Phạm Quang Hiêu muốn viện trợ ngôn ngữ cho đồng bào ở nước ngoài, ông có thể gửi những chuyến máy bay chở 1,000 thùng chữ “điều khiển," 1,000 thùng chữ “va chạm," 15,000 thùng những chữ “điều khiển," “sự kiện," “sự cố," vân vân, tặng cho bà con người Việt sống ở Paris, Los Angeles hoặc Melbourne. Họ sẽ mở mắt ra, thấy không cần dùng những chữ cổ lỗ như “lái xe,” “buổi họp” hay “bữa tiệc” nữa.
Nhưng báo Nhân Dân còn có thể cung cấp nhiều hơn những chữ lẻ tẻ như “sự kiện," “va chạm" hoặc điều khiển." Ông Hiêu có thể gói tặng bà con những đoạn văn dài đầy chữ nghĩa. Mời quý vị đọc thử mấy câu dưới đây (xin ngưng đọc ngay, nếu cảm thấy khó thở, chóng mặt, hoặc buồn nôn).
Đây là văn chương báo Nhân Dân: viết về “Công nghiệp văn hóa.”
“Công nghiệp văn hóa tạo ra nhiều cơ hội học tập mới cho người lao động, góp phần thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí giữa các vùng miền, nâng cao đời sống tinh thần cho nhân dân nói chung. ... Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa ngày càng đa dạng. Di sản văn hóa trở thành nguồn cung cấp nguyên liệu đầu vào phong phú cho nhiều ngành công nghiệp như âm nhạc, điện ảnh, trò chơi điện tử, từ đó giúp thiết lập lợi thế cạnh tranh, sự độc đáo và nhận diện thương hiệu cho những ngành này ở thị trường trong nước, cũng như thị trường khu vực và thế giới.”
Cảm tưởng đầu tiên là nó “Rất khó tiêu!”
Đọc hết cả đoạn trên cũng chưa hiểu “Công nghiệp văn hóa” là những thứ gì. “Thu hẹp khoảng cách về trình độ dân trí” là thế nào? “Hệ thống các sản phẩm và dịch vụ văn hóa” nghĩa là gì? Di sản văn hóa cung cấp “nguyên liệu đầu vào"... “cho nhiều ngành công nghiệp!” Nghe như kể chuyện một nhà máy xay lúa!
Đây là một căn bệnh thâm căn cố đế trong các chế độ cộng sản: Ăn to, nói lớn. Khoe khoang chữ nghĩa. Hô khẩu hiệu! Xác định lập trường! Không khác gì nhà giàu hợm hĩnh khoe của.
Căn bệnh này không chỉ xuất hiện trên báo chí mà đã lan truyền trong cuộc sống hàng ngày của tất cả mọi người. Bên bờ hồ Hoàn Kiếm quý vị có thể thấy hai tấm bảng treo trên một cửa ra vào, viết giống hệt nhau, một cái treo ngoài đường, một cái ở trước cửa bên trong.
Tấm bảng xanh lá cây viết bốn hàng chữ trắng, tất cả viết hoa, như thế này:
CÔNG tY tnhh nhà Nước Một thành Viên môi trường đô thị
XÍ NGHIỆP MÔI TRƯỜNG ĐÔ THỊ SỐ 2
NHÀ VỆ SINH CÔNG CỘNG - TOILET
ĐỊA CHỈ: SỐ 8 LÊ THÁI TỔ, HOÀN KIẾM, HÀ NỘI - ĐT : 043.8288072 - 043.9288508
Tất cả tấm bảng 41 chữ và số, cuối cùng, chỉ có một chữ mọi người cần biết, là “Toilet!” Người đi đường, các du khách chỉ cần đọc chữ “Toilet” hay “Toa Lét” là hiểu ngay! Không hiểu tại sao người ta phải đọc 25 chữ VIẾT HOA lòng thòng rồi mới được thấy chữ “Toilet!” Cũng không hiểu tại sao phải ghi cả địa chỉ cái toa lét này? Người di tìm toa lét có ai chọn một địa chỉ trước, đúng địa chỉ mới vào, hay không? Lại còn số điện thoại nữa! Có cần gọi điện thoại xin hẹn trước, giữ chỗ, mới được dùng toa lét hay không?
Người Việt Nam sống ở nước ngoài chắc không ai muốn dùng tiếng Việt theo đường lối nhiêu khê của Đảng!”
Gì đi nữa thì cũng xin lỗi đã làm ai đó cười-ra-nước-mắt khi lỡ phải đọc thứ tiếng Việt-sau-khi-được-giải-phóng và đương thẳng đường tiến-lên-xã-hội-chủ-nghĩa. Từ chủ nước đến tôi tớ, kể cả đám bàn dân thiên hạ, sau mấy chục năm bị nhồi nhét đến no ứ thứ chủ nghĩa phi nhân đó, cứ mở miệng ra hay viết lách gì đó là ôi thôi chữ nghĩa cứ như bị trúng đạn AK, thịt thà xương xóc gì cũng tung tóe, lặt lìa lặt lọi. Danh từ, động từ, túc từ, nghĩa đen, nghĩa bóng, chữ tàu, chữ ta... gì gì cũng lộn tùng phèo như một đống thịt bầy nhầy... lỡ nhin thấy mà muốn ứa nước mắt. Ô hô! Ai tai!
Rồi mốt mai đây, lỡ đầu thai trở lại làm dân nước Việt, hổng lẽ lớ ngớ như người-nước-ngoài vì sống trên quê hương mình mà cứ ú a ú ớ nhìn không ra chữ nghĩa quê mình.
Rồi hổng lẽ lại ... vượt biên lần nữa !
Thiệt là tình !!!
Buồn ơi, chào mi !!!
CaoVi khanh
(*) cho tới giờ phút này, thứ tiếng Việt quái gở đó dường như đã trở thành thứ ngôn ngữ chính thức ở đó !!!!!!!!!!!!