SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

Niềm tin số phận

Hồi đó những năm trước bảy lăm vào những dịp tết tôi hay mua báo xuân về xem trong ba ngày, trong số đó thế nào cũng có cuốn lịch sách Văn nghệ Tiền phong vì bên cạnh những truyện ngắn của vài nhà văn nổi tiếng, gần phân nửa quyển sách ở phần cuối cùng dành để giải đáp tử vi của mười hai con giáp trong năm do chiêm tinh gia Huỳnh Liên phụ trách. Lúc ấy tôi không tin vào những lời tiên đoán của ông này bởi vì qua vài năm cứ thấy ông đều đoán tuổi này, tuổi nọ có số đi xuất ngoại nên trau dồi ngoại ngữ, học nghề y tá, đi lính sẽ được thăng quan tiến chức đi tu nghiệp. Đọc nhiều độ tuổi đều có cùng một kết quả khiến tôi cười thầm bởi làm gì người ta có số mạng giống hệt nhau và cùng đi xuất ngoại rần rần. Đúng là ca dao tục ngữ nói chẳng sai “Bói ra ma, quét nhà ra rác”. Nhiều thầy bói có “đẳng cấp” xưng là chiêm tinh gia, hoặc “Maitre” theo tiếng Tây với quảng cáo đã xem cho các thương gia, các ông lớn nổi tiếng được họ khen tặng và tưởng thưởng hậu hĩ. Ban đầu chủ trương của người Cộng sản cấm những ai hành nghề mê tín dị đoan, bắt buộc họ đi học tập cải tạo tại địa phương. Sau đó ít lâu nghe tin đồn ông Huỳnh Liên bị một người cháu họ giết chết để cướp đoạt tiền bạc vòng vàng. Cả đời ông chuyên đoán vận mệnh tương lai người khác nhưng lại không đoán được hậu vận của mình bị chết thảm!

oOo

Ngày tháng trôi qua như những chiếc lá rơi dọc theo hàng cây hai bên đường. Sống tiếp gần năm năm mọi người ai cũng đói nghèo như nhau ngoại trừ những cán bộ Cộng sản bên thắng cuộc là có quyền tịch thu tài sản, lấy không những gì mình muốn của những người bại trận. Chịu không nổi gông cùm trên cổ như ách trâu bò người người đua nhau vượt đại dương trốn ra khỏi nước bằng những con tàu nhỏ bé bất kể hiểm nguy. Số còn ở lại ngày ngày đi mua niềm tin, giấc mơ tương lai qua mấy ông thầy bói “chui”, số này tuy lén lút hành nghề, mọi người chỉ cần truyền miệng là họ cũng được khách hàng kéo đến nườm nượp.

Tôi còn nhớ sau hai tháng đổi đời bà bác thứ tư được má tôi dẫn đi gặp một “Cậu” đồng để tìm tung tích người con trai là thiếu tá Không quân đóng trong phi trường Tân sơn Nhất, dĩ nhiên bà không hề nói gì về ông anh họ của tôi ngoài việc hỏi tung tích sau khi đưa tấm hình chỉ có khuôn mặt của con mình. Một người phụ nữ xưng là “Cậu” sau một hồi lúc lắc cái đầu thở khìn khịt chị ta nói không tìm thấy anh họ tôi, vậy là hai bà đi về buồn rười rượi sau khi móc túi trả công cho “Cậu”. Hơn nữa năm bà bác tôi nhận được một lá thư gởi từ địa chỉ bên Pháp của con trai cho biết anh đã di tản qua Mỹ, bác tôi hoàn hồn vui mừng hiểu ra sở dĩ khi trước “Cậu” không tìm gặp con mình bởi vì anh ta còn sống nhăn đã chết đâu mà tìm.

Bắt chước bà bác sau khi chờ đợi mười ngày rồi ba tháng vẫn không được tin khi chồng đi trình diện tập trung, tôi nói má dẫn tôi đi tìm một thầy khác vì nghe nói thầy cũ đã bị bắt đi cải tạo rồi. Vòng vo quanh quất người ta dẫn má con tôi vào một căn nhà lợp tole, bà thầy ngồi trên cái phản đối diện cũng có vài người hỏi tin chồng, con đi cải tạo giống như tôi. Sau một hồi bấm ngón tay khi nghe tôi đọc tuổi, bà này khoa tay loạn xạ miệng đọc tiếng gì tôi nghe không ra, gì mà “lục cụ sơ cơ la ma leng keng” âm hưởng như tiếng Miên. Lát sau bà đỏ mặt (chắc là nín thở lâu) bà ta nói với giọng lơ lớ người miền ngoài nghe bà phán :

- “tất cả đang ở Vỏ đắc”

Mọi người nhìn nhau tự hỏi :

- “Vỏ đắc là ở đâu? và không có câu trả lời.”

Mấy lần tốn tiền tuy chỉ chút ít so với việc mua hy vọng được biết về điều mong muốn lớn lao. Một năm sau khi xin được tạm tuyển làm nhân viên lao động ngồi chờ việc cùng cả trăm người trẻ lứa tuổi như tôi. Cứ mỗi sáng ra ngồi tụ tập trước gian nhà tập thể của Sở, chờ các cán bộ nhà nước dẫn đến các xí nghiệp vắng chủ bốc vác, kiểm kê hàng hóa nhà xưởng. Nếu hôm đó không có địa điểm mới thì được về nghỉ, cả đám đều là thanh thiếu nữ lớn lên sống trước bảy lăm ở Saigon nên ít nhiều gì cũng hiểu nhau, rằng phải uốn mình theo ngọn gió nhưng không vì thế đi ngược lại những giá trị làm nên chính thể miền Nam. Gặp nhau hàng ngày nhưng không ai hé môi về hoàn cảnh của mình, là những quy ước ngầm.

Bỗng nhiên nhỏ Duyên trong tổ rủ một chị lót dép ngồi cạnh đi xem bói. Nghe vậy cả đám nhao nhao :

- Xem ở đâu? Hay không, bao nhiêu tiền?
- Chắc ít thôi, tùy tâm cho bao nhiêu thì cho, nhưng chỉ vài đồng là được, hai ba đồng gì đó.

Tôi cũng theo mọi người cả tổ khoảng sáu bảy đứa đạp xe đi cùng nhỏ dẫn đường, khởi hành từ góc Nguyễn Du, Công Lý đi vòng vèo vào con đường Nguyễn Thông dọc theo đề pô xe lửa. Nhà bà thầy bói ở cuối con đường hẻm, trước nhà kê một cái divan trên đó đã có bốn năm người ngồi chờ, chúng tôi cũng vào nhập bọn. Hơn chục người xúm xít trên chiếc chiếu, không ai nói chuyện với ai vì sợ ồn ào, cứ lần lượt thứ tự một người ra mới có người được vào. Đến lượt tôi được đi vào, vừa bước qua ngạch cửa nhìn vào thì trời ơi, năm sáu người đang ngồi chờ sẵn trên mấy chiếc ghế. Một phụ nữ còn trẻ chỉ hơn chúng tôi khoảng bốn, năm tuổi có nước da trắng trẻo khuôn mặt nhẹ nhàng ngồi trước cái bàn phủ khăn, phía dưới mọi người ngồi nhìn vào giống như bà thầy đang dạy học. Ai cũng im lặng hồi hộp chờ đến lượt mình, có lẽ vì vậy nên không ai nhớ cô này đã nói gì về người khác. Đến phiên tôi cô “thầy bói” kêu tôi giơ bàn tay mặt ra đúng bài bản “nam tả nữ hữu”, cô nhìn một lúc hai tay cô ép vào rồi mở ra đưa lên mắt tôi bảo nhìn vào :

- Thấy chưa? thấy trong tay có cái hoa sen không, em là con gái Long vương bị vua cha bắt phạt, mai mốt được tha tội anh trai sẽ rước về thủy cung.

Nhìn mãi bàn tay chỉ thấy có mấy đường chỉ tay, chẳng thấy cái hoa sen nào hết, nhưng cũng giống như mọi người khi cô này chấm dứt câu, tôi phải đứng dậy nhường chỗ cho người kế tiếp sau khi đặt vội vàng ba đồng lên cái dĩa trên bàn. Đạp xe đi về tôi nhẩm tính, một ngày bèo nhất cô này cũng thu vào hơn ba chục, hơn tiền lương một tháng của nhân viên tạm tuyển chúng tôi là hai mươi sáu đồng, cộng thêm năm mươi xu tiền cơm một ngày.

Hôm sau đến chỗ tập trung một đứa trong tổ khoe với tôi :

- “Cô thầy bói” hôm qua nói tui là con gái Long vương?

Ôi trời! cả đám chắc bị lừa giống nhau, chỉ cần có chút lời nói viễn vông thuyết phục những con người đang bị bế tắc về đời sống là sẽ dễ dàng kiếm được tiền. Khó nhất là làm sao khi tập trung và được nhiều người lui tới mà không bị công an khó dễ, hàng xóm rầy rà. Về sau mọi người mới biết sở dĩ họ “làm ăn” được là có bảo kê của công an khu vực, cũng như nhờ có khách vãng lai mà hàng xóm cũng được chia phần “ăn theo” như giữ xe, bán nước uống. Cả một đường dây sống cộng sinh với nhau, dễ dầu gì chính quyền phá bỏ cấm đoán được những gì gọi là hủ tục thuở ban đầu tiếp quản.

Trước những chuyến đi quyết định vận mạng cả một đời, ít nhất một lần người ta đều đến tìm nguồn hy vọng để cũng cố thêm niềm tin. Những người hành nghề cao hơn một bậc đám “ăn ốc nói mò”, họ có đọc sách nghiên cứu tử vi in trước 1975, thuộc lòng những sao hạn xấu tốt tượng trưng cho mỗi tuổi hàng năm để phán cho thân chủ. Đúng hay sai chỉ có người tìm đến nhờ xem tiên đoán mới biết.

Cuối năm 78, 79 sau những chuyến đi bán công khai mua bãi bến với công an địa phương, cao trào vượt biên rầm rộ không cần giấu diếm. Sau khi được chuyển về làm trong xí nghiệp hàng ngày tôi thờ ơ trước chộn rộn của những người chung quanh, cứ thấy lần lượt hết người này đến kẻ khác vắng mặt độ một tháng là có tin từ đảo gởi về gia đình. Tôi làm những công việc thường nhật, sống khép kín ít trò chuyện hay tán gẫu với mọi người. Một con nhỏ kém tôi bốn năm tuổi hay lân la đến gần bắt chuyện, tôi cũng ừ hử cho qua bởi hôm cùng nhỏ Thanh Đào đi xuống quận xác minh kiểm tra tổng số liệu ngành nghề theo báo cáo địa phương, trở về trông thấy một con nhỏ lạ hoắc ngồi ngay bàn làm việc của mình. Thấy con nhỏ quá “lanh chanh, liếng thoắng” với mọi người, đã vậy còn gọi ông cán bộ Phó giám đốc bằng anh hai, nghe nói là em họ ông này. Tôi lại càng tránh xa. Không ngờ duyên rủi may đưa đến bắt tôi phụ trách khâu kế toán trong khi con nhỏ này làm thủ kho. Tình thế bắt buộc phải làm việc chung, vài lần nhỏ này “thế thiên hành đạo” khi tôi bị mấy nhỏ khác trong tổ chèn ép giành phần nhu yếu phẩm được chia sau khi lựa chán chê, bởi họ biết nhỏ này là em ông cán bộ lớn của công ty nên không dám bắt nạt. Nó chửi tôi “tưng bừng” cái tật ù lì để chúng giành giật phần hơn, bây giờ khi khám phá ra tôi có chồng là sĩ quan bị học tập cải tạo mà giấu nó gần bốn năm từ khi công ty thành lập và về làm chung. Nó xỉa xói giống như tôi có tội :

- Bà đó nha, tôi cố làm quen mà bà cứ gạt ra im lặng làm việc, giờ nghỉ thì ngồi một góc hát nho nhỏ, không chịu ở lại sinh hoạt với anh em đoàn thanh niên lấy cớ già rồi có con nhỏ phải về khi hết giờ. Bây giờ tui mới biết tại sao tui lại “khoái” bà từ hồi mới chuyển về công ty.

Tôi giật mình giãy nảy từ chối lia lịa :

- Đừng đừng nha, làm ơn đừng thích tôi, tôi không phải là bóng “lại cái” đâu. Tôi có chồng con đàng hoàng, tại hoàn cảnh tôi không vui và không muốn ai biết nên tránh xa đám đông thôi.

Con nhỏ tru tréo :

- Con mẹ già thấy ghét, tui đâu phải “bê đê” mà sợ tui thấy ghê vậy! Tui chỉ thích cái anh công nhân đẹp trai mang kính trắng mới vô hôm kia kìa. Nhờ hỏi chuyện mới biết ra là bạn của chồng bà trong trại cải tạo, thêm một bước thân thiết tạo niềm tin với nhau. Tui hỏng biết đâu, bà làm sao thì làm, chỉ cần bà làm mai mối ảnh cho tui là được.
- Bây giờ giống như tôi bị bắt đền trong khi tôi vô tội, oan cho tôi quá.

Một sứ mạng ngặt nghèo quàng vô cổ tôi, biết đâu anh này đã có vợ con hay người yêu rồi cũng nên. Thấy anh đang trong góc kho một mình sắp xếp đống hàng vừa mới nhập vào, tay cầm thẻ kho tôi mon men đến hỏi thăm, “lăn bánh xe” vào đời tư người khác, rằng đã có người yêu hay gia đình vợ con gì chưa? nghe nói nhà anh ở con đường gần khu chung cư NGT, mẹ con tôi cũng ở gần đó cùng ba má và các em. Anh trả lời không ngần ngại :

- Tôi chưa có gia đình, cũng đang ở chung với ba má và cô em gái.
- Sao anh không lập gia đình?
- Thân tôi còn chưa biết ra sao, mong được sống yên ngày nào hay ngày nấy. “Ốc không mang nổi mình ốc còn đòi mang cọc cho rêu”

Tôi cười cười chốt luôn một câu đi thẳng vô vấn đề :

- Nếu có một người thích nụ cười của anh lắm, người ta lại tình nguyện yêu anh, anh nghĩ sao?

Anh này chỉ cười mím chi không trả lời ngay, ra ngồi ngoài bàn làm việc thấy tôi con nhỏ tía lia nhắc :

- Sao hồi còn đi học tui khoái coi phim Mỹ tên “Mission Impossible”. Biết rằng nhiệm vụ không thể thực hiện,nhưng với bà vẫn phải làm nha.

Tự nhiên như đang bị mắc nợ, buồn tình ngân nga bài hát cho nó nghe :

“Nhớ xưa khi lạ nhau, chung một đường kẻ trước người sau. Chàng lặng đi theo nàng hát vu vơ mấy câu nhạc tình. Nàng làm như vô tình gái đoan trinh dễ đâu làm quen!... Nàng đội hoa theo chồng nước mắt tôi rớt bên bờ sông.”

Chiều về dọc theo con đường vắng bên hông nhà thờ ngã sáu có hai hàng cây dầu cổ thụ đều tăm tắp, tình cờ thấy anh đạp xe thong thả đi phía trước, tôi và con nhỏ chạy phía sau, là dịp may tôi lướt qua giả bộ hỏi :

- Ủa anh về chung đường hả, vậy tôi đi trước anh và “nhỏ” đi sau nha,

Nói xong tôi đạp xe vù vù để lại hai người đi song song chầm chậm đàng sau.

Hôm sau gặp con nhỏ nhìn thấy tôi nó cười toe toét. Vậy là nhiệm vụ của tôi thành khả thi “Possible”. Giờ nghỉ trưa khi “tình yêu” của nó đạp xe về nhà ăn cơm, con nhỏ thổ lộ với tôi chuyện chiều hôm qua, nó nói :

- Chàng tinh tế lắm bà ơi, chỉ nói một câu nhẹ nhàng “Thật cảm động và sung sướng khi trong hoàn cảnh này mà còn có người yêu thương mình, tôi hiểu hết nhưng không dám đường đột chỉ sợ người khác vì mình mà khổ!”. Tui trả lời liền là người ta tự nguyện mà.

Có một câu người ta ví von “Tình yêu như trái phá, con tim mù lòa”. Không biết ai mách lẻo với tay trưởng phòng tổ chức mỗi buổi chiều hai người đi về chung, nó bị gọi lên cảnh cáo :

- “Thằng đó là ngụy quân, cô là em của anh Hai không nên có quan hệ”. Dĩ nhiên nó chối bay leo lẻo :
- Đâu có chỉ là em đi cùng đường thôi, em biết anh Hai em đâu có cho phép.

Tôi chép miệng buồn rầu :

- Thế là có đứa bên cửa hàng thu mua báo cáo lên, ai biểu nhà ngươi xinh đẹp làm chi để thu hút mấy con “ong non ngứa nọc” ghen tức.

Vậy mà sau đó ba tháng hết hạn hợp đồng “tình yêu” của con nhỏ bị cho nghỉ việc đồng nghĩa với hai lựa chọn không được ở lại Saigon. Một là đi kinh tế mới, hai là hồi hương! Lấy can đảm đối diện sự thật nó đi gặp ngay ông anh Hai nhờ giúp đỡ, ông chỉ phán một câu ngắn ngủi :

- Không ở lại được thì phải đi thôi.

Nói ít nhưng phải hiểu nhiều, cũng là đi, “đi về biển” để trọn vẹn tình yêu nơi vùng đất mới tự do.Tuần lễ sau con nhỏ bí mật nói với tôi về chuyện cả hai sửa soạn cùng gia đình đi vượt biên “bán công khai”.

Phải hơn hai tháng tôi mới nhận được lá thơ báo tin của hai người từ Pulau Bidong.

- Vô trong trại gặp hầu hết mấy người cùng làm chung công ty chờ đi định cư, vui lắm.

oOo

Chức thủ kho được giao cho người mới có quyết định nhận việc, tưởng ai té ra là chị bạn lớn hơn tôi hai tuổi học cùng khóa nghiệp vụ. Bà này còn dễ nể hơn con nhỏ trước, tối ngày chỉ “săn” tìm những anh chàng gốc “cải tạo” mới được thả về sau năm năm bị tập trung, mục đích cùng nhau bơi ra biển lớn. Chị này nói :

- Chỉ có kết với mấy ông có gốc gác như vậy mới được dễ dàng đi định cư khi tới đảo.

Tình yêu sau mười năm gặp gỡ ngoài xã hội với “răng hô mã tấu” của các cô gái “hơi” lỡ thì đều có tính toán chứ không “mù lòa “.

Chị và tôi miệt mài “nhảy cóc” một hai ngày làm việc bao che cho nhau giả bệnh mỗi khi có chuyến đi. Chạy thật nhanh về có mặt ngay chỉ có người cùng làm việc bên cạnh biết nguyên do. Bây giờ tôi bị lây lan thói mê tín từ chị, không còn tiêu tiền mồ hôi nước mắt vào những giấc mơ từ các ông bà thầy bói dệt nên, tôi và chị đi tìm số phận xuất ngoại qua những nốt ruồi son tình cờ nổi lên ở gót chân và bàn luận theo tướng pháp của tử vi kiêm luôn phần xem chỉ tay của mình.

Một hôm chị hớn hở chạy vào vạch bàn tay tôi ra tìm con đường xuất ngoại, chỉ vào nét vạch mờ mờ từ ngón tay giữa và áp út giải thích :

- Khi nào cái vạch đường kẻ chỗ này đến chỗ này giáp nhau là mình sẽ tới số đi xuất ngoại.

Ngày nào tôi và chị cũng vạch tay chân tìm nốt ruồi son. Ngồi hàng giờ săm soi bàn tay chờ cái vạch chỉ tay liền góc, ông chồng tôi thấy vậy hỏi :

- Em tìm cái gì trên bàn tay, bàn chân hoài mỗi ngày vậy? Giống như mấy người tìm bắt “con cái ghẻ” vào thời gian người người, nhà nhà cả nước bị ghẻ ngứa mà không thuốc chữa.

Tôi tức cười mà cũng xấu hổ cho niềm tin vào số phận của mình, dù chỉ là một dấu vết mỏng manh cũng cố bám víu cho qua thời gian trôi nổi giữa biển đời chông chênh bi đát, vậy mà cũng kéo dài mất mười lăm năm mới thấy được vết son hồng nổi rõ giữa lòng bàn tay của trăm ngàn con người cùng hoàn cảnh như chúng tôi.

Một hôm ghé qua “Thung lũng tình xanh” của Bắc Mỹ thăm người chị ruột, tôi cầm tờ báo địa phương giở trang trong của phần quảng cáo thương mại, thấy đăng tên người tư vấn tài chánh giống tên của chồng chị, ban đầu tôi tưởng trùng tên nhưng thấy tấm hình đăng trên góc trái khung quảng cáo đúng là chồng chị không sai. Gọi ngay số phone đăng trên báo để được gặp chị. Tha hương ngộ cố tri câu đầu tiên gặp nhau hai chúng tôi cùng nói “Tụi mình đúng là có số đi xuất ngoại “.

Cỏ Biển
Tháng 4/2023.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023