SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

Bó tần ô, bánh cuốn và xá lợi

Địa Trung Hải xanh non. Trời Tây Ban Nha nóng và nắng. Hương hoa lài nồng từng hớp, từng chụp sắc hồng, vàng trắng... bao phủ khắp vùng trúc đào chen chúc đó đây.

Bước chân xuống biển, sóng trắng xóa đón chào, cuộn tròn tiếng cười khúc khích, tuôn vỗ ân cần. Nắng vỡ vào nước thành múi sóng, mở hoài chưa lộ hết lõi ngày. Bơi nhẹ ra khơi. Chất mặn lan quanh nỗi nhớ miền sông nước.

Thuở đó, một con hói đã là giang sơn rộng rãi. Dọc hai hàng lá tre hay dừa, tiếng cười pha lê vỡ rộn thủy tinh. Sông chở những tiếng cười về cuối thôn trăng, những vóc hình vàng nắng lên vùng không gian trí nhớ. Trí nhớ duỗi dài theo cuộc sống. Và cuộc sống hôm nay chát mặn từ buổi vượt biển, chưa thấy mặn mòi thêm.

Suốt bãi cát vàng hút tăm, người đi chơi bể nằm ngồi la liệt, đông đúc tóc bạch kim. Thân ánh loáng dầu thoa, nhiều phụ nữ nằm bất động, mặt mày co rút, thúc thủ trong giấc ngủ mệt. Họ hiến dâng cho nắng. Giống dân đi tìm mặt trời. Khác với dân Incas khao khát cao xanh. Ở đây họ bắt nắng cho da, cho đen hồng màu trắng bệch. Chưa thấy đâu những hiến dâng trọn vẹn cho nắng như mùa hè trên cát dọc bờ Địa Trung Hải. Từ các đô thị xa đổ về như con thiêu thân loay hoay quanh bàn tế. Cùng một mặt trời, nỗi khao khát, thu hút, vồ chập khác nhau. Lá hút sắc xanh, rừng dìm mùa, sông biển sinh sôi nẩy nở, thú vật truyền đời... cho tới những tấm thân đô thị, giàu sang đi kiếm màu da sạm.

Giờ này, có những người cháy da trên đồng ruộng nhược tiểu, hay toé hơi nơi rừng thẳm cải tạo. Không khéo mặt trời là chân lý sống, có triết gia nào nói đến chưa? Mặt trời phát sinh sự sống. Hôm nào mặt trời tắt ngúm, trái đất sẽ teo đi, hủy hoại. Mỗi lá cây, thân xác, ghềnh đá, sông hồ đều ngầm chứa mặt trời, vì mặt trời nuôi dưỡng từ thiên thu. Hoá ra chân lý đi tìm chúng ta, chứ ta không hề tìm chân lý. Chân lý đã ở trong ta.

Sự đua tìm chân lý, lý tưởng của bao thế hệ người đời, chỉ là nỗi quay quắt của những kẻ thôi tin vào mình. Sự sống máy động giữa tim ta, mặt trời nở từng đóa ngày miên viễn, đưa bước chân hồng hào lướt quanh hành tinh... chưa đủ cho ta sao? Cần chi quay quắt, dậm chân, thối chí với bào ảnh hư vọng của chân lý, của lý tưởng, để quên đi chính ta đã là chân lý? Bỏ quên, bỏ rơi chân lý, đi tranh chiếm năm mười ảo lý!

Bơi nhẹ ra khơi trên vùng nước trong xanh. Mỗi khoát tay như thoa làn da mát, như sờ chạm vú gió. Sực nhớ cũng vào giờ này vùng nước xanh um thảm thiết của những Người Vượt Biển chưa tìm ra tàu cứu hay bến đậu. Thoáng chốc hiện lên muôn loài thủy quái, cá mập, sứa lửa, hiện lên những mặt người đang trở thành thiên tai cho người.

Bỗng nhớ về tòa soạn Quê Mẹ, nơi vùng ngoại ô Bắc Paris, nơi nỗi nhớ những người ở đó biến thành tiết điệu cứu nguy. Gennevilliers có nhiều công xưởng, ống khói, thợ thuyền Bắc Phi. Cây cỏ không xanh như ngoại ô Nam. Đất khô cằn. Chút sóng sảnh của miệt này là con sông Seine chảy qua từng đợt nước.

Mặt tiền tòa soạn có khuôn chợ xép, họp hai lần một tuần. Khu chợ lụp xụp dưới hai hàng dương ngô đồng, lá xòe vạm vỡ. Đường trầm lắng những ngày không chợ. Gần xịch Paris, nhưng yên ắng như thôn dã. Từ ngày có Quê Mẹ, thị xã nối dài đường tàu hầm (métro) từ cửa ô Clichy chạy về Gennevilliers.

Khu vườn nhỏ Quê Mẹ chỗi trên vùng đất khô tênh những thước vuông xanh. Bụi trúc nhiệt đới lục biếc bốn mùa, cây xương rồng to bản như đóa gương soi, bụi chuối phất phơ mấy tàu lá toạc rách, cây mộc lan, khóm bạch mai, và bụi hoa ngủ sắc. Lá hoa ngủ sắc nồng hương thơm ngái khi lóng tay sờ chạm, trẻ thơ ngứt từng vòi hoa hút mật, những kẻ yêu đương ngứt đếm xem "người ấy " yêu mình đến độ nào? Còn dàn bầu mà bài viết Ỷ Lan trên BBC xúc động người trong nước.

Khu vườn Quê Mẹ bé tí, thoảng các hương vị lạ lùng như thứ chiếu khán nhập nội cho những ai muốn trở về quê cũ. Thỉnh thoảng, chiều chiều nhiều bạn rủ nhau kéo về Quê Mẹ uống nước trà chuyện vãn dưới gốc mộc lan. Ánh sáng hắt từ cột đèn lênh xuống, chúng tôi xem như trăng kinh niên. Kiềm, người Huế, sống đời hồ hải chen đầy những cơn mơ, hay nhại cảnh này bằng tên một đề sách của Henry Miller "Gennevilliers, những chiều êm ả ". Êm ả chứ, thỉnh thoảng mấy anh em thanh niên xách đàn lại Quán Trúc hát suốt đêm. Từ nơi cô tịch khuya khoắt, tiếng đàn Tây Ban Nha thức dậy từng mảnh hồn, lời ca xoáy vào tai, moi lục từng khu trí nhớ, khiến lòng ta vơi đi như chiếc bè đưa về bến nước xưa. Có hôm họ hùn nhau mua chai "huýt-ki " và mấy khúc xúc xích. Dầm rượu với nước đá vào soong, mỗi người múc từng chén tống uống ngon lành như mấy tay lương sơn bạc ở quán biên thùy. Tiếng nói cười như bắp rang, vang lên không trung mù sương những chớp sấm ầm ì.

Trong số người lui tới tòa soạn, có anh Cả. Sát tuổi "thất thập ", nhưng còn cường tráng, quắc thước. Tiếng nói ấm và ầm. Anh từng trải cuộc đời ở Trung Quốc với các nhà cách mệnh tiền bối. Sau này đi làm tàu, ghé bao nhiêu bến Âu, Á, Mỹ, Phi với nỗi lòng tan hoang mất nước. Con người đó nhiều tài và chịu khó. Nhưng "đời " đã trói anh nơi cuộc sống hẩm hiu, cô quạnh. Đời ít ưa kẻ có tài, có chí. Đời thích bọn nịnh bợ, đời cần những tên nô lệ, tay sai. Một hôm, anh ra tay làm mấy chục bánh cuốn đem đến tòa soạn cho anh em điểm tâm. Tôi nhở mãi câu anh nói : "Cả đời tôi chỉ muốn cắp roi theo hầu những bậc kỳ tài, cả đời tôi chỉ muốn làm người bếp nấu ăn cho anh em làm việc lớn...". Tôi tự nghĩ và rùng mình : Ai là bậc kỳ tài 70 năm qua? Bao nhiêu người được ăn những chiếc bánh cuốn như thế, những món ăn từ bàn tay chăm sóc của anh Cả? Họ ở đâu vào giờ này, các bậc kỳ tài?

Nhớ thêm một người từng xuất hiện bất ngờ đem tặng tòa soạn một bó rau xanh. Đã hai năm qua, anh là hình bóng của sự chung tình. Anh Viễn, tính trầm lặng, ít đãi bôi. Mỗi bận thăm tòa soạn, anh chạy xe 300 cây số. Anh lo khi Quê Mẹ ra trễ. Sợ báo chết, anh trả tiền báo trước hạn. Anh giận khi có bọn hoạt đầu quậy phá Quê Mẹ, nhưng dửng dưng trước mọi lời đàm tiếu. Trên vùng biển êm đềm một mùa hè nhàn tảng, nhớ tới anh trong hình ảnh pho tượng đẹp tượng trưng lòng hào sảng của Người Vượt Biển, loại người còn âu lo cho nước, chân tình với đồng bào, và tình nghĩa cùng bằng hữu.

Trước mùa hè, anh Viễn lái xe đến tòa soạn mang một xách rau tần ô tươi mát, rễ còn bám đất ướt. Anh bảo : "Rau vườn, xin tặng anh em tòa soạn ! " Chúng tôi lặng người. Tần ô, tần ô... mùi rau thơm phức ngọt ngào. Điều này còn xẩy ra nơi hải ngoại hay giữa một đất nước người là thiên tai của người? Rau vẫn cứ xanh.

Ngày nào tôi viết về bát canh quê hương thơm phức tần ô trong "Thư Tình cho Giáng Châu " nhỉ? Sau đó, bác Dương, người miền Nam, một độc giả Quê Mẹ đọc xong chở lên một xách tần ô và cải bắp thảo hái từ vườn trao tặng. Ngày đó, tôi ngậm ngùi ân cảm. Hôm nay, lần thứ hai với anh Viễn. Thế thì chúng ta chưa mất mát gì cả!

Còn bà Lefur, người miền Nam bây giờ ở đâu? Ngày nào đã xa... bà kho một trách cá ghé tặng toà soạn. Trách cá, bánh cuốn, bó tần ô... không chỉ là món ăn thích khoái gợi lòng kẻ háu ăn, mà chất chứa ân tình và nghĩa lớn, bộc lộ sự đồng ý, đồng chí, đồng tâm. Phải lắm, có đồng tâm mới dưỡng nuôi nhau, bảo vệ con người và sự sống.

Bởi thế, không quên hình bóng đại sư Huệ Nghiệp. Nhắc tới đại sư, nhớ thêm linh mục Thể. Những ngày tôi lâm nạn, Cha Thể đứng sau lưng tôi. Người linh mục Pháp đó, sống 14 năm ở Việt Nam, ăn, nói và nghĩ như người Việt. Một hôm, sau cuộc thăm viếng, Cha nói : "Thôi, phải về làm việc... làm việc cho Tây chán lắm ! " Có ai nghe như vậy từ một người Pháp? Lời nói như lá cửa vừa trỗ giữa bức tường Đông Tây. Nắng gió, mây trắng, núi xanh, và ruộng vườn quê hương lùa về trong câu nói. Cha Thể chỉ đọc văn tôi, nhìn ngó tôi đôi lần, đủ làm Cha tin cậy. Cha không có phiếu lý lịch, Cha vứt vào thinh không những lời đồn đãi. Cha dùng trái tim đi gặp người.

Đại sư Huệ Nghiệp cũng thế. Sư bỏ chùa đến ở toà soạn mấy tháng trời giúp chiến dịch Tàu Đảo Ánh Sáng ra khơi vớt người Vượt biển trên Biển Đông. Giữa cảnh bát nháo của tiền bạc, chùa chiền, thùng phước sương, giữa cảnh khoác lác, tham vọng, giành giật, hình bóng sư ốm yếu gợi lại trong tôi những bước chân chắc nịch các tăng sĩ Lý Trần. Họ in bước vào làng thôn lam lũ cứu người thoát cảnh trầm luân. Giới tăng sĩ thuở ấy dùng khẩu giáo, thân giáo, ý giáo cứu đời bao nhiêu, thì ngày nay có số tăng sĩ thích đấu khẩu và khoe khoang đại ngã bấy nhiêu.

Ngày giả biệt, sư trao tặng tôi một hạt Xá Lợi và nói "để che chở cho anh ".

Tất cả đó không phải là ân tình ư? Còn gì cao quý hơn? Và ta sẽ làm gì cho những điều cao quý ấy đến từ lòng dân?

Thi Vũ
Malaga, 23-9-1980

(trích Gọi Thầm Giữa Paris, tản mạn, Thi Vũ, Quê Mẹ, Paris, tái bản lần thứ hai 2015)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023