SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

Lục bát Nguyễn Thị Khánh Minh –
Để mải tìm. Mải đi

Vũ Hoàng Thư

Đầu tháng 12 u mù thương nhớ. Mây xa xăm kéo tụ quanh trời. Chờ mưa, mưa không đến. Đến hay không đến, đẹp ở chỗ đợi chờ, như thể Hồ Dzếnh “em cứ hẹn nhưng em đừng đến nhé”. Thi sĩ làm bộ dửng dưng nhưng khối lòng lên mưng ụ. Trông đợi một điều bất khả thường mênh mang một khối sầu cô độc. “Con người là sinh vật duy nhất biết mình cô đơn”, Octavio Paz bảo thế. Thi sĩ, họ vốn ít nói mà khi mở miệng thì dàn tràn kết tinh. Như khi đọc hai câu thơ dưới đây,

Bóng không đổ xuống, mà buông
Như chiếc lá đã kiệt hồn nhựa xanh…

Người đọc có nghe thấy lung linh bất tận của trống vắng ập tràn? Bóng không theo hình, bóng rớt xuống như buông. Lối chơi chữ tài tình vì buông cũng là bỏ. Buông ra, một lối phủ nhận để phân thân, ta muốn từ bỏ chính ta. Mệt mỏi như chiếc lá kiệt hồn. Nhựa vẫn còn đấy không mất, chỉ là “hồn” đã ở nơi nao. Ôi cuộc lữ thăm thẳm và chênh vênh. Khi bóng đã bỏ đi, liệu hình sẽ tồn tại? Thi sĩ giằng xé hỗn mang trong cơn cuộc hiện sinh. Ai trong chúng ta không có lúc ở ngã ba đường? Thế nào là chọn lựa?

Và một ngày như thế, tôi đọc tập bản thảo “Thơ Lục Bát” của Nguyễn Thị Khánh Minh. Tác giả đã xuất bản hơn 10 tập thơ nhưng tập “Thơ Lục Bát” được để dành cho đến hôm nay mới ra mắt bạn đọc. Có lẽ, có một thân ý phía sau? Cô tâm sự “Lục bát thân thuộc như hơi thở” và “Lục bát như ‘miếng cơm mớm’’” mang sức sống cho cô vào đời. Thì ra vậy, tác giả sống chết và trân trọng lục bát trong từng giây phút bình sinh.

Lục bát là xương cốt thi ca Việt, như thơ Đường của Trung Hoa, như waka, haiku của Nhật Bản. Từ hội Đạp thanh lân la đoạn trường tân thanh Nguyễn Du, đến kỳ ảo nửa bãi nắng chia Lửa Thiêng Huy Cận, qua trùng phục quy hồi thể nghiệm tồn lưu Bùi Giáng, và đương thời lục bát hàn lâm ngắt dòng bậc thang hằng hằng nội công Hoàng Xuân Sơn... Nhờ thế, tuy vẫn giữ âm điệu 6/8 nhưng lục bát vẫn tiếp tục “mới” theo thời gian và mở rộng qua tài năng phi phàm thâm viễn rất mực của các kỳ danh thi sĩ vừa nêu. Cũng từ đó nảy sinh lục bát biến thể. Lục bát biến thể có thể tóm tắt dưới dạng những hình thức như biến đổi cấu trúc bằng trắc, số câu lẻ trong bài thơ thay vì chẵn như lục bát nguyên thủy, câu bát kéo dài thêm âm tiết như nói lối, hiệp vần không nhất thiết phải ở chữ thứ 6 của câu bát.

Thử đọc bài thơ “Ngơ Ngác” của Khánh Minh trong hình dạng lục bát biến thể. Cô gọi thể thơ mới này là “lục bát biến tấu”.

Đang ở đâu trên dòng nhạc
Một nốt tôi ngơ ngác. Không lời

Đang ở đâu trên chiều rơi

Rơi mãi rơi. Bơ vơ tôi. Viên cuội

Đang đi đâu trong bóng tối

Bóng theo sau. Chỉ lại mỗi mình đi

Đang đi đâu hay bước về

Chỉ biết bây giờ. Quanh khuya. Đầy gió…
(Ngơ ngác)

Từng hai câu một của bài thơ như nhịp bước gõ xuống vỉa hè khô, nhờ vào âm bằng trắc đã được hoán chuyển vị trí. Như những tiếng nện gót của một mình ta trên đường chiều. Một mình. Bước tới và nhìn lui, chỉ còn một bóng của chính mình vãng lai. Người bổng rơi như Lời. Lời mở những tầng khí hậu của tự do, của thênh thang khi mọi ràng buộc đã dứt. Rơi tự do. Trọng lực thu hút vạn vật trở về mặt đất. Buổi chiều không là vật thể nên không bị chi phối bởi lực Newton. Chiều là điểm mốc thời gian giữa ngày và đêm, giữa ánh sáng và bóng tối. Chiều rơi làm ta tư lự, chạnh lòng. Đối diện với đổi thay, tịch liêu liền hồ đồ dấn tới, gợi khêu cõi hồn bàng bạc hoang vu ở tranh sáng tranh tối hoàng hôn. Tôi đang rơi cùng với chiều, rơi tự do để đến điểm chấm dứt, hủy diệt của một thân phần nhỏ bé? Liên tưởng làm thi ca bật tiếng. Có phải đời ta bơ vơ như viên cuội lẻ loi cuối góc trời? Viên cuội vô danh từ nơi không đâu rơi xuống, chẳng ai quan tâm như hoa Nazuna nhỏ nhắn bên vệ đường của Basho? Thấy cái đẹp của viên cuội rơi, của hoa dại ven đường là thấy cái tính bình đẳng của vạn vật, không phân biện những nhỏ nhoi vốn bị lãng quên. Đọc bài thơ “Ngơ ngác” không khỏi không nhớ đến những câu thơ khác, câu thơ của Huy Cận chẳng hạn,

Chim nghiêng cánh nhỏ bóng chiều sa
(Tràng giang, Huy Cận)

Sa là rơi chậm nên chim thong thả nghiêng cánh theo nhịp chiều buông, trong dự phóng chậm rãi khoan thai. Khi người sống trong cùng tận của chập chùng, mọi biến cố dập vồ trong nhoáng chớp, chiều rơi và tôi rơi,

Rơi mãi rơi. Bơ vơ tôi. Viên cuội

Rơi. Bơ vơ. Viên cuội. Những chữ nghĩa gọi thơ trong mắt chớp giữa cuộc đời bủa vây. Cái đang là, bây giờ, Đầy gió... Thơ mộng nằm ở niềm ước ao không nói, mạch ngầm trỗi dậy ở Quanh khuya. Gió sẽ hất tung lên cho chu kỳ ngơ ngác đừng tái diễn. Lẽ nào ta xoắn mãi không rời trên nốt nhạc, trên chiều rơi, trong bóng tối, trên bước về, mãi không thôi? Ở đó, đời.

Một đôi khúc khác, ngập ngừng, tưởng thiếu âm tiết lục bát, nhưng không, cụt hẫng để làm cao trào dâu bể, tang thương để nghe lòng thắm tiếng yêu ngự trì.

Dòng sông hay dòng lệ
Về đâu. Tan một bể xanh dâu
Xin nhìn thấu nỗi đau

Để mà còn nhận ra nhau
(Bên bờ)

Đếm chữ là những câu 6, câu 8. Cũng vần đấy nhưng trúc trắc chấm pha. Lục bát đổi chiều, đem âm trắc về ngụ nơi thể điệu bằng. Ừ phải phá cách, đổi thay cho ra lẽ bát ngát như nhiên, cho tuệ thông tinh thể.

Tôi ngồi lại. Một nốt nhạc
tím. Và chiều, một khúc hát bay xa
Rưng rưng mầu lá trên hoa
Một vệt sáng ngày vàng. Pha tĩnh vật
(Tĩnh vật chiều)

Người đời thường nói bỏ mồi bắt bóng. Khánh Minh không như thế. Bóng là một ẩn ngữ trong thơ của cô. Cô mượn bóng làm người quan sát về chính mình. Có phải khiếm diện là bề mặt khác của hiện hữu? Ta định nghĩa ta bằng một cái-không-ta?. Như cái chết thiết lập căn cớ nguyên ủy cho hiện sinh kỳ tác ở chốn phù du. Con người chẳng hiểu thế nào là sự sống cho đến khi cái chết trờ tới. Và rốt ráo là chỉ khi riêng mình cùng bóng đối thoại với nhau, khi ấy cô đơn thăng hoa cho thi ca phới mở. Cơn cuộc khơi nguồn mạch giếng tân thanh trong u nùng bừa bãi trần gian. Cô không nói nhiều, chỉ dăm câu hôn phối với hư không cho thành tựu tấm gương soi rọi chính bản thể của mình, có thể gọi đó là một dấn thân toàn bộ trong tịch mịch chan hòa chăng?

Ai vẽ được bóng khuya đi
Cho tôi đọ với bóng về của tôi
...
Ta buồn. Ta ở một mình
Ta vui. Ta ở hai mình trong khuya
Nhỏ to chiếc bóng cận kề
...
Bóng nào chẳng chịu chia tan
Tôi nào có đó. Một vàng võ khuya
...
Khuya còn để lại ngọn đèn
Mai anh về lại mà xem bóng chờ
Em còn để lại bài thơ…
...
Mầu rêuxóa hếtđá xanh
Đố đêm xóa nổi cái vành vạnh trăng
...
Chiều đi. Rồi đêm. Không hay
Chỉ hương hoa mới biết đầy bóng trăng

oOo

Tập Thơ Lục Bát gồm có ba phần: Lục Bát Tạ Ơn, Đồng Dao Ta, Tháng Năm Là Mộng Đang Đi. Suốt mấy trăm bài thơ lục bát, hay lục bát biến thể, Khánh Minh đưa người đọc từ nắng gió vờn reo kẽ lá, đến chỗ thân thiết báo hiệu bình minh, lại có lúc niêm hoa vi tiếu nói lời ẩn mật vô ngôn,

Lặng im là chỗ em ngồi
Thinh không là chỗ của lời. Đã xa

Cô tạ ơn những gì cuộc đời đưa đẩy giữa đến và đi, những ân tình trần gian hạn hữu. Nhất là đối với thơ,

Từ đây lòng ở với thơ
Bảo nhau thôi nhé. đừng ngờ nghìn năm
...
Dặn đừng nhớ. Để được quên
Dặn đừng đến. Để mãi tìm. Mãi đi

Hành trình ấy là hành trình thơ người thơ Khánh Minh mải đi. Như một lời nguyện cô hằng mang giữ tự ấu thời. Con đường ấy có khi khởi động chan chứa lưu ly, có khi chon von tuyệt đỉnh mịt mùng, Thưa người, lệ chẳng đặng đừng, nên rơi. Nhưng đã sao, hạt lệ ấy là minh châu, là kết tinh riêng biệt thượng thừa cốt cách, là đáo bỉ ngạn sau khi bước ra từ nỗi đau,

Hỏi tôi hạt lệ ấy tìm ở đâu
- Thưa, tôi nhặt ở tim đau…

Vũ Hoàng Thư
Tháng 12, 2022


Những chữ in nghiêng trong bài là thơ trích từ tập thơ lục bát “Tháng Năm Là Mộng Đang Đi”, Nguyễn Thị Khánh Minh.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023