SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

Ngàn ánh dươngrực rỡ

Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 40

Laila

Mùa thu 1999

Vụ đào lỗ là ý của Mariam. Một buổi sáng, Mariam chỉ miếng đất sau nhà kho và nói: “Ðào ở đây được đó. Chỗ này tốt.”

Họ thay phiên nhau dùng xẻng đập tơi đất rồi xúc đổ qua một bên. Họ không tính đào lỗ lớn hay sâu, nên công việc đáng lẽ không đòi hỏi nhiều sức như thế. Lúc đó cơn hạn hán, khởi đầu từ năm 1998 giờ đang bước sang năm thứ hai, đang tàn phá khắp nơi. Mùa đông năm trước hầu như không có tuyết và mùa xuân năm đó chẳng có giọt mưa nào. Trên khắp nước, nông dân bỏ đất khô cằn của họ, bán đồ đạc, kéo đi từ làng này sang làng khác để tìm nước. Họ đi qua Pakistan hay Iran. Họ kéo đến Kabul. Nhưng trong thành phố mực nước cũng thấp, và mấy cái giếng không sâu cũng đã cạn nước. Ở các giếng sâu, người ta xếp hàng dài đến độ Laila và Mariam phải chờ mấy tiếng đồng hồ mới tới phiên mình. Sông Kabul cạn queo, vì không bị lũ lụt vào mùa xuân như hàng năm. Giờ sông trở thành cầu tiêu công cộng, không có gì ngoài phân người và gạch vụn.

Vì thế, hai người cứ tiếp tục quơ xẻng đập đất, nhưng mặt đất khô nứt nẻ vì nắng đã trở nên cứng như đá.

Mariam giờ đây đã bốn mươi tuổi. Mái tóc bới cao đã có nhiều chỗ bạc. Dưới mắt, hai túi thịt hình trăng lưỡi liềm thâm quầng chảy xệ. Mariam đã mất hai cái răng cửa. Một cái tự rụng, cái kia do Rasheed đánh gẫy lúc nàng vô tình làm té bé Zalmai. Làn da của Mariam đã trở nên thô xệ và xạm nắng do ngồi nhiều ngoài sân dưới cái nắng thiêu đốt. Laila và Mariam thường ngồi nhìn Zalmai chạy đuổi Aziza.
Xong việc, họ đứng nhìn xuống cái lỗ đã đào.

“Chắc được rồi,” Mariam nói.

Zalmai lúc đó hai tuổi. Nó là một thằng bé tròn trịa, tóc quăn. Mắt nó nhỏ, màu nâu, và đôi má nó lúc nào cũng hồng hồng, giống như Rasheed. Tóc nó cũng giống cha nó, dầy và chân tóc vòng thấp xuống trán.

Lúc chỉ có Laila với nó, Zalmai dễ thương, vui vẻ chơi đùa. Nó thích leo lên vai Laila, chơi trò cút bắt ngoài sân với Laila và Aziza. Ðôi khi, những lúc nó không quậy, nó thích ngồi trên lòng Laila và bắt cô hát. Bài hát nó thích nhất là “Mullah Mohammad Jan.” Trong khi Mariam vùi mặt vô mái tóc quăn của nó và hát thì nó chòi đạp hai bàn chân nhỏ mập núc ních, và tới đoạn điệp khúc thì hát theo vài chữ với giọng khàn khàn:

Hãy đến để cùng đi Mazar, Thầy Muhammad ơi.
Ðể xem những ruộng hoa uất kim hương, ôi bạn đồng hành thân mến.

Laila yêu những nụ hôn ướt Zalmai đặt lên má cô, yêu hai khuỷu tay lúm đồng tiền và mấy ngón chân nhỏ nghịch ngợm của nó. Laila thích chọc nhột Zalmai, thích làm đường hầm bằng nệm và gối cho nó bò qua, thích nhìn nó ngủ trên tay cô trong khi một bàn tay của nó còn nắm chặt tai cô. Mỗi lần nhớ tới cái buổi trưa mình nằm dưới đất với cái căm xe đạp giữa hai đùi, Laila thấy buồn nôn. Chút xíu nữa. Giờ nghĩ lại, Laila không tưởng tượng được vì sao mình đã có ý tưởng đó. Con trai cô là một ân phước, và Laila đã nhẹ nhõm thấy những lo sợ của mình là vô căn cứ, thấy mình thương Zalmai vô bờ bến, như thương Aziza vậy.

Nhưng Zalmai tôn thờ cha nó và vì thế mỗi khi có mặt cha nó và nó được cưng chiều là nó  thay đổi hoàn toàn. Nó dễ dàng ré lên hoặc cười hỗn. Có mặt cha nó, Zalmai dễ phẫn nộ và làm mặt giận hờn. Nó rất hư, dù Laila có la mắng, chứ không ngoan như lúc vắng mặt Rasheed.

Rasheed chấp nhận mọi thói hư của Zalmai. “Dấu hiệu của sự thông minh,” y bảo. Y cũng nói vậy khi Zalmai làm ẩu như nuốt vô miệng rồi tiêu ra những hòn bi, đốt diêm quẹt hay nhai mấy điếu thuốc lá của Rasheed.

Lúc Zalmai sinh ra, Rasheed cho nó vô ngủ chung phòng với y và Laila. Y mua cho nó cái nôi mới và mướn thợ vẽ hình sư tử và beo lên hai bên vách nôi. Rasheed mua quần áo mới, chai sữa mới, tã mới, mặc dù nhà không có tiền và đồ đạc cũ của Aziza vẫn còn xài được. Một hôm, y mang về một món đồ chơi quay vòng vòng, chạy bằng pin, và treo lên trên nôi của Zalmai. Mấy con ong nghệ màu vàng đeo lủng lẳng trên cái hoa hướng dương và kêu vo ve khi bóp vô. Vặn lên, nó phát ra tiếng nhạc.

“Tôi tưởng ông buôn bán ế ẩm,” Laila nói.
“Bạn bè cho mượn tiền,” Rasheed nói cộc lốc.
“Làm sao trả?”
“Mọi sự rồi sẽ êm đẹp trở lại. Xưa giờ vẫn thế. Coi kìa, nó thích quá.Thấy không?”

Hầu hết thời gian, Laila không được gần con trai mình. Rasheed đem Zalmai ra tiệm, cho nó bò quanh dưới cái bàn làm việc bừa bộn của y, chơi với mấy cái đế giầy cao su cũ và mấy miếng da dư. Rasheed mang móng tay sắt vô và quay bánh xe bọc giấy nhám, mắt không quên canh chừng Zalmai. Nếu Zalmai làm đổ một giá giầy, Rasheed nhẹ nhàng vừa cười vừa mắng một cách từ tốn. Nếu nó làm nữa thì Rasheed đặt búa xuống, bế nó đặt lên bàn và nhỏ nhẹ nói.

Sự kiên nhẫn của Rasheed đối với Zalmai như cái giếng sâu không bao giờ cạn nước.

Buổi tối, hai cha con chở nhau về nhà, Zalmai ngả đầu dựa vô vai Rasheed, cả hai đầy mùi keo và da. Hai người kín đáo cười với nhau như có điều riêng bí mật, như thể cả ngày họ ngồi trong tiệm giầy mờ mờ tối đó chẳng phải để đóng giầy mà để nghĩ ra những âm mưu bí mật. Tới bữa cơm tối, Zalmai thích ngồi cạnh cha nó để chơi những trò riêng, trong khi Mariam, Laila và Aziza dọn cơm. Hai cha con thay nhau chọc vô ngực người kia, cười khúc khích với nhau, chọi nhau những mẩu bánh mì vụn, thì thầm với nhau những điều người khác không nghe được. Nếu Laila nói điều gì với hai cha con thì Rasheed nhìn lên với vẻ không hài lòng như thể bị phá đám. Nếu Laila đòi bế Zalmai - hoặc tệ hơn nữa, nếu Zalmai đưa tay đòi Laila bế - thì Rasheed trừng mắt nhìn cô. Laila bỏ đi mà đau nhói trong lòng.

Rồi một buổi tối, vài tuần sau khi Zalmai lên hai, Rasheed đi làm về mang theo một cái truyền hình và một máy video. Cả ngày hôm đó trời nóng, nhưng buổi tối đã dịu mát và hứa hẹn đêm lạnh, không sao.

Rasheed đặt máy xuống bàn trong phòng khách, nói mua ở chợ trời.

“Lại mượn tiền hả?” Laila hỏi.
“Máy Magnavox.”

Lúc đó Aziza bước vô phòng. Nhìn thấy cái truyền hình, nó chạy tới.

“Cẩn thận, Aziza,” Mariam bảo. “Ðừng sờ vô.”

Tóc Aziza đã trở nên vàng như tóc Laila, má lúm đồng tiền giống Laila. Aziza đã trở thành một cô bé trầm tĩnh, suy tư, với cử chỉ mà theo Laila già dặn hơn số tuổi lên sáu của nó. Laila phải thầm phục cách nói chuyện của con gái mình, âm điệu nhịp nhàng của giọng nói, cách ngắt câu và lên xuống giọng đúng nghĩa, thật chững chạc và khác biệt với cơ thể chưa trưởng thành của nó. Chính Aziza đã vui vẻ tự nhận trách nhiệm đánh thức Zalmai mỗi ngày, thay quần áo, cho ăn điểm tâm, chải tóc cho Zalmai. Aziza cũng là người dỗ cho Zalmai ngủ trưa, điềm tĩnh hòa giải với đứa em dễ chứng của mình. Lâu ngày, Aziza có thói quen lắc đầu bực bội như người lớn khi có Zalmai quanh quẩn.

Aziza nhấn nút mở truyền hình. Rasheed cau có chụp cổ tay Aziza, kéo đặt lên bàn một cách chẳng nhẹ nhàng chút nào.

“Cái truyền hình này là của Zalmai,” y nói.

Aziza chạy đến Mariam và ngồi vào lòng nàng. Bây giờ hai người đã rất thân, không lúc nào rời nhau. Gần đây, được Laila cho phép, Mariam đã bắt đầu dạy kinh Koran cho Aziza. Aziza đã có thể đọc thuộc lòng Kinh Mở đầu, Kinh Chân thành, và đã biết làm bốn lễ khi đọc kinh buổi sáng.

Chị chỉ có bấy nhiêu cho cháu, Mariam đã nói thế với Laila, những điều chị biết này, những kinh kệ này. Ðó là sở hữu đích thực và duy nhất của chị.

Lúc đó Zalmai bước vô phòng. Trong khi Rasheed háo hức theo dõi, cái kiểu người ta chờ đợi những trò thật đơn giản ở những người ảo thuật gia dạo, Zalmai kéo kéo sợi dây của máy truyền hình, nhấn hết mấy cái nút, áp bàn tay lên màn ảnh. Khi nó nhấc bàn tay lên, hơi của bàn tay nhỏ xíu mờ dần trên mặt kính. Rasheed mỉm cười hãnh diện và cứ thế theo dõi Zalmai áp lòng bàn tay rồi nhấc lên, cứ thế liên tục không ngừng.

Quân Taliban đã ra lệnh cấm coi truyền hình. Băng hình bị công khai đục hư, phim bị xé đứt, băng xâu treo trên hàng rào. Dĩa vệ tinh thì treo lên cột đèn. Tuy nhiên Rasheed nói, những thứ đó chỉ bị cấm chứ không có nghĩa là không tìm mua được.

“Ngày mai tôi sẽ đi kiếm vài cuốn băng hoạt họa,” y bảo. “Ðâu có gì khó. Thứ gì mà không mua được ở mấy cái chợ chui.”
“Vậy ông mua cho cả nhà một cái giếng nước mới đi,” Laila nói, và nhận được một cái nhìn khinh miệt của Rasheed.

Lâu sau đó, sau bữa ăn tối lại chỉ có cơm trắng và không có trà để uống vì lý do hạn hán, sau khi Rasheed đã hút xong điếu thuốc, y mới nói cho Laila biết quyết định của y.

“Không,” Laila nói.

Rasheed bảo y không yêu cầu.

“Tôi không cần biết ông yêu cầu hay không.”
“Sẽ cần nếu cô biết hết câu chuyện.”

Rasheed kể y đã mượn tiền của bạn bè nhiều hơn y nói, tiền từ tiệm giầy không còn đủ để nuôi năm người họ. “Tôi đã không nói để cô khỏi phải lo.”

“Vả lại,” y bảo, “cô sẽ ngạc nhiên khi biết kiếm khá lắm.”

Một lần nữa, Laila nói không. Hai người đang ở trong phòng khách. Mariam và hai đứa nhỏ thì ở dưới bếp. Laila nghe tiếng chén đũa chạm nhau, tiếng cười the thé của Zalmai, giọng bình thản của Aziza nói gì đó với Mariam.

“Ðông đứa như nó lắm, sợ còn nhỏ hơn nó nữa,” Rasheed nói. “Mọi người ở Kabul này đều làm như vậy.’’

Laila bảo cô không cần biết những người khác đối xử với con của họ như thế nào.

“Tôi sẽ trông chừng nó,” Rasheed đã bắt đầu bớt kiên nhẫn. “Chỗ góc đó an toàn lắm. Có giáo đường Hồi bên kia đường.”
“Tôi sẽ không để ông biến con gái tôi thành một kẻ ăn xin ngoài đường!” Laila cắt ngang.

Cái tát tai đánh bốp vang lên thật lớn, lòng bàn tay với những ngón to dày chạm mạnh thẳng vô má của Laila, đánh hất đầu cô qua, làm điếc những âm thanh từ nhà bếp. Một khoảnh khắc, căn nhà im lặng hoàn toàn. Sau đó, một loạt tiếng chân ngoài hành lang trước khi Mariam và hai đứa nhỏ xuất hiện nơi phòng khách, mắt hết nhìn từ Rasheed lại sang Laila.      

Rồi Laila đấm Rasheed.

Ðó là lần đầu tiên Laila đánh một người, không kể những lần cô và Tariq đùa giỡn đánh nhau. Thật ra đó là những cái vỗ nhẹ hơn là những cú đấm, là những biểu hiệu thân thiện và thoải mái để dấu đi sự bối rối và hồi hộp của hai đứa, và chỉ nhắm vào bắp thịt mà Tariq gọi một cách chuyên môn là bắp vai.

Laila nhìn theo bàn tay nắm chặt của mình xé không khí bay đến chạm vào làn da nhăn nheo, sần sùi và thô cứng của Rasheed. Âm thanh phát ra như bịch gạo rơi xuống đất. Laila đấm trúng Rasheed khiến y lảo đảo lùi hai bước.

Từ đầu kia căn phòng phát lên một tiếng thở hổn hển, một tiếng kêu nhỏ và một tiếng thét. Laila không biết người nào đã phát ra tiếng động nào. Lúc đó, chính cô cũng bất ngờ quá nên không màng đến, chỉ đợi cho trí mình bắp kịp những gì bàn tay mình đã làm. Khi đó, hình như Laila đã mỉm cười. Có thể cô đã cười toe khi thấy Rasheed thản nhiên bước ra khỏi phòng trước sự ngạc nhiên của cô.

Ðột nhiên Laila cảm thấy như thể những khổ sở mà họ cùng gánh chịu trong cuộc đời của họ - cô, Aziza, Mariam - tự nhiên tan biến, như dấu bàn tay Zalmai bốc hơi tan biến trên màn ảnh cái truyền hình. Như thể tất cả những chịu đựng của họ, cho dù đây chỉ là một ý nghĩ vô lý, cũng đáng để có được giây phút huy hoàng này, có được hành vi thách thức này sẽ làm chấm dứt mọi khổ đau của họ do bị đối xử thiếu nhân cách.

Laila không hay Rasheed đã trở vô phòng. Cho đến khi bàn tay của y đặt lên cổ họng của cô. Cho đến khi cô bị nhấc bổng lên và quăng vô tường.

Ở gần, gương mặt chế nhạo của Rasheed trông to không thể tưởng. Laila nhận thấy mặt Rasheed ngày càng phệ ra, các mạch máu nhỏ càng chằng chịt. Rasheed chẳng nói gì. Mà thật sự có gì để nói, có gì cần phải nói, khi mình đã kê nòng súng vô miệng vợ mình?

Tại vụ xét nhà đột ngột mà Mariam và Laila phải ra vườn đào lỗ. Mấy vụ xét này đôi khi xảy ra hàng tháng, có khi hàng tuần. Thời gian gần đây, hầu như hàng ngày. Phần lớn, quân Taliban tịch thu đồ đạc, đá đít người này, quất gậy vô đầu người nọ. Nhưng đôi khi cũng có những trận đánh đập trước công chúng, quất roi vô gan bàn chân và bàn tay.

“Nhẹ nhẹ,” Mariam đang nói, hai đầu gối quỳ bên mép lỗ. Họ hạ cái truyền hình xuống lỗ bằng cách mỗi người nắm một bên tấm nhựa bọc cái truyền hình.
“Chắc được rồi,” Mariam bảo.

Xong việc, họ phủi đất và lấp kín cái lỗ. Họ ném chút đất lên chung quanh để tránh nghi ngờ.

“Xong,” Mariam nói, chùi tay vô áo.

Hai người đã đồng ý với nhau, khi nào an toàn, một hai tháng hay sáu tháng nữa, khi quân Taliban bớt đi xét, họ sẽ đào và đem cái truyền hình lên.

Trong giấc mơ, Laila thấy mình và Mariam lại ra sau nhà kho đào đất nữa. Nhưng lần này, họ hạ Aziza xuống lỗ. Hơi thở của Aziza làm mờ hết tấm nhựa họ quấn nó. Laila nhìn thấy đôi mắt hoảng loạn của con bé, lòng bàn tay trắng bệch của nó đập, đẩy tấm nhựa ra. Aziza van xin. Laila không nghe được tiếng hét của nó. Chốc lát thôi, Laila nói xuống, chốc lát thôi. Họ đang đi xét con ơi. Chốc nữa xong, mẹ và dì Mariam sẽ đào đem con lên. Mẹ hứa. Rồi mình sẽ chơi đùa. Chơi hết những trò con muốn. Laila xúc đất đầy cái xẻng. Lúc những cục đất đầu tiên đập vô tấm nhựa, Laila bừng tỉnh dậy, hổn hển thở, miệng đắng vị đất.

(còn tiếp) 

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023