SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

MỘT CHÚT CẢM NHẬN VỀ PHONG CÁCH THƠ
CỦA NỮ THI SĨ VÕ THỊ NHƯ MAI

Trong bài tùy bút MỘT HÔM & MỘT ĐỜI, của giáo sư Nguyễn Đại Hoàng có đoạn viết :

  “Vâng, đúng là thơ cốt ở tâm hồn, ý tưởng & giản dị. Nhưng sự giản dị trong thơ Như Mai lại mang đến nhiều hình ảnh, nhiều suy tư, gợi mở và thú vị.
Nghĩa là sự giản dị có chiều sâu” – Hết trích.

Đọc xong nhận định trên của giáo sư Hoàng về nữ thi sĩ VTNM, tôi có tự đặt cho mình một câu hỏi là : Tại sao, một nhà thơ đã bước vào độ tuổi trung niên(46 tuổi), dẫu cho bạn ấy chưa già, nhưng cũng không còn trẻ nữa, mà vẫn còn sở hữu một tâm hồn giản dị có nhiều hình ảnh, nhiều suy tư, gợi mở và thú vị, có chiều sâu như thế ?

Chắc chắn không ai có thể trả lời được câu hỏi đó một cách thật đầy đủ, thật trọn vẹn (kể cả chính nữ sĩ Như Mai cũng không thể biết được câu trả lời thật chính xác).

Tất nhiên, ngoài lý do cốt lõi là tâm hồn, ý tưởng & giản dị của bạn ấy ra. Thì theo tôi bạn ấy còn có một điều kiện rất tuyệt vời mà các nhà thơ khác không thể có được chính là môi trường xã hội, môi trường giáo dục ở nước Úc, nơi bạn ấy đang sinh sống và làm việc. Bạn ấy là một thạc sĩ giáo dục, nhưng lại giảng dạy ở một trường tiểu học ở vùng phía Tây của nước Úc.

Không gian, sống & làm việc đó của Như Mai có một sự ảnh hưởng rất lớn đối với tâm hồn của thi sĩ. Một không gian mà nếu không trải qua, thì rất nhiều người lớn sẽ không thể hiểu được. Giữa một đứa trẻ & một người lớn thực sự đã tồn tại một VỰC THẲM; đó chính là hai thái cực tách rời nhau. Đứa trẻ không thể hiểu được những điều mà người lớn đang nói bởi vì nó sống trong một chiều không gian hoàn toàn khác – KHÔNG GIAN CỦA VUI CHƠI. Trong khi đó, người lớn cũng lại không thể hiểu được những gì đứa trẻ đang làm bởi vì anh ta là một người kinh doanh, làm ăn kinh tế, làm các công việc chính trị, xã hội khác nhau…Anh ta sống trong thế giới của những câu hỏi TẠI SAO, NGUYÊN NHÂN, LÝ DO…. Cả hai không bao giờ gặp nhau, không thể gặp nhau, không có khả năng hiểu nhau trừ khi người lớn trở thành đứa trẻ. Chỉ có những bậc hiền nhân, nhà hiền triết thực sự, mới có thể hiểu được đứa trẻ, bởi vì ông ta chính là một đứa trẻ được sinh ra lần thứ hai.

Nếu có thể trở lại là một đứa trẻ, bạn đã có mọi thứ. Nếu không bạn đã lỡ tất cả. Những đứa trẻ được sinh ra lần đầu không phải là trẻ con thực sự vì chúng sẽ phải trưởng thành. Lần chào đời lần thứ hai mới thật sự là được chào đời, bởi vì khi được tái sinh, nghĩa là người đó tự mang đến cho mình cơ hội chào đời lần thứ hai. Đó là một quá trình biến đổi, anh ta lại trở thành một đứa trẻ.

Việc Như Mai được sống & làm việc trong một môi trường thường xuyên được tiếp xúc với KHÔNG GIAN CỦA VUI CHƠI đó, đã giúp cho tâm hồn thi sĩ của bạn ấy vốn dĩ đã rất nhạy cảm, năng động, sáng tạo, được mọc thêm những đôi cánh của sự hồn nhiên, trong sáng. Nhà hiền triết Haraclittus đã từng viết rằng : Quyền lực tối thượng nằm trong tay đứa trẻ. Vì sao ư ? Bởi vì quyền lực tối thượng chính là sự trong sáng. Thượng đế chỉ đến với bạn khi bạn trong sáng. Nếu bạn, khôn ranh, xảo quyệt, thì cánh cửa ấy sẽ đóng lại. Vì được sống & làm việc trong một không gian đó, cho nên bạn ấy đã có điều kiện nuôi dưỡng & giữ gìn được sự trong sáng của chính mình, thông qua việc nuôi dưỡng & giữ gìn sự trong sáng của bất kỳ một học sinh nào, bạn ấy không bao giờ gây nghi ngờ trong lòng những con người trong sáng đó, bởi vì sự trong sáng là quyền lực tối thượng. Bạn ấy sẽ không nghi ngờ và cũng không bao giờ gieo sự nghi ngờ vào trong lòng bất kỳ một học sinh nào. Bạn ấy sẽ ý thức được rằng khi niềm tin bị hủy hoại, sự trong sáng sẽ không còn nữa, khi đó nó sẽ rất, rất khó khăn cho tương lai sáng tạo của đứa trẻ. Nó giống như một chiếc gương đã vỡ, thì rất khó có thể hàn gắn lại được nguyên bản như cũ. Nếu sự trong sáng không còn nữa thì toàn bộ cuộc sống của con người sẽ mất đi CHẤT THƠ, mất đi SỰ THI VỊ của nó.

Thơ ca của VTNM từ đó mà xuất hiện. Thơ ca ở đó bởi vì thơ ca phản ánh một tâm hồn trong sáng, hồn nhiên vô tư, không có mục đích, không có mục tiêu.

Thơ ca giống như một bông hoa, bung nở không có mục đích, không có mục tiêu.

THẾ GIỚI LỒNG NHAU
DÃ QUỲ VÀNG QUÁ KHỨ
ĐI NGƯỢC VỀ MIỀN LẤT PHẤT GIỌT KHUYA
(Phía bên kia hoàng hôn)

Thơ ca giống như một dòng sông, chảy không ngừng.

ĐOẢN THƠ ANH NỒNG NÀN TUẤN TÚ
CHẢY NHƯ MỘT DÒNG SÔNG.
(Bất ngờ)

Và thơ ca giống như đại dương, ồn ào những con sóng.

PHÍA BÊN KIA HOÀNG HÔN
NỤ SÓNG NỞ RA TỪ CÁT TRẮNG
SAU MỘT ĐÊM BIỂN LẶNG
HƯƠNG TÌNH NHÂN LANG THANG CÕI NGƯỜI.
( Phía bên kia hoàng hôn)

Theo sự cảm nhận của tôi Thơ của Như Mai là một kiểu thơ rất tự do, tự do một cách tự nhiên như kiểu một khu rừng hoang sơ, rất giản dị, như cuộc sống vốn luôn chứa đựng nghịch lý, và những điều không rành mạch. Nếu cuộc sống của con người luôn chứa đựng nghịch lý và những điều không rành mạch, thì nhà thơ có thể làm gì được ?  Chỉ cần né tránh nghịch lý, bạn có thể tạo ra những bài thơ rành mạch, đơn điệu, dễ hiểu, êm tai, xuôi vần…. Nhưng chúng sẽ là giả mạo, chúng không đúng với tính toàn bộ, toàn diện, trọn vẹn của cuộc sống. Cuộc sống không tuân theo logic như kiểu Toán học. Nó là logos(*) – có nghĩa là vũ trụ. Nó chính là vũ trụ, không phải là sự hỗn loạn, nhưng nó không tuân theo logic. Vì vậy, mà khi chúng ta đọc thơ của Như Mai chúng ta bắt gặp những câu thơ rất thú vị, và cũng rất kỳ lạ như giáo sư Nguyễn Đại Hoàng đã phân tích hai khổ thơ đầu tiên của bài thơ BẤT NGỜ của VTNM, trong bài tùy bút MỘT HÔM & MỘT ĐỜI của giáo sư Hoàng, một bài viết tuyệt hay về phong cách thơ của Như Mai. Một phong cách độc nhất vô nhị, mang đậm dấu ấn của từ logos – đó là tiếng Hy Lạp cổ - có nghĩa là vũ trụ. Các bạn đọc thơ của Như Mai, chắc cũng sẽ có những cảm nhận như giáo sư Nguyễn Đại Hoàng đã viết về những câu thơ:

Một hôm ngọn lửa bất ngờ
Cơn gió khua vào chiều đỏ thẫm
Chiếc lá hè xanh đậm
Chuyển sang màu rất riêng

 Một hôm trần gian xếp lại muộn phiền
Ánh sáng len vào đêm đông
Của nhiều năm đã cũ
VÌ SAO ẨN MÌNH TRONG HƠI THỞ CỦA MÂY.
(Bất ngờ)

Chính giáo sư Hoàng đã viết : “Mây bay lang thang cuối trời tan hợp vô thường – Vậy mà còn viên dung với cả một tiếng thở dài nhân thế. Ảo mà thực vậy đó !” – Hết trích.

Rõ ràng là các yếu tố của vũ trụ đã được hòa tan vào trong các yếu tố của cõi nhân sinh và ngược lại các nhân tố của đời sống con người đã được hòa quyện vào các yếu tố của thiên nhiên, của vũ trụ, một cách hết sức tự nhiên, thoải mái không hề có sự khiên cưỡng nào hết.

NGƯỜI ĐÀN BÀ ĐẸP XINH
BƯỚC VÀO TRANG THƠ DỆT TƠ BẰNG NẮNG
QUA Ô CỬA NỘI TÂM.
(Bất chợt)

Nhưng ai hòa lẫn chúng ? Có phải là Như Mai đã làm cái việc hòa lẫn chúng hay không ? Nhiều bạn đọc có thể nghĩ Như Mai đã làm như thế, nhưng theo sự cảm nhận của tôi thì Như Mai không hòa lẫn chúng.

Chúng hiện hữu ở đó, hòa vào nhau, Vũ trụ và nhân sinh là một nhất thể, tâm  thức của con người cũng là một vũ trụ giống như vũ trụ bên ngoài, cho nên chúng dễ dàng có thể hòa vào nhau một cách tự nhiên, VTNM không có trách nhiệm về việc đó. Và bằng cách nào bạn có thể tách rời chúng nếu tự chúng đã hòa vào nhau ? Đúng là trong SGK, người ta có thể làm được, nhưng những cuốn sách giáo khoa đó là giả, là thế giới ảo, dùng để dạy cho HS phổ thông mà thôi. Về cơ bản một tuyên bố logic là giả, bởi vì nó không thể tuyên bố về cuộc sống được. Trong THƠ CA thì nhà thơ không thể làm, và cũng không nên làm như SGK, bởi vì Thơ ca là một tuyên ngôn về cuộc sống, và một tuyên ngôn về cuộc sống sẽ không logic, bởi vì cuộc sống tồn tại thông qua những mối quan hệ của vũ trụ nhân sinh, nhà thơ chỉ là người sử dụng nó để viết lên một bài thơ mà thôi. Và bạn đọc cũng cần phải hiểu sự khác biệt giữa logos và logic. Logic chỉ là một học thuyết về điều gì đó đúng, còn logos tự nó đã là chân lý. Logos là hiện hữu, là thực tại, còn logic là không hiện hữu; logic thuộc về lý trí, thuộc về lý thuyết, thuộc về thế giới ảo. Chúng ta cần phải phân biệt thật rõ hai điều này nhé. Nhà thơ chỉ là một người sống đúng với cuộc đời của chính mình, cho dù cuộc sống ấy là gì đi chăng nữa, thì nhà thơ cũng chỉ đơn giản là tường thuật lại nó theo sự cảm nhận riêng có của mình. Nhà thơ không có học thuyết về cuộc sống, nhà thơ không phải là người tạo ra hệ thống – Nhà thơ chỉ là một tấm gương soi. Nhà thơ chỉ mô tả cuộc sống theo cách vốn có của nó. Cuộc sống của vũ trụ nhân sinh vốn đã vô cùng tinh tế, phong phú đa dạng về hình ảnh, âm thanh, sắc màu,…… Thì tâm hồn của nhà thơ cũng phải phản chiếu được đến tất cả mọi sự tinh tế đó. Dù cho bạn đọc mới tiếp cận có thể cho rằng thơ của Như Mai hơi khó hiểu. Nếu muốn cảm nhận được thơ của Như Mai, nhiều khi bạn đọc cần phải có một bản thể khác, một bản thể hồn nhiên, trong sáng, ngoài những thứ kiến thức mà mình đã có, bạn cần phải biến đổi bản thể của mình, giống như một nhà sư phạm phải thay đổi bản thân mình để có thể thật gần gũi với học sinh của mình, cùng chơi vui với học trò, để có thể tìm cách truyền thụ những kiến thức, kỹ năng một cách tốt nhất cho học sinh của mình.

LÊ VĂN CHUNG.


(*) Logos là tiếng Hy Lạp cổ, có nghĩa là vũ trụ, đã được các nhà hiền triết của Hy Lạp cổ như: Socrates, Heraclitus,….. sử dụng nhiều trong các sách viết về họ.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023