SỐ 97 - XUÂN QUÝ MÃO - THÁNG 1 NĂM 2023

Tuổi thơ trong trẻo

Tôi nghĩ, thân thể con người như trái banh, mỗi trái thuộc vào trận túc cầu có tầm cỡ thế giới hay tầm tầm cấp xóm. Nhưng dù có thế nào đi chăng nữa, đã là trái banh thì nó phải lăn từ góc sân này sang góc sân khác. Khi được bơm căng, làn da bóng mẩy, trái banh phóng vút lên tận trời xanh, chấp chới với ngàn sao, vi vu với gió núi, hênh hoang cùng mây trời. Đến khi hết thời, xì hơi, trái banh bẹp dí còn trơ lại lớp da nhăn nheo, bị ruồng rẫy quăng ở góc giường.

Tôi thẩm định ‘trái banh tôi’ thuộc dạng nào. Cấp xóm hay cấp tỉnh, cấp quốc gia còn không dám nghĩ tới, cấp thế giới chỉ là mơ ước viển vông. Dù vậy, con người đôi lúc tự huyễn hoặc mình, bởi trí tưởng tượng thì vô bờ bến, trôi lướt thướt như gió, bềnh bồng như mây, thênh thang như ngàn sao trên trời lúc trời trong, quang mây.

Nhưng cứ để cho trí tưởng tượng mênh mông quá thì cũng hỏng, cần thẩm định giá trị trái banh này ở một giới hạn nào đó cho vừa tầm tay nắm. Mỗi khi nhắm mắt, xuôi tay thì cũng an lòng, mát dạ.

Trong lòng tôi mãi đến bây giờ vẫn hàm ân sâu sắc với má tôi, người tuy dốt chữ vẫn có cái nhìn xa trông rộng, gửi đứa con mình đến một nơi nào đó để khai mở thêm một điều gì đó, theo thiển ý của bà, muốn đục thủng khối bê tông thì cần những dụng cụ sắc nhọn, dụng cụ đa năng bao nhiêu thì khối bê tông càng nhanh vỡ bấy nhiêu. Tuy vậy, bà vẫn dè chừng mặt trái của nó nên đã luôn tìm mọi biện pháp phòng ngừa từ xa. Lối giáo dục của bà hẳn đã đi trước thiên hạ vài ba chục năm. Hẳn nhiên, với phương pháp giáo dục thời hiện đại đã tiến triển vượt bậc so với thời đại của bà, nhưng không vì thế mà phương pháp của bà lại kém hiệu quả. Chương trình học cho thằng con yêu của mình, mà theo bà, nó có chỉ số thông minh thấp, trí nhớ lại kém, cài đặt phần mềm vào óc não của nó bằng tính tự hào gia tộc. Lòng tự hào gia tộc bắt nguồn từ nhiều gốc rễ sâu xa, những con người thành đạt, những vị anh hùng của một thời xa lắc, xa lơ. Những thành tích của họ gởi lại cho thế hệ bà bằng lối truyền miệng, gia phả ghi chép tùy theo ngẫu hứng của từng thế hệ, và mỗi thế hệ đôi khi thêm hoặc bớt một vài chi tiết nào đó cho phù hợp với thời đại mà mình đang sống. Nên khi gặp hoàn cảnh khắc nghiệt cũng không phương hại đến truyền thống ngàn đời của một gia tộc. Tính tự hào gia tộc đó tôi biết khi còn là một đứa bé đi lửng thửng quanh sân, biết nhìn ngắm bầu trời, đếm một ông sao sáng, hai ông sáng sao, mây cứ mãi bay la đà và cứ ngẫm ngợi vì sao mưa không rơi lên mà lại xuống!

Thằng bé còn mãi ngắm nghía, nhìn quanh với bao điều ngạc nhiên thú vị thì bà cứ thuyết pháp tràng giang đại hải về dòng dõi gia tộc. Khi men say bốc lên, bà lại xử dụng nhiều đại danh từ danh xưng quá đỗi kiêu hùng, biểu thị tấm lòng tôn kính đối với tổ tiên, bà lại dùng nhiều mỹ từ quá đỗi lộ liễu, vượt xa những khả năng các vị tiền nhân đáng được hưởng. Khi tính bốc đồng kịp lắng xuống, bà nhìn lại điều mình vừa nói, cảm thấy ân hận đôi chút. Nhưng lời nói gió bay hồ dễ nắm bắt lại được, vì thế nó cứ bay, bạ đâu bám đó, như một thứ rong rêu đã bám thì cứ bám sâu, lan rộng.

Nhỉnh hơn bảy tám tuổi, tôi bị “đá lăn” vào thành phố Nha Trang. Chữ đá lăn này viết cho nó bi thảm, cho phù hợp với trái banh mà tôi đã ví cho cái thân phận cho mỗi con người. Thực ra là tôi được đi học hẳn hoi. Học ở ngôi trường chùa, ngôi chùa nằm gọn thỏn ở một góc đường nhỏ, gần chợ Đầm Nha Trang hoa lệ.

Lớp học nằm ở hậu đường, hai dãy bàn được kê sin sít nhau. Học trò học chung từ lớp năm đến lớp nhất, tức lớp một đến lớp năm bây giờ. Thầy giáo già, người tầm thước, nghiêm nghị. Mỗi khi đến lớp, thầy đội khăn đóng, mang đôi giày tây, mặc áo lụa màu đen trông sang trọng, đạo mạo. Thằng Cu con chạy dạt vào thành phố, lúc đầu còn bỡ ngỡ, sau quen dần. Tôi được thầy xếp vào lớp nhất, học ca trưa. Chú Sáu đưa tôi đến trường, nói dăm ba câu lấy lệ, câu chuyện không có gì mặn mà cho lắm.

“Nhờ thầy dạy cháu dăm ba chữ, biết đọc, biết viết, biết làm tính chút đỉnh rồi về đi biển. Trăm sự trông cậy vào thầy!”

Nhà chú ở xóm Cồn, những ngôi nhà chồ (ngôi nhà dạng như nhà sàn người miền núi) chạy dọc theo ven bãi. Những mùa giông bão, các con sóng lã chã dưới chân sàn. Gặp mùa nước lũ, con sông Cái từ Thành dội về, màu nước đục ngầu, hung hãn, nó có thể cuốn mọi thứ trôi ra biển. Vì vậy, có năm chú tôi chuyển nhà đến hai ba lần. Những con nước lũ không đáng sợ bằng con sóng, mỗi khi gặp mùa giông gió, các con sóng dồn dập dưới chân sàn, căn nhà chuyển mình run rẩy, bọt trắng văng tung tóe lên lớp ván thưa. Gặp bữa cơm, nước biển trộn lẫn vào thức ăn, mặn chát!

Đứng bên cầu Bóng nhìn sang, Xóm Cồn tựa như mu bàn tay. Cái mu bàn tay này không có ranh giới nhất định, năm này cát được bồi lấp ở mô cửa biển thì năm khác lại xóa đi, bãi bờ lớn nhỏ đều tùy thuộc vào con sóng. Xóm dành cho dân tản cư từ các làng xã miền trung (Quảng Ngãi, Bình Định) xô dạt vào, bật bựa nhau mà sống, cắm trụ làm nhà ở bất cứ mô đất nào có thể, trụ tre, ván ép nhẹ lại dễ di dời.

Tâm trạng của một người đứng trên cầu Hà Ra nhìn xuống dòng nước xoáy, hẳn tôi chưa đủ bản lĩnh nhảy xuống để cho dòng nước cuốn trôi, rồi sau đó ghi lại mọi diễn biến tâm lý lúc đó như thế nào. Nhưng dù gì đi nữa, tôi vẫn tự cho mình là dân thành phố, năm bảy năm qua những con đường cũ, qua ngôi trường chùa nhỏ nhắn bên góc đường chợ Đầm sầm uất.

Nhỉnh hơn bảy tám tuổi, tôi học lớp nhất, so với tuổi đồng lứa là quá trễ. Tuy vậy, tôi học không đến nổi nào, lại to con lớn xác nên thầy cử làm lớp trưởng, quản lý hơn mươi đứa học trò lớn nhỏ học xen nhau. Tôi giúp đỡ những công việc lặt vặt mỗi khi thầy đi vắng, nhắc nhở học trò nào có hành vi gây mất trật tự hoặc vứt rác bừa bãi làm ô nhiễm ngôi chùa. Lại một đặc ân nữa là đươc thầy cấp cho một quyển sổ tay ghi lại mọi diễn biến trong quá trình học tập, vui chơi, nhắc giùm thầy những trò lười học, tiền đóng học phí quá trễ. Từ khi có quyển sổ tay, tình trạng ăn quỵt tiền học phí có giảm chút ít. Tôi làm công việc này với tinh thần trách nhiệm cao, nhiệt tình, năng nổ nên nhiều lần được thầy tuyên dương trước lớp, và dĩ nhiên, một năm có đôi ba tháng được thầy miễn giảm học phí cho.
Tâm lý “trâu buộc ghét trâu ăn” xưa nay vẫn vậy, được lòng vua chúa thì mất lòng dân đen, cả ngàn năm nay tâm lý đó không mất đi đâu. Tính ghen ghét ngấm ngầm, lòng đố kỵ mỗi lúc một chín muồi giữa tôi và lũ học trò đồng trang lứa. Mặc dù được thầy cưng chiều và được một số bạn làm vây cánh, nhưng tôi vẫn luôn e dè, cảnh giác cao độ. Đánh với nhau từng đứa thì tôi không sợ, nhưng điều tôi lo lắng nhất là chúng có thể phóng dao từ xa, ném đá què giò khi tôi đi học ca trưa.

Tôi đi học ca trưa nhưng bao giờ cũng đi sớm, thường len lỏi vào khu chợ để được ngắm hàng hóa đủ mọi chủng loại. Nhìn chúng mà tôi mủi lòng cho món hàng quá nghèo nàn của má tôi ở quê. Hàng hóa họ bày la liệt, món quý, đắt giá được chủ nhân bày biện trong tủ kính. Những món ít tiền, hàng kém chất lượng, và để cho thoáng chỗ, họ bày biện ra cả lòng lề đường, choáng chân người đi bộ. Đôi khi sợ va quẹt vào các món hàng, khách hàng ké né, nhường đường cho nhau nếu gặp nơi quá chật. Khi đi qua khu chợ, tôi thường dè chừng túi tham ở phía sau ót, nếu chúng dở chứng thì thật phiền toái, dằn tà tâm thật chắc phòng ngừa chứng nổi hứng thì hết đường mà chạy.

Qua những gian hàng người Hoa, tôi thường đi chậm, bởi hàng hóa của họ thật đa dạng. Kế nữa là gian hàng người Chà Và da đen (Ấn Độ), nhìn họ tôi liên tưởng đến khúc dạo đầu cho các loại phim chưởng quảng cáo cho hãng kem đánh răng hynos thường chiếu ở rạp cinema Tân Tân.

Nhìn bộ dạng thằng bé con thường mặc bộ pi gia ma màu xám nâu, chân đi đôi dép nhựa, đầu ít khi đội nón và tóc không khi nào được gội bằng xà bông thơm nên luôn bốc mùi khét nắng, nhờn nhợn. Sách vở cắp vào nách hay nhét vào túi quần trông rất điệu nghệ, lối học đòi của các bậc đàn anh ở các trường trung học, thỉnh thoảng bắt chước họ, tôi cũng thử món thuốc lá. Nói đến món thuốc lá thì khỏi bàn, nó thật đa dạng, toàn loại xịn. Marlboro có mùi thơm nhẹ, Capstan nặng gắt, Salem dành cho kẻ mới tập tò hoặc cho phụ nữ, các cô nàng làm vui cho những anh lính chiến xa nhà, trút nỗi cô đơn vào những đêm dài truy hoan ở các quán bar, góc phố tranh tối tranh sáng.

Ngày này qua tháng nọ, tôi đi về qua con đường cũ, len lõi vào cảnh hào nhoáng hoa lệ của phố xá, giữa các đôi mắt dè chừng của các bậc mệnh phụ phu nhân, các bậc bề trên thường ngồi trên bộ ghế salon sang trọng, phơi cái bụng căng tròn, no đủ. Mặc dù vậy, tôi vẫn không phiền lòng, vì bởi trong tâm trí tôi luôn chứa đựng một niềm tin mãnh liệt, niềm tin đó được dẫn dắt từ niềm tự hào gia tộc, từ những lý thuyết công bằng xã hội, làm tùy sức ăn tiêu tùy cầu, một thế giới đại đồng, là mùa xuân của nhân loại, một thiên đường vĩ đại được các con người vĩ đại viết ra. Tôi đã hình dung nó từ mọi lúc, mọi nơi bởi lối kể chuyện trực ngôn, tẩy não của má hoặc bà tôi ở quê. Lối dùng chữ của bà thật sâu sắc, cao siêu so với lứa tuổi của tôi, lúc đó tôi không hiểu nó ra làm sao nhưng luôn tồn tại trong nếp nhăn vỏ não.

Tôi gửi lại thời tuổi thơ trong trẻo của mình vào thành phố Nha Trang hoa lệ, với bao nhiêu nỗi buồn, niềm vui. Thành phố có những con đường không dài lắm, những ngôi nhà trắng thời Pháp thuộc, viện Pasteur, đường Yersin, có những ngôi nhà trồng nhiều hoa sứ mà mùi thơm mãi bây giờ vẫn còn quyện vào tuổi thơ tôi, một thằng bé trông như thằng du thủ du thực bật bựa dưới màn đêm vẫn thèm nghe tiếng lạo xạo bởi những viên sỏi lối đi trong nhà của ai đó, ngôi nhà được xây bởi tường rào cao ngút đầu, trong đó tiếng đàn ghi ta bập bùng lan tỏa.

“Ê nhỏ, lại biểu mậy!”

Tiếng gọi the thé như tiếng còi xe tải giậm giựt phía sau. Tôi hoảng hốt, nhớn nhát quay lại. Một bóng đen mặc áo đen, đội mũ tai bèo, mang dép râu như hung thần từ bóng tối hiện ra, cái bóng liêu xiêu hắt ra từ bóng đèn như nuốt chửng lấy thằng bé.

“Mầy làm gì ở đây?”
“Dạ..dạ..cháu !”
“Dạ dạ gì mầy. A lá la, tao nhớ cái bản mặt mày rồi, mày ở xóm Cồn phải không?”
“ Dạ... dạ đúng đấy, chú Sáu.”
“Đúng, đúng gì mậy, đúng cái con cặc ấy, ai quen biết gì mầy mà chú với cháu. Đêm hôm mầy la cà tới đây là tao biết ý đồ gì rồi, mày đừng nói vớí tao rằng mầy đi hóng mát, đi khuây khỏa. Tao thì tao đi guốc trong bụng mầy.”
“Dạ dạ cháu…”

Gã áo đen không để tôi phân trần, giải thích chi cả. Gã ép sát tôi vào vách, hai tay gã sờ soạng lung tung, nắn bóp chim chuột tôi không từ một bộ phận nào trong cơ thể. Chừng như không thấy gì khả nghi, gã tặng tôi bợp tai.

“Đi mậy, lần sau mầy còn lớ rớ nơi đây thì liệu cái thần hồn. Lù đù như thằng Việt Cộng con nằm vùng.”

Gã áo đen này tôi biết rõ. Gã thứ sáu tên Lá, một cán bộ xây dựng nông thôn (ở thành phố thì làm gì có như nông thôn để mà xây dựng). Một hung thần đen của xóm Cồn, thường mặc bộ đồ bà ba đen, chân mang dép râu, cái mũ đen lụp xụp quá trán, đôi mắt ẩn sau tròng kính đen thì đố ai biết, ai lường gã suy nghĩ gì trong đó.

Tâm lý trẻ con dễ tha thứ, mau quên. Mọi việc dù to tát như trời nhưng khi lướt qua đôi mắt trẻ thơ nó bỗng trở nên vụn vặt, nhỏ nhoi. Nhưng có những hành động thiếu cẩn trọng của người lớn, những câu nói vu vơ, vô bổ tưởng như gió thoảng qua mành nhưng đôi khi lại gây ấn tượng rất sâu. Tôi không phiền lòng vì cái bợp tai của ông Sáu Lá nhưng tôi thật sự phiền lòng vì lời vu khống của gã. Nỗi bồn chồn, lo lắng về cái thằng “Việt Cộng Con” nằm vùng đó cứ mãi vương vấn trong tâm hồn tôi.

Sau nhiều năm trôi qua, Gã Sáu Lá vẫn còn ghi trong tâm trí tôi, một vết đen khó phai nhòa. Tôi không nhớ khuôn mặt, nhưng lại nhớ nhiều về câu nói. Người ta thường nói: “Lời nói gió bay”. Lời cứ bay, bay mãi nhưng khi gặp mảnh đời tương tự thì nó lại dừng, như điểm hội ngộ, vui thì không nhiều nhưng nỗi buồn lại càng lớn thêm lên. Niềm vui, nỗi buồn như không hẹn trước, cảm giác vui buồn đôi khi trộn vào nhau, mùi vị dễ đánh lừa ta, ngọt bùi cay đắng khi đến hẹn thì lấy nó ra như lấy đồ trong túi.

Nguyễn Thanh Sơn

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023