SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

CHUYỆN VẶT ĐÊM GIAO THỪA

Vào những ngày Tết, ngày xuân buồn buồn, tôi thường nghe nhạc của Văn Phụng. Năm nay, có lẽ tâm trạng có chút thay đổi, nên tôi khoái ca khúc: Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao. Có thể nói, đây là ca khúc với điệu Valse nhẹ nhàng, lời ca đẹp, tình cảm da diết, được Văn Cao viết vào cuối năm 1975, đầu 1976. Dường như, khi viết ca khúc này, Văn Cao đã trộn tất tần tật buồn vui, đau đớn, yêu thương giận hờn vào trong đó. Vì vậy, giai điệu, lời ca ấy, đã cho tôi nhiều cảm xúc, tâm trạng khác nhau, khi nghe. Tuy nhiên, với những hình ảnh làn khói bay trên sông, cùng tiếng gà gáy trưa cô đơn, hoang vắng, một khung cảnh rờn rợn đến như vậy, vẫn không làm mất đi sự tin tưởng của người nhạc sỹ về tương lai: “Từ đây người biết quê người/ Từ đây người biết thương người/ Từ đây người biết yêu người“. Dường như, trong cái tâm trạng hân hoan, tràn đầy lạc quan và hy vọng, Văn Cao đã quên khuấy mất Vũ Hoàng Chương, Doãn Quốc Sỹ… những bạn văn của ông đang nghỉ mát ở Chí Hòa. Hay các cán binh miền Nam đang được điều dưỡng, chăm sóc tận tình ở núi rừng Tây Bắc. Vâng! Cái tình, từ đây người biết thương người, mà Văn Cao nhắc đến và hoan ca chắc chắn không có ở những nơi đó. Trải qua mấy cuộc bể dâu, từ Cải cách ruộng đất, đến Nhân văn giai phẩm, lên bờ xuống ruộng như vậy, không hiểu sao trái tim mẫn cảm của người nghệ sĩ vẫn còn ngây thơ, cả tin đến vậy. Và có lẽ, đây không chỉ là những lời ca viết theo yêu cầu, đặt hàng, mà nó như một bài thơ giãi bày tâm trạng thật của nhà thơ chăng:

“Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường mùa vui nay đã về
mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng cho bao tâm hồn.
Rồi dặt dìu mùa xuân theo én về
Người mẹ nhìn đàn con nay đã về
Mùa xuân mơ ước ấy đang đến đầu tiên
Nước mắt trên vai anh, giọt sưởi ấm đôi vai anh
Niềm vui phút giây như đang long lanh.
ôi giờ phút yêu quê hương làm sao trong xuân vui đầu tiên.
ôi giờ phút trong tay anh đầu tiên một cuộc đời êm ấm.
Từ đây người biết quê người
Từ đây người biết thương người
Từ đây người biết yêu người .
Giờ dặt dìu mùa xuân theo én về
Mùa bình thường, mùa vui nay đã về.
Mùa xuân mơ ước ấy xưa có về đâu
với khói bay trên sông, gà đang gáy trưa bên sông
một trưa nắng thôi hôm nay mênh mông.”

Không hiểu sao, mỗi lần, nghe ca khúc Mùa Xuân Đầu Tiên của Văn Cao, lại làm tôi nhớ đến bố tôi. Ông nguyên là học sinh trường thuốc Nam Định. Đang học ông bỏ nửa chừng, về nhà tự ngâm cứu. Có điều chắc chắn, bố tôi không có bằng tú tài, song ông rất giỏi tiếng Pháp. Theo chú tôi, người đã đỗ tú tài trước 1954, khi còn đi học, có lúc còn phải nhờ bố tôi phụ đạo tiếng Pháp. Chẳng vậy, ông nội tôi can tội nuôi giấu sư Phi, và mấy ông Việt Minh CS, bị Pháp phát hiện định đốt lán trại ngoài đồng mấy lần, nhờ có bố tôi giỏi tiếng Pháp giải thích, chuyện trò mới thoát. Năm 1965, Mỹ ném bom miền Bắc, không hiểu sao bố tôi không đưa chúng tôi về quê nội ở Cát Chử, Trực Ninh. Dù cải cách ruộng bị tịch thu hết ruộng đất tài sản, ông bà nội tôi vẫn còn căn nhà tạm cạnh từ đường của dòng họ. Hoặc về quê ngoại làng Hành Thiện, Xuân Trường. Bởi, nhà cửa của ông bà ngoại tôi vẫn phải nhờ người cháu trông coi, từ những thập niên ba mươi, khi chuyển về làm việc ở Sở dây thép (bưu điện) Hà Nội.

Chúng tôi được ông đưa về sống ở miền quê ven biển, nhưng phải nói, rất đẹp và hiền hòa. Làng được cắt làm hai, bởi một nhánh sông nhỏ, một bên Lương dân, và một bên là Giáo dân. Năm ấy đói, trời rét đậm, Tết đến với dân làng rất buồn.

Tôi quen và thân với thằng Cối, con ông Bốn, nhà ở bên kia sông. Lớn hơn tôi cả cái đầu, thừa tuổi vào lớp vỡ lòng, không hiểu sao nó không đi học, nhưng chăm đi lễ nhà thờ. Có lẽ, cái tên vận vào, nó ăn nhiều và khỏe, nặng như cái cối đá lỗ vậy. Chiều ba mươi Tết, không biết do ăn uống, hay nó bị bệnh gì đó có vẻ nặng lắm. Ông Bốn vác nó đến trạm xá. Mấy y sĩ, y tá loay hoay chữa trị mãi không được. Nhìn Cối, mọi người đều bảo, thằng này sắp đi rồi, về chuẩn bị quan tài cho nó. Ông Bốn khóc rống lên, rồi miệng lẩm bẩm tụng kinh. Lúc sau, ông cuộn thằng Cối vào chiếc chăn bông và bảo, đưa nó về, có chết thì chết ở nhà. Tôi sợ quá, chạy về kể cho bố tôi. Nghe xong, ông bảo, làm gì mà chết dễ thế. Rồi ông với hộp đồ nghề, lật đật đi sang nhà thằng Cối. Tôi và mấy thằng đầu ngõ thấy vậy, cũng chạy theo để xem tiếp.

Đến nơi, thấy ông Bốn đang tháo cánh cửa chuẩn bị đóng quan tài. Bố tôi bảo ông Bốn hãy dừng tay, để khám lại cho thằng Cối, xem thế nào đã. Ông Bốn chạy vội lại vén màn lên. Khám cho thằng Cối xong, bố tôi bảo, cháu chưa chết. Còn nước còn tát, tôi thử chữa cho cháu, nhưng nếu không qua khỏi, ông không được kiện cáo gì. Ông Bốn ngồi bệt xuống ngưỡng cửa, hai tay vò đầu: Bác cứ yên tâm, tôi thề dưới chúa, sẽ không có gì xảy ra. Hơn nữa, trạm xá đã bó tay trả về rồi…

Bố tôi giục người nhà, đun nước sôi, khử trùng xi lanh, tiêm cho thằng Cối, rồi hì hục chữa trị. Không biết, bố tôi tiêm thuốc gì cho thằng Cối lúc đó, nhưng khi viết những dòng chữ này, tôi nghĩ, có lẽ đó là thuốc trợ tim. Lúc sau, thấy ông Bốn chạy ra sân bảo, thằng Cối đã ngọ ngoạy, và mở mắt ra được rồi. Vậy là, thằng Cối đã sống lại…

Mấy hôm sau, thằng Cối khỏe mạnh, ăn uống như thường. Ông Bốn dẫn nó sang nhà cảm ơn bố tôi. Hai ông đang chuyện trò, bất chợt có mấy ông công an, dân quân du kích xộc vào bắt bố tôi, và tịch thu đồ (y tế) hành nghề, bởi can tội chữa bệnh lậu. Ông Bốn đứng dậy can ngăn, bênh vực bị dân quân du kích đẩy úp mặt vào tường. Ở ủy ban, hết công an đe nẹt, dọa dẫm, lại đến ông Mùi trưởng ban địa chính quát nạt về đất đai gì đó, vì bố tôi mới đến, không phải là người bản xứ. Đang vỗ bàn, đập ghế, đột nhiên, ông Mùi dừng lại, rồi ôm bụng kêu đau. Mọi người vội đưa ông sang trạm xá. Nắn bóp một lúc, người y tá lấy thuốc giảm đau, định tiêm cho ông Mùi. Bố tôi đứng cạnh, vội ngăn lại: Triệu chứng đau ruột thừa, tiêm thuốc sẽ giảm đau, kéo dài thời gian có thể vỡ ruột, dẫn đến tử vong. Phải đưa ngay bệnh nhân đến bệnh viện để chụp chiếu và có thể phải mổ.

Chần chừ một lúc, người y tá mới đồng ý cho người nhà ông Mùi thay nhau cáng ông lên bệnh viện…

Vài tuần sau, ông Mùi đến nhà, nói lời cảm ơn, và vỗ vai bố tôi cười ha hả: Nếu hôm ấy, chúng tôi không bắt ông ra ủy ban, thì tôi đã đi ngủ với giun rồi.

Và từ đó, không thấy ông Mùi còn dọa nạt bố tôi nữa…

Thật ra, các ông cán bộ nơi đây đều thừa hưởng văn hóa làng xã, hiền lành chất phác. Nhưng con người, dường như cứ có tý chức quyền là hoàn toàn biến đổi bản chất. Quyền lực, như một thứ thuốc phiện, không có giới hạn. Nhất là thứ quyền lực độc tôn, không có sự kiểm soát, kiềm chế.

Phải nói, bố tôi là người chịu khó đọc sách, cả những sách viết bằng tiếng Pháp, nhất là sách y khoa ở các giáo trình bậc trung học và đại học. Có lẽ, nhờ vậy bố tôi biết rõ bệnh tình của mình. Một căn bệnh ung thư quái ác, khi ông còn rất trẻ. Và bố tôi mất cũng vào một buổi sáng cuối xuân, thời gian mà ông biết trước. Bố mất đi để lại một khoảng trống không có gì có thể bù đắp trong tôi. Và từ đó, bước chân của một thằng bé mồ côi, dường như hoàn toàn không có định hướng.

Cách nay, mấy chục năm tôi sang thăm ông cậu họ Đặng quan lớn của Quận Ba Đình, Hà Nội, đang học, hay thăm quan gì đó ở Trường hành chánh Paris. Buổi tối gặp cả Cù Huy Hà Vũ ở đó. Đang lang thang trên đường phố Paris, tự nhiên tôi bật khóc. Cù Huy Hà Vũ vỗ vai tôi hỏi, sao ông lại khóc. Tôi bảo, rất nhớ bố tôi, và món tiếng Pháp, cũng như cái vốn văn chương Pháp của ông. Ước gì lúc này ông đang đi bên cạnh tôi.

Vũ bóp chặt vai, nhìn tôi có vẻ ái ngại lắm…

Có lẽ, nhờ cái gen di truyền của bố mà tôi cũng khoái đọc sách, và đọc rất nhanh. Đọc nhiều đâm ra buộc phải viết. Viết để nó tiêu đi những gì mình đã được tiếp cận, thu lượm. Bằng không, nó vón lại, phát điên, phát bệnh chẳng đùa đâu. Chứ dòng họ nhà tôi có ông quái nào dính dáng đến chữ nghĩa văn chương đâu.

Nhớ cách nay vừa tròn 30 năm, khi bức tường Berlin sụp đổ, chúng tôi chạy lung tung, loạn xì ngầu cả. Tôi gặp lại vợ chồng Hiển (Liên) ở trại tị nạn Tây Berlin. Hiển Liên làm ở nhà máy dệt Leipzig, do Nguyễn Hải Đăng bạn tôi làm thông dịch. Chúng tôi ở cùng khu nhà trên đường tàu 8, quận Grünau. Hiện vợ chồng Hiển Liên đang làm ở nhà máy sản xuất ghế đệm xe hơi ở thành phố Regensburg.

Hiển người Saigon. Hắn hát không hay lắm, nhưng chơi đàn Guitar thì tuyệt vời. Chúng tôi ở trại tị nạn Berlin cùng nhau có lẽ đến mấy tháng. Tết 1990, chúng tôi phải chuyển trại. Tôi về vùng Rheinland-Pfalz, còn Hiển về Bayern. Đêm từ biệt chúng tôi hát thâu đêm. Bia rượu vào, người đã quay quay, lúc đó Hiển đàn và hát bài gì đó nghe hay lắm. Tuy nhiên, tôi vẫn bảo, hát đúng lời chưa sướng lắm, chế lời mới phê. Vậy là, như vô thức tôi đế theo tiếng đàn của Hiển:

Sao em nỡ ra đi
Khi tình còn nồng thắm
Sao em nỡ ra đi
Không một lời nhắn gửi
Sao em nỡ ra đi
Như một người xa lạ
Sao em nỡ ra đi
Đêm đông còn giá lạnh
Sao em nỡ ra đi
Khi cỏ cây rụng lá
Sao em nỡ ra đi
Bản nhạc còn dang dở…

Hiển nghe gật gù, có vẻ khoái lắm. Nhưng thấy tôi dừng lại, hắn hỏi: Sao vậy? Tôi đành phải chế, và hát tiếp:

Anh hỏi em sao vậy?
Em trả lời:
Vì trời sắp sang xuân.

Không hiểu sao, ngay lúc đó tôi nhớ và ghi lại toàn bộ lời chế của bài hát. Hiển bảo, thành một bài thơ chứ chẳng đùa. Hãy lấy lời tựa là Sang Xuân. Tôi bảo, thơ vè gì, vui thôi. Tuy nhiên, tôi vẫn tôn trọng ý kiến ấy, nên chép lại thành một bản tặng vợ chồng Hiển Liên lúc chia tay nhau. Và đó cũng như một kỷ niệm của mùa xuân vậy.

Đỗ Trường

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023