SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

ĐÔI LỜI CẢM NHẬN VỀ TẬP NHẠC "ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ" CỦA NHẠC SĨ NGUYỄN ĐỨC AN

I. TẬP NHẠC "ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ":

Tập nhạc trình bày trang nhã, tranh bìa tuyệt đẹp, màu sắc đường nét hài hoà nghệ thuật. Có 10 ca khúc: gồm sáng tác, dịch lời Việt và phổ thơ.
Hình bìa: tranh sơn dầu của hoạ sĩ Hiếu Đệ
Phụ bản: Hiếu Đệ và Vũ Công Minh
Trình bày và ấn loát tại nhà in: Vitina, Portland, Oregon
Sóng Hồng xuất bản lần thứ nhất tại Hoa Kỳ, 1995.
Sách dày 50 trang in trên khổ giấy lớn.
LỜI TỰA: "Vài lời về Nhạc tập Đường vào tình sử" của Nhạc sĩ Phạm Duy.
LỜI GIỚI THIỆU: "Nguyễn Đức An, nhịp cầu trở về cội nguồn xa vắng" của Nhạc sĩ Từ Công Phụng.
Nội dung: 10 Sheet nhạc kèm nguyên văn các bài thơ được phổ nhạc như sau:

1-Ân tình dạ khúc, thơ Đinh Hùng, nhạc Nguyễn Đức An
2-Phố cũ, thơ Vũ Hoàng Chương, nhạc Nguyễn Đức An
3-Hai sắc hoa Tigôn, thơ TTKh, nhạc Nguyễn Đức An
4-Suốt đời, nhạc E. Waldteufel, lời Việt, Nguyễn Đức An.
5-Đăng trình, thơ Nguyễn Thanh Giản, nhạc Nguyễn Đức An
6-Sau cơn mưa, nhạc và lời Nguyễn Đức An.
7-Hoàng hôn trong mắt em, thơ Đinh Hùng, nhạc Nguyễn Đức An
8-Cố hương, thơ Viên Linh, nhạc Nguyễn Đức An
9-Đời chít khăn sô, thơ Mùi Quí Bồng, nhạc Nguyễn Đức An
10-Đường vào tình sử, thơ Đinh Hùng, nhạc Nguyễn Đức An

II. ĐÔI LỜI CẢM NHẬN:

-Về Việc Phổ Thơ:

Tôi thiển nghĩ ngoài nhạc lý, nhạc sĩ cần cảm nhận được cái hay nét đẹp của bài thơ, cần nắm bắt được cái thần cái hồn của bài thơ, để tuyển chọn những câu thơ hay nhứt, rồi sắp xếp bố cục sao cho hợp lý giữa giai điệu và lời thơ thống nhất làm một như hồn và xác trong 1 bản nhạc. Phải nói là quá khó. Vậy mà đã có rất nhiều thiên tài phổ thơ còn lưu lại những tác phẩm bất hủ như: Phạm Duy, Phạm Đình Chương, Anh Bằng, Dương Thiệu Tước, Nguyễn Hiền, Trịnh Công Sơn, Ngô Thụy Miên, Vũ Thành An, Lê Uyên Phương, Dzũng Chinh, Phan Huỳnh Điểu, Phú Quang, v.v... Thật đáng ngưỡng mộ!

NS Anh Bằng khi phổ bài thơ "Khúc Thụy Du" của thi sĩ Du Tử Lê dài 73 câu, ông đã chọn 25 câu đặc sắc nhứt, và thêm 3 câu mới do ông sáng tác.

Ở trong tập nhạc này, NS Nguyễn Đức An đã tỏ ra lịch lãm với việc phổ thơ, ông đã chọn những bài thơ nổi tiếng, chọn những câu thơ hay, đôi khi ông còn sáng tác thêm những câu thơ mới như nhạc sĩ Anh Bằng vậy.
Với cương vị là 1 Bác sĩ kiêm nhà văn, nhạc sĩ, nhạc công (sử dụng được nhiều nhạc cụ) có tâm hồn thi sĩ giàu cảm xúc và soi sáng, Nguyễn Đức An đã thành công trong việc phổ thơ, đã khiến cho nhạc sĩ Phạm Duy không tiếc lời khen ngợi:

"...những nét nhạc minơ đầy não tính (cére1bral) phù hợp với lời thơ ma quái... và rất điêu luyện khi chuyển từ minơ qua majơ. Lối bố cục khéo léo của những bản nhạc cho ta thấy y sĩ đã thuộc lòng cơ thể của con người nhưng cũng biết rõ đường đi nẻo về của tâm hồn. Nhất là anh chưa quên những bài học về nhạc lý."

1. Sau Cơn Mưa
Nhạc và lời: Nguyễn Đức An

Nhạc và lời xuất sắc.
Có những ca từ rất thơ, đẹp như cảnh Tiên làm ta không khỏi liên tưởng đến khu vườn bàn đào của bà Tây Vương Mẫu mỗi năm 1 lần mở Hội cho các Tiên nữ múa hát theo truyền thuyết dân gian.

Tản Đà từng mơ:
"Lá đào rơi rắc lối Thiên Thai."
Thế Lữ từng thả hồn:
"Hai con hạc trắng bay về Bồng Lai."

Nhạc sĩ Nguyễn Đức An quê Hà thành có tâm hồn thi sĩ, giàu cảm xúc, nhiều mộng mơ, đã trải lòng mình qua ca khúc "Sau Cơn Mưa" dẫn đưa ta về cội nguồn miên viễn của chân thiện mỹ, nơi cảnh giới Thần Tiên thanh cao không vướng bụi trần. Cảnh đẹp như Tiên sau cơn mưa càng diễm lệ, nơi có hai người yêu nhau:

Suối nguồn nước chảy triền miên,
Chim rừng nhảy múa điệu Tiên dưới trần.
Đàn yêu lộng phím tơ đồng,
SAU CƠN MƯA, tháng năm vàng lứa đôi

2. Suốt Đời
Lời Việt: Nguyễn Đức An
Nhạc: E. Waldteufel

Charles Émile Waldteufel (1837-1915) là nghệ sĩ piano, nhạc trưởng và là nhà soạn nhạc người Pháp nổi tiếng lừng lẫy khắp châu Âu 1 thời. Từ 1 nhạc phẩm bất hủ của ông, NS Nguyễn Đức An đã dịch ra lời Việt với tựa đề là "Suốt Đời".
Nhạc và lời tuyệt vời, có những ca từ rất hay như sau:

Nắng chiều vàng.
Trên đồi thông xanh lá thắm.
Rộn ràng.
Bướm hoa bay trên đoá hoa hồng.
...
Giữa rừng sâu.
Bên bờ sông xanh nước biếc.
Hàng lau.
Nai đàn kia đang đứng nghe chiều.
...
Suốt đời em.
Em chờ anh trong thương nhớ.
Và anh.
Anh ở đâu? Anh có hay rằng.
Vắng anh đời em như đoá hoa đang tàn.

Nhớ năm xưa trên đồi
Tay nắm tay dạo chơi
Trong đắm say làn hơi
Trong thiết tha bờ môi

3. Đời Chít Khăn Sô
Ý thơ: Mùi Quý Bồng
Nhạc: Nguyễn Đức An

Lời và nhạc hay tuyệt.
Tôi nghĩ bản nhạc đầy nước mắt này sẽ dễ dàng đi vào lòng khán thính giả cùng cảnh ngộ. Xin trích ca từ là những câu thơ 8 chữ rất hay như sau:

Em đã ra đi còn gì để lại.
Một cánh hoa khô ngày đó em cài.

Từ chân trời xa một đàn chim lạ.
Theo gió bay về réo rít hoan ca.

Mặt trời mỉm cười tinh quái.
Giải nón lụa đào quấn quít bờ vai.

Buổi sáng hôm nay trời mưa nho nhỏ...
Đời để tang người. Đời Chít Khăn Sô.

4. Cố Hương (Demo)
Ý Thơ: Viên Linh
Nhạc: Nguyễn Đức An

Sheet nhạc được trích đăng trong:
Viên Linh - Những bài thơ Tâm Sử Ca
MƯỜI BẢN NHẠC PHỔ
http://tapchikhoihanh.com/tho-pho-nhac.html

Nguyên tác là 1 bài thơ lục bát gồm 28 câu có màu sắc, hình ảnh và ngôn ngữ thơ lung linh mới mẻ, ca ngợi quê hương chỉ còn trong chiêm bao. NS Nguyễn Đức An đã chọn 19 câu hay nhất có nội dung nhất quán để phổ nhạc, trong đó có những câu rất đẹp như:

Xa nhau thôi nhé thu vàng
Lá rơi trên tuyết lòng tan dưới đường
Nhớ gì nơi ấy cố hương
Tóc xanh em gái dặm trường trung du

Trong thân thảo mộc hồn về
Rưng rưng sắc đỏ ủ ê màu đà
Mùa xuân hồn ở trong hoa
Hồng soi nhan sắc vàng pha áo đời

5. Đăng Trình
Thơ: Nguyễn Thanh Giản
Nhạc: Nguyễn Đức An

Ca từ là những lời thơ rất đẹp, giai điệu nhẹ nhàng tươi vui êm ái như những lời thầm thì của đôi tình nhân... dẫn đưa ta về với cội nguồn vô thỉ vô chung, nơi có đôi tình nhân trẻ trung xinh đẹp lãng mạn hoà nhập hoà đồng vào thiên nhiên an bình bên "dốc đá đồi sim" tràn trề hạnh phúc:

Thuở ấy núi rừng vừa chung thế giới
Thiên thần lên ngôi, nhạc Trời khắp nơi.
Và mùa xuân vàng nắng ấm muôn đời
Trong hoang vắng bỗng anh nghe tiếng gọi.

Tiếng thì thầm lay động cả không gian
Tiếng em vang lên từ cõi vô cùng.
Nhắc chuyện cũ của bao năm hò hẹn
Ngày ấy đôi ta, tiếng hơi vừa bén

Thăm thẳm rừng chiều dốc đá đồi sim
Quên thời gian, mình mê mải đi tìm.

6. Phố Cũ
Thơ: Vũ Hoàng Chương
Nhạc: Nguyễn Đức An

Thi sĩ Vũ Hoàng Chương được văn sĩ Mai Thảo tặng cho biệt danh là một trong "bảy Vì sao Bắc đẩu" của nửa thế kỷ thi ca đương đại Miền Nam trước 1975.
Ca khúc Phố Cũ đưa ta về Hà thành thời thanh bình xưa có Hồ Gươm sóng lượn, có Hàng Trống Hàng Khoai rộn bước chân người, nơi có cuộc tình học trò rất đẹp, rồi đành dở dang vì nàng "ra đi chẳng nói một lời".
NS Nguyễn Đức An không chỉ chọn những câu thơ thất ngôn hay nhất trong bài thơ tuyệt bút, mà còn sáng tạo thêm 1 khổ thơ để nối kết 2 đoạn nhạc với nhau chặt chẽ, đó là 4 câu:

Ôi chốn này xưa tay nắm tay
Nắm tay trò chuyện khói hương đầy.
Nhà Diêm, Cầu Giấy mười năm ấy
Bóng hình của ai, cơn gió bay.

NS Nguyễn Đức An đã đưa thêm 2 địa danh mới là Nhà Diêm, Cầu Giấy, cùng với 2 địa danh Hàng Trống Hàng Khoai của VHC làm cho phong cảnh phố cũ thêm phong phú rõ nét, tăng phần hiện thực lãng mạn:

Hồ Gươm sóng lượn bờ tơ liễu
Hàng Trống Hàng Khoai rộn bước người.
Sách vở lên hương trầm ngát nẻo
Hoa sen hoa phượng chói màu tươi.

7. Hai Sắc Hoa Tigôn
Thơ: TTKh
Nhạc: Nguyễn Đức An

Bài thơ "Hai sắc hoa Tigôn" của TTKh nổi tiếng ngay sau khi đăng báo (1937), dư luận xôn xao mãi tới bây giờ vẫn chưa ngã ngũ TTKh là ai? Có người cho đó là 1 bài thơ tuyệt tác. Có người cho đó là tiếng lòng đau khổ thương nhớ người tình của 1 thiếu phụ trẻ đã có chồng, vượt ngoài vòng lễ giáo, góp phần mở đầu phong trào thơ lãng mạn tại VN. Những chữ "người ấy, hoa tigôn" rất mới, hay những câu rất lãng mạn (của phái nữ) mà trước đó không hề có:

Người ấy thường hay vuốt tóc tôi
Thở dài trong lúc thấy tôi vui,
Bảo rằng: “Hoa, dáng như tim vỡ
Anh sợ tình ta cũng vỡ thôi!”

Tôi vẫn đi bên cạnh cuộc đời
Ái ân lạt lẽo của chồng tôi,
Mà từng thu chết, từng thu chết
Vẫn giấu trong tâm bóng “một người”.

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?
Có thầm nghĩ tới loài hoa... vỡ
Tựa trái tim phai tựa máu hồng...?

Chính bài thơ lãng mạn này đã tạo cảm hứng cho 5 nhạc sĩ phổ nhạc sau đây:
-Hai Sắc Hoa Tigôn của Trần Thiện Thanh
-Chuyện Hoa Tigôn của Anh Bằng
-Hai Sắc Hoa Tigôn của Trần Trịnh
-Hai Sắc Hoa Tigôn của Hà Phương
-Hai Sắc Hoa Tigôn của Nguyễn Đức An
Mỗi ca khúc đều có nét hay riêng, nhưng tôi tâm đắc nhất là các ca khúc giữ nguyên văn lời thơ của TTKh, trong đó có ca khúc của NS Nguyễn Đức An.
Bài thơ có 44 câu, NS Nguyễn Đức An đã chọn 22 câu mà ông cho là hay nhất để phổ nhạc.
Bản nhạc kết thúc ở 2 câu sau:

Nếu biết rằng tôi đã lấy chồng
Trời ơi! người ấy có buồn không?

Dù nhạc đã chấm dứt, nhưng dư âm 3 chữ "có buồn không" cứ vang vọng trong lòng với bao hoài niệm bâng khuâng, mơ hồ, chơi vơi, ray rứt, tra vấn mãi ko thôi, đó là nét độc đáo của "ý tại ngôn ngoại" trong thơ, mà người nhạc sĩ có tâm hồn thi sĩ đã tận dụng trong việc "đãi cát tìm vàng" chắp cánh cho thơ bay cao trong vòm trời âm nhạc.

- Ba Ca Khúc Phổ Thơ Đinh Hùng:
Theo tôi, đây là 3 ca khúc hay nhất trong tập nhạc, trước khi nhận xét, tôi xin có đôi dòng về thơ Đinh Hùng.
Thơ Đinh Hùng hay độc lạ thuộc trường phái tượng trưng, siêu thực. Ông là 1 trong 7 vì sao Bắc Đẩu thi ca theo nhà văn Mai Thảo.
Có người cho rằng thơ Thơ Đinh Hùng là một khoảng trời riêng đầy sơ khai; là 1 thứ tình yêu si dại; là 1 thứ tôn giáo ái tình tôn thờ nhan sắc; là thơ của một tâm hồn bơ vơ muốn tìm về với núi rừng hoang sơ, nguyên thuỷ.
Vì thơ Đinh Hùng mới lạ như thế, nên thiên tài âm nhạc Phạm Duy tiếc nuối vì đã không phổ thơ Đinh Hùng, ông viết:
"Tôi vô cùng hoan hỉ khi biết rằng Đinh Hùng đã được một người bạn trẻ, văn sĩ kiêm nhạc sĩ An thay tôi rồi."

-Và sau đây là nhận xét của tôi về 3 ca khúc phổ thơ Đinh Hùng:

8. Hoàng Hôn Trong Mắt Em
Ý thơ: Đinh Hùng
Nhạc: Nguyễn Đức An

Bài thơ "Một Tiếng Em" của thi sĩ Đinh Hùng trích trong thi tập Đường vào tình sử (1961) gồm 36 câu, nhạc sĩ Nguyễn Đức An chọn 28 câu để phổ nhạc và ông đã đổi tên thành "Hoàng Hôn Trong Mắt Em" nghe hay hơn, lãng mạn tình tứ và có hình ảnh hơn.

9. Ân Tình Dạ Khúc
Thơ: Đinh Hùng
Nhạc: Nguyễn Đức An

Bài thơ "Ân Tình Dạ Khúc" của TS Đinh Hùng trích trong thi tập Đường vào tình sử (1961) có 31 câu, nhạc sĩ Nguyễn Đức An chọn 17 câu, có những câu quá hay:

Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Em tới đây tình tự một đôi lời
Hồn phong hương trầm tuổi mộng hai mươi
Ta nói khẽ đủ hai lòng nghe rõ

Lời tình tự cũng là lời bỡ ngỡ
Đêm thân ái có muôn hoa hồng nở
Phấn hương bay phơi phới báo duyên lành
Thơ ân tình, anh chuốt lụa mong manh

10. Đường Vào Tình Sử
Ý thơ: Đinh Hùng
Nhạc: Nguyễn Đức An

Bài thơ Đường Vào Tình Sử của TS Đinh Hùng trích trong thi tập Đường vào tình sử (1961) có 91 câu, nhạc sĩ Nguyễn Đức An chọn 22 câu.
Nhạc hay, lời mới lạ và đẹp vô cùng. Xin trích 10 câu:

Khi tóc mùa xuân buông dài trước cửa
Khi nắng chiêm bao khẽ chớp hàng mi
Khi những con thuyền chở mộng ra đi
...
Và dĩ vãng ngủ trong hồ cẩm thạch
Của đôi mắt sáng màu trăng mặc khách
Thời gian qua mau một nét mi dài
Núi mùa thu buồn gợn sóng đôi vai
Dòng sông lạ trôi sâu vào tâm sự
Chúng ta đến nghe nỗi sầu tinh tú
Những ngôi sao buồn suốt một chu kỳ

Nhạc sĩ Nguyễn Đức An làm mới như sau đây khiến lời thơ Đinh Hùng rõ hơn, rơi đúng vào hoàn cảnh lịch sử đau thương của thuyền nhân "vượt biển" bỏ nước ra đi.

Thơ Đinh Hùng:
Phơi phới thuyền ta vượt bến
Từ đêm hồng thuỷ ra đi.
Nguyễn Đức An sửa thành:
Phơi phới hồn ta
Từ đêm vượt biển ra đi.

Ca khúc có nội dung và ngôn ngữ mới lạ nhứt trong tập nhạc, cũng là lời tiên tri chính xác của nhà thơ thiên tài Đinh Hùng viết năm 1961 nhưng đã báo trước "đêm hồng thuỷ" khiến thuyền nhân phải bỏ của chạy lấy người "vượt biển" bỏ nước ra đi sau 1975.
Cả 22 câu hay từng từng câu từng chữ, những con chữ mới lạ lấp lánh như những hạt ngọc đính trên áo tiểu thư.
Nể phục thi sĩ Đinh Hùng xứng đáng là 1 vì sao Bắc Đẩu thi ca, cảm phục nhạc sĩ Nguyễn Đức An đã chọn 1 bài thơ tuyệt bút mới lạ, nhưng cũng vô cùng khó để phổ nhạc, và đã lấy tên bài thơ (cũng là tên thi tập) để làm tựa đề cho tập nhạc của mình - Đường Vào Tình Sử.

III. KẾT LUẬN:

Để kết luận, tôi xin mượn lời nhận xét của nhạc sĩ nổi tiếng Từ Công Phụng như sau:

"NĐA cũng cùng mang hồn Do Thái lang thang xứ người, âm thầm tiếc nuối thời xuân xanh ở quê nhà và anh đã mượn đôi cánh mầu nhiệm của âm nhạc gắn vào những vần thơ lun linh sương khói của ĐH, long lanh giọt lệ của TTKh những tiếc nuối bâng khuâng của Vũ Hoàng Chương, Viên Linh..."
"NĐA với nét nhạc của riêng minh, và bằng những vần thơ của nhiều thi sĩ nổi danh thời đại, anh đang làm công việc bắt lại nhịp cầu dài suốt một đại dương đưa chúng ta trở lại cội nguồn trở lại chốn mang nhiều kỷ niệm khó quên trong suốt một đời người." (Trích "Nguyễn Đức An, nhịp cầu trở về cội nguồn xa vắng" của Nhạc sĩ Từ Công Phụng).

Tôi xin cám ơn Bác sĩ/ nhà văn/ nhạc sĩ Nguyễn Đức An, người đã đóng góp rất lớn cho nền VHNT Việt Nam Hải ngoại.
Cầu chúc ông và phu nhân là Ca sĩ Tăng Di Linh tiếp tục sáng tác và hoạt động trong lãnh vực âm nhạc không ngừng nghỉ.

VINH HỒ
Orlando, June 11, 2022

-Ảnh: Trang bìa tập nhạc "ĐƯỜNG VÀO TÌNH SỬ" của Nhạc sĩ Nguyễn Đức An.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023