SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

 Đám cưới... người ta

Đọc tựa đề bài viết khiến người ta nhớ đến một tuồng cải lương vào thập niên sáu mươi của thế kỷ trước. Nhân vật chính là nàng sơn nữ có tên Phà Ca, cô chỉ biết than thở với núi rừng nỗi lòng đối với chàng trai mình đã âm thầm yêu vào trước ngày anh ta cưới vợ, một câu hát làm cho người lớn cũng như con nít đều thuộc làu ngâm nga theo:
“Ngày mai đám cưới người ta. Tại sao sơn nữ Phà Ca lại... buồn!?”

Tôi không phải là nàng sơn nữ, vậy mà thấy da diết buồn khi đi dự một đám cưới... người ta ‘Con gái một người bạn’. Về thăm gia đình lần này bỗng thấy mình trở thành “lạc hậu” và buồn vì cung cách cư xử của một nhân vật được giới thiệu trong bàn tiệc là một Việt kiều Úc... “thòi lòi.” (có lẽ vì nước này lắm cá sấu hình dáng từa tựa như cá thòi lòi nên người ta ví von thế)

Như thường lệ hàng năm chúng tôi không về VN để ăn Tết mà lại chọn về tuần lễ thứ tư của tháng giêng âm lịch đúng vào ngày giỗ của ba tôi. Hôm mới về được anh bạn từ thời trung học tên Minh mời chúng tôi dự đám cưới của con gái anh. Trong số bạn bè anh này được xem là thân thiết nhất vì sau năm 75 anh và chồng tôi thường liên lạc với nhau, gặp mặt cafe cà pháo, một hôm có lẽ cho rằng chúng tôi may mắn anh nói vui với chồng tôi:

- Ông sướng thiệt “binh” hai ba đường lận, đi vượt biên không tốn tiền vì là sĩ quan hải quân ngày trước. Đi hoài không xong nhảy ra chờ bảo lãnh đoàn tụ gia đình bên Canada, bây giờ lại có tên trong danh sách HO xin tỵ nạn bên Mỹ, còn tui một đường cũng không có “làm thuốc” uống.

Chồng tôi xua tay:

- Thôi đi ông ơi, tui năm năm ở chốn rừng thiêng nước độc xa vợ con, bây giờ làm thợ mộc mỗi ngày cọc cạch đạp xe gần chục cây số kiếm cơm. Còn ông nhờ có ông già đi tập kết về, xin cho vào làm việc nhà nước bây giờ mang chức Phó giám đốc một công ty tuyển dụng lao động cho thành phố được làm cán bộ còn kêu ca gì nữa.
- Thì tui nói ông trời cũng có luật bù trừ chứ, tui nói là mừng cho ông thôi.

Lần này anh bạn tha thiết mời chúng tôi dự đám cưới con gái, hào hứng anh nói:

- Trong đám cưới ông sẽ gặp lại tất cả bạn bè cùng lớp thời trung học tôi đã liên lạc được trong thời gian qua. Có thằng Tân... Việt kiều Úc về nữa.

Hy vọng đây là lần thứ hai tôi có dịp biết mặt bạn bè của chồng tôi. Lần trước hơn mười năm sau 75, khi đọc báo thấy trường P. Ký tổ chức kêu gọi học sinh cũ của trường về họp mặt, mục đích gặp lại bạn bè năm xưa chồng tôi và anh Minh mừng lắm hai người bèn rủ nhau về trường tham dự. Rốt cuộc chỉ vài giờ sau tôi thấy hai người cùng sáu bảy người bạn nữa kéo về nhà và nói với tôi:

- Trời ơi tham dự buổi lễ gì mà chán ngắt, toàn là mấy ông già cán bộ tập kết, chỉ lèo tèo vài vị giáo sư cũ hồi xưa. Còn học sinh thì có cả đám con gái với lại mấy thằng trẻ búng ra sữa mới tốt nghiệp vài năm, bạn bè cũ chẳng thấy đâu hết nên anh gom lại được chưa tới chục người bèn mời về nhà mình uống cà phê nói chuyện vui hơn.

Danh nghĩa là uống cà phê nhưng thực ra phải có “nước mắt quê hương” câu chuyện mới rôm rả. Ngồi ở gian bên trong nghe câu chuyện những người bạn cũ hơn mười lăm năm chưa gặp lại kể từ khi ra trường. Giờ này nơi đây bỏ qua danh vị, chức vụ, không còn là tác phong một sĩ quan trong hàng quân, không phải là ông bác sĩ, cũng như anh chàng dược sĩ. Không là ông giám đốc, phó giám đốc chế độ mới. Chỉ cần ‘Văn kỳ thanh...’ là tôi thấy cả một bầu trời thời niên thiếu của họ khi nghe kể lại những kỷ niệm với ông giám thị này, cô giáo kia, ông thầy nọ và dành nhau kể chuyện những lần “rắn mắt” lên bảng viết tên một ông thầy bằng từ ‘lái’ trước giờ vào lớp. Tôi biết được cái hồn nhiên nghịch ngơm của những thiếu niên mười bảy, mười tám và đồng cảm trọn vẹn câu thơ đọc hồi còn đi học “Ôi, sung sướng thay là thời cắp sách “.

Quen sống xứ “tủ lạnh” nên về nước tôi ít khi mang trang phục dự tiệc bên ấy theo. Lần này hay không bằng hên, lúc soạn quần áo thấy cái váy “hiệu” mới mặc một lần đi đám cưới còn mới, (phái nữ bên này dự đám cưới không ai mặc lại bộ váy áo đã mặc lần trước) do đó tôi bèn mang về với ngụ ý đem cho nhỏ em gái bởi nó hay đi dự họp mặt với bạn bè.

Buổi chiều trời dịu nắng sau khi trang điểm hai vợ chồng đóng “thùng” lên taxi, nhờ xe có máy lạnh nên bớt đổ mồ hôi. Chỉ mới nói tên là anh tài xế biết ngay địa chỉ, đây là một trung tâm tổ chức tiệc cưới bên quận Tư.

Lần đầu tiên dự đám cưới gần hai mươi lăm năm xa quê, người ta đông như trẩy hội lên lên xuống xuống cầu thang rần rần. Vợ chồng tôi ngơ ngác bởi tờ thiệp mời anh quên mang theo. Nhìn quanh không thấy bàn ghế sắp xếp giống như những nhà hàng tiệc cưới, kéo tay anh tôi nói:

- Anh ơi, mình có đi nhầm chỗ không? Sao không thấy ai đón khách vậy?.
- Thì mình cứ theo cầu thang này lên phía trên xem sao?

Lần hết mấy chục bậc thang đi theo những người khách khác phía trước lố nhố người còn đông hơn tầng dưới. Đi dài theo một phía nhìn vào có đến năm phòng trang trí hoa đèn, bàn tròn, sân khấu. Đối diện cửa vào mỗi phòng có những bàn dành cho khách đến ký tên và tặng bao thư đều trang hoàng giống nhau. Tôi nhìn quanh quất không thấy có cô dâu, chú rể hay ông bà cha mẹ đứng đón khách mời. Tôi băn khoăn nói nhỏ với anh.

- Trời ơi, biết đám cưới ở phòng nào mà vô, mặc dù có cái bảng viết tên và hình cô dâu chú rể nhưng mình đâu biết đó có phải là con của bạn mình không?. Chỉ có quen mỗi anh Minh lại không thấy hiện diện. Cái bao thư bỏ trong ví không biết trao cho ai là đúng. Hay là để em đứng đây anh đi vòng vòng hoặc vào đại một phòng xem có bạn bè quen không.

Tôi đứng đợi lâu lắm! Đúng là đám cưới tập thể thời @, rốt cuộc cũng thấy chồng tôi chen ra từ một phòng đến bên cạnh tôi và nói:

- Tìm hoài không thấy gia chủ, may mà anh trông thấy thằng bạn sau bảy lăm bỏ nghề dược sĩ đi bán thuốc tây chợ trời anh được gặp mấy lần nên còn nhớ, anh ấy chỉ mình vô cái phòng ở chính giữa trong đó có mấy người bạn cũ ngồi, còn anh ta thì ra ngoài tìm nhà vệ sinh.

Tôi kéo anh vô góc nhà bàn bạc:

- Anh ơi, không gặp bạn anh hoặc con gái của anh ấy mình gửi bao thư có đúng chỗ không? Thôi thì lấy bớt ra chỉ cho một trăm đô có mất cũng không sao!

Tôi bỗng khám phá ra tại các trung tâm tiệc cưới là như vậy. Không có dàn chào tại cửa như các đám cưới thông thường. Khách tự nhiên vào bàn ngồi theo nhóm bạn quen. Trên sân khấu người dẫn chương trình mời quan khách vào chỗ mới thấy anh bạn thân lò dò đến, sau màn chào hỏi bắt tay qua loa vì ai cũng nhận ra nhau sau hơn ba mươi năm dâu bể. Trong đám bạn nghe giới thiệu tôi nhớ ra có vài anh đã đến nhà tôi khi xưa. Tất cả đều làm ăn sinh sống tại Việt Nam chỉ có hai vợ chồng tôi và anh Việt kiều bên Úc là định cư nước ngoài.

Đám cưới ở quê nhà bây giờ nặng phần trình diễn khác xưa. Sau hồi kèn trống đinh tai nhức óc hai người ngồi cạnh nói chuyện giống như người lảng tai hoặc điếc lác, phải ghé sát tai nói to người kia mới nghe hiểu. Phòng cưới chia làm hai phần mỗi bên hơn chục bàn để dành con đường chính giữa trải thảm dẫn từ cửa vào đến sân khấu. Đàn sáo trỗi lên liên tục bài nhạc Ngày hạnh phúc, “Trời hôm nay thanh thanh...” Chưa hết bài đã nghe giọng MC cất lên một cách điệu nghệ bài bản giới thiệu chú rể cô dâu hai họ đang tiến vào phòng, nhạc lại trỗi lên “Tèng teng teng, tèng téng tèng teng...” Lúc này tôi lại trông thấy anh Minh có mặt trong đám rước dài lê thê tiến đến trước sân khấu. Không biết có phải là do đạo diễn buổi tiệc sắp xếp hay không, anh này lại mặc chiếc áo vest đuôi tôm nắm tay cô dâu dẫn lên sân khấu. Đám cưới pha trộn Âu Á lung tung xèng, diện tích phòng tiệc thì nhỏ không đủ chổ để làm nghi thức kiểu Tây phương, nếu là đám cưới Á châu lại thiếu phần trang trọng tôn nghiêm. Thôi thì mặc cho trên sân khấu diễn tuồng kêu gọi mọi người chú ý hướng về sân khấu, người ngồi dưới bàn tiệc thì nói to hét lớn vào tai nhau chuyện riêng tư làm ăn, một điều lạ lùng là bàn tiệc chục người chỉ có mình tôi là phụ nữ. Chưa hiểu lý do tôi hỏi anh bạn ngồi cạnh bên tay trái tại sao không thấy có vợ các anh cùng tham dự. Anh trả lời một câu gọn hơ:

- Ở đây là vậy, bạn của chồng thì chỉ một mình chồng đi mà thôi.

Tôi ngượng ngùng chống chế:

- Xưa nay đám cưới người ta hay mời những cặp vợ chồng đi dự phải đủ đôi, ý nghĩa kết hợp với nhau mới tốt đẹp chứ.

Bỗng dưng người bạn ngồi cạnh anh Phước là người được giới thiệu Việt kiều Úc tên Tân từ nãy giờ cứ nhìn chòng chọc vào tôi, bây giờ có dịp phán một câu như tạt gáo nước lạnh.

- Đôi gì, diễn trò ở đây đủ đôi còn về nhà cắm sừng đàn ông. Đàn bà con gái là những đứa điêu ngoa?? Nhìn vô tưởng hiền lành lại là một lũ phản bội.

Giữa đám cưới không lẽ đôi co tôi chỉ cười và nhẹ nhàng điềm tĩnh nói:

- Mía sâu có đốt, nhà dột có nơi. Anh đừng vơ đũa cả nắm.

Anh ta lại đốp chát tiếp:

- Cái thứ đàn bà là đồ lang chạ, sểnh một tí là đi tìm trai!

Nghe đến đây tôi đoán ngay anh này đang tâm trạng uẩn ức vì bị vợ bỏ hay bồ đá đến nỗi không cần giữ gìn thể diện cho mình. Nghĩ thế nên tôi không muốn nhiều lời với người không làm chủ được lý trí, thật là “nhục như con cá nục!”. Tôi đã gặp rất nhiều người vượt biên sang được bên này và mang danh Việt kiều khi về nước. Xuất thân của họ nghề nghiệp làm ruộng, chài lưới ven sông nên ít học, quanh năm sống ven cồn bờ sông chưa hề biết được thành phố hay đất Saigon ra sao. Tôi chỉ tiếc anh Việt kiều Úc là bạn học chồng tôi mà cư xử thua những nông dân tay lấm chân bùn ấy. Ít ra sau khi được sống ở xứ sở văn minh họ cũng đã học hỏi được đôi điều văn minh tốt đẹp.

Có lẽ anh bạn ngồi cạnh bên cũng thấy thái độ thô lỗ ấy nhưng cũng cố gắng giả vờ không thấy, may mắn là tiếng nhạc quá ồn và không ai để ý. Làm ngơ người này tôi vui vẻ hỏi chuyện anh bạn tên Phước ngồi cạnh về chỗ ở, hóa ra anh là người cùng quê nội với tôi. Mừng rỡ tôi nói:

- Tha hương ngộ cố tri, tôi sinh ra ở xã Trường Bình bên này sông. Hồi nhỏ mỗi bận về quê đi chợ quận cạnh giòng sông ba hay chỉ cho tôi thấy bên kia sông là Phước Lý thuở nhỏ có một thời gian ba tôi sống bên ấy. Sau này thì không ai dám qua bên kia vì là vùng xôi đậu đầy Việt Cộng, chắc bây giờ thì hết sợ rồi. Ở Saigon cũng ngập tràn Việt Cộng.

Nói xong tôi và anh cùng cười thông cảm. Không thấy ai đếm xỉa đến mình bỗng nhiên tôi thấy anh Tân Việt kiều Úc nổi giận văng tục những từ ngữ hết sức đê tiện. Nhìn anh bạn đang cùng trò chuyện với mình tôi cố giấu thái độ khinh bỉ bằng cách bĩu môi cười nhẹ và lắc đầu, tôi cho rằng anh ta có ý định chọc tức ai đó không việc gì mình phải quan tâm.

Anh Minh chủ nhân buổi tiệc đến gần chỗ ngồi của tôi và ông xã và cùng nâng ly với mọi người. Không biết có phải do ngà ngà say mà anh đọc cho vợ chồng tôi nghe hai câu thơ:

- Nhật mộ hương quan hà xứ thị. Yên ba giang thượng sử nhân sầu. (*)

Chồng tôi kể sau khi xong trung học bạn bè người vào y khoa, dược khoa, anh thì vào khoa học. Riêng anh Minh này lại vào ban Triết Văn Khoa. Hồi đi học cô giáo dạy Văn hay giảng về thơ Đường nên tôi cũng rất thích Đường thi. Tôi vốn chậm suy nghĩ nhưng may mắn nhớ hai câu thơ này trong bài Hoàng Hạc Lâu bởi tôi rất thích. Tôi hiểu anh bạn ngụ ý hỏi vợ chồng tôi “nơi nào có thể trở thành quê hương?” qua bản dịch nghĩa:

“Trời về chiều tối tự hỏi quê nhà nơi đâu. Trên sông khói sóng gợn khiến buồn lòng người.”

Bài thơ tôi thuộc nằm lòng nên mượn hai câu thơ trong cùng bài thơ trả lời cho anh Minh:

Hoàng hạc nhất khứ bất phục phản. Bạch vân thiên tải không du du.

“Hạc vàng một khi đã bay đi không trở lại. Mây trắng ngàn năm vẫn phiêu diêu trên không.”

Chúng tôi cũng như bao người khi đã ra đi tìm tự do thì xin nhận nơi đây làm quê hương thứ hai.

Ông xã tôi chắc cũng hơi say nên cười nói:

- Bà xã tôi là dân ban C Gia long nhé.

Chữa thẹn tôi nói lấp liếm:

- Lời này là rượu nói chứ không phải anh nói nha, đồ đệ chỉ dám đê đầu trước bậc tiền bối thôi.

oOo

Đi đám cưới về kể lại thái độ bất lịch sự của anh Tân Việt kiều Úc cho ông chồng tôi nghe và vắn tắt một câu:

- Ông này chắc bị vợ bỏ nên cay cú thù ghét hết tất cả đàn bà trên đời.

Tôi hỏi nhỏ em gái:

- Hôm qua đi đám cưới nguyên một bàn chỉ có một mình chị là phụ nữ, mấy ông kia không ai dẫn vợ theo. Chị hỏi một ông ngồi cùng bàn ổng nói đám cưới được mời là bạn của chồng thì một mình chồng đi thôi. Tại sao lại có phân biệt kỳ vậy?

Nhỏ cười ngặt nghẽo:

- Hỏng phải như vậy chị ơi, người ta viện lý do vậy thôi. Đi dự hai người thì tiền mừng cưới phải gấp đôi. Đi một người thì tiết kiệm được phân nữa.

Ngẫm nghĩ lại thấy buồn cho xã hội bên ấy bây giờ, đám cưới là ngày chung vui, là mong cho đôi lứa hạnh phúc. Còn bây giờ đám cưới là tính toán lời lỗ, tiết kiệm đồng nào hay đồng đó, nhận được thiệp mời không biết có vui thật giống như lời viết trong đó hay không?

Nhưng vẫn còn một chút an ủi là dự đám cưới ở hải ngoại đám cưới của bọn trẻ thật là vui, hạnh phúc thật sự cả người mời và được mời.

Ngày hôm sau một chuyện bất ngờ xảy ra tôi không tưởng tượng được. Không biết có phải do anh Minh chủ nhân đám cưới đã cho địa chỉ hay không!? Tân... anh Việt kiều Úc và anh Phước cùng quê ngồi cạnh tôi hôm ấy bỗng đến nhà ngồi chờ chúng tôi đi chợ về. Nhìn anh này tôi thấy ngay nét băn khoăn sượng sùng trên mặt, tôi vẫn còn giận nên quăng cục “lơ” vào anh ta, tôi chỉ chào sơ anh Phước và đi ngay vào trong để ông xã tôi tiếp chuyện hai người.Lát sau chồng tôi trở vào nói hai người này mời đi ăn cơm. Dĩ nhiên là tôi để đàn ông họ đi với nhau thôi. Tự nhiên lại đến nhà mời chúng tôi trong khi chỉ mới biết nhau hôm qua không hề thân thiết. Tôi nghĩ chắc anh ta hối hận vì đã hồ đồ nặng lời với người mới gặp, cũng là một bài học cho anh ta về sau. “Nhất ngôn ký xuất, tứ mã nan truy” hoặc là từ nay anh ta sẽ nhớ uốn lưỡi bảy lần trước khi nói chuyện với phụ nữ.

Cỏ Biển
Mùa Xuân Quý Mão 2023


(*) Thơ Thôi Hiệu

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023