SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

LỜI NHẠC "SÀI GÒN ƠI! VĨNH BIỆT" LÀ MỘT BÀI THƠ TUYỆT BÚT

(Bài viết của Vinh Hồ)

I. "SÀI GÒN ƠI! VĨNH BIỆT" LÀ NHẠC PHẨM RA ĐỜI ĐẦU TIÊN VÀ NỔI TIẾNG SỚM NHẤT TẠI HẢI NGOẠI SAU 1975:

Trước ngày thất thủ, Sài Gòn căng như sợi dây đàn. Ngày 26/4/1975, nhạc sĩ Nam Lộc rất tình cờ, đã được một ân nhân chở lên phi trường Tân Sơn Nhất, lúc đó đã có cả ngàn người VN chen chúc bên ngoài trụ sở cơ quan DAO chờ gọi tên lên máy bay di tản sang Hoa Kỳ.

Rạng sáng ngày 28/4/1975, NS Nam Lộc lên chiếc máy bay C-130 sang HK. Sang HK, ông sáng tác nhạc phẩm “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt” ra sao? nhạc phẩm đã đến với khán thính giả thế nào? Tất cả đã được ông kể lại rất hấp dẫn ly kỳ như chuyện cổ tích, xin mời đọc link sau:

https://t-van.net/nam-loc-moi-ngay-mot-ca-khuc-tuong.../

Tôi xin phép được trích nguyên văn một đoạn:

"12:45 sáng, 28 tháng Tư, 1975, phi cơ cất cánh, nhìn ra ngoài cửa sổ, Sài Gòn mờ dần trong bóng đêm, leo lét những ánh đèn, nhạt nhòa trong nước mắt, tôi thốt lên “Sài Gòn ơi, vĩnh biệt”, rồi cùng khóc với mọi người. Có ngờ đâu đó chính là tựa đề nhạc phẩm đầu tiên mà tôi sẽ sáng tác tại hải ngoại! Nó cũng đã được “thai nghén” vào những ngày cô đơn, sầu tủi trong trại tỵ nạn Pendleton.

Tôi còn nhớ đã hát thử cho Trung Hành nghe trong căn lều vải, nằm dưới thung lũng buồn của trại. Chỉ vừa có vài câu đầu thôi mà hắn đã khóc như một đứa trẻ, đâu biết rằng tôi mới viết chưa xong được đến một nửa bài. Cho mãi đến sau này, khi xuất trại, thật sự đối diện với cuộc sống lưu vong, đầy gian truân, mồ hôi và nước mắt với bao nhọc nhằn, tủi nhục trong thời gian đầu, cộng với nỗi thương nhớ gia đình. Vào giữa tháng 11, 1975 tôi mới hoàn tất nhạc phẩm “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!”. Khánh Ly thu thanh lần đầu tiên vào mùa Xuân 1976, ông Lê Văn của đài VOA phỏng vấn Khánh Ly và tôi, rồi sau đó phát thanh bài này về VN vào tháng Tư, 1976 nhân dịp kỷ niệm 1 năm ngày Sài Gòn sụp đổ!

Vào tháng Tư, 1978 đài truyền hình KSCI-Channel 18 tại Los Angeles đã dành cho hội Nghệ Sĩ VN và cộng đồng Người Việt California một chương trình kỷ niệm 3 năm ngày xa xứ, có tên là Giao Chỉ, do hai tài tử Lê Quỳnh và Kiều Chinh giới thiệu, Khánh Ly đã trình bầy ca khúc “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!” của tôi lần đầu tiên trên hệ thống truyền hình." (Hết trích).

Qua lời kể của chính tác giả nhạc sĩ Nam Lộc mà tôi trích dẫn ở trên, cho thấy nhạc phẩm “Sài Gòn Ơi, Vĩnh Biệt!” ra đời sớm nhất, nổi tiếng cũng sớm nhất tại hải ngoại sau 1975. Đó là một nhạc phẩm bất hủ đã từng làm lay động hàng triệu con tim trên thế giới, đã xác định tên tuổi sáng chói của tác giả Nam Lộc là một nhạc sĩ tài năng. Trong cuốn sách "Lịch sử tân nhạc Việt Nam" tác giả nhạc sĩ Trần Quang Hải đã nhận định như sau:

"Bài thành công nhứt trong giai đoạn đầu của di tản (1975-1980) là bài Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt".

Ngoài vai trò nhạc sĩ sáng tác, Nam Lộc còn là một ca sĩ trình diễn nổi tiếng bởi giọng nam trầm, hát rõ mồn một từng lời, về độ trầm ấm thì cũng khó có ai qua.

II. LỜI NHẠC LÀ MỘT BÀI THƠ TUYỆT BÚT:

Theo tôi, lời nhạc 'Sài gòn ơi! Vĩnh biệt' là một bài thơ tuyệt bút có giá trị về lịch sử, văn chương; nội dung phản ảnh tâm hồn đau thương của tác giả và của người VN tị nạn xứ người, là chứng nhân của một giai đoạn lịch sử VN đau thương, cho thấy ca nhạc sĩ Nam Lộc còn là một nhà thơ có tâm hồn phong phú, nhạy cảm và lãng mạn.

Lời nhạc hay đẹp từng câu từng chữ, là một bài thơ gồm 19 câu trữ tình lãng mạn đầy cảm xúc/ soi sáng, có ngôn ngữ hình ảnh rất chân thật, đẹp, mới lạ, có lối dùng chữ táo bạo, có vần điệu nhịp nhàng vần nhau răm rắp.

Năm chữ tựa đề 'Sài gòn ơi! Vĩnh biệt' nghe rất tình cảm rất hay, bao quát nói lên ý chính của nội dung.
Ba chữ "Sài Gòn ơi" nghe thân thương, trân quý, nhân bản... nhưng cũng đầy ai oán não nùng, cô đơn sầu héo, như tiếng chim kêu trong bão táp, tiếng vượn hú trong rừng vắng, hay tiếng gào thống thiết của con thú hoang lạc đàn:

"Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên ai mãi thôi"

Sài Gòn được nhân cách hoá bằng chữ "người", hay chữ "người tình" thật quá tuyệt vời:

"Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời"

"Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề"

Những chữ "nát", "sầu đắng", "con thú hoang" dùng rất táo bạo, là những chữ đắc chữ thần, có khả năng bùa chú làm lay động, sững sờ, chết lặng bao tâm hồn:

"Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng"

Hay:

"Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian"

Sau đây là 5 câu trữ tình lãng mạn và đẹp tuyệt vời dành cho Sài Gòn, không thể nào viết hay hơn:

"Sài Gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đang khóc thương cho người yêu"

Bài thơ thăng hoa ở khổ cuối, dù hoàn cảnh nào, tác giả vẫn giữ tấm lòng son sắt chung thuỷ với Sài Gòn với quê hương:

"Gòn Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên"

Lời nhạc đúng là lời thơ! Toàn bài chỉ có 19 câu mà ý tình quá sâu sắc, phong phú, cảm động, là nỗi niềm riêng của anh thanh niên có lý tưởng đam mê văn chương âm nhạc, thích sinh hoạt xã hội, năng nỗ tràn đầy nhiệt huyết, nhưng định mệnh bắt phải lìa bỏ quê hương yêu dấu để đến một  phương trời vô định. Tâm trạng hoang mang, bàng hoàng, chất chứa bao nỗi buồn đau, u uất, lẻ loi.

Chính cơn dâu bể của thời đại đã làm đổ vỡ mọi ước mơ trong lòng tác giả. Chính biến cố lịch sử đã bắt tác giả phải đối diện với bi kịch gia đình tan tác, quê hương chia lìa...

Bên cạnh nỗi đau riêng của một tâm hồn nghệ sĩ đầy cảm xúc, ta vẫn thấy nỗi đau chung của con người thời đại. Trái tim người nghệ sĩ tài hoa Nam Lộc không chỉ buồn tủi cho thân phận mình mà còn cho tha nhân, cho Sài Gòn, cho quê hương đất nước.

Cách nay gần 200 năm, đại thi hào Nguyễn Du đã từng trải, chứng kiến một biến động lịch sử dữ dội tương tự, và đã có một tâm trạng u hoài buồn bã không khác nhà thơ/ ca nhạc sĩ Nam Lộc bây giờ, qua bài thơ chữ Hán sau đây:

Bát muộn
Thập tải trần ai ám ngọc trừ,
Bách niên thành phủ bán hoang khư.
Yêu ma trùng điểu cao phi tận,
Trĩ uế càn khôn huyết chiến dư.
Tang tử binh tiền thiên lý lệ,
Thân bằng đăng hạ sổ hàng thư.
Ngư long lãnh lạc nhàn thu dạ,
Bách chủng u hoài vị nhất sư.
Nguyễn Du, Thanh Hiên thi tập (1786-1795)

Vinh Hồ xin tạm dịch:

Xua nỗi buồn
Thềm ngọc mười năm cát bụi mờ,
Trăm năm thành phủ nửa hoang sơ.
Loài chim nhỏ, đã bay đi hết,
Huyết chiến qua, trời đất nhuốc nhơ.
Binh lửa quê nhà ngàn dặm lệ,
Dưới đèn bằng hữu mấy dòng thơ.
Cá rồng lặng lẽ đêm thu vắng,
Trăm mối u hoài dạ ngẩn thơ.
Nguyễn Du

III. HAI TIẾNG SÀI SÒN VẪN CÒN VANG VỌNG DÙ ĐÃ MẤT TÊN:

Năm 1975, tác giả Nam Lộc di tản bỏ lại sau lưng: Sài Gòn trong cơn hấp hối và bao người thân yêu đang đối diện với đau thương, mất mát, chia lìa... 

Khi chiếc phi cơ di tản cất cánh, nhìn qua cửa kính, Sài Gòn mờ dần trong bóng đêm, leo lét những ngọn đèn, nhạt nhòa trong nước mắt, tác giả Nam Lộc không thể không thốt lên câu:

-Sài Gòn ơi vĩnh biệt!

Chính 5 chữ này đã thai nghén hình thành ra đời đứa con tinh thần sau này và 5 chữ này cũng được dùng để làm tựa đề. Thật là một điều lạ lùng kỳ diệu và bất khả tư nghị!

Đến hôm nay sau gần nửa thế kỷ dài, thời gian tuy có nguôi ngoai, nhưng 'Sài Gòn ơi! vĩnh biệt' vẫn còn vang vọng trong suốt chiều dài lịch sử đau buồn, dù Sài Gòn đã mất tên.

Dù Sài Gòn đã mất tên, nhưng hai chữ/ hai tiếng Sài Gòn vẫn còn đó, vang vọng, hiện hữu đầy sinh động trong nhạc phẩm 'Sài Gòn ơi! vĩnh biệt'. Hai chữ/ hai tiếng Sài Gòn đã được nhắc đi nhắc lại tới 5 lần trong bản nhạc.
Ôi cảm động biết bao!

Tôi viết bài này muốn nói lên cảm nhận chân thành của mình về nhạc phẩm 'Sàigòn Ơi! Vĩnh Biệt' của nhạc sĩ Nam Lộc, bài hát mà tôi hằng yêu thích, hâm mộ và cho là tuyệt tác. 

Mỗi lần nghe các giọng ca Khánh Ly, Nam Lộc, Ngọc Lan... cất lên, tôi đều xúc động, bồi hồi, nghẹn ngào, thắt nghẹn... như thể nước mắt đang chảy ngược vào lòng, tôi cảm thấy mình được an ủi rất nhiều vì tôi cũng là một thanh niên cùng thế hệ cùng hoàn cảnh với tác giả, cũng đã bỏ nước ra đi... 

Tôi muốn cám ơn ông, người nhạc sĩ tài hoa suốt đời vì âm nhạc, vì tha nhân, vì quê hương đất nước. 

Xin chúc ông và gia đình dồi dào sức khoẻ, vạn sự an khang.

VINH HỒ
Apr. 28/4/2022

TÀI LIỆU THAM KHẢO:
Nguồn Net:
-Nam Lộc
Bách khoa toàn thư mở Wikipedia
https://vi.wikipedia.org/wiki/Nam_Lộc
-Nam Lộc: MỖI NGÀY MỘT CA KHÚC TƯỞNG NIỆM 30 THÁNG TƯ
https://t-van.net/nam-loc-moi-ngay-mot-ca-khuc-tuong.../
-Lịch Sử Tân Nhạc Việt Nam, Trần Quang Hải
https://petruskyaus.files.wordpress.com/.../ds-pk-uc-chau...

 

-Lời bài hát: Sài Gòn Ơi Vĩnh Biệt
của nhạc sĩ NAM LỘC:

Sài Gòn ơi, tôi đã mất người trong cuộc đời
Sài Gòn ơi, thôi đã hết thời gian tuyệt vời
Giờ còn đây, những kỷ niệm sống trong tôi
Những nụ cười nát trên môi
Những giọt lệ ôi sầu đắng

Sài Gòn ơi, nắng vẫn có còn vương trên đường
Đường ngày xưa, mưa có ướt ngập lối người về
Rồi mùa thu, lá còn đổ xuống công viên
Bóng gầy còn bước nghiêng nghiêng
Hay đang khóc thương cho người yêu

Tôi giờ như con thú hoang lạc đàn
Từng ngày qua, từng kiếp sống quên thời gian
Kiếp tha hương, lắm đau thương, lắm chua cay
Tôi gọi tên ai mãi thôi

Sài Gòn ơi, tôi xin hứa rằng tôi trở về
Người tình ơi, tôi xin giữ trọn mãi lời thề
Dù thời gian, có là một thoáng đam mê
Phố phường vạn ánh sao đêm
Nhưng tôi vẫn không bao giờ quên

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023