SỐ 98 - THÁNG 4 NĂM 2023

THEO THÁNG TƯ,
TA VỀ...

CAO VỊ KHANH

ĐỌC THƠ TÔ THÙY YÊN


oswaldo-guayasamin

một lần kể lại để rồi thôi
TÔ THÙY YÊN

Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...

Ờ, thì lần nữa theo Tô Thùy Yên, TA VỀ, dẫu không đi cùng bước nhưng trước sau có khác gì nhau khi cùng chung kiếp nạn từ sau cơn hồng thủy đó... dẫu mươi năm đầu, kể từ một ngày cuối tháng 4 năm 1975 ông đã bị tù đày trong những trại giam được ngụy danh là trại học-tập-cải-tạo được dựng lên khắp nơi từ rừng rú đến đầm lầy như từng búng máu phun ra tung tóe trên thân xác quê mẹ, ngay cả khi súng đạn cũng đã đành im tiếng.

Ờ thì về theo Tô Thùy Yên, sau mười-năm-mặt-sạm-soi-khe-nước. Nhưng rồi về đâu sau cơn bức tử của quê hương!

Mà thôi, làm sao biết sẽ về đâu, khi lòng ta đã đường cùng từ sau lần lịch sử nổi cơn điên...

Lại nữa, Ta về ...Về? Có về hẵn là đã có đi.

Đi? Bốn phương tám hướng, đi đâu? Câu hỏi bỗng nghe ra như mai mỉa! Còn chỗ nào để đi trong thời của những-kẻ-giết-người. Lối đi duy nhất cho mấy trăm ngàn con dân đất Việt buổi đó là những trại-giam-không-bản-án mọc lên khắp nơi như cỏ dại. Cùng lúc với những cuộc truy lùng bức bách đến tận hang cùn ngỏ cụt bất kể ngày đêm, là những lời kêu gọi hòa-đồng-hòa-giải-dân tộc ra rả trên những chiếc loa phóng thanh treo khắp đầu trên xóm dưới. Gần nửa thế kỷ qua đi, dẫu trí óc có cùn nhụt đến nỗi nào đi nữa, người còn may mắn sống sót cũng không thể quên được những tuyên ngôn rỗng tuếch, những thông báo láo khoét dối trá đến cực cùng... để lừa bịp xô đẩy quân nhân công chức của chế độ cũ vào tù cũng như lường gạt hai mươi mấy triệu người miền Nam còn đang bàng hoàng chưa kịp tỉnh sau cơn ác mộng... Thực chứng sống chết còn nguyên đó.

Khi chế độ đã là cùm gông, chính trị như cái rọ úp chụp lên phận người, bít chịt đến nghẹt thở thì làm sao mà biết đi đâu về đâu, một khi đã bó thân trong vòng rào của lòng thù hận, tị hiềm... đến tuyệt mức nhỏ nhen. Trong nhà tù lớn như thiên la địa võng, có hay không một ngỏ ngách đi-về? Trong tình cảnh cá chậu chim lồng, thật ra giam kín đằng sau chấn song hay thả ra giữa những cặp mắt cú vọ của đám ác nhân thì cũng chịu cùng chung một ác ý. Khác nhau chăng là ở mức độ của những đòn thù.

Như vậy, có cần phải hỏi đi đâu, rồi về đâu?!

Hay rốt ráo... hỏi cũng chỉ là một cách tự đánh tráo trong thời đại dối trá.

Tựa đề dẫu có gợi chút băn khoăn mà thật ra lời xác quyết về chủ thể đã làm câu hỏi trở thành vô ích. Lời đáp trả đã tiềm ẩn ngay trong đó. “Ta”, Ta về, đại danh từ ở ngôi thứ nhất, kiểu tự xưng đã ngầm chứa trong đó niềm tự hào, sự khinh mạn... của người trở về sau mười-năm-chết-dấp trong địa ngục trần gian mà lũ cai tù là loài quỷ dữ. Nghe ra không, qua đó, tiếng cười gằn, khinh bạc! Có phải đó chính là lời xác nhận... Ta-vẫn-là-Ta. Sau hết, cùm gông, đói khát, nắng lửa đốt da, sương móc lóc thịt, tay trần đào đất, vai trần vác đá, những thùng conex biệt giam bít bùng, nước độc vàng da, bệnh hoạn không thuốc men, gạo mốc cơm thiêu, cây cỏ ếch nhái đắp đổi cho qua bữa đói khát, bao cát mót từng mảnh mục làm vải che thân, trăm lần “tự thú”, ngàn lần “tự kiểm”... hằng trăm hằng ngàn kiểu đày đọa... vừa để tra tấn vừa để triệt hạ nhân phẩm người tù, mọi kiểu mọi cách mà bọn vô nhân đã bươi móc trong cái đầu vốn dĩ đặc sệt của họ để hành tội kẻ bại trận cho đã cho bưa thứ thù hằn bệnh hoạn.

Có điều, trái với lệ thường...

Những người đi tù buổi ấy...

Ngày đi... vào tù rồi ngày về... từ cõi ngục tù, rốt lại, Ta vẫn là Ta. Cái Ta kim cương-bất-hoại. Cái Ta lừng lững giữa tầng tầng khổ nhục. Ôi! Còn gì cảm khái cho bằng! Ta về một bóng trên đường lớn! Đi rồi Về, mười năm, lòng vòng một vòng tròn kín.

Về đâu chính là tự lòng ta đó thôi.

Tiếng biển lời rừng nao nức giục
Ta về cho kịp độ xuân sang

Trọn bài có 31 khổ 4 câu theo thể thơ 7 chữ, với hai câu mào đầu tách riêng ra hẳn chẳng phải là vô cớ. Chuyện đi-về của người tù chính trị ở đây đã vượt ra khỏi cái khung chật hẹp của chuyện tù tội. Y như một bản tuyên ngôn dõng dạc của kẻ sĩ giữa cuộc trầm luân mà mọi thứ ý thức hệ dẫu cuồng tín và hiểm độc đến đâu, mà mọi dã tâm đày đọa thân xác tới độ nào đi nữa... cũng đành thúc thủ. Người, sau rốt, vẫn nguyên vẹn là Người. Bi hùng như một bản cáo trạng.

Và bi tráng như một bài ca Chính khí của người về ngược hướng.

(Chắc cần thêm một cái nháy mắt hả hê, đồng lỏa với sự tinh quái tế vi qua 14 chữ tách riêng mở đầu cho bài thơ dài 868 chữ. Tại sao lại phải thêm thắt riêng cho nằm lẻ loi vậy khi mỗi khổ thơ sẽ là 4 câu như thói thường. Ậy, có lý do riêng đó chớ. Thấy ra chưa, Ta về ... là do tiếngbiển- lời-rừng thúc giục, ta về là do mùa xuân rủ rê chớ chẳng có một quyền lực nào khác can thiệp kể cả cái đám quản giáo, quản huấn, vệ binh với súng dài súng ngắn cùng với đám lãnh tụ chốp bu trong cung cấm Ba đình... Dẫu cho chúng cứ huênh hoang là... thả tù! Mà dẫu thiệt tình cho tù có được thả đi nữa mà người tù thả ra có chịu nhận vậy đâu. Thấy chưa, thấy cái lắt léo của thăm thẳm thơ chưa. Như một cách phủ nhận thứ cường quyền đang vây khổn suốt cả một dãy quê hương khốn khổ, trong đó có người tù thi sĩ mới vừa được thả ra khỏi... tù đã tức thời trở lại ta vẫn là... ta –sau khi đã cố giữ cái-Ta-dễ-bể đó trong suốt mười năm tù ngục).

Ta về - một bóng trên đường lớn
Thơ chẳng ai đề vạt áo phai...
Sao bỗng nghe đau mềm phế phủ?
Mười năm, đá cũng ngậm ngùi thay.

Ta về, một bóng trên đường lớn. Hình ảnh bi tráng đến sững sờ. Ta về một bóng trên đường lớn! Thử tưởng như phóng con mắt nhìn theo đường vẻ một viễn cảnh xa huốt tới tận chân không. Trên con đường lớn vắng hoe chạy dài tới mút mắt đó, chung quanh không có ai, không còn ai, người tù lầm lũi đi với chiếc bóng của mình, chững chạc hay xiêu vẹo, vẫn toát ra, lặng lẽ, một niềm tự hào thầm kín. Đọc thơ sao thấy hả hê như há miệng nốc một ngụm đế Đường Xuồng vừa cay vừa nồng tới muốn bốc hơi cả hồn lẫn xác!

Mà sao rượu cạn rồi... lại lợn cợn chút gì như nửa đắng nửa cay!

Vĩnh biệt ta-mười-năm chết dấp
Chốn rừng thiêng im tiếng nghìn thu.
Mười năm, mặt xạm soi khe nước,
Ta hoá thân thành vượn cổ sơ.

Người tù đó, người sĩ quan của quân lực VNCH, ông thi sĩ Tô Thùy Yên, sau gần bốn ngàn ngày đêm bị biệt đày khổ sai ở một chỗ mà có lần ông Nguyễn Chí Thiện, tác giả tập thơ Hoa Địa Ngục, đã tóm tắt gọn bâng chỉ bằng 15 chữ mà cực kỳ hùng biện chẳng kém gì những bản cáo trạng dài thậm thượt, vạch trần tội ác của người cộng sản: từ-vượn-lên-người-mất-mấy-triệu-năm, từ-ngườixuống-vượn-mất-bao-năm?- Dẫu vậy, khi ra tù mặc cho mọi thứ thâm ý hiểm độc của đám cầm quyền mới, ngoại trừ cái thân xác tiêu hao đến mềm-phế-phủ, người lính sa cơ đó, người thi sĩ lỡ vận đó, ông vẫn là ông-cũng như hằng hằng người tù vô danh khác- mặc tình bao nhiêu thủ đoạn quỷ quyệt vừa để triệt tiêu nhân phẩm người tù, vừa để hủy diệt hào khí của những người đã một thời đứng đầu sóng ngọn gió. Hãy nghĩ đến những người đàn ông, sinh ra và lớn lên ở miền Nam thuở đó, trong lứa tuổi 30, 40. Và tình cảnh oan khuất, dở khóc dở cười của họ, những năm tháng đó! Trẻ hơn thì kể ra cũng chỉ mới váng vất hơi lửa đạn. Lớn hơn nữa thì đã quá dạn dày. Lớp người không còn non nhưng cũng chưa quá cỗi. Những người tròng vào mình bộ quân phục trên dưới hai mươi năm, suốt binh nghiệp ở đơn vị tác chiến, đối mặt ngày đêm với cái chết chực chờ. Đôi mươi năm lửa đạn có làm thui chột tính người? Không. Trăm lần không. Lịch sử cuộc nội chiến kéo dài hơn hai mươi năm đã minh chứng điều đó. Những người đó, bỗng không rồi có một lúc bỗng sững sờ nghe lệnh bỏ súng, đầu hàng. Thử nghĩ lại cái lệnh đột ngột đó, cái giây phút chết sững đó, ngay lúc đó, họ nghĩ gì, khi trong tay còn bao nhiêu sinh mạng của những người đồng đội, của những kẻ thuộc quyền, những đứa em ngày đêm đã gởi gắm sinh mạng cho họ qua bao nhiêu lần sống chết có nhau. Lại nữa, trong suốt quãng đời chinh chiến chắc ai cũng có một niềm hãnh diện nào đó, dù thầm kín, khi dang thân mình giữa cuộc tử sinh để giữ cho quê hương được sống còn trước những cơn cuồng sát, từ hơn hai mươi mấy năm qua.

Vậy rồi, trả súng, quay về hẵn không ai là không thoáng có một chút ước mơ... một thoáng nghĩ tới cuộc đoàn tụ tất nhiên với cha mẹ già đã mỏi mòn khấn nguyện, với người vợ đêm ngày thắc thỏm, với mấy đứa con thơ thiếu cha, với những người tình đã ứ thừa thương nhớ...

Có ai kịp nghĩ tới cái kết cuộc tuyệt mức bi thảm và vô lý của những trại giam đang chực hờ mở rộng cửa chờ xua họ vào cõi... địa ngục.

Hãy nghĩ lại, cái giờ phút ngỡ ngàng khi biết mọi sự đã không như là họ... ngỡ.

Hãy nghĩ lại, cái giờ phút mọi gian xảo để lộ ra hết mọi giả trá của một thứ hòa bình giả tạo...

Hãy nghĩ lại, tự dưng, họ trở thành những người tù khổ sai...

Hãy nghĩ lại những chiếc xe hàng phủ bạt bít bùng chạy thâu đêm, những chuyến xe lửa dài thậm thượt chạy suốt từ Nam ra Bắc, chất dồn đống những nạn nhân của một cuộc tráo trở vĩ đại như lịch sử chưa từng.

Hãy nghĩ lại...

Hãy nghĩ lại...

Thả lòng theo TA VỀ, dẫu thơ không vui mà đọc rồi lòng sao khinh khoái. Có ngả đầu bái phục bao nhiêu lần vẫn thấy dường như không đủ. Ôi rõ là bậc vương-tôn-miền-trí-tuệ. Trọn bài, hai chữ TA VỀ được lập đi lập lại 16 lần – không kể tựa đề, làm thoáng nhìn cứ ngỡ là một bài hịch với dụng ý như... gằn giọng để xác định một quyết tâm trong một tuyên cáo tuyến bố chi đó. Nhưng lạ, đọc lên rồi lại chỉ nghe ra như một lời tâm tình, rạch ròi chững chạc mà lại thân mật gần gũi. Âm thanh không vỗ đập mà lại ve vuốt hồn người. Chữ nghĩa cao kỳ mà không kiểu cách. Thứ chữ mang hơi hướm ngữ âm miền Nam, âm điệu nồng nã, trân trọng mà không khách sáo, sang cả mà vẫn gần gũi... Tuyệt hơn nữa là chữ dùng đa số với thanh “bằng”, có vọng âm “trầm” nghe ra như trần tình mà không hề than thở. Nhịp thơ rắn rỏi, gọn bâng mà để lại dư âm như lớp lớp sóng đồng tâm lay động mặt hồ ngoài kia, mỗi lúc một lan xa, lan xa... mà ở đây, xa tận tới nghe-đau-mềm-phế-phủ! Những câu thơ phảng phất thứ thi vị hồn hậu mà thâm thúy, làm người đọc cảm thấy gần gũi, thân thiết dù nghĩa lý thì ôi thôi sâu hun hút. Xin được hãnh diện lây, dân Nam kỳ lục tỉnh vốn mang tiếng ăn nói nôm na, bộc trực ... kể cả quê mùa.

Thử nhớ lại với Tô Thùy Yên, cái thời-quỷ-ám. Như tiền đề của một chuyến trở về...

-NỖI ĐỢI-
.............
Kẻ mới tới bày tòa giữa chợ,
Giải người ra, sỉ mạ ba đời,
Cho đeo bảng, dong đi khắp phố,
Bắn bỏ bên đường, cấm nhận thây.
Chỉa súng đuổi người ra khỏi đất,
Đày đi biền biệt miệt thiên thu.
Đuổi cả người chết ra khỏi mộ,
Cày nghĩa trang, trả vói thâm thù.
Quan lại sánh tày bão châu chấu
Ập xuống đồng, nghiến ngấu của dân...
Nhơn nháo chẳng cần che lấy mặt,
Mấy đời mới gặp dịp nên quan.
Những năm đó, làng ta đói kém.
Lúa gặt về, nhà nước trưng thâu.
Dân cùng ăn đến cả nhau đẻ,
Bán tình thâm mà mua gạo châu.
Con tố cha cầu được cất nhắc.
Cháu giết bà cướp nửa chỉ vàng.
Thiên hạ cùng xanh mặt trắng mắt
Nhớn nhác dòm quanh, lén cả than...
.........
Trăm họ lần lượt bỏ xứ trốn,
Biển thì hung hãn, thuyển mong manh.
Ta nghe kể lại: xác lên bãi
Nằm dài dài như lúc chiến tranh.
.........
Ngửa mặt khóc cười ba tiếng lớn,
Giận thân sao đã khứng ra đời,
Bỏ đi, khinh bạc nghiêng trời đất,
Gặp đá bên đường, cúi hổ ngươi.
..........
Cát bụi sao quên mình cát bụi,
Đành hanh nhau tàn khốc máu xương.
Mấy mươi năm chiến tranh, tù rạc,
Cười rộ vô thường một tiếng suông.
Đời động. Đồng rừng rêm tiếng mõ.
Ai người rao giảng điển long hoa?
Láng giềng bị bắt lúc trời tối.
Lật bật rồi cũng đến lượt ta...
..........

Có nhớ lại gì không, qua 36 câu thơ như dao khắc đá đó, cả một cuộc thảm sát mới, không bằng súng đạn-mã tấu-dao găm, mà lại cũng không kém phần tàn độc, nhằm hủy diệt một lý tưởng nhân bản đã thành nếp của nửa phần dân tộc sống ở bờ nam Bến hải.

Dẫu quên quên nhớ nhớ cũng là chuyện thường tình của người thiên hạ. Nhưng có những điều làm sao quên!

Ứ đọng trong tâm khảm người tù chính trị đằng đẵng suốt mười năm như tầng tầng trầm tích, cộng thêm những đòn thù hiểm ác từng phút từng giây mãi cho tới lúc được thả ra... cũng vô lý như khi bị bắt đi.

Dõi theo chân người về, sau suốt mười năm tù đày vừa rúc rỉa thân xác, vừa đục dũa não cân, thân phận người tù chẳng khác gì con sâu cái kiến bởi những kẻ vốn vẫn rêu rao là đi giải-phóng-dân-tộc, ông thấy gì? Sông nước bơ vơ, cỏ cây phờ phạc, phố xá im lìm, xóm làng ngơ ngác... Và nhất là lòng người, những tấm lòng đã một thời xóm giềng, những thân sơ đã một thời núm ruột, bỗng có lúc trở thành e dè, nghi ngại lẫn nhau dưới sức ép của một chế độ công-an-trị. Phố xá làng mạc như co rúm lại trước những mũi súng chực hờ và những tia nhìn gườm gườm như mắt rình mồi của loài chó sói.

Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.

Người về từ sau cơn địa chấn kinh hoàng đã làm sụp đổ tan hoang hết mọi niềm tin vốn từ khởi thủy đã là nền tảng của một xã hội nhân hòa, để từ đó đã dựng lên một quốc gia văn hiến. Còn gì nữa đâu. Quê cũ. Đám người từ rừng rú đổ ra đã biến xóm làng thành rừng rú. Ông đã cầm lòng mà xác nhận như một sự thể đã rồi. Mọi cửa ngỏ đã bít kín. Rồi ra, quanh ông chỉ là cái nhà tù lớn, nhốt người thêm lần nữa...

Chỉ có thế. Trời câm đất nín.
Đời im lìm đóng váng xanh xao.

- (11 chữ đủ tả cái bộ mặt đặc cứng, ù lì mà trong ruột thì lộn lạo hết mức của xã hội miền Nam VN sau năm 75 như mặt hồ đóng váng lợn cợn và xanh úng rong rêu. Nhất ông, ông Tô!) -

Trở về sau mươi năm vật đổi sao dời để người vắng mặt bấy lâu thấy rõ hơn chuyện đổi thay đến tận cùng dâu bể. Tốt thành xấu. Sai thành đúng. Mọi nấc thang giá trị nhân bản bị đạp đổ ngang xương. Thay vào đó, con người chỉ còn là một thứ công cụ sản xuất nhằm để phục vụ cho một chế độ phi nhân. Trong tình cảnh đó, thử hỏi người trở về làm sao không thấy lạc lõng. Hổng chừng thêm một chút chua chát... phải chi hồi đó đừng bỏ súng, sống chết chỉ một lần!

Và tuyệt vọng. Kiểu như ông Trần Tế Xương có lần một-mình-đứng-giữa-quãngchơ-vơ, ông Tô chắc cũng đã quặn lòng đau mấy lượt... Nhưng rồi, dẫu vậy, dẫu đã mất hết nhưng với khí tiết của một kẻ sĩ đã được nuôi dạy ngay từ tiếng mẹ ầu ơ, sau cùng, người thi sĩ của mùa quốc nạn đã vượt lên khỏi mọi bạc đãi của lịch sử, và từ đó, như một xiển dương thầm lặng về giá trị của con người, vẫn giữ vững Cái Ta, cái của Riêng Ta, đứng ngoài và đứng trên hết mọi chuyển động của không-thời gian, của lịch sử, của tội ác. Chính từ đó mà giữa hoang tàn đổ nát của lòng người và đất nước, kẻ sĩ làm thơ vẫn giữ lại được cho riêng mình một khoảnh trời đất cũ, có yêu thương là bản vị của đời sống, có lòng nhân ái là thước đo của văn minh, có huyền thoại một mẹ trăm con là bản sắc của dân tộc. Và một hồn thơ như được trui rèn trong khổ dịch càng trở nên bi tráng. Thơ như con đường hồi sinh của kẻ oan tình, biết mình đúng, tin chắc vào Lẽ Phải. Không cao giọng mà sao thấy ra cái vẻ dửng dưng, khinh mạn của người về từ hỏa ngục. Mặc kệ những trù dập, bức bách của đám cầm quyền mới bám riết theo như ruồi bu theo miếng bánh ngọt, mọi ác tâm rồi như lớp bụi hờ bám vai người qua trần thế. Con đường thơ mở ra bát ngát. Mỗi vần thơ như mỗi tiếng chuông cứu khổ, độ người qua cửa bể trầm luân.

Ta về qua những truông cùng phá,
Nếp trán nhăn đùa ngọn gió may.
Ta ngẩn ngơ trông trời đất cũ,
Nghe tàn cát bụi tháng năm bay.
Chỉ có thế. Trời câm đất nín.
Đời im lìm đóng váng xanh xao.
Mười năm, thế giới già trông thấy.
Đất bạc màu đi, đất bạc màu...
Ta về như bóng chim qua trễ
Cho vội vàng thêm gió cuối mùa.
Ai đứng trông vời mây nước đó,
Ngàn năm râu tóc bạc phơ phơ.
Một đời được mấy điều mong ước?
Núi lở sông bồi đã lắm khi...
Lịch sử ngơi đi nhiều tiếng động.
Mười năm, cổ lục đã ai ghi?
Núi lở sông bồi đã lắm khi... đọc lên như nghe một tiếng cười khảy trước những
vọng động của kẻ vô tâm.

Ta về cúi mái đầu sương điểm,
Nghe nặng từ tâm lượng đất trời
Cảm ơn hoa đã vì ta nở
Thế giới vui từ mỗi lẻ loi

Cám ơn hoa đã vì ta nở. Có thật là hoa nở vì ta. Sực nghĩ tới Lão Đam. Câu thơ như một xác nhận tuyệt vời của sự đồng cảm, một sự liên đới chằng chịt giữa ta và vạn vật, của ta trong vạn vật và vạn vật ở trong ta. Thật ra hoa tới mùa thì nở. Hoa nở rồi tàn. Có điều chắc chắn là mùa sau hoa lại nở. Như một lời hẹn thủy chung. Vấn đề là ta có nhận ra được không, cái vòng luân lưu bất diệt đó để tìm ra lối thoát cho cái vòng tù hảm đang vây kín đời ta. Một đóa hoa dại dọc đường giữa một dặm trường nắng cháy, người qua đường có thấy được nét tươi mát của hoa-nở-vì-ta để dổ lòng cháy nắng? Và nhìn ra trong đó sự độ lượng của thiên nhiên trong cuộc tuần hoàn vô thủy vô chung. Cám ơn hoa đã vì ta nở. Nhận ra tuổi mãn khai của bông hoa chính là ngã trọn mình vào lòng thiên nhiên mà sống. Mà cũng từ đó, đâm chồi những hy vọng. Rồi ra, cái đẹp, cái thiện... vẫn còn đó và sẽ còn đó dẫu bao nhiêu dùi vập. Nhận thức được điều đó là sự hòa đồng tuyệt diệu của ta và vật, là nhịp cầu cho sự cứu rỗi. Hình tượng bông hoa-nở còn như là một hứa hẹn cho một khai mở nào đó. Mọi thứ rào chắn rồi cũng chẳng cản được chân người. Những chiếc ghe con bắt đầu bỏ bến... ra khơi... Bằng mọi cách dẫu có phải đi tìm cái sống trong cái chết, người quanh quanh vẫn lìa xứ ra đi. Bao nhiêu người tới bến? Bao nhiêu người bỏ xác dọc đường? Mà dẫu có là bao nhiêu cũng là một con số quá đổi oan khiên cho một dân tộc vốn tự hào là đã sinh ra từ một-mẹ-trăm con!

Tưởng tượng nhà nhà đang mở cửa,
Làng ta, ngựa đá đã qua sông,
Người đi như cá theo con nước,
Trống ngũ liên nôn nả gióng mừng.
Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.
Ta khóc tạ ơn đời máu chảy
Ruột mềm như đá dưới chân ta.
Mười năm chớp bể mưa nguồn đó,
Người thức nghe buồn tận cõi xa.
Ta về như hạt sương trên cỏ
Kết tụ sầu nhân thế chuyển dời.
Bé bỏng cũng thì sinh, dị, diệt.
Tội tình chi lắm nữa, người ơi!

Trong buổi chạng vạng của niềm tin, người với thơ, như đôi bạn tâm giao dắt díu nhau tìm về chốn cũ, dẫu đã quá độ tang thương và phải lặn ngụp trong thứ không khí nghi kỵ đang phủ trùm làng xóm, sau hết vẫn gặp lại đâu đó, hồn xưa một thuở...

Lời thề truyền kiếp còn mang nặng
Nên mắc tình đời cởi chẳng ra.
Ta nhớ người xa ngoài nỗi nhớ.
Mười năm, ta vẫn cứ là ta.
Ta về như tứ thơ xiêu tán
Trong cõi hoang đường trắng lãng quên.
Nhà cũ, mừng còn nguyên mái, vách,
Nhện giăng, khói ám, mối xông nền.
...................
Ta về như tiếng kêu đồng vọng.
Rau mác lên bờ đã trổ bông.
Cho dẫu ngàn năm, em vẫn đứng
Chờ anh như biển vẫn chờ sông.

Đằng sau những phản trắc lồ lộ, những ép bức đến nghẹt thở, vẫn còn đó... những thủy chung như kết quả của một xả hội lấy lễ giáo làm đầu, từ đã mấy ngàn năm, dẫu bỗng không bị phủ nhận rồi gán cho hai chữ phản động để vứt bỏ. Trong tình cảnh đó, người ở lại dở khóc dở cười mà phải cắn răng chịu đựng để hy vọng một cuộc trùng phùng với người đi biệt dạng. Cái kiểu trông chờ mà không chắc có ngày về, có phải cũng là một thứ cực hình không hơn không kém. Vâng, đâu phải chỉ người đi đày mới đầy oan khuất, người ở lại cũng hứng chịu oan khuất không thôi. Cuộc đổi đời tàn khốc đó có phân biệt ai đâu. Không tù gông thì cũng phải gánh chịu bao nhiêu oan ức. Từ những lệnh lạc ngây ngô đến những ép uổng vô cớ, những thiếu thốn trăm bề, từ miếng gạo trộn bo bo tới con mắt láo liên dò la, bưới móc, những đồng bạc mồ hôi-và-nước-mắt bỗng một sớm một chiều hóa thành tờ giấy lộn, viên thuốc cảm, thước vải thô, mồ mả đào xới tan hoang, những điệu nhạc Tàu như xoáy điếc lổ tai ra rả ngày đêm qua những chiếc loa treo khắp hang cùng ngỏ hẻm, những cày cuốc nhét vào tay vốn quen mùi giấy bút. Kể cả cái đám con nít choi choi mới lớn, trai gái bất kể vừa tới tuổi giữa bậc trung học mà trước đó đã lở đầu thai vào gia đình có cha là ngụy quân-ngụy-quyền cũng bị đuổi học làm như chữ nghĩa cũng bè đảng như ai. Biết bao nhiêu oan trái người ở lại cắn răng gánh chịu để trông... để đợi... để chờ... Những người đàn bà, những người mẹ, người vợ, người tình... bỗng chốc mất đi núm ruột, mất nguồn yêu thương, mất nơi nương tựa... Hòa bình rồi mà mẹ nhớ con mòn mỏi, vợ trông chồng chẳng khác đá vọng phu... dù người đàn ông của họ vẫn còn đâu đó, giữa mạng lưới nhà tù mù mù như lưới nhện. Thử tưởng đến những người đàn bà miền Nam thuở đó, mừng chưa kịp chuyện trùng phùng sau cơn lửa đạn thì đã phải trần thân gánh lấy nợ đời mà người cha người chồng người tình của họ đã bỏ lại đó để... đi tù ở những nơi không ai biết, ngày về chẳng ai hay. Những người đàn bà khốn khổ của miền Nam buổi đó, những phụ nữ tay yếu chân mềm... bỗng chốc phải dang thân ra đứng đầu ngọn sóng để nuôi bầy con có cha mà bỗng chốc mồ côi! Người thì tay cuốc tay len đào đào xới xới mấy miệt đất chai ruộng phèn gọi là đi-kinh-tế-mới, người thì tay nách xách mang ra mưa nắng chợ trời ... vừa nuôi con nuôi cả chồng đang đi trả món nợ chẳng biết ai vay! Thử tưởng đến những người đàn bà miền Nam trong cuộc đổi đời năm ấy. Thử tưởng đến người vợ miền Nam sau khi được phép thăm nuôi, cụ bị gạo muối trần ai... lặn lội đến được trại giam thì tin chồng đã chết... vì đói. Thử tưởng đến người mẹ miền Nam đem gởi đứa con mới lên 10 tuổi cho người dưng dắt đi vượt biển. Ruột có đứt trăm khúc chắc chưa đau bằng tấm lòng mẫu tử... Còn bao nhiêu oán khúc phải kể ra. Mà kể ra làm sao cho đủ.

Này cha già mẹ yếu. Thử nghĩ coi sanh con hẳn ai cũng đặt vào đó bao nhiêu là kỳ vọng. Giờ, đón con về với một thân xác tàn phế khi cửa nhà đã mỗi lúc một quạnh hiu. Những bậc sanh thành đó, họ nghĩ gì khi dang tay ra... Người về đau đớn một, bậc cha mẹ còn đau đớn tới bao nhiêu! Tình cảnh hẵn không khác gì đứa con đi làm ăn xa, nay thất bát quay về quê cũ, dẫu có mừng mừng tủi tủi nhưng làm sao giấu được nỗi bẽ bàng. Mà còn hơn vậy nữa, nỗi đau này thực tế và cụ thể hơn nhiều lắm. Họ không kịp nghĩ tới lý tưởng hay gì khác, tình cảnh này còn đau lòng hơn gấp bội khi máu huyết của họ giờ trở lại như những bộ xương khô. Họ đã đau như chính thịt da của họ bị cắt xé...

Ta về như đứa con phung phá
Khánh kiệt đời trong cuộc biển dâu.
Mười năm, con đã già như vậy.
Huống mẹ cha, đèn sắp cạn dầu...

Từng đoạn ngắn bốn câu, như một bản liệt kê những tai ương đã chia đều cho từng người một. Ẩn mật và thiết tha gói ghém từng lời tạ ơn kín đáo cho từng nỗi đợi chờ đã tưởng là vô vọng.

Ta gọi thời gian sau cánh cửa.
Nỗi mừng ràn rụa mắt ai sâu.
Ta nghe như máu ân tình chảy
Tự kiếp xưa nào tưởng lạc nhau.
Ta về dẫu phải đi chân đất
Khắp thế gian này để gặp em.
Đau khổ riêng gì nơi gió cát...
Hè nhà, bụi chuối thức thâu đêm.

Trở về sau khi vắng mặt hết một phần mười của đời người, dẫu không tận mắt nhưng người về làm sao không thấy được cam khổ của người ở lại. Đau thương còn sờ sờ ra đó. Sự giao cảm giữa người đi và người ở lại là bằng chứng của những tấm lòng đôn hậu vốn quen sống trong một xả hội thuần lương. Nhất là đã tin chắc vào nguyên lý tột cùng. Cái tốt, cái đẹp, cái ân, cái nghĩa, cái thủy chung... vẫn lẩn quẩn đâu đây, dẫu trần gian có đang là địa ngục. Nhất là, những đức tính vừa kể vốn là phẩm chất để phân biệt con người và thú vật. Phủ nhận những điều đó có phải là đang tự hủy diệt. Người ta sinh ra đâu phải để dối trá, đâu phải để cưỡng bức, đâu phải để giết người, đâu phải để bày trò tàn khốc tru di đồng loại. Người ta sinh ra để nối tiếp dòng đời miên viễn, như sông con đổ nước về sông cái, để cùng nhau chảy miết ra biển lớn. Để rồi trở ngược lại từ đầu, tiếp tục cuộc tuần lưu vô hạn.

Cây bưởi xưa còn nhớ trắng hoa.
Đêm chưa khuya lắm, hỡi trăng tà!
Tình xưa như tuổi già không ngủ,
Bước chạm khua từng nỗi xót xa.

Thử tưởng đến cuộc trùng phùng của người chờ từ vô vọng và người về từ vô phương. Sự nối kết lại một cuộc chia lìa, bi ̣tách đôi bởi một lực cản ráo cạn nhân tình có thể coi như biểu hiện của chân lý, rồi thì cái thiện thắng cái ác, để tiếp tục dòng sống vô thủy vô chung. Đó có thể coi là nguyên lý tối thượng cho sự hiện hữu của chúng sinh. Ngày nào cái ác đại-thắng (!) ngày đó sẽ là sự hủy diệt chung cùng của nhân loại!

Chiều nay, ta sẽ đi thơ thẩn,
Thăm hỏi từng cây những nỗi nhà.
Hoa bưởi, hoa tầm xuân có nở?
Mười năm, cây có nhớ người xa?

(Lời thăm hỏi ân cần đến từng cọng cỏ ngọn cây nghe ra tưởng chừng như kiểu cách. Mà thật ra đó chính là biểu tượng của sự hồn hậu, khoáng đạt, tốt bụng... được kế thừa từ truyền thống dân tộc vốn lấy nhân nghĩa làm đầu, từ đã mấy ngàn năm. Vụt cái muốn phá bỏ nền luân lý cổ truyền đó tới ráo cùng thì rồi lấy gì mà đối đãi giữa người với người. Bốn mươi tám năm sau, nhìn ngó trở lại ở bên kia bờ đại dương, có thực chứng gì không?)

Rồi ra, còn đó, dẫu chút hơi tàn vẫn là ân sủng của trời đất. Còn đó, cái Ta với mọi thứ của riêng ta, vẫn là thứ vinh quang rốt ráo của kiếp người, sau khi trải qua bao nhiêu vùi dập mà hổng chừng đến sắt thép cũng bị bẻ cong. Người tù, với thịt da xương cốt mềm hơn sỏi đá vẫn lặng lẽ tồn sinh. Với kinh nghiệm của khổ ải, sau bao nhiêu trần ai, có phải niềm tin vào lẽ tuần hoàn càng thêm rõ rệt. Nhận thức ra điều đó có phải là dịp để hóa giải những trớ trêu của định mệnh, và tìm cách thuận thảo với những oái ăm của thân phận làm người. Có phải sau khổ nạn dù làm lở dở cuộc tồn sinh, người thi sĩ với cõi thơ vô biên đã tìm ra sự thỏa hiệp cần thiết để thâm cảm và khoan dung, ngay cả với trò dâu bể. Có phải đó là cách thế giữ mình giữa cuồn cuộn những tai ương. Và cũng từ đó, để xác minh cho thứ vinh-dự-lầm-than đã có lần biểu-dương đến cùng tận.(*) Rồi ra cái Ta vẫn muôn thuở, bất kể ngoài Ta đời có nổi hung đến nỗi thừa cơ cho chó- nhảy-bàn-độc làm lộn lạo cả kiếp người. Có phải nhờ vậy, khi tâm đã định mà thơ trở lại giữa điêu tàn bằng những bước thênh thang như đời chưa từng dâu bể. Điều đó có phải còn là bằng chứng về sự thất bại của chế độ gông cùm đang cố tình giam giữ hồn tính của cả một phần dân tộc. Thoát được ra khỏi cái lồng kín của sự thiển cận, hẹp hòi đến ti tiện... giữ cho mình không sa đọa vào thứ thiênđường- mù đang ngày đêm ra rả tuyên truyền chính là cuộc chiến thắng thầm lặng của lương tri với tội ác. Lòng người về mở toang ra với thế giới mênh mông của trời đất, vẫn nguyên si từ một thuở hồng hoang, như đứa con trở về ngôinhà- của-mẹ.

Trở lại sau mười năm giam cầm, dù thể xác có hư hao mà tinh thần vẫn không hề suy suyển- cùng với hàng trăm ngàn bạn đồng tù vô danh khác, phải kể là một tuyên dương thầm lặng của ý thức nhân quyền. Tự chủ. Tự do. Chỉ có Ta làm chủ được ta. Bằng một cách nào đó, cộng với cái nhìn vô thường tự tâm vô ngã, có phải là lối thoát của tinh thần ra khỏi cái ám ảnh của chín tầng địa ngục mà đám cai tù vô học, vô nhân thừa lệnh đám cầm quyền vô thần vô hậu đã bày ra vừa để hành hạ xác thân vừa để tẩy não những kẻ sa cơ thất thế. Bài thơ như một chứng tích hùng hồn cho sự thất bại của lũ người cuồng tín. Trở về là vứt bỏ mọi trói buộc từ xiềng xích bằng sắt thép tới xiềng xích bằng kiểu lý luận tròng tréo của thứ chủ nghĩa sát nhân, giữ y nguyên tánh của con người vốn đã được thủy chung gìn giữ ở Miền Nam ngay cả khi phải cố giữ cái sống khi kẻ thù đem gieo rắc cái chết ở đó suốt hơn hai mươi mấy năm dài.

Ta về như giấc mơ thần bí
Tuổi nhỏ đi tìm những tối vui.
Trăng sáng lưu hồn ta vết phỏng.
Trọn đời, nỗi nhớ sáng không nguôi.
Bé ơi, này những vui buồn cũ,
Hãy sống, đương đầu với lãng quên.
Con dế vẫn là con dế ấy,
Hát rong bờ cỏ, giọng thân quen.

Hình ảnh “con dế” có phải là biểu trưng của một cõi đời đã mất vốn êm ấm trong vòng tay thương yêu của cha mẹ, trong bảo bọc của một xả hội công bằng với một nền giáo dục dân tộc-nhân bản-khai phóng mà tuổi trẻ miền Nam đã thừa hưởng. Có phải cũng từ đó đã vượt lên trên mọi biện biệt với cái tâm xích-tử. Ta về như lá rơi về cội. Để người “ về ” cảm thấy như chưa có lần đã... “ đi ”!

Ta về khai giải bùa thiêng yểm.
Thức dậy đi nào, gỗ đá ơi!
Hãy kể lại mười năm mộng dữ.
Một lần kể lại để rồi thôi.

Một lần kể lại để rồi thôi.

Có thể vậy không? Hay để trấn an cho chính mình khi chữ nghĩa cứ cuồn cuộn như sóng biển ngày gió lớn. Và cuộc đời, cuộc đời thì như con sông trăm nhánh, nước khi lớn khi ròng, có bao giờ ngừng lại. Chỉ có con người là sẽ có lúc lặng tiếng, im hơi. Bởi vậy còn biết bao điều chưa nói kịp khi mà bất-tận-nỗi-đời-hunghãn-đó. (*)

Ta về như hạc vàng thương nhớ
Một thuở trần gian bay lướt qua.
Ta tiếc đời ta sao hữu hạn,
Đành không trải hết được lòng ta.

Đành không trải hết được lòng ta! Quả là một tiếng kêu thống thiết. Sự thú nhận tính cách bất toàn và hữu hạn của đời người như một thất bại tự thân của cuộc hiện sinh quả là lời báo trước cho những kẻ tập tểnh vào đời. Hay cũng là lời an ủi cho cả một thế hệ đã... đầu-thai-nhầm-thế-kỷ.

Mà thật vậy, làm sao, làm sao nói ra cho hết, làm sao kể ra cho đủ dẫu lòng người đã vói tới mấp mé bên rìa cuộc biến thiên của Vô thủy Vô chung. Dù chữ nghĩa đã như xé rách hết mọi lớp vỏ để vét cho ráo cạn mọi nỗi niềm.

Người làm thơ đã vậy. Còn người đọc thơ, có mạo muội quá không?

Hay là đọc thơ rồi nín bặt, rồi chảy nước mắt như Trần Tử Ngang trên đài U Châu, một lần nào đó!

Thật vậy, ba cái thứ chuyện lấm lem máu me xương cốt thì thiệt tình làm sao tả ra cho hết được, thứ thương tích lút sâu trong tận cùng tâm thức... Máu trên da thịt còn lau khô rồi băng bó cho lành. Còn thứ máu-me-vô-hình mà lênh láng trong các trại tù nằm lẩn lút trên dãy Hoàng Liên Sơn ở ngoài Bắc hay Suối Máu trong Nam, ( v.v... và v.v...) đã ăn luồn tới hun hút trong đầu, trong tim, trong từng giọt mồ hôi chảy xuôi như suối, trong từng giọt nước mắt nuốt ngược vào lòng thì lấy gì mà nói, mà tả ra cho hết được, tầng tầng oan khuất đó.
Chữ nghĩa tới một mức nào rồi cũng phải đành bất lực.

Ta về như lá rơi về cội.
Bếp lửa nhân quần ấm tối nay.
Chút rượu hồng đây, xin rưới xuống,
Giải oan cho cuộc biển dâu này.

Đọc thơ Tô Thùy Yên có giải oan được chút nào cho những vết thương không chịu lành đó không. Câu hỏi bật ra như viên sỏi ném vào vực sâu không đáy. Làm sao có tiếng dội giữa mịt mùng! Mà tội gì phải hỏi thêm. Chỉ biết lòng người vốn độ lượng.

Thì, cũng đành... thôi vậy!

Ông Tô Thùy Yên làm thơ không ít. Thể cách từ tân thời tới cổ điển. Mà thôi sá chi mớ hình thức khi mới cũ gì cũng trên tay thiên hạ. Bất chợt nhớ thêm mấy câu thơ trong bài Góa Phụ.

Em chạy tìm anh ngoài cõi gió
Lửa oan khốc giỡn cười ghê hồn
Tiếng kêu đá lỡ long thiên cổ
Cát loạn muôn trùng xóa dấu chôn.

Chữ nghĩa quả là khốc liệt. Xác chữ thì cũ mà hồn chữ thì mới, hình ảnh thì quen mà góc nhìn lại lạ, âm điệu cổ điển mà tiếng vọng dội rền tới tận cõi quên, cứ làm bật dậy những xác đời đã tẩn liệm trong quan quách của thời gian.

Làm thơ như ông Tô quả là thốn-tâm-thiên-cổ. Thơ mới đã mấy ai chữ nghĩa như ông. Nghe nói ông rất khó với mình. Thơ làm có khi xóa tới xóa lui làm sực nghĩ tới người đục tượng cầm dao khắc đá. Chảy máu tay là chuyện thường.

Bởi vậy không lạ khi đọc thơ ông, từng chữ từng nghĩa cứ như xoáy, như ngoáy, như khoét làm rát buốt đến tận tâm can.

Rồi lại nhớ tới đời xưa, lời bàn của Mộng Liên Đường chủ nhân cảm thơ Nguyễn Du tới độ thấy lời văn tả ra hình như máu chảy ở đầu ngọn bút, nước mắt thấm trên tờ giấy, khiến ai đọc đến cũng phải thấm thía ngậm ngùi, đau đớn như đứt ruột. Thế thì gọi tên là Đoạn trường tân thanh cũng phải. (**)Ý là Truyện Kiều dài 3254 câu lục bát, có những câu thơ ... ơi là thơ. Và có những câu cứ như là những cái gạch-nối mấy câu... thơ.

Thơ của Tô Thùy Yên có nên gọi là Đoạn Trường Tân Thanh bản 2 chăng? Có nhận ra được với ông hết tận cùng cái tang chế của một thời đoạn trường mới chăng? Hỏi mà dường như câu trả lời đã hiện ra trước câu hỏi. Từ bây giờ. Và còn mãi mai sau.

Lịch sử đang tiếp tục quay đều cái vòng quay của nó, có khi dang tay ra cố hết sức kéo ngược lại mà chẳng được bao giờ.

Dẫu vậy, có ai bắt quên khi chứng tích còn sờ sờ ra đó.

Thì thôi, bắt chước ông Tô Thùy Yên :

Một lần kể lại để rồi thôi.


Người thức nghe buồn tận cõi xa.

Người thức nghe buồn tận cõi xa!

Cao Vi ̣ khanh


(*) Biểu dương-hãy biểu dương cùng tận
Vinh dự lầm than của kiếp người -TTY-
(**) Bài tựa Truyện Kiều viết năm 1820 của Mộng Liên Đường Chủ Nhân

- ĐỌC THÊM
Trích một đoạn phỏng vấn của Nguyễn Mạnh Trinh về thời ngục tù cộng sản sau
năm 1975

Nguyễn Mạnh Trinh:
- Khi bị đối phương cầm tù, tâm trạng thực của anh ra sao? Có giống như trong những bài thơ mà sau này anh đã viết ra không?
Tô Thùy Yên:
-Tôi nghĩ lại là đại để trong tù và tâm trạng trong thơ của tôi không khác nhau. Sau ngày 30 tháng tư năm 1975 khi đã vào tù rồi, tôi luôn luôn tự nhắc nhở mỗi một điều là hãy coi mình như đã chết và đây chính là phần posthumor life của mình Đời ta sáng mượn ánh tàn dư/ đến từ một hành tinh đã tắt nghỉ… Tất cả mọi nỗ lực nhiều khi vượt sức bình sinh của mình trong thế giới đày đọa đó là phải làm thế nào gìn vàng giữ ngọc, đương đầu với mọi kỹ thuật thâm độc nhằm hủy diệt nhân cách như là cái phần duy nhất còn lại của những người bại trận. Kẻ có liêm sỉ không vỗ ngực mình là người anh hùng trong một hoàn cảnh nghiệt ngã như vậy mà chỉ có thể hài lòng là mình đã chẳng gục mặt trước bạo quyền để phải nhục nhã về sau với bạn hữu.

 

 

Copyright © biển khơi & tác giả 1998-2023