SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

ONCE UPON A TIME
CÓ SÁU CÂU VỌNG CỔ

CAO VỊ KHANH

sao câu vọng cổ buồn đứt ruột
phải oán tiền khiên xúi đoạn trường

Đã có lần, đâu đó nơi một thành phố cực bắc còn lạ hoắc lạ huơ, trời cuối năm co quắp dưới chục lần độ đông, tê cứng. Phòng ấp xóm nghèo cửa nẻo đóng chặt vẫn để lọt tiếng rít rợn người của âm phong trắng. Quanh tấm vải trải càng giữa phòng khách, chai lọ ngổn ngang, bảy tám tên đàn ông mới xa quê nằmngồi ngất ngưởng. Giữa mâm, rượu thịt đã nguội tanh và trong lòng người, đã có niềm hiu quạnh. Bữa tiệc kéo dài đã quá lâu. Hai ba người khật khưởng bỏ ra về

... Bỗng dưng... bỗng dưng từ một góc khuất có tiếng ai hát lầm thầm, lúc đầu có vẻ rụt rè rồi càng lúc càng tỏ bộ quyết chắc khi thấy cả đám đông đang ồn ào bỗng nhiên im phắc... đâu như cái bài hát mà ông Út Trà Ôn đã làm người ta chảy nước mắt những năm sáu mươi bảy mươi ở Sài gòn và lòng vòng mấy miệt lục tỉnh, nghe sao là lạ quen quen... Giọng khàn pha trong hơi rượu ẩm làm bài ca như tươm ra cái nỗi buồn ướp sẵn... nhứt là mỗi lần tôi thấ́́́y bông ô môi mới điể̉̉̉m hồng trong gió chướng. Mỗi lần nghe tiếng quết bánh phồng rộn rã đón xuân sang. Mỗi lần có dịp về Vĩnh Long đi ngang Tân Ngải thấy nhà chợ Trường An là mỗi lần tôi nhớ mùa xuân của đầu năm binh lửa. Nhớ tới dáng người vợ nhỏ chèo xuồng qua sông Mỹ Thuận để đưa tôi rời (ời)... tỉnh (inh ...ỉnh)... Long... (ong... ong .... ong)... Hồ... (ồ... ồ... ồ)
Tôi về̀̀̀ Mỹ Tho để̉̉̉ lo đùm bọc cho mẹ con bà ...
Nay đã ngót hai mươi năm dâu bể tôi không hề̀̀̀ được tin tức của người xưa, mẹ con của nó còn hay đã chế́́́t, bởi vậy đêm đêm tôi nằm trằn trọc một mình đối diện với lương tâm, phải đâu khi xuồng vừa tách bến sông là tôi... đã chấm dứt tì̀̀̀nh thâm phụ (ư ...
ư) tử (ư... ư... ) (*)

Tên bạn trẻ dứt câu một ngon ơ, lại còn rán bắt chước đúng điệu ôngcò- quận-chín nói lối rành mạch từng tiếng một, thiếu điều muốn đánh vần từng chữ cái như để lột trần cái vỏ chữ sù sì ra cho người nghe, nghe và hiểu và cảm đúng y bon cái ý cái tình của người trong cuộc. Tới chừng vô-sáu-câu đến chữ rời(vần bằng trầm bình thanh) làn hơi chợt đùn xuống y thể như lực sĩ nhảy cao rùng mình lấy trớn phóng vọt lên chụp lấy chữ tỉnh(vần trắc) lắt léo ở trên cao. Chừng chụp được rồi lại ngậm hơi đong đưa ở đó như kẻ treo mình trên miệng vực để chồm qua níu cho bằng được cái chữ long(vần bằng phù bình thanh) treo lúc lắc ở bên kia bờ chênh vênh... làm cho ai nấy cũng phải trân mình nín thở đu theo cho đến khi hắn xuống hò ngon ơ cái chữ hồ, mọi người như thở phào ra... nhẹ nhỏm. Không ai đưa tay kịp phựt một ánh đèn màu (?) mà rồi chỉ có những ngón tay đưa lên len lén quẹt nước mắt... giấu lại. (Bề gì cũng ̣đàn ông ai mà yếu xìu “dậy” cha nội, tụi nó cười chết. Nhất là... chỉ tại cái câu vọng cổ... quê mùa!)

Ở Bi-đông cuối những năm 70, cái hòn đảo nhỏ xíu không ai biết tới bỗng dưng trở thành cái bến đỗ của hàng triệu người chạy chết. Ở đó, giữa những đêm rừng mù mịt, khi những vết cắt đoạn lìa còn nguyên si máu mủ, khuất lấp dưới những chòi trại che dựng sơ sài đã có hơn một người mủi lòng ôm mặt khóc ngang xương khi ai đó vô tình rỉ rả mấy câu vọng cổ của Nguyệt Ánh. Ai ra đi mà không nhớ về người nơi chốn cũ, ai đã ra đi mà không ngậm ngùi đau xót khi con tàu đêm rời bỏ quê... nhà.
Ai đã ra đi một chuyế́́́n không về.
Có nhớ gì chăng những con đường mòn vắng, nhớ tiếng chuông chùa rộn rã lúc hoàng hôn, nhớ bóng ai quảy gánh đầ̀̀̀u làng, nhớ tiếng ai rao hàng giữa chợ hay nhớ vườn cau xanh ngắt một màu, nhớ miếng trầ̀̀̀u cay hay nhớ màu vôi thắm.
... Bạn trăm năm vẫn đêm ngày trông ngóng, mơ bóng người đi biền biệt phương trời. Đâu biết một lần đi là ngàn năm chia cách nhau rồi. Thôi cũng đành muôn đời vĩnh biệt, chỉ̉̉̉ xin người đừng quên vội quê hương. Đám em khờ còn mỏi mắt chờ mong, cha già yếu mẹ mù lòa tàn tật. Em lớn khôn bị lưu đày phương bắc, chắc xanh rồ̀̀̀i mồ không khói không nhang... (**)

Cũng y cái tiếng ̣đàn vừa bấm nốt vừa nhấn nhấn trên những phím đã được móc sâu cho âm thanh rung rung như tiếng khóc rưng rưng ...

Cũng y cái lối hát phanh phui chữ nghĩa như móc ruột ra mà giải bày... (còn nhớ không em, những tiếng khóc thút thít trong đêm, những con mắt ráo hoảnh ngó trao tráo vào cõi lòng trống hoác như mới vừa thấy lại được tận mắt cái chỗ trống trơn bỏ lại ở một xó quê nhà, như sờ được tận tay cái tan hoang của một cơn thất tán)

Dẫu không có ý so sánh về giá trị của từng loại âm nhạc, chắc cũng khó có một bài tân nhạc nào - dù không phải không hay – đã làm chảy được nước mắt người nghe nhiều đến như mấy điệu vọng cổ trong cuộc tang thương đó. Dường như chính cái lối ngân nga luyến láy qua nhiều âm vực khác nhau của cùng một cung bậc làm độ rung của tiếng đàn thêm áo não, làm âm sắc của lời ca thêm nỉ non. Cái khéo của vọng cổ là đã chọn khoảng thang âm đúng phóc ngay cái mức độ xúc cảm của con người. Không cao quá không thấp quá mà ngang tầm với cái độ rung của tơ lòng. Thành ra y như cái kiểu đồng thanh tương ứng vậy. Chỗ xuống-hò mà người ta hay gọi là xuống-vọng-cổ là một tính toán tuyệt diệu của sự phối âm. Thử tưởng như lòng người là một mặt nước phẳng lờ, âm thanh là những viên đá cuội, xuống-vọng-cổ là ném đá phá sự yên tĩnh đó. Cao quá, độ rớt quá mạnh, đá rơi tỏm và chìm liỉm. Thấp quá, độ rớt quá nhẹ, nước chỉ vừa cau mặt, không đủ lao xao. Xuống-hò là thả cho tiếng hát vút lên tới một độ cao vừa đúng mức thì buông mình hạ xuống như một cánh én liệng vòng. Âm thanh rớt xuống như viên sỏi ném lên mặt hồ đúng độ làm dư ba càng lúc càng sâu lắng, sâu lắng tới tận đáy những cõi lòng. Người nghe, nghe thấy buồn là sức dội ngược của âm thanh miết sâu vào tâm não-thứ tâm não vốn đầy ắp những kỷ niệm. Đến chỗ thắt ngặt quá thì vỡ ra thành... nước mắt.

Người hát vọng cổ hát rõ từng lời một, không nuốt chữ, giọng “nam kỳ” mới đúng điệu. Cái điệu hát không ra hát, nói không ra nói, mà là vừa hát vừa nói hay hát bằng cách nói theo đúng âm sắc của từng chữ. Chữ lắm khi có sáo nhưng không rỗng, vẫn là thứ chữ nằm trên đầu môi hằng ngày nhưng đặt vào đúng nơi đúng lúc của nó, chữ bỗng có da có thịt, có máu huyết ruột rà, có ý sáng trưng và có tình nồng nả... nghĩa là có đầy đủ sức thuyết phục để người ta chấp nhận và truyền cảm để người ta... khóc ròng. Cảm tính của chữ ở chỗ nghĩa vừa sâu vừa sát, vừa gần gũi vừa quen thuộc, vừa nôm na vừa bóng bẩy, làm cái đầu và con tim người nghe hiểu và cảm ngay cùng một lúc như tia chớp của trực giác, không phải qua một trung gian nghĩ ngợi lôi thôi, vừa chậm trễ vừa so le. Cái độ sát phạt của âm thanh và chữ nghĩa vì vậy trở nên mạnh như một cú đấm direct vào ngay bụng dạ con người làm rụng rún như chơi.

Như vậy đã có lúc không có gì làm vừa ý vừa lòng vừa thân vừa phận nhất (hổng vậy sao chảy nước mắt) bằng chính mấy câu vọng cổ 32 nhịp đó. Mà sao phải đợi đến cái lúc bỏ nhà bỏ xứ bỏ cha bỏ mẹ đi biệt rồi mới thấy thấm qua da thịt tới xương tủy cái âm điệu ngai ngái mùi sình lầy úng thủy miệt sông Tiền sông Hậu pha lẫn cái hơi oán của giọng Hời đau cố thổ. Bộ vọng cổ chỉ hát và nghe được những lúc đời tuyệt tận thôi sao. Mà điều không chừng cũng phải vậy. Vọng cổ chỉ nên hát điệu tình buồn tình sầu tình đau tình lỡ tình trách tình hờn. Vọng cổ là để kể lể, để than thở, để trách móc, để ủ ê, để tê tái và cùng lắm là để bi phẩn. Tự bản chất đã nỉ non ai oán thì nài hoa ép liễu làm chi mà bắt phải cười cợt khôi hài. Ép như vậy chẳng khác nào bắt Bao Tự bỏ cái mặt sầu bi nên mười phần đã hư hết chín rưởi. Từ khi người ta bày đặt ra cái gọi là vọng cổ-hài-hước, ai vui đâu không biết chớ còn vọng cổ chắc chỉ thấy buồn thôi! Lại thêm cái trò tân cổ giao duyên hai cái duyên vốn không nợ nần gì nhau thành ra nghe cứ như ép duyên ép nợ. Cho nên chỉ thấy hục hặc giống như cái cảnh đồng sàng mà dị mộng.

Thật ra không phải đợi đến chừng đó, sáu câu vọng cổ mới đục phá ruột gan người ta dữ vậy. Nó mùi rệu đâu từ hồi xưa hồi xửa, từ cái thời ông Sáu Lầu buồn chuyện vợ chồng xách đờn ra che trại ngoài đồng trống, rồi dùng ngũ âm của cổ nhạc để viết nên điệu Dạ cổ hoài lang. Từ mộ̣t bài nhạc hát riêng một nỗi buồn riêng chẳng mấy chốc trở thành cái điệu buồn chung của cả một phần đất phía nam. Người ta thi nhau thêm thắt sửa chữa đặt lời ca mới... Những cô Tư Sạng, cô ba Trà Vinh, ông Tư Chơi, ông Tám Thưa... đã ngân nga cái điệu buồn lê thê hò-xự-xang-xê-cống vào lòng người miền nam vốn dĩ là dân tứ xứ. Hồn lưu lạc đó, chắc là tìm được trong cái âm giai buồn bã đó, từng nỗi niềm chung chạ. Cho nên chính vọng cổ chớ không là gì khác đã trở thành một thuộc tính của người miền nam như miếng mắm lóc, con khô cá sặt... hay tô cháo lòng hoặc nồi thịt kho dưa giá... Và cũng chính điệu vọng cổ chớ không là gì khác đã thể hiện đúng nhất cho tinh thần khai phá của đám người đi mở xứ. Người ta đàn hát như đùa giỡn với nhịp điệu và chữ nghĩa. Dù vẫn phải giữ cho đúng nhịp ở cuối câu, người đàn và hát vẫn có thể mặc tình rong chơi ngón đàn hay bay bướm lời ca ở giữa lưng chừng hai nhịp. Đâu có cái lối đờn-ca-xướng-hát nào mà để cho người nghệ sĩ tự do đến vậy. Điều đó hẵn nhiên đã không ít thì nhiều giúp cho người trình diễn có cơ hội bộc lộ thả dàn mọi xúc cảm mà không cần phải gò ép sít sao như trong âm nhạc cải cách mà mỗi nốt nhạc là chỉ để diễn tả cho một từ (lời). Cộng thêm đó là cái nết tài hoa địa phương tự do đóng góp thêm nét độc sáng của mỗi miền làm giàu có thêm điệu nhạc vốn dĩ cũng đơn giản buổi đầu. Mỗi người một cách mỗi nơi một điệu. Đến nỗi chỉ nội cái giây tơ mà ôi thôi cũng đủ loại. Nào là giây tứ nguyệt, giây ngân giang, giây Rạch giá, giây lai giây hò... rồi nhịp thì 16 rồi 64 rồi 32 … Cái lối chơi nhạc Flamenco có điểm gì tương đồng không vậy ?

Lần lữa, những Phùng Há, Năm Phỉ, Bảy Nhiêu, Năm Châu, Năm Nghĩa, Bảy Cao... Rồi Út Trà Ôn, Hữu Phước, Thành Được, Thanh Nga, Út Bạch Lan, Phượng Liên, Thanh Sang, Thanh Hải, Ngọc Giàu, Bạch Tuyết... ôi thôi kể ra không xiết những giọng kim giọng thổ, giọng nam giọng bắc, thứ ngọt lịm như mía lùi, thứ bùi bùi như khoai lang vùi lửa than chín tới... với Chín Trích đờn tranh, Sáu Tửng đờn kìm, Văn Giỏi đờn sách, Bảy Bá đờn cò và đặc biệt Văn Vĩ với cây độc huyền huyển hoặc. Những soạn giả như Trần Huyền Trang, Viễn Châu, Thu An, Quy Sắc, Hà Triều Hoa Phượng, Hoàng Khâm, Loan Thảo... và biết bao nhiêu soạn giả ẩn danh hay vô danh khác đã không ngừng đặt lời cho điệu nhạc duy nhất đó mà mỗi người một ý, mỗi người một cách thức sáng tạo đã đưa vọng cổ đi suốt con đường trầm luân của nó.

Thử tính coi trên đời này có một điệu nhạc nào, độc nhất có một điệu, mà lại có không biết cơ man nào mà kể những đoạn lời. Đề tài nào ráp vô cũng được, cũng mùi mẩn. Cũng bấy nhiêu âm khúc đó mà tình nào lời nấy, không ngượng ngập hay khiên cưỡng. Cũng bấy nhiêu cung bậc đó mà người nghe nghe tới nghe lui hết lời này đến lời khác mà có kêu rêu than phiền gì đâu. Kể ra cũng ngộ. Ông bà cha mẹ đã nghe. Chú bác cô dì đã nghe. Rồi con cháu cũng nghe. Hồi đó nghe bây giờ nghe mà hổng chừng mai sau rồi cũng nghe y vậy. Nghe vọng cổ mà như nghe thiên cổ!

Đã có thời trên những cánh đồng trầm thủy buồn đến mênh mông, điệu vọng cổ đã là cái nguồn giải sầu (?) vô tận. Chẳng vậy mà luồn theo nhịp sóng thương hồ, giữa hai hồi mỏi mê chèo chống, còn gì bằng tụm năm tụm bảy, làm bậy vài xị đế với miếng khô cá sặt đưa cay, vừa khi sông nước tươm khói rưng rưng, nổi hứng hò chơi vài điệu huê tình rồi bắt trớn làm một hơi sáu câu Sầu vương biên ải... Có cây lục huyền cầm tích tịch tình tang cũng tốt, mà không thì đôi đũa tre hay cái muổng thiếc giả nhịp song lang lắc cắc cũng đủ thấy đời... vui dù hát vọng cổ mười lần thì đã hết chín lần thấy hiu hiu buồn lại. Người miền nam già trẻ lớn bé người nào mà không thuộc lỏm bỏm một vài câu... Hát đúng nhịp cũng tốt mà sai cũng không sao. Ai hơi đâu mà bắt bẻ cơn hứng tình bất tử.

“Dui” thôi mà. Tôi với em là gió là mây là hoa là bướm. Ôi gió thoảng mây bay hoa tàn bướm lượn, mới yêu nhau mà đã gọi cố nhân... rồi. (***)

Dĩ nhiên không phải cổ nhạc miền nam chỉ rặt có một điệu vọng cổ thôi đâu. Còn nhiều bài bản lắm. Những là ba nam sáu bắc, xàng xê, kim tiền, lý con sáo, sơn đông hướng mã, thủ phong nguyệt, rồi khốc hoàng thiên, tây thi... rồi còn đảo ngũ cung, tứ đại oán... gì gì nữa... mà điều có phải đào kép gì đâu mà phải rành-sáu-câu dữ vậy... chỉ cần sáu-câu-vọng-cổ là đã đủ đi ăn giỗ dài dài rồi.
Phải không ?

Nghe hung tín nhị ca đà thọ khốn
Hồng Đào Sơn em phi ngựa trở về đây
Giữa pháp trường đá chạy cát bay
Quân đao phủ sắp ra tay hành quyết
Bớ La Thành... vậy chớ Đơn nhị ca tội gì mà mày giế́́́ t... Đơn nhị ca ơi, tiền đồng tịch kim
bằng cộng lạc, hậu lâm nguy bất kiế́́́ n đệ huynh khiế́́́n cho Tần Quỳnh đây ruột thắt gan... bào. (****)

Hổng biết hồi xưa ông Đơn Hùng Tín mặt xanh oan ức ra sao chớ bây giờ quanh mâm giỗ, cái câu hát nửa chữ nửa nôm đó âm vang rổn rảng như một cáo bạch bi tráng về hai chữ thủy chung, nghe mà khoái đến vểnh râu dựng tóc! Sẵn vậy ngửa cổ nốc ực một hơi cái ly đế còn ngần ngại, há không sướng lắm ru!

Vậy mà sao có thời vọng cổ bị xếp hạng với nhà quê, như một thứ nghệ thuật hạng nhì, theo kiểu cải lương hát rạp bình dân. Có phải sự gán ghép, đồng hóa vọng cổ với cải lương là cái số đoạn trường của nó dù thật ra vọng cổ cũng chỉ là một bài bản trong nhiều bài bản mà người ta đã dùng để dựng tuồng. Hiểu theo nghĩa những tuồng tích lai căng, dễ dãi, tạp nhạp, từ cách dựng chuyện đến lối phân cảnh, diễn xuất, ca hát hết sức cường điệu chìu theo thị hiếu của khán giả khi trình độ thưởng thức còn ở mức phôi thai. Dĩ nhiên ở đây phải hết sức thận trọng để phân biệt với những công trình làm mới của ông Năm Châu từ vở Sân khấu về khuya và sau đó với nhóm Hà Triều Hoa Phượng hay Hoàng Khâm hay... Nhưng mà dẫu mới dẫu cũ, cải cách hay canh tân, gì thì gì, tuồng tích dù hấp dẫn hay lảng nhách, xã hội hay hương xa, đánh kiếm hay bắn súng, đào kép điệu nghệ hay dở òm, bao giờ cũng vậy, vọng cổ luôn là cái bài bản đã được dành sẵn cho những lúc gay cấn nhất, những hồi lâm ly nhất, những khi trầm trọng nhất, những cảnh “ăn khách” nhất của một vở tuồng. Ngay đúng lúc đó, vô sáu câu, (phựt đèn màu!)... là bảo đảm ăn chắc, trăm lần như một, không có cái vụ trả giấy đòi tiền lại bao giờ.

Nghĩ thêm chút nữa, rồi có phải vọng cổ cũng chỉ là nạn nhân của sự phổ thông quá mức của chính mình. Tại người ta yêu thích quá nên người ta gán ghép cho nó những vai trò mà lắm khi nên tránh bớt. Nhưng biết nói sao bây giờ khi số phận của vọng cổ là số phận của những “siêu-sao”!

Vậy sao không trả lại cho vọng cổ cái vòng hoa nguyệt quế của nó.

Và sao không thử hát lên để nghe lại một lần... một lần nào đó, bỗng thấy mình lang thang dọc một bờ sông rất lạ mà lại nhắc đến một bờ nước rất quen, hát lên đi để nghe thử cái âm vang buồn kỳ cục dội lao xao như sóng vổ vào một bờ bến đã mù ...

... tôi đứng đây mà tưởng chừng đứng trên bờ sông Mỹ Thuận, khi mình quay xuồng tách bến để trở lại với hai con.
Bờ cây xa mờ nhuộm khói hoàng hôn. Con nước lớn lục bình trôi rời rạc.
Chiề̀̀̀u đã xuống mặt trường giang bát ngát mà bóng người thương lẫn khuất giữa sông... đầy.
Tôi liên tưởng đế́́́n ngày sau mình cũng lận đận trên dòng đời... (*****)

Nghe lại chưa, cái tiếng đoạn trường đó...

Cao Vi ̣ Khanh

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023