SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

A Thousand Splendid Suns 
Ngàn ánh dương rực rỡ

 Khaled Hosseini
Trúc Hà dịch

Chương 41

Mariam

Mùa hè năm 2000, trận hạn hán bước vào năm thứ ba và tệ nhất.

Ở vùng Helmand, Zabol và Kandahar, làng xóm biến thành từng đàn dân du mục, luôn di chuyển đi tìm nước và đồng xanh cho gia súc. Khi không tìm được cả hai thứ đó, khi dê, trừu và bò của họ chết gần hết, họ kéo về thủ đô Kabul. Họ kéo nhau về sống trên sườn đồi Kareh-Ariana trong những khu ổ chuột tạm bợ, chen chúc trong những túp lều, có khi mười lăm hay hai mươi người một chỗ.

Ðó cũng là mùa hè của phim Titanic, mùa hè Mariam và Aziza ôm nhau lăn lộn khúc khích cười và Aziza nhất định đòi làm Jack.

“Nhỏ chút, Aziza.”
“Jack! Dì Mariam gọi con là Jack đi. Gọi đi. Jack!”
“Ba sẽ nổi giận nếu con làm ổng thức dậy.”
“Jack! Và dì là Rose.”

Kết thúc với cảnh Mariam nằm ngửa ra, chịu đầu hàng và tiếp tục chịu làm Rose. “Ðược rồi, con làm Jack,” Mariam đành chấp nhận. “Con chết trẻ, còn dì sống đến già.”

“Ðúng, nhưng con chết anh hùng,” Aziza nói, “trong khi dì, Rose, dì suốt đời sống đau khổ tưởng nhớ đến con.”

Rồi dạng chân qua ngực của Mariam, Aziza tuyên bố, “Bây giờ mình phải hôn nhau!” Mariam quây quả đầu không chịu, trong khi Aziza thích thú với hành vi xấu của mình nên khúc khích cười. Có đôi khi Zalmai cũng lững thững đến coi và hỏi còn mình là gì.

“Em có thể làm tảng băng trôi,” Aziza bảo.

Hè đó, Kabul bị cơn sốt Titanic. Dân chúng đưa lậu từ Pakistan vô những ấn bản lậu của phim này – đôi khi dấu trong đồ lót của họ. Sau giờ giới nghiêm, mọi người khóa cửa, tắt đèn, vặn âm thanh nhỏ xuống và nhỏ lệ cho Jack và Rose và hành khách trên con tàu định mệnh. Nếu có điện, Mariam, Laila và hai đứa nhỏ cũng xem. Cả chục lần hơn, trong đêm khuya, họ tắt hết đèn trong nhà và dùng mền che hết cửa sổ rồi đào cái truyền hình đem lên từ sau nhà kho.

Ven sông Kabul, mấy người bán hàng đã dời chỗ ngồi vô lòng sông khô cạn. Chẳng mấy chốc, người ta có thể mua thảm Titanic, quần áo Titanic đựng trong mấy xe cút kít. Có cả thuốc xức nách Titanic, kem đánh răng Titanic, dầu thơm Titanic, bánh rế Titanic, và cả áo dài Titanic. Một người ăn xin theo khách rất dai bắt đầu tự gọi mình là “Ăn xin Titanic.”

“Thành phố Titanic” ra đời.

Tại bản nhạc, người ta nói. Không, tại biển. Sự sang trọng. Con tàu.
Tại tình dục, người ta thầm thì.
Tại Leo, Aziza ngượng ngùng nói. Tất cả tại vì Leo.

“Ai cũng muốn Jack,” Laila nói với Mariam. “Ðúng rồi. Ai cũng muốn được Jack giải cứu khỏi thảm họa. Nhưng làm gì có Jack. Jack có trở lại đâu. Jack chết rồi.”

Thế rồi cuối mùa hè năm đó, một người bán vải ngủ thiếp đi mà quên dập tắt điếu thuốc. Anh ta sống sót nhưng tiệm vải của anh không thoát đưọc trận hỏa hoạn. Ngọn lửa cũng nuốt luôn tiệm vải kế bên, tiệm quần áo cũ, tiệm bàn ghế, tiệm bánh.

Về sau, người ta nói nếu gió thổi về hướng Ðông thay vì hướng Tây, tiệm của Rasheed, nằm ở góc cuối dẫy phố, có thể đã thoát.

Họ bán hết đồ đạc. Ðầu tiên đồ của Mariam, sau đó của Laila, quần áo của Aziza hồi còn bé, mấy món đồ chơi ít ỏi Laila đã nài nỉ Rasheed mua cho Aziza. Con bé theo dõi mọi chuyện với cặp mắt ngoan ngoãn. Cái đồng hồ của Rasheed cũng bị bán, cả cái ra-dô cũ, cặp cà-vạt, giầy và chiếc nhẫn cưới của y. Ghế sa-lông, bàn, thảm và mấy cái ghế cũng bay theo. Zalmai giận dữ lúc Rasheed bán cái truyền hình.

Sau trận cháy, Rasheed có mặt ở nhà hầu như mỗi ngày. Y tát Aziza, y đá Mariam, y quăng ném đồ đạc. Y bới tìm lỗi ở Laila, chê cô hôi, chê cách ăn mặc, cách chải tóc, chê răng vàng khè.

“Cô sao vậy?” y nói. “Tôi lấy một người đẹp mà bây giờ phải gánh một mụ phù thủy già. Cô đã từ từ biến thành mụ Mariam.”

Y bị đuổi việc tiệm thịt nướng gần công trường Haji Yaghoub vì y xô xát với một người khách. Người khách phàn nàn Rasheed đã thô bạo ném bánh mì lên bàn. Lời qua tiếng lại. Rasheed gọi khách là tên Thổ-mặt-khỉ. Súng rút ra. Que sắt chĩa lại. Theo lời kể của Rasheed, y chỉ cầm que sắt (nướng thịt) thôi. Mariam không tin.

Bị nhà hàng ởTaimani sa thải vì khách khiếu nại bắt chờ lâu, Rasheed bảo tại đầu bếp chậm và lười.

“Chớ không phải ông ra ngoài sau ngủ trưa,” Laila bảo.

“Ðừng chọc ổng, Laila,” Mariam nói.

“Mày coi chừng đó,” y nói.

“Chắc vậy hoặc là hút thuốc.’’

“Tao thề.”

“Làm gì rồi cũng lòi đuôi.’’

Thế là Rasheed nhào tới Laila, thoi tới tấp lên ngực, lên đầu, lên bụng Laila, giặt tóc, ném cô vô tường. Aziza thét lên, kéo áo Rasheed. Zalmai cũng hét to, cố gắng kéo Rasheed ra khỏi mẹ nó. Rasheed xô mấy đứa nhỏ qua một bên, đẩy Laila xuống đất và bắt đầu đá vô người cô. Mariam nhào tới che cho Laila. Rasheed vẫn tiếp tục đá, bây giờ đá Mariam, miệng y sùi bọt, mắt đầy sát khí, đá cho đến khi không còn sức.

“Tao thề. Có bữa mày sẽ khiến tao giết mày chết luôn, Laila,” y hổn hẻn nói. Rồi lao ra khỏi nhà.

Khi tiền đã cạn, cái đói chụp xuống đời sống của họ. Mariam kinh ngạc nhận ra một điều, làm-sao-để-bớt-đói đã nhanh chóng trở thành điểm quan trọng nhất trong cuộc sống của họ. Cơm, chỉ cần gạo trắng nấu lên, không cần thịt hay nước sốt, giờ là một bữa thịnh soạn hiếm có. Ðáng ngại là họ ngày càng bỏ bữa ăn thường xuyên hơn. Ðôi khi Rasheed mang về một hộp cá mòi và bánh mì khô tới giòn bể vụn ăn như mạt cưa. Có khi một túi táo y đánh cắp được, mặc dù có thể bị bắt và cưa tay. Trong tiệm tạp hóa, y thận trọng lấy bỏ túi hộp bánh xếp có nhân, về nhà họ chia làm năm phần và Zalmai được phần lớn nhất. Họ ăn củ cải sống rắc muối. Bữa ăn tối là rau sà- lách héo và chuối thâm đen.

Chết đói bỗng nhiên trở thành một mối đe dọa rõ ràng. Có người chọn không chờ tới lúc đó. Mariam nghe nói có một góa phụ trong xóm đã giã nhuyễn bánh mì khô, trộn thuốc chuột rồi cho cả bảy đứa con ăn. Phần lớn nhất bà dành lại cho mình.

Be sườn của Aziza bắt đầu lòi ra và lớp mỡ trên gò má con bé đã biến mất. Bắp chân nó ốm teo, màu da như nước trà dảo. Khi bế nó lên, Mariam thấy xương hông của nó chọc ra dưới lớp da căng. Zalmai nằm lây lất, mắt lừ đừ lim dim, hoặc nó nằm trong lòng ba nó, mềm nhũn như miếng giẻ. Nếu còn sức, nó khóc cho tới khi ngủ, nhưng giấc ngủ của nó không yên. Mỗi khi đứng dậy, từng đốm trắng nhảy múa trước mắt Mariam. Ðầu Mariam quay mòng, tai luôn luôn ù. Mariam nhớ Thầy Faizullah nói thế này về cái đói khi mùa Ramadan bắt đầu: Người khổ còn ngủ được chứ người đói thì không.

“Các con em sẽ chết thôi,” Laila nói. “Ngay trước mắt em.”

“Không,” Mariam bảo. “Chị không để xảy ra đâu. Mọi sự rồi sẽ ổn, Laila ạ. Chị biết phải làm gì.”

Một ngày nóng cháy da, Mariam thay áo dài trùm kín và cùng với Rasheed đi bộ đến Khách Sạn Intercontinental. Vé xe buýt giờ là một xa xỉ không trả nổi, nên Mariam đã kiệt sức lúc hai người leo đến đỉnh đồi. Trong lúc xuống dốc, Mariam bị nhiều cơn chóng mặt, và hai lần đã phải dừng lại, chờ qua cơn.

Ðến cửa khách sạn, Rasheed ôm chào một trong những tên gác cửa mặc đồ đỏ, đội mũ lưỡi trai. Hai người nói chuyện có vẻ thân thiện, bàn tay Rasheed đặt lên khuỷu tay tên gác cửa. Có một lúc Rasheed ra dấu về phía Mariam và cả hai nhìn nhanh về phía nàng. Mariam thấy tên gác cửa trông hơi quen.

Lúc y đi vô trong, Mariam và Rasheed chờ bên ngoài. Từ địa điểm thuận lợi này, Mariam nhìn thấy Viện Ðại Học Bách Khoa, và xa hơn, quận Khair Khana cổ và con đường đi Mazar. Về phía Nam, nàng có thể thấy lò bánh mì Silo bỏ hoang từ lâu, với mặt tiền màu vàng nhạt lổm chổm lỗ đạn pháo kích. Xa hơn nữa về phía Nam, nàng nhận ra được tàn tích của Cung điện Darulaman, nơi nhiều năm về trước Rasheed đã dẫn nàng ra đây pic-níc. Kỷ niệm về ngày hôm đó là một vết tích thuộc về một quá khứ hình như không phải của nàng.

Mariam tập trung tư tưởng vô những điều này, những điạ danh này, sợ mình sẽ mất bình tĩnh nếu để tâm trí đi lan man.

Cứ vài phút lại có xe jeep và xe taxi đỗ lại trước cửa khách sạn. Mấy tên gác cửa vội ra đón khách, toàn đàn ông, mang vũ khí, râu quai nón, khăn quấn đầu, người nào cũng xuống xe với  vẻ mặt tự tin và hù dọa. Mariam bắt được vài mẫu đối thoại trước khi họ biến mất sau cánh cửa khách sạn. Nàng nghe có tiếng A Phú Hãn và tiếng Ba Tư, nhưng cũng có tiếng Urdu và Á Rập nữa.

“Chủ thực sự của mình đây,” Rasheed nhỏ giọng bảo. “Dân Hồi Giáo của Pakistan và Á Rập. Taliban chỉ là những con rối, đây mới là những chủ ông lớn và A Phú Hãn là sân chơi của họ.”

Rasheed nói y nghe tin đồn Taliban cho phép đám người này dựng những trại bí mật khắp nước, ở đó họ đào tạo thanh niên trẻ trở thành những kẻ mang bom tự sát và những kháng chiến quân Hồi Giáo. 

“Sao lâu quá vậy?” Mariam hỏi.

Rasheed nhổ nước bọt và đá đất phủ lên.

Một tiếng đồng hồ sau, Mariam và Rasheed được theo tên gác cửa đi vô trong. Lúc họ được dẫn đi ngang đại sảnh mát rượi, gót giầy của họ vang lên trên nền gạch. Mariam nhìn thấy hai người đàn ông ngồi trên ghế da, súng trường và bàn nước đặt ở giữa, nhâm nhi trà đen và một dĩa bánh cam ngào đường. Nàng nghĩ đến Aziza mê bánh cam, và phải cố gắng quay đi.

Tên gác cửa dẫn họ ra ngoài ban-công. Y lấy trong túi ra một cái điện thoại nhỏ không giây, màu đen và một mẩu giấy với những con số nguệch ngoạc trên đó. Y nói đó là máy điện thoại của xếp y.

“Tôi xin cho anh được năm phút,” y bảo. “Không được lâu hơn.”

“Cám ơn,” Rasheed nói. “Tôi sẽ không quên ơn anh.”

Tên gác cửa gật đầu và bỏ đi. Rasheed bấm số. Y đưa điện thoại cho Mariam.

Tai nghe tiếng điện thoại reo mà tâm trí Mariam lãng đãng. Lãng đãng nhớ lại lần cuối cùng nàng nhìn thấy ông Jalil, mười ba năm về trước, vào mùa xuân năm 1987. Ông đứng ngoài đường, trước nhà nàng, chống gậy, cạnh chiếc xe Benz màu xanh mang bảng số Herat, với đường sọc trắng chia đôi mui, cốp và thùng xe. Ông đã đứng đó hàng giờ, đợi nàng ra, lâu lâu gọi tên nàng, như có lần nàng đứng trước nhà ông gọi tên ông vậy. Mariam chỉ hé màn có một lần và thoáng nhìn thấy ông. Chỉ một thoáng, nhưng cũng đủ để thấy tóc ông đã bạc trắng, lưng ông đã hơi còng. Ông vẫn đeo kính và cà -vạt đỏ, khăn tay trắng tam giác vắt trên túi áo như thường lệ. Nhưng điều rõ nhất là ông đã ốm đi, ốm đi nhiều so với hình ảnh trong trí nhớ của Mariam, cái áo của bộ vét màu nâu xệ hẳn xuống vai ông, cái quần dài thoòng tới mắt cá.  

Ông Jalil cũng nhìn thấy nàng, dù chỉ một khoảnh khắc ngắn. Ánh mắt họ chạm nhau qua khe hở của cái màn, như nhiều năm trước đã có lần chạm nhau qua khe hở của một cái màn khác. Nhưng lúc đó, Mariam đã vội đóng màn lại. Nàng đã ngồi yên trên giường, chờ ông đi. 

Giờ Mariam nhớ lại bức thư mà ông Jalil đã cuối cùng để lại nơi cửa nhà nàng. Nàng đã giữ bức thư đó mấy bữa dưới gối nằm, lâu lâu lại cầm lên, lật qua lật lại. Cuối cùng nàng đã cắt vụn lá thư mà không hề mở.

Và bây giờ, sau bao nhiêu năm, chính nàng đang gọi cho ông.

Bây giờ Mariam hối hận vì tự ái điên rồ và trẻ con của mình. Nàng ước phải chi đã cho ông vô nhà. Có hại không nếu lúc đó nàng cho ông vô nhà, ngồi với ông, cho ông nói những điều ông muốn gặp nàng để nói? Ông là cha của nàng. Ông không phải là người cha tốt, đúng vậy, nhưng những lỗi lầm của ông bây giờ thật quá thường, quá dễ tha thứ so với tánh hiểm độc của Rasheed hay sự hung hăng và bạo lực nàng đã thấy người ta đối xử với nhau.

Mariam ước phải chi nàng đã không tiêu hủy bức thư của ông Jalil.

Giọng nói trầm trầm của một người đàn ông trong tai Mariam cho nàng biết đang nói chuyện với văn phòng thị trưởng ở Herat.

Mariam hắng giọng. “Chào ông, tôi tìm một người hiện sống tại Herat. Hay có thể đã sống ở đấy nhiều năm trước. Tên ông ta là Jalil Khan. Ông ấy sống ở khu Shar-e-Nan và là chủ rạp chiếu bóng. Ông có biết ông ấy hiện ở đâu không?”

Sự bực bội nghe rõ trong giọng nói của người đàn ông. “Có vậy mà gọi cho văn phòng thị trưởng hả?”

Mariam nói nàng không biết phải gọi ai khác. “Xin ông thứ lỗi cho tôi. Tôi biết ông có nhiều việc quan trọng phải làm, tuy nhiên đây là vấn đề sống chết, vì một câu hỏi sống chết nên tôi mới gọi.”

“Tôi không biết ông đó. Rạp hát đóng cửa lâu rồi.”

“Có thể một người nào đó có biết ông ta, một người nào đó -.”

“Không có ai hết.”

Mariam nhắm mắt lại. “Xin ông cố gắng giúp. Việc này có liên quan đến trẻ con. Trẻ nhỏ.”

Một tiếng thở dài.

“Có thể có ai ở đó -”

“Có người gác cổng. Tôi nghĩ có lẽ y sống ở đây cả đời.’

“Vâng, nhờ ông hỏi ông ấy dùm.”

“Ngày mai gọi lại đi.”

Mariam nói không được. “Tôi chỉ được phép sử dụng điện thoại này năm phút thôi. Tôi không -”

Một tiếng cách bên kia đầu giây và Mariam nghĩ người đàn ông kia đã gác máy. Nhưng nàng nghe có tiếng chân bước và tiếng nói, tiếng còi xe xa xa, cùng với tiếng máy vo vo ngắt quãng bởi những tiếng kít, có thể của quạt máy điện. Nàng chuyển điện thoại qua tai kia, và nhắm mắt lại.  

Mariam hình dung ông Jalil đang mỉm cười đưa tay vô túi.

Thế à. Dĩ nhiên. Ðược. Ðây này. Chẳng cần thắc mắc…
Mặt dây chuyền hình chiếc lá, những đồng xu tí hon khắc hình trăng sao lủng lẳng trên đó.
Ðeo thử đi, Mariam cưng.
Cha thấy sao?
Cha thấy con giống như nữ hoàng.

Mấy phút trôi qua. Rồi tiếng chân, tiếng kót két, và tiếng cách.

“Y có biết ông ta.”

“Thật sao?”

“Y nói vậy.”

“Ông Jalil ở đâu?” Mariam hỏi. “Ông ta có biết Jalil Khan hiện ở đâu không?”

Một khoảng im lặng. “Y nói ông ta chết lâu rồi, hồi 1987.”

Bụng Mariam thắt lại. Dĩ nhiên Mariam có nghĩ tới điều có thể xảy ra này. Ông Jalil bây giờ chắc khoảng 75 hay gần 80, nhưng mà…

1987.
Vậy là lúc đó cha sắp chết. Cha lái xe từ Herat lên để nói lời vĩnh biệt.

Mariam tiến ra phía bìa ban-công. Từ đó nhìn xuống, nàng có thể thấy cái hồ bơi, xưa có thời nổi tiếng, nay trống rỗng và bẩn thỉu, lởm chởm lỗ đạn và gạch mục nát, và cái sân quần vợt  hoang tàn, lưới rách nát nằm im lìm giữa sân như da rắn lột.

“Tôi phải đi đây,” giọng bên kia nói.

“Xin lỗi đã làm phiền ông,” Mariam nói, khóc thầm trong điện thoại. Nàng thấy ông Jalil vẫy tay với nàng, ông bước từng viên đá để qua suối, túi căng phồng những món quà. Bao nhiêu lần nàng đã nín thở chờ ông, đã xin Chúa ban cho nàng thêm thời gian bên ông.

“Cám ơn ông,” Mariam cất tiếng, nhưng bên kia đầu giây người đàn ông đã gác máy.

Rasheed đang nhìn nàng. Mariam lắc đầu.

“Vô dụng,” y nói và giật cái điện thoại. “Cha nào con nấy.”

Trên đường ra, ngang qua đại sảnh, Rasheed đi nhanh đến chiếc bàn nước, giờ đã bỏ trống, và lấy cái bánh cam cuối cùng bỏ vô túi. Y đem về nhà, đưa cho Zalmai.

(còn tiếp)

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023